Matajuro Yagyu là con của một nhà kiếm thuật nổi tiếng. Cha anh tin rằng con mình kiếm thuật quá tầm thường, không thể trở thành thầy dạy kiếm thuật được, nên từ bỏ anh. Vì vậy Matajuro đi đến núi Futara tìm gặp Banzo, một nhà kiếm thuật trứ danh. Nhưng Banzo cũng thấy lời phán xét của cha Matajuro là đúng. Banzo hỏi: "Anh muốn học kiếm thuật với ta phải không? Anh không có đủ điều kiện cần thiết." Người thanh niên khẩn khoản: "Nhưng nếu tôi chịu khó luyện tập, phải bao nhiêu năm tôi mới trở thành thầy dạy kiếm thuật được?" Banzo trả lời: "Suốt đời anh". Matajuro nói: "Tôi không thể chờ đợi lâu đến thế. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu miễn là sư phụ dạy cho tôi. Nếu tôi nguyện làm tôi tớ hầu sư phụ, thì phải bao nhiêu lâu? " Banzo trả lời: "à, có lẽ chừng mười năm". Matajuro năn nỉ: "Cha tôi già rồi, ít năm nữa tôi sẽ phải săn sóc người. Nếu tôi luyện tập không ngừng, phải mất bao nhiêu năm?" Banzo nói: "à, có lẽ độ ba mươi năm". Matajuro hỏi: "Sao vậy? Lúc đầu sư phụ nói mười năm bây giờ lại nói ba mươi năm. Gian khổ thế nào tôi cũng chịu, miễn là học được tuyệt nghệ trong một thời gian ngắn nhất." Banzo bảo: "Ðược, nếu vậy anh sẽ ở lại với ta trong bảy mươi năm. Một người nôn nóng đạt được kết quả như anh ít khi học nhanh được." Hiểu rằng Banzo trách mình thiếu kiên nhẫn, người thanh niên thưa: "Bạch sư phụ, con xin chịu". Banzo cấm Matajuro nói đến kiếm thuật hay đụng đến một thanh kiếm. Anh ta nấu cơm, rửa chén, làm giường, quét sân, giữ vườn, làm tất cả mọi việc trừ việc học kiếm thuật. Ba năm qua. Matajuro vẫn tiếp tục làm việc. Anh ta buồn bã khi nghĩ đến tương lai. Anh vẫn chưa bắt đầu học kiếm thuật, mục đích của đời anh. Nhưng một hôm, Banzo lẻn đến sau lưng anh và dùng thanh kiếm gỗ nện cho anh một đòn rất đau. Ngày hôm sau, khi Matajuro đang nấu cơm, Banzo bất ngờ nhảy đến tấn công anh. Sau đó, bất kể đêm ngày, lúc nào Matajuro cũng phải tự vệ, đề phòng mọi nhát kiếm bất ngờ. Không phút nào anh không nghĩ đến thanh kiếm của Banzo. Anh học kiếm thuật nhanh đến nỗi sư phụ anh cũng phải mỉm cười hài lòng. Matajuro trở nên nhà kiếm thuật tài ba nhất trong nước. (°)Lời bình của Tung Sơn Ôi, người bình có nhiệm vụ phải viết lời bình như cây quạt dùng để quạt vậy. Nhưng khi câu chuyện nhằm đề cao sự kiên nhẫn, chuyên tâm học tập, ý đã quá rõ ràng như hai với hai là bốn, thì liệu bình giả có phải lải nhải dài dòng tán hươu tán vượn chăng? Liệu bình giả tránh được trường hợp cây quạt ở trong tay ông chánh tổng nọ trong một câu chuyện đời xưa chăng? Có một thầy đồ nghèo (nhưng thâm) nằm ngủ ngon lành trong khoang một con thuyền đang xuôi giòng. Ðến một bến đò nọ có một ông chánh tổng rất hách lên thuyền. Ông chánh tổng dùng cán quạt khỏ vào đầu thầy đồ, dựng thầy dậy để chiếm lấy chỗ nằm. Thầy đồ, phần mất ngủ, phần bị đánh, giận lắm bèn nghĩ cách trả thù. Thuyền trôi trong đêm. Ông chánh tổng, không ngủ được, buồn vì không biết làm gì, mới hỏi thầy đồ: - Nầy, thầy đồ có thơ gì hãy đọc lên nghe cho vui. Thầy đồ gãi đầu, thưa: - Dạ, thơ thì không có, nhưng kể chuyện thì được ạ. - Ðược, thế thì thầy kể chuyện cho nghe đi. Thầy đồ kể: - Trong làng tôi có một người đàn bà chồng đi lính lâu ngày. Khi người chồng về thì thấy vợ mình đang có thai. Tức lắm, anh ta đánh đập vợ và tra hỏi xem vợ đã ngủ với ai. Người vợ sợ quá mới trả lời bừa: "Dạ em ngủ với pho tượng trên chùa". Người chồng tức giận chạy lên chùa, dùng cán quạt đánh vào đầu mỗi pho tượng và hỏi: "Mày ngủ với vợ tao phải không?" Pho tượng nào cũng điềm nhiên yên lặng. Nhưng khi người chồng đánh đến tượng ông Ác, thì pho tượng quát (vừa nói thầy đồ vừa phùng mang trợn mắt điểm vào mặt ông chánh tổng): "Tao có ngủ với vợ mày đâu mà mày đánh vào đầu tao!" Ông chánh tái mặt vì biết là thầy đồ trả đũa. Xem vậy cái quạt không những chỉ dùng để quạt mà còn có thể dùng để khỏ vào đầu người ta cũng như câu chuyện khôi hài không phải chỉ để mua vui mà còn để chửi thiên hạ (hoặc..., như Tung Sơn đang làm, để lấp đầy vài trang giấy trắng). Nghĩ lẩn thẩn như vậy nên Tung Sơn mới tự đặt vấn đề: phải chăng mình đã chọn dịch câu chuyện anh chàng Matajuro, chẳng qua vì ảnh hưởng của mấy cuốn truyện kiếm hiệp đã đọc ngày xưa, hoặc vì lòng riêng yêu hình ảnh "gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo" của người khách biên đình "râu hùm, hàm én", hễ thấy có gươm, có kiếm thuật thì vội cho là hay. Câu chuyện phải chăng chẳng có một ý nghĩa nào đặc biệt thiền hết? Nhưng bưng đầu suy nghĩ cho đến khi tóc đã bù rối, ta mới giác ngộ được ý nghĩa thiền của câu chuyện, bèn thở dài mà than rằng: "bình giả, bịnh giả!" Rõ ta thật lẩn thẩn và ngu tối vô cùng? Ý nghĩa câu chuyện đã rõ mồn một như vậy sao không thấy? Hay là tại ta chỉ lo nghĩ đến việc suy nghĩ nên mãi bóp trán vò đầu và không chịu nghĩ đến chính câu chuyện? Matajuro cũng thế. Lúc đầu, thay vì luyện tập kiếm thuật, anh ta chỉ nghĩ đến thời gian cần thiết để học thành tài, do đó thành ra nôn nóng, tập luyện chẳng ra gì. Về sau, sở dĩ học hành mau tấn tới vì anh đã luôn luôn chú tâm đến kiếm thuật bất kể ngày đêm. Anh thực sự sống kiếm thuật vậy. Ôi, Thiền là gì nếu không phải là nghệ thuật sống thực cuộc đời, nghĩa là sống cái hiện thực ở đây và bây giờ. Ðã thế thì sao chiều hôm nay, trời nắng đẹp, ta không ra sân nhìn những cụm hoa vàng đang nở rộ, nằm trên bãi cỏ nhìn trời xanh mây trắng hay nhìn sâu từng sới cỏ non. Như vậy có phải là ta sẽ sống thực ý nghĩa câu chuyện hơn là bù đầu bàn luận dông dài? Tung Sơn (°) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.