Bao lâu con người còn đánh dấu đời sống mình bằng những chu kỳ của thiên nhiên - các mùa đắp đổi, trăng non hay trăng tròn - thì con người vẫn còn bị thiên nhiên giam hãm. Nếu con người muốn tự lập và đổi mới thế giới bằng những sáng tạo của mình, họ cần phải có cách đo lường thời gian riêng của mình. Và những chu kỳ nhân tạo này sẽ trở nên đa dạng một cách kỳ diệu.Có lẽ tuần lễ là một trong những nhóm đơn vị thời gian nhân tạo có sớm nhất trong lịch sử. Tuần lễ không phải là một sáng tạo của phương Tây, cũng không phải ở đâu tuần lễ cũng gồm 7 ngày. Trên khắp thế giới, người ta thấy có ít nhất là 15 kiểu tuần lễ khác nhau, với những tập hợp từ 5 đến 10 ngày. Kiểu tuần lễ được sử dụng phổ biến nhất không phải một tập hợp số ngày đặc biệt nào, mà là do nhu cầu và ước muốn có một tập hợp nào đó mà thôi. Con người có một ước muốn mãnh liệt và thúc bách xử lý thời gian, sử dụng nó cho lợi ích của mình nhiều hơn những gì thiên nhiên cống hiến.Tuần lễ bảy ngày phổ biến hiện nay bắt nguồn từ nhu cầu và sự thỏa thuận chung của người ta, chứ không phải do pháp chế của một nhà nước nào. Nó đã xảy ra thế nào? Tại sao? Khi nào?Tại sao tuần lễ lại là 7 ngày?Người Hy Lạp cổ hình như không có tuần lễ. Người Rôma sống theo tuần lễ 8 ngày. Các nông dân làm việc ở đồng ruộng 7 ngày và ra thành phố ngày thứ 8 - ngày chợ phiên. Đây là một ngày nghỉ ngơi và giải trí. Không rõ tại sao người Rôma ấn định tuần lễ 8 ngày và tại sao cuối cùng họ đã đổi thành 7 ngày. Con số 7 có một sức lôi cuốn kỳ bí hầu như ở khắp nơi. Người Nhật cho rằng có 7 vị thần hạnh phúc, thành Rôma được xây trên 7 ngọn đồi, người cổ đại kể ra 7 kỳ quan của thế giới và các Kitô hữu thời Trung Cổ liệt kê ra 7 mối tội đầu. Hình như không có văn bản chính thức nào của chính quyền Rôma để thay đổi tuần lễ từ 8 sang 7 ngày. Người Rôma đã sống theo tuần lễ 7 ngày ngay từ đầu thế kỷ 3 sau C.N.Chắc hẳn phải có những ý tưởng mới phổ biến nào đó về tuần lễ bảy ngày. Một ý tưởng nổi bật là về ngày Sabát, hình như từ Do Thái du nhập vào Rôma. Giới răn thứ hai truyền dạy, "Ngươi hãy nhớ ngày Sabát và coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi; ngày đó ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh". (Xuất Hành 20, 8-11). Mỗi tuần lễ đều tái diễn lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa nơi tạo vật của Người. Người Do Thái cũng dùng tuần lễ để kỷ niệm cuộc giải phóng của họ khỏi cảnh nô lệ. "Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai Cập và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dùng cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabát". (Đệ Nhị Luật 5, 15). Khi người Do Thái tuân giữ ngày sabát, họ liên tục tái thể hiện chất lượng thế giới của họ.Cũng còn có những lý do khác cho việc nghỉ ngày thứ bảy, như nhu cầu bồi dưỡng thể xác và tinh thần của con người. Ý tưởng này đã có từ thời dân Do Thái lưu đày bên Babylon. Người Babylon kiêng một số ngày nào đó trong tháng, đó là các ngày 7, 14, 19, 21 và 28. Trong những ngày này, vua của họ không được làm một số hoạt động nào đó.Chúng ta còn có một gợi ý khác về tên gọi của ngày thứ bảy. Đối với người Rôma, ngày của thần Saturn, hay Saturday, là một ngày của điềm gở, mọi công việc đều trục trặc, vì thế không nên giao chiến, cũng không nên đi lại trong ngày này. Người thận trọng không ai muốn gặp những rủi ro do Saturn đem đến. Theo sử gia Tacitusm, ngày thứ bảy được cử hành để kính thần Saturn vì "trong bảy ngôi sao chi phối công việc của loài người, Saturn (sao Thổ) có địa vị và quyền năng cao nhất".Từ thế kỷ 3, tuần lễ 7 ngày đã phổ biến khắp đế quốc Rôma và mỗi ngày được dành để kính một trong 7 hành tinh. Theo khoa thiên văn thời đó, 7 hành tinh này gồm cả mặt trời và mặt trăng, nhưng không gồm trái đất. Thứ tự mà các hành tinh chi phối các ngày trong tuần là: Mặt trời (Sun), Mặt trăng (Moon), sao Hỏa (Mars), sao Thủy (Mercury), sao Mộc (Jupiter), sao Kim (Venus) và sao Thổ (Saturn).Chúng ta ngày nay dễ quên rằng nguồn gốc tên gọi của các ngày trong tuần thực sự là từ tên những "hành tinh" được biết đến ở Rôma hai ngàn năm trước đây. Theo quan niệm thời đó, những hành tinh này tác động trực tiếp tới đời sống mỗi ngày trong tuần của chúng ta. Trong các ngôn ngữ châu Âu ngày nay, tên các ngày trong tuần vẫn còn được gọi theo tên của các hành tinh.Khi muốn xóa bỏ óc mê tín dị đoan, người ta đã thay thế các tên gọi ngày theo hành tinh bằng các con số từ 1 đến 7. Tại Israel ngày nay, các ngày trong tuần vẫn được gọi bằng số thứ tự.Việc chia thời gian thành tuần lễ là một bước tiến mới của con người trong việc làm chủ thế giới và con đường đạt tới khoa học. Tuần lễ là một tập hợp các ngày do con người ấn định, chứ không phải do sự áp đặt của những sức mạnh thiên nhiên (vì ảnh hưởng của các hành tinh đều là vô hình, chỉ có thể đánh giá bằng những hiệu quả của chúng). Bằng cách tìm hiểu những chuyển động đồng đều của các thiên thể và bằng cách hình dung ra rằng các sức mạnh từ nơi xa lặp đi lặp lại có thể chi phối thế giới, con người đã chuẩn bị cho một kho tư tưởng mới, một cuộc giải phóng mình khỏi sự tù túng của cái lặp đi lặp lại. Các hành tinh là các sức mạnh bên ngoài thế giới, sẽ dẫn đưa nhân loại đi vào thế giới của lịch sử.Tuần lễ dựa theo các hành tinh là một con đường dẫn tới khoa chiêm tinh. Và khoa chiêm tinh là một bước dẫn tới các kiểu tiên tri mới. Các hình thức tiên tri cổ xưa có thể gợi ý cho chúng ta tại sao khoa chiêm tinh là một bước tiến tới thế giới khoa học. Các nghi tiết cổ xưa gói ghém một thứ "khoa học" phức tạp để sử dụng các bộ phận của một con vật bị sát tế để tiên tri về tương lai của người dâng hiến tế. Ở Sindh, trong thung lũng Indus, vào giữa thế kỷ 19, các thầy bói đã sử dụng xương vai của con cừu sát tế để bói toán với một kỹ thuật khá tinh vi. Thầy bói toán cắt xương thành mươi hai mảnh, gọi là "nhà", mỗi mảnh trả lời một câu hỏi khác nhau về tương lai. Nếu mảnh thứ nhất sạch sẽ trơn tru, đó là dấu thuận lợi và người được bói sẽ là người tốt. Nếu trong nhà thứ "hai" là nhà thuộc đoàn súc vật, mảnh xương sạch sẽ và trơn tru, thì đoàn súc vật sẽ lớn mạnh, nhưng nếu trong xương có những đường sọc đỏ và trắng, đó là dấu hiệu sẽ có kẻ trộm tới thăm.Tại vùng Assyro - Babylon, người ta dùng bói toán bằng gan con vật sát tế. Hình như khoa bói toán này đã được sử dụng ở Trung Hoa vào thời Đồ Đồng. Sau đó người Rôma và nhiều dân tộc khác cũng áp dụng. Thầy bói sẽ đoán tương lai dựa vào hình thù, kích cỡ của lá gan và lượng máu trong gan. Mọi hoạt động hay kinh nghiệm của con người đều trở thành một điềm báo để trả lời cho niềm khao khát hiểu biết tương lai của con người.Tương phản với những hình thức bói toán này, khoa chiêm tinh có tính chất tiến bộ. Chiêm tinh khác biệt với chúng trong việc khẳng định về sức mạnh liên tục, đều đặn của một quyền lực từ xa. Ảnh hưởng của các thiên thể đối với những biến cố trên trái đất được mô tả là những sức mạnh vô hình, có chu kỳ, lặp đi lặp lại giống như những sức mạnh sẽ điều khiển đầu óc khoa học.Không lạ gì khi con người cổ xưa kinh ngạc trước bầu trời và bị mê hoặc bởi những vì sao. Những ngọn đèn trời đầu tiên này từng thu hút các giáo sĩ vùng Babylon cổ đại thì cũng đã thu hút trí tưởng tượng của dân chúng. Nhịp sống đều đặn không thay đổi trên trái đất làm cho người ta thi vị hóa những bó đuốc sáng ngời trên bầu trời. Các tinh tú di chuyển, đổi ngôi, lên và xuống, chuyển động khắp bầu trời, được nhìn như là những cuộc tranh giành, mạo hiểm của các vị thần.Những sức mạnh của mặt trời và mưa, sự tương ứng giữa những gì xảy ra trên bầu trời với những gì xảy ra dưới đất, đã kích thích người ta đi tìm các sự tương ứng khác. Người Babylon là những người đầu tiên đã tạo ra một khung thần thoại cho những sự tương ứng trong vũ trụ. Những tưởng tượng linh hoạt của họ sẽ được tiếp nối bởi những người Hy Lạp, Do Thái, Rôma và những dân tộc khác qua những thế kỷ kế tiếp.Lý thuyết tương ứng đã trở thành khoa chiêm tinh, nghiên cứu những mối tương quan giữa không gian và thời gian, giữa những chuyển động của các vật thể trong vũ trụ và ý nghĩa của mọi kinh nghiệm con người. Sự phát triển của khoa học sẽ tùy thuộc ở chỗ con người có chịu tin vào những cái khó hiểu, có chịu vượt lên trên những chỉ bảo của nhận thức thông thường không. Với khoa chiêm tinh, con người đã làm một bước nhảy vọt lớn về khoa học để đi vào một chương trình mô tả: làm sao những sức mạnh vô hình của các vật thể từ rất xa chúng ta lại có thể ảnh hưởng đến mọi chuyện nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Bầu trời do đó chính là phòng thí nghiệm của khoa học đầu tiên của nhân loại, cũng như nội tạng cơ thể con người, chỗ thâm sâu nhất của ý thức con người và những Lục Địa Tối trong nguyên tử, sẽ là những phòng thí nghiệm của các khoa học hiện đại nhất của con người. Con người tìm cách sử dụng hiểu biết ngày càng lớn của mình về những mẫu kinh nghiệm lặp đi lặp lại nhằm không ngừng cố gắng phá vỡ cái vòng kiềm tỏa của thiên nhiên.Tại Rôma, khoa chiêm tinh đã đạt tới một tầm ảnh hưởng to lớn mà các thế kỷ sau không sánh được. Các nhà chiêm tinh được gọi mathematici, nghĩa là các nhà toán học, do việc họ tính toán thiên văn. Họ được nhìn nhận như là một nghề chính thức và thế lực của họ thay đổi tùy mỗi thời đại xã hội. Dưới thời Cộng Hòa Rôma, họ rất mạnh và rất lập dị, khiến cho vào năm 139 trước C.N., họ bị trục xuất không những khỏi Rôma mà khỏi toàn đất Italy. Về sau, dưới thời đế chế, khi những lời tiên tri nguy hiểm của họ đã khiến cho nhiều nhà chiêm tinh bị xét xử vì tội phản quốc, họ liên tục bị truy nã và trục xuất. Nhưng cùng một hoàng đế có thể trục xuất một nhà chiêm tinh vì những lời bói toán xui xẻo của ông, lại có thể sử dụng những nhà chiêm tinh khác để hướng dẫn công việc trong cung đình của mình. Một số lĩnh vực được tuyên bố là vô giới hạn. Vào thời đế chế sau, tuy những nhà chiêm tinh có thể được dung túng hay khích lệ nhưng họ vẫn bị cấm không được nói tiên tri về đời sống của hoàng đế.