Chương 3
Bồi bích

    
uốn hỏi về tâm tình, nên chọn qua ngày thứ sáu trong tuần, thứ Sáu 13 càng tốt. Bói thấy lá bích thì xấu, lá bồi bích báo hiệu sự phản trắc của một người trai trẻ, khôi ngô nhưng gian manh.
Nghe tiếng nói, cả 3 cô gái đều ngừng tay. Văn Bình mới bị lột áo sơ-mi. Bên trong chàng quên mặc áo thun lá nên bắp thịt cánh tay, ngực và bụng của chàng có cơ hội triển lãm trước con mắt háu đói của cử tọa phái nữ. Nếu tiếng mật ngọt kia đến chậm một phút nữa, Văn Bình đã trở thành ông A-dông.
Văn Bình ngước nhìn nàng. Đèn trong phòng vừa được mở sáng nên chàng thấy rõ cả những nếp nhăn ở khóe mắt nàng. Té ra ở góc nhà có một cầu thang uốn dẫn lên tầng trên mà hồi nãy chàng không nhìn thay vì trời tối lờ mờ. Nàng từ trên lầu đi xuống. Đến nửa chừng, nàng dừng lại. Có lẽ nàng không chế ngự được sự xúc động mãnh liệt dâng cuồng cuộn trong lòng sau nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm xa cách. Và cũng có lẽ vì nàng vừa trông thấy Văn Bình bị ba cô gái làm thịt.
Văn Bình cười với nàng:
 Phù Dung, Phù Dung, trời ơi, em vẫn như ngày xưa...
Phù Dung nhảy xuống đất, chạy về phía chàng, xà luôn vào lòng chàng và khóc nức nở. Ba cô gái phục sức quái dị đã bấm nhau lỉnh đâu mất, trong phòng chỉ còn Văn Bình và Phù Dung đang gục vào vai chàng, nước mắt lã chã. Khóc một hồi, nàng mới buông chàng ra và nói:
 Em tưởng không bao giờ được gặp lại anh nữa... Anh khác xưa nhiều lắm.
Văn Bình gọi Phù Dung bằng "em" một cách hồn nhiên, quên bẵng nàng lớn hơn chàng một giáp và ngược lại nàng cũng xưng em ngọt sớt với chàng, như thểvề tuổi đời nàng chỉ là em. Dường như tình yêu có sẵn sức mạnh vô song khả dĩ phá tan mọi chướng ngại vật, chướng ngại vật giai cấp, cũng như chướng ngại vật tuổi tác.
Dĩ nhiên Văn Bình mắc bệnh nịnh đầm - cũng nịnh đầm như chính phủ Mỹ không bắt buộc phụ nữ Mỹ phải ghi rõ số tuổi trên giấy thông hành - nên chàng luôn luôn quên số tuổi thật của đàn bà, nhưng giá chàng không nịnh đầm, chàng cũng phải nhìn nhận là Phù Dung chưa già. Chưa già, nếu so với số tuổi trên 40 của nàng.
Nếu tuổi 40 làm người ta liên tưởng đến trái cây chín thì đàn ông 40 là trái cây vừa chín, mùi thơm ngào ngạt, ăn vào bồ dưỡng ngon lành, ngược lại, đàn bà 40 là trái cây đã chín nẫu, mùi chua sửa soạn nhường chỗ cho mùi hôi, nghĩa là trái cây sắp bị liệng vào thùng rác (tác giả thành thật các nữ đọc giả trên tứ tuần, vì sự mô tả của tác giả không áp dụng cho trường hợp quý vị mà tác giả biết là còn trẻ, rất trẻ...). Tuy nhiên người thiếu phụ đang áp má vào da thịt chàng vẫn còn nguyên hương vị tuổi xuân. Vai nàng vẫn thuôn tròn chứ không xẹp xuống thành vai long đình. Mông nàng không bạnh ra một cách thô tháp, và vòng ngực không xệ xuống để cân xứng với vòng eo một ngày một lớn. Và nhất là ngấn cổ và cằm mặt không biến thành kho chứa mỡ thừa.
Phù Dung hôn lấy hôn để vào má, vào trán chàng:
 Chúng mình xa nhau mười mấy năm rồi nhỉ?
Chàng chưa ki.p đáp thì nàng đã sụt sịt:
 Em già rồi, mới đó em...
Văn Bình vội chặn lời nàng:
 Còn lâu em mới già. Ngày nào bọn con trai như anh da mồi tóc bạc đầu gối kêu lạo rạo thì em mới chịu già...
Văn Bình không cho nàng nói hết câu vì sợ trong giờ phút hồi tưởng qua dĩ vãng đầy thơ và mộng nàng sẽ than vãn số tuổi 45, 46 của nàng. Nàng là đàn bà có khác, được đàn ông khôi ngô khen trẻ đã nở phồng cánh mũi rồi ôm cứng lấy chàng. Chàng phải luồn tay vào trong, xô nhẹ ra, để khỏi ngộp thở. Nàng tiếp tục hôn chàng rồi hỏi:
 Anh vẫn chưa lập gia đình chứ?
Chàng lắc đầu:
 Chưa.
Chàng nhìn nàng một cách ý nhị trước khi tiếp:
 Chừng nào em lấy chồng, anh sẽ lấy vợ.
Nàng cười ròn rã:
-Đồ xạo... em lấy chồng, anh cũng sẽ không lấy vợ. Em mới làm việc cho ông Hoàng được 6, 7 năm, nhưng em biết hết. Biết hết mặc dầu từ ngày lãnh lương của sở đến giờ em chưa hề về Sàigòn lần nào. Các chị trong ban Biệt Vụ qua Âu Châu công tác thường ghé Thụy Sĩ chơi và em đều hỏi thăm anh. Anh chưa lập gia đình, chẳng qua anh không chịu nỗi cuộc sống gò bó và sự chỉ huy của bà xã, với lại, anh hứa hưu hứa vượn hơi nhiều, anh sợ lấy vợ, vì hàng chục cô vợ... hờ và nhân tình chính hiệu khác sẽ róc thịt anh ra nấu... canh chua.
Văn Bình rướn người vớ cái áo sơ-mi và cái vét-tông. Khi ấy, Phù Dung mới nhớ ra chàng đang ở trần. Ba cô gái trời đánh đã cởi bỏ phần trên của chàng, sửa soạn bắt chàng thoát y trăm phần trăm - xin nhắc lại, trăm phần trăm, chứ không phải 75 phần trăm như một số hộp đêm Sàigòn - thì Phù Dung xuất hiện.
Nàng gài nút sơ-mi, thắt lại cà-vạt cho chàng, giọng rí rỏm:
 Khổ quá.... Em nóng ruột, xuống dưới nhà đợi anh, chứ nếu em rềnh rang nằm trong phòng như mọi bữa thì  anh... ốm đòn.
 Ốm đòn?
 Phải, các cô ấy sẽ rần anh một trận.
 Em nói như thể anh là hòn bột muốn nặn hình thù nào cũng được. Anh không thuộc hạng đàn ông thượng cẳng tay hạ cẳng chân với đàn bà, song anh không thể đứng yên cho họ đánh.
 Anh trổ tài nhu đạo?
 Nhu đạo chỉ là một trong nhiều môn võ anh biết.
 A, anh sẽ áp dụng những ngón đòn hiểm độc hơn nhu đạo nhiều...
 Phù Dung, anh không thích ỡm ờ... Tại sao họ lại đánh anh?
 Giản dị lắm. vì họ đinh ninh anh là ông khách sộp từ Ba Lê đến. Có thể liệt ông ta vào loại sộp nhất Âu Châu.
 Khách sộp? Té ra em mở...
 Đừng vội xuyên tạc. Đây không phải là xóm yêu hoa. Mà là một trung tâm hồi phục sinh lý học.
 Chà... những chữ dao to búa lớn như "trung tâm hồi phục sinh lý học" anh nuốt không nỗi. Tại sao em không nói trắng ra đây là nơi tiếp đón những anh đàn ông mắc bệnh bất lực, phải nghe lời quát mắng hoặc ăn roi vọt bò lê bò càng thì mới làm tình được.
Phù Dung cười:
 Giải thích trắng trợn như vậy thì có vào nhà đá sớm. Nhà nước Thụy Sĩ không hiền như ở Tây Đức đâu. Em phải làm ăn lén lút, chỉ thân chủ quen mới biết, và em phải lấy hẹn trước. Tuy nhiên, anh đừng vội giận em, khinh em, em không đứng ra mở cái tổ quỷ này. Chủ nhân thật sự là ông Hoàng...
 Hừ... em không nên đổ tội cho người ở xa. ông Hoàng đã già lụ khụ, lại ghét cay ghét đắng bọn đàn ông sa-đích.
 Ghét của nào, Trời trao của ấy là chuyện thường. Nói cho đúng, ông Hoàng không bỏ tiền, lập bảng hiệu, tất cả đều do mấy chú điệp viên ở sau bức màn sắt mà ra. Chẳng hiểu sao chú nào được phái qua đây cũng mắc cái bệnh dở dở ương ương ấy. Một chú thấy bở bèn mở tiệm. Hắn kiếm tiền như nước. Vô phúc cho hắn gặp em. Hắn trở thành bồ của em. Em trình về Sàigòn. ông Hoàng ra lệnh cho em tặng hắn một viên thuốc. Hắn ngủ luôn một mạch, không dậy nữa, và em ngẫu nhiên nhảy lên làm chủ nhân mặc dầu em không phải xuất ra một phật-lăng nào. Chỉ phải cái phiền phức là em không ưa mà phải ưa... Nào, anh bằng lòng chưa?
 Rồi. Em không biết anh từ Ba Lê tới đây hôm nay ư?
 Biết. Nhưng người ta nói là anh đi máy bay. Em đòi ra phi trường đón song người ta không cho phép, em đành ở nhà chờ anh. Máy bay đến luôn mấy chuyến mà không thấy anh nên em tưởng anh hoãn đến mai. Em nằm trên lầu bỗng cảm thấy ruột nóng như lửa đốt, Vội chạy xuống... Thoạt đầu, em sợ dưới nhà có chuyện lộn xộn vì bọn khách ma quái này thường lộn xộn bất tử. Té ra... gặp anh... anh ngày xưa của em.
 Lão khách sộp từ Ba Lê đến đây để cởi bỏ quần áo và ăn đòn ư?
 Vâng. Hắn chưa "điều trị" ở nhà em lần nào, sở dĩ hắn đến là do một người bạn giới thiệu. Dường như ngày xưa hắn là ông bự của mật thám quốc xã, hắn bắt bớ, tra tấn, bắn giết quá nhiều nạn nhân vô tội nên sau ngày bại trận, hắn phải trốn chui trốn nhủi để khỏi bị lôi ra tòa. Hậu quả của cuộc sống trốn tránh này là hắn mang chứng bất lực sinh lý. Mỗi khi muốn phục hồi hắn phải cởi bỏ quần áo và ăn đòn, có lẽ ông Trời bắt hắn phải chịu hình phạt ấy để đền bù lại phần nào tội ác lột truồng và đánh đập hai chục năm về trước. Úi chao, hắn không phải là trường hợp duy nhất, em đã có khá nhiều thân chủ như hắn, anh ở lại đây chơi đến tối sẽ thấy, có những ông tổng giám đốc công ty kỹ nghệ, chủ nhà băng, viên chức cao cấp chính quyền đáp máy bay riêng đến Giơ-neo để xin em hành hạ...
 Họ nỗi cơn hứng thì em làm sao?
 Anh lại nghi oan em rồi đấy. Em chỉ "điều trị" cho họ, chứ em không cung cấp xác thịt, nhưng nếu họ đòi hỏi, em có thể lo liệu đầy đủ. Những căn nhà ở sát nách chuyên về việc này. Tuy nhiên, ít khi họ tìm hoa ở đây, họ trả từ một đến hai ngàn phật-lăng Thụy Sĩ để được ăn đòn (1) nên thường thường họ có sẵn những bông hoa đắt giá.
 Trời ơi, em đánh người ta đau điếng mà đòi cả trăm đô-la Mỹ một lần ư?
 Ai bảo anh là đánh đau điếng? các cô làm cho em đều là chuyên viên tốt nghiệp đàng hoàng, họ đánh đau thì thật đau song cũng thật sướng, trên thân thể người ta có một số đường dây thần kinh gây ra cảm khoái, họ chỉ chạm vào những chỗ này. Vả lại, hai, ba trăm đô-la không phải là nhiều, ở Hăm-bua, xỉu xỉu cũng mất 50 đô-la, lối hành hạ lại thiếu khoa học, và nhất là địa điểm thiếu kín đáo, thiếu sang trọng, ở đây, cái gì cũng tân tiến hơn, khung cảnh Thụy Sĩ lại hoàn toàn thích hợp, ngoài ra chính quyền lại hết sức nghiệt ngã đối với vấn đề sex nên lập được một phòng điều trị bệnh bất lực không phải là dễ. Phải rải tiền khắp nơi, nếu không...
Văn Bình và Phù Dung đã lên đến lầu trên. Nếu nhà dưới chỉ có bốn bức tường trần truồng và lạnh lùng thì lầu trên là một thiên đường đầy đặn và ấm cúng. Nàng dẫn chàng qua một hành lang rộng trải thảm len ni-lông êm ái, tường lót gạch lát-tích trắng hãm thanh và bước vào phòng nàng.
Mặt nàng đang hân hoan bỗng sa sầm. Văn Bình nhận thấy nguyên nhân khiến nàng buồn đột ngột là những con bài nhiều màu rực rỡ xếp thành hàng dài trên bàn kê gần cửa sổ. Căn phòng được điều hòa khí hậu, cửa đóng kín nên tiếng động bên ngoài không lọt được vào. Dầu mở toang các cửa, căn phòng cũng vẫn im lặng vì cái ngõ độc nhất vô nhị này ở sau lưng những đường phố đông đúc và sầm uất, có khi cả giờ đồng hồ trôi qua mà không thấy bóng xe hơi.
Phù Dung buồn, và Văn Bình cũng cảm thấy một nỗi buồn khó tả dâng tràn ngập lòng chàng. Hình ảnh những con bài tây mỹ miều vừa đánh thức trong trí chàng những hình ảnh của quá khứ xa xôi mà gần gũi.
Phù Dung là một trong những thiếu phụ lưu lại trong tâm thần và thể xác Văn Bình vết hằn sâu xa nhất. Trên một phạm vi nào đó, nàng đã dạy vỡ lòng cho chàng về tình yêu nhục thể. Mười mấy năm trước, nàng truyền bài học nhập môn trên cái giường rộng, kê gần cửa sổ nhìn ra vườn im lặng và gần cái bàn trên đặt cái khay sơn son thếp vàng đựng yến chưng đường phèn và cỗ bài tây xếp thành hàng dài rực rỡ. Mở đầu, nàng mời chàng ngồi xuống giường, nhìn nàng bói bài. Nàng có thói quen bói bài tốt thì mới làm tình, nếu bói bài xấu thì chỉ trò chuyện suông. Định mạng thú vị đã giúp chàng và nàng có con bài thật hên, và nàng mở nắp lồng bàn trên khay sơn son thếp vàng để lộ hai cái bát kiểu màu hồng xinh xắn, rồi bưng một bát yến lên tận miệng chàng.
Đời nàng là kết tinh của những sự dị đoan lạ lùng. Dường như mọi đều hay trong đời nàng đều xảy ra trong ngày 13 hoặc liên hệ đến số 13, nên trong khi thiên hạ tránh xa con số 13 nàng lại thích thú được gần. Nàng nói với chàng rằng làm tình trong ngày 13 là điềm hên, nếu được ngày thứ sáu 13 thì còn hên hơn nữa.
Nàng bói bài rất giỏi, và trước khi làm việc gì, kể cả việc ân ái nàng đều mang bài ra hỏi thời vận. Có lẽ trước khi chàng đến nàng vừa kinh bài và rải ra bàn. Và có lẽ nước bài không có gì tốt nên nàng không vui.
Phù Dung kéo ghế:
 Anh ngồi xuống đây. Em vẫn đa mang yến chưng đường phèn. Anh thấy không? Bát kiểu màu hồng, khay sơn son thếp vàng, lồng bàn thép, bài tây... tất cả đều là vật cũ, em cất kỹ trong tủ sắt, hôm nay được tin anh đến em mới mang ra khoản đãi.
Phù Dung cầm bát yến, đưa cho Văn Bình. Chàng hơi bối rối vì chưa tìm thấy muỗng. Phù Dung cười:
 Em biết rồi, anh đang cần cái muỗng. Dùng muỗng thìa là lối sống của người Âu Tây, nhưng để ăn canh, ăn súp thì đúng điệu, còn nếu để thưởng thức món yến chưng đường phèn thuần túy Á Đông thì sai bét. Anh cứ đưa lên miệng húp đi, nó kém văn minh, kém lịch sự thật đấy, song hương vị nó thấm thìa hơn nhiều. Dầu là muỗng sứ, muỗng nhom hoặc muỗng ni-lông, nó cũng gây ra cái mùi là lạ, làm giảm hương vị đặc biệt của yến trộn với đường phèn. Anh dùng đi, hừ... anh chóng quên quá, ngày đó anh cũng bối rối, và em cũng phải giải thích như hôm nay anh mới hiểu.
Một lần nữa, Văn Bình lại thấy Phù Dung sa sầm. Bằng khóe mắt, nàng liếc những con bài trên bàn, trong khi nàng trả cái bát hồng vào chỗ cũ trên cái khay đã tróc sơn. Văn Bình hơi rùng mình. Nàng vẫn ưa bói bài 13 lá như ngày xưa. Bất cứ cái gì, nàng cũng tiếp nối với con số 13. Đêm ấy, nàng giảng bài cặn kẽ như thể chàng là cậu học trò ngây thơ và nàng là ông giáo trung niên (và sự thật thì Văn Bình cũng chẳng hơn cậu học trò ngây thơ là mấy):
 Anh cứ tin em đi, thiên hạ ngớ ngẩn kinh khủng, con số 13 có gì đáng ngại đâu! Đừng tưởng người Âu Mỹ giỏi hơn người mình, họ còn ngu hơn người mình nhiều, bằng chứng là người Hoa Kỳ tự hào là văn minh mà những cao ốc của họ lại sợ, không dám mang số 13, từng thứ 13 thì lại mang tên thứ 14, riêng tại Nữu Ước đã có hơn 50 khách sạn như vậy (2). Hải quân Anh chẳng hiểu nỗi danh trên thế giới về khoảng nào, chứ về khoản sợ con số 13 thì họ đáng dẫn đầu, trời đất ơi, trong trận thế chiến thứ nhất, một ông đại đô đốc kiệm bộ trưởng hải quân đã cho tàu chiến ra khơi đánh quân Đức vào ngày 11 mặc dầu ngày 13 mới đúng là ngày xuất trận (3)...
Phù Dung còn nói nhiềụ, nhiều nữa. Nàng không tiếc lời đả kích "cái bệnh sợ số 13" (4) từng làm người Mỹ thiệt gần 300 tỷ đô-la. (5) Phần nào cũng vì Phù Dung mà chàng có duyên với ngày thứ 13, ngày mà người phương Tây mất ăn mất ngủ, thay mèo đen hoặc thang dựng thì chạy trốn như bị ma đuổi, hễ vỡ ly họặc vỡ gương soi mặt là sợ toát mồ hôi lạnh, và tiêu phí không biết bao nhiêu tiền của để mua bùa ngãi, và mua... muối vãi sau lưng hầu xua đuổi tà ma.
Văn Bình đang bâng khuâng với những kỷ niệm quá khứ thì Phù Dung đã mở đèn cho sáng thêm rồi lấy ngón tay chỉ những con bài cơ rô chuồn bích nằm dài trên bàn, giọng nàng như bị nghèn nghẹn vì thịt dư ở cổ họng:
 Chắc em nguy mất, anh à.
Văn Bình nhìn theo ngón tay nàng:
 Làm nghề này thì khi nào cũng nguy cả. Nhưng từ phút này trở đi, em có thể được yên tâm. Đành rằng ông Hoàng phái anh sang Thụy Sĩ, nhưng nếu không có em ở đây thì vị tất anh chịu vứt bỏ cuộc sống dưỡng sức bên đó. Anh xin bảo đảm với em... Em có thể trở về Sàigòn nghỉ ngơi một thời gian, như em từng yêu cầu.
Phù Dung cầm một con ách chuồn lên ngắm nghía rồi thả xuống, giọng nàng vô cùng buồn thảm:
 Em tin ở tài anh, nhưng "chữ tài liền với chữ tai một vần, anh ạ". Dầu sao, còn có định mạng gì nữa. Mà định mạng lại không tốt đẹp gì với em. Anh ơi, em chết mất.
 Nói nhảm.
 Từ nhỏ đến giờ, trước khi làm việc gì em cũng đều bói bài. Mười mấy năm trước, em bói được con "đầm cơ" với con "bồi cơ" ở bên tay phải nên em tất tưởi ra phố, vì nước bài cho biết em sẽ hội ngộ với một thanh niên rất trẻ, rất đẹp trai, rất khả ái, và dầu xa nhau cả chục năm, cũng sẽ rất trung thành. Và em đã gặp anh và dâng hiến cho anh... Sáng nay, được tin anh đến, em cũng mang bài ra kinh, nhưng anh ơi...
Văn Bình đăm đăm nhìn con bài mang chữ J ở góc:
 Em bói thấy con bồi bích?
Nàng gật đầu, mặt tái mét:
 Vâng.
 Nghĩa là thần bài 32 lá tiên đoán em bị một người đàn ông còn trẻ tính chuyện lường gạt. Và sở khanh này là anh.
Phù Dung vội bịt miệng chàng:
 Bậy nà. Con "bồi bích" này không phải là anh. Anh thấy rõ chưa? Nó lại lộn ngược, bồi bích lộn ngược đã nguy, nó lại bị con bẩy bích án ngữ bên tay phải mới nguy hơn nữa. Nước bài này cho biết em sắp bị tai nạn có thể thiệt hại tính mạng, và tai nạn này do một tên bất lương được em yêu thương, em sửa soạn lấy làm chồng gây ra.
 Mai Lăng?
 Thưa anh vâng, Mai Lăng, em lỡ yêu Mai Lăng... trời ơi, anh cũng nghe nói đến chuyện giữa em và Mai Lăng ư?
Văn Bình không đáp. Vì điện thoại trên bàn vừa reo. Phù Dung tần ngần. Văn Bình hỏi nàng:
 Em có hẹn với ai không?
Nàng đáp gọn:
 Không.
Chuông điện thoại vẫn reo. Nàng đặt bàn tay lên ống nghe song vẫn chưa nhấc lên:
 Lạ thật, anh ạ. số điện thoại này chỉ có một số người thân biết. Nếu là bạn thường hoặc khách hàng thì phải gọi qua điện thoại dưới nhà rồi họ chuyển lên đây cho em. Em sợ không khéo Mai Lăng...?
 Mai Lăng gọi cho em.
 Có thể. Nhưng giữa hắn và em, đến đây là hết.
 Em vừa nói sẽ làm vợ hắn, giờ đây em nói là hết duyên, hết nghĩa. Anh chẳng hiểu ất giáp gì cả. Tại sao người ta lại bảo là anh đến đây để giúp em một tay, lo vụ hoàng tử Phakanvong?
 Vâng, vụ hoàng tử Phakanvong liên hệ mật thiết đến em, đến Mai Lăng và...
Đã xem 78387 lần.


© 2006 - 2024 eTruyen.com