ỉa hè đại lộ Lý Thái Tổ đã được giải tỏa hoàn toàn. Tất cả các sạp gỗ đều được khiêng đi hết từ hai hôm rồi. Sự náo nhiệt về đêm, ở đoạn đường từ Ngã Bảy lên đến nhà thương nhi đồng, thu hẹp lại trong mấy tiệm ăn vắng teo mà tiệm vắng nhứt là quán Tai heo của bộ ba Các-Hải-Châu.
Thấy cả ba dắt tay nhau đến, Hai Lọt đang ngồi ngáp, bỗng sáng mắt lên. Ba người khách không nuôi nổi một cái quán, nhưng họ có thể kéo khách khác, những kẻ lỡ đường, thấy trong ấy có người, có thể a dua vào đó hơn là nếu họ thấy quán vắng như chợ chiều.
- Chào quý ông! Mắm nêm kỳ này ngon tuyệt diệu, bữa nay lại có một món ăn đặc biệt mà tôi để dành riêng cho ba ông.
- Món gì mà đặc biệt? Ông Các nhừa nhựa hỏi. Ông ấy đã uống ở đâu rồi, và ông đến đây vì bạn, vì quán, chớ không phải để nhậu chút nào cả.
- Dạ, vú nai. Quý lắm đa ông. Cả năm mới bắn được một con nai đang nuôi con, mà ai bắn nấy hưởng. Nhờ người này là bà con với tôi, nên tôi mới năn nỉ y, nài lại được cặp vú.
Ông Các chưa biết mùi vị của món này nên hỏi Bắc Hải là tay sành tất cả mọi việc từ cái chén khoanh măng đến con rươi Gò Công!
- Thế nào? Món ấy có khá bằng tai heo hay không?
- Nó hơn tai heo cũng như thơ của Lý Thái Bạch hơn thơ của thằng Dương Châu, tức là một ngàn lần hơn.
- Gớm thế à?.
- Nó dòn lại thơm sữa, ngon nhứt trần đời đó a cụ. Thôi, có thì đem ra đây nhậu một bữa coi ông Hai. À, Châu, tiểu thuyết của mầy đăng được mấy bữa rồi?.
- Bốn!
- Kể tao nghe coi.
- Không có đọc à?
- Trời ơi, giờ mầy lại bắt tao đọc cả truyện đánh nhau nữa hả. Anh hùng lâm đại nạn trong trường hợp nào?
- Chuyện như vầy. Có một lũ tét-di-bồi vào quán Tai heo nhậu. Nhậu say, chúng nó cợt nhã với một cô chiêu đãi viên rất đẹp...
- Đẹp như Hoàng vậy à? Bắc Hải hỏi đùa bằng tiếng Pháp.
- Tao đánh bể mõm của mầy, con khỉ già. Tao cấm mầy chê nó xấu và chê nhạo tao ngốc.
- Bao giờ thằng ngốc cũng sợ người ta chê mình ngốc cả. Nhưng ta tha thứ mầy, nhờ mầy ngốc nên nước Việt nam mới có được một bài thơ hay. Thôi kể tiếp đi.
- Bị cô ả cự tuyệt, nhưng nó...
- Tao biết tại sao cô ả cự tuyệt, vì cô ả mê mầy...
- Nín đi, con khỉ già, không thôi tao thủ tiêu hết dĩa vú nai cho coi.
Thằng nhỏ bưng dĩa đồ nhắm lên, và Bắc Hãi kêu rượu:
- Rượu thuốc cho ông giáo, bia cho tôi, và nước cam cho "cô" Dương Châu.
- Mầy khinh tao không uống được rượu à? Đánh cá đi. Tao với mầy uống nửa kết, ai ngã trước phải trả tiền bàn này.
- Rồi, nguéo tay...
- Anh Châu không được uống rượu đa! Đó là lời ngăn cản của Hoàng, nãy giờ làm thinh mặt bí xị.
Từ ngày được Dương Châu yêu, nàng hết lịch sự được với hai ông khách kia nữa, vì nàng ghét cay, ghét đắng họ, họ là những người rù quến Dương Châu uống rượu.
- Chà, cưng dữ! Bắc Hải pha trò.
- Cưng nhơn ngãi như thế thì chủ quán đuổi có ngày; nuôi ong tay áo là như thế, cụ Các nói.
- Anh đánh cá lỡ rồi, cho anh uống một lần chót đi cưng.
Tiếng động cơ nhỏ nổ vang rền trước cửa quán. Họ nhìn ra thì thấy ba ông khách, một ông cởi xe gắn máy, hai ông khác đèo nhau bằng xe Lambretta.
- Tụi tao đi cứu anh hùng lâm đại nạn đây.
Người cởi xe gắn máy hét to như để đua nổ với động cơ mà hắn không chịu tắt.
- Ông nội ơi. Bắc Hải van, tôi lạy ông nội tắt máy giùm, không thôi tôi điên mất.
- À. Tao quên.
Cả ba vào quán và hỏi:
- Thằng nào là anh hùng?
- Thằng này, Dương Châu tự xưng như vậy. Vì nó dám cãi lời người đẹp để uống rượu thi vơi cái hủ chìm này đây.
- Còn đại nạn gì?
- Nạn phải ăn vú nai. Ê, ngồi xuống đây làm thử một miếng coi ta.
Bấy giờ, chiếc bàn tròn lớn nhứt giữa quán được khách vây quanh giáp vòng. Hai Lọt mắt nở như hoa và láy mắt ra hiệu cho Hoàng săn sóc họ ân cần thêm chút nữa.
Cô chiêu đãi viên độc nhất của quán Tai heo trông uể oải lạ. Vắng khàch mãi, cô ta xuống tinh thần, nhưng nay đã có chỗ dựa, cô không còn nghe yêu nghề nữa.
Tuy nhiên họ là bạn của Dương Châu, nên cô ta vẫn niềm nỡ tiếp đón.
- Dạ, ba anh uống chi?
- Ăn vú nai, chắc phải uống sửa người ta, khỏi hỏi,
Người đáp như vậy là một thanh niên trạc hăm sáu tuổi, đầu còn bù hơn đầu Dương Châu nhiều, và râu thì có lẽ dài hơn của thi sĩ này đến một phân. Đáp xong, hắn hỏi Dương Châu bằng ngoại ngữ:
- Phải nàng đó chăng?
- Phải.
- Tao vẽ nàng được không? Không đẹp nhưng khả họa lắm. Tuy thế vết đẹp xưa cũng còn thấy được.
- Để tao can thiệp cho mầy vẽ. Nhưng giờ thì nhậu rồi hẳn hay.
Bắc Hải cười hề hề mà rằng:
- Quán tai heo được một thi sĩ làm cho nổi danh, giờ một họa sĩ lại đòi đưa chiêu đãi viên của quán vào lịch sử nữa thì tam bách dư niên hậu, người ta còn nhắc đến quán này.
- Nhưng thằng Đan vẽ người xấu như ma, e nó bôi lọ cái quán vừa nổi danh chăng? Một thanh niên mới đến nói thế.
Đan trả lời ngay:
- Vẽ xấu bằng mày làm thơ chớ gì. Thằng Hiền nó làm thơ như thế vầy tụi bây ơi:
Tôi mở cửa sổ ra,
Tôi thấy toàn nóc nhà
Đen thui, đen thui, đen thui, đen thui.
Chàng thi sĩ thứ nhì tên là Hiền này, mặt hiền từ lắm, trắng trẻo và đẹp trai. Hắn ăn mặc cũng sang trọng quần flanelle, sơ-mi-sét may bằng một thứ vải trắng trổ hoa.
- Thôi nhậu chứ, các cậu!
Ông giáo sư Lê Thiệu Các vừa mời vừa gắp một miếng vú nai, chấm mắm, bỏ vào mệng nhai nghe dòn rụm.
- Thơm sửa lạ kỳ! Ông khen.
- Vừa dòn vừa bùi.
Câu khen sau này là của Tấn, người con trai mà thi sĩ Hiền đã đèo theo ngoài sau xe Lambretta của chàng. Tấn "mần" một miếng vú nai, nốc nuột hơi bia, rồi hát:
Quand un soldat saute le mur,
Quand un banquier s' enjuit à Namur,
Il y a toujours une raison:
Coquin d'amour! 1
Hát xong, người nhạc sĩ ấy lại ứng chế một điệu mới với lời ca mới, bằng tiếng Việt:
Khi thằng ấy làm thơ,
Tại quán Tai heo
Tức nhiên tả lại chữ tình mắc dịch
Giờ muốn hắn điên
Để cho ta thêm nhiều vần sầu thảm
Ta nên nhảy ra làm tình địch!
Cả bọn cười ồ lên. Dương Châu day ra gọi Hai Lọt mà rằng:
- Đời ông lên hương rồi ông Hai ơi! Tụi này mà tới đây là không bao giờ rời quán này, để rồi ông xem.
Hai Lọt cười ha hả, bụng mở rung rinh như bụng Đổng Trác và nói:
- Nhờ bà con cứu tôi, không thôi tôi chết mất. Bồ câu bay đi tìm quán mới hết trọi hết trơn.
Dương Châu nói đúng. Ba anh chàng này là văn nghệ sĩ và họ sẽ tìm thấy vẻ đẹp kín đáo và khó hiểu nơi cái quán xép hôi mùi mắm nêm này khác với anh ký giả trẻ tuổi hôm nọ, anh ta ngỡ gặp ngay nữ chiêu đãi viên thật đẹp, gặp ngay nuột khung cảnh thần tiên và đã thất vọng nhiều lắm.
Đây là những văn nghệ sĩ chưa thành công trên đường đời, còn sống ẩn trong bóng tối. Họ không tiền để la cà nơi các quán sang trọng, họ lại bị mặc cảm ở các nơi đó và nhứt là nghe mất tự do ở các nơi đó.
- Xin mời cụ. Hiền nói.
Ông Các nhấm miếng vú nai thứ nhì và lại khen:
- Số Dzách!
- Hẳn chứ lị!.
Nếu người miền Bắc hay bắt chước giọng Sài gòn thì người Sài gòn cũng thích bắt chước giọng miền Bắc. Cả hai đều vụng về, Nam không thể giống Bắc được và Bắc cũng chẳng giống Nam, nhưng họ cứ bắt chước nhau vì thấy việc ấy hay hay.
Cụ Các đợi lũ nhãi ranh này dứt cơn cười, điểm vào mặt Hiền mà rằng:
- Thằng này Bắc kỳ lắm.
- Sao lạ vậy cụ? Thiên hạ nhao nhao lên hỏi.
- Nó vừa mời tao đó, không nghe sao? Nó học đòi lịch sự ấy mà!
Ông Các không ngại chơi với các thanh niên đáng con cháu ông, cũng chẳng ngại bắt chuyện thân mật với người nghèo khó. Ông bảo rằng ông thích cái bình dân, sự cởi mở của dân Sàigòn lắm.
Tấn thúc cùi chỏ vào hông Dương Châu mà rằng:
- Mầy chưa trình diện Nàng Thơ của mày cho tụi tao. Phải đặt khay trầu rượu, rồi hai đứa ra lạy tụi tao mỗi người ba lạy mới được, ông giáo sư đây là ông tiên chỉ, sẽ chứng giám cái đám này cho.
Hoàng giận ghét bọn này lắm, nên nãy giờ dang ra ngồi nơi một xó kia. Vừa nghe đề nghị pha trò cửa Tấn, bỗng dưng một sự ớn lạnh chạy dài theo xương sống nàng và da nàng mọc óc cùng khắp nơi như da gà đã nhổ sạch lông. Đó là sự sung sướng và cảm động cực độ khi nàng nghe những người bạn của Dương Châu ngầm muốn nhìn nhận nàng là vợ của người con trai râu dài ấy.
Dương Châu hơi lo sợ bạn chàng vốn đang không có thiện cảm với lũ này, hờn thêm vì câu pha trò, và nổi giận dằn không dược, làm rùm lên thì bậy quá.
Chàng day ra sau để rình phản ứng của nàng trên mặt nàng, thì lấy làm lạ hết sức mà thấy Hoàng ứa lệ hạnh phúc. Chàng mỉm cười với bạn và kêu:
- Lại đây em!
Hoàng ngoan ngoản bước lại bạn, lệ lấp lánh dưới ánh đèn làm cho nàng bỗng dưng đẹp hẳn ra. Dương Châu nói:
- Từ rày em kêu ba thằng này bằng chú, em của anh đó...
- Phản đối, ê em của mầy hồi nào?
- Song tàn hoài!
- Thôi để nó lấy le một chút cho oai với Nàng Thơ mà!
-...Còn lũ nó thì kêu em bằng chị.
- Cái đó thì đồng ý.
- Thôi, bao nhiêu đó đủ rồi. Rót rượu ra rồi hai đứa lạy đi, tao lì xì cho một ghim... mía.
- Mấy đứa em của anh mất dạy lắm, em đừng giận, con nít mà mệt trái tim. Tuy vậy, em cũng rót rượu thêm cho mỗi đứa, gọi là ra tay một bà chị săn sóc em dại.
- Nàng đẹp chớ, Hiền khen bằng ngoại ngữ.
- Ừ, trước kia chắc đẹp lắm.
- Mầy bị tiếng sét đánh vào đầu lúc nào Dương Châu, mới đây hay hồi đó?
- Hồi đó.
- Đừng có nói láo nghe không. Nếu mới đây cũng chẳng xấu hổ gì mà phải giấu. Nếu mới đây thì là mầy lượm hoa rơi thật đó, nhưng điều ấy lại chứng tỏ rằng mầy có óc thẫm mỹ. Mỹ nhơn đang độ hương sắc lẫy lừng thì thằng ngốc nào cũng biết thưởng thức và cũng ham yêu cả. Người bảnh là người tế nhận được dư hương.
Vậy mới đây hay lâu rồi?
- Gặp nhau hồi ba năm trước, nhưng chỉ mới yêu ba tuần lễ nay thôi.
- Cũng hơi lạ. Tụi bây nghĩ sao về nguồn cảm hứng của nó?
- Dễ hiểu lắm, có gì đâu mà lạ. Không phải cứ hễ gặp gái đẹp là có hứng ngay đâu. Phải không thỏa trong tình yêu, hay yêu được trong đau đớn, trong chua xót mới có thể làm thơ. Có phải không Dương Châu?
- Đúng y như vậy.
- Thôi mà, độc lập rồi thì nói tiếng Việt Nam cho người ta nghe với mà! Hoàng phản đối vì nàng khó chịu, đoán biết họ nói lén về mình.
Trên mắt Hoàng, lệ sung sướng ứa ra khi nãy vẫn chưa khô, nên Tấn hút gió lên điệu Tiễn em.
Khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em!
Hoàng hiểu ngụ ý của hắn nên tức cười, cười một cái và những hột lệ bị bắp thịt của má đẩy mí mắt lên rơi xuống được. Nàng tươi hẳn ra và nói lên câu thứ nhì của bài hát mà nàng đổi đi một chữ:
Chưa bao giờ vui thế!
- Thì ngồi xuống đây với anh coi nào.
Cô chiêu đãi viên ké né ngồi kế bạn như gái lành, bưng ly bia của Dương Châu mà uống một ngụm.
- Em hết cấm anh uống rượu chớ?
- Nếu uống rượu giúp anh vui, và bạn anh vui thì em không còn dám cấm nữa.
- Còn nhớ năm ấy em cũng đã cấm anh uống rượu.
- Lúc đó em làm bộ để anh ngỡ em yêu anh.
- Còn bây giờ...
- Bây giờ thì cấm thật vì yêu... thật. Nhưng lại thôi cấm vì cũng yêu thật hơn.
- Mùi quá ta! Chị Hoàng nè, tụi tôi ba đứa đều sống cu-ky, chị làm sao cho tụi tôi được hạnh phúc như thằng Dương Châu, đi chị.
- Đã chị, sao lại Thằng? Được, nếu các chú muốn vui qua đường thì tôi làm mai cho không biết bao nhiêu là mối, nhưng muốn yêu thì phải tự tìm lấy.
- Muốn yêu, nhưng yêu tại đây. Ở đây không có ma nào hết, tìm làm sao cho ra.
- Cái đó thuộc thẩm quyền của ông Hai.
Hai Lọt cười ha hả:
- Ấy, hồi trước tới ba bốn, năm, sáu cô, nhưng nay thì quán ế như vầy, các ông tính!
Mấy dĩa vú nai đã hết sạch và họ đã uống hết nửa kết bia. Thình lình Tấn hô:
- Rút tụi bây!
- Đồng ý, nhưng đi đâu lây giờ.
- Xuống quán Anh Vũ xem kịch của thằng Thình ra thế nào?
- À, cái đó thì mỗ xin tha. Ở đó khách ăn mặc chững chạc quá, bành tô, ca vát hẳn hòi, ngồi gần họ, mỗ sợ họ coi rẻ cái áo hở cổ của mỗ.
- Muốn vào quán Anh Vũ phải toan tính trước ba hôm để lo ủi áo đàng hoàng.
- Có ai bắt buộc đâu.
- Khách họ bắt buộc. Ta thì hứng lúc nào vào lúc ấy với bộ đồ nhầu nát của ta. Như vậy làm sao....
- Khó nghĩ chơn khó nghĩ, thôi thì về ngủ cho xong.
- Dương Châu ơi, mầy làm khổ chủ đa nghen, tụi tao đi đây.
Nói xong cả ba thằng ranh con đều đứng lên một lượt. Không hiểu sao cụ Các và Bắc Hải cũng đứng dậy theo họ.
Nếu họ kéo nhau đi cả thì quán Tai heo không còn nghĩa gì, cho nên Dương Châu cũng muốn đi. Nhưng còn, còn Hoàng, tuy một mình Hoàng không đủ lôi kéo chàng, nhưng chàng lại không nỡ đi, sau khi Hoàng vừa hưởng được hạnh phúc to lớn nhứt trong đời nàng.
Lần đầu tiên trong đời chàng, Dương Châu thấy rằng yêu là lụy. Chàng, một con người say mê nghệ thuật và dành quyền ưu tiên cho nghệ thuật trên cả sức khỏe, trên cả cái no ấm của chàng, bỗng dưng ngày nay phải kể đến một món khác, nón này bắt đầu chen vào giữa chàng và cái đẹp văn nghệ
- chớ sao? đang ăn uống, vụt tốc đứng lên mà đi để không biết đến đâu, lại không là đẹp à?
Tuy biết rằng không thể rứt đi được. Dương Châu cũng theo bạn hữu ra đứng trên vỉa hè để nhìn họ đi. Khi hai kẻ đi bộ là ông Các và Bắc Hải khuất nẻo rồi, chàng vẫn còn thẩn thờ đứng đó, ngó mông ra bồn binh giữa ngã bảy..
Trời chuyển mưa, nóng bức nên người trong các xóm quanh đó đổ ra ngồi đen nghẹt trên lề xi măng của bồn cỏ. Một cô gái có ý muốn đi, nhưng không làm sao đi được cả vì xe cộ nối đuôi nhau mà đến từ tứ phia để rồi tản ra khắp tứ phía.
Dương Châu ngạc nhiên hết sức, tự hỏi không biết họ làm thế nào mà ra được nơi đó, nó giống hệt một hòn đảo mà quanh hòn những dòng nước cuồng loạn chảy xiết, không lội ra được, cũng không thể bơi thuyền mà ra hoặc rời đảo.
Chàng cũng đang bị bỏ tù trong một hòn đảo như thế, đảo ái tình, và làm sao mà chàng ra đó, và ra bằng cách nào? Quên mất rồi. Giờ thì nghe bực bội, nhưng quanh cù lao yêu đương đã có những dòng nước vô hình
- nước mắt của ai chăng?
- ngăn chàng lội trở vào bờ.
Quán hai heo, anh hùng lâm đại nạn.
Đại nạn là đây, là mối tình cạn xợt này, tuy cạn nhưng vẫn chết đuối trong đó được như thường.
Dương Châu lắng nghe lòng chàng thì mới hay rằng chàng không yêu nhiều lắm như chàng ngỡ. Lòng thương xót một kỹ nữ về chiều đã gạt gẫm chàng, chỉ có thế thôi. Nhưng chàng lại không thể gạt gẫm ả ta được. Đã trót làm cho người ta thoảng thấy hạnh phúc, chàng không có can đảm xô người ta vào tuyệt vọng.
*
Tác giả thiên truyện võ hiệp "Sơn đông kiếm hận" lục lạo khắp cả các ngăn của chiếc bóp phơi của chàng mà chỉ tìm được có mười bốn đồng, nằm ở ba nơi khác nhau. Chàng mừng rỡ biết bao mà chợt nhận rằng còn một ngăn nữa, ngăn bí mật rất khó thấy vì nó lẫn với bao ngoài của cái bóp. Chàng thọc tay nào đó và tim chàng bỗng đập thình thình vì đầu ngón tay chàng đụng phải thứ giấy mềm quen thuộc.
Dương Châu kẹp tờ giấy ấy bằng hai đầu ngón tay, rút ra thì ô hô, đó là tờ giấy hai đồng.
Tiền nhuận bút một tháng của thiên tiểu thuyết chàng đã lấy hết cả rồi mà chỉ mới viết được có ba tuần lễ thôi, có muốn vay trước tiền thù lao tháng sau, cũng phải đợi đến đầu kỳ tiền tới trong khi đó thì Hai Lọt lại nẹo tiền cơm tiền cà phê uống chịu, và nhà chàng ở đậu cũng quyết liệt đòi tiền nhà.
Nhớ ra thì Hoàng không có tiêu của chàng xu nào cả, trừ những bữa ăn ở ngoài mà cả hai cùng hưởng và những buổi xi nê. Cô nhơn tình này tuyệt nhiên không phải là nguyên nhơn của sự cháy túi của chàng. Mà cả đến những sự tiêu pha ngông nghênh của chàng cũng không làm cho chàng phá sản được: non một tháng, đi ăn cao lâu có hai lần, và xen ba phim, có phải chăng là một văn nghệ sĩ phải được quyền hưởng thụ tối thiểu như vậy?
Chẳng qua là cái món văn nghệ chánh mà chàng sản xuất là thơ không đổi ra tiền được mà cái món văn nghệ phụ để câu cơm là thiên chuyện võ hiệp kia cũng không có giá.
Xe buýt ngừng nơi trạm đã ba chuyến rồi mà Dương Châu không hay, mãi cho đến chuyến thứ tư chàng mới chợt thấy chiếc xe khổng lồ ấy và vội thót lên để ra Sàigòn.
Bây giờ đã gần mười giờ sáng. Những nhân viên quan trọng của các tờ nhựt báo đều đổ xuống nhà in vì đó là giờ báo lên khuôn. Dương Châu đứng nơi bàn thầy cò mà réo:
- Thanh Vân ơi!
Tiếng của viên thợ ký tòa soạn hỏi, nghe xa lắm trong kia:
- Ai đó?
- Dương Châu.
- Chiều hãy đến, giờ bù đầu đây, còn nói chuyện gì được.
- Nhưng mỗ có chuyện gấp.
- Mặc mầy.
- Tội nghiệp mà tía nội.
Một người ấn công mang ra bàn thầy cò bảng vỗ nguyên trang nhứt của tờ "Sớm Mai". Thanh Vân đi theo anh ta bén gót, tay cầm một cây bút chì nguyên tử. Hắn không thèm nhận ai cả và tới bàn mà trên đó trải ra tờ bản vỗ còn ước mèm, hắn vùi đầu vào trong đó ngay.
- Đuổi nhà dấu hỏi hay dấu ngã ta?
Hắn hỏi to lên mà không biết là hỏi ai: người thầy cò trẻ tuổi đáp:
- Dấu hỏi. Dũi một thứ lụa, mới là dấu ngã.
Viên thầy cò là người miền Bắc nên hóa thành quyển từ diển hỏi ngã của ông chủ bút dốt chính tả là Thanh Vân này. Nhưng y cũng không thông thái lắm nên hỏi lại:
- Anh nè, dư luận sôn sao hay là xôn xao, ích xì hay là ếch?
Cả hai địa phương Nam, Bắc xem ra đều bí chánh tả như nhau nên họ cần nhau lắm.
Mặc dầu đang rầu gần thúi ruột, Dương Châu cũng bật cười. Chàng pha trò:
- Các tía hay chế nhạo dân Sàigòn chúng tôi viết sai và đọc sai thí dụ: "Vầng giăng vằn vặt giữa giời" thì đọc là: "Dần dăn dằn dặt dữa dời" nhưng các tía lại nói "Thưa quí ngài, chúng tôi xin chân chọng chình bày ba bản nhạc do Hoài Chung Hoài Bắc và Chần Văn Chạch".
Thanh Vân cười hả hê và thích bạn quá, ngước lên hỏi bằng ngoại ngữ:
- Mầy cháy túi rồi hả?
- Mầy đoán hay như thầy bói.
- Bữa nay lấy tiền trước chưa được đâu.
- Tao viết rất rẻ mà không cho mượn tiền trước thì tụi bây là một lũ bốc lột nhơn công còn gì.
- Mầy viết rẻ vì mầy viết rất tồi.
- Mấy thằng khác lại hơn gì tao.
- Nhưng tụi nó đã nổi danh, và có độc giả. Mầy cứ cố mà nổi danh đi thì viết dở bực nào cũng lấy được ít lắm là sáu bảy ghim một tháng.
- Tao đã nổi danh rồi đó.
- Mầy nổi danh làm thơ, có dính líu gì đến truyện kiếm hiệp đâu: Vả lại cái tên vừa nổi tiếng của mầy, mầy không chịu ký dưới tiểu thuyết thì mong gì.
- Tao cần tiền ghê lắm.
- Mầy chịu nhận công tác mới hay không?
- Cái gì tao cũng nhận tuốt hết, miễn là đưa tiền ngay.
- Nè, nhà báo cần mục "Sắc đẹp của quí bà quí cô" và mục "Hỏa tiễn, dĩa bay" mầy viết nổi hay không?
Dương Châu đứng chết điếng, không đáp được một lời "Trời ơi, chàng than thầm, muốn có cơm ăn, đến phải dạy đờn bà đánh móng tay và phải cóp báo ngoại quốc để trám đầy cái mục dĩa bay ấy. Thơ ơi là thơ, từ đây mi sẽ pha mùi son phấn và nùi thuốc súng rồi đây nhé".
Thanh Vân không hiểu được bạn nên không thương xót chút nào, lại còn kể ơn:
- Bồ lắm nên tao mới giúp mầy như vậy chớ tụi nó viết cừ lắm mà tao chưa chịu nhận bài.
Nói rồi hắn cúi xuống sửa bản vỗ:
- Giòng viết với GI hay D?
- Tùy, thầy cò đáp và cắt nghĩa lôi thôi.
Dương Châu không thèm nghe họ, chán nản bước ra khỏi nhà in.
*
Họ ngồi đó, sáu người không ai nói với ai một lời nào cả. Bảy ly nước cam đã vợi đi hết sáu, ly thứ bảy còn chờ một người, hắn đang đứng truớc tấm vách quán bên trái, đưa lưng ra đám bạn hữu của hắn.
Đó là anh chàng họa sĩ chuyên vẽ con trâu giống trái núi và mặt người giống mặt nhện. Vách quán bằng ván, được bọc bằng một lớp giấy isorel sơn dầu. Anh chàng họa sĩ hôm nay có mang theo cả dao và dầu sơn; hắn định vẽ gì lên đó, nhưng lại thôi; giây lát sau hắn quả quyết lấy dao quệt dầu rồi ký lên vách một cái tên to tướng.
Hắn đứng án ngữ, che mất chữ ký nên không ai thấy, đến chừng hắn trở lại bàn, bút-tích của hắn mới lòi ra.
- Bộ mầy tin chắc mầy sẽ nổi danh sao mà lưu chữ ký lại?
- Ai biết đâu!
- Đừng có bán da gấu.
Thi sĩ Hiền nói thế, nhưng lại đứng lên lấy dao và dầu để ký tên. Nhưng hắn không biết xử dụng dao, mà cầm cọ cũng không xong tuốt nên hắn đi lại bàn, rút một chiếc đũa rồi chấm đũa vào dầu.
Hai Lọt ngỡ anh chàng họa sĩ vẽ tranh nên làm thinh cho y trang trí không công quán của ông ta. Chừng ông ta thấy chữ ký và thấy anh chàng thứ nhì cũng lại toan viết lên đó những nét chữ xấu như dấu mèo cào. Y như anh chàng thứ nhứt mà ông ta không kịp ngăn cản, ông ta phản đối:
- Quý thầy chơi kỳ cục vậy, tội nghiệp tôi chớ.
- Ông không biết, tấm vách này sẽ đáng giá hằng triệu bạc nhờ chữ ký của bọn tôi. Nè, tụi bây, ở xóm văn nghệ Saint-Germain-des-prés có một hiệu sách mà trần phủ đầy những chữ ký của văn nghệ sĩ. Hoa Kỳ đòi mua tấm trần ấy mấy trăm ngàn đô la mà mua chưa được.
- Thôi đi dốc tổ, làm sao mà họ ký lên trần được?
- À, cái đó thì mỗ chịu, chỉ thấy trong báo bên Tây nói thế, mỗ kể lại thế thôi.
Ông giáo sư Lê Thiệu Các nhừa nhựa hỏi:
- Ở đây anh nào đã đọc bài phú Tiền Xích Bích chưa?
- Thưa có ạ, hồi còn đi học, nhưng lâu rồi nên quên mất.
-... thương cho thân ta như hạt cát trong bể mênh mông mà non sông thì dài vô cùng...
- Ý cụ muốn ám chỉ điều gì?
- Tôi muốn nói kiếp người phù du mà không ai chịu nhận thế, cứ muốn sống mãi với thời gian. Các anh có đi núi, đi biển, có quan sát một tí thì thấy hòn đá nào ở nơi đó cũng phủ đầy chữ ký. Họ muốn bất tử trong không gian và thời gian.
- Vì tự biết mình phù du quá nên họ cố bám níu vào hiện tại cho đỡ tủi thân, tôi nghĩ như vậy.
- Bất tử trong thời gian thì tôi hiểu, nhưng trong không gian là thế nào, Hoàng hỏi.
- Là vang danh thiên hạ, bắt ai cũng phải biết rằng có mình.
- Như vậy thì phải nổi danh như anh Dương Châu của tôi mới bắt người ta biết được chớ, Hoàng nói.
- Anh Dương Châu của chị nổi danh như cái bong bóng xà bông, danh bể ngày nào không biết chừng, đừng có hỉnh mũi lắm.
Tấn nói thế cho đỡ tủi thân. Thật ra, trong bọn chưa ai danh tiếng lẫy lừng cả. Dương Châu cũng chỉ mới được người ta chú ý đến thôi. Nhưng họ cảm nghe rằng họ sẽ nổi danh, không chắc lắm, mà rất „có đường".
Đây là những văn nghệ sĩ đang hoài thai những gì mới lạ, thoát sáo, nhưng thai chưa đến ngày tượng hình đầy đủ, nên họ chưa đẻ ra gì được cả. Có thể rồi họ sẽ ôm thai của họ xuống đáy mồ và không lưu dấu gì lại của những ngày họ trải qua trên trái đất này cũng nên. Mà cũng có thể họ sẽ hiến cho đời những đứa con „thần đồng quái kiệt". Mà cũng có thể họ sảo thai, vì quá háo danh, cố đẻ sớm quá. Tất cả đều do sự nỗ lực đúng mức hay không của họ và điều kiện bên ngoài.
Thỉnh thoảng có một anh đẻ quái thai trình bày vài bức tranh mà người ta không biết treo đầu nào lên trên, đầu nào xuống dưới, nhưng cho dẫu thế, những cái thai ấy cũng mang những mầm mới lạ, thoát ra ngoài sự tầm thường.
Trong thế giới văn nghệ, những tài hoa lớn ở trong chính cái đám vô danh và kỳ cục này mà ra. Hoặc là họ sẽ bị sự quên lãng lôi cuốn đi mất vì sự nín câm luôn của họ, hoặc họ sẽ nổi bật lên, nhảy vọt lên cao chớ quyết là họ không thành công một cách trung bình đúng theo khuôn sáo, nề nếp cũ.
Trong khi đó thì họ phải chịu đựng muôn đắng ngàn cay trong cuộc mưu sinh và trong cuộc giao tế với xã hội người thường.
Lần lượt cả sáu, trừ Hoàng không biết viết, đều ký tên lên tấm vách giấy bồi của quán Tai heo, rồi họ ngồi lại bàn mà làm thinh không ai nói với ai lời nào cả.
Làm thinh là sự sanh hoạt ráo riết, mãnh liệt của những người kỳ dị này. Khi nào họ nói là tâm trí họ rong một cách tuyệt vọng, cần phải lấp đi bằng câu chuyện cho đỡ khó chịu. Hễ họ cảm-nghĩ gì là họ nín lặng, sung sướng tuyệt vời, sống với cảm nghĩ ấy, lật qua lật lại cảm nghĩ đủ chiều để nhìn đủ mọi cạnh của nó. Một tình cảm, một tư tưởng hay một ý nghĩ vặt vạnh đi nữa cũng phải được giú cho chín muồi trong cái hũ kín mít mà tròn đặt trên cổ mỗi người.
Có khi họ ngồi như vậy hằng giờ, khiến Hoàng, chủ quán, hoặc ẩm khách, thực khách ngỡ họ là một lũ điên, kéo nhau vào quán kêu rượu rồi để cho ruồi bu, tất cả đều mắc bịnh á khẩu thình lình.
Khi tình cảm, tư tưởng đã chín muồi rồi, hoặc được họ ngỡ là chín muồi, thì được ghi ngay lên giấy lập tức. Những anh chàng nào cần xưởng vẽ hoặc cần một nhạc cụ, vội vã đứng lên đi, không từ giã ai hết, cũng chẳng nghĩ đến trả tiền quán.
Từ đó mà đến xưởng hoặc về nhà, họ rất dễ mà đâm đầu vào xe hơi, vì trên đường đi, họ tiếp tục sống mãnh liệt với đề tài vừa mới xây dựng lên.
Họ ngồi đó, cả sáu đều giống nhau ở cái chỗ miệng họ như bị chứng tê liệt đột phát khép nó lại, nhưng cả sáu đều khác nhau ở nhiều chi tiết.
Ông giáo sư Lê Thiệu Các phải thỉnh thoảng thưởng thức một ngụm „lượng dường" pha bằng rượu thuốc với cà phê đen, ông mới có hứng.
Bắc Hải thì luôn luôn gõ ống cối trên vành bàn, mặc dầu trong cối không còn một hạt bụi làm thuốc nào cả. Làm cử chỉ đó, anh ấy như là tự gõ lên đầu mình để bắt tia lửa thình lình phải xẹt ra.
Thi sĩ Hiền bụm mặt lại bằng cả hai bàn tay, vì trong ánh sáng, anh ta không nghĩ gì được cả. Tâm tư anh như là phải được bóng tối dồn ép lại thành một khối kết tinh nhỏ. Nếu quán Tai heo mà chịu tắt đèn mỗi đêm anh ta đến, chắc anh ta sẽ vui lòng trả thêm tiền, muốn đòi bao nhiêu anh ta cũng chẳng mặc cả.
Cả bọn hình như cũng giống Hiền phần nào vì tất cả đều sinh hoạt về đêm, chỉ về đêm thôi. Ban ngày họ vẫn làm việc, nhưng làm những công việc không dính líu đến văn nghệ, như là học thêm, dạy học, giặt gỵa, đi mua sắm nầy nọ v.v...
Đêm phải chăng giúp cho cảm nghĩ họ cô đọng lại, khỏi phải loãng đi trong sự chộn rộn của sanh hoạt đô thành?
Bấy giờ đã hơn chín giờ rưỡi rồi và họ ngồi đó mà ngậm câm có gần hai tiếng đồng hồ. Hoàng đã ngáp trên hai mươi cái và đã mỉm cười với Dương Châu cũng chừng ấy cái sau những lần ngáp.
Một chiếc Peugeot mui trần sơn trắng chạy đến đậu ngay trước cửa quán, rồi một thanh niên đẹp trai và ăn mặc cực kỳ sang trọng lái chiếc xe ấy, bước xuống xe, xâm xâm vào quán, miệng cười, mắt nhìn cái bàn của bảy thằng câm.
Thấy khách sang lần đầu tiên chiếu cố đến quán Tai heo, Hai Lọt rối lên. Lão nhảy ra khỏi quầy thâu tiền, kéo ghế cái rột để mời khách ngồi lại trước bàn sang trọng thứ nhì của quán. Bàn sang hạng nhứt đã bị bọn sơ mi tưa bâu chiếm cả rồi.
Nhưng ông khách sực nức mùi nước hoa ấy đã xáp vào bàn của bọn kỳ dị, đưa tay rua Bắc Hải và xin được giới thiệu với cả bọn:
- Anh Tiếu, một người yêu văn nghệ.
Tiếu đưa tay trước để bắt tay từng người và được bắt năm bàn tay mềm và lạnh.
- Hiền, thi sĩ, Tấn...
- Hân hạnh, hân hạnh, hân hạnh...
Người nói „hân hạnh, hân hạnh" là hắn. Hắn ngồi lên chiếc ghế mà Bắc Hải chỉ cho, mới vừa ngồi xong thì Hai Lọt gọi:
- Ông ơi, cảnh sát biên phạt kia, không cho đậu xe ở đây.
- Mặc, nộp phạt cũng như là thuê chỗ đậu xe chớ gì.
Không ai nói với hắn lời nào cả, vì họ không biết hắn là ai, vì tác phong hắn khác họ, họ thấy đó là một ngoại nhân khả nghi. Bắc Hải không hiểu sao, cũng làm thinh sau khi giới thiệu. Có lẽ anh ta cố để vậy, hễ Tiến mà tự nhập bọn được thì quý, bằng không thì thôi, chớ có nhét trôi anh ta vào đó một tiếng đồng hồ cũng chẳng ích lợi gì.
Họ không nói gì, nhưng cũng không chìm đắm trong triền miên của họ nữa. Tất cả đều kín đáo quan sát người khách mới đến.
Tiến, ban đầu hơi ngượng, rồi về sau tỏ vẻ bực bội lắm, và sự câm tức lộ ra rõ ràng trên mặt hắn ta. Hắn ngồi đâu được nửa tiếng đồng hồ thì đứng lên xin phép ra đi.
Hắn đóng cửa xe mạnh như chưởi thề: „Mẹ tụi bây, ta đếch cần làm thân với cái bọn chết đói của bây!"
Dương châu nói:
- Ngỡ nó tầm tiên học đạo, ai dè...
- Sao anh biết anh ấy không phải là kẻ tầm tiên? Ông Các hỏi.
- Nếu thế thì nó phải sùng bái sự im lặng của chúng ta, kính cẩn mà nhìn ta mơ mộng, chớ sao nó lại như bị kiến cắn chơn. Sao mầy lại chỉ cho thằng ấy đến đây, Bắc Hải?
- Nó làm cuộc chê nhưng sính văn nghệ. Nếu nó mến văn nghệ thật thì cho nó theo bọn ta cho vui. Bằng như nó chỉ đến vì hiếu kỳ như ta đã thấy thì cũng chẳng sao. Nó sẽ uống rượu, khách ở đây sẽ đông...
- Nhưng ta có cần khách thường đâu?
- Chủ quán cần. Vả lại nó không phải là khách thường. Đã bảo rằng nó đến vì hiếu kỳ, tức là nhìn nhận nó có dính líu thật xa với ta. Mà có tướng dở thì đỡ tướng hay, luôn luôn lợi cho ta. Tụi bây là một lũ ngốc, thằng nào cũng ngu như trâu và tự ái thì lớn như cái lu.
Thấy ngay là nó không mến văn nghệ nên nó đã không chịu ngồi mà chiêm ngưỡng cái phim chiếu bóng câm của ta. Như vậy nó chỉ là một thằng hiếu kỳ. Biết vậy ta phải niềm nở tiếp nó, nó mới đến nữa.
- Ê, khỉ già nói bậy. Ta có làm trò xiết đâu mà cần nó đến coi.
- Tụi bây ở trên mây xanh như vậy nên mới khổ cả lũ. Chính mấy thằng sính văn nghệ và a dua đó mới nuôi sống văn nghệ, ở nước nào cũng thế cả.
- Vậy phải nịnh chúng nó mới có mà ăn à?
- Không cần nịnh. Đừng khinh miệt chúng nó là đủ rồi.
- Trưởng giả!
- Ấy, vì nghĩ bậy như thế mà thằng Dương Châu hôm nọ từ chối không thèm đi ăn cơm với ông Huỳnh, nhà xuất nhập cảng danh tiếng. Ông ấy định làm Mạnh Thường Quân văn nghệ mà bị nó dội một gáo nước lạnh lên đầu nên ông ấy xỉu luôn.
Mà nào có phải nịnh ai cho cam. Người ta tha thiết mong mỏi mình chơi với người ta. Người ta trọng đãi mình thì tại sao lại lánh mặt. Tụi bây bị mặc cảm rõ ràng hay tụi bây ganh tỵ thì không rõ.
- Chưa chắc là bị mặc cảm đa nghen tía nội. Bằng cớ là ta dám vào bất cứ nơi sang trọng nào một cách đường hoàng nhưng tự ta đi kia, không chịu ơn ai hết.
Đi với lũ nó thì phải ăn mặc đàng hoàng như lũ nó, chớ ăn mặc như bọn ta thích, lũ nó xấu hổ với người đời. Có trưởng giả hay không chớ?
- Mầy vẫn có y phục trưởng giả kia mà?
- Phải rồi, nhưng hôm nào tao thích mặc thứ gì, tùy tao, thằng nào bắt tao theo nếp của nó, tao ghét lắm.
- Ai mà bắt.
- Lũ nó không bắt ra mặt, nhưng thầm mong, tức là bắt ngầm, tao chịu cũng không nổi.
- Dị kỳ ơi là dị kỳ.
- Dị kỳ mà mầy cứ vẫn còn ở trong bọn, tức là mầy nhìn nhận sự dị kỳ ấy được quyền sống.
- Có lẽ.
- Còn có lẽ khỉ khô gì. Nếu không chắc như vậy, mầy đã đi mất tự đời thuở nào rồi.
Hiền bỗng hô:
- Đi ta!
- Đi đâu?
- Đi đâu cũng được, miễn là phải rời khỏi chỗ này. Đã đến lúc hết muốn ngồi đây rồi.
Cả bọn đứng lên một lượt khiến Hoàng và Hai Lọt ngơ ngác nhìn bọn này lại nổi cơn điên một lần nữa. Khi không đang ngồi đó yên lành, không ai đuổi xô gì cả thì có một đứa hô đi, tức là cả lũ ùn ùn kéo nhau ra khỏi quán, hệt như một bầy khỉ, không định trước rằng, lát nữa đây sẽ làm gì và cứ làm theo con khỉ nào dở chứng trước tiên hết.