---~~~mucluc~~~---

Dịch giả: Vương Quỳnh Ngân
Chương 3

Liên tiếp mấy ngày, Văn đọc sách hết sức dễ dàng, hết sức cố gắng và cũng hết sức thành công. Không khí và ánh mặt trời có ích cho Văn. Bà cụ làm đồ ăn đơn sơ cũng có chỗ có lợi. Văn đen rồi, mạnh lên, rắn chắc, mười phần tự tin, có thể nhìn thấy ánh sáng huy hoàng trước mắt thuộc về mình."
Đêm nay, dưới ánh đèn, Văn đọc xong một chương sách rồi ghép sách lại, quyết đi ra bãi cho thư thái một chút để tiêu trừ mệt mỏi sau những hàng chữ như cua bò trong quyển Tương Đối Luận.
Trăng trên bãi biển rất đẹp, khí nóng trọn ngày đã bị gió biển đến thổi cuốn đi hết. Đèn đánh cá rải rác đó đây là một điểm xuyết tốt nhứt trong đêm, sáng sáng tắt tắt, sắc thái dần mộng ảo làm cho đêm nhu hòa, thêm sinh động.
Văn đi dọc ven biển, không mục đích, chậm rãi bước tới từng bước. Trên bãi biển chỉ còn có một mình Văn, ánh trăng rọi dài bóng chàng trên cát.
Văn đi rất lâu trong tiếng biển đêm hiền dịu rì rào, trong ánh trăng thanh, trong làn gió mát ve muốt. Mỗi giây thần kinh trong Văn giản ra thoải mái, lòng Văn rơi vào trạng thái nghỉ ngủ.
Văn không nghĩ ngợi gì cả, thậm chí đến "nàng" Văn cũng không có nghĩ.
Cứ thế, Văn không hay không biết đi lần đến "Vọng Hà Loan", trèo lên phiến đá lớn, đứng trên cao nhìn xuống bãi cát trong eo. Thoáng chốc, Văn bị một hiện tượng dị kỳ làm cho há hốc.
Ánh trăng chiếu rất rõ trên bãi cát trong eo biển. Khác hẳn dự liẹu, trong eo không phải là không có người. Dưới ánh trăng, một bóng người toàn trắng đang vũ múa trên cát. Bóng nàng chập chờn, linh động, đầy dãy tính chất lạ lùng yêu mị!
Văn mở to mắt, ngạc nhiên đến không sao động đậy.
Chỗ kia là nơi mấy hôm trước Văn đã bắt gặp một cô gái kỳ lạ! Bây giờ, một mình nàng vũ dưới trăng, có lúc đưa tay lên không, có lúc lại chỏi tay trên cát, tóc đen của nàng khi xõa ra sau, khi oặt ra trước. Gió biển làm cho tóc nàng chấp chới, bay baỵ Trên bãi cát, bóng nàng dài ra, có lúc ngắn lại, khi in đằng trước, lúc đổ ra sau. Cảnh tượng ấy bắt Văn liên tưởng dến mấy câu thơ của Tô Đông Pha:
Khởi vũ lộng thanh cảnh
Hà tợ tại nhân gian
Văn lại nghĩ đến mấy câu của Lý Bạch:
Ngã ca nguyệt bồi hồi"
Ngã vũ ảnh linh loạn
Đứng trên cao, Văn sững sờ nhìn cảnh tượng ấy, nhìn đến xuất thần.
Cô gái vẫn tiếp tục vũ, càng vũ càng thấy cao hứng. Rõ ràng tự nàng đã đắm chìm vào hoan lạc, hoàn toàn không ngờ có khách xem. Cô vũ đến quên Văn. Văn xem cũng đến quên mình bất giác buộc miệng khen:
- Hay quá! Đầy thi tình họa ý!
Cô gái bỗng dừng bước vũ, hướng về vùng đá đã phát ra tiếng nói. Văn biết mình đã lộ hình dưới ánh trăng, hơn nữa, cũng không có cách nào ẩn núp. Do đó, Văn bước chùi theo đá đi về phía cô gái. Cô gái không rút tránh, chỉ mở to đôi mắt lạ lùng nhìn Văn không chớp.
Văn thành thật nói:
- Xin lỗi, tôi lại phá hoại nguồn vui của cô rồi.
Cô gái không trả lời, vẫn nhìn dán vào Văn. Ánh trăng chiếu rọi vào mặt nàng rất rõ. Đôi mắt đen lay láy dưới ánh trăng lóng lánh đặc biệt, phát sáng kỳ dị. Nàng vẫn mặc áo vải gai cũ, rách một lõm trên vai dể lộ đầu vai tròn chắc nịch. Phần dưới của áo quần bị sóng tạt ướt, chân không trên cát táy máy, đứng không yên.
Văn hỏi:
- Cô còn nhớ tôi không?
Nàng không đáp.
- Cô ở trong xóm nầy à?
Văn lại hỏi, vừa chỉ tay về xóm lưới xa xạ Sự im lặng của người con gái làm cho Văn cảm thấy bị khinh khi, cảm thấy mình là người khách vụt đến mà người ta không muốn tiếp.
- Thôi được. (Văn nhếch cười mình) Cô đã không thích nói chuyện thì tôi đi. Tôi thật không biết nơi nầy là khung trời của cô.
Văn quay mình, nhưng cô gái bỗng mở miệng:
- Đúng rồi, ông là người nói tiếng quốc ngữ!
Nàng nói nhỏ, dường như bây giờ mới nhớ ra Văn là ai. Văn quay phắt lại, cao hứng nói:
- Phải, cô nhớ ra rồi. Tôi họ Giang, Giang Vũ Văn. Còn cô?
Nàng cúi xuống, dùng chân nguệch ngoạc trên cát, nói gì đâu đâu:
- Tôi đang nhìn bóng tôi, tôi động, bóng cũng lay động.
- Hả?
Văn lại lạ lùng nhìn nàng. Thế nầy là thế nào? Một cô con nhà chài lưới đùa bóng giỡn trăng! Văn cau mày, nhìn nghiên cứu cô gái trước mặt.
Nàng cúi xuống, trên mặt có vẻ chú ý. Dường như đang nghĩ ngợi gì, lông mi nàng buông xuôi.
Văn hỏi nữa:
- Hôm nào cô cũng dến đây à?
Cô gái nói nhỏ:
- Nghe! Biển đang nói chuyện!
Văn lại sửng sốt. Nhìn vẻ chú ý của nàng, Văn không thể không chú ý lắng nghe. Gió biển lao xao, biển đang nước lớn, sóng vỗ ầm ĩ hơn hòa điệu với tiếng gió vi vút không trung. Đó là một lời ca, cũng là một khúc nhạc do vô số âm thanh to nhỏ hợp thành.
- A... Văn gật gù, cảm thấy lời nói của cô gái có ý nghĩa. Phải rồi, biển đang nói, nói bằng vô số ngôn ngữ từ thiên địa sơ khai cho đến bây giờ. Ai có lòng nghe biển nói chuyện? Một cô gái lam lũ con nhà chài lưới sao?
Văn nhìn dán vào nàng, nhìn gương mặt đơn thuần nét ngây thơ của một cô bé, nhìn đến mê mẩn, chập chờn."
Văn lẩm bẩm:
- Phải rồi, biển đang nói chuyện."
- Ông nghe được không? (Cô gái vụt ngẩng lên trên mặt phớt nét vui mừng khôn tả. Ánh mắt nàng bỗng nhiên sáng rực, làm cho gương mặt ngây thơ của nàng càng thêm diễm lệ). Ông cũng nghe được sao?(Nàng hỏi lại với tất cả mong đợi) Ông cũng nghe được sao?
- Phải, tôi nghe được.
Văn cả quyết trả lời, cảm nhiễm ngay sự cuồng nhiệt của cô gái:
- Biển đang nói chuyện.
- Thế... thế biển chịu nói chuyện rồi hả?
Từ mừng, nàng reo vui:
- Biển còn nói tôi hư!
- Hả? Sao? Biển nói cô?
- Biển bảo tôi hổng nên thân.
Cô gái cúi xuống, có vẻ thẹn, có vẻ buồn. Liền đó, nàng như quên bẳn, chụp nắm tay Văn. Bàn tay thon thỏn mát lạnh, ngón tay rất có sức. Làn môi mong mỏng của nàng nhếch lên, nàng cười bóng cũng cười theo. Nàng nói:
- Theo tôi!
Nàng kéo Văn đi về mỏm đá ven bãi. Văn không tự chủ dược, bước theo nàng. Thỉnh thoảng nàng quay lại mỉm cười. Ánh trăng vàng thoa thân nàng, tay nàng thêm phiêu dật, khiến cho nàng thêm hư ảo.
Văn bỗng cảm thấy buồn cười hết sức. Nàng muốn làm gì đây? Nhưng, ngoài chuyện cảm thấy buồn cười, Văn còn cảm thấy mơ hồ như đây là mộng chớ không phải thật.
Người con gái đứng vũ dưới trăng, rồi lại bảo "Biển có thể nói" thì nàng có quả ngây thơ như bề ngoài của nàng không? Nàng có phải là nữ thần của biển không? Tiên nữ hay u linh? Hay ma quỷ?
Văn nhìn nàng, tóc dài của nàng bay bay theo gió biển. Quần áo cũng lộng gió bay baỵ Ý nghĩ đây không là thật trong Văn càng nặng.
Đến bên nham thạch, nàng kéo Văn vào trong bóng đá. Văn bỗng cảm thấy ớn lạnh. Đồng thời, tước mặt là một vũng đen, cả hai đi vào một hang đá hẹp. Rõ ràng, đây là nơi nàng đã mất hú hôm nào.
Nàng nói nhỏ:
- Coi chừng!
Nàng khom mình, bước vòng qua phía phải. Đầu Văn chạm nhẹ vào đá. Chàng giựt mình phát hiện trong vách đá nầy có một hang động mà miệng hang rất nhỏ. Nếu không quan sát thì không sao phát hiện được.
Văn khom mình, chui theo nàng vào vũng đen. Ánh trăng đã bị ngăn lại ở ngoài cửa động. Ở đây, đưa tay trước mặt vẫn không thấy ngón. Vũng đen bao vây Văn, nằng nặng bao vây và hơi ướt, không khí trở nên lành lạnh.
- Đừng động đậy nha!
Cô gái lên tiếng dặn rồi buông tay Văn. Văn nghe được tiếng bước chân nàng bước đi lẹp xẹp, kế có tiếng bật diêm quẹt. Lửa nháng lên, Văn nhìn được chỗ nàng dứng tựa vách đá. Que diêm chỉ sáng một thời gian ngắn, đủ cho nàng tìm thấy đèn cầy. Nàng đốt đèn, đoạn nói với tư thế kiêu ngạo của kẻ thắng thế:
- Ông trông!
Văn nhìn bốn bên, nhứt thời ngạc nhiên ghê gớm, ngạc nhiên đến không biết phải nói gì. Dưới ánh đèn, những gì trong hang đá trông hết sức khô ráo. Điều làm Văn ngạc nhiên là màu, không biết phải lượm lặt mấy tháng mấy năm mới có. Các vỏ đồng cỡ, nho nhỏ, đều được rửa sạch, đánh sáng lóng lánh. Trên tường, ở vách đá lồi lõm, treo đầy những vật của đại dương bắt người chóng mặt. Một cây san hô trắng dẹp, một con ốc to, cá xâu vỏ kết thành rèm. Nào đã hết đâu, ở một bên vách còn có lưới cá đan bằng chỉ nylon trắng. Dưới ánh đèn chập chờn, tất cả màu sắc hiện ra một cách chờn vờn: có thứ trắng như tuyết, có thứ đỏ như ráng mây, có thứ hòng đi như điểm lóe sáng sau cùng trên không trung vừa tắt nắng. Tất cả trở thành mộng ảo rất mộng mị.
Văn nín thở, toàn thần nhìn qua tất cả, bàng hoàng cảm thấy mình như bị đưa vào hang động thần bí trong quyển "Cơ Độ Sơn Ân Cừu Ký"!
- Đẹp chớ? Tất cả là của tôi, những gì ở đây đều là của tôi.
Văn không tin lắm, hỏi lại:
- Do cô trình bày à? Do cô thâu lượm hết à?
- Phải, của tôi, do tôi cả.
Cô gái dang tay, xoay tròn như dáng điệu của ca sĩ:
- Đều là của tôi đấy, đều do tôi cả đấy.
Văn cảm khái thở dài, thành thật nói:
- Cô có nhiều làm sao!
- Lại đây! (Cô gái ngùng xoay, chụp nắm tay Văn) Nằm đây! (Cô ta nằm trước trên tấm thảm kết bằng các vỏ trơn láng, dang tay ra) Nằm đây mà nghe một lúc.
Văn nghe lời như bị thô miên, ngã mình trên mặt vỏ lành lạnh.
Cô gái nói nhỏ:
- Nghe đi! Biển đang nói, nói rất nhiều lời. Nghe đi! Biển nói không ngừng, ca không ngừng, biển chưa bao giờ biết mệt, chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Phải rồi, từ trong hang đá vẫn có thể nghe được rõ ràng tiếng sóng rì rầm, tiếng gió rì rào. Những tiếng vẳng đưa kia, coq lúc như tiếng ca cất cao, có lúc trở thành thì thầm to nhỏ, có lúc như nghẹn ngào tức tữi. Từ ngày đến đêm, từ đêm sang ngày, tiếng nói không ngưng, tiếng nói không dứt.
Sau một lúc trầm lắng nghe, Văn ngồi dậy, trở về thực tế. Chàng nhìn mặt cô gái đang ngưng thần, một lòng một dạ lắng nghe. Chàng nói:
- Đêm đã khuya rồi.
Cô gái không nói gì, vẫn nghe.
Văn lắc vai cô ta:
- Kìa, cô không về nhà sao? Ba má cô chắc lọ Dậy đi, để tôi đưa cô về nhà.
Cô gái nghiêng mặt nhìn Văn, mở to đôi mắt ngây thơ:
- Ông nói gì?
- Về nhà. Khuya rồi, cô phải về. Trong hang quá lạnh, ngủ ở đây bịnh chết.
Cô gái mỉm cười, lắc đầu nhìn Văn, không nói gì.
- Cô có nghe tôi nói kkhông? (Văn cố chịu đựng) Về thôi!
Cô gái lại lắc đầu.
- Kìa, cô là con gái nhà ai? Họ gì? Nhà ở đâu?
Cô gái vẫn tiếp tục mỉm cười và lắc đầu.
- Thôi được...
Văn đứng lên, đi về phía cửa hang:
- Nếu không về thì tôi về. Một mình cô ở lại trong hang nhá!
Dường như không mảy may nao núng trước sự hăm dọa của Văn, cô gái vẫn mỉm cười duyên, yên lặng, thản nhiên nhìn Văn. Văn ra đến cửa hang còn quay đầu lại nhìn cô gái lạ lùng. Nàng nằm dưới ánh đèn, trên thảm vỏ, dô đơn, lặng lẽ nhưng ngọt ngào!
Văn đâm ra hoảng. Ánh đèn nầy, hang động này, thảm vỏ nầy, cả cô gái kỳ dị nầy bỗng trở thành một bức họa đặc biệt làm sao! Ai bảo cô gái ấy là người chớ? Nàng phải là một u linh từ biển vọt ra! Nàng là Thuỷ Linh!
Chập sau, cô gái vẫn không có ý rời đi, Văn không còn lòng nào chờ đợi cô ta nữa. Văn vò đầu, đi ra ngoài hang. Mặc cô! Một cô gái lạ thì có ăn nhằm gì đến Văn? Hổng cần Văn phải lo! Nhưng, ra ngoài hang rồi, Văn dừng bước lại, nghĩ là không nên bỏ mặc cô ta thế nầy. Bỏ mặc một cô gái trong hang tối tăm, không người, là một đều quá tàn nhẫn đấy!
Văn lại chịu khó quay vào, đi một mạch dến bên cô gái, cúi chụp lấy cánh tay cô ta:
- Dậy đi!
- Sao? Cô gái lạ lùng nhìn Văn
- Dậy đi, chúng ta về.
Không phản ứng, cô gái nghe lời ngồi dậy:
- Được rồi, đừng giận à nha! (Văn quát như bảo một đứa con nít) Theo tôi về xóm!
Thổi tắt đèn, Văn kéo cô gái đi ra miệng hang. Cô ta dịu dàng bước theo, không dể Văn phải khó chịu gì hết. Cứ thế cả hai đi lần về xóm lưới.
Vì không biết nhà cô gái ở đâu, Văn chỉ còn có cách đưa cô ta đến nơi chàng tạm ngụ. Nhưng cửa vừa bật mở bà lão bỗng kêu lên:
- Hải Liên!
- Hải Liên? (Văn nhướng mày hỏi tiếp) Tên cô ấy phải không? Cô, con kiếm được cô ta ở bãi biển, tốt nhứt là nhờ cô đưa dùm cô ấy về nhà để cho con gái xóm lưới không có rong chơi ngoài biển đến khuya lợ Nhờ cô đưa dùm cô ấy về nhà cô?
Bà lão nói:
- Nó... nó có nhà gì đâu!
- Sao? Không có nhà à?
Văn hết sức ngạc nhiên. Bà lão giải thích:
- Mười năm trước đây, ba nó đi đánh cá rồi không về nữa. Còn má nó thì năm năm trước đây đã bị bịnh chết rồi. Nhà nó đã bị Trương A Thổ mua đứt từ lâu. Cho nên, thiệt tình là nó không có nhà.
Văn nhăn mặt:
- Thế.. thế... bà con xóm lưới nỡ dể cho cô ấy tự sanh, tự diệt như thế này sao?
Bà lão không biết cái gì là "tự sanh tự diệt". Nhưng nhìn sắc diện của Văn đầy vẻ phẫn nộ bất bình, bà cũng hiểu ra. Bà xoa xoa tay, tỏ ý muốn nói những nguyên nhân tiềm ẩn bên trong cho rõ:
- Không phải là không ai lo cho nó. Cậu... cậu không biết nó... nó... (Bà lão liếc qua cô gái rồi lại xoa xoa tay nói tiếp) Nó vốn là một đứa hết sức thông minh. Lúc mẹ nó sanh nó ra, nằm mộng thấy một đóa hoa sen trôi trên biển cả cho nên mới đặt tên cho nó là Hải Liên. Nó đẹp ngay từ nhỏ, thông minh nữa, cả xóm đều yêu mến nó. No có học, đã học xong Tiểu học rồi đó. Nhưng tội nghiệp, năm mười hai tuổi thì nó ngã bịnh. Sau khi lành bịnh, gân cốt nó làm sao á! Cả ngày, từ sáng chí tối, nó nói lầm thầm, ca hát một mình. Thằng Hùng bảo nó bị bạch... bạch...
Văn tiếp lời:
-Bạch sỉ (1. - chú thích- si là ngây ngô, khờ khạo. Bịnh Bạch si tức là bịnh làm cho các cô thẫn thờ, tối ngày lẩm bẩm, thích ngóng bên mé nước sững sờ mà tiếng nôm na của người miền Nam gọi là bịnh" mắc đàng dưới)
- Đúng rồi, Bạch si!
Bà lão nhếch mép cười, để lộ hàm răng xếu xáo:
- Người trong xóm ai cũng muốn lo cho nó. Nhưng nó cứ chạy đi hoài, thường thường người ta tìm không ra. Đợi đói nó mới tìm về kiếm ăn khiến bà con không còn cách nào khác. Chỉ đợi lúc gặp nó, có dồ ăn thì cho ăn, có quần áo thì cho mặc vậy thôi.
- A...
Văn kêu lên, cảm thấy đầu lưỡi tê dại, Chàng quay nhìn Hải Liên. Nàng vẫn đứng yên lặng kề bên, trên mặt vẫn một nụ cười ngọt, ánh mắt vẫn âu yếm nhìn chàng. Đối với lời qua tiếng lại giữa Văn và bà lão, nàng vẫn trơ ra, dường như không hiểu họ đang nói về mình.
- A... (Văn lại kêu lên rồi nói với bà lão) Thế thì con giao Hải Liên cho cô nhá! Theo con thấy thì nàng cần được chải gỡ, thay đổi y phục và... ăn một bữa cơm ngon.
Văn quay mình đi về phòng chàng, để nguyên quần áo ngã mình lên giường. Tư tưởng Văn rối bời, tâm tình lộn xộn. Chàng không cách nào phân tách được mình. Chỉ biết là có thê lương, có tội nghiệp, có sự não nùng không nói được.