Tôi nhớ lại tất cả những chuyện ấy, như nhớ lại những điều đáng nhớ nhất của đời tôi, với lá thư của Trường cầm ở trên tay. Cuộc đời Trường, cái phần hé mở cho tôi được nhìn thấy nhiều nhất là những lá thư. Đó là những chiếc phong bì và phong thư mang địa chỉ hàng trăm miền thế giới. Những báu vật đó, tôi đựng trong một cái hộp gấm, cất rất cẩn thận vào một ngăn tủ khóa lại. Nhã vẫn giễu tôi về sự trang trọng này, mà nó cho là quá đáng dành cho những tờ thư. Mặc mày, Nhã! Mày gặp người yêu mày hàng ngày, tao chỉ có những tờ thư ở đó, tao thấy lại vết tích và hình ảnh người xa. Một người viết chuyện nào nói rằng người ta hay chờ những chiều mưa để đọc lại những tờ thư cũ. Đúng thật là đúng. Tôi cũng như vậy. Đọc những lá thư của Trường vào một buổi chiều mưa lớn là cái thú buồn rầu ngây ngất. Mưa và buổi chiều phối hợp lại, tạo thành một không khí thích hợp. Căn phòng đã đóng kín. Kính mờ hơi nước đọng. Mưa trên mái ào ào. Tôi ngồi mộ mình với tập thư dầy cộm trước mặt. Lần giở từng chiếc một, thư viết trước đọc lại trước, theo thứ tự thời gian. Đọc lại đến đâu, cuộc đời Trường hiện hình theo tới đó. Có một lá thư chàng viết cho tôi về tôi, một đoạn tôi ghi nhớ và thuộc lòng từng chữ: “Ở xa nhìn trở về, hình dung ra ngôi nhà nhỏ, em ở đó, trong một không khí đầm ấm quen thuộc, anh mới thấy em là sự cần thiết mãi mãi của cuộc đời anh. Nghĩ đến em, bao giờ cũng là một ý nghĩ thật bình yên. Chỗ anh đang ở gần một hải cảng, một cửa biển. Buổi chiều nài cũng có gió lớn. Biển động. Tàu và thuyền đậu san sát khắp mặt bến. Cảnh tượng thật đẹp, và khác hẳn với cái đẹp của một thị trấn ở sâu trong đất liền. Anh ngồi viết thư cho em ở đây, trên khoảng sân lộ thiên của một khách sạn nhìn thẳng ra biển. Anh nhớ đến em, đến nụ cười dịu dàng, đến ánh mắt trong suốt chưa từng nhìn thấy ở đó một thoáng lửa giận dữ. Em cần thiết cho anh thật. Sự cần thiết của một thế quân bình, của một điểm tựa, một bến đậu...” Tôi có cần thiết cho Trường thật không? Câu trả lời tất nhiên là ‘có’. Chàng không nói sai bao giờ. Với tôi, Trường là người đàn ông ngay thẳng và trung thực nhất thế giới. Điều tôi muốn tìm hiểu là sự cần thiết ấy tới mức nào? Cần thiết sao chàng vẫn ở xa? Sao chàng trở về để rồi chàng lại lên đường, và như thế bao giờ mới thôi, mới ngừng lại? Lòng đầy phân vân, tôi cầm lá thư đứng lên, từ phòng khách trở lại buồng ngủ. Mở tủ, tôi lấy ra cái hộp gấm. Tôi đặt trang trọng lá thư lên chồng thư cũ, cử chỉ thành kính như một nghi lễ. Tôi đậy nắp hộp lại. Chiều mưa, đọc thư cũ. Những lời anh còn vang động trong đầu em. Sự cần thiết của một người. hạnh phúc là thế nào? Hạnh phúc có phải là sự cô đơn buồn rầu, sự lặng lẽ âm thầm của những tháng ngày chờ đợi? Tôi đóng cửa tủ lại, lại bàn viết, lấy bút giấy, và viết thư cho Trường. Anh, Thư anh viết cho em từ Paris, em đã nhận được sáng nay. Như mọi lần, thư vào tới nhà rồi, vẫn cứ đến tay em chậm 5-10 phút. Chắc anh đã hiểu tại sao rồi. Vẫn Nhã đó anh. Nó trêu em, không chịu đưa thư, em phải rượt nó cùng nhà, con nhỏ nghịch tinh, tức đến phát khóc lên được. Em mừng thấy anh vẫn mạnh khỏe. Mừng hơn nữa, thấy thư anh vui, đầy sức sống như bao giờ. Và mừng hơn cả, là thấy ở xa, anh vẫn nhớ, vẫn viết thư về cho em. Một điểm buồn nhỏ, nhưng cũng chẳng sao, em đã quen rồi. Thư anh viết không nhiều, và lá thư này, như tất cả những lá thư trước, với em vẫn là quá ngắn. Trời ở bên ấy sắp hết mùa đông, sắp tới mùa xuân rồi sao? Anh nói chim én đã bay về, tuyết sắp tan, nắng sắp có, em cũng chỉ biết như thế, qua những điều anh kể ra mà không tưởng tượng được gì thêm. Người yêu bé nhỏ và xa cách của anh tầm thường như vậy đó! Em chỉ biết yêu anh, nhớ anh, mong chờ từng lá thư của anh. Cũng mơ mộng nữa, nhưng mơ mộng về những điều quen thuộc với mình, thuộc về cái thế giới của mình. Thế thôi. Em không biết tưởng tượng. Ở bên ấy mùa xuân sắp tới. Ở Sàigòn thì mùa mưa đã bắt đầu. Mưa từ đêm hôm qua, trong giấc ngủ. Buổi sáng thức dậy nghe tiếng mưa rào rào trên mái, em đã nằm thật lâu trong chăn, nhớ lại một vài buổi sáng mưa nào chúng ta có nhau. Anh nhớ không? Lần đầu tiên em gặp anh (xô đầu vào anh thì đúng hơn), trời cũng đổ mưa thật lớn. Anh đang đứng đọc báo dưới một hàng hiên. Em chạy mưa, cắm đầu cắm cổ, đâm sầm vào anh mà không giữ lại được. Nghĩ lại, thật buồn cười! Muà mưa năm nay, em lại không có anh rồi! Anh đi xa... thật xa..., hết nơi này đến chốn khác. Không chừng hết mùa mưa này, sang mùa nắng tới, em cũng chưa gặp lại anh. Chưa được gặp lại... Chưa được gặp lại! Nhưng em nói thế thôi. Em chỉ biết nói chuyện với anh như vậy, chứ em không dám trách, cũng không dám buồn anh. Chuyện xa nhau, tại sao còn xa nhau, sống như thế nào với cách biệt, anh đã nhiều lần nói cho em biết, anh bảo chúng mình phải yêu nhau như thế này, như thế này... Em đã nghe, em còn nhớ, không bao giờ em dám buồn anh hết. Nhưng cho em được nói em nhớ, em chờ đợi. Cho em được nói thêm là một buổi chiều đợi chờ nào cũng dài lâu như một thế kỷ chờ đợi. Nhưng thôi, nói chuyện khác vui hơn, bởi không bao giờ em muốn anh nhận được của em những lá thư buồn. Chuyện vui vừa xảy ra dưới mái gia đình em là chuyện Nhã đã chính thức đính hôn với người yêu của nó, một anh chàng trẻ tuổi, con nhà giàu, rất sinh viên. Tên vị hôn phu của nó là Thiều. Nhã, nó đang sửa soạn cho ngày vui sắp tới của nó. Sáng nay nó lại phá em rồi đấy. Nó không cho em ngủ, nó dựng em dậy bằng được. Nó bắt em đưa nó ra chợ Bến Thành ăn bún ốc rồi hai chị em đi mua đồ. Nó mua đủ thứ. Thứ nào cũng bắt em lựa cho. Nó bảo em chẳng ra cái gì hết, chỉ có mắt mỹ thuật. Nhã nó lại nói đến anh đó. Cứ trêu em là vác tên anh ra. Anh Trường của chị thế này thế nọ. Không phải nói xấu anh đâu. Trêu em thôi. Nhã nó quý trọng anh ghê gớm, đùa nghịch đôi khi nhưng bao giờ cũng nói những điều thật hay về anh. Chiều nay nó bắt em phải vào Chợ Lớn ăn cơm tàu với người yêu của nó. Con bé lạ thật! Em nhất định từ chối, bảo người thứ ba có mặt giữa đôi lứa bao giờ cũng là một người thừa. Nhưng nó nhất định không chịu. Thành ra đã đi với nó suốt cả buổi sáng rồi, chiều nay em lại phải đi nữa. Lại phải ngồi vào bàn phấn. Lại phải trang điểm sửa soạn. Anh thường bảo em rằng người đàn bà là một bông hoa. Không kiều diễm tươi thắm, không phải là hoa. Đàn bà, theo anh, phải làm đẹp cho mình, cho người, phải biết làm dáng. Em thấy đúng, đúng như thế, nhưng chỉ đúng cho em những lúc nào có anh ở bên cạnh mà thôi. Không có anh, em làm đẹp cho ai? Trang điểm để làm gì? Cũng chẳng muốn đi đến đâu. Đừng nghĩ em buồn thảm, em lủi thủi, em đau riêng tây, em khóc một mình. Không, chỉ là em muốn được đối diện hoàn toàn, trọn vẹn với tình yêu của chúng ta, một mình, bởi vì thêm một sự có mặt nào, em cũng chỉ thấy sự có mặt đó là một phá rối. Anh yêu, anh hiển em muốn nói gì không? Em muốn nói là em thích đưa tình yêu chúng mình tới một góc khuất, một vùng trời cách biệt, nhìn ngắm và nói chuyện tự do với nó mà không lo sợ có một đột nhập nào làm đứt quãng. Như sáng nay chẳng hạn. Em muốn ở suốt buổi sáng một mình trong căn phòng ngủ đóng kín. Để nhớ đến anh, em muốn đọc thư anh một mình trong im lặng và cách biệt hoàn toàn, không có ai bên cạnh, kể cả Nhã. Được cái, con nhỏ cũng thông minh và khá hiểu biết. Nó giữ thư của anh, đuổi rượt mãi mới chịu đưa. Thế nhưng khi đưa rồi thì nó “lỉnh” vào nhà trong ngay, để em được tự do một mình ngoài phòng khách. Anh thấy rồi đó, đời sống của em ở đây là như vậy, từ ngày anh đi. Đó là những ngày tháng êm ả, phẳng lặng, không có gì xảy ra, không có gì đáng nói. Thật là khác biệt một trời một vực với đời sống của anh. Đời sống của anh. Đời sống của anh như thế nào, anh nhỉ? Như gió, như mây, gió bay lên trời, mây bay trên cao, không bao giờ ngừng, bởi ngừng lại gió mây không còn là gió mây nữa. Đúng ra, và như thế mới hữu lý và thành thật, em phải thù ghét cái đời sống, cái lối sống của anh lắm. Vì nó mà chúng mình xa nhau nhiều hơn là gần nhau, vì nó mà em đợi chờ và nhớ thương hết năm này qua năm khác. Em phải coi đời sống của anh như kẻ thù của em mới phải. Em phải oán trách nó, nhìn nó bằng cặp mắt tức giận. Nhưng không. Em tôn trọng sự tự do của anh, em yêu anh, cho nên đời sống và lối sống của anh như thế nào, em cũng yêu như vậy. Không bằng lòng, nói ngược lại là giả dối, nhưng mà yêu. Chỗ này, điểm này, thì cái người đàn bà không giàu óc tưởng tượng chút nào. Ở em cũng tưởng tượng được chút ít. Rất nhiều lần trong tình yêu của chúng ta, em đã tìm hiểu, đã tự hỏi có phải như thế là hạnh phúc? Người ta thường nói đến một hạnh phúc im lặng, hạnh phúc đồng nghĩa với cô đơn, thứ hạnh phúc không phải là màu hồng và màu xanh. Trong tiếng cười còn có tiếng thở dài và nước mắt. Có phải là em đang sống với hạnh phúc đó không anh? Viết tới đây, em biết là anh không bằng lòng em rồi. Anh thường bảo em là yêu không bao giờ là một tìm hiểu. Theo anh, một tìm hiểu nào rồi cũng gây cho tình yêu những phiền hà và những khó khăn. Yêu là yêu. Không nghĩ ngợi, không băn khoăn, yêu như trời xanh, yêu như ánh sáng. Em muốn nghe anh lắm, điều gì nghe anh nói, em cũng thấy đúng, thấy phải vô chừng. Nhưng đôi khi tâm thức em xao xuyến, thần trí em hoang mang, những dấu hỏi này nọ lại hiện ra trong đầu óc. Em không bình tĩnh được, anh tha lỗi cho em. Thôi, bây giờ em đi ngủ đây. Ngủ một lát cho khỏe người, để chiều nay còn phải đi ăn cơm với Nhã. Em nhớ anh. Nhớ muôn vàn là nhớ. Em đợi anh về. Ngày nào của em cũng là một ngày chờ đợi. Yêu anh. Tôi đọc lại lá thư khi viết xong. Tôi viết thư thật dở. Tôi thấy không nói được những điều tôi muốn nói. Còn hàng trăm, hàng nghìn điều tôi muốn nói với chàng mà không nói được ra. Tình yêu như thế. Nói làm sao hết. Có những điều chỉ nghĩ ra trong óc mà không sao nói được ra thành lời. Viết ra chữ, ra câu lại càng khó khăn hơn nữa. Gập lá thư, cho vào phong bì, dán kín lại, tôi nghĩ chiều nay trước khi đi ăn sẽ bắt Nhã đưa ra nhà bưu điện bỏ thư rồi mới vào Chợ Lớn. Đặt mình nằm xuống giường, tôi nhắm mắt cố tìm vào giấc ngủ. Căn nhà yên tĩnh hoàn toàn. Thời gian trôi chậm và êm từng phút... từng phút. Một lát như thế, rồi thôi biết là giấc ngủ không tới. Đầu óc tôi ngổn ngang tram mối. Nhã sắp đi lấy chồng, chuyện hôn nhân của nó có đặt ra cho tôi một vấn đề, một vấn đề khá quan trọng. Hai chị em từ thuở nhỏ chung sống với nhau, tiếng rằng là hai hình bóng lẻ loi giữa cuộc đời rộng lớn mênh mông, nhưng không khí đoàn viên trong gia đình đã tạo cho cả hai chị em một trâm trạnh ấm áp. Chị có em. Thế cũng đủ. Em có chị. Thế cũng vừa. Bây giờ Nhã đi lấy chồng. Nó phải ra ở riêng là chuyện đương nhiên không thể tránh được. Thực ra chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Nhã tỏ ý lo cho tôi. Nó không muốn xa tôi chút nào hết. Tôi cũng vậy. Hai chị em đã bàn bạc với nhau suốt một buổi. Tôi ướm thử: -Thiều có biết hai chị em mình không muốn xa nhau? -Biết. -Tạo sao Thiều biết được? -Em nói cho anh ấy biết mà. Thiều cũng băn khoăn lắm. Chúng em không ai muốn chị ở một mình. Tôi làm bộ can đảm: -Chẳng sao. Rồi cũng quan đi. Cái gì rồi cũng trở thành thói quen hết. Nhã không chịu tin như vậy, nó xịu mặt: -Chị quen, nhưng em không quen thì làm sao? Nhiều lúc em muốn từ hôn để hai chị em mình được gần nhau mãi mãi. Tôi gắt: -Nhã, đừng nói bậy! Nó cười: -Thì thôi! Không nó bậy nữa! Nhưng chí tính làm sao cho chúng mình đây? Tôi chợt nảy ra một ý kiến. Sự thật thì ý kiến này đã thành hình từ rất lâu trong đầu tôi, ngay từ khi Nhã cho tôi hay nó đã chính thức đính hôn với Thiều. -Nhã này! -Dạ. -Hay là... Chừng như Nhã đoán ngay được 1y định tôi. Nó cười ngay: -Chị định bảo Thiều đến ở cùng với chị em mình? Tôi ngập ngừng: -Đâu có phải là chị bảo, mà là nói với em. Xem em có bằng lòng không, có thấy là được không thì em bàn với Thiều. Riêng chị, chị không thấy trở ngại điều gì hết. Nhã cảm động nắm tay tôi. Nó biết tôi không phải là tất cả cuộc đời nó. Bằng chứng là nó đã tạo dựng cuộc đời và tương lai nó trên một khoảng đất riêng. Nhưng điều Nhã không bao giờ nhờ vực là tôi là người yêu thương nó nhất. Hai chị em đích thật là một cần thiết của nhau, một cần thiết êm đềm, dịu dàng, thơm một mùi tinh khiết nhiều khi tưởng như không cảm thấy, nhưng lúc nào cũng là một vây bọc bền vững. Nhã lấy chồng, và tôi bỗng dưng trở thành một vấn đề không sao giải quyết được. Người đàn ông có thể sống suốt đời một mình. Ở nhiều đàn ông, cuộc sống ấy đẹp và đáng có lắm. Nhưng đàn bà không phải là đàn ông. Người đàn bà không thể sống suốt đời một mình. Tôi đã nghĩ về trường hợp này nhiều lần. Với riêng tôi, tôi cho là có thể. Nhưng tôi còn sống với xã hội và chung quanh nữa. Xã hội không ưng thuận cho người đà bà vĩnh viễn độc thân. Một ngày kia, Trường trở về cùng tôi. Chàng không đi xa nữa. Khi đó, chúng tôi sẽ lấy nhau, thành vợ chồng, có một mái gia đình. Ở đó, cuộc sống là đôi lứa. Tôi không nghi ngờ gì về điểm này. Tôi biết Trường yêu tôi, người mà chàng muốn lấy là tôi, và không bao giờ là một người đàn bà khác. Tương lai tôi như thế nào, vậy là đã nhìn thấy rõ. Sự nhìn thấy này làm cho tôi yên tâm, và bởi vậy tuy xa Trường, tôi vẫn có cho đời tôi những ngày êm đềm và phẳng lặng. Có điềi là từ nay đến ngày đó, tôi phải giải quyết thế nào đây? Nhã chưa đi lấy chồng, hai chị em còn chung được với nhau. Nói sắp đi, tôi phải sống một mình. Như thế có được không? Câu trả lời với hai chị em tôi là ‘không’! Nhã nói: -Chị không thấy trở ngại, còn em thì rất mong là đàng khác. Em đã nói chuyện với Thiều. Tôi hỏi dồn: -Thế nào? Nhã buồn bã: -Không được! Gia đình Thiều không muốn thế, mà Thiều chừng như cũng không muốn nữa. Tôi buồn rầu: -Chị hiểu. Nhã nắm lấy tay tôi: -Chị đừng nghĩ không hay cho Thiều. Thiều không hề có ý định làm cho chị em mình phải xa cách. Tôi nhún vai: -Nhưng chị em mình rồi sẽ phải xa nhau. -Chúng em đã bàn với nhau. Hay là thế này, chị chịu không? -Thế nào? -Sau ngày cưới, chị sang lại căn nhà này đi. Tôi cười: -Chị không có chỗ ở nào khác. Sang lại căn nhà này rồi ra ngủ ngoài hè đường sao? Nhã sốt sắng: -Đâu có! Chị đến ở cùng với chúng em. Nhà rộng lắm. Chúng em sẽ dành riêng cho chị phòng đẹp nhất, yên tĩnh nhất, đúng như chị thích. Chị bằng lòng nhé? Tôi ngập ngừng. Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đó: Để chị xem. Nhã không chịu: -Chị cứ gật đầu một cái là được. Còn xem gì nữa! Tôi không gật đầu. Tôi đã nghĩ lại. Và hôm sau khi Nhã đặt lại vấn đề này cùng với sự có mặt của Thiều; mặc dầu hai đứa chúng nó năn nỉ rất thật tình, tôi đã cám ơn và từ chối, bảo vợ chồng Thiều đến ở cùng với tôi hay tôi đến ở cùng với chúng nó cũng vậy mà thôi. Tôi vẫn là một người thừa. Sự có mặt chẳng những vô ích, không phải chỗ, mà còn làm trở ngại cho những người ở chung quanh. Hạnh phúc của một đôi lứa không bao giờ chấp nhận kẻ thứ ba. Nó là một thế giới riêng biệt và khép kín, đúng như hình ảnh một thiên đường. Và tôi, tôi ở ngoài mọi thiên đường. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện thôi thì cứ đến ở với vợ chồng Nhã một thời gian xem sao. Ở thử, không phải là ở thật. Nếu êm đẹp sẽ ở lâu, bằng không, viện một lý do nào đó để đi nơi khác. Nhưng suy đi tính lại, thế nào cũng không được. Mặt khác, tôi không muốn dời căn nhà tôi đang ở chút nào. Người ta thường nói đến sự ràng buộc giữa người với một nơi chốn, một địa chỉ. Tôi va ngôi nhà tôi đang ở đã có sự ràng buộc ấy, một sự ràng buộc khác chặt chẽ, khá mật thiết. Nơi chốn này với tôi đích thực là một nơi chốn của kỷ niệm. Riêng phòng ngủ của tôi đã có biết bao kỷ niệm mà tôi muốn giữ gìn. Xó góc nào với tôi cũng vô cùng thân yêu. Một ánh đèn, một tấm rèm cửa, một bờ tường, một viên gạch lát, những cái bé nhỏ và tưởng chừng như vô cùng vô nghĩa ấy, với tôi cũng thân mật, cũng lưu luyến lạ thường. Chừng như ngôi nhà có một hơi thở riêng. Tôi với nó bao nhiêu năm rồi đã hòa chung hơi thở. Chừng như ngôi nhà có một trái tim, một đời sống, tôi đã hòa nhập vào bằng một hòa nhập tận cùng, không thể rũ bỏ một cách dễ dàng được nữa. Cũng ngôi nhà này, ở ngôi nhà này mà không ở một nơi nào khác, Trường đã tới, chàng đã có mặt ở đây, dấu vết của chàng còn dày đặc. Những lúc Nhã đi vắng, chỉ còn có một mìnhg tôi trong ngôi nhà vắng lặng, tôi vẫn cảm thấy một cái gì ấm áp phảng phất cùng khắp, như ngôi nhà và tôi là hau sự cùng cô đơn đã tìm thấy ở nhau một tâm hồn bè bạn. Chiếc ghế kia, tôi đã ngồi những buổi trưa thiêm thiếp lim dim, với một lá thư của Trường vừa nhận được. Cửa sổ ấy, bao nhiêu buổi sáng tôi đã thức dậy, đứng sau tấm rèm nhìn ra một góc phố quen thuộc. Cái góc phố bao nhiêu năm đã trở thành một phần của ngôi nhà, là một bộ phận của cái thế giới riêng tây tôi đã sống với một cảm giác thật bình yên. Rồi chừng như ánh trăng chiếu trên một đầu mái, ánh nắng óng ánh trên một vì tường, dải mây bay qua trên đầu cũng là nững cái gì cất riêng tây. Với tôi như bè bạn. Một ngôi nhà ở với nó đã lâu như vậy, không còn là một ngôi nhà. Mà hơn thế. Nó đã có một linh hồn như người. Nó đã có những con mắt, những vành tai. Có những lúc nó nín thinh, nhưng cũng có những lúc nó thì thầm trò chuyện. Trường ở xa, Nhã đi lấy chồng, thì nó trở thành người bạn duy nhất. Bỏ làm sao được! Xa nó, tôi nghĩ tôi sẽ đánh mất đi một cái gì quý báu và thân thiết lắm. Và tất cả những ngôi nhà khác, khi đó chỉ còn là những địa chỉ tầm thường, những nơi chốn xa lạ. Chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau một lần như thế. Cuối cùng Nhã nói: -Thôi, tùy chị. Em không biết làm thế nào khác. Tôi gượng cười: -Cứ dể đó rồi liệu. Chị em mình dầu sao cũng còn đang ở với nhau mà. Ngày cưới em mãi đến tháng 10. Tháng 10. Bây giờ là tháng 6. Mới bắt đầu mùa mưa. Còn những 4 tháng nữa. Còn những 120 ngày. Còn những ngót 20 tuần lễ. Tôi muốn đẩy thời gian lùi lại, cho một đêm và một ngày dài hơn, cho chậm được chừng nào càng hay chừng nấy, cái phút chia tay, cái giờ xa cách. Nhưng muốn là một chuyện. Thời gian không bao giờ đợi chờ người, làm theo ý muốn của người, là một chuyện khác. Việc phải tới sẽ tới, không tránh được. Một đôi lần, có nhiều ý nghĩ kỳ lạ khác nẩy sinh trong đầu tôi. Tôi nghĩ, Nhã về nhà chồng rồi, tôi sẽ dời bỏ thành phố này đến một nơi nào đó ngoài miền Trung hay dưới miền Tây. Một nơi thật khuất lánh không ai lui tới, không ai viếng thăm, như một tu viện vậy. Tại sao không? Biết bao nhiêu người đàn bà đã vào tu viện khi đời sống ở bên ngoài không còn gì đáng sống nữa. Tôi cũng có thể như vậy được lắm chứ. Tôi sẽ ở cái chỗ khuất lánh ấy cho tới ngày có người đến gõ cửa. Trường đo! Chàng sẽ hỏi: -Tuyền đấy ư? Anh đây! Tôi sẽ trả lời: -Tôi không phải là Tuyền! Ông là ai? Hoặc người gõ cửa có thể là Nhã: -Chị Tuyền! Em đây chị! Tôi sẽ trả lời: -Chị Tuyền của em đã chết! Và sau câu tả lời, cánh cửa sẽ đóng lại. Sống như thế cũng được, cũng xong. Vui buồn, sung sướng hay đau khổ, thế nào thì cũng chỉ là sống. Ý nghĩ quái gở và thê thảm này làm cho tôi ràn rụa nước mắt. Đời sống cùng đường đưa tới những cách giải quyết tuyệt vọng đến thế sao? Cũng may, ý tưởng chỉ thoáng qua và tan biến ngay sau đó. Tôi còn những 4 tháng nữa. Biết đâu trong khoảng thời gian này nhiều chuyện thay đổi mới sẽ xảy ra, giúp tôi giải quyết được điều mà chính tôi không giải quyết được. Tôi lại nghĩ đến Trường. Nếu Trường trở vè sau khoảng thời gian nay thì hay biết chừng nào. Chỉ cần sự có mặt của chàng, mọi chuyện sẽ êm đẹp. Có chàng ở bên cạnh, tôi không cầng gì nữa hết. Tình trạng muốn thế nào cũng được, muốn ra sao thì ra. Có một người đàn ông, lại một người đàn ông vững vàng và trưởng thành như Trường, người đàn bà cảm thấy được che chở, được hướng dẫn. Đã nhiều lần, sự che chở này đã nhận được... “Anh Trường! Anh Trường! Em cần có anh vô chừng! Những lúc này, những lúc bối rối, những lúc hoang mang, những lúc em có cảm tưởng như đứng trước một ngã ba đường, không biết lựa chọn phương hướng nào đi tới!... Tiếng gõ cửa làm ngừng dòng suy nghĩ. -Chị ngủ chưa? Nhã đó. Tôi vẫn nằm trên giường, nhưng đáp lớn: -Chưa! Vào đây! Nhã mở cửa đi vào, nhẩy phăng lên giường, rũ chăn, luồn vào dưới chăn nằm bên cạnh tôi: -Chị đang nghĩ gì vậy? Tôi cười, nói dối cho nó khỏi thắc mắc: -Đang nghĩ chiều nay mặc thứ áo nào, màu gì để đi ăn tiệc do cô Nhã mới kia mà. Ăn mặc lem nhem đây có được. Nhã tỏ vẻ thích câu nói đùa lắm. Nó góp ý kiến: -Em muốn chị mặc một hàng áo thật tươi, thật trẻ. -Chứ cái màu đen bà già là không được? -Nhất định là không được rồi! -Trẻ trung là về phần em. Chị thì già rồi, ăn mặc thế nào cũng thế mà thôi! Nhã như chợt nhớ ra điều gì: -Hôm nay có thể thêm một người thứ tư nữa đó chị. Tôi ngạc nhiên: -Ai vậy? -Anh Phan. -Anh Phan mà chúng mình gặp ở tiệm nước hồi sáng? -Vâng. Tôi cau mặt: -Sao bây giờ em mới cho chị biết? Nhã cười: -Định không cho chị biết hẳn, để dành cho chị một bất ngờ. Tọi nghiêm mặt: -Chị không thích lắm những bất ngờ kiểu đó. Sao lại có Phan trong bữa ăn chiều nay được? -Thiều bảo phải mời thêm một người đàn ông để nói chuyện với chị cho vui. Chúng em nhất định là tíu tít với nhau rồi. Sẽ có những lúc để chị ngồi một mình. Sợ như thế chị buồn. Tôi thản nhiên: -Hai em chu đáo với chị như thế tốt lắm. Nhưng chị ngồi mộ mình, sống một mình quen rồi, không có buồn gì hết. Nhã hỏi: -Thế chị bằng lòng không? Tôi trừng mắt: -Tao có không bằng lòng thì mày cũng đã đặt tao trước một chuyện đã rồi, phải thế không? Nhã cười: -Chị thông minh ghê gớm. Tôi củng vào đầu nó: -Nhưng lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Bận sau, làm xong rồi mới cho chị biết là không được. Nhã giải thích: -Em cũng chẳng muốn thế đâu. Hai chúng em với chị cũng thừa vui rồi. Nhưng ý kiến đó là của Thiều. Thiều chỉ sợ chị buồn. Tôi làm bộ tức giận: -Bây giờ thì cô chỉ biết nghe riêng một anh Thiều của cô thôi. Cái gì cũng anh Thiều đầu tiên, cái gì cũng anh Thiều trước nhất. Còn chị là không có nghĩa lý gì nữa! Nhã ôm lấy tôi: -Chị đừng nói thế làm em khóc ngay bây giờ. Em yêu Thiều thật, nhưng nếu chị bảo em phải bỏ Thiều để hai chị em chúng mình khỏi phải xa nhau; nếu chị muốn thế chị chỉ cần nói một tiếng, em thôi ngay. Tôi kêu lên: -Nhã! Nói tầm bậy! Nó nghiêm trang: -Em nói thật đấy. Tôi nhổm dậy, nhìn thẳng vào mặt nó: -Yêu nhau mà bỏ được dễ dàng như thế hay sao? -Không thuận tiện thì bỏ. Đời sống của một người có phải buộc chết trong tình yêu đâu. -Thế này thì thật tình là chị không hiểu được rồi đấy. Em nói lạ lùng, em nói kỳ quặc. Chị tưởng trong một đời người, chỉ có tình yêu là điều quan trọng nhất. Nhã thản nhiên: -Chị tưởng vậy cho nên chị đã sống như vậy. Đời chị chỉ có một mình anh Trường. Chị sống hoàn toàn và tận cùng cho anh Trường. Ngoài anh Trường không còn gì đáng kể nữa. Sự ngạc nhiên của tôi càng lớn lao hơn: -Với em không phải như thế sao? Nhã lắc đầu: -Không! Tôi tròn mắt: -Thiều với em không đáng kể, không quan trọng gì hết? Nhã tỏ vỏ nóng nảy: -Em nói rõ ràng minh bạch như thế mà chị không chịu hiểu gì hết. Cũng quan trọng chứ. Nếu không, tại sao em yêu, em bằng lòng lấy, chịu làm đám cưới tháng 10 này, mặc dầu hôn nhân của em đã làm cho hai chị em mình phải xa nhau, những cái khác không phải là đàn ông, là tình yêu. Giọng Nhã đột nhiên trở nên nghiêm trọng: -Và mình còn sống cả với cái đó nữa. Tôi hoang mang, và tôi hỏi: -Những cái đó là gì? Nhã giơ cánh tay, phác một cử chỉ: -Tất cả! Đời sống. Đời mình. Tôi ngẩn người: -Lần đầu tiên chị nghe thấy em nói như vậy đó. Em đọc những điều đó ở sách nào? -Chẳng ở sách nào hết. Em tự thấy như vậy. Không riêng gì em đâu. Lứa tuổi chúng em bây giờ đều thấy như vậy. Sống và yêu như vậy. Hai chị em nằm im một lát. Bốn tháng nữa. Một tiệc cưới. Một chiếc xe hoa. Mấy ngày hôn nhân ồn ào sẽ đi qua, và nối tiếp vào sẽ là những ngày đìu hiu và im lặng. Chúng tôi cùng không muốn nghĩ đến chuyện đó đang ở trong đầu óc từng người. Những ngày cuối cùng còn lại với nhau, bởi vậy bỗng trở nên quý báu hơn. Và sự đoàn viên chợt mang một ý nghĩa cảm động như chưa từng thấy. Nhã lên tiếng: -Thiều nói chuyện với em về chị luôn. -Nói chuyện về chị? -Vâng, luôn! Tôi cười: -Chị thì có gì đáng nói. -Thiều hỏi em sao chị không lấy chồng. Thiều nói một người đàn bà như chị hoàn toàn về mọi phương diện, sẽ là một người vợ lý tưởng cho bất cứ một người đàn ông nào. Tôi chận trước câu nói của Nhã: -Và tại sao chưa một người đàn ông nào lấy chị, phải thế không? Đó là cái vấn đề số phận. Số chị muộn màng. Nhưng rồi chị cũng phải lập gia đình chứ. Như em sắp lập gia đình với Thiều vậy. Chị cũng không thể ở một mình suốt đời. Nhã đắn đo rồi hỏi: -Cho em nói chuyện với chị về anh Trường được không? Tôi đắn đo như Nhã, rồi mới trả lời: -Nếu em muốn. Gì vậy? -Chị yêu anh Trường? Yêu lắm? -Em hỏi câu đó làm gì? Anh Trường với chị như thế nào thì em đã biết rồi. Về anh Trường, chị chẳng có gì giấu em đâu. -Anh ấy cũng yêu chị? Tôi gắt: -Mới hỏi hai câu, hai câu đều thừa hết! Nhã hỏi tiếp, chừng như nó không đồng ý với tôi, không chịu nhận hai câu vừa hỏi là thừa: -Cũng yêu chị ghê gớm, tận cùng như chị yêu anh ấy? Tôi trả lời thành thật và hơi hoang mang một chút: -Chưa bao giờ chị tìm hiểu. Yêu nhau không phải là đo lường nhau yêu nhiều hay yêu ít hơn nhau. Theo ý chị, tình yêu phản ảnh cho tâm tính của người. Người sôi nổi, tình yêu cũng vậy. Sôi nổi, bồng bột. Người trầm lặng, tình yêu không biểu lộ ra ngoài. -Chị có nghĩ là người đàn ông yêu khác và người đàn bà yêu khách không? -Như thế nào em? -Người đàn bà yêu để đi tới hông nhân. -Đàn ông không vậy sao? Nhã nói một câu làm tôi giật mình: -Với anh Trường thì em thấy hình như là không. Tôi định mắng Nhã rằng nó nói bậy, nó không được có những phán đoán vội vã và không tốt về Trường như vậy. Nhưng không hiểu sao lần này tôi lại muốn hiểu thêm Nhã muốn nói gì. Tôi hỏi: -Bằng chứng nào? -Anh ấy nói yêu chị nhưng anh ấy đi hoài, hết năm này qua năm khác, và chẳng bao giờ nói tới chuyện chung sống với chị hết. Nhã nhắc đến Trường khiến tôi vừa bằng lòng lại vừa khó chịu. Tôi vừa muốn được nghe đến chàng, lại vừa không muốn ai động chạm đến chàng. Tôi còn không hiểu nổi Trường! Nhã mới lớn, Nhã ở một lứa tuổi khác, Nhã làm sao hiểu được. Trường không chỉ là một người đàn ông. Chàng là cả một hiện tượng, một thế giới. Đời sống của chàng có những vùng xa thẳm, những chốn mịt mùng, tôi muốn khám phá cũng không bao giờ tới được. Với Trường, không chỉ là một mặt phẳng đã nhìn thấy, mà còn có những ngọn đỉnh cao vút, những vực sâu thẳm, chỉ riêng chàn tới được. Tôi nói, tự nhiên biến thành người bào chữa, bênh vực, chứng minh cho người vắng mặt: -Anh ấy có nhiều công việc quan trọng. -Toàn là những công việc quan trọng bắt anh ấy đi xa? Tôi ngập ngừng: -Hầu hết là như thế! -Anh ấy có một việc quan trọng nhất mà anh ấy không biết. Tôi rơi ngay cái bẫy của con nhỏ quái ác: -Gì vậy? -Chị. Tôi ngẩn người rồi bật cười thành tiếng: -Chị là chị. Chị không phải là một công việc. -Bộ anh ấy đi xa suốt đời sao? -Chị không tin một người đàn ông, cho dù là một người đàn ông đặc biệt như anh Trường có thể đi suốt đời, sống một mình suốt đời. -Nghĩ là một ngày kia anh ấy sẽ dừng chân? -Và sẽ đổi khác. Nhã hỏi câu hỏi mà tôi đã tự đặt ra cho tôi bao nhiêu lần mà không tài nào trảo lời được: -Lúc nào? Bao giờ? -Chị không phải là một tiên tri. Làm sao chị biết được chuyện tương lai? Nhã lắc đầu: -Em không đồng ý với chị chút nào hết. Em không biết thì được, vì không phải chuyện của em. Chị phải biết, vì là chuyện của chị, liên quan đến đời chị. Con nhỏ ăn nói hữu lý nhiều khi làm cho tôi cúng họng không biết trả lời thế nào cho xuôi, cho xong. Chẳng lẽ tôi chịu thua nó? Tôi phải chứng minh, ít nhất là cho đứa em gái còn đang chung sống với tôi rằng tình duyên giữa tôi và Trường không phải chỉ là một đam mê điên cuồng, một đắm đuối mù quáng mà nó có một triển vọng rõ ràng, một lối thoát rực rỡ. -Chị không cần biết đến chuyện đó. Nhã kêu lớn: -Không cần biết? Tôi thản nhiên: -Chứ sao! Vì cái sau này giữa chị và anh Trường thế nào cũng ổn thỏa, êm đẹp. Nhã tỏ ý nghi ngờ: -Chị có đang lạc quan quá đáng đấy không? -Chị tin, thế thôi. -Tin như thế mã mãi? -Đúng vậy, mãi mãi. Không muốn kéo dài câu chuyện, tôi đập và tay con nhỏ: -Thôi để cho chị ngủ. Muốn nằm đây cũng được, nhưng cấm lục vấn lôi thôi nữa; mà không, thì đi ra nhà ngoài và đóng cửa lại. Nhã cười: -Đuổi như đuổi tà, 4 tháng nữa thì hết đuổi. Tôi cười theo mà lòng buồn mênh mông: -Đừng dọa, 4 tháng nữa sẽ hay. Nhã phát biểu một ý kiến về thời gian: -Bốn tháng nữa chóng lắm chị. -Chị biết, chị biết! Thời gian đã ám ảnh tôi. Tôi lại nhớ đến tuổi mình. Năm nay đã 34 rồi. Sang năm 35, sang năm nữa 36...! Những nếp nhăn đầu tiên đã thấy hiện hình trong từng buổi sáng ngắm nhìn khuôn mặt mình trong bóng gương. Những tiếng thở dài trước một dung nhan bắt đầu đoán thấy tàn phai dần dần, ngày lại ngày. Thêm một tuổi, một nỗ buồn. Đời sống hết vui khi người đàn bà phải nghĩ đến cái mai sau, lo lắng cho mình một nơi nương tựa. Biết làm thế nào được! Số phận tôi đã là như thế. Tôi lại không phải là người đàn bà của thoát ly, những phá vỡ, những làm mới. Sống với tôi, trước sau là một trạng thái theo dòng. Tôi là một cái phao, một cánh bèo. Nước đẩy tới đâu, bèo trôi tới đó, lênh đênh, xa dạt, không chủ định. Có điều là những lời nói của Nhã đã làm tôi suy nghĩ. Nếu Trường không về? Nếu là một áng mây, chàng cứ trôi nổi mãi, nếu là một tâm hồn Do Thái, chàng vĩnh viễn một đời lang thang? Nếu như thế, sự chờ đợi gắn bó chung thủy của tôi không khác gì một tự hủy dần mòn. Thế có là sống không? Nếu thế cũng là sống, sống như thế có phải là sống đúng một cuộc đời đáng sống? Tôi đâm ra hoài nghi mình mất rồi. Niềm tin tưởng ở tôi đã lung lay mất rồi. Lại đặt một giả thuyết: Nếu không bao giờ tôi được thấy mặt Trường nữa? Chuyện gì ở đời cũng có thể xãy ra. Tại sao không? Nhớ một đêm, cũng vào một đêm mưa lớn, tôi đã mơ một giấc mơ thật khủng khiếp. Tỉnh dậy, tôi sợ quá đến phát khóc lên. Nhã chạy vào hoảng hốt: -Chị Tuyền! Làm sao thế? Trong bóng tối còn lưởng vưởng những hình bóng ma quỷ của giấc mơ hãi hùng vừa chấm dứt, còn thấp thoáng đâu đó, tôi đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: -Chị sợ quá! Chị vừa mơ thấy anh Trường chết. Nhã an ủi: -Mơ chứ có phải thật đâu mà chị khóc! Tôi gạt nước mắt nằm xuống. Đêm đó, tôi đã thức tới sáng. Tôi mơ thấy Trường chết thật, người ta đến báo tin cho tôi. Rồi một người lạ mặt nào đó đưa tôi đến một căn phòng. Căn phòng trống trải, rộng mênh mông, im lặng, không một tiếng động. Người đàn ông dẫn đường biến mất, bỏ tôi đứng lại đó một mình. Và tôi nhìn thấy Trường. Chàng nằm ngửa trên một mặt phẳng gần giống như một cái bàn lớn bằng thủy tinh. Chàng bất động. Chàng không ngồi lên. Chàng chẳng thấy tôi vào. Thân thể chàng lạnh buốt, hai mắt nhắm, trái tim ngừng đập tự bao giờ. Chàng đã chết. Tôi đứng bàng hoàng, không dám lại gần. Cái chết trong giấc mơ có một vẻ gì hoang đường, không thật. Trường nằm đó, tôi đứng nhìn chàng trân trân với cảm giác kỳ lạ. Chàng là một người xa lạ hoàn toàn, không bao giờ, chưa bao giờ chàng thuộc về tôi. Tôi nhìn như thế một lúc thật lâu. Bốn phía yên lặng. Căn phòng mênh mông chợt sáng dần lên bằng một thứ ánh sáng hoang mang, kỳ lạ. Thì ra 4 bức tường lớn của nó đã biến thành 4 phiến kính, gương lồng trong bóng gương. Tôi nhìn thấy tôi, hàng nghìn tôi, hàng triệu tôi trong vô tận những tấm kính đó. Một lát như thế rồi tôi lững thững đi ra. Ra khỏi căn phòng dị thường, tôi mới trở lại những rung động của người. Tôi nghe thấy tiếng chân tôi đi vang vang trên một hành lang dài thẳm. Tôi nghe thấy tiếng trái tim tôi đập như vỡ trong lồng ngực. Tôi nhớ được là Trường đã chết, chàng nằm đó trơ trọi, lạnh buốt trong căn phòng lồng kính bát ngát, không bao giờ tôi còn được gặp chàng nữa. Tôi vừa chạy vừa la thét thất đảm: “Anh Trường! Anh Trường!”. Chính tiếng la thét trong giấc mơ đã đánh thức tôi dậy. Và tôi đã khóc. Và Nhã đã chạy vào khi nghe tiếng khóc của tôi. Giấc mơ không phải là sự thật. Những cơn mộng dữ chỉ là phản ảnh của một tiềm thức giao động, tôi biết là như vậy. Nhưng câu chuyện vừa trao đổi với Nhã chợt làm tôi nhớ lại giấc mơ kinh hoàng đêm nào. -“Anh sẽ trở về. Một ngày kia, anh không đi nữa. Lúc đó chúng mình sẽ lấy nhau.” Bao nhiêu lần Trường đã nói với tôi như vậy, trước phút một chiếc máy bay cất cánh, trước giờ một chuyến tầu lìa bến. Nếu chàng nói dối, nếu lời nói đó chỉ là một đánh lừa thì dễ dàng cho tôi biết bao nhiêu. Tôi sẽ thôi ngay. Đoạn tuyệt. Cắt đứt. Để cho Trường được sống tự do đời Trường, khỏi cần tôi như một hệ lụy. Nhưng chàng nghĩ thật và nói thật điều chàng đã nghĩ. Thế mới khó cho tôi. Tôi biết chàng tin tưởng một ngày nào đó trong tương lai, một người đàn ông tên là Trường và một người đàn bà tên là Tuyền sẽ lấy nhau, sẽ thành vợ chồng. Chính vì biết thế cho nên tôi mới yên lòng chờ đợi. Tất cả vấn đề còn lại giữa hai chúng tôi là ‘cái ngày nào đó trong tương lai’ phải được hiểu như thế nào. Ba năm nữa, 5 năm nữa? Hay chỉ là một ngày vô định, không thể quy định cho nó một mốc thời gian nào. -Em chỉ sợ ngày đó còn xa quá. -Xa hay gần thì có khác gì đâu? Tôi nói: -Khác chứ. -Em định bảo là thời gian và đời sống sẽ đem lại những đổi thay? Tôi gật đầu: -Anh thấy đó, mỗi lần anh trở về Sàigòn, bao nhiêu chuyện đổi thay ghê gớm đã xảy ra! Trường cười: -Mặc Sàigòn! Mặc thành phố này và xã hội này! Điều quan trọng là chúng mình không thay đổi. Tôi lại tìm một lý do khác: -Khi đó em già mất rồi. Trường lại cười: -Với anh, không bao giờ em già. Như thế là đủ. Đầu óc tôi, như mọi lần cuối cùng rồi lại đầy đặc những hình ảnh của người vắng mặt. -“Anh Trường! Phút này anh ở đâu? Đang làm gì? Có ngĩ, có nhớ tới em? Đời sống của anh sông dài và biển rộng, góc biển và chân trời, như gió, như mây, không thể dành riêng cho một cái gì duy nhất. Em biết như vậy. Nhận chịu cho em như vậy, không phải bây giờ hay về sau này, mà từ ngay thời kỳ đầu tiên gặp anh và yêu anh. Cho nên, em không đồng ý với Nhã, những lúc nó nói anh thế này, thế nọ. Nó không hiểu được anh. Riêng em hiểu được. Nhưng anh ở xa, anh ở đâu thì cũng đừng quên anh em nhé! Anh không thể dành cho em tất cả thời gian và đời sống của anh. Nhưng trong một giờ anh sống, hãy dành cho em một phút. Trong một ngày anh đi, hãy dành một giờ cho người ở nhà. Em chỉ cầu mong có vậy.” Tôi thở dài thật nhẹ, nằm quay mặt vào tường. Những ý nghĩ miên man làm cho đầu óc tôi nặng trĩu. Bên cạnh, Nhã nói gì tôi không nghe thấy nữa. Chỉ thấy cáo bóng dáng cao lớn của Trường thấp thoáng. Tai tôi nghe thấy tiếng nước chảy rì rào, tiếng còi tầu trong tiếng gầm rú xa xa của một chiếc phản lực cơ vừa dời khỏi phi đạo. Rồi tất cả nhat nhòa, chìm lặn. Tôi lại thở dài một lần nữa và ngủ thiếp đi. Tin mừng đến với Nhã cộng vào tin mừng của hôn nhân sắp tới là Thiều đã thi đậu. Nhà Thiều giàu có, đang thời kỳ làm ăn cực kỳ phát đạt, Thiều có thể sống một cuộc đời vương giả mà không cần phải làm gì hết, Nhã nói chuyện cho tôi biết như vậy. Chuyện lớn, chuyện nhỏ của Thiều đều đã có cha mẹ và các bà chị trông nom, thu xếp cho. Nghĩ cũng sướng thật, khi người ta còn cha mẹ. Riêng hai chị em chúng tôi, cha mẹ mất khi Nhã còn nhỏ, khi tôi vừa mới tới tuổi trưởng thành. Không ai lo cho chúng tôi hết. Chúng tôi phải lo lắng lẫn cho nhau. Nhưng từ sự thiệt thòi này, lại nảy sinh ra những cái lợi khác. Cho tôi chẳng hạn. Chính vì cha mẹ mất sớm, cho nên tôi nghĩ tôi cũng hiểu đời quá sớm. Thấy là mình thận trọng, biết suy nghĩ, biết nhìn trước nhìn sau hơn. Hiểu đời là thế nào nhỉ? Theo ý tôi, và từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho là vì mình đã không còn nhìn đời như một ải tưởng nữa, mà như một thực tế phải đương đầu, phải giải quyết. Khi mẹ tôi mất, phút lâm chung, người có gọi tôi đến cạnh giường người. Mẹ tôi lấy hơi thở tàn, lấy lượng sống hấp hối cuối cùng đúc kết lại thành mấy lời căn dặn cảm động: -Mẹ thương con nhất. Mẹ sắp chết rồi. Mẹ thương con vô cùng. Tôi gạt nước mắt: -Mẹ vẫn thương cả hai chị em chúng con. Mẹ tôi thều thào: -Không phải thế! Mẹ thương con hơn. Sau này mẹ chết đi, không còn ai thương con hết. Nhã nó đã có con. Con thay mẹ thương nó. Vì lẽ đó mà mẹ thương con hơn. Cũng trong những giây phút lâm chung đó, mẹ tôi đã giao Nhã cho tôi; giao tương lai nó, cuộc đời nó vào tay tôi coi sóc. Mẹ tôi mất sau đó. Hai chị em chúng tôi đưa mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng, rồi trở về từ đó đến bây giờ, tôi nghĩ đã thực hiện, nếu không hoàn toàn, cũng một phần nào những điều mẹ tôi đã dặn lại. Tôi thay mẹ trông nom Nhã. Bao nhiêu năm trời, lúc này là phần chót rồi của một đoạn đường dài thẳm. Chỉ còn mấy tháng nữa, Nhã về nhà chồng. Người chịu trách nhiệm về cuộc đời nó, có bổn phận với nó không phải là tôi nữa, mà là Thiều. Thiều có phải là người chồng lý tưởng của Nhã không? Tôi đã đặt ra cho tôi câu hỏi này nhiều lần. Không phải là cái chuyện tranh Nhã, cướp lấy cái quyền định đoạt và lựa chọn của nó, nhưng tôi thấy có bổn phận phải ‘nghiên cứu’, xem Thiều là loại người thế nào. Tốt hay xấu? Tầm thường hay cao đẹp? Có đem lại hạnh phúc cho em gái tôi không? Có là một bảo đảm tình cảm và tinh thần vững vàng cho phần đời sau này của Nhã? Tôi quan sát Thiều lặng lẽ, nhưng khá tỉ mỉ chu đáo, để đi đến một kết luận. Nói chung, thế là đã được lắm. Thanh niên ngày nay hư hỏng thật nhiều. Du đãng đầy đặc trên những vỉa hè thành phố. Tuổi 20 buông thả như một con ngựa cuồng thả hết dây cương. Có được một chàng trẻ tuổi đứng đắn như Thiều đã là một chuyện hiếm có lắm. Tôi có cảm tình với Thiều ngay. Ngay từ đầu tiên, Nhã đưa cậu ta đến chơi nhà và giới thiệu với tôi. Thiều ngay thẳng, tự nhiên vui vẻ. Đó là những đặc tính phải có của một người trẻ tuổi. Thiều có giáo dục, biết suy nghĩ, có đầu óc, đó lại là những đức tính khác nữa. Tôi còn biết là Thiều yêu Nhã thành thực, đó là điểm quan trọng nhất. Duy có một điều tôi không đồng ý lắm là Thiều sinh trưởng trong một gia đình quá ư đầy đủ, quá ư giàu có. Tôi ước mong cho Nhã một người chồng vào đời với những điều kiện khó khăn hơn, để biết thế nào là những gay go, những gai lửa của đời sống. Trường nhiều lần nói chuyện với tôi là một người đàn ông ra đời trong nhung lụa, vào đời bằng những điều kiện quá ư đầy đủ, về sau thường là bị những thực tế gai lửa của đời sống quật đập tối tăm mặt mũi, và dễ lay động, dễ hoang mang trước bất cứ một trở lực nào. Tôi cho là nhận xét của Trường đúng lắm. Trong gió bão đời, giữa lửa gai đời, Trường vững như núi, mạnh như thông, lúc nào cũng làm chủ được tình thế, không bao giờ bối rối, hoảng hốt trước những trở chiều đột ngột nhất của cảnh ngộ là bởi vì Trường đã được thực tế tôi luyện ngay từ lúc thiếu thời. Thiều không được như vậy. Nhưng cũng chẳng sao. Người ta không lấy một người đàn ông vì người đàn ông đó hoàn toàn, mà vì yêu. Trong cuốn phim ‘Picnic’, Kim Novak đã trả lời mẹ như vậy, khi Kim yêu và bỏ nhà đi theo chàng giang hồ phiêu lãng William Holden. Nếu tôi có hỏi, Nhã cũng có quyền trả lời tôi như vậy. Và chính tôi nữa, tôi cũng có quyền trả lời như vậy, nếu có ai hỏi tôi vì sao yêu Trường.