CHIẾU DỜI ĐÔXưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẩm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẩm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở. Các khanh nghĩ thế nào? Chú thích: Lý Công Uẩn viết bài chiếu này để tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (là nơi ẩm thấp, chật hẹp) ra thành Đại La. Tương truyền khi thuyền vua đến dưới thành thì có điềm tốt: con rồng vàng bay lên, vua nhân đó đổi tên thành ra Thăng Long. Bàn Canh: vua thứ mười bảy của nhà Thương, một triều đại rất xưa trong lịch sử Trung Quốc; năm lần dời đô nói việc các vua nhà Thương dời đô từ đất Bặc (Thương Khâu, Hà Nam) sang đất Hiêu (Huỳnh Trạch, Hà Nam), đất Tương (An Dương, Hà Nam), đất Cảnh (Hà Tân, Sơn Tây), đất Hình (Hình Đài, Hà Bắc), rồi đất ân (Yển Sư, Hà Nam). Thành Vương: vua thứ ba nhà Chu, triều đại cổ tiếp nối nhà Thương; ba lần dời đô nhắc đến việc Chu Văn Vương dựng nghiệp ở đất Kỳ (Thiểm Tây), Chu Vũ Vương dời đô đến Trường Yên (cũng Thiểm Tây), và Chu Thành Vương lại dời đô sang Lạc „p (Hà Nam). Thật ra, phải nói hai lần dời đô mới đúng! Tam Đại: tên chung chỉ ba triều đại cổ ở Trung Quốc - nhà Hạ do Vũ sáng lập, nhà Thương do Thành Thang dựng lên, và nhà Chu do Chu Văn Vương khởi thủy. Nơi đây: ý chỉ Hoa Lư, kinh đô của nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập và nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập. Lúc Lý Công Uẩn mới lên ngôi, kinh đô của nhà Lý vẩn còn ở đó. Cao Vương: tức viên quan cai trị nhà Đường Cao Biền, tên tự Thiên Lý, làm đô hộ sứ châu Giao từ 864 đến 875. Cao Biền xây thành Đại La thuộc vùng đất Hà Nội khoảng năm 866. Tương truyền Cao Biền giỏi địa lý, tướng số, bùa phép, có tài vẩy đậu thành binh và biết trấn yểm các nơi có long khí.