BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI

Ra khỏi thị xã, chiếc xe hơi vượt qua cây cầu bắc ngang sông, bắt đầu tăng tốc độ. Kim đồng hồ chỉ vận tốc qua đi qua lại ở số sáu mươi. Máy điều hoà phả hơi mát lạnh. Lọ nước hoà bình búp sen gắn gần vô lăng toả hương thơm dìu dịu. Ngồi trong xe, ông Tám lơ đãng nhìn cảnh vật bên đường chạy vùn vụt về phía sau, lòng nặng trĩu ưu tư. Hôm nay ông đi dự một cuộc họp quan trọng do bộ Y tế chủ trì. Thành phần gồm chủ tịch tỉnh cùng giám đốc sở y tế các tỉnh phía Nam. Nội dung bàn về việc nâng cấp mạng lưới Y tế cơ sở.
Ông Tám chợt nói như là để giải toả:
- Mấy cái hồ ao này sẽ san lấp hết để xây bệnh viện lớn trang bị những máy móc hiện đại.
Anh lái xe lên tiếng:
- Đã có kinh phí chưa chú Tám?
- Hôm nay chú bàn về việc đó đây. Trung ương sẽ đầu tư một phần, còn lại do một tổ chức quốc tế tài trợ. Luận chứng kinh tế đã làm xong.
Anh lái xe tuổi chừng hai lăm, thuộc loại người ngũ đoản, lưng gù, chắc khoẻ, nhưng vợ anh lại gầy yếu thường phải đi bệnh viện và anh rành bệnh viện như ở nhà. Mỗi lần nhắc đến bệnh viện anh lại rùng mình, vì cảnh chật chội, hai người, thậm chí ba người một giường. Người ta ngủ cả trên hành lang, lối đi. Mùi thuốc, mùi hôi thối và rất nhiều mùi khác nữa làm người ta lợm giọng. Bây giờ tỉnh sẽ đầu tư xây dựng bệnh viện mới khang trang hiện đại, sẽ không còn cảnh chen chúc, khổ sở. Riêng điều đó cũng làm anh náo nức.
- Cháu cũng mong tỉnh sớm có bệnh viện mới. Việc đáng lo đầu tiên của tỉnh mình là mạng lưới Y tế đã xuống cấp trầm trọng.
Ông Tám gật gù:
- Đúng thế, đúng thế…
Đi làm với Cường đã lâu, có chuyện gì vui buồn ông Tám lại nói với anh. Ông coi Cường như người bạn và Cường cũng rất quí mến ông Tám. Ông không quá xa cách với anh. Ông còn được tiếng là người giản dị liêm khiết. Nếu gặp ông ngoài đường, khó ai biết đó là một vị phó chủ tịch tỉnh. Ông vẫn đi đến cơ quan bằng xe đạp, với bộ quân phục đã cũ, dép cao su, mũ cối. Chỉ thiếu quân hàm quân hiệu là lại trở thành vị đại tá đáng kính. Ông vẫn ở nhà tập thể như những cán bộ nhân viên bình thường. Ông tham gia cách mạng rất sớm, là một trong những người có nhiều huân chương cao quí nhất tỉnh. Bạn bè ông kể, đáng lẽ ông đã lên tướng từ lâu. Lính của ông giờ đã thiếu tướng. Còn ông thì…
Xe vượt qua chiếc cầu dài bắc ngang con sông rộng rồi đi vào cánh đồng vắng, hai bên đường những ruộng lúa chín vàng rực. Lúa ven quốc lộ tốt đến nỗi người ta thường nói đó là những đám lúa triển lãm.
Chợt Cường trông thấy một người đàn bà đang quì giữa đường làm động tác vẫy xe rất tội nghiệp. Anh vội giảm tốc độ. Ông Tám cũng đã trông thấy người đàn bà, ông vội nói:
- Dừng lại xem có chuyện gì.
Cường tấp xe vào bên lề đường. Ông Tám mở cửa bước xuống, đến bên người đàn bà, hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Người đàn bà mếu máo:
- Thưa ông, con gái tôi bị đau bụng, tôi đưa cháu đi bệnh viện, nhưng nãy giờ vẫy mãi mà không có chiếc xe nào dừng lại. Ông làm ơn cứu giúp cháu.
Ông Tám gật đầu nhìn người đàn bà. Chị mặc bộ quần áo màu xanh đã cũ, càng nổi bật nước da ngăm đen. Dáng chị gầy, cao, tướng người long đong vất vả.
Ông Tám nhìn thấy cháu gái chừng chín mười tuổi đang ôm bụng khóc ven đường. Mặt em đầm đìa mồ hôi, môi tái mét. Ông bước tới đỡ cháu đứng dậy:
- Cháu đau ở chỗ nào?
Một tay ôm bụng, tay kia bé níu lấy ông. Cứ mỗi cơn đau bé lại siết chặt ông hơn làm ông thấy tội quá. Đau vùng hố chậu phải dữ dội thế này là đau ruột thừa rồi. Nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Phải cứu cháu bé này, chở cháu lên Sài Gòn? Còn những tám chục cây số nữa. Đường phố Sài Gòn giờ này rất đông người, không thể chạy nhanh được. Quay xe trở về bệnh viện tỉnh gần hơn. Ở đó người ta sẽ mổ cho cháu. Nhưng đưa cháu về có nghĩa là sẽ bỏ lỡ mất cuộc họp. Chủ tịch tỉnh đã đi trước. Luận chứng kinh tế cho cái bệnh viện mới lại đang nằm trong cặp của ông? Hơn nữa ông có nhiệm vụ thuyết trình về luận chứng đó. Mấy tháng nay ông và cấp dưới đã làm cật lực để hoàn thành nó trong thời gian ngắn nhất, không có ông, chẳng hiểu họ sẽ làm ăn ra sao?
Ông Tám thở dài nhìn cháu bé. Cháu lại cứ bám riết lấy ông, cháu đã đặt hết niềm hy vọng vào ông. Và như thế ông càng không thể để cháu thất vọng, càng không thể nhẫn tâm gỡ tay cháu ra khỏi người. Ông thấy sống mũi cay cay. Ôm lấy cháu, ông nói:
- Dù thế nào ông cũng phải cứu cháu.
Ông ẵm cháu lại xe và nói với người đàn bà:
- Chị lên xe đi, chúng tôi sẽ đưa cháu đến bệnh viện.
Người đàn bà bối rối chạy theo ông và lúng túng chui vào xe. Cường cho xe quay đầu rồi tăng tốc độ.

°

*

Trực ở phòng cấp cứu là một y tá tuổi chừng hai mươi, trắng trẻo trong bộ áo khoác. Cô ngồi sau chiếc bàn trải vải trắng tay thoăn thoắt đôi kim đan, không trông thấy người ta vừa đưa đến một bệnh nhân. Cường đặt cháu gái lên giường rồi quay lại nói với cô y tá trực:
- Cháu bị đau bụng, chị khám giùm cháu.
Cô y tá tay vẫn thoăn thoắt cây kim đan và vẫn không ngẩng lên.
- Bác sĩ trực đi vắng… Anh chờ cho một lát.
Cường đành quay lại với cháu bé. Cháu vẫn rên la:
- Mẹ ơi đau lắm. Cứu con với mẹ ơi.
Người đàn bà ôm chặt lấy con, nhìn Cường cầu cứu.
Cường cũng thấy nóng lòng. Anh đi qua đi lại và không biết làm cách nào giúp cháu bé khỏi đau. Anh ngồi bên em nắm tay bé dỗ dành:
- Ráng chút nữa đi con. Bác sĩ sẽ về cho con uống thuốc, rồi sẽ khỏi ngay thôi.
Cháu bé cố nghiến răng ghìm cơn đau và điều đó càng làm cho Cường thương cháu hơn. Bé có vầng trán phẳng, sống mũi cao, mắt sáng, đúng là một cô bé thông minh. Chỉ tội cháu hơi gầy, kết quả của những ngày thiếu ăn và không được bồi dưỡng. Dù vậy, lớn lên cháu sẽ trở thành một cô gái xinh đẹp.
Nửa giờ sau vị bác sĩ mới bệ vệ bước vô. Chắc ông đi ăn ở đâu đó, cây tăm còn cài trên miệng. Những bệnh nhân chờ ông đã lâu, nhao nhao lên. Ai cũng muốn được khám trước. Cường níu ngay lấy ông bác sĩ:
- Thưa bác sĩ, cháu tôi có lẽ bị đau ruột thừa cấp. Bác sĩ khám cho cháu ngay giúp kẻo muộn.
Bác sĩ rút cây tăm trên miệng ném qua cửa sổ rồi theo Cường lại khám cho cháu gái. Một lúc, ông nói:
- Đúng là bị đau ruột thừa. Anh sang phòng bên đóng tiền rồi chúng tôi sẽ mổ cho cháu.
Cường lúng túng nhìn người đàn bà vì anh không có sẵn tiền trong túi. Người đàn bà cũng bối rối hơn:
- Thưa bác sĩ, bác sĩ hãy cứu giúp cháu…. Cháu sẽ đóng tiền sau.
Ông bác sĩ cau mày:
- Chị này lạ thật. Bây giờ vào viện là phải chuẩn bị tiền thuốc thang, tiền bông băng dao kéo.
Người đàn bà nói như mếu:
- Bác sĩ thương tình. Cháu đang đi học thì bị đau giữa đường. Tôi vội đưa cháu đi ngay, chẳng kịp quay về lấy tiền.
Ông bác sĩ cau mày hất hàm về phía Cường:
- Bảo anh này về lấy tiền.
Rồi chẳng kịp để Cường và người đàn bà nói thêm, ông bước sang giường bệnh nhân khác.

°

*

Ở bên ngoài ông Tám cứ liên tục liếc nhìn đồng hồ. Họ làm gì mà lâu thế? Chắc trên thành phố cuộc họp đã đến giờ khai mạc. Giá mà ông có đôi cánh để bay đến kịp giờ họp. Vắng ông, không biết người ta sẽ triển khai nó như thế nào. Theo chương trình, sáng mai, các cán bộ ở Trung ương sẽ "bay" ra Hà Nội. Bỏ lỡ dịp này, chắc chắn ông sẽ gặp nhiều rắc rối. Nhưng cái chính vẫn là chương trình nâng cấp mạng lưới Y tế của tỉnh sẽ gặp khó khăn. Không dằn được nữa, ông Tám mở cửa xe bước xuống và đi vào bệnh viện.
Ông Tám giận sôi lên. Thì ra mọi sự chậm trễ lại do sự tắc trách của bệnh viện. Ông nói với cô y tá trực:
-Cháu bé bị đau như thế mà các đồng chí dửng dưng thì lạ thật. Bác sĩ đâu, không có tiền thì cũng phải cứu người ta.
Cô y tá ngước lên thấy ông già gầy gò mặc bộ quân phục đã cũ giống như người nhà quê, cười khẩy:
- Không có tiền thì về lấy tiền. Bây giờ không còn bao cấp như hồi xưa.
Không kềm chế được, ông Tám nổi nóng:
- Không phải xoá bao cấp là cái gì cũng tính tiền lợi nhuận. Không có cái gì quí hơn tính mạng con người.
Cô y tá không vừa:
- Ông là ai mà dám vào đây dạy dỗ người ta? Đúng là lão già lẩm cẩm.
Ông Tám tái mặt.
Giám đốc bệnh viện Mười Tân nghe hai người to tiếng vội đi xuống phòng trực. Trông thấy ông Tám, giám đốc giật mình nở nụ cười chạy đến bắt tay ông:
- Anh Tám! Không ngờ anh lại có mặt ở đây. Mời anh lên phòng tôi uống nước.
Ông Tám vẫn chưa hết bực mình. Ông hất hàm chỉ cô gái trực, nghiêm giọng:
- Nhân viên của anh làm việc như thế đó…
Giám đốc bệnh viện xin lỗi ông rối rít.
Cháu gái được đưa ngay lên bàn mổ.

°

*

Ra khỏi thị xã, ông Tám giục Cường phóng xe thật nhanh hy vọng vớt vát được chút thời gian còn lại. Nhưng mọi cố gắng đó đều vô ích. Đến nơi, đã mười một giờ trưa. Cuộc họp đã kết thúc.
Ông Tám đi tìm ông Năm Thọ Chủ tịch tỉnh. Ông Năm vốn là phó tiến sĩ kinh tế học ở Đức về. Một con người thích sự rạch ròi, luôn hướng về mục đích cụ thể hơn là bị tình cảm chi phối. Người ta đồn ông chịu ảnh hưởng tư duy của người phương Tây, tin vào khoa học thực nghiệm và lô gíc. Gặp ông Tám, ông Năm lạnh lùng nói:
- Anh giải thích đi!
Ông Tám kể lại việc xảy ra dọc đường.
Ông Năm nói giọng nặng trịch:
- Tôi đã trông thấy mẹ con nhà ấy vẫy xe. Nhưng tôi hỏi anh, giữa một việc cỏn con ấy với việc xây dựng cả một loạt bệnh viện để cứu bao nhiêu sinh mạng con người thì cái nào cần thiết hơn?
Ông Tám cố ôn tồn:
- Nhưng tôi không thể vô tình trước sinh mạng của cháu bé.
- Hừ, tôi nghĩ là anh đã quá già rồi đấy! Công việc có lẽ không còn thích hợp với anh nữa.
Nói rồi ông Năm đứng dậy bỏ đi trước sự bối rối của ông Tám.

°

*

Qua kính chiếu hậu, Cường thấy ông Tám ngồi buồn xo. Anh là người gần gũi ông Tám nên hiểu và thương ông. Không riêng anh, nhân dân trong tỉnh cũng rất yêu quí ông. Nhà ông lúc nào cũng có khách. Người đến xin cho con họ được chuyển về dạy ở thị xã, người nhờ can thiệp tranh chấp ruộng đất, người nhờ giúp đỡ trong vụ kiện cáo, vụ trù dập… Ông bỏ ra hàng giờ nghe họ trình bày nguyện vọng. Rồi ông đi giải quyết công việc cho bà con. Dĩ nhiên ông làm một cách vô tư, không hề nhận quà của một ai. Hàng ngày ông ngập trong biển khách, trong các vụ việc. Ông gầy ốm đi, người phờ phạc, ông không được ngủ trưa đã đành mà cả những buổi tối, thậm chí cả những đêm khuya cũng còn có người kiếm. Ngay trong tỉnh uỷ cũng có người phê bình ông chơi trội. Trong đấu tranh chống tiêu cực, đụng ở đâu là ở đó có ô dù. Nhiều cái ô to đến ngạc nhiên. Ông bị sức ép từ nhiều phía. Lời tuyên bố trưa nay của Chủ tịch tỉnh là hệ quả của những việc làm "tai tiếng" xưa nay. Việc ông bỏ lỡ cuộc họp chỉ là giọt nước làm tràn ly nước. Cường thở dài hiểu rằng, làm một người lãnh đạo trong lúc này khó khăn lắm. Chủ tịch và phó chủ tịch cách xa nhau nhiều quá. Rồi sắp tới tình hình sẽ ra sao?
Xe về đến thị xã, ông Tám chồm dậy vỗ vào vai Cường:
- Ghé vào bệnh viện một chút.
Dọc đường về ông Tám thấy lòng nóng như lửa đốt, ông lại nhớ đến cháu bé. Không biết cháu giờ này ra sao?
Xe dừng ở cổng bệnh viện, ông Tám hớt hải bước vào phòng trực. Cô y tá nhận ra ông mỉm cười:
- Cháu chào chú Tám, chú mới đi họp về?
Ông Tám gật đầu:
- Chào cháu. Thế cháu gái đã mổ xong rồi chứ?
Cô gái đáp:
- Cô bé bị đau ruột thừa mà chú đưa đến sáng nay phải không ạ? Mẹ cháu đã đưa cháu về rồi.
Ông Tám hốt hoảng:
- Sao lại đưa về?
- Em đã chết.
Ông Tám thấy trước mắt tối sầm lại, ông ngồi phịch xuống ghế ôm lấy đầu. Một lúc sau ông mới thốt nên lời:
- Làm sao cháu lại đến nông nỗi đó?
- Cháu bị vỡ ruột.
Ông Tám thấy đau nhói ở tim hình ảnh cháu gái đau đớn kêu khóc:
- Cháu chết oan, bác ơi!