B. Đạo Công Giáo đòi lội ngược dòng

1. Thế gian sẽ ghen ghét bắt bớ các con.
 
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ, chỉ vẽ tường tận kế hoạch cứu thế được nối dài qua tay các ngài, và khích lệ tất cả mạnh dạn đi theo bước chân ngài đã đi. Trọng đại hơn cả là sau đó, Chúa đã sai Thánh Thần xuống để soi sáng và tăng cường sức mạnh cho từng người.
Chương trình rao giảng Tin Mừng từ đó lan rộng tới mọi hang cùng ngõ hẻm của thế gian. Bảy Nhiệm Tích được trao gửi như bảy máng thông ơn giúp người đời lãnh nhận phúc lộc từ trời, cũng như để họ đứng vững trước sự tấn công của địch thù quỷ ma.
Chúa Thánh Thần thường xuyên đóng vai trò hướng dẫn tâm trí các tìn hữu để có một cái nhìn chính xác về tương quan của họ với Thiên Chúa, về ý nghĩa Ơn Cứu Chuộc trong đời họ, về tầm hiểu biết sâu xa đối với Đức Kitô là Thầy và họ là môn đệ. Sự hiểu biết này đòi hỏi liên tục noi gương Ngài, Đấng đã tới để xả thân phục vụ chứ không mong được kẻ khác phục vụ mình, nhất là lại còn hiến mạng sống mình đền tội thế nhân.
Điều nghịch lý và gây tình trạng khó hiểu ở đây là ta càng theo chân Chúa để tìm cách cứu vớt trần gian thì ta càng gặp sự chống đối và ác cảm. Chúa đã đến với dân riêng, với thân nhân, với bằng hữu của chính Ngài, nhưng họ đã phủ nhận và xua đuổi Chúa. Để rồi hôm nay, hiểu lời Chúa tiên báo rằng môn đệ sẽ không trọng hơn Thầy, ta sẽ sẵn sàng để đi vào cùng con đường đầy chông gai thù hận Chúa đã đi xưa.
Ta rao giảng lòng khiêm tốn nhường nhịn ư? Người đời sẽ chê bai ta là khờ khạo không thực tế. Nếu ta sống và kêu gọi sống cuộc đời quên mình, vác thánh giá mà bước vào con đường khổ nạn mong tiếp tay với Chúa trong kế hoạch Cứu Chuộc, trần gian sẽ đối kháng, bởi họ luôn tìm lối sống an nhàn dễ dãi và chỉ mong xây đắp cuộc hạnh phúc vật chất ngay tại thế giới này. Đôi lúc hăng say mà quảng bá lời Phúc Âm “Nếu con bị vả nơi má này, hãy đưa cả má kia cho người ta vả nữa”, ta sẽ bị lên án là mắc bệnh thần kinh!
Đấy, sự khác biệt giữa chủ trương của thế nhân và đường lối của Chúa Kitô là như thế. Tránh sao khỏi chuyện xung khắc va chạm! Một khi ta muốn trung thành với Vị Thầy Chí Thánh, ta phải chấp nhận cái kết quả đối kháng phiền toái trên đây.
Ngày Chúa Giêsu đặt chân lên đỉnh đồi để giảng vế Tám Mối Phúc Thật, Chúa cũng đã hoàn toàn ý thức về những khó khăn liên hệ tới giáo thuyết của Ngài. Người đời luôn lao đầu đi kiếm tìm của cải bạc vàng mà Chúa lại kêu gọi tinh thần nghèo khó thanh bần. Trần gian đêm ngày tranh chấp đòi cho được quyền lợi tối đa mà Chúa cứ đòi họ phải nhường nhịn an hòa. Nhân loại lúc nào cũng ngại khổ, sợ khó, mà Chúa chỉ hứa chúc phúc cho những ai biết hy sinh vì Nước Trời… Nhất nhất Hội Thánh đều vẽ ra một cảnh trái cựa tương phản đến tận gốc rễ.
Phải rồi, Chúa đã cắt nghĩa thật rõ cho các môn đệ: Trần gian sẽ ghét bỏ các con vì các con không thuộc và chẳng muốn thuộc về họ. Đặc biệt hơn nữa là họ không chấp nhận Thầy và đường lối của Thầy. Thành ra Chúa đã phải nói thẳng ra một sự thật đau lòng, gây bàng hoàng lo sợ cho những kẻ yếu bóng vía: “Thầy sẽ sai các con ra đi, như chiên bước vào giữa bầy sói dữ. Họ sẽ trục xuất các con ra khỏi hội đường. Họ sẽ hành hạ và giết chết các con, đang khi tưởng mình phục vụ Thiên Chúa. Các con sẽ phải than vãn khóc lóc, giữa lúc trần gian hoan hỷ vui mừng…”
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã minh chứng lời loan báo của Chúa được thực hiện từng chữ từng câu. Các tông đồ của Chúa đã lần lượt bị người đời bắt bớ hành hạ rồi đem hành hình. Riêng Gioan tuy không chịu tử vì đạo, nhưng cuối đời đã ôm ấp muôn vàn hy sinh cay đắng. Cách riêng với Phaolô, người được Chúa tuyển chọn làm Tông Đồ Dân Ngoại, đã triền miên đón nhận khổ đau vì Danh Chúa cho tới ngày gục chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt tại giáo đô La Mã.
Nối tiếp bước đường của các ngài, hàng ngàn hàng vạn Kitô hữu đã can đảm đi theo tiếng Chúa gọi và chấp nhận bao trận cuồng phong bão tố của ghét ghen, kỳ thị, bắt bớ, tra tấn và hành hình. Ngay trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, các tín hữu trong đế quốc Rôma đã phải chịu nhục nhằn ròng rã ba thế kỷ, với bao nhiêu trăm ngàn sinh mạng phải hy sinh ngã gục. Để rồi ta có những Cêcilia, Agatha, Lucia, Lôrensô, Ignatiô, Antiochia, Polycarpô… như những bông hoa đầu mùa thượng tiến lên Tòa Chúa, tiếp sau của lễ toàn thiêu của các thánh Tông Đồ.
Việc thế gian ghen ghét bắt bớ con cái Chúa còn thường xuyên tiếp diễn với thời gian, qua nhiều hình thức khác nhau, lúc thăng lúc trầm, khi âm thầm lúc ồn ào hung dữ. Tới khi Đạo Thánh được truyền qua miền Viễn Đông để hạt giống Phúc Âm được gieo vãi trên đất nước Việt Nam, câu chuyện bách hại tôn giáo lại được thực hiện tương tự như thời đầu của Hội Thánh: Cũng gần ba trăm năm tang tóc u buồn, với hơn một trăm ngàn nạn nhân bỏ mình vì Đức Tin cao cả.
Với sự kiện bao nhiêu sinh linh đổ máu đào ra vì Danh Chúa, Công Đồng Vatican II, nơi bản Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, đã tuyên bố: “Ngay từ đầu, một số tín hữu đã được kêu gọi làm chứng cho tình yêu tột đỉnh trước mặt mọi người, cách riêng những kẻ bách hại mình. Do đó, qua việc đổ máu mình ra, người đồ đệ trở nên giống Thầy của mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian, được Giáo Hội coi như một hồng ân tuyệt vời và một bằng chứng cao cả của tình yêu. Và tuy rằng hồng ân ấy được ban cho một số ít người, nhưng tất cả phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người, và đi theo Ngài qua con đường thánh giá giữa những cơn bách hại hàng ngày xảy ra cho Giáo Hội”.
Thế nghĩa là cho đến tận thế, Giáo Hội Công Giáo vẫn ý thức và trung thành với lập trường cố hữu ban đầu. Như người Mẹ nhân lành, Giáo Hội đêm ngày nhắn nhủ đàn con phải hiểu và chấp nhận lời dặn dò của Đấng Sáng Lập Đạo Mới.
Cái khổ đau, cái nhục nhằn, cái chống đối ta chịu vì Chúa ở đây thực sự đã được Ngài ấn định cho tất cả những ai muốn chấp nhận Ơn Cứu Chuộc và quyết tâm đi theo bước Ngài đi. Do đó thánh Phaolô mới tuyên bố với tín hữu Côrinthô trong lá thơ thứ hai gửi họ rằng ngài chỉ là kẻ thừa hành của Chúa trong việc nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách, thiếu thốn và cơ cực: đòn vọt, giam cầm, loạn lạc, nhọc nhằn, khinh chê và xua đuổi.
Hiểu được thế, ta sẽ không quá sợ hãi bỡ ngỡ. Niềm tin yêu sẽ là động lực thúc đẩy mọi cố gắng trong đời phục vụ theo chân Chúa của ta.
2. Ôm ấp Thánh Giá Chúa gửi.
Câu chuyện Giáo Hội khích lệ ta lội ngược dòng vì Danh Chúa bắt nguồn từ lời mời gọi của chính Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy cố hy sinh bản thân mà vác Thánh Giá hằng ngày để can đảm theo vết bước của Ta”.
Đây là điều kiện căn bản thường nhật cho mọi Kitô hữu, dẫu không phải đối diện với chuyện cấm cách bách hại để tới chỗ phải đổ máu đào ra vì Chúa như các Vị Tử Đạo. Ở đây, can đảm ôm ấp Thánh Giá phải là một thói quen, một thái độ, một nhân đức bao trùm và thấm nhập vào mọi tâm tư và sinh hoạt của từng người.
Thật ra Chúa không nghiêm khắc đòi hỏi ta phải đêm ngày đi kiếm tìm để cung cấp cho mình càng nhiều Thánh Giá càng tốt. Điều chính yêu ở đây là mỗi khi gặp phải điều buồn bực trái ý, ta hãy vì Chúa mà đón nhận, ít ra là để đền tội lỗi riêng mình cũng như để góp phần nhỏ với Chúa trong kế hoạch dùng khổ đau và sự chết của Ngài mà cứu chuộc trần gian.
Như thế, thái độ can đảm và quảng đại đón nhận này sẽ trở thành chuyện cơm bữa hằng ngày của người Kitô hữu, khởi sự với những điều trái ý nhỏ mọn nhất cho tới những tai ương hoạn nạn to lớn nhất trong đời. Làm như thế, theo các nhà tu đức học, ta còn có cơ hội tạo công nghiệp để đáng Chúa thưởng, tùy theo mức độ lòng mến Chúa của từng tâm hồn khi đón nhận khổ đau. Mẫu gương đặc biệt của Nữ Thánh Têrêsa Hài Đồng sống có ít năm ngắn ngủi trong tu viện, xem chừng chẳng có tai ương đáng kể nào để phải khốn đốn, mà Chị Thánh đã lập được công nghiệp vĩ đại về đường thiêng liêng nhờ ôm ấp và thánh hóa những điều trái ý và khó chịu bé nhỏ hằng ngày.
Dĩ nhiên, trước mắt người đời, cái thái độ “mềm yếu nhu mì” nói trên cơ hồ khó được chấp nhận. Họ luôn đòi vùng lên để chạy trốn điều khó chịu hầu đạt cho bằng được ý riêng của mình, và như thế mới là anh hùng hảo hán. Họ nhìn vào cách sống của các Kitô hữu chân chính với con mắt khinh bỉ và thương hại, nghĩ rằng theo Chúa kiểu đó chẳng khác chi chọn lối sống điên khùng, bởi đã bị “Ngài Giêsu” tẩy não! Chả làm sao họ hiểu được rằng hạt lúa thối đi sẽ là hạt lúa hứa hẹn những bông lúa mới tốt tươi, cũng như sẵn sàng chấp nhận cái chết với Chúa là bắt đầu sống lại với Ngài.
Chúa xuống trần gian không nhằm tiêu diệt khổ đau. Ngài cũng không mong cắt nghĩa tại sao có đau khổ hay biện minh cho nó. Trước sau, Chúa chỉ làm gương nhận lãnh nỗi đớn đau tột đỉnh cùng với cuộc Tử Nạn trên Thánh Giá, để rồi biến cải, rồi chuyển hóa nỗi đau thương đó thành nguồn hoan lạc Phục Sinh và giá cứu độ cho cả nhân loại.
Kể từ dịp đó, Chúa liên lỉ mời gọi ta theo vết bước Ngài đã đi để tiếp tay với Ngài. Bóng Thánh Giá trên đồi Canvê xưa một lần đã bị nhạo cười là bóng hình, là tượng trưng cho sự rồ dại lớn lao nhất, bây giờ vẫn còn tiếp tục bị khinh bỉ chê bai. Theo Chúa, ta không thể muốn tìm tránh cái tình trạng hẩm hiu bất hạnh này trước mặt trần thế.
Ngặt một nổi, như Kinh Thánh thường bảo ta, Chúa lại thích gửi khổ đau thánh giá cho những thành phần được Chúa tin cậy mến thương. Thành ngữ “người lành chịu khổ” đã từng là đề mục bàn cãi sâu rộng nơi sách Cựu Ước: Một Abel chăn chiên hiền lành, một Giuse ngoan ngoãn bị bán qua Ai Cập, một Gióp đạo đức bị đủ mọi thứ tai ương… Tất cả đã hùng hồn chứng minh nẻo đi nhiệm lạ của Thiên Chúa, để rồi câu chuyện được đưa tới chỗ cao điểm khi chính Con Một của Ngài đã nhập thể đóng vai Con Chiên Thánh vô tội bị điệu đi xén lông và tế lễ.
Ta theo Chúa, ta muốn góp phần hy sinh, muốn hăm hở vác thánh giá theo Ngài, nhưng ta không được quyền chọn lựa loại thánh giá vừa ý ta. Trái lại, phải sẵn sàng đưa vai ra vác mọi cây gỗ tạo thương đau, dẫu nặng dẫu nhẹ, dẫu xù xì hay trơn tru, dẫu dài hay ngắn. Vì thế, tác giả Louis Evely đã viết rằng người Kitô hữu nào cũng có thể nên thánh, nhưng chỉ có thể trở thành vị thánh mà mình không muốn. Nói khác đi, ta không được quyền theo ý riêng để chọn loại thánh giá mình ưa thích trên đường đi tìm Chúa, nhưng phải đón nhận ý Chúa ở mỗi trường hợp, mỗi hoàn cảnh.
Với việc đi tìm Chúa, tuy ta không bị luật buộc tạo thánh giá cho mình vác, nhưng một khi thật sự mến Chúa và muốn góp phần với Ngài, ta sẽ thấy sướng vui khi tình nguyện nhận lãnh những phiền toái cho đời mình, khi hy sinh chối từ những thú vui trần tục, khi hãm mình xa lánh những điều mơ ước tự nhiên của xác thân.
Theo Chúa, Ta cũng cần học hy sinh trong âm thầm, học vác thánh giá với sự hiện diện của Chúa và chính ta thôi, thay vì hãnh diện vác cây thánh giá vàng son đi đầu cuộc rước trọng thể. Đức Giám Mục Nguyễn văn Thuận có phân biệt 3 hạng người: Hạng hy sinh không muốn ai biết ; Hạng hy sinh mà muốn mọi người biết ; hạng không hy sinh nhưng lại muốn khoe để ai cũng biết mình hy sinh! Dĩ nhiên, chỉ có loại người thứ nhất mới đi vào kế hoạch của Chúa.
Ta không bắt chước đám người Thanh Giáo (Puritan) xưa cố gắng mua Thiên Đàng bằng cái giá đau khổ đời này, nhưng tiên vàn ta muốn chia sẻ cái… dại khờ Chúa đã chọn xưa khi quyết định chịu nạn và chết để đem Ơn Cứu Chuộc cho trần gian. Hơn nữa, ta cố hiểu Lời Chúa tuyên bố “khổ đau hiện di tới việc phải sớm chạy qua Ai Cập lánh nạn, rồi về sống thầm lặng khổ cực tại Nazareth, Chúa đã gây sững sờ cho nhân loại, đang khi người ta chờ đợi Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện giữa cảnh sang trọng quyền uy.
Trước đây, Đức Giám Mục Bùi Tuần có giảng một bài gây nhiều xúc động về lối xử sự “ngược đời” của Chúa:
“Tôi tưởng Chúa xuống trần cứu thế thì phải tính chuyện đó cho cấp kỳ, sớm ngày nào hay ngày đó. Ai ngờ Ngài cứ lẳng lặng sống âm thầm suốt 30 năm rồi mới ra mặt giảng dạy.
Tôi tưởng Chúa phải ra mắt trong một cuộc đại lễ rầm rộ, có cờ xí phất phới, có tiền hô hậu hét, có tuyên ngôn nẩy lửa, có dân chúng hoan hô. Ai ngờ Ngài lại trà trộn giữa đám đông đến xin Gioan Tiền Hô làm phép rửa cho mình như một người tội lỗi.
Tôi tưởng Chúa sẽ tuyển lựa rất nhiều cán bộ học thức và thế giá. Ai ngờ Ngài chỉ chọn mười hai trong đám bình dân ít học. Tôi cũng tưởng Chúa sẽ chọn một người có nhiều bằng cấp và không có chút tì ố làm đại diện Ngài lãnh đạo Giáo Hội. Ai ngờ Ngài chọn Phêrô là người dân chài quê mùa đã công khai ba lần chối Chúa.
Tôi tưởng Chúa sẽ căn dặn môn đệ phải lo năng đi nhà thờ, xem lễ, chịu khó ăn chay đánh tội để chứng tỏ mình thánh thiện. Ai ngờ Ngài chỉ nhấn mạnh đến đức bác ái và gọi đức này là điều răn mới và hệ trọng nhất trong đạo.
Tôi tưởng Chúa có dư quyền phép làm những điều lạ lùng để bắt dân tin theo và tuân giữ điều Ngài truyền để có thể ban Ơn Cứu Chuộc cho họ trong vinh quang. Ai ngờ Chúa chọn cái chết nhục nhã đau thương trên Thánh Giá để thực hiện kế hoạch Cứu Thế”.
Và còn nhiều điều nữa… Dĩ nhiên Đức Giám Mục đã kết luận rằng dẫu Chúa chọn cách “ngược đời” như thế, nhưng tình yêu sâu thẳm nhiệm lạ của Người đã đủ sức cắt nghĩa tại sao.
Với ta, cho tới lúc này, chả mấy ai hiểu được kế hoạch Cứu Chuộc lạ lùng ấy, để rồi nhiều khi ta không đủ tin hoặc coi nhẹ giá trị Ơn Cứu Chuộc. Chúa cho chúng ta ơn đó cách nhưng không, ta dễ coi thường và ít lưu tâm, nhất là tìm cách bắt chước và đáp đền.
Thánh Antôn tu rừng đã xúc động tột độ và quyết định sống đời khổ hạnh thanh vắng dài lâu, sau khi ngài đọc đọan Phúc Âm: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu”.
Phải rồi, cho tới lúc nằm chết trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cũng chẳng có chi gối đầu. Cái chết nhuốc nha của Người, theo lời thánh tông đồ Phaolô, bị người Dothái cho là xấu xa ô nhục và dân ngoại cho là dại dột. Nhưng Thiên Chúa thượng trí khôn ngoan đã thực sự lựa chọn con đường ấy.
Ngài đã mong ước có dịp dạy chúng ta về sự xấu của tội lỗi khiến Con Một Chúa tìm cách đền bù như thế. Ngài cũng nhắc bảo chúng ta phải tìm đến vinh quang của phúc trường sinh qua cửa ải Thánh Giá. Có điều trí óc loài người chúng ta chả bao giờ hiểu cho thấu. Ta không hiểu về những sự kiện Chúa thực hiện trong khi Ngài chịu khổ đau vì chúng ta, mà ta càng không hiểu về tình yêu sâu đậm của Ngài đang lúc chịu đựng như thế. Cho nên, chỉ khi nào ta đi sâu vào lòng Chúa như thánh Phaolô, ta mới thấm thía để nói lên được như Ngài: “Tình yêu thương của Chúa Kitô ngày đêm thôi thúc hồn tôi”.
Nào ai tin được, theo lẽ tự nhiên, rằng Đấng Tạo Hóa chịu chết vì yêu loài thụ tạo. Đấng có đầy đủ mọi sự cách tuyệt đối lại phải cần có nhân loại để chia sẻ tình yêu, Đấng toàn năng uy quyền lại chịu bó tay để bị hành hạ rồi đóng đinh trong cảnh tượng yếu đuối tuyệt vọng như thế!
Mà giả thử Chúa đạt được kết quả tối đa là nhân loại sẽ đền đáp bằng cách dành hết tâm trí để thương yêu Ngài lại, sau đó Ngài sẽ được hạnh phúc sướng vui thêm là bao đâu! Trong Ngài đã có đủ nguồn hoan lạc và phúc lộc rồi cơ mà! Phương chi, với trí sáng láng vô song, Chúa dư biết nhân loại trước sau vẫn toàn gồm những phần tử vô ơn bạc nghĩa… Thế mà Chúa vẫn yêu thương để rồi chết cho họ cách hết sức “dại khờ”.
Nỗi đau của Chúa đã thực sự tăng gấp mấy lần khi Ngài bị chối bỏ do chính dân riêng của mình. Đám dân trước đây tung hô Ngài là Vua, bây giờ trở mặt la hò đòi đóng đinh Ngài. Thánh Vịnh 55 trong Cựu Ước đã diễn tả từ trước về tâm tình của Chúa Kitô: “Giả như kẻ thù thóa mạ Ta, Ta sẽ đành nhịn. Giả như phường đối nghịch lên án Ta, Ta cũng đành cúi đầu ngoảnh mặt. Nhưng đây là những kẻ thân quen bằng hữu, những người đã từng với Ta mặn mà khúc nôi, lại nỡ tâm ra tay hành nhục Ta!”
Dù ở hoàn cảnh tăm tối đó, Chúa vẫn một niềm yêu. Yêu để thành con chiên ngoan ngoãn bị đem đi xén lông và giết làm lễ vật. Yêu để gò lưng xuống gánh cho nổi sức nặng ngàn cân của tội lỗi người đời. Yêu để chịu tâm tư đớn đau tuyệt vọng nơi Vườn Dầu. Yêu để cho tới lúc gục đầu trút hơi thở cuối đời vẫn lên tiếng xin Cha Ngài tha thứ cho nhân loại vì chúng… lầm chẳng biết việc chúng làm!
Chúa Giêsu đã tự nguyện trở thành nạn nhân, tất cả chỉ là vì hạnh phúc của chúng ta. Những giọt máu oan khiên trên ngọn đồi Canvê ngày nào vẫn hùng hồn chứng minh một trái tim yêu thương cuồng điên khờ dại. Đỉnh Golgotha sẽ mãi mãi là đỉnh trời Dấu Ái của chính Con Thiên Chúa.
Trần đời vẫn triền miên đặt câu hỏi: Chúa yêu con người mà làm gì? Yêu để rồi phút giây nghiêm trọng nhất lại bị môn đệ mình kẻ thì phản bội đem nộp, kẻ thì leo lẻo chối từ, kẻ thì bỏ chạy mong thoát thân ư? Bao giờ trần gian mới hiểu được mối tình lạ lùng khó hiểu này? Chắc muôn đời vẫn chịu bó tay. Hóa ra việc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Con Chúa ngàn năm vẫn là chuyện Nhiệm Mầu.
3. Qua tình thương ngàn đời.
 
Tấm lòng thương quá độ của Chúa xem chừng không bao giờ chịu ngừng để đóng khung với thời gian. Các thánh đều tin rằng Chúa càng thi thố tình yêu và nhân loại càng thờ ơ lãnh đạm thì Ngài càng muốn gia tăng mối tình ấy cho mọi người được thấy.
Sau cái chết thương đau khốn cùng trên Thánh Giá, cơ hồ Chúa vẫn chưa thấy bằng lòng. Động tác đầu tiên Chúa làm là làm sao được ở lại cùng đoàn con trần thế một cách gần gũi và cụ thể nhất, để nhắc bảo chúng về tình yêu đầy săn sóc lo lắng của Ngài, để an ủi chúng ở những phút giây nản lòng nhất, cũng như để tăng cường sinh lực cho chúng trên đường lữ thứ trần gian.
Thế là Ngài đã lập ra Bí Tích Thánh Thể, một tuyệt phẩm tình yêu mà, theo lời thánh Augustinô, dẫu Chúa có toàn trí đến mấy cũng chỉ nghĩ ra được một thứ quà tặng ý nghĩa và thực tế đến thế là cùng. Với Bí Tích này, Chúa đã tự giam mình trong Nhà Tạm để đợi, để chờ chúng ta đến tâm sự xẻ chia, với mục đích thực hiện cho bằng được giấc mơ “niềm sung sướng của Ta là được ở cùng với con cái loài người!”
Ôi kỳ lạ vô cùng vô tận! Thiên Chúa lại đi lấy chính Thịt Máu mình làm của ăn thiêng liêng cho người trần! Nếu đây không phải là chuyện thần thoại hoang đường, thì nhất định phải là một phép lạ của tình yêu. Có lẽ ta chỉ có thể hiểu được điều này nếu ta cũng có trái tim như của chính Chúa. Mà với Chúa thì chuyện gì cũng ngoại lệ, cũng vô hạn định, còn ta thì chỉ như hạt muối bỏ biển.
Tặng phẩm tình yêu qua Phép Mình Thánh ở đây quả thực đã là một món quà siêu đẳng mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể sáng chế ra được. Loài thiên thần dẫu thông sáng mấy cũng không hề dám nghĩ tới, chứ đừng nói chi nhân loại. Thành ra, một lần nữa, được hưởng món quà này cách nhưng không, con người lại xem chừng lãnh đạm coi thường! Trong lúc đó, người ngoại giáo thì nhìn vào đó như tượng trưng của những rồ dại, những điên khùng ghê gớm nhất ; Sao lại có thể ăn Thịt và có thể uống Máu Thiên Chúa của mình?
Với các thánh, Phép Thánh Thể được coi như cố gắng cuối cùng của Chúa để minh chứng tình yêu. Riêng Công Đồng Triđentinô thì mô tả đây là việc Chúa vận dụng hết mọi nguồn mạch khả năng của trái tim đầy yêu thương của mình mà hiến trao cho nhân loại. Thành ra, khi suy gẫm lời Thánh Vịnh 8 mô tả “Nào con người có là chi để chính Thiên Chúa cao sang phải bận tâm đến”, các thánh đã không thể cầm lòng, để rồi tìm mọi cách đền đáp lại tình Chúa thương.
Mối tình thương cao cả ấy được Chúa nhắc đi nhắc lại ở những lần hiện ra với thánh nữ Magaritta Maria và tỏ rõ trái tim “sầu muộn vì yêu” của mình: “Hãy ngắm nhìn con tim Ta để biết Ta yêu nhân loại như thế nào!” Rồi khi hiện ra cùng bà thánh Angela đệ Folignô, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn: “Con hãy biết rằng Ta yêu con cái loài người không phải chỉ là như để chơi đùa!”
Phải rồi, tình thương Chúa với ta quả thật nghiêm chỉnh, quả thật thiết tha khôn lường. Ở mỗi phút giây, Người săn sóc lo lắng cho ta và tìm cách cho ta được thấy niềm an vui thật: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai gồng gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức đỡ nâng cho các ngươi”.
Có bao nhiêu dụ ngôn đầy ý nghĩa trong Phúc Âm về lòng xót thương hải hà của Chúa đối với nhân loại, Người đem ra áp dụng triền miên qua tháng năm. Này là tỉ dụ về chiên lạc được chủ chiên vất vả tìm về. Nọ là câu chuyện đứa con trai hoang đàng trở về với vòng tay ôm tha thứ của người cha. Kia lại là hình ảnh một Maria Mađalêna thống hối được tha hết mọi tội giữa sự ngỡ ngàng của nhóm Biệt Phái… Nhất nhất đều là do tình thương khó hiểu của một Vị Thiên Chúa không biết mỏi mệt để đợi chờ, kiên nhẫn, để bỏ qua lỗi lầm.
Và như thế, Bí Tích Hòa Giải đến với nhân loại như một ân huệ lớn lao khôn lường. Thiên Chúa mượn đôi tay linh mục luôn sẵn sàng giơ lên cao để ban ơn Xá Giải, mỗi khi tội nhân hối hận quay về. Xem chừng thứ tha nằm trong bản tính sâu xa của chính Chúa. Tha ngàn vạn lần, để rồi nhân loại vẫn tái phạm thường xuyên. Với đa số nhân loại chúng ta, chẳng hiểu ta không hiểu nổi lòng nhân từ lạ lùng của Chúa, mà ở những trường hợp ta cho là đương sự không đáng hưởng ơn tha thứ của Người, ta thường không muốn chấp nhận đường lối “quá dễ” của Chúa. Y hệt trường hợp người anh trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” hoặc trường hợp tiên tri Giona trong Cựu Ước: Cả hai đều tỏ vẻ tức bực khi thấy, một mặt là người cha quá tốt để quên lỗi lầm đứa con phung phá, mặt khác là Thiên Chúa hủy ngay ý định trừng phạt dân thánh Ninivê đầy tràn tội lỗi.
Nào ai hiểu nổi lời Chúa tuyên bố: “Một người tội lỗi thống hối sẽ làm Thiên Đàng vui mừng hơn chín mươi chín người lành không cần ăn năn!” Mà Chúa tha và quên thật sự, chứ không chỉ làm bộ bên ngoài. Chúa cũng không tha thứ vì mưu đồ chính trị như khi Khổng Minh của chuyện Tam Quốc tha tướng giặc Mạnh Hoạch. Người cũng không chỉ hạn định có bảy lần như họ Khổng, giống như ý nghĩ của Phêrô khi lên tiếng hỏi Người, nhưng phải là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha mãi tha hoài!
Có câu chuyện biến ngôn bên Tây phương kể về một linh hồn vừa mãn hạn đền tội ở Luyện ngục. Lúc đứng tại cửa Thiên Đàng, anh ta lên tiếng phỏng vấn Thánh Phêrô:
- Thưa thánh nhân, phải chăng vào Thiên Đàng thì chỉ còn vui sướng, hết chán buồn?
- Sướng vui tuyệt đối.
- Phải chăng họ sướng là vì hiểu được hết mọi mầu nhiệm?
- Đâu có, vẫn còn vài điều khó hiểu.
- Điều nào lớn nhất?
- Họ luôn tự hỏi vì sao Chúa nhân từ tốt lành dường ấy với nhân loại mà người ta không nhận ra.
- Thế sao có Chúa kề bên, họ không hỏi Ngài?
- Họ hỏi Ngài hoài, nhưng Chúa bảo chính Ngài cũng không hiểu nốt!
Câu chuyện tưởng tượng đó phần nào đã nói lên một sự thật phủ phàng, chỉ “tội nghiệp” cho Chúa với trái tim quá bao la từ ái mà chả mấy người nhận ra để đáp đền.
Phần chúng ta, ai nấy phải biết dựa vào ân sủng và Thần Linh của Chúa để mon men học cho biết phần nào tâm tình đại lượng của Người, được cụ thể thực hiện qua Ngôi Hai Nhập Thể và ở cùng chúng ta.
Dĩ nhiên, theo bản tính nhân loại, không ai biết được Thánh Ý và đường lối Chúa. Càng chẳng có ai dám, như kiểu trình bày của thánh Phaolô, chỉ vẽ dạy bảo cho Chúa.
Ta sẽ vất vả hơn, sẽ bận bịu hơn, sẽ thiệt thòi hơn. Đúng lắm! Nhưng đạo Công Giáo là thế, đòi ta sống như thế. Dụ ngôn nén bạc trong Phúc Âm đòi ta phải sinh lợi cho Nước Chúa và tha nhân, chứ không được phép giữ khư khư cho riêng mình, như kiểu người chôn vùi nén bạc trong lòng đất. Hai chữ phục vụ phải luôn luôn có trên môi và ăn sâu vào trái tim ta để rồi được đưa ra thực hành, theo mẫu mực của chính Đấng đã tới “để phục vụ chứ không nhằm được phục vụ”. Mà muốn phục vụ thì phải biết ra khỏi cái tôi ích kỷ và lười biếng của mình, đống thời phải gánh chịu mất mát thiệt hại nơi chính con người của chúng ta.
Đọc chuyện vị bác sĩ danh tiếng Albert Schweitzer, ta được biết như sau: sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Strasbourg, một hôm Schweitzer ghé chơi nhà một người bạn thân, người này lên tiếng hỏi:
- Trong đời ông bây giờ ông còn mơ ước chi nữa không?
- Hết rồi.
- Sao thế?
- Tôi đang sung sướng với cái ghế giáo sư, lại thoải mái với chương trình viết văn đang thành công, cùng với cái thú học và chơi phong cầm.
Chỉ hai hôm sau, Schweitzer lại tới nhà bạn và lên tiếng thanh minh:
- Này ông bạn, tôi buộc lòng sắp phải từ giã cả ba điều tôi yêu thích hôm nọ mới nói tới.
- Sao thế?
- vì tôi vừa đọc thấy đoạn Phúc Âm kể chuyện anh phú hộ và chàng Lazarô nghèo khổ. Tôi đang là anh nhà giàu, còn đám dân khốn đốn đang ở các thuộc địa phi Châu đang là những chàng Lazarô của tôi. Tôi nhất quyết nay mai sẽ ra đi…
Quả thật, sau đó vị bác sĩ đầy từ tâm đã bỏ tất cả để lên đường phục vụ. Ông đã dâng cả cuộc đời còn lại cho tha nhân.
Với mẫu gương của Albert Schweitzer, ta cũng phải học mở mắt ra để nhận được bóng dáng những Lazarô khác ở gần chỗ mình. Hãy cùng với một Vinhsơn Phaolô hay một Mẹ Têrêsa mà lắng nghe tiếng Chúa gọi mời ta từng phút giây. Bảo rằng việc phục vụ kiểu đó chỉ là dành cho các linh mục, tu sĩ thì quả là một sai lầm lớn lao. Chúa đòi mỗi người phải tùy hoàn cảnh và khả năng hiện có trong bậc sống mà phục vụ, mà hiến dâng, mà cho đi.
Bao nhiêu tấm gương hào hùng trong Giáo Hội chẳng những đã tạo nên những vị thánh mẫu mực của lòng bác ái vị tha, mà còn ghi vào lòng thế nhân những hình ảnh đáng kính tôn cảm phục khó phai: Cha Maximilien Kolbe hy sinh chết thay cho người bạn tù trong trại giam Quốc Xã của Thế Chiến thứ II ; Linh mục Damien ai cũng biết đến như vị tông đồ số một của nhóm người cùi hủi nơi đảo Molokai giữa Thái Bình Dương ; Tu sĩ Junipero Serra xả thân truyền giáo và mở mang dân trí cho đám người da đỏ Mỹ Châu thuộc cùng California. Các ngài đã hiểu sâu xa Lời Chúa đòi “được nhưng không thì hãy cho nhưng không”, cho không còn giữ lại chút gì của riêng mình.
Điều Chúa thực hiện được ở các ngài, Chúa cũng đang chờ mong để thực hiện ở chúng ta.