Sáu ngày sau khi tôi đến "Vườn Thúy" vào một buổi sáng mát trời, Thu Cúc lên báo cho tôi biết là ông Thạch Phong cho mời tôi đến phòng sách gặp ông. Tôi vào đến nơi, Thạch phong đang ngồi ở bàn viết, trên bàn chất đầy cả những dụng cụ và bản đồ kiến trúc, tay Thạch Phong cầm cái "côm-ba" và một cái lượng giác quy hình như đang làm một bài toán tỷ mỉ lắm. Thấy tôi bước vào, ông chỉ một chiếc ghế đặt trước bàn nói: - Mời cô ngồi. Tôi ngồi xuống và đưa mắt dò xét nhìn Thạch Phong nhưng ông lại tiếp tục vùi đầu vào công việc tôi ngồi như thế một hồi lâu, tôi ho lên một tiếng và nói: - Ông Phong, Thu Cúc bảo ông cho gọi tôi xuống? - Vâng! Ông nói nhưng không ngẩng đầu lên. - Tôi muốn được biết, có phải ông đã có việc cho tôi làm không? Lần này, Thạch Phong ngẩng đầu lên nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, rồi đưa cây côm- ba lên môi cắn, khẽ chau mày ra chiều nghĩ ngợi một hồi lâu rồi mới nói: - Tôi thiết tưởng đã đến lúc mà chúng ta phải bàn về chuyện này. - Tôi cũng nghĩ thế, thưa ông! Ong ta khẽ liếc nhìn tôi, môi mỉm một nụ cười, xong ông ta ném cái côm-ba sang bên cạnh, ngồi ngay người lại nói: - Được rồi, Dư tiểu thư này! Cô đã xem xong nhật ký của Tiểu-Phàm rồi chứ? - Ơ... Tôi sửng sốt nhìn ông ta một thoáng chẳng biết trong bụng ông ta đang bày cái trò gì đây? Ông ta chậm rãi đốt một điếu thuốc, phà một ngụm khói và nhoẻn miệng cười... Tôi phát giác ra rằng rất ít khi thấy ông ta cười, nét mặt ông ta lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm khắc. Nụ cười của ông ta mang nét gì khích lệ và an ủi, không bắt buộc tôi trả lời, ông ta nhìn vào đốm lửa trên đầu điếu thuốc: - Tôi biết cô đã xem qua, mấy hôm nay, cô rỗi, chẳng có việc gì làm, cô lại có tính hiếu kỳ, thế tất cô đã chấp nhận Tiểu-Phàm. Tôi đoán rằng cô đã quen thuộc với nàng. Cô cũng đã xem những quyển sách đã được Tiểu-Phàm viết loạn lên đó chứ? - Tôi... Tôi nghĩ ông đã âm thầm theo dõi tôi? Ông ta lại cười: - Quả đúng như thế, cô đoán không sai! Tôi phẫn nộ nói: - Tôi vẫn chưa hiểu, ông mướn tôi về đây để làm gì? thưa ông? - Điều thứ nhất, tôi cần cô xem nhật ký của Tiểu-Phàm, điểm này cô đã làm xong. - Nhưng mà ông cần gì phải bí mật như thế, nếu đây là một phần trong công việc làm của tôi, ông cứ việc giao thẳng cho tôi đọc. - Đằng này thì khác, nếu cô xem nó như là một việc làm cô sẽ không thể nào chấp nhận Tiểu-Phàm một cách tự nhiên, và bây giờ Tiểu-Phàm cũng không thể nào được lạc ẩn trong tâm não cô. Xin cô cho tôi biết, cô có một ấn tượng thế nào về Tiểu-Phàm? - Nàng là một cô gái khả ái, hoạt bát và si tình, và có đôi chút ngoan cố với bộ thần kinh thất thường. Tôi nói. - Đúng thế, cô đã khám phá ra Tiểu-Phàm một cách rất chu đáo. - Nhưng mà tôi vẫn không hiểu, nhật ký của Tiểu-Phàm và việc làm của tôi có một sự liên quan mật thiết gì kia ạ? Thạch Phong mở ô kéo bên trong hông bàn lấy ra một tấm ảnh và đặt ở trước mặt tôi, rồi nói: - Xin cô nhìn cẩn thận hình bóng của người này xem. Tôi cầm lên, đó là một tấm ảnh của một cô gái có đôi mày đẹp với đôi mắt sáng quắc và đôi môi thật mỏng, hai bên má có lúm đồng tiền, chiếc miệng hơi mỉm cười với vẻ tinh quái. Lật qua sau lưng tấm ảnh có một hàng chữ "Tiểu-Phàm, chụp vào mùa xuân năm Dân quốc 50" Thạch Phong vừa hỏi vừa nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu: - Cô có cảm thấy người trong ảnh có hơi quen quen không? Nghe Thạch Phong nhắc như vậy, tôi mới cảm thấy quả đúng như thế. Người trong tấm ảnh này quen thuộc, nhưng mà thật sự thì chưa gặp qua lần nào. Tôi nghi hoặc ngẩng đầu lên thì thấy Thạch Phong đang nhìn chăm chú vào tôi. - Cô không nhận ra sao? Ông hỏi xong lại đưa ra và đặt ở trước mặt tôi tấm ảnh khác. - Vậy cô hãy xem thêm tấm ảnh này. Tôi cầm tấm ảnh thứ hai lên thì lại là tấm ảnh của tôi, tấm ảnh mà tôi kèm theo đơn xin việc, lúc đem hai ảnh so sánh với nhau tôi chợt hiểu ra, đây là nguyên nhân khiến tôi cảm thấy quen thuộc. Giữa tôi và Tiểu-Phàm có nhiều nét thật giống nhau, nếu xem kỹ thì dĩ nhiên là có rất nhiều nét khác biệt. Chỉ nhìn thoáng qua thì quả nhiên là có bốn, năm điểm tương tự nhất là đôi mắt và khuôn mặt. Tôi nghi ngờ nhìn Thạch Phong nói: - Tôi hao hao giống nàng, phải không? - Vâng, cô giống nàng, nhưng không phải là kẻ giống nhất! - Ông nói sao? - Trong số hơn một ngàn người xin việc, còn có người giống nàng hơn cô. Sở dĩ tôi chọn cô, là vì cái đơn xin việc của cô, lời văn hoạt bát, tư tưởng sắc bén. Thêm vào đó, cô còn có một chỗ rất giống Tiểu-Phàm, đó là cô cũng mồ côi. - Tôi hiểu ra rồi! Với hơi thở bỗng nhiên trở lên gấp rút,vì bị kích động quá mạnh, tôi hỏi: - Theo tôi không phải ông cần một người thơ ký! đó chỉ là một cách để che mắt thiên hạ, mà chính là ông cần tìm một người để thay thế Tiểu-Phàm, và nhân vật Đông chính là ông. Ông không có cách nào làm cô Tiểu-Phàm sống lại nên ông rắp tâm tìm một Tiểu-Phàm khác. Bởi vậy ông đã sắp đặt cho tôi ở phòng của Tiểu-Phàm, để cho tôi đọc nhật ký của nàng, và cái thâm ý của ông là ông muốn cho tôi thay hồn đổi xác, để trở thành Tiểu-Phàm của ộng nhưng ông đã lầm, trong thiên hạ, không bao giờ có hai người giống nhau cả về tâm hồn lẫn thể chất, tôi cũng không thể và không ưng biến thành Tiểu-Phàm. vậy tôi xin ông tôi thôi. - Xin cô hãy bình tĩnh một chút, Dư tiểu thơ! Thái độ của ông ta bỗng trở nên thâm trầm và nghiêm túc, ông nói: - Óc liên tưởng của cô tuy già dặn nhưng phần xét đoán không được chu đáo, vì lẽ thứ nhất, Tiểu-Phàm vẫn còn sống! Thứ nhì tôi không phải là Đông. - Ồ! Thế ư? Tôi bàng hoàng hỏi. - Cô thử nghĩ xem Đông chỉ lớn hơn Tiểu-Phàm có 4 tuổi mà Tiểu-Phàm năm nay chẳng qua mới có 22, thì Đông cũng chỉ vào khoảng 27 gì đó. Còn tôi, tôi đã 37 rồi, đâu là một bằng chứng khá rõ rệt. - Thế... Tôi dừng lại một hồi, mới hỏi. - Thế ông bảo tôi phải làm cái gì? nếu Tiểu-Phàm chưa chết, tại sao ông phải tìm một người giống Tiểu-Phàm? Ông trầm ngâm giây lát, điếu thuốc trên tay cháy một đoạn dài, đôi mắt ông nhìn ra ngoài cửa sổ trong có vẻ mơ màng, não nuột. Trên vầng trán dưới mày chứa đựng nét ưu tư, khiến gương mặt ông ta trở nên nghiêm trang, lạnh lùng như một pho tượng sung mãn linh hồn và sinh khí của nhà điêu khắc vĩ đại, khiến cho người nhìn vào cảm thấy rung động. - Câu chuyên cần phải kể từ đầu, tôi hy vọng cô sẽ có đủ nhẫn nại để nghe. Thạch Phong chậm rãi nói, tôi có thừa sức nhẫn nại vì thú thật, thần sắc của Thạch Phong làm tôi cảm động, giọng nói của ông ta làm tôi say sưa. Tôi lẳng lặng ngồi nghe Thạch Phong thuật lại câu chuyện: - Trước khi bắt đầu câu chuyện, tôi cần phải nói rõ sự liên hệ giữa họ Thạch và họ Nghê. Ngày xưa, ở quê tôi có hai họ Thạch, Nghê, hai gia tộc lớn nhất vùng. Từ năm đời trước đây họ Thạch và họ Nghê, giầu có ngang nhau, với bao ruộng vườn bát ngát và con cháu đầy đàn. Cả hai họ đều là dòng dõi nho gia lễ giáo và cùng giữ nghiệp nông, trong họ đều có con cháu tài ba, họ giỏi đỗ cao, lại nữa hai họ vốn có tình giao hữu và đã làm xuôi gia với nhau. Cứ thế, đến đời của tổ tiên tôi, đã có một cuộc hôn nhân trắc trở xảy ra. Một người con trai họ Thạch, có thể là ông cố hoặc ông sơ của tôi gì đó, để ý một cô con gái của họ Nghê. Nhưng có cái là vị này đã có vợ từ sớm, thanh danh của họ Nghê lại không thể nào gả con làm thiếp. Vì thế, ông sơ của tôi mới tìm đủ trăm phương ngàn kế đem người vợ chính thức trả về gia đình bên vợ. Dĩ nhiên là ông tìm cách nói xấu hoặc kiếm chuyện đuổi vợ đi để dễ bề cưới cô con gái họ Nghê. Người vợ chính thức này uất ức phẫn hận nên nuốt á phiện tự vẫn. Lúc lâm chung, bà ta còn nghiến răng nguyền rủa: - Họ Nghê sẽ đời đời bất đắc thiện chung; nếu con cháu họ Nghê và họ Thạch yêu nhau, Trời sẽ phạt họ phải chia lìa nhau! Nghe đâu, cũng bắt đầu từ đó. họ Thạch và họ Nghê mắc phải lời nguyền, không sao thoát khỏi những vận mệnh ác nghiệt đeo đuổi. Dĩ nhiên, đây chỉ là lời đồn, và những truyền thuyết không làm sao giải thích được. Nhưng quả thật là từ đó họ Nghê cũng suy đồi lụn bại, và giữa họ Thạch và họ Nghê bắt đầu những nghiệp chướng không giải thoát. Càng khó hiểu hơn nữa là cũng bắt đầu từ đời ấy về sau, hai họ Thạch, Nghê cơ hồ như đời nào cũng có hai kẻ yêu nhau, và cũng đều có một kết cục, vô cùng bi thảm. Người đầu tiên là ông sơ tôi. Sau khi vợ chết, ông cưới người con gái họ Nghê, làm kế thất, ba năm sau, người con gái ấy mắc bệnh điên mà chết, người chồng vì hối hận và đau khổ nên cũng lìa đời, giữa tuổi trẻ trung. Người dân quê đều tin chắc rằng: lời trù ếm kia đã trở thành ác qủy nó bám riết lấy con cháu Nghê gia. Và mỗi đời, họ Nghê đều có một người mang bệnh điên. Cứ thế, nhân số mỗi ngày mỗi ít đi. Đến đời ông nội tôi thì chỉ còn mỗi một người con trai độc nhất. ông nội tôi và ông nội Tiểu-Phàm, từ nhỏ đã là bạn thân với nhau. Lớn lên hai người đã từng học chung một trường và kết làm anh em kết nghĩa. Cũng như đời trước, ông nội của Tiểu-Phàm yêu bà tổ cô tôi, tức là em gái của ông nội tôi. ông nội tôi vì ghi nhớ những truyền thuyết, nên không bằng lòng gả bà tổ cô tôi về làm dâu bên nhà họ Nghê. Rốt cục họ dắt nhau đi trốn, vào thời kỳ đó câu truyện này đã là nguyên nhân của không biết bao nhiêu bão tố và thảm cảnh. Ông nội của Tiểu-Phàm và bà tổ cô tôi sống với nhau được 10 năm thì ông nội Tiểu-Phàm chết, chết như thế nào không ai hiểu. Bà tổ cô tôi bèn dẫn hai đứa con, một trai và một gái về quê. Người con trai là cha của Tiểu-Phàm, còn người con gái rất xinh đẹp, nhưng đến năm 17 thì cũng chết vì bệnh điên. Cha của Tiểu-Phàm lớn lên, thì câu chuyện xưa lại tái diễn, ông lại yêu người cô tôi. Lần này, bà tổ cô tôi nhất quyết phản đối cuộc hôn nhân, bà dùng giọng nói hãi hùng lập đi lập lại câu: "Họ Thạch và họ Nghê tuyệt đối không thể kết hôn, không thể nào kết hôn; không những lời nguyền xưa còn đó, mà huyết duyên cũng quá gần" Vì thế, cuộc hôn nhân của hai người bị cản trở, cô tôi vì nhất thời quẫn trí, treo cổ tự vận. Cha của Tiểu-Phàm cũng vì quá đỗi đau lòng mà lìa bỏ quê hương. Cả cái ngày bà tổ tôi mất, ông cũng không về mai táng. Trước khi lâm chung, bà tổ cô tôi mới bảo với ông nội tôi rằng: - Hãy để cho con cái họ Thạch tránh xa họ Nghê, huyết thống của họ Nghê vừa mang bệnh tật, vừa mắc phải lời trù yểm, nên không bao giờ con cái khoẻ mạnh được. Bà vẫn không nói đến cái chết của chồng bà. Sau này, chúng tôi nghe nói là ông vẫn chưa chết, mà bị giam cầm trong một nhà thương điên. Và rồi, không biết bao nhiêu năm nữa trôi qua, cha của Tiểu-Phàm lại dắt ba anh em Tiểu-Phàm trở về quê, nhưng không dắt theo mẹ của Tiểu-Phàm. Nghe nói mẹ nàng đã sớm qua đời. Ba anh em Tiểu-Phàm là một người anh và một người chị của Tiểu-Phàm. Thạch Phong dừng lại một lát, điếu thuốc đã cháy gần đến đầu ngón tay, ông dụi tắt tàn thuốc và tiếp tục mồi một điếu khác, thần sắc ông ngưng đọng, ánh mắt hoang mang và đôi mày chau lại, ông đang suy tư, đang hồi tưởng. Tôi không làm kinh động ông, mãi một lát lâu sau, Thạch Phong lại tiếp tục kể: - Ba người con ấy, cô có thể tìm được một ít yếu tố trong nhật ký của Tiểu-Phàm. Anh của nàng là một gã khùng còn chị nàng... là một cô gái đẹp một cách kỳ dị, nhan sắc của Tiểu-Phàm không bằng một phần mười nhan sắc của cô chị. Nhưng mà, tôi không biết phải nói làm sao bây giờ? Họ Nghê mắc phải lời nguyền thật ư? Người ta bắt nàng nhốt trên một căn gác nhỏ tôi thường nghe thấy tiếng khóc và tiếng la cuồng loạn của cô ta. Năm 16 tuổi cô ta dùng một cây kéo cắt đứt cuống họng rồi chết. Tôi bắt rùng mình, Thạch Phong nhìn tôi hỏi: - Cô còn muốn nghe nữa không? - Dạ có, xin ông cứ kể vì tôi cảm thấy có lẽ từ đây trở đi, câu chuyện trở nên kỳ dị hợn - Còn các chuyện khác, cô có thể hiểu rõ qua nhật ký của Tiểu-Phàm. Tôi là người "anh cả" mà trong nhật ký thường nhắc đến! Đông là em trai của tôi. Tôi lớn hơn em tôi đúng 10 tuổi, tên của nó là Thạch Lỗi. Anh em tôi từ bé đã mồ côi cả cha lẫn mẹ nên đuọc ông nội chúng tôi đem về nuôi. Sau khi cha mẹ của Tiểu-Phàm chết, ông nội tôi nhận nuôi dưỡng luôn Tiểu-Phàm... Nàng là giọt máu cuối cùng của giòng họ Nghê đấy! Tính ra thì cũng còn chút ít tình quyến thuộc. Còn ông anh khùng của Tiểu-Phàm, chúng tôi đã đưa ông ấy vào một bệnh viện thần kinh. Từ khi chúng tôi sang Đài Loan thì không còn được tin tức gì về ông ấy cả! Và rồi họ Thạch và họ Nghê lại bắt đầu ghi thêm một tấn bi kịch Tiểu-Phàm và Thạch Lỗi... Tôi thường gọi nó là Tiểu Lỗi, nhưng Tiểu-Phàm cứ gọi nó là Đông. Tình yêu của họ bắt đầu rất sớm, gần như là từ lúc còn thơ dại. Ngày trước, những người ở quê thường gọi họ Nghê là "Dòng họ điên" nên thường ngăn cấm con cái không cho chơi với Tiểu-Phàm. Từ lúc bé Tiểu-Phàm đã cô độc mà anh của Tiểu-Phàm lại càng là đối tượng trêu cợt của bọn trẻ Thạch Lỗi đã vì Tiểu-Phàm mà đánh nhau mấy lần. Nó bảo vệ Tiểu-Phàm, thương yêu chiều chuộng Tiểu-Phàm. Tấm tình của nó đối với Tiểu-Phàm thiệt là thủy chung như nhất. Còn Tiểu-Phàm từ lúc bé đã chỉ biết có mỗi mình Tiểu Lỗi. Điều này cô đã thấy rõ trong nhật ký của Tiểu-Phàm. Cái năm đến Đài Loan, Tiểu-Phàm chỉ mới lên 7. Không bao lâu, ông nội mất. Trước khi nhắm mắt, ông gọi tôi đến bên giường dặn dò đôi ba lượt là "Anh cả như cha", từ nay ta giao Tiểu Lỗi cho con, nhưng tuyệt đối không nên cho nó tiếp cận với Tiểu-Phàm. Sức khoẻ con bé không được tốt lắm". Dĩ nhiên là tôi hiểu ý ông, nhưng mà tôi đã thất bại. Nhẫn lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục Tiểu Lỗi, tôi đã từng trải qua một giai đoạn hết sức khốn khổ. Hai anh em và Tiểu-Phàm, sống nương tựa vào nhau. Tiểu Lỗi là một đứa trẻ rất ngoan và có óc cầu tiến, tôi có thể làm cho nó hướng thượng, có thể nhìn thấy cái viễn ảnh tốt đẹp huy hoàng của nó trong tương lai, nhưng mà nó đã yêu Tiểu-Phàm một cách quá sâu đậm. Nó không tin những lời lẽ nào có hại đến Tiểu-Phàm, nó cho đó là mê tín, là nói bậy. Tôi càng phản đối thì trái lại tình cảm của chúng nó càng khắng khít hơn. Còn Tiểu-Phàm thì.... Thật tôi không biết nói sao bây giờ? Thạch Phong đưa tay lên chống lấy trán, ra chiều nghĩ ngợi, gương mặt ông thật trầm lặng thật cảm động, đó là một khuôn mặt nặng tình cảm giầu suy tư. Rồi ông nói tiếp: - Tiểu-Phàm quả thật là một cô bé dễ thương. Năm nó 14 tuổi, tôi đem nó đi khám sức khoẻ lần đầu tiên. Bác sĩ chứng thực màng óc và tâm lý của nó không được bình thường. Hay nói đúng hơn, dù cho nó vẫn bình thường từ trước đến nay, nhưng trong huyết quản của nó vẫn tiềm phục những nhân tử của bệnh tật. Ngoại trừ vấn đề ấy ra, nó còn mang trong người một tâm bệnh. Bác sĩ bảo Tiểu-Phàm không thể sống lâu. Tôi không cho Tiểu-Phàm biết về kết quả cuộc khám nghiệm nhưng nó vẫn thường lo sợ vì hoài nghi. Tôi đưa tờ kết quả cho Tiểu Lỗi xem, nó vẫn không tin mà lại còn cho đó là những chuyện quái gở khôi hài. Cứ như thế cho đến hai năm trước đây, bệnh của Tiểu-Phàm đã bộc phát. Đáng thương hơn nữa là năm ấy Tiểu Lỗi mới vừa tốt nghiệp đại học lòng đang chứa chan hy vọng về cuộc lương duyên của nó với Tiểu-Phàm; nỗi đau buồn đó làm cho Tiểu Lỗi đến bây giờ cũng không ngẩng đầu lên nổi. - Còn Tiểu-Phàm, cô ấy ở đâu? Tôi ngắt lời hỏi. Thạch Phong im lặng nhìn tôi, xong dụi tắt điếu thuốc trong cái gạt tàn, chậm rãi đáp: - Ở tại nhà thương điên! Tôi lại rùng mình nhìn Thạch Phong. Tôi không biết phải nói gì? Câu chuyện thật khủng khiếp! Nó làm cho mỗi dây thần kinh của tôi bị chấn động và chuyển dịch từng hồi cảm trong tôi. Nhất là tôi đã xem nhật ký của Tiểu-Phàm, đã đọc qua tiếng lòng của nàng, biết đến tình yêu tha thiết của nàng. Một cô gái ngăn nắp và có tư tưởng như thế kia mà nay lại trở thành một người điên. Lúc nàng chào đời, cao xanh đã tước đoạt ngay cái quyền hạnh phúc của nàng. Một sinh mạng bất hạnh như thế mà còn bắt sinh ra cõi đời này thật là vô cùng oan khóc! Tôi ngừng ngại hỏi: - Cô ấy... điên tới mức độ nào, thưa ông? - Nếu cô ưng ý để rồi, hôm nào tôi sẽ đưa cô đi thăm nàng. Nàng không còn nhìn được ai nữa cả, cũng như chị nàng hồi trước, nàng cũng ca hát gào thét cuồng loạn. Nếu cô gặp Tiểu-Phàm của ngày trước, rồi bây giờ gặp lại trong cái trạng thái này thì... Thạch Phong lắc đầu và chau mày. - Thật là não lòng. Vì thế, tôi không muốn cho Tiểu Lỗi đi thăm nàng nhưng nó vẫn lẻn đi. Mỗi lần đi thăm Tiểu-Phàm về, nó giam mình trong phòng, uống rượu, rồi khóc lóc rất thảm thiết. - Thưa thế, bây giờ... Tiểu Lỗi đâu? - Trước kia, ở đại học nó học sinh ngữ, bây giờ lại nhảy vào Viện khảo cứu Văn học Trung Hoa. Nó thường ở lại trường, rất ít khi về đây, nơi đây gợi cho nó quá nhiều đau thương. Tôi im lặng không nói gì, câu chuyện này thật là thê thảm, một đôi tình nhân tha thiết yêu nhau mà phải bị chia lìa bởi một định mệnh tàn khốc. Tôi như bị chìm đắm trong câu chuyện và cơ hồ như quên cả việc của chính mình, Thạch Phong cũng không nói gì và cứ yên lặng hút thuốc. Một lúc sau, tôi mới chợt giật mình ngẩng đầu lên hỏi: - Như thế thì... tôi có thể làm được việc gì? - Cứu vớt Tiểu Lỗi! Tôi nghi hoặc nhìn Thạch Phong: - Tôi không hiểu ý ông. - Như thế này... Giọng Thạch Phong trầm xuống xót xa. - Tiểu Lỗi rất thực tế, rất chịu khó và siêng năng, chúng tôi đã từng sống cơ cực bên nhau cho mãi đến khi tôi có cơ sở ổn định về ngành kiến trúc tình trạng mới bắt đầu thay đổi. Đối với Tiểu Lỗi, tôi có rất nhiều hy vọng. Lúc ông nội tôi còn sống, nó được ông cưng chiều nhất; lúc lâm chung ông giao nó lại cho tôi, tôi có thể khoe rằng nó là một đứa em hoàn toàn nhất. Thế mà bây giờ... Thạch Phong đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, khói thuốc quyện tròn trước mặt ông. - Tiểu-Phàm đã phá hoại tất cả hy vọng và hoài bão của tôi! - Có nghĩa là, Tiểu Lỗi không còn có chí phấn phát như xưa nữa? - Tròn vòng hai năm nay, tôi đã dùng hết mọi cách... Rồi ông nói tiếp: - Không phải tôi mong Tiểu Lỗi nhất định phải thành đại danh hay lập đại nghiệp nhưng dẫu sao, tôi tuyệt đối không thể nào để nó sa ngã. Bây giờ, nó đi học chỉ là một cái cớ, như vậy nó không phải ở đây, lại không phải đi làm việc. Thực ra bây giờ nó chẳng học hành chi cả, nó chỉ uống rượu chè, cờ bạc, phóng lãng ở chốn ăn chơi và tìm đủ mọi cách để mê hoặc mình, để chạy trốn thực tế. Tôi không thể nào tiếp tục nhìn nó tự hủy, tự tiêu diệt như vậy. - Bởi thế ông mới nghĩ ra cái cách tuyển dụng nữ thư ký này và để tìm người thay thế Tiểu-Phàm chứ gì? - Vâng! Tôi nhìn Thạch Phong với một vẻ mặt không có gì thiện cảm và nói: - Thật là một ý nghĩ quá ư hoang đường thưa ông? ông định bỏ tiền ra để mua cho em ông một người yêu, nhưng thưa ông, tình cảm của con người đâu có thể mua bằng tiền được. Thạch Phong ngẩng lên nhìn tôi. Ánh mắt của ông ta sắc bén lạ lùng. Tôi có cảm giác là hai luồng nhỡn tuyến ấy trực tiếp chiếu vào nội tâm sâu kín của tôi. Cái con người này, có lẽ đã lột trần được tư tưởng và cảm giác của tôi. - Việc này đối với cô chẳng có gì bất công và quá lắm cả. Thạch Phong bình tĩnh nói và trao cho tôi một tấm ảnh và nói: - Đây là ảnh của Tiểu Lỗi. Tôi nhìn qua và hiểu ngay ngụ ý của Thạch Phong vì người trong ảnh có một khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, với đôi mày rậm, cặp mắt sáng mang vẻ ngang tàng với đôi môi hơi mỉm cười che lấp phần nào vẻ ngang tàng ấy, và cũng làm gia tăng cái tính chất thư sinh nho nhã. Đẹp hơn hẳn ông anh của y. Nếu đem tôi mà phối hợp với y thì e rằng có hơi quá phận một tí. Tôi "hừ" một tiếng lạnh nhạt rồi nói: - Trông cậu ấy lịch sự đấy. - Thưa thế ạ. Dư tiểu thư? Thạch Phong cười và có vẻ đắc ý vì cho rằng lập trường của mình đứng vững, ông ta nói tiếp: - Dầu sao, tôi không dám nài ép cô đâu. Cô có thể suy nghĩ cho chín chắn xem có bằng lòng tiếp tục công việc hay không. Tôi nhìn Thạch Phong. - Hình như ông đã tin chắc rằng tôi sẽ ưng thuận. - Vâng! Thạch Phong nhìn tôi, tôi hỏi: - Vì sao? - Vì tôi nhận thấy cô có một tính tình đôn hậu, nhân từ và thứ nhất, cô cũng đang ở trong cảnh cô đơn. Tôi hơi bị xúc động và ngước nhìn Thạch Phong ánh mắt ông ta ôn hòa và thành khẩn ông tiếp tục nói: - Cô cứ yên tâm đi, tôi không dám bắt buộc cô phải thay thế Tiểu-Phàm. Nếu cô có thể chữa trị Tiểu Lỗi, khiến nó không sa ngã, đó là sự thành công. Tùy cô dùng phương thức nào cũng được, nếu việc này mà thành công, thì gia đình họ Thạch sẽ là nơi yên tĩnh để cô nương tựa và sẽ không có ai bạc đãi cô. Vả lại rồi cô sẽ rõ, Tiểu Lỗi có rất nhiều ưu điểm, nó.... rất xứng đáng được thương mến. - Nhưng... nhưng xin ông nhớ cho, hy vọng thành công rất mong manh. Thạch Phong hỏi: - Có nghĩa là... đáng được thử thách? - Ông làm thế nào để biết được và khẳng định là Tiểu Lỗi sẽ để ý đến tôi? - Vì cô giống Tiểu-Phàm. Thạch Phong hạ thấp giọng đáp một cách thẳng thắn như vậy. Tôi cảm thấy bàng hoàng, cả một việc đã xảy ra một cách hết sức đường đột. Tôi đến đây để nhận một chân nữ thư ký, bây giờ hóa ra là... là gì nhỉ? Một người trị bệnh tâm linh? kể cũng là có phần vẻ vang! Lòng tôi nhất thời rối tợ tơ vò, không biết nên chấp nhận không? thì Thạch Phong lại cất tiếng: - Sao? Hay là cô bằng lòng đợi đến mai sẽ trả lời? Tôi hỏi. - Ngoài trừ cái điểm giống Tiểu-Phàm ra ông còn dựa vào nguyên do gì để chọn lựa tôi? - Đó là lý trí mẫn cảm của cô, cô thông minh lắm! - Nhưng ông có biết không... Tôi nhìn thẳng vào Thach Phong: - Lý trí bắt buộc tôi phải thưa với ông là tôi xin từ chối, việc làm này không thích hợp với tôi. - Còn tình cảm của cô? - Không phải tình cảm - Tôi nói với giọng nghẹn ngào và đượm buồn: - Vì hiếu kỳ tôi sẽ bằng lòng gặp Tiểu Lỗi một lần, gặp "Đông" của Tiểu-Phàm, nhưng đây chỉ là tôi giúp ông, chứ không phải là một việc làm có tính chức nghiệp, xin ông hiểu cho. - Vâng tùy cô.. Thạch Phong nó rất nhanh, trên mặt thoáng hiện một nét chiến thắng. - Nếu cô thấy có điều chi không vừa ý cô có thể rời bỏ nơi đây, lúc nào cũng được. - Thưa, nhất định thế. Tôi nói. - Vâng, nhất định thế. Thạch Phong đáp.