Thằng Đặng cởi trâu trên ruộng mà bụng nó ở nhà với chú gà con vừa nở đêm qua. Cậu nó bảo nó đi mời ông Chín Tôn để đến có phải là gà quí không, nhưng ông không tới được, viện cớ trời tối, nhức răng phải cử rượu và thịt trâu v.v.. Ông dặn thằng nhỏ một lời: “Chớ có nói rùm lên cho lối xóm biết, sẽ có kẻ rình mò ăn cắp và người chơi gà biết được tông tích gà mình tìm cách hạ dễ dàng”. Thằng Đặng nhớ lời ông Chín. Ai chớ ông Chín bảo thì không dám đơn sai. Nội vùng này không ai là không kiên nể ông trong lãnh vực gà nòi. Ông vừa nuôi gà, vừa coi vẩy gà giùm cho các ông điền chủ. Ông nói: "Tuy sách Kê Kinh có dạy. Cứ theo đó mà đá thì chín độ ăn cả mười, nhưng cũng có khi mười độ ăn chín. Thua một độ! Gà nòi mà thua một độ, cũng đủ sạt nghiệp.” Thằng Đặng không hiểu biết về gà nòi, nhưng nó nghe cậu nó nói về những độ gà nòi ăn hốt bạc làm giàu nháy mắt thì cũng ham cho nên nó định nuôi con gà cho tới lớn để nhờ ông Chín coi chân coi cẳng giùm. Biết đâu gặp vận may. Nó khỏi đi chăn trâu cho ông Hương nữa. Nó nằm trên lưng trâu ngó thấy cặp cò trắng bay qua coi bộ thảnh thơi quá chừng. Nó muốn bỏ trâu vô bờ đìa nghỉ mát hoặc trèo cây bắt trứng chim, nhưng bỗng thấy từ xe một người lom xom đi tới. Nó nhận ra cậu Sáu: “Cẩu đi đâu giờ này ngoài đồng?”. Thằng Đặng hơi lo. Không biết mình có làm gì sai nên bà Hương bảo cẩu ra tìm mình. Cậu Sáu đã trở thành một người ai cũng phải nể nang hoặc chế giễu. Nhiều người kêu lén cậu là cậu Sáu Khùng. Cậu Sáu muốn làm gì thì làm, không ai dám cản. Bỗng dưng cậu ra đường thấy mấy người đàn bà gánh dừa đi chợ, cậu kêu vô nhà cho vài chục cặp, không lấy tiền. Một hôm cậu kêu mấy người tá điền tới cho mội người một gia. lúa. Đìa tát chưa cạn, cậu đang mặc quần vãi mời bỗng nhảy ùm xuống lặn mò bắt cá. Cậu có chiếc xe máy (xe đạp) cậu không cởi lại vác đi bộ. Bà con hỏi tại Sao cậu làm kỳ vậy. Cậu bảo: “Tôi cởi nó một hồi, nó cởi tôi một hồi.” Cậu không phá phách hoặc làm những chuyện bậy bạ. Tâm trí cậu chỉ hơi bất thường từ ngày nghe đồn cô Láng em thằng Trơn lấy chồng. Trước đó cậu mê cô Láng, nhưng cô Láng nhà nghèo nên không thích giai ngẫu. Ông bà Hương đi tìm chỗ nào cậu cũng không ưng. Đến khi cô Láng có chồng thì cậu càng “khùng” càng cho lúa, cho dừa, cho cau và vác xe đạp đi ngoài đường nhiều hơn trước. Thằng Đặng thấy cậu Sáu đi trên bờ ranh thì đánh trâu lại gần xem cậu bảo chuyện gì? Cậu dòm trời ngơ ngáo một lát rồi hỏi: - Cò diệt đâu mất hết? - Dạ trưa trưa tụi nó mới đáp xuống con lươn (con lươn là rãnh nước sâu trong ruộng) xom cá. Cậu Sáu gải đầu càu nhàu: - Cây súng của tía tao mua để bắn chim mà mấy ông làng mượn đi bắt cộng sản. - Cộng sản là cái gì tôi nghe nói vậy cậu? - Tao cũng không biết tụi đách đó là cái gì, không hiểu sao mấy ổng lo dữ vậy. Mấy đêm nay tía tao đâu có ở nhà - Cậu Sáu ngưng một chút rồi nói - Nếu ổng ở nhà thì ổng bàn với má tao, chắc việc của mày xong rồi. - Việc gì hả cậu? - Cái thằng! Mầy mấy bữa rày lối xóm đồn rùm tai, mầy không hay gì hết sao? - Dạ không. - Mày dỡ quá thằng chi em gái lối xóm không ngó tới mầy. - Dạ tôi cũng đâu có thèm tụi nó. - Giỡn hoài mày! –Cậu Sáu vừa nói vừa thót lên lưng trâu ngồi sau thằng Đặng. Thằng Đặng lấy làm ngạc nhiên vì lâu nay cậu Sáu chưa hề có cử chỉ thân mật đó đối với nó. Nó định tuột xuống nhường chỗ cho tiểu chủ ngồi, nhưng cậu Sáu bảo nó ngồi lại và tiếp: - Mày coi ông Cả chơi điệu không? - Dạ sao ạ? - Ổng dám cưới con gái tá điền về làm dâu ổng. Ổng quyền thế, giàu có hơn ba tao mà còn làm vậy, còn ba tao thì lại chê người ta nghèo. - Dạ thì gia đình đó nghèo thiệt cậu à. - Mỗi lần tao thấy con Láng là tao càng hận. - Nay mai rồi ông Hương tìm cho cậu chỗ khác đẹp để xứng đáng hơn. - Ngay bên hè không chịu lại còn lặn lội đi tìm ở đâu. Vùa nói đến đó thì con trâu đã đưa cả thầy lẫn tớ đến bên gò đìa. Hai cậu tớ nhảy xuống. - Đìa này của ai vậy Đặng? - Của cậu chớ của ai. - Sao lâu nay tao không biết. - Dạ tại cậu không lội ruộng nên không biết. Cá ở nhà mình ăn quanh năm là bắt ở cái đìa này và mấy chụa cái quanh đây. Cả vùng này con hôi cũng nhờ những cái đìa của cậu. - Nhà tao nhiều đìa vậy sao? - Dạ chừng vài chục cái. Do đó người vùng này.. xin lỗi cậu, tôi không dám nói. - Lỗi cái gì.. cứ nói nghe coi. - Dạ, do đó người ta gọi ông Hương là ông.. -..ông gì? - Ông Hương Đìa. - Giỡn hoài mầy, trong ban hội tề đâu có chức đó. - Dạ đó là ý muốn nói ông Hương có nhiều đìa cũng như người ta gọi ông Bái Da là ông Bái Trâu vậy! Cậu Sáu cười ngất. - Bái Da là Ba Dá..i à? - Dạ chắc hổng phải vậy đâu. Nhưng vì ông có tới hai mươi mấy con trâu nên người ta gọi là Bái trâu. - Bái Trâu là lạy trâu. Người ta chế diễu ổng đó. Ai cho tao làm chức đó tao cũng không ham. Cậu Sáu nhìn mặt nước đìa thấy kỵ ục không ngớt thì hỏi tiếp: - Mày bắt cá lên nướng ăn được không Đặng? Tao ghét ăn cơm ở nhà quá trời. - Dạ được chớ cậu! Cậu để tôi hú tụi thằng Tư Cồ, thằng Hai Xệ, Ốc Bưu qua đây. Tụi nó lặn như còng cộc vậy. Chỉ một chút là tụi nó bắt đủ ăn. Tụi tui chơi vậy hoài. - Ừ, kêu đi. Thằng Đặng nhảy thót lên cây dừa trèo một hơi lên tới ngọn cởi áo ra quơ quơ một hồi rồi tụt xuống. - Rồi đó cậu. Chút xíu tụi nó tới. - Tao có nghe mày hú gì đâu. - Dạ tôi ra hiệu cho tụi nó rồi. Mặt trời lên cao dần. Không khí mát mẻ làm cho cậu công tử đẽ chịu. Lâu nay chui rúc trong vườn nên cậu không được hưởng luồng gió khoáng đạt và bầu trời mênh mông, nó làm cho con người thơ thới khỏe nhẹ như muốn mọc cánh bay lên. Hèn chi bọn chăn trâu ở ngoài đồng, ngày này sang ngày khác mà không thấy chúng buồn rầu hoặc lo âu gì hết? Chúng lúc nào cũng vui cười đùa nghịch, ăn no, ngủ ngon, không như mình. Cậu Sáu trở lại câu chuyện lúc đầu: - Mày muốn kêu tao bằng gì Đặng? - Thì bằng cậu chớ bằng gì? Sao cậu hỏi lạ vậy? - Ậy!! Chuyện đó khỏi phải nói rồi. Tao muốn mày kêu tao cách khác kia. - Cách nào hả cậu? - Tao không muốn làm lớn. Tao thích mày kêu tao bằng anh hơn. - Úy,, đâu có được cậu Sáu! Xưa nay đâu có đứa nào kêu con ông chủ bằng anh. - Tao muốn vậy. Vì nay mai mày sẽ không làm công việc hiện giờ. Thằng Đặng mơ màng không hiểu, nên lặng thinh. - Có gì đâu! Mầy là em rể của tao mà. Thằng Đặng ngất điếng câm hồi lâu mới dẫy nẫy. - Không được đâu cậu! Không được đâu! - Sao không được. Tía má tao bàn rồi, tao rình nghe hết trơn. Thằng Đắng lặng thinh. Nó nghe như bị rồng hút lên mây rồi ném xuống ao, nó hoản hốt, nó suýt khóc ré lên vì sợ hãi vì sung sướng hay vì sao nó cũng không hiểu nữa. Một thằng ở đợ lại được làm rể chủ nhà. Có trời đất nào xuôi khiến như vậy không? Nếu được như Trần Minh khố chuối hoặc gã chăn lợn Thừa Cung nghèo mà hay chữ thì còn khá. Còn nó than ôi, có cái gì ngoài tình cảm thương mến đối với cặp trâu? - Vậy mầy không tin tao hả Đặng? - Dạ tin nhưng tôi không dám. Mầy phải dám. Mầy coi con Láng làm dâu ông Cả. Thì mày làm rể tía tao khác gì? Nhưng mà mày phải như vầy.. để tía má tao gầy sòng cho mầy nghe không. Cứ xụi lơ, quác quác, co ro, cúm núm, con gái nó chê. –Cậu phát hứng nói tía lia – Con trai gì nhát vậy chừng nào mới cưới được vợ. Nhát như tao “cứ xách cặp dừa đi xuống đi lên” không dám làm gì hết, rốt cuộc người ta cuỗm mất rồi ôm hận. Nè Đặng, mày nên nhớ rằng đàn bà con gái sanh ra là để cho đàn ông, nếu không có đàn ông thì đàn bà không biết để làm gì? Mà đàn ông thì chỉ thích đàn bà đẹp. Vậy đàn bà phải đẹp. Đẹp trước nhất rồi sau đó thì gì: thông minh, giàu có. Đối với tao giữa hai người con gái đẹp mà nghèo và giàu mà xấu thì tao quơ người con gái đẹp mà nghèo chớ tao không bao giờ lấy con gái giàu mà xấu. Tiền có thể làm ra được còn nhan sắc xấu không thể sửa được. Đối với tao con Láng đẹp hơn con nhỏ gì lé xe. mà ba tao định hỏi cho tao. Còn em gái tao cũng không xấu. Chỉ tội cho con Tám bị trái trời mặt nó như vậy, nếu không nó cũng khá đẹp lắm. Còn con Chín, con Mười mầy chịu đứa nào? “Cô Mười, cô Chín, hai cô mày muốn cô nào? Lén lén dắt đi đừng cho má hay. Đem vào gò mối ôm nhau hôn hít tha hồ..” Cậu Sáu bỗng nhiên vui vẻ ngâm nga mấy câu hát nhại và Cưới ngất nghẽo một mình. Thằng Đặng hết sức ngạc nhiên. Hèn chi người ta gọi là cậu Sáu khùng. Đám thằng Tư Cồ trần trùi trụi đen như cột nhà cháy, vừa lội vừa nói chuyện râm ran. Thằng Tư Cồ bước lên gò đìa trước nhất. Nó cất tiếng: - Ê thằng “U Đặng” đâu rồi? Có chuyện gì mà triệu lão Tôn tới đây? Bắt cá đìa nướng ăn chơi. - Đìa của ông Hương, mầy muốn tụi tao ở tù hả? Thằng Hai Xệ và Thằng Ốc Bưu bước lên sau. Ba đứa ngồi trên đám cỏ bẻ lá trâm bầu gợt bùn trên chân. Thằng Hai Xệ giục Tư Cồ: - Nói tiếp đi mầy. Tại thằng “U Đặng” kêu làm đứt ngang câu chuyện mê ly quá trời. - Hồi nãy tao nói tới chỗ nào. - Thôi kể lại từ đầu nghe cho đả. Thằng Đặng bước qua can: - Có cậu Sáu kia kìa, đừng có nói tiếu lâm cậu rầy chết. Thằng Tư Cồ ngó xuyên qua những nhánh cây thấy cậu Sáu đứng bên kia bờ đìa thì lắc đầu. Nhưng cậu Sáu lại xua tay: - Nói tao nghe rồi tao nói cho tụi bay nghe chớ rầy rà cái gì. Cậu Sáu bước qua ngồi chung trong đám. Tư Cồ thấy cậu Sáu không có vẻ đạo mạo, lại nữa lâu nay cũng từng nghe danh cậu sáu cho lúa cho dừa bà con, cho cả xe đạp cởi trên lưng, nên vui vẻ. - Bữa nay sao cậu lội xuống đây? - Ở không buồn quá tụi bay ơi! Tao muốn đi chăn trâu cho khỏe! Tụi bay bắt cá nướng ăn chơi rồi nói tiếu lâm tao nghe với. Tư Cồ được trớn làm tới: - Vụ này không phãi tiếu lâm mà là chuyện trong xóm. - Chuyện của ai? - Chuyện chú Hai Giao “bảy diêm hột quẹt” - Cái gì bảy diêm hột quẹt? Tụi thằng Hai Xệ cười rầm. Thằng Ốc Bưu nói: -..Của mình không biết đo được ba diêm hay không mà của ổng tới bảy diêm! Tư Cồ Bảo: - Thôi nhảy xuống nước đi để ở trên bờ nó phục lửa đó. Bỗng thấy một đứa lôm xôm lội tới. Thằng Tư Cồ la: - Nội đây của thằng Trơn là trổi nhất. Để nó tới mình vuột nó ra coi. Cậu Sáu ngạc nhiên: - Ủa sao nghe nói nó làm quản điền cho ông Cả lại còn đợ coi trâu? - Đó là chuyện đồn thôi cậu Sáu ơi. – Tư Cồ tiếp – Quản điền là khi nào con ông Cả chịu cưới em gái nó kìa, còn đằng này.. - Thằng đó chê con Láng à? - Chính chị Láng chê con ông Cả tay cán cuốc, ủa cán vá. - - Ủa có vụ đó nữa sao? - Cái vụ đó dấu dữ lắm, nhưng rốt cuộc rồi cũng đổ bể ra. Cậu Sáu còn hỏi gằn cho chắc: - Vậy là không có cưới hỏi gì hết à? Thằng Trơn vừa bước lên gò, Tư Cồ nói ngay: - Ê, cái vụ em gái mày trớt rồi hả mày? - Đâu có ăn chịu gì mà trớt. - Còn chừng nào mày lãnh chức từng khạo? - Chừng ông cố tao sống dậy mới có vụ đó. - Mày không cúi vô đề ẵm chức “quản điền” à? - Thôi bây ơi đừng có ngạo tao cho trâu bò cười hùn. Bọn Tư Cồ hè nhau lặn xuống đìa vừa nói chuyện nổ trời vừa mò cá ném lên bờ, thằng Đặng ở trên bắt con nào đập đầu con nấy sắp một đống. Bỗng có người con gái trên bờ ranh đi về hướng đìa. Cậu Sáu nhận ra ngay là cô Chín: - Mày đi đấu xuống đây hả? - Má biểu đi kiếm anh về. - Làm gì? - Đi rước thầy Tư tới ếm cây cau rồi đốn. - Còn tụi bây sao không đi? - Ai dám đến nhà âm binh đó. - Cây cau đó muốn đốn thì đốn chớ ếm đối cái gì. - Anh về anh nói với má á! - Bộ tía chưa về sao? - Tía đi hai ba ngày rồi đâu có về, anh không biết à? - Nếu biết tao hỏi mày làm chi. Hai anh em nói giật một giật hai không dứt, cho đến lúc về tới nhà thì cậu Sáu đã thấy thầy Tư ngồi chễm chệ trên ván nhà cầu. Bà Hương đang đứng chăm chú nghe thầy giảng. Cậu Sáu vốn học Tây ít nhiều nên không ưa trò của thầy cúng. Cậu lách vào buồng rình nghe. Thầy Tư nói sùi bọt mép: - Cây cau này mọc trên một mả loạn. Lúc đào ao cá ắt có bắt gặp một vài miếng ván hòm không rõ người nằm dưới đó chết oan chết ức năm, tháng, ngày nào nên rất khó triệu hồn về hạch vấn. - Rồi sao cây cau lại trổ buồng ngược vậy thầy Tư? - Đó là nó hiện hồn về khuấy phá! Bà Hương có nghe nửa đêm có tiếng hú sau vườn không? Bà Hương không nghe gì hết, nhưng câu hỏi của thầy Tư làm cho bà lưỡng lự gật đầu. - Tôi có nghe gió rung rinh ngọn cau. - Đó là bước của yêu tinh. Nếu bà không sợ, bà nhìn ra sẽ thấy tàu cau quay ù ù. Đó là cái đầu con tinh. Còn buồng cau trỗ ngược là hàm răng của nó đó. - Bây giờ phải làm sao thầy? - Phải hạ cây cau, nhưng nếu đốn như đốn những câu cau thường thì nó quật lại chết. Không tin bâu giớ bà Hương bảo sắp nhỏ vác búa ra bổ gốc nó thử coi, nó sẽ la lên ghê lắm. Chỗ vết chém sẻ chảy máu ra. - Vậy làm sao đốn được thầy? - Trước khi hạ nó phải bắt con tinh nhốt lại. Chỉ còn cái xác nó không làm gì được. Bà Hương nghe thầy Tư bào thì hồn vía lên mây. Bà bảo sắp nhỏ đi chợ mua nhang đèn, giấy màu vàng màu xanh, đốn trúc chẽ ra để thầy Tư vẻ bùa, làm phướn, cơ xí lớp giăng lớp cắm quanh cây cau, lớp dán trên thân nó để phòng ngừa con tinh xuất hồn. Độ xế chiếu, thầy Tư đã chuẩn bị xong mọi việc. Bà Hương sai sắp nhỏ khiêng một cái bàn con ra đặt bên gốc cau để thầy Tư bày biện các ông tướng. Nhưng khi thầy xách tráp, cầm cờ phướn ra để dàn trận thì cây cau đã bị đốn ngã ngọn cau gục xuống ao cá từ lúc nào. Bà Hương thất thanh không nói ra tiếng. Còn thầy Tư thì đứng ngẫn người một lát rồi bảo: - Như vậy thì nó sẽ trả thù cả nhà chớ chẳng chơi đâu. Bà Hương biết đứa nảo dám làm càn chọc giận con tinh như vậy. Nhưng bà không nói ra. Bà chỉ năn nỉ thầy Tư: - Chuyện đã lỡ ra như vậy rồi, thầy Tư làm ơn cứu giùm gia đình tôi! Thầy Tư càng lên giọng: - Người nhà bà coi thường yêu tinh như vậy, ắt sẽ có họa lớn. - Thầy Tư làm ơn làm phước.. Bà Hương mếu máo năn nỉ. Thầy Tư xua tay: - Để ta về rước Đồng An lên hỏi tên tuổi con tinh và tìm xem hồn nó ẩn trú nơi nào, thì mới mong bắt nhốt nó được. - Rủi không bắt được thì sao thầy? - Sao sao tôi cũng lập dàn bắt nó được, nhưng bà Hương phải tốn nhiều lễ vật. - Dạ bao nhiêu thầy Tư cũng đừng ngại, miễn bắt cho được nó thì thôi. Thầy Tư quày quả xách tráp ra về với nét mặt hầm hầm. Bà Hương kêu cậu công tử lên quát mắng om sòm: - Chuyện thánh thần ma quỉ phải đâu chuyện chơi, con làm vậy tai họa đến cho coi. - Má cứ tin đi, không có chuyện gì hết. Cau trỗ ngược cũng như hai trái dứa dính lại với nhau, cũng như cây dương ba ngọn chớ không phải yêu tinh gì hết. Để tía đem súng về, con rình, hễ thấy nó tới con bắn chết ngũm cho má coi. Tối đến bà Hương ngủ không được. Ông Hương bận việc tiểu trừ cộng sản nên chưa về nhà. Bà nằm một mình cứ lắng tai nghe gió lướt qua ngọn cau tưởng tượng những bước đi của ma quỉ mà nhấp nhỏm lo âu. Sáng thức dậy bà Hương đứng cửa sau lấp ló nhìn ra. Cây cau vẫn còn nằm đó, gốc gác trên bờ ngọn chúi giữa ao còn đó, mấy tàu cau như mớ tóc quỉ, còn buồng cau trỗ ngược thì ngập trong nước. Bà Hương rủa thầm thằng con ngỗ nghịch. Bỗng cô Chín kêu lên: - Ai ôm cái gì vô nhà mình kìa má! Bà Hương giật mình ngó lại. Một lão già lêu khêu mặc quần lỡ lòi cặp giò quốc, áo bà ba cụt tau. Ôm kè kè mấy vật trước ngực, cái đầu gáo dừa bổ tới, xâm xâm đi vô cửa. Bà Hương nhận ra là Đồng An, một người như hình với bóng luôn luôn đi cặp với thầy Tư trong các đám cúng. Đồng An nói trống trơn: - Thầy Tư biểu đem mấy cây phướn và thẻ này cắm chung quanh gốc cau. - Dạ. - Gốc cau đâu bà Hương? Bà Hương trỏ ra sau nhà. Đồng An bước theo hướng bà hương chỉ. Ra chưa đến gốc cau Đồng An đã la lên: - Thầy Tư giỏi thiệt! Thầy Tư tài thiệt! - Chuyện gì vậy ông Đồng? - Bà Hương ra đây mới rõ tài thầy Tự. Đồng An vừa nói vừa chỉ chỏ. Bà Hương rón rén bước ra. Bà nom thấy gốc cây nhuộm đỏ lòm. Bà giật mình khựng lại. Bà đưa mắt ngó dọc thân cau xám mốc cũng thấy vài vệt đỏ. Đồng An nói: - Thầy Tư bảo đêm qua con tinh tới nhà thầy đòi đền mạng. Nó không đi được mà nó lết. - Sao vậy ông Đông? - Vì bà chặt thân của nó rồi, làm sao nó đi được? Thầy nói máu me đầy mình nó. Nó nói không đền mạng nó, nó bắt! Khổ là con “tinh cái” nên khó trị lắm. - Tại sao “tinh cái” khó trị vậy ông Đông? - Ai biết đâu. Xưa nay vẫn thế. Đồng An vừa giải thích về lũ tinh cái vừa cắm phướn và thẻ mang chữ bùa rằn ri chung quanh gốc cau. Bà Hương thấy ao cá của mình bữa nay trở nên kỳ cục bà không dám nhìn hàng cau thân mến của bà nữa. Đồng An vô nhà cắt nghĩa cho bà Hương nghe về các thứ bùa trấn yếm tà ma của thầy Tư: - Các cây phướn vàng là lên của thầy giao cho thổ địa kềm giữ con tinh không cho nó đi lung tung nữa còn các cây phướn xanh là phép không cho những cây cau kia hóa thành tinh mà trổ buồng ngược nữa. Nếu không ếm thì sẽ có cả bầy phá phách bà chịu sao nổi. Còn các thẻ gỗ là.. Đồng An chỉ bịa đặt tuồng bụng để chủ nhà khiếp vía nên tới đây thì ấp úng.. Mà thôi, thiên cơ bất khả lậu. Rồi hắn ra về. Bà Hương còn nói ráng: - Chừng nào thầy Tư vào đám ông Đồng? - Bà Hương phải đến đó đặt tiền tổ và thỉnh ông mới tới. Ổng còn nhiều đám lắm, đâu phải mình cái đám này. Bà không nên để lâu mà nó làm hung, khó trị. Con tinh này coi mòi dữ dằn lắm chớ không phải thứ vừa. Đêm nay bà chú ý lắng tai nghe thử coi. Bị bùa trấn yếm nặng nề nó gầm hét rúng động cả xóm chớ không phải vừa. Sáng sớm bà ra xem các cây phướn và thẻ gỗ ngã xiêng ngã tó. Còn ở gốc cau thì máu đổ càng nhiều hơn. Đó là sự vùng vẫy của con tinh. Nhưng nó không thoát khỏi bùa phép của thầy Tư. Nghe Đồng An giải thích, bà Hương tất tả đi đến nhà thầy Tư để đặt tiền tổ.