Tôi bỗng nhiên cảm thấy muốn tan biến. Người ơi có hiểu không. Chỉ cần đó là lá thư viết cho một người bạn gái thôi mà người khác đọc cũng làm cho mình khó chịu. Nữa, bây giờ lại là lá thư ấy. Điều thầm kín của mình bỗng nhiên bị phơi bày ra. Lộn xộn bao thứ tình cảm trong tôi làm cái lạnh giá ngoài trời thấm sâu vào tôi cứ run lên theo từng lời kể của chị ấy. Có một người trên phòng tổ chức cán bộ gọi chị lại nói - chị có biết nét chữ ai đây không? Em không ký tên mà. Chị nhận ngay ra chữ em, nhưng chị đã nói là không biết chữ ai cả, chị muốn lấy lại bức thư cho em như nó không đưa. Sao em dại dột thế. - Tại sao cái người ấy lại có bức thư kia hả chị? - Còn sao nữa, chỉ có vợ ông ta ghen chứ làm sao. - Chị hiểu em thế nào? - Sao em dại dột thế. Người ta đã có vợ rồi. Mình là con gái, đừng bao giờ quan hệ với những người đã có vợ. Chị không tin em là xấu đâu nhưng em nhẹ dạ quá. Em bị cám dỗ rồi. Bọn đàn ông ấy à, họ như nhau cả thôi... chết nỗi em đến giờ phải lên lớp rồi kìa. Thôi, sự đã rồi, em hãy can đảm lên. Tôi không thể khác được, tôi phải chịu đựng một đòn đau quá. Tôi muốn gào to cho đất trời và cho chị Phương biết rằng - tôi không dại dột và nhẹ dạ. Tôi chưa mất gì cả. Nhưng tôi câm lặng. Chẳng ai tin tôi nữa đâu. Chẳng ai thấu hiểu tôi đâu. Tôi bước vào lớp học với cái đầu rỗng tuếch và đôi chân nặng trĩu như đeo đá. Học sinh ngước mắt nhìn tôi chờ đợi và dò hỏi. Tôi không thể nào làm khác được. Tôi chào theo những lời giảng chực sẵn ở cửa miệng, thỉnh thoảng lại bị tắc nghẹn lại, tôi ậm ừ, chân tôi muốn khuỵu xuống. Tôi chưa bao giờ thấy kinh khủng như thế. Mắt bọn học sinh trong trẻo và thẳng thắn. Điều ấy cho tôi thêm can đảm. Nhưng sau đó tôi lại sợ hãi. Thấy bóng mình xấu xa trong mắt bọn chúng. Tôi nghĩ đến điều chúng nó sẽ nói sau lưng. Giá như tôi không làm cái nghề này chắc sẽ dễ chịu hơn. Hai tiết bài giảng trôi qua như trong cơn mê. Tôi bước ra khỏi lớp như đi tiếp vào trong cơn mê khác. Tôi ngồi một mình trong phòng làm việc. Tôi muốn khóc cho vơi đi. Không chảy nổi một giọt nước mắt. Đầu tôi cứ như tan ra, rồi tụ lại, chẳng còn gì rõ rệt. Đến giờ ra chơi, người ơi! Có biết không? Người ta, những người đàn bà có chồng rồi kéo kéo nhau xem mặt tôi. Sự nhạy cảm bản thân mình ở những người đàn bà sao mà lớn đến thế. Họ đến xem mặt tôi xem trên đó có mang dấu ấn gì không? Con người có biểu hiện gì khác thường không? Để họ còn biết cách tránh. Biết cách giữ lấy chồng. Lúc đó tôi lấy thêm can đảm. Tôi tự nhủ – Phải lấy lại phong thái của mình. Quả nhiên là họ thất vọng. Bước ra khỏi phòng tôi họ lắc đầu. Kẻ thì tỏ vẻ thương hại, kẻ thì không thỏa mãn, tưởng tôi như thế nào cơ chứ. Thực tế tôi chỉ là một cô bé mới lớn, trẻ trung, tươi mát và thêm phần cởi mở nữa. Ngày hôm sau, người nọ kể cho người kia. Và chớ trêu thay chính cái chị Phương, cái người tỏ ra thông cảm câu chuyện của tôi, lại là người giới thiệu, hướng dẫn những người kia đến xem mặt tôi cho tỉ mỉ. Họ xem tôi như một kỳ quan thứ tám. Tôi vẫn thế và đã cười thật sự được rồi. Tôi lại còn quan sát được họ nữa chứ. Họ lấm lét nhìn tôi. Họ có học nên họ không muốn là những kẻ tò mò. Những người đàn bà hiếu kỳ ấy bỗng trở nên đáng thương. Tôi nghĩ, thời gian họ kéo đi xem mặt tôi thì họ hãy để mà ngắm chính họ trong gương ấy và hãy luyện cho mình đôi mắt biết nhìn thật thẳng, sâu. Cứ nhìn thẳng vào mắt anh chồng ấy, anh ta sẽ không đi ngoại tình đâu. Dù thế, nhưng khi còn lại một mình, tôi vẫn được sự khốn khổ. Tôi sợ hãi những người đàn bà ấy. Tôi mang đôi mắt nghi ngờ với tất cả đàn bà. Đi trên đường có người đàn bà nào đó nhìn tôi, tôi cũng giật mình. Cô ta đã được đọc lá thư ấy rồi. Tôi đi mua dầu, người ta nhìn tôi mặc kiểu áo lạ, tôi cũng tưởng họ đã biết bèn quay về như chạy trốn. Hàng tháng ròng tôi sống khốn khổ với ngoại cảnh. Rồi sau đó sống thực tại với mình càng thấy khốn khổ hơn. Tôi muốn thổ lộ với ai cho vợi lòng. Với đứa bạn gái nó cũng đã có chồng, nó cũng giữ chồng nó. Nhưng không thể chịu đựng nổi, tôi cũng thổ lộ cùng nó. Nhưng không thể chịu đựng nổi, tôi cũng thổ lộ cùng nó. Nhưng nào có dám nói ra toàn bộ sự thật đâu. Loanh quanh, luống cuống cuối cùng lại là những lời tự biện bạch cho tội lỗi của mình. Điều tội lỗi chứa đầy ắp trong tâm can tôi và bọc thêm những lời bao biện, giả dối hèn nhát. Một cái nhọt bọc – người hiểu không – cắn xé tâm can tôi. Tôi giãy giụa với số mệnh và tìm cách chống trả hiện tại. Tôi muốn đến tận nhà người ấy để gặp chị vợ. Nhưng suy cho cùng bức thư kia chẳng là một bằng chứng sống sao? Và đàn bà ai mà chẳng thế, dẫn mình đến hang hổ làm gì. Tôi suy nghĩ mãi và con quỷ con trỗi dậy viết một lá thư. “Chị Xuân! Chắc chị đã ngạc nhiên nhiều khi nhận được lá thư này. Nhưng vì chị muốn biết tôi là ai nên tôi dám đường đột viết thu cho chị. Mong chị thứ lỗi cho tôi. Chị ạ, xin chị ấy bớt giận mà nghe tôi nói đây. Tôi đến nhà chị hai lần, ngay từ cổng vào tôi đã thấy toát lên vẻ sạch sẽ, chu đáo mà không phải mọi nhà đều có. Tôi thầm nghĩ – Thật là người đàn bà đảm đang. Và bây giờ tôi không khỏi thốt lên lần nữa. Bản năng, cái bản năng chết tiệt của đàn bà. Chị đã ghen, tôi không giận chị điều đó, nhưng tôi đã vô cùng tức giận chị xử sự điều đó. Hãy nói đến bức thu tôi biết cho chồng chị. Cái bằng chứng duy nhất mà chị có ấy mà. Ấy là bức thư chỉ dành riêng cho chồng chị đọc thôi và chỉ mình anh ấy hiểu được lời lẽ trong thư tôi muốn nói tới điều gì. Nhưng chị đã muốn cho nhiều người đọc thì tôi coi đó là tác phẩm đầu tay của tôi (tôi khao khát làm văn chương cho nên tôi mới biết chồng chị). Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy mình dại dột khi viết thư đi. Nhưng liệu tôi có khác được chăng? Nếu tôi khác đi thì đã chẳng xảy ra cái gì ngay từ đầu. Lời lẽ trong bức thư có lẽ làm cho chị hiểu nhầm đấy. Ngay cả cái việc tôi gọi chồng chị là chú thì chị phải nghĩ tới trong sáng chứ. Chị chưa biết tôi, con còn trẻ lắm, có thể nói là trẻ con nữa kia và trong sáng nữa. Chính những cái đấy có ở tôi đã ngăn không cho chồng chị bùng nổ. Chị thấy không, bùng nổ trong trường hợp nào cũng gây thiệt thòi. Sao chị không hỏi thẳng chồng chị về những điều ấy có hơn không nhỉ. Để xem anh ấy trả lời chị thế nào? Tôi biết anh ấy yêu chị hơn vì anh ấy bảo rằng anh ấy không yêu tôi, chỉ “bùng nổ” với tôi thôi. Mà tôi đã xem ảnh của chị, tôi thấy tôi xinh hơn chị. Chị tin tôi đi. Chị hãy tỉnh táo mà giải quyết mọi việc cho suôn sẻ. Nhưng chị hãy lấy trả lại tôi bức thư (chẳng hiểu chị đã thuê hắn bao nhiêu tiền). Người đời họ cũng có óc phán xét, họ sẽ không cười tôi cả đâu. Họ sẽ cười chồng chị nữa. Một người vợ khôn ngoan không bao giờ giữ chồng kiểu đó. Chị nên bao dung. Tôi rất khổ sở bởi cái sự non nớt về cuộc sống của mình đã ảnh hưởng đến gia đình chị. Nếu chị thấy khó tha thứ cho anh ấy thì chị cứ đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi, tôi hâm mộ, tôi khuyến rũ... như thế sẽ bớt dằn vặt hơn đấy. Thế thôi. Chị muốn biết tôi, Tôi đây này. Thùy Dương Đ/c... Gửi lá thư đi được ba ngày thì tôi có khách. Đó là một người đàn bà khoảng ba lăm, ba bảy tuổi, mặc bộ quần áo đen rất dịu dàng. Đó chính là vợ người ấy. Chị ấy đến gặp tôi. Thật tế nhị, chị ấy đã kéo tôi ra khỏi nhà tôi: - Tên tôi là Xuân. Tôi giật mình và không làm chủ nổi bản thân. - Tôi đến để nói với cô rằng, cô viết cho tôi một bức thư quá đáng, tôi không hề bắt được lá thư nào của cô cả, cũng như tôi đã không làm cái việc mà cô đã buộc tội cho tôi. Tôi xin lấy danh dự một nhà giáo mà thề. Vả lại trong tôi cũng có bằng chứng đây. - Em xin lỗi, nhưng tại sao? Có còn ai khác nữa cơ chứ? - Cô ngạo mạn và trẻ con lắm. Nhưng tôi không giận cô và tôi còn thích cô đằng khác ấy chứ. Tôi cũng có đọc mấy bản thảo của cô. Có đôi chỗ cũng hay hay nhưng không thể dẫn đến thành công. Tôi khuyên cô - đã có một người khác, cô hãy chuyên tâm vào đấy. Ở đời, vinh quang và cay đắng là bằng nhau. Vinh quang nào tôi nghĩ cũng như nhau, còn cay đắng thì khốn khổ lắm, nó trăm vẻ. Cô tưởng anh ấy yêu tôi ư? Không. Cô hãy đọc đi. Tôi đã bị lừa dối rồi, và cả cô nữa, cô bé ạ. Chị đưa cho tôi một bức thư. Trước khi chia tay chị ấy bảo tôi: - Nếu anh ấy có đến gặp cô, cô đừng nói gì vội về lá thư tôi đưa cho cô. Cô sẽ thấy cực kỳ thú vị. Tôi đọc lá thư. Người ơi, bây giờ tôi mới bình tĩnh để viết những dòng này, chứ lúc ấy thì thật là kinh khủng. Toàn bộ thế giới sụp đổ. Tất cả đều tan vỡ. Người hiểu không? Tội lỗi và tự biện bạch. Những cái mà tôi tin tưởng để tôi biện bạch cho tội lỗi thì giờ nó là thế này đây. “Em thân yêu. Em đẹp quá. Hôm qua anh đã mê mải thưởng thức em trên sân khấu. Sáng nay anh lại nhìn thấy em rực rỡ trong sân cầu lông. Em là tiên nữ của lòng anh. Em cao xa, em vời vợi. Em không đoái hoài đến anh. Sao em lại không như một cô bé rất hay. Cô ấy viết những bức thư rất hay. Cô bé ấy khát vọng làm văn. Nhưng thực chất cái khát vọng ấy chỉ đủ để cô ấy viết những bức thư hay thôi. Buồn cười quá em nhỉ. Ở em, anh đã đạt được mà cứ như chưa bao giờ với tới. Còn ở cô bé ấy, anh chưa đạt tới mà anh cứ cảm như quen rồi. Bởi lẽ anh yêu em. Em đối với anh bao nhiêu cũng chưa đủ. Anh biết em không phải chỉ có mình anh. Nhưng cho dù em có thế nào thì anh vẫn cứ yêu em. Nếu em không yêu anh thì anh sẽ rơi tòm xuống đất với bà vợ và đứa con trai anh, thêm cô bé hay hay nữa. Nhưng chao ôi, tẻ nhạt quá...”. Người ơi, khủng khiếp thay cho sự thật. Tội lỗi và cái vốn sống mà tôi có là gì thế: Sự giả dối ư? Nhưng vẫn chưa hết đâu. Một tuần sau, chắc là có sự sắp xếp của người vợ mà người ấy đến gặp tôi. Như đã thỏa thuận trước, tôi không có thái độ gì cả. Người ấy nhìn tôi thông cảm. Tôi hỏi bình thản: - Bức thư cháu viết cho chú, bây giờ cháu mới thấy cháu viết trong sự hoảng loạn. Cháu muốn xin lại. - Chú cũng đến về việc ấy đấy. Chao ôi cô bé ngạo mạn quá. Nhưng quả thật, cô vợ chú không hề biết gì về lá thư ấy đâu. Gớm, cháu viết cho cô ấy lá thư ghê quá. - Thế thì ai cơ chứ? - Chú sẽ kể cho cháu nghe câu chuyện rất hay. - Chú đọc lá thư cháu viết cho vợ chú. Chú vội vàng tìm kiếm ngay sự thật. Lá thư của cháu rất hay, chú luôn luôn giữ trong mình nên cô ấy không thể nào lấy được. Chú khẳng định là thế. Chú bèn đến chỗ cháu làm việc. Chú đã tìm gặp cái người cầm lá thư của cháu. Thật là thú vị. Thế ra họ đi tìm cháu để ngưỡng mộ cái chất đẹp trong con người cháu. Ở cái đất Hà Nội này không tìm đâu ra một cô bé có tình cảm trong sáng không vụ lợi như cháu đâu. Người đời ơi! Tôi muốn gào lên vì sự giả dối. Sự giả dối sao mà người ấy nói hay thế. Nhưng tôi đã bình tĩnh để nghe cho hết câu chuyện. - Hóa ra câu chuyện là rất hay cháu ạ. Thế này, cách đây vài tuần chú đi với mấy người bạn đến câu lạc bộ. Cái người ở trường cháu đi sau các chú. Lúc chú rút vé ra thì lá thư của cháu mà chú vẫn mang bên mình rơi ra. Cái người kia nhìn thấy nét chữ rất đẹp bèn tò mò nhặt lên đọc. Càng đọc càng bị lôi cuốn bởi cái tình cảm rất đẹp của cháu trong lá thư. Nên người đấy tờ mò muốn biết cháu. Thế đấy, câu chuyện rất đẹp phải không cháu. - Vâng, rất đẹp, đẹp như trong mơ ấy. Chú mơ thấy thế có phải không? Cháu lại mơ thấy khác. Chú âu yếm ôm đầu một cô diễn viên trẻ vào ngực. Bức thư của cháu mà chú chưa kịp hủy hoặc gửi lại như một trò chơi làm cộm đầu cô ta. Cô ta nũng nịu lấy bức thư ra đọc. Tất nhiên là ghen tuông một chút. Chú cũng tỏ ra thành thực. Cô diễn viên trẻ kia đã giữ lấy bức thư. Tất nhiên cô ta đã hiểu tình cảm của cháu trong lá thư như những gì đã xảy ra giữa chú và cô ta. Và, tình cờ có người quen cùng địa chỉ với cháu, cô ta đã đưa lá thư kia để làm một trò chơi. Một trò chơi, quả thực vì nó chẳng có gì nghiêm túc. Đúng thế không chú? Đấy cháu mơ giỏi hơn chú nhiều. Tôi phá lên cười. Cười không thể kìm nén được. Sau đó tôi nhìn thẳng vào mắt người ấy: - Chú hãy nói thật với cháu đi. Đừng, đừng nói bằng lời nói của nhân vật tiểu thuyết. Phải thế không? Tôi nhìn người ấy. Bỗng nhiên người ấy già nua kinh khủng. Người ấy lảng tránh ánh mắt của tôi. Con người bỗng nhiên sao mà xấu xí. Người ấy lắp bắp: - Cháu đã có vốn sống rồi đấy. - Không. Tôi không cần thứ vốn sống đó. Trả lại hết cho chú đấy. Chú hãy lấy lại đi. Không, tôi không muốn. Tôi không cần... Tôi gào lên. Người ấy đứng dậy và đi ra cửa như ai đuổi. Tôi gục mặt xuống bàn khóc. Hết