Có người mới lọt lòng, đỏ hỏn, tóc còn chưa thiệt khô, đã cười. Mới đẻ đã cười xưa nay hiếm, người ấy được gọi ngay bằng ông, ông địa. Thứ ông Địa mặt nạ, tròn vo, chưa có tay, chân, chưa có cái bụng trái bí. Ông Địa mặt nạ giấy bồi ấy được đặt lên một chiếc xe ba gác. Trên xe, người và thú sống chung như trong chuyện cổ tích. Chiếc xe từ hẻm sâu chạy ra phố lớn, rao bán các nụ cười.Trên xe, các nụ cười ông Địa rộng một tấc hai (chưa kể hai lúm đồng tiền hai bên) treo thành hàng, quay ra cười với thiên hạ. Bên kia xe, một hàng nụ cười khác, rộng hơn, không có lúm đồng tiền nhưng có câu. Đó là những nụ cười hiền lành của một bầy mãnh thú cụt đuôi. Vâng, cụt hết đuôi, chỉ còn những cái đầu lân với: râu sơn dương, sừng tê giác, mắt cá chép, mũi sư tử..Xe ba gác chạy được là nhờ người đạp. Nhưng là chuyên cơ chở cổ tích đầu lân, mặt Địa, ba gác này được gắn thêm một động cơ đốt ngoài gọi là cái trống. Động cơ trống đốt ngoài bằng đôi dùi thúc liên tục như quẹt diêm, cháy lên nhịp nhạc gõ rất vui tùng tùng, tết, tùng tùng... Tết tết, tùng tùng, tết... Nhịp nhạc, nhịp xe làm lúng liếng cả chục nụ cười râu, cười lúm đồng tiền.Xe cổ tích chạy nhạc trống, không xả khói, tốc độ không cao nhưng đi vẫn rất nhanh. Ai trông thấy xe cười cũng chơi đẹp, nhường đường. Xe chỉ dừng ở những ngã tư đèn đỏ! Nhưng ngay khi đã thấy đèn đỏ, dừng trước lằn vôi trắng, chiếc xe cổ tích vẫn cắt cử tiếng động cơ trống của mình tiến lên dò đường! Là để khi đèn xanh thắp lên lại đi thật nhanh tới một con hẻm, ở cố câu chuyện này.Hẻm nối đường vua Đinh Tiên Hoàng với bờ kinh nước đen Nhiêu Lộc. Đã hơn năm nay Bé em bưng mì gõ tới từng nhà trong con hẻm khu phố 3 này. Nhà nào trong hẻm cũng đã quen mặt Bé Em. Quen thấy lúc nào nó cũng cười. Bảo lấy chanh Cười. Lờy ớt. Cười! Bảo xịt thêm nước tương vào đĩa hủ tiếu khô hay châm thêm nước lèo vô tô hủ tiếu nước cũng cười mà làm ngay. Cho nên bữa nay nó không cười được thì mọi người biết là có chuyện! Nhưng chỉ những ai ăn mì gõ hôm ấy là biết, lũ trẻ trong hẻm mấy bữa rày có tiền không chịu ăn mì dù đói! Chỉ ăn thứ kem Wall’s có thưởng. Chúng nó còn chưa biết có chuyện đau lòng con hẻm nhỏ.Chuyện được đưa về từ nhóm bán áo dạo của Bé Anh, anh hai Bé Em. Một anh lơ xe bến Miền Đông cùng quê Quảng Nam với Bé Anh mua của nó một tờ Công An, đưa những mười ngàn mà không chịu lấy tiền thối. Lại còn đỏ mặt ấp úng: Nhà mày lũ cuốn mất tiêu. Xoong nồi cũng không còn. Má mày biểu giấu, nhưng anh cứ nói! Tuị bây cỏ gửi tiền tiếp má được đồng nào thì giử. Kẹt lắm. Mấy bữa liền má mày với con út chỉ nhai mì liệng!Thấy Bé Anh tròn mắt ngơ ngác, anh lơ xe nói thêm: Là mì cứu trợ, liệng từ trực thăng xuống đó mày! Bán báo mà không đọc sao!Biết chữ đâu mà đọc. Nhưng tin tức gì ai đã đọc vào tai thì Bé Anh nhớ lắm. Cái tin nhanh bến xe kia, chỉ một tiếng sau đã được đánh tín hiệu xực tắc, xực tắc truyền đi theo chân cánh mì gõ mà thành tin nóng tới tai Bé Em. Nó khóc, nước mắt châm cả vào thùng nước lèo đang sôi. Hơi thơm đưa tin nước mắt tới tai các ông địa trên chuyến ba gác cổ tích kia.Chuyện thần tiên đã xảy ra, các ông địa hay giúp người ta bằng nụ cười, liền cười tập thể! Cười tít mắt trái khiến xe ba gác đột ngột rẽ hướng ấy, đến đúng con hẻm đang thơm mùi nước lèo kia. Con hẻm lại quá nhỏ để cái xe ba gác có thể vào. Rất may, ngay đầu hẻm, có một bác thợ sửa xe đang rỗi việc. Các ông địa tức thì vận nội công, cười tập thể một lần nữa. Hút hết hơi của cái bánh xe bên phải mà cười. Cười lõm tất tần tật các lúm đồng tiền trên mặt mình. Xe nghiên hẳn sang phía các ông địa, bánh xe bên ấy xẹp leép. Xe dừng ngay trước mặt bác sửa xe, xin được tiếp hơi.Đúng lúc ấy mười hai đứa con nít trong hẻm đổ ra định đón đường mua kem Wall’s để lấy que kem chơi trò xin xăm lãnh thưởng. Những tưởng cứ mút kem thật lực là có thể nuốt được vào bụng mình những là ti vi với xe đạp leo núi. Tính ăn những thứ ấy thì buốt răng đau bụng là cái chắc! Các ông địa trên xe nháy mắt đồng tình luôn cả việc này. Cái xe ba gác đang trớn hất một ông địa rơi chụp vào đầu một trong mười hai đứa đói kem, biến chàng háu ăn thành một ông địa rất dễ thương. Cả bọn cười lăn, quên biến cái thứ kem xin xăm kia, xúm vào ngắm nghía anh bạn ông địa của mình. Bác sửa xe vui lây, huơ cái vòi bơm, đọc thơ theo kiểu xướng ngôn viên lô tô trong các hội chợ Tết. Có địa mà không múa lân, khác chỉ bận áo không quần ai ơi! Sao bọn bay không lập đội múa cho vui hẻm nhà mình!Phải rồi. Mua lân mua địa đi. Anh bán giá cứu trợ.Cái anh vẫn ngồi thúc trống trên xe ba gác bỗng ló ra giữa cái đầu ông địa, mời rất ngọt! Thế là tiền của 12 ông dạo kem tính mua đồ ăn, được gom thành 24.000 đồng, đem mua đồ cười. Bộ lân và địa (chưa kể trống) những 25.000 đồng! Nhưng đã có bác sửa xe! Bác không lấy 1.000 đồng tiền công bơm, tiền ấy "vá ép" vào chỗ thiếu.Vậy là trên thành phố có đội lân Nhơn nghĩa đường thì ở dưới này, đã có đội Nhơn Nghĩa hẻm. Nhờ vậy, một ông địa mặt nạ đã vào được con hẻm ấy, được lũ trẻ cho mượn tay, mượn bụng, mượn chân để thành người, đi tiếp vào chuyện cổ tích này. Ông địa đi cùng với một ông lân vừa được gắn thêm đuôi. Thứ đuôi làm bằng khăn rằn, loại khăn tắm của các bác Ba Phi dưới U Minh.Ông địa xui khiến để liền khi đội Nhơn nghĩa hẻm từ hẻm chính rẽ vô hẻm phụ đầu tiên thì gặp ngay Bé Em đang bưng chồng tô không, trở ra, nước mắt lã chã. Cái con nhỏ suốt ngày cười, lại khóc vì chuyện gì nhỉ? Đã hỏi thì người trong hẻm cho biết! Chuyện nhà Bé Em lũ cuốn trôi. Má Bé Em ôm con ngồi dãi mưa trên xuồng, nhai mì liệng! Bé Em chưa có tiền mua vé tàu về quê cứu má, cứu em!Thì ông địa dẫn ông lân vào đây là để làm chuyện cứu giúp ấy. Ông địa theo đội lân Nhơn nghĩa hẻm len vào từng nhà, cười tít mắt, xin tiền cho Bé Em về quê. Từ lâu, người ta vẫn thích lì xì cho các ông địa, nhờ vậy ông địa lôi kéo và con trong hẻm cùng làm chuyện cổ tích với mình, biến một người đang cần tiền thành một người có tiền. Miễn là người ấy biết thương mẹ, thương em. Chỉ một buối múa lân, đội Nhơn nghĩa hẻm đã lo cho Bé Em đủ tiền tàu, lại thêm 125.600 đồng tiền quà. Chỉ một buổi múa cười theo nhịp gõ thau bể, mâm rách cắc cắc, đồng, đồng... đồng đồng, cắc cắc..Tết này, ai cần nụ cười để làm một việc tốt thì hãy vẫy tay gọi một xe ba gác chạy bằng tiếng trống, chở những con lân và các ông địa.Viết sau cơn bão số 6 năm 1998.