Chương 3

     ả lớp đã biết tin Quyên được một giáo sư kèm học tại nhà. Ai cũng bảo thế nào Quyên cũng đậu cao kỳ thi này. “Dư luận” xôn xao đến không ngờ. Một điều xảy ra trái ngược là phía nữ sinh cũng bàn tán vì bản tính... tò mò thiên phú hoặc nói bóng gió nhau. Rồi thôi. Nhưng bên học trò con trai tuy bề ngoài dường như không mấy quan tâm nhưng thật sự lại ngấm ngầm một sự đổi thay. Quyên đẹp. Bởi đó Quyên là niềm hãnh diện của lớp. Nói đến C3 là phải nói đến đặc điểm của nó. Mà đặc điểm của nó là Quyên. Thành thử người ta muốn chiếm độc quyền. Ở một khía cạnh khác, tuy không anh chàng nào thú nhận, tên nam sinh nào cũng đã và đang dành ít nhiều cảm tình cho Quyên - Loài chim nhỏ bé và quí hiếm. Chim Quyên làm người ta ngẩn ngơ, biếng ăn, lười ngủ và lơ là với sách vở. Người xưa chả nói “nghe tiếng quyên khắc khoải năm canh” là gì! Ai cũng muốn Quyên là của mình, chỉ để ý đến riêng mình. Không cho Quyên nói chuyện với con trai lớp khác. Càng không để Quyên được những chàng xa lạ đưa đón hay “trồng cây si” ngoài cổng trường. Về tình cảm con người ích kỷ ghê lắm! Nay nghe tin một chàng sinh viên cao học văn khoa tới kèm Quyên học, ai chả tức. Họ ghen với sự may mắn, hạnh phúc của chàng đó. Dạy Quyên học ở nhà tức là được ngồi gần nàng, được nhìn sâu đôi mắt bồ câu đen láy và chiêm ngưỡng khuôn mặt trái xoan đài các của nàng, được nói chuyện riêng với nàng, được nghe giọng nói ngọt lịm của nàng... Những thứ mà học trò con trai trong lớp Quyên hằng mơ ước được hưởng. Chỉ một phần nhỏ thôi cũng đủ làm họ ngây ngất một đời. Để rồi “thơ học trò anh chất thành non. Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu”. Nhưng nay giấc mơ của họ đã bị một kẻ xa lạ phá đám. Không được. Và họ đã tìm cách phản ứng... ngấm ngầm! Thoạt đầu họ điều tra. Rất lẹ. Chỉ hai hôm sau là bọn con trai đã biết “lý lịch” của... kẻ địch - Đẹp trai. Học giỏi. Dáng dấp nghệ sĩ - Đúng là những thứ con gái thời nay thích. Và chính họ cũng thấy lo và kiêng nể địch thủ. Thế là từ đó, nếu ai để ý một chút sẽ thấy trong lớp C3 có một sự đổi thay. Có chàng khởi sự ngậm điếu thuốc trễ xuống ở đầu môi, để tóc rối bù mang vẻ bất cần đời hay tỏ ra lúc nào cũng suy tư, sống trong mơ mộng. Chàng khác lại tự nhiên đổi cách ăn mặc: quần áo bạc màu và lếch thếch - cho có vẻ bụi đời! Để có “chất nghệ sĩ”! Ngược lại có cậu lại diện thật “chic”, hợp thời trang; đầu chải láng và quần áo luôn thẳng nếp như mới lấy ở tiệm giặt ủi ra... Họ chịu khó tìm dịp để “nổi” nếu Quyên chú ý đến mình. Vào học cả gần tiếng đồng hồ, chốc chốc lại một anh con trai lững thững đi vào lớp. Giữa đám đông họ nói, cười to hơn. Nhiều chàng đang yên lành lại giơ tay đấm rầm rầm vào tường. Vẻ mặt tỉnh bơ. Chỉ có con trai lớp C3 là nhất. Và Quyên phải là của họ!
Những sự kiện trên không phải là Quyên không biết. Nàng buồn vui lẫn lộn. Những câu châm chọc của bạn bè, những lời bóng gió của đám con gái làm Quyên khổ tâm. Bỗng dưng mình trở thành cái đích cho tụi nó xầm xì. Ghét ghê đi! Con gái là chúa hay so sánh và ghen tỵ. Tuy nhiên trước những con mắt của nhóm nam sinh nhìn nàng si mê gần như mất thần Quyên lại thấy hãnh diện và vui đầy. Không có người con gái đẹp nào lại không cảm thấy tự kiêu về nhan sắc trời cho của mình. Đó là một quyền tự nhiên...
Nhưng điều làm Quyên suy nghĩ nhất - đến bây giờ vẫn chưa tìm ra lối thoát - là thái độ khác lạ của Lệ, bạn thân nhất của nàng. Mấy nhỏ khác, sau một thời gian ngắn, đã chán tham dự vào “kế hoạch” của Quyên. Hằng ngày chúng đến với Quyên nhưng rồi tất cả đều nhận ra rằng Huy đáng mến, tận tâm, tế nhị và bao dung nên thay vì phá đám lại khuyên Quyên hãy lợi dụng cơ hội may mắn để học hỏi thêm hẩu bảo đảm cho kỳ thi tú tài tới. Chúng còn bảo chúng thèm được địa vị của nàng. Hơn nữa đứa nào cũng còn có bổn phận riêng, bài phải học, sách vở phải làm, chương trình học ôn phải thanh toán xong... nên dần dà bỏ cuộc chơi. Chỉ mình Lệ còn lại. Đều đều mỗi sáng Lệ có mặt tại nhà Quyên. Khởi đầu Quyên mừng vì còn đồng chí, nhưng sau nghi ngờ. Lệ hay tìm dịp để được nói chuyện với Huy. Thường thường Lệ tới sớm, ngồi chơi ở ghế xích đu phía trước sân nhà. Ánh mắt Lệ thỉnh thoảng hướng ra phía cổng, như chờ đợi một cái gì. Và khi chuông kêu Lệ nhanh nhẹn ra mở cổng. Và rồi tiếng reo của Lệ: chú Huy! Quyên bắt gặp niềm vui trong đó. Và nàng cũng thấy thèm được gọi ông thầy bằng chú - như Lệ - như Thảo - nhưng ngượng miệng. Mộit lần Quyên hỏi Lệ:
- Mày có gì đổi khác?
- Gì đâu?
- Đánh mất vẻ hồn nhiên!
- Đâu còn trẻ con nữa!
- Từ bao giờ?
Lệ làm thinh, thoáng chút bối rối. Quyên nói trách móc:
- Hằng ngày tao vẫn... “được” kèm trẻ tại gia. Một tháng rồi.
- Ráng học đi mày!
- Lạ vậy?
- Được học thêm như mày là... sung sướng nhất đời rồi!
- Sung sướng gì?
Ánh mắt Lệ quay đi, mông lung nhìn trời xanh. Một dấu hỏi thật to, in đậm trong tâm trí Quyên từ đó. Và nàng như thấy mùa thu tới sớm với những sợi tơ hồng giăng mắc từ ngoài cổng, trong vườn hoa và vào tới phòng khách nhà nàng. Phải thế không hả Lệ?
- Gớm mơ mộng dữ!
Tiếng nói trong trẻo vang bên tai Quyên. Nàng quay lại. Lệ yểu điệu trong chiếc áo dài hoàng yến. Mặt hình như có thoang thoáng chút phấn và viền mi vẽ đen, bao quanh cặp mắt long lanh. Nhỏ này sao hôm nay diện thế này. Nghĩ vậy nhưng Quyên lại hỏi khác:
- Tới sớm vậy mày?
Nhận ra mình đã hỏi hớ, Quyên vội chữa lại:
- Hôm nay mày đẹp dễ nể. Đi phố hả?
Nhưng không để ý đến những thắc mắc của Quyên, tay vân vê sâu chuỗi hạt trai, Lệ lim dim đôi mắt:
-... Chú Huy chưa tới à?
Lại Huy. Lúc nào cũng Huy đầy ắp trong đầu. Nó thích. Minh ghét. Thật chán. Quyên trả lời hờ hững:
- Chưa!
Rồi Quyên nhích sang một bên nhường đầu ghế xích đu cho Lệ. Những bàn chân cùng đong đưa, những cặp mắt cùng đậu trên các bông hoa mới nở, nhưng đầu óc của mỗi người hẳn đang theo đuổi những ý nghĩ khác nhau.
- Tao muốn nói mày một chuyện.
Quyên quay nhanh lại, nhìn Lệ chăm chú:
- Gì?
- Nhưng tao ngại quá. Sợ mày không bằng lòng.
- Học ai cách rào đón vậy?
- Nhưng...
- Nói đi!
- Tao muốn... học chung với mày!
Quyên giật mình; tay nắm chặt sợi dây xích. Mi nói gì nghe lạ vậy nhỉ? Đừng đùa lớn vậy chứ. Nàng nhìn sâu vào đôi mắt của Lệ. Đôi mắt ngay ngất say ấy làm Quyên hơi bàng hoàng. Nàng cười với riêng mình. Không lý điều mình phỏng đoán lại đúng.
- Tai sao mày cười, Quyên?
- Đừng ngu!
- Tao suy nghĩ kỹ rồi!
-...
- Tao thấy chú Huy... dạy giỏi, “suya” là giúp tụi mình thi đậu.
Hàm răng nở nhỏ cắn vành môi, Quyên có vẻ suy nghĩ. Đó chỉ là lý do bên ngoài, điều mi không dám nói ra mới là quan trọng. Quyên lấy chân đẩy mạnh. Chiếc ghế xích đu vọt lên cao. Lệ kêu lên: khỉ ạ, ngã cả lũ bây giờ. Quyên cười thành tiếng, lắc lắc đầu cho suối tóc tung bay. Có đôi chim bồ câu nhà hàng xóm đang đứng mớm nhau trên bờ tường. Tiếng Lệ nói lớn:
- Mày chịu không?
- Gì?
- Học chung với mày.
Quyên đặt vội chân xuống. Chiếc ghế khựng lại bất ngờ làm bật ngửa thân hình của hai người. Giọng Quyên nghiêm lại:
- Với tao không thành vấn đề, nhưng...
- Nhưng sao?
- Biết chú Huy... có chịu không?
- Sao không?
- Dạy thêm đứa nữa đâu phải chuyện chơi!
- Thì cũng một lần nói.
- Nhưng...
- Mày ngại à?
- Không phải... tao thấy... khó quá!
- Khó sao?
- Chú í... không bằng lòng!
- Để tao nói với chú í!
Chiếc ghế xích đu đong đưa chậm chạp. Chợt tiếng chuông cổng reo. Như bị điện giật, cả hai người đứng bật dậy. Nhận ra sự vô ý thức của minh, Quyên bẽn lẽn ngồi xuống lại. Lệ chạy ra. Quyên bĩu môi, khó chịu.
Huy dẫn xe vào sân. Gió ngoài đường thổi bồng mái tóc nghệ sĩ. Lệ xun xoe bên Huy, hỏi những chuyện trời mây. Dường như Huy cười nhiều hơn nói, chỉ trả lời qua loa. Tới trước Quyên, Huy bảo:
- Vào học, cô Quyên.
Nàng thẫn thờ theo chân Huy vào phòng khách. Lệ cũng có mặt, nhiều lúc định nói gì nhưng vẫn chưa bắt chuyện được. Huy không để ý. Hai tuần lễ nay ngày nào Lệ cũng ngồi phía xa, nhìn Huy dạy học. Lúc đầu Huy thấy khó chịu, nhưng sau phớt lờ, cho rằng các cô bé ở tuổi mới lớn có nhiều chuyện ngược đời, lẩm cẩm đến chết được, hơi đâu mà tìm hiểu:
- Cô Quyên làm bài chưa?
Đang tức trong lòng - dù không biết rõ tức cái gì, tức ai, Huy hay Lệ? - Quyên làm thinh, cắn móng tay. Huy lập lại:
- Làm bài chưa, cô Quyên?
Nàng uể oải:
- Rồi!
- Đáng khen!
- Làm rồi... nhưng mới xong... một nửa!
Huy cười:
- Hết đáng khen!
- Đáng tiếc!
- Thôi vào lấy sách vở ra.
Tới phòng, Quyên khựng chân lại, lắng tai nghe những câu đối thoại ngoài phòng khách.
Tiếng Lệ:
- Lệ muốn được chú kèm. Như chú đang kèm Quyên.
Một chút đắn đo, tiếng Huy:
- Hãy hỏi ý kiến trước của ông bà ở đây và của cô Quyên nữa.
- Còn chú?
- Sao cũng được!
Trong phòng, Quyên cắn chặt môi, hơi giận. Sao cũng được, dễ dãi dữ. Nàng nheo mắt nhìn qua lỗ gạch hoa. Lệ đang ngồi đối diện với Huy, chỗ Quyên vẫn ngồi. Một cái gì nghẹn nghẹn dâng lên tận cổ, Quyên chớp mắt, cúi xuống. Tiếng nói chuyện bên ngoài tuy nhỏ nhưng vẫn đủ sức len vào tai nàng:
- Lúc nãy Lệ đã hỏi nhỏ Quyên. Nó bằng lòng.
- Cô Quyên vẫn nổi tiếng thương bạn bè!
- Để lát nữa Lệ sẽ thưa chuyện với ba má nhỏ Quyên. Như vậy được không chú?
- Sao cũng được!
- Nghĩa là sao?
- Thì... sao đó!
- Chú nói vậy làm sao Lệ biết mà mò?
Huy cười. Trong phòng, mắt Quyên long lanh lo lắng, không giấu được. Không chần chừ, Quyên lấy vội mấy cuốn tập, hắng giọng, bước ra. Quả thật, Lệ ngưng nói. Quyên làm ra điệu vui vẻ:
- Bài làm của Quyên đây!
Lệ trả ghế cho Quyên. Quyên không từ chối, ngồi xuống liền. Huy ra hiệu, một cử chỉ mời mọc:
- Trong khi chờ, cô Lệ cứ ngồi đây.
Mở mắt lớn, Quyên làm bộ ngạc nhiên:
- Chờ đợi gì, thầy?
Huy lắc đầu:
- À, à... chuyện người lớn!
- Bộ thầy vẫn coi Quyên là con nít?
- Cô ra đường làm gì lỗi, hai bác vẫn chịu trách nhiệm như thường!
- Thầy khinh Quyên quá. Không thèm học nữa!
Huy nhìn Quyên. Người con gái nào giận dỗi cũng dễ thương. Huy thoáng chóng mặt, ngó xuống cuốn tập mở đôi trên mặt bàn:
- Đừng giận. Mau già lắm!
- Thèm giận!
- Thế thì học. Bữa nay nghỉ sớm một giờ. Tôi bận!
Quyên quay mặt lại; lần đầu tiên cô bé nhìn Huy không chút ngượng ngùng, e thẹn, bỗng chúm chím cười. Huy hỏi:
- Sao cười?
- Thầy cấm à?
- Đang yên cười!
- Có lý do chứ!
- Gì?
- Bí mật!
Từ nãy Lệ ngồi nhìn hai người cười nói, có cảm tưởng mình bị bỏ quên. Nước mắt cứ chực vượt khỏi bờ mi. Nàng muốn tức giận đứng lên đi về nhưng một sức mạnh vô hình kềm giữ, không để nàng thực hiện ý định.
Một tiếng đồng hồ sau, trước khi bước xuống thềm gạch, Huy nói với Lệ:
- Cô nhớ hỏi ý kiến ông bà ở đây.
- Dạ...
Huy đi rồi, Quyên ngồi xuống cạnh Lệ:
- Tao đố mày ông í bỏ về sớm làm gì?
Lệ đưa tay lên vuốt tóc; một cử chỉ mệt mỏi, hơi bất mãn, nói giọng đẫn đờ:
- Tại... bận!
- Mày ngây thơ. Ông í có hẹn với đào!
Đôi mắt Lệ chợt thay đổi, khác lạ:
- Nói nhảm!
Bênh hả? Một cây giờ giấc và “recglo”, tự nhiên phá bỏ luật lệ ắt phải có một cái gì ghê gớm lắm.
- Tỷ như mắc công chuyện không được à?
- Không chuyện gì quan trọng bằng hò hẹn.
- Đoán mò!
- Lại bênh!
Nói xong Quyên nheo mắt cười. Bất giác Lệ cũng cười theo. Nhưng chắc hẳn mỗi người có lý do riêng cho nụ cười của mình.
- Thôi tao về.
- Ủa, không chờ bà bô tao?
- Thôi để chiều tan hôc tao ghé thưa chuyện với cả hai bác luôn.
Nhìn bóng Lệ đổ xiêu xiêu trên sân gạch, Quyên thấy thương bạn. Thời gian như lắng đọng ở cái không khí oi bức của buổi trưa đầy nắng. Quyên nghe rõ tiếng tim mình đập trong lồng ngực, mơ màng nhìn hai con bồ câu đứng rỉa lông cho nhau trên bờ tường nhà hàng xóm. Hình ảnh này theo nàng vào tận trong phòng, cả khi nàng đã ngồi nghe những điệu nhạc cồ điển tây phương.
Tự nhiên Quyên thấy buồn. Thật vu vơ.

*

Trời mưa rả rích suốt từ nửa đêm về sáng. Quyên tỉnh giấc, thú vị nằm nghe những giọt nước tí tách trên mái nhà. Nàng ngại dậy đóng cửa sổ, để mặc gió thổi tung cả mùng, thỉnh thoảng bắn mưa vào tận mặt. Chuông đồng hồ báo thức gọi dậy học, Quyên cảm thấy lười vô cùng. Nàng nói thầm nằm thêm chút nữa rồi dậy, chưa muộn... nhưng rồi vẫn không thắng nổi hơi ấm quyến rũ của chiếc chăn. Mãi đến bảy giờ hơn, Quyên mới thò chân xuống đất. Rửa mặt mũi xong Quyên lại trở về phòng nhưng không cầm nổi cuốn sách, quyển vở để ôn bài.
Ngoài trời, gió chuyển mình. Mưa rơi nặng hạt. Quyên ngồi tựa đầu vào song cửa sổ, mơ màng nhìn bầu trời trắng đục và những cành cây đứng ủ rũ, trĩu nước. Nàng mơ hồ nghe tiếng máy xe hơi của ba nổ và tiếng em Thảo léo nhéo gọi chị Ba lấy áo đi mưa. Cả nhà có lẽ nghĩ Quyên đang học thi như mọi sáng nên không ai hỏi han nàng điều gì. Quyên lại thấy dễ chịu. Vào tuổi mới lớn người ta thích sống trong một “thế giới riêng”, được tổ chức cuộc sống, xếp đặt công việc theo ý muốn, tự do quyết định đường đi của mình. Trước đây cũng vì hiểu như vậy nên ba va mẹ đã dành riêng cho nàng một căn phòng xinh xinh. Ngày đầu bước chân vào “thế giới riêng” này Quyên đã thấy mình trở thành người lớn, xa rời khỏi tầm tay chăn dắt của cha mẹ. Nhưng Quyên hãnh diện.
Bà Giang, có lẽ cũng ngại trời mưa, không ra khỏi nhà như mọi sáng, lúi húi dọn dẹp mấy tủ quần áo.
Mưa vẫn rơi...
Căn nhà trở nên trống vắng. Quyên nghĩ trong đầu thế nào sáng nay cũng được nghỉ học, mưa thế này chắc Huy không tới. Mấy khi được “xả hơi” với anh chàng nghiêm khắc như ông cụ non này. Nàng mỉm cười rồi lại nhìn mưa bay bay.
Chị Ba giúp việc đứng ngoài cửa phòng hỏi vọng vào: “cô Quyên dùng chi để tui đi mua”. Nàng trả lời: “chị cho tôi một cốc sữa đủ rồi”. Ít phút sau Quyên đã có trước mặt vật vừa xin. Khói từ ly sữa bốc lên làm Quyên mờ cả mắt. Nàng uống từng ngụm nhỏ. Chất nóng lan khắp thân thể. Chưa lần nào Quyên thấy sữa ngon như sáng trời lạnh này.
Quyên với tay mở chiếc thâu băng. Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều, nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn và cơn đau này vẫn còn đây... Tiếng hát nhễ nhại của người nữ ca sĩ dễ đưa người nghe vào quên lãng. Đôi mắt lim dim, Quyên thả hồn trong mộng tưởng. Giá lúc nào cũng thảnh thơi như thế này thì cuộc đời thú vị biết bao. Học hành, thi cử, tính toán làm cằn cỗi con người và cuộc sống... Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều. Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo... Xin một lần vẫy tay chào nhau, thôi dòng đời đó, cuốn người theo...
Bỗng có tiếng chuông - nhoè nhoẹt trong tiếng mưa rơi - Quyên choàng tỉnh, tắt vội máy hát, đứng lên. Những câu hỏi thoáng hiện, rất nhanh, trong tâm trí nàng. Ai tới? Huy? Chắc không phải. Thường tiếng xe gắn máy anh chàng nổ lớn như phá làng xóm, không lý sáng nay lại êm ru? Chỉ có nhỏ Lệ! Đúng rồi! Nhỏ này ghê thật. Mưa tầm tã mà cũng mò đến, hết đường chối cãi mí ta, nghe nhỏ. Quyên ra khỏi phòng vừa đúng lúc chị Ba giúp việc từ dưới bếp chạy lên. Quyên đỡ chiếc nón lá trên tay chị Ba:
- Để tôi ra mở cổng cho nó.
- Ai vậy cô?
- Con Lệ!
- Chờ tui lấy thêm cho cô cái áo mưa.
- Không sao!
Nói xong Quyên lao mình ra ngoài. Những giọt mưa thi nhau nhẩy lốp đốp trên chiếc nón lá, tạo thành những âm thanh ròn tan như bắp rang. Đã định bụng sẽ trêu Lệ ngay khi nó bước chân vào, nên cánh cửa mới hé mở Quyên đã la lớn:
- Mày!...
Nhưng những âm thanh kế tiếp bị tắc nghẽn lại vì người đứng trước mặt Quyên không phải Lệ mà là Huy. Quyên trợn mắt, há miệng kinh hoàng. Nếu không có tiếng nói của Huy chắc có lẽ nàng sẽ đứng bất động không biết đến bao giờ:
- Đi vào nhà không ướt, Quyên!
Định thần lại Quyên mới để ý tới Huy. Đầu tóc, mặt mũi anh chàng ướt sũng. Chiếc áo mưa dường như quá mỏng không đủ che chở cho người mang nó. Quyên thoáng thấy xúc động và nhen nhúm chút thương hại. Vừa lấy khăn tay lau mặt, chải lại mái tóc, Huy vừa cười nói:
- Xin lỗi đã tới muộn!
Quyên vẩy chiếc nón cho rụng những giọt nước còn đọng lại chung quanh viền, hỏi lảng sang chuyện khác:
- Sao thầy không đi xe?
- Dọc đường bị ngập nước nên tắt máy.
- Thế xe bây giờ đâu?
- Vứt ở lề đường, lát về lấy.
Quyên trợn tròn mắt:
- Mất sao?
- Ai mà thèm chiếc xe cổ lỗ sĩ đó! Để bẩy ngày ngoài đường cũng không kẻ nào ngó tới nữa là...
Rồi Huy cười:
- Hơn nữa nếu quân gian có đạp máy, ở đây mình cũng... nghe thấy, đuổi theo cũng kịp chán!
Quyên cười theo:
- Chịu thầy!
Đúng lúc đó bà Giang từ trong nhà đi ra thấy Huy, bà chép miệng:
- Rõ khổ chưa, mưa thế này cậu giáo không nghỉ ở nhà một bữa!
Huy nhũn nhặn:
- Thưa bác, không sao ạ!
- Rồi ốm đau ra đó chả bõ!
- Cháu quen đi mưa rồi.
- Dù sao cũng phải giữ gìn!
Nói xong bà quay sang Quyên:
- Đó, con phải lo mà học, cậu giáo đã không quản ngại...
Không để mẹ nói hết câu, Quyên vội át đi:
- Thì con vẫn học chăm chứ. Không tin mẹ hỏi... cậu giáo xem!
Dứt lời Quyên nhìn Huy - cười bằng ánh mắt - như thầm bảo người ạ, đừng lợi dụng tình thế đấy nhá!
Chợt Huy dáo dác:
- Ủa, cô Lệ không tới à?
Câu hỏi của Huy làm chùng khuôn mặt đang vui của Quyên. Không ai nhận ra. Bà Giang nhìn ra ngoài sân:
- Chắc cô ả ngại mưa chứ gì!
Giọng Quyên tiếp nối, nửa như trách móc, nửa mỉa mai:
- Chứ ai như cậu giáo, mưa cũng tới!
Lững thững trở vào nhà trong, bà Giang nói vọng lại:
- Vậy lo mà học, cô ạ!
Huỹ đã ngồi vào chỗ mọi khi. Quyên còn đứng thả mắt lơ đãng qua khung cửa sổ.
- Học cô Quyên!
Vẫn giọng trĩu nặng, Quyên đi vào ghế:
- Thiếu Lệ cũng học hả... cậu giáo?
- Nhân vật chính là Quyên!
- Hân hạnh quá!
Huy kín đáo nhìn sang Quyên:
- Từ nãy đến giờ đã ba lần bắt tôi là... “cậu giáo” rồi đấy nhá!
- Thầy không thích cái tên đó?
- Danh xưng không quan trọng, nhưng sợ... người ta hiểu “cậu” có nghĩa là “cậu em” rồi tha hồ... bắt nạt!
Đang bực tức vu vơ Quyên cũng không giữ được đôi môi chúm chím cười. Hèn chi sáng nay trời mưa bão, “Linh hồn tượng đá” đã biết... nói đùa dí dỏm. Quyên ngó ngay vào mắt Huy:
- Cho Quyên gọi thầy bằng... chú nhá!
- Xin can!
- Thế sao nhỏ Lệ mí con Thảo gọi được?
Ngón tay trỏ khẽ nhịp trên đầu gối, Huy nói thật chậm nhưng lại tránh ánh mắt của cô học trò đối diện:
- Quyên phải... đặc biệt hơn những người khác chứ!
Quyên chau mày:
- Nghĩa là sao thầy?
Huy không trả lời, lấy sách để trên mặt bàn:
- Thôi học, “giải trí” như vậy đủ rồi!
Nhưng Quyên vẫn không chịu - tính con gái bao giờ chả dai:
- Không có Lệ vẫn cứ học, thầy?
- Đã nói rồi, Quyên mới quan trọng!
Quyên vươn vai, nói vu vơ; ánh mắt vẫn đậu trên khuôn mặt Huy:
- Nhớ nhỏ Lệ ghê nơi!
Huy không hiểu cô bé muốn nói gì. Con gái chúa là rắc rối. Lấy lại nét nghiêm nghị thường ngày, Huy khởi sự giảng bài. Sáng nay chàng cảm thấy thoải mái hơn, không bị “cặp mắt khó hiểu” của Lệ nhìn đăm đăm.
Nhờ nói khéo, với những lý do xác đáng (như muốn học với Quyên cho có bạn - như ở nhà các em phá quá học không được - như sợ thi không đậu... ) Lệ đã được ông bà Giang vui vẻ chấp nhận cho học chung với Quyên sau khi hỏi ý kiến Huy. Dĩ nhiên chàng khó có thể từ chối, nhưng đồng thời chàng cũng nghĩ rằng có thêm một hay ba bốn học trò nữa cũng chẳng sao vì trước sau cũng phải một lần giảng, hơn nữa biết đâu có bạn, Quyên sẽ ganh đua học, bớt bướng bỉnh và bớt “dở chứng bất thường”. Nhưng dần dần Huy nhận ra điều mình ước đoán đã không được thực hiện. Lệ không còn những nét tươi trẻ, hồn nhiên như ngày đầu tiên chàng gặp trong nhà này. Ánh mắt Lệ thật khó hiểu khi ngồi nghe chàng giảng bài khiến đôi khi Huy phải nhìn đi nơi khác. Chàng vẫn tự nhủ các cô bé mới lớn thường hay... lẫn lộn lắm, dễ ngộ nhận tình cảm của mình nên phải hết sức... đề phòng. Bên ngoài Huy cồ giữ vẻ tự nhiên, cái tự nhiên của một người lớn, của bậc đàn anh!
Tuy nhiên điều làm Huy băn khoăn hơn là thái độ của Quyên. Cô bé thật thông minh. Khởi đầu những ngày học chung với Lệ, Quyên vui lắm và thường khều Lệ nói chuyện cố ý gây sự bực tức cho Huy. Biết trước “kế hoạch” của cô bé, chàng vẫn giữ được vẻ điềm nhiên đồng thời tăng hơn nữa sự tận tâm. Một điều khá may là Lệ không nhiệt tình tham dự vào “trò chơi” của Quyên, nếu có chỉ là miễn cưỡng. Có lẽ vì thế Quyên đã nghi ngờ nhỏ Lệ. Từng cử chỉ, ánh mắt và lời nói của Lệ đều không thoát khỏi cặp mắt tinh ranh của Quyên. Cô bé tỏ ra thú vị với trò chơi trinh thám này. Huy lại càng phải giữ ý tứ hơn. Đến nay dường như có một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cô bé. Huy đọc được trong những con mắt những tình cảm vu vơ, thay đổi bất chợt và thật bất ngờ. Huy không hiểu nổi. Tự nhiên nhiều khi chàng trở thành đối tượng của những giận hờn, ghen tuông bóng gió, những hằn học nhè nhẹ. Hơn một tuần lễ sau Huy chưa kịp mừng khi nhận ra Quyên bỗng dưng chăm học lạ lùng thì lại lo âu thấy cô bé tỏ ra lầm lì và hay hờn mát. Có trời họa may mới hiểu nổi các cô bé mới lớn. Và Huy mong thời gian đi mau, chóng đến kỳ thi của các cô bé để chấm dứt thời gian làm nạn nhân bất đắc dĩ của các con mắt ưa... lộn xộn và của những bực bội vô cớ đổ xuống đầu chàng!
Mưa vẫn rơi rả rích. Thường mưa Sài Gòn ào ạt và chóng tạnh, chắc tại có rớt bão ở đâu nên hôm nay mới dằng dai.
Huy đã giảng bai xong cho Quyên nhưng chưa ra về vì cô bé giữ lại. Mưa thế này mà thầy cũng đòi về à? Thầy nán lại đi Quyên nói cho nghe chuyện này hay lắm cơ. Huy chiều theo, hỏi chuyện gì? Quyên chỉ cười, vào nhà rót hai ly nước trà nóng. Một cho Huy và một cho mình. Huy thấy nhạt miệng, thèm hơi ấm của điếu thuốc:
- Cô Quyên chịu được khói thuốc không?
- Thầy cứ tự nhiên. Quyên thích nhìn người khác hút thuốc.
- Chi vậy?
- Để biết người đó thuộc “típ” nào.
Huy hít liền mấy hơi thuốc, ngửa cổ thả khói từ từ, đưa mắt nhìn Quyên:
- Thử đoán xem.
Quyên chúm chím cười:
- Này hé, những người cầm điếu thuốc ở giữa, thuộc loại đam mê, thích cái gì đó thì theo đuổi đến cùng. Người ngậm thuốc có vẻ... tham lam lại có tính đắn đo, suy tư. Để khói thuốc... tự do bay ra, dấu hiệu của mơ mộng, lãng mạn!
- Thế tôi thuộc “thành phần” nào?
- Tất cả vừa kể!
- Nhiều thế?
- Đúng không đã?
- Ờ... ờ... đại khái!
- Đại khái nghĩa là sao?
- Có thể làm thầy bói... thất nghiệp được!
Hai người đều cười thanh tiếng sau câu nói đó. Lần đầu Quyên được nghe giọng cười của Huy. Nàng thấy nó ấm, truyền cảm. Huy nhìn Quyên qua khói thuốc; cô bé không quay đi:
- Lúc nãy cô Quyên bảo sẽ kể cho nghe một chuyện gì hay đâu?
Nàng làm thinh. Huy nhắc lại ba bốn lần Quyên mới ngập ngừng:
- Hôm nay... Quyên thấy thầy có vẻ... lo ra nhiều. Thầy có... chuyện gì phải không?
- Đừng làm thầy bói!
- Thầy đọc sai nhiều chỗ. Thơ của Tản Đà thầy cứ nói của Cao Bá Quát!
- Ờ... ờ...
- Quyên biết tại sao rồi!
- Sao?
- Không có... Lệ nên thầy... mất hứng giảng!
- Nói nhảm cô bé!
Huy dụi mạnh điếu thuốc cháy dở vào chiếc gạt tàn. Chàng không ngờ cô bé có thể nói một câu bạo dạn đến thế. Không chút ngượng ngùng, không giống như những cô gái khác thẹn thùng hay không bao giờ dám đá động tới chuyện tình cảm trước người khác phái. Huy với chiếc cặp và chàng biết mình phải đứng lên rời khỏi nơi đây:
- Chết, phải đi lấy chiếc xe vứt vệ đường!
- Hồi nãy thầy nói có để bảy ngày cũng chả có ai thèm lấy!
- Biết đâu... tụi giang hồ có nể gì ai!
- Nhưng còn mưa lớn!
- Không sao!
Huy mặc vội chiếc áo mưa. Quyên đăm chiêu theo dõi các cử chỉ đó. Cổ áo mưa bẻ lên làm Huy giống một điệp viên; tóc chảy trên đài trán; khuôn mặt nhìn ngang của Huy coi thanh tú. Quyên cũng đứng lên, cười nói:
- Lớp của Quyên biết thầy hết rồi. Bọn con trai khen thầy giống tài tử!
- Không ham!
Huy cười thầm, đừng đùa nữa cô bé ạ, và bước hẳn xuống thềm. Quyên bước theo, xoè tay chắn mưa rơi trên mặt. Huy la lớn:
- Vào, ướt hết bây giờ!
Cô bé không nói gì, mãi đến khi Huy bước khỏi cổng mới có tiếng gọi giật lại:
- Thầy!
Bước chân Huy khựng lại. Có những hạt mưa đậu trên tóc, trên mặt của Quyên. Huy nhận ra rõ ràng cô bé đã lớn. Chàng đưa tay gạt nước đọng trên tròng kính để khỏa lấp nét luống cuống của mình.
Quyên bặm môi, nhìn Huy:
- Thầy đừng giận câu chuyện... lúc nãy, nhá!
Để giọng thật chùng, Huy nói nhỏ:
- Quyên vào đi, không ướt!
Rồi chàng quay gót. Dù không ngoái cổ lại Huy cũng biết là Quyên vẫn còn dõi theo chàng cho đến khuất. Tự nhiên Huy chợt nghe một chút ngậm ngùi nhè nhẹ.
Mưa vẫn nặng hạt.

*

Năm ngày sau.
Lệ nhỏ nhẹ thưa với Huy:
- Mấy bữa nay Lệ đau không tới được, nhưng cũng không biết làm cách nào xin phép... chú.
Huy tự nhiên:
- Lệ đau gì vậy?
Quyên cướp lời bạn; giọng ỡm ờ:
- Nhỏ Lệ “cảm”... thầy!
Có lẽ không hiểu câu nói hai nghĩa của Quyên, cũng không để ý cái lườm nguýt của Lệ, Huy tỉnh bơ hỏi:
- Thế đã khoẻ hẳn chưa, Lệ?
Lại một lần nữa Quyên nhanh miệng hơn:
- Nó chờ thầy cho mấy viên thuốc “cảm” đấy!
Lệ “hứ” rồi quay mặt ra sân. Quyên tủm tỉm cười, Huy nhìn đồng hồ tay, thấy đã quá giờ học, vội vàng:
- Chúng ta bắt đầu học. Bài của cô Quyên đâu?
Đưa mắt len lén nhìn ông thầy, Quyên ngập ngừng:
- Quyên... chưa làm!
Huy hơi nhíu mày, nghiêm giọng:
- Hai ba ngày nay rồi, cho bài nào cô cũng không làm. Cả buổi tối qua làm gì mà không dành chút thì giờ làm bài?
Quyên còn đang cắn ngón tay, Lệ đã “phản công”:
- Nó “bận”... thầy ạ!
Huy thành thật:
- Bận gì thì bận, bổn phận là trên hết!
Lệ nói nhanh:
- Nó bận... viết thư cho anh chàng Vĩnh cận ở lớp!
Câu bịa đặt (cốt để trả thù Quyên) táo bạo và bất ngờ của Lệ ném Quyên vào khoảng không. Nàng chới với. Cơn tức giận dâng tràn lồng ngực. Quyên nhìn Lệ, hằn học nhưng không nói được lời nào. Nước mắt tự nhiên ứa ra lăn dài trên má.
Huy bàng hoàng, không biết xử trí ra sao. Lệ thoáng chút hối hận. Không khí trở nên nặng nề. Tiếng quạt trần vù vù trên đầu càng làm tăng thêm sự khó thở trong phòng khách. Ngoài khung cửa nắng đã lên cao, phả hơi nóng nực.
Bằng một giọng trầm ấm, trang nghiêm nhưng thân mật, Huy nói như tâm sự:
- Chúng ta chỉ còn rất ít thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều người, nhất là ba má, đặt nhiều hy vọng vào chúng ta. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta hãy nghĩ đến chính chúng ta. Nói một cách thực tế, ta học cho chúng ta. Nếu bảo học là để giúp ích gia đình, xã hội, quê hương thì... cũng đúng đấy, nhưng xa vời. Vậy hãy lấy chính bản thân mình làm động lực. Sau này cuộc đời có đẹp, có khá hay không là tuỳ thuộc vào hiện tại, vào cuộc sửa soạn bằng sách vở này... Nhiều khi vì... tự ái không đúng chỗ, vì một... tình cảm bồng bột nào đó, ta bỏ rơi bổn phận học trò, tức là ta tự ý hủy diệt tương lai...
Lệ rụt rè cắt ngang lời Huy:
- Nhưng... thi cử làm... khô khan cuộc sống!
Huy gật đầu:
- Đúng vậy, thi cử không những làm khô khan cuộc sống như cô Lệ vừa nói mà còn tạo ra một tâm trạng cầu may và mất tự tin. Nhưng biết làm sao được khi xã hội chưa nghĩ ra được tiêu chuẩn hữu hiệu nào khác để chọn lựa. Ở các nước chậm tiến hay tại các quốc gia văn minh, khi chúng ta đi đâu, xin việc gì... thì bao giờ trên các phiếu lý lịch cũng có các câu hỏi về văn bằng hay học lực. Người ta đã xếp hạng nhau dựa vào bằng cấp. Dù có tư tưởng tiến bộ đến đâu đi nữa, chúng ta cũng vẫn bị ràng buộc vào những điều kiện cổ hữu đó. Bởi vậy đừng lơ là với sách vở mà... sau này hối hận!
Lệ mạnh dạn:
- Nhưng... Lệ nghĩ con gái thì cần gì học nhiều? Lấy chồng là hết! Không lý đem bằng cấp ra... dọa con cái? Hay nấu bếp đem công thức toán ra áp dụng? Nội trợ bằng những bài vạn vật, sử địa...?
Huy điềm đạm:
- Đó là một ngộ nhận của thời xa xưa. Trong thực tế hiện tại, người phụ nữa không còn bị ràng buộc trong bốn bức tường nhưng đa số đã “nhập” vào xã hội, làm việc chung với nam giới trong mọi lãnh vực. Bằng cấp đã là phương tiện, tôi nói là phương tiện thôi đấy nhá, giúp họ tiến thân trong cộng đồng xã hội... Còn bảo người con gái không cần học nhiều vì lập gia đình là hết, thì lại lầm nữa. Đã đành sau khi rời ghế nhà trường, chúng ta sẽ không còn áp dụng đến những định lý toán học, những “cos, sin” hay thực hiện những cách cấu tạo của của các hóa chất... nhưng không ai có thể phủ nhận là các môn học đã tạo cho chúng ta một kiến thức tổng quát, một căn bản tư tưởng, một nền móng phán đoán, suy luận, cung cấp cho chúng ta những giải đáp, những lối thoát trước cảnh ngộ. Nói tóm lại học tức là “đầu cơ” trong hiện tại để “kiếm lời” trong tương lai, trên hầu hết lãnh vực của cuộc đời...
Từ nãy Quyên ngồi im, đầu hơi cúi; suối tóc dài chảy xuống che gần hết mặt. Tuy cơn hờn giận còn đầy ấp trong ngực, Quyên vẫn không bỏ sót lời nói nào của Huy. Giá như lúc khác, Quyên đã “tranh luận” sôi nổi với Huy. Trong khi đó đôi mắt Lệ không lúc nào rời khuôn mặt Huy. Đôi mắt có làn khói nhạt giăng ngang.
Huy đã dành trọn vẹn giờ học để nói về những vấn đề học vấn và cuộc đời, những thứ khô như củi và mang “màu-đạo-đức-học”; những thứ mà lúc thường Huy rất ngại đề cập đến. Nhưng sáng nay, hoàn cảnh đã buộc Huy phải nói để rồi sự chăm chú nghe của học trò, Huy được đà, cảm hứng để thao thao gần hai tiếng đồng hồ.
Cuối cùng, trước khi đứng lên, Huy dặn lại:
- Cô Quyên nhớ làm bài cũ tôi cho hôm trước!
Và quay sang Lệ, Huy nói:
- Cô Lệ mượn tập của Quyên mà chép đề tài!
- Dạ...
Huy ra về rồi, căn phòng rơi vào bầu không khí nặng chịch. Im lặng. Lệ bối rối, muốn phá vỡ sự ngạt thở nhưng ngượng ngập. Còn Quyên, nàng vẫn ngồi trong thế bất động; vẻ mặt lầm lì. Tiếng quạt trần như trêu cợt hai kẻ đang giận nhau, kêu vù vù lớn hơn. Chiếc đồng hồ quả lắc trên tường reo lên một điệu nhạc ngắn. Bên hàng xóm, không hiểu nhà nào nổi hứng vặn máy phát thanh kêu oang oang, chói tai.
Một lúc sau, Lệ đành lên tiếng trước:
- Cho tao... chép đề tài!
Quyên làm thinh. Lệ nói tiếp:
- Chú Huy bảo tao... mượn tập của mày!
Quyển vở vẫn nằm chờ đợi trên mặt bàn, gần vòng tay của Quyên, giọng Lệ đã có chút giận dữ:
- Mày có cho tao mượn không?
-...
- Được rồi, tao sẽ mách chú Huy. Đừng trách tao!
Câu dọa nạt của Lệ như giọt nước thêm vào chiếc cốc đầy, Quyên cầm cuốn tập, mím môi, xé toạc. Gió thổi tung tóe những tờ giấy tội nghiệp trên sàn gạch. Lệ tím mặt, hất hàm:
- Không thèm!
Quyên gằn giọng:
- Đừng nhìn mặt tao nữa!
- Không thèm!
- Đừng nói chuyện với tao nữa!
- Không thèm!
- Đừng bước chân tới đây nữa!
- Không thèm! Không thèm! Không thèm!
Rồi Lệ òa khóc, chạy biến ra ngoài cổng, bỏ lại cả sách vở và chiếc sắc tay.
Trong phòng khách, Quyên cũng gục đầu xuống bàn, nức nở.
Giữa trưa nắng chói mà không gian như tối đen, vần vũ...