Những ngày sống ở quê nhà, Phan Châu Trinh mới có điều kiện chăm sóc gia đình. Ông đích thân làm tất cả những gì có thể làm được, từ việc đưa anh đi đây đó, thắp hương cho tổ tiên, cám ơn những sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của mọi người trong thời gian ông ăn học đến việc tắm rửa cho con, chẻ củi, sửa lại nền nhà… Những việc làm vụn vặt đã có người, nhưng ông vẫn thích tham gia. Khi ông đang chăm sóc người anh bị bệnh thì ông được triều đình bổ làm Hậu bổ ở Huế. Nghe tin ấy, ai cũng mừng, kể cả người anh cả của ông đang thoi thóp trên giường bệnh. Lòng ông cũng vui, dù sao đã học cũng phải hành. Mặc dù các thánh nhân đều nói rằng: “Khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo. Khả dữ thích đạo, vị khả dữ lập, vị khả dữ quyền” (1), nhưng ông tin vào bản thân, tin vào sở học của mình. Hoạn lộ có nhiêu khê thật, song không vì thế mà đánh mất chính mình, đánh mất lòng tin của nhiều người, nhất là những người nông dân nghèo khó ở quê ông nói riêng, xứ sở này nói chung. Ít ra, ông cũng làm được như Tử Sản: "Kỳ hành kỷ dã cung; kỳ sự thượng dã kính; kỳ dưỡng dân dã huệ; kỳ sử dân dã nghĩa"(2). Gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết cho ông về kinh nhậm chức, nhưng cứ thấy ông nấn ná và thường thở dài, mọi người đều hiểu ông đang lo lắng cho bệnh tình của người anh cả. Và buổi họp gia tộc được tổ chức. Trọng tâm của buổi họp, mọi người khuyên ông nên xuất chính, những chuyện còn lại ở nhà, bà con sẽ góp mỗi người một tay không sao cả. Lòng hiếu thảo của ông, gia tộc chứng nhận, người anh cả của ông đang mê man trên giường bệnh cũng hiểu, nếu còn tỉnh táo thì cũng nghĩ như mọi người. Lệnh vua không nên cưỡng, vả lại phước bất trùng lai, hãy thuận theo lẽ tự nhiên. Phan Châu Trinh ngồi trầm ngâm lắng nghe, nhưng trong lòng thì buồn rười rượi. Ông biết người anh cả của mình sống không được bao ngày nữa, bởi ông đã tham khảo một số danh y trong vùng và họ đều đồng ý với ông, mạch của anh cả của ông là mạch tử, sống nhiều lắm không quá nửa tuần trăng. Nếu ông đi thì khó mà vuốt mắt cho anh lần cuối cùng. Và một khi đã nhậm chức mới mấy ngày lại phải từ quan về thọ hiếu anh thì còn ra thể thống chi. Với người anh cả, ông không thể không làm vậy được. Anh cũng như cha và người anh của ông đã làm trọn vai trò người cha đối với ông: cho ông ăn học nên người, cầm trầu rượu đi hỏi vợ, cưới vợ cho ông… “Sinh sự chi dĩ lễ. Tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ" (3). Những lời dạy của thánh hiền còn đó, sao ông lại vội quên chỉ vì chút danh chút phận? Dường như đọc được ý nghĩ của ông, người trưởng tộc lên tiếng: - Các bác, các chú có mặt ở đây chữ nghĩa rõ ràng không bằng cháu, nhưng hiểu đời chắc có hơn cháu. Các bác, các chú ở đây không dám múa búa trước cửa Lỗ Bang, nhưng cũng võ vẽ biết ít nhiều điều thánh hiền dạy. Khổng tử dường như có dạy: "Phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hạnh, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỷ"(4). Do vậy, cháu nên xem lại. Phan Châu Trinh chỉ biết nói lời cám ơn, và cuộc họp gia tộc coi như chấm dứt. Ông trở lại giường bệnh chăm sóc cho anh. Thấy ông bước vào, vợ ông đứng dậy nhường chỗ và hỏi: - Mấy chú, mấy bác khuyên mình nên đi phải không? Phan Châu Trinh gật đầu rồi ngước nhìn vợ, hỏi: - Ý mình thế nào? - Em không biết. - Vợ ông cúi đầu vân vê tà áo. - Ra làm quan cũng tốt, nhưng bất hiếu thì người ta cũng cười. Dĩ nhiên, mình làm quan thì không ai dám cười ra mặt nhưng họ sẽ cười thầm. Hồi nhỏ, cha em thường dạy… - Mình cứ nói, tôi không trách chi đâu - Cha em thường dạy, con người mà bất trung bất hiếu thì… không còn là con người. - Nói xong, vợ ông biết mình lỡ lời, nên ấp úng: - Em… Em… xin lỗi mình. Phan Châu Trinh mỉm cười, đứng lên ôm lấy bờ vai của vợ, nói: - Mình nói đúng lắm. Cha dạy không sai đâu. Thôi mình đi lo công việc đi. Mọi chuyện của tôi, tôi biết sắp đặt. Vợ ông vặn mình ra khỏi vòng tay chồng, kéo tay áo chùi nước mắt. Phan Châu Trinh nhìn vợ bước xuống nhà ngang trong lòng cũng không biết được những giọt nước mắt ấy vui hay buồn.
°