Vũ văn Đặng, tuổi ngoài năm mươi, cao dong dỏng, dáng đi có vẻ hơi khom, để hàng ria mép bọc vòng trên chiếc miệng rộng tạo cho khuôn mặt xương xương hình lưỡi cày mang nét người chẳng ra người, ngợm không ra ngợm, trông đểu thế nào ấy! Câu ca dao "Trông mặt mà bắt hình dong" có lẽ phù hợp với anh chàng này vì tính chất hợm hĩnh giả mù sa mưa làm bậy. Đối với vợ con, hắn quan niệm người chồng là chủ và phải có vị thế độc tôn, toàn quyền quyết định cũng như ý muốn thế nào vợ phải chấp nhận thế ấy. Đã có lần hắn dám bợ một mụ xồn xồn mang về nhà hoan lạc một đêm để dằn mặt, chứng tỏ quyền hành chủ gia đình; thế mà chị vợ đành phải cắn răng câm nín trước cảnh ngỗ nghịch trái luân thường đạo lý. Số là hắn mê cờ bạc, một hôm thua sạch chạy về nhà đòi vợ đưa tiền đánh gỡ; chị vợ không chịu, hắn kiếm cớ cơm nước nấu nướng như mèo mửa bạt tai mụ vợ. Chị vợ la làng, hắn đành đấu dịu dụ vợ ra xe chở đi ăn tiệm. Và thế là tiệm ăn đâu chẳng thấy, hắn lái xe tới một cánh rừng vắng, trói vợ vào một gốc cây, và tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết, càng kêu la hắn càng nặng tay đánh đập ép mụ vợ phải câm họng. Cuối cùng, hắn bắt buộc mụ vợ chấp nhận từ đó về sau phải tuân theo hắn nếu không sẽ bị giết chết. Mụ vợ bị đòn khá nặng, thâm tím mình mẩy chỉ chừa cái mặt phải nằm liệt giường cả tháng không thể đi bóc tôm, đập sò, mà không biết xoay xở thế nào đành âm thầm chịu đựng. Tiếng Anh tiếng u không biết thì làm sao dám gặp cảnh sát trình bày tự sự; nói với người Việt thế nào không bị trả lời chẳng có lửa sao có khói, và hơn nữa, người Việt quen biết chưa chắc đã giúp được gì coi chừng đến tai chồng lại chỉ bị thêm trận đòn bán mạng... Dẫu dốt nát nhưng Vũ văn Đặng cứ muốn chứng tỏ mình khôn ngoan nên thường ráp nối những câu Nho học một cách lộn tùng phèo, không đầu không đuôi miễn cho có vẻ học thức, lõm bõm sót lại nơi trí nhớ do hồi còn bé được cắp nghiên bút đến thụ giáo với một thầy đồ chừng hai năm. Chính vì thế hắn càng chứng tỏ cái ngu dốt mà lại tưởng rằng haỵ Dĩ nhiên, tính người như vậy làm sao thoát được ham muốn lạm dụng, mà người đã có chủ đích lạm dụng thì nào đâu thiếu cơ hội. Sẵn dịp có "bà thầy nhân điện" mở khóa dạy, hắn hí hửng nhập học vì kỳ đó phong trào chữa bệnh bằng nhân điện bộc phát dữ dội khiến thiên hạ xôn xao do sự tuyên truyền để kiếm chút cháo của người biết xử dụng nhân điện một cách mơ màng thì ít mà lời đồn của những kẻ hiếu kỳ thì nhiều, đến nỗi đã có kẻ cho rằng những người có quyền lực nhân điện biết làm phép lạ. Nào là nhân điện chữa được mọi thứ bệnh mà các bác sĩ cũng đành bó tay như ung thư, bệnh "ếch," di tinh, hượt tinh, tăng cường năng lực, sức khỏe, lại còn có thể giúp các bà xồn xồn trẻ mãi không già v.v... Sau khóa thụ huấn nơi bà thầy cùng với hai mươi mấy người khác, Vũ văn Đặng cố bề liên lạc, gom góp tiền bạc do công sức mụ vợ đập sò, bóc tôm, mò mẫm sang tận Canada học khóa cao cấp hầu mong thế giá nhân điện vượt trỗi hơn những tay nhân điện bạn quanh vùng hắn ở. Không hiểu học hỏi đến đâu mà sau khóa thụ huấn cao cấp trở về, hắn đã ngang nhiên mở lớp truyền công nhân điện đồng thời tự quảng cáo bằng cách truyền miệng quyền năng quỷ khiếp thần sầu đến nỗi tự cho rằng chỉ cần hắn đặt tay trên đầu ai để truyền nhân điện thì người đó sẽ trở nên thông minh. Quyền năng thực hay hư chỉ những người đến nhờ hắn truyền công mới có thể nghiệm chứng, nhưng thực thể sự việc xảy ra đã sinh lắm chuyện ngộ đời. Cứ theo lời đồn thổi thì ông thầy nhân điện khi truyền công chữa bệnh cho các chị xồn xồn thường đặt tay trật chỗ, chỗ đau không đặt mà đặt cả bàn tay vào chỗ không đau để truyền lực. Chị nào coi bộ sạch nước cản một chút, mới một lần đến cầu khẩn thầy cứu độ đã co giò chạy tuốt và có được hỏi thì chỉ đỏ mặt ậm ừ. Có những chị trời ban cho nhan sắc kém may mắn thì phải trả thù lao cho thầy khá nặng, hai ba lần chữa không gì suy chuyển do đó tiếc xót nên đành chấp nhận mình phải trả nghiệp nào đó được thể hiện bằng bệnh tật đang mang. Cho tới thời kỳ này ông thầy nhân điện vẫn chưa có chút danh tiếng để được người ta coi là ông nọ bà kia, mãi đến khi nhập quốc tịch thì tiếng tăm Vũ văn Đặng mới thực sự tỏ lộ. Hôm đi New Orleans để được khảo hạch nhập tịch nơi văn phòng di trú, ông thầy đầy mình nhân điện xưa nay vẫn ớn con cháu họ hàng gốc gác từ Phi Châu lái xe bạt mạng nơi các thành phố lớn; không hiểu dò hỏi thế nào, ông biết được anh chàng hơi quen đã gặp đâu hai ba lần nơi những bàn nhậu cũng đi thi quốc tịch trùng ngày. Bạn nhậu mà, vả lại, không phải lái xe mình nên đỡ tốn tiền xăng đồng thời nhân thể làm ơn và chắc chắn sẽ được hậu đãi tô phở hoặc đĩa cơm sườn kèm theo một đôi chai bia nên anh ta nhận lời đi chung xe với Đặng. Anh chàng này phá phách, chọc ghẹo thiên hạ chẳng thiếu ai, vả lại không điếc thành ra hiểu rành rẽ về ông thầy nhân điện. Thế nên trên đường đi, hắn đã khích tướng ông thầy lấy tên Mỹ cho oai viện lý dầu sao mình cũng sẽ là công dân nước văn minh số một trên thế giới. Hắn giả đò ba hoa nói sẽ đổi họ thành Kenedy và lấy tên Patrick cho oai. Patrick là tên Ái Nhĩ Lan và Kenedy là dòng họ nổi tiếng mọi người đều biết. Thầy nhân điện nghe hứng chí cũng muốn tỏ ra ta đây sành điệu nhưng không biết chọn tên gì cho hách. Giô, Giách, thì thường quá bởi tên gì mà cứ như con bài tây, lỡ khi đánh phé có thằng nào chơi đểu mượn quân bài chửi xéo mình chăng. Mát, Lúc, thì kém vẻ cao sang mà thầy nhân điện quyền năng đâu thể hạ mình lấy cái tên cắc ké như vậy. Nói qua nói lại, dụ khị xa gần nào bia rượu, phở tái nạm, tái gầu, vịt ướp chao nhúng rau muống, tiết canh, miến xào, mãi gần tới nơi, thằng bạn hờ mới xì ra cái tên Rô Be, tên nổi tiếng bên Tây mà rất thịnh hành ở Mỹ. Số may, chỉ một lần khảo hạch ông thầy nhân điện đã qua cầu, hên như chó ngáp được thịt quay, nên khi nhân viên làm hồ sơ tuyên thệ hỏi muốn giữ tên cũ hay muốn được gọi thế nào, thầy nhân điện xin đổi tên gọi thành Rô Bẹ Kể ra mụ người Mỹ làm giấy tờ khá thông minh, thầy nói tiếng Tây mà mụ cũng hiểu. Hí hửng về mở chầu nhậu không quên mời thằng bạn hờ đã có lời khôn ngoan đề nghị, và cũng nhân cơ hội này, thầy muốn dùng hắn làm cái loa tuyên truyền cho quyền lực của mình. Xảy tới hôm tuyên thệ nơi nhà tròn (Coliseum), bà xướng ngôn viên gọi tên từng người đứng lên thưa "pé xần" để được giơ tay nói "ai đu" nhập quốc tịch. Tới lúc bà gọi đến lần thứ ba tên Bob Vũ, vẫn chẳng thấy ai đứng lên thưa pé xần nên đang định lướt qua, thằng bạn hờ ngồi đàng trước sáu hàng ghế mới quay ngược về phía thầy la ầm lên, "Anh Đặng, nó gọi anh đó." Thầy nhân điện lúc ấy, dẫu chợt ngỡ ngàng vì lối phát âm của người Mỹ về tên mới của mình, cũng kịp vội vàng đứng lên hô pé xần trong khi muôn ngàn con mắt đổ dồn về phía thầy kèm theo đợt sóng cười như muốn phá bung nóc mái nhà tròn to lớn khiến quan tòa và những người không biết tiếng Việt phải ngơ ngác cho rằng có chuyện chi đặc biệt. Mà chuyện xảy ra đặc biệt không sai vì từ đó ông thầy quyền năng nhân điện có danh hiệu tiếng Mỹ ngon lành nhưng vô tình trùng với ngôn ngữ tiếng Việt diễn tả hành động không nên nói thành lời. Kể từ ngày danh tiếng ông thầy nhân điện càng nổi thì thân chủ càng ít. Không hiểu ông thầy thẩm định dựa trên lý do gì hoặc bởi quyền lực mất thiêng hay vì thiếu cơ hội truyền công mà chỉ thấy sự xuất hiện của con người mang thần lực nhân điện nơi đình đám bạn bè công cộng càng ngày càng bớt dần, bớt đến độ có thể nói hầu như biệt tích giang hồ ngoại trừ một vài trường hợp bất khả kháng không thể có mặt không được. Sở dĩ thầy hiện diện nơi bữa nhậu này vì chủ gia ở nhà đối diện với nhà thầy bên kia con đường, khi ra mở cửa đón bạn bè, thấy thầy Bob đang từ trên xe bước xuống định vô nhà chợt động lòng thương hại cho cảnh cô độc bất đắc dĩ bèn lên tiếng thăm hỏi nhân tiện mời nhậu. Vì tình quen biết hàng xóm lại bị mời trước sự hiện diện của mấy người khác nên không nhận lời có vẻ kênh kiệu, vả lại, chiều đã muộn lý do gì để mượn cớ bận công việc, hơn nữa, đã lâu "muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời," thầy đành giả đò miễn cưỡng tham dự. Thấy Kính nói có vẻ ngang ngang khó được chấp nhận, thầy nhân cơ hội muốn thừa dịp dựa theo truyền thống xưa nay tỏ sự sáng cầu mong may ra kiếm lại chút thế giá ngày nào cho dễ bề tính chuyện nếu có dịp... Biết tẩy ông thầy Bob và cũng áng chừng được nguyên nhân khiến Đặng lên tiếng chen vô câu chuyện đang bàn luận, những nhận xét chợt đến nơi ý nghĩ trong đầu Kính. Chính anh vừa nói "đàn ông chúng ta là phường đểu cáng" chứ ai xét đoán như vậy. Vấn đề được nêu ra chỉ là sự thực không thể chối cãi nhưng xưa nay đã bị lạm dụng bởi lòng tà của những kẻ chẳng ra gì mà thôi. Thử hỏi, ai không phải là người, mà đã là người tại sao đặt vấn đề kẻ trên người dưới. Đồng ý rằng, vì lợi ích chung trong bất kỳ công việc nào cần phải có người chịu trách nhiệm để phân phối sự thực hiện được hoàn thành tốt đẹp nên cần phân chia người giữ nhiệm vụ này, kẻ chăm lo công việc khác. Người làm việc tại hãng xưởng đâu phải làm thuê cho ông chủ mà làm vì nhu cầu mưu sinh; người ta chỉ làm vì chính họ mà thôi trong điều kiện có thể chấp nhận được và nếu không, tất nhiên đã không làm. Nào ai làm không công cho ai đâu mà thực ra hoặc vì tiền, hoặc vì liên hệ tình cảm hay ân nghĩa. Như vậy, dù cho bất cứ ông nào làm tổng thống ở Mễ Tây Cơ thì cũng chẳng có quyền hành gì trên những người đang sống tại Mỹ. Bởi đó, nói rằng cuộc đời phải có thứ tự lớp lang, kẻ trên người dưới chỉ là một cách diễn tả hệ thống liên hệ cuộc sống chứ nói cho đúng không ai có quyền trên ai; kẻ làm ông chủ và kẻ làm nô lệ chỉ là sự lạm dụng quyền hành. Thực ra, càng có tự do lại phải càng có nhiều luật để bảo vệ tự dọ Tôn ty trật tự cũng chỉ là một thứ quy ước xã hội dẫu thành văn hay bất thành văn để bảo vệ tự do con người mà chớ. Vì thế, sự tôn trọng và chấp nhận người khác đặc biệt là người phối ngẫu của mình không phải là chấp nhận cá mè một lứa, không phải muốn biến xã hội, gia đình, thành họ hàng nhà tôm nhưng chính là ý thức được giá trị con người trong liên hệ cuộc sống... Nghĩ thế, Kính tảng lờ, vẫn tỏ vẻ tôn trọng ý kiến vừa mới được phát biểu, đưa ra nhận định: - Trong hôn nhân, chẳng ai là kẻ trên, chẳng ai là kẻ dưới, chẳng ai là đầu, và cũng chẳng ai là đuôi, không ai là nô lệ cũng không ai là chủ mà là vợ chồng, là bạn đời. Bất cứ ai cho dù viện cớ nào, lý lẽ nào để lạm dụng người phối ngẫu đều thuộc thành phần đểu cáng tự lương tâm mình dẫu xã hội không lên án hoặc không ai biết để đặt vấn đề xét xử. - Chú mày nói như thế thì trai năm thê bảy thiếp nào đâu ai lạm dụng ai; đâu ai làm nô lệ cho ai mà đó thuộc quyền tự do của con người. Chú mày thấy không, mấy bà vợ nhỏ không kêu ca ngược lại hài lòng, và đương đường không giấu giếm thì đâu phải là ngoại tình. Hơn nữa, hai kẻ được gọi là ngoại tình đều bằng lòng chấp thuận sự việc liên hệ giữa họ lại còn cảm thấy sung sướng và cần thiết. Chú mày phải chấp nhận, sinh lý đối với con người cần thiết như đồ ăn thức uống cho thân xác, có thể nói cần thiết như hơi thở. Chú mày không biết rằng bác sĩ tâm lý nói người có gia đình tâm lý điều hòa giúp cho sống lâu hơn, và ngược lại, những người độc thân rất ích kỷ, khó tính ư? Tại sao? Vì những người độc thân không quen đối diện với những chuyện bất ngờ chẳng hài lòng trong khi kẻ có gia đình phải chịu đựng biết bao những cảnh khó khăn ngoài ý muốn như vợ đẻ, con đau, làm ăn kẻ chèn người ép, tiền lương đem về nào bill bọng, nào thuốc men, tiền nhà tiền cửa, nợ nần, rồi vợ con may sắm v.v... Chính vì quen đối diện với những nghịch cảnh phức tạp này, người có gia đình trở nên rộng rãi, dễ chấp nhận người khác. Hơn nữa, sinh lý là vấn đề tự nhiên, là nhu cầu bởi nó là bản chất của chúng ta; chúng ta được sinh ra với nó mà không có sinh lý loài người sẽ bị diệt chủng. Nếu không cần thiết tại sao ai cũng phải lùng kiếm cho được tấm chồng hay cô vợ. Chú mày thử nhịn một tuần hoặc vợ chú mày không cho một tuần xem chú mày có lồng đi kiếm mụ nào đó để giải quyết không. Như vậy, tại sao cấm cái chuyện không có không được? Tại sao ngăn ngừa sự cần thiết tự nhiên, một nhu cầu điều hòa tâm sinh lý con người? Trai năm thê bẩy thiếp hay ngoại tình cũng thế thôi; vậy tại sao người xưa chấp nhận, tại sao ngày xưa thì đúng mà bây giờ thì sai. Chú mày nên nhớ, cứ theo luật, miễn không ai thưa kiện là đủ vì nếu sai đã có pháp luật trừng trị; do đó xử dụng quyền tự do liên hệ của con người đâu có chi là không hợp pháp ngoại trừ trường hợp hiếp dâm hay cưỡng bức người khác. Chú mày nên nhớ, không có luật là không có lỗi; không có luật làm sao có thể vi phạm luật! Mà luật do con người đặt ra, trai năm thê bẩy thiếp là quan niệm luân lý gia đạo truyền tụng từ ngàn xưa để lại. Phu là thân cây, thê thiếp là lá cành, tử tức là hoa quả. Lá cành có nhiều thì mới sinh sôi được nhiều hoa quả. Như vậy, thứ tự lớp lang gia đình đều được con người chấp nhận từ lâu, bộ chú mày muốn phá truyền thống tự ngàn xưa sao? Chú mày muốn chặn dòng nước chảy...