Thiên kéo cánh cửa sổ của chiếc xe đò để những cơn gió mát thổi vào, mái tóc bềnh bồng bay theo gió Thiên lặng nhìn những cánh đồng bao la, khung cảnh của một buổi chiều tàn trên con đường về tỉnh làm Thiên suy nghĩ mông lung, vừa ra trường Thiên được nhận chỉ thị về Bạc Liêu dạy học, rời thành phố, rời trường sư phạm về ngôi trường lạ với nếp sống mới lòng Thiên do dự hồi hộp... Tiếng anh lơ xe vang lên, Tới Bạc Liêu rồi mời hành khách xuống xe. Thiên quàng lên vai cái túi xách cùng cây đàn guitar ra cửa xe. -Anh về đâu? lên xe đi anh. -Trường Trung học Bạc Liêu. Trả tiền xe xong Thiên đứng nhìn ngôi trường, trước cổng những cây phượng vĩ trổ bông đỏ thắm khoe sắc, sân trường thênh thang tấp nập những tà áo trắng thơ ngây đang chuyện trò đùa giởn. Thiên hỏi một học sinh văn phòng hiệu trưởng: -Dạ bên đó. Bước vào văn phòng, Thiên tự giới thiệu mình thầy giáo mới về nhận việc. -Chào thầy, tôi là Khánh hiệu trưởng trường này, trước khi vào giờ tôi đưa thầy đi giới thiệu những thầy cô dạy trong trường. Thiên bước theo cô hiệu trưởng sang phòng bên cạnh. -Giới thiệu với anh chị đây là thầy Thiên vừa về trường, kế tiếp cô hiệu trưởng giới thiệu tên thầy cô giáo và tiếp tục: Trường đang thiếu thầy giáo dạy môn toán lý thầy về đúng lúc, tôi có nhận được hồ sơ thầy về trường, mừng là trường này có một giáo sinh tốt nghiệp loại giỏi về, hi vọng thầy sẽ dạy tốt và vui vẻ, sẵn đây tôi cũng phân phối công tác dạy lớp cho thầy luôn. -Thầy Thiên chịu trách nhiệm dạy toán từ lớp 6 tới lớp 9, lý lớp 8 và 9 cùng môn thể dục thể thao văn nghệ toàn trường, tôi sẽ đưa thầy xuống lớp giới thìệu với học sinh, tôi quên mất lớp 9 đang thiếu thầy giáo chủ nhiệm vậy thầy phụ trách luôn. Tiếng kẻng gõ vào giờ liên hồi Thiên chưa kịp nói lời nào theo cô hiệu trưởng đi xuống lớp. Tiếng vỗ tay của học sinh chào thầy mới về trường làm lòng Thiên xao xuyến. Thiên chẳng biết nói gì hơn ngoài lời phát biểu cố gắng đem hết khả năng mình giảng dạy. Ði một vòng xuống các lớp xong Thiên trở lại văn phòng. Cô hiệu trưởng hỏi Thiên: -Có chỗ ở dưới nầy chưa? -Chưa, tôi đang lo vì không biết ở đâu? -Nếu anh muốn mướn nhà thì nhờ thầy cô trong trường giúp anh, còn nếu anh muốn ở trong trường thì còn một phòng trống. -Tôi ở trong trường. Tiếng kẻng tan trường Thiên theo cô Hiệu trưởng ra đứng trước hành lang nhìn học sinh đang lũ lượt ra về, Thiên cảm thấy tâm hồn ngỡ ngàng thú vị trong ngày mới về đây. Các thầy cô tụ tập về văn phòng họp cuối tuần, họp xong cô Khánh hiệu trưởng trường phát biểu: -Thầy Thiên mới về trường chưa có chỗ ở, hiện trường còn một phòng trống tôi giải quyết cho thầy ở tạm. Các thầy cô đều đồng ý. Cô Khánh đưa chìa khóa cho Thiên rồi quay sang hai cô giáo. -Nhờ Thủy và Ánh chỉ chỗ ở trọ cho thầy Thiên. Buổi họp chấm dứt mọi người ra về. Thiên theo hai cô giáo đi xuống phòng. -Hai chị dạy ở đây lâu chưa? Cô Thủy trả lời: -Vài năm rồi, các thầy cô khác đều ở ngoài chỉ có tôi và Ánh ở trong trường, có thầy về ở phòng bên cạnh tụi nầy đỡ sợ ma, chớ đang ngủ mà nghe lục đục là sợ mất hồn. -Học sinh ở đây thì sao hả chị? Ánh đáp lời: -Chúng siêng năng, thành thật, tuy nhiên cũng có một vài học sinh cá biệt. Qua các dãy lớp học, cuối góc trường có hai căn phòng bên cạnh cây phượng vĩ. Cô Thủy vừa chỉ vừa nói: -Phòng của thầy bên đó. -Cám ơn hai cô. Thiên mở ổ khoá đẩy cửa bước vào, trong phòng không có gì ngoài cái bàn, cái giường ngủ, cái tủ, một lu nước và cái màng kéo. Thiên để cái túi xách quần áo lên bàn rồi đi qua phòng bên cạnh. Thấy cô Ánh đang vo gạo trước hiên nhà Thiên lên tiếng: -Làm phiền hai chị cho tôi mượn cây chổi quét nhà, dẻ lau, một chút xà bông bột và cặp thùng xách nước. Ánh bưng nồi gạo bắt lên lò rồi lấy đồ cho Thiên mượn, cô đưa tay chỉ Thiên và nói: -Vòi nước ở dưới đó. Thiên đem đồ về phòng, xách cặp thùng xuống cuối dãy. Xúc lu xong Thiên đổ nước vào, tiếng lau chùi quét dọn vang lên. Tắm thay đồ xong Thiên sang phòng bên cạnh. -Gởi trả lại hai chị cặp thùng xách nước sẵn tiện tôi xin biếu hai chị mấy ổ bánh mì và một chùm nem lúc nãy tôi mua trên đường xuống đây và nhờ hai chị chỉ tôi đường ra phố. Thủy cất cặp thùng vào góc vừa nhận quà vừa nói: -Cám ơn thầy đã cho quà bọn nầy, muốn ra phố, ra khỏi trường đi bộ dọc theo bờ sông tới đầu cầu quay là phố Bạc Liêu, chiều rồi thầy ra phố chi vậy? -Mua chiếu ngủ, chút ít đồ xài và giải quyết bao tử. Ánh lên tiếng: -Hay anh ăn cơm với bọn nầy lúc nãy tôi với chị Thủy nấu cơm nhiều vì biết anh mới xuống chưa kịp nấu nướng gì, định chờ anh dọn dẹp xong mời anh qua ăn, còn chiếu tụi này còn dư một chiếc cho anh mượn, mà anh có mùng không? -Mùng tôi có đem theo. Thủy pha trò: -Nếu không có thì muỗi Bạc Liêu sẽ tha thầy xuống sông, ừ...mà giờ nầy thầy ra tới thì chợ dẹp rồi, thôi mai cuối tuần tụi nầy đi chợ cho thầy tháp tùng theo, bây giờ dọn cơm ăn đã. Thiên ngồi vào bàn ăn cơm chung với hai cô giáo, bữa cơm với đĩa rau muống xào tương, với con cá phi chiên và cà tím nướng xào hành. -Hai chị nấu ăn ngon thật. Ánh nhìn Thiên nói: -Anh cứ tự nhiên đồ ăn rất giản dị. -Nhưng rất ngon, hai chị dạy môn gì? -Tôi dạy sinh-hóa còn Ánh dạy văn -sử. Cơm xong Thiên về phòng mình, sau mấy ngày hồi hộp lo sợ về trường mới, mệt đừ trên chuyến xe đò rồi dọn dẹp phòng nên nằm xuống Thiên ngủ một giấc tới sáng. Trời tờ mờ sáng Thiên thức dậy sớm mở cửa phòng, ngồi nhìn sân trường, lòng cảm thấy trống vắng trong nỗi im lặng của ngôi trường. Bất chợt Thủy và Ánh xuất hiện. -Anh chuẩn bị xong chưa? tụi nầy đi chợ. Thiên khoá cửa phòng bước theo hai cô giáo Trên đường đi Ánh hỏi Thiên:- Anh định mua sắm những gì? -Chiếu ngủ, xà bông giặt đồ, chén đũa, lò nấu, gạo, ly, bình trà, đường, cà phê, nồi... Thủy ngắt lời: -Thầy cũng biết lo. -Tại chưa có, mà không có lấy gì xài. Ánh lại hỏi Thiên: -Anh biết nấu ăn nữa à -Lúc học sư phạm ở trọ tôi cũng tập nấu. Tiếp tục Ánh hỏi: -Anh thường nấu những món gì? -Tôi không biết nấu gì đâu, cứ nấu đại món nào ăn cho xong miễn sao là no bụng Thủy xen vào: -Dễ ăn như thầy cũng hiếm, à mà thầy bao nhiêu tuổi? -Tôi 22, còn hai chị? -Thiên nhỏ hơn tôi bốn tuổi và bằng tuổi của Ánh. Vậy từ đây phải gọi tôi là chị Thủy và gọi Ánh là Ánh hay tên, còn tôi sẽ gọi Thiên bằng tên. -Dạ tại hạ xin nghe lời. Câu trả lời pha trò của Thiên làm hai cô giáo cười. Thiên thấy Ánh vừa cười vừa nhìn mình, đôi mắt nàng rụt rè, ngại ngùng lẩn trốn khi bắt gặp ánh mắt Thiên. Ðến chợ vài đứa học trò gặp thầy cô gật đầu chào. -Bọn tôi dẫn Thiên đi mua đồ trước, nên đến tiệm của học trò mua không sợ lầm giá. Thiên đề nghị: -Mình đã sắm sửa mọi thứ xong, tôi thấy đói, ở đây quán cơm nào ngon cô Ánh? - Quán cơm bình dân của một phụ huynh học sinh vừa rẻ lại vừa ngon, thường nấu món đặc biệt của dân Bạc liêu. Cơm dọn lên nào cá bóng kèo, nào mắm kho bung súng, nào cá kho tộ, nào lươn ươm xả ớt. -Mời hai cô giáo dùng cơm. -Thiên cứ tự nhiên, Ánh cũng vậy, sao hai người cứ ngại ngùng. Chị Thủy gắp một con cá kèo bỏ vào chén Thiên, gắp môt con cá kèo khác bỏ vào chén Ánh. -Cám ơn chị, không phải tôi ngại đâu chỉ sợ ăn hết đồ ăn của hai cô giáo thôi. -Anh cũng vui tính hay pha trò lắm. -Dạ chào thầy cô, em mới ra quán, thầy cô có cần gì không? -Thiên, Hoàng là học sinh lớp 9, lớp thầy sắp làm chủ nhiệm. -Cho thầy thêm vài trái ớt hìểm. -Thiên và Ánh ăn cay dữ quá, tôi chịu thôi, à mình uống gì gọi luôn? Cơm xong Thiên gọi Hoàng đến tính tiền. Ánh cũng lấy tiền ra và nói: -Anh để tôi trả hôm nay coi như tôi đãi anh về trường mới. -Không được lúc nãy tôi mời hai cô đi ăn mà. -Thiên không cần phải lo, lần sau tới phiên Thiên và tôi, vừa về trường mới, phải đợi vài tháng nữa mới có lương vả lại vừa rồi lại mua sắm đủ thứ, liệu có cầm cự nổi vài tháng không có lương không? Thôi để cô Ánh trả, Thiên đừng làm mất lòng người khác lo cho mình Ánh lườm chị Thủy mặt đỏ bừng. Thiên ngậm một cây tăm vào miệng bước ra quán: -Quán nầy nấu đồ ăn ngon thật, làm biếng nấu có lẽ nên ra đây ăn -Hai ngày tôi và chị Thủy đi chợ một lần anh cần gì thì cứ gởi, thỉnh thoảng mới ra tiệm ăn, chứ ăn ngoài nầy hoài lương làm sao đủ. -Tôi thật tình thì rất lười nấu mà sợ nhứt là làm cá. -Ánh làm cá nhanh, sạch và rất gọn gàng hỏi Ánh dạy cho. Thiên quay qua Ánh: -Tại hạ xin sư phụ dạy cho một vài chiêu tuyệt kỹ. Cả hai cô giáo lại cười. -Theo thường lệ mỗi tối thứ bảy bọn nầy đi quán nhạc, Thiên có muốn tháp tùng không? -Tại hạ sẵn sàng theo hai cô. Về tới phòng trọ sau khi sắp xếp những đồ mới mua về cho gọn Thiên lên giường ngủ một giấc ngon lành, mấy ngày thiếu ngủ, nằm xuống Thiên ngủ say như người chết, tiếng gõ bên vách làm Thiên giật mình thức giấc -Thiên sửa sọan đi quán nhạc chưa? Thiên theo chân hai cô giáo lang thang qua những con đường bùn sình của tỉnh lẻ, trời đêm nay có trăng, ánh trăng làm phản chiếu ba chiếc bóng trên đường qua những hàng cây rũ lá đang ngủ trong đêm. Thiên ngắm bóng mình, một chiếc bóng đen dài đang chạy nhịp nhàng theo từng bước chân đi dọc theo bờ sông chạy dài ra phố. Thiên lên tiếng: -Thành phố nầy về đêm buồn và thơ mộng thật Ánh hỏi: -Buồn và thơ mộng ở chổ nào anh Thiên? -Với giòng sông im lặng chảy êm đềm phản chiếu ánh trăng vàng mờ mờ, ảo ảo với tiếng róc rách của những mái chèo chài đêm. Ánh trăng lơi lả, giòng sông đa tình, làn nước mênh mông, xuồng chài lơ lửng, bềnh bồng, gập gềnh theo dòng nước, đẹp như một bức tranh, nên thơ và buồn bã như một bài thơ. Ðể tôi đọc bài thơ ‘’ °°Chài trăng ‘’ cho hai cô giáo nghe: Ánh trăng lơi lả trên sông Dập dờ làn nước mênh mông đa tình Xuồng chài lơ lửng bập bềnh Trên dòng sông vắng bềnh bồng lênh đênh Tung chài ở giữa dòng sông Nhẹ nhàng bao bóng trăng trong dập dờ Dòng sông nước chảy lựng lờ Chài làm sao được trăng mờ nhấp nhô Lẳng lơ theo sóng đổ xô Bóng trăng êm ngủ ngây ngô xuồng chài. Thủy nhanh miệng hỏi ngay: -Bài thơ Thiên vừa đọc của tác giả nào vậy? Thấy Thiên lúng túng Ánh nói: -Chắc chắn là của ảnh. Ðúng không anh Thiên? -Cảm xúc, tôi vừa làm đại xin đừng cười. -Cũng hay hay có vẻ lãng mạn lắm thầy Thiên. -Anh vừa về nên có đầy cảm hứng, bọn tôi ở đây lâu không còn xúc cảm Tới đầu phố, Thiên nhìn những quán đêm bày dọc theo hai bên lộ, tiếng nhạc trữ tình đang liên tục phát ra từ những máy hát, trong những góc bàn một vài cặp đang trò chuyện, vài đôi tình nhân tay trong tay bát phố, một cơn gió nhẹ làm lay động những chiếc lá ngủ đêm, thỉnh thoảng vài chiếc lá âm thầm rơi nhẹ nhàng êm đềm trong đêm mà chẳng ai thèm để ý. Sinh hoạt về đêm của một tỉnh lẻ gần cuối bản đồ nước Việt cũng đầy náo nhiệt, hấp dẫn, nó có cái nét đặt biệt riêng lẻ, quyến rũ như nàng con gái để Thiên đam mê ngắm nghía. Thiên châm một điếu thuốc lá nhìn những cụm khói bay vào hư ảo lòng Thiên buồn là lạ trên con phố mới. Tới quán Bạch Mã ba người ngồi vào bàn. -Chào thầy cô, thầy cô uống gì? -Thiên gọi cho mình một phin đá còn hai cô thì đá chanh. -Tôi rất ngạc nhiên chổ nào cũng có học sinh trong trường! -Tỉnh lẻ mà Thiên, em đó là Tuyết Như học sinh lớp 8. Thiên nhìn quanh rồi nói: -Nhiều bàn mà vẫn không còn chỗ. Thủy tiếp lời: -Bạc Liêu cũng có nhiều quán nhạc nhưng đặc biệt là quán nầy lúc nào cũng nhiều khách, Thiên thử đón coi vì sao? -Có lẽ nhờ cách trang trí dưới ánh đèn mờ mờ, người ta có thể nhìn nhau thì thầm những gì mà người khác không thấy được, với những cái ghế đôi tình tự hay với những tình khúc yêu đương làm cho tình yêu thêm thần thánh, với những bức tranh nghệ thuật và với cách trang trí đơn sơ, mỗi người vào đây với mỗi ý thích riêng biệt. -Thiên nhận xét rất đúng. Im lặng Thiên nhìn những giọt cà phê phin đang nhỏ xuống ly, Ánh đang cầm cây muỗng viết những gì trên bàn, Thủy đang chăm chú nghe nhạc. Những bài tình ca của Lê Uyên Phương đang nhẹ nhàng rung động tâm hồn. Thầy Hùng và cô Khánh cũng vào nữa kìa. Thủy lên tiếng: -Mời anh chị ngồi chung cho vui. Hùng hít một hơi thuốc rồi hỏi Thiên. -Thiên quê ở đâu? -Bạc liêu, Sài Gòn và Mỹ Tho. Mẹ tôi người Mỹ Tho, kết hôn với ba tôi người Bạc Liêu dạy chung trường, tôi sinh ra tại tỉnh nầy. Vài năm sao gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn, được mấy năm thì ba tôi qua đời. Tôi học hành và lớn lên ở trên ấy. Cô Khánh quay qua nói với Thiên: -Môn toán trường mình học sinh học dở lắm, kết quả cuối năm không được điểm cao, nhất là khi thi vào lớp 10 các em đa số bị trượt vì môn toán, lúc trước bộ môn nầy có hai người dạy, một cô vừa nghỉ việc vì sắp sanh, một thầy vừa nghỉ việc chuyển sang ngành khác. Có Thiên về trường vẫn còn thiếu một giáo nữa, Thiên chịu khó dạy cực một chút khi có giáo mới về tôi sẽ sắp xếp lại. -Tôi sẽ cố gắng hết sức mình. -Còn văn nghệ thầy cũng cố gắng, thi học sinh hát hay, thường trường mình là đậu hạng cuối, không phải là các em hát dở mà là không có ai hướng dẫn các em hát cho đúng nhịp. Thầy Hùng ngồi kế, vừa vỗ vai Thiên vừa nói: -Trách nhiệm của thầy rất nặng nề đó nghe Thiên. Còn trẻ thì rất tích cực, hình như trong nầy Thiên nhỏ tuổi nhất thì phải Thiên lập gia đình chưa? -Tôi bằng tuổi cô giáo Ánh, còn vợ con thì chưa có. Thiên vừa dứt câu, Thủy nói ngay: Sẵn đây tôi cũng nói cho Thiên biết: -Thầy Hùng và cô Khánh vừa làm đám cưới vài tháng trước, tôi đã làm đám hỏi rồi đang chờ ngày làm đám cưới, còn các thầy cô khác cũng có gia đình cả chỉ còn có Thiên và Ánh...Thủy bỏ dở câu nói. Thiên dõi mắt nhìn Ánh, nàng cũng đang nhìn Thiên nét mặt thẹn thùng, cô giáo ít nói có đôi mắt tròn to long lanh buồn thảm, có đôi môi son hay cười mĩm mĩm, có mái tóc thề chấm ở bờ vai, có dáng mi nhôn mảnh khảnh.... Thầy Hùng và cô Khánh từ giã đi trước. Thiên đến quày trả tiền. -Thầy Hùng đã trả rồi thầy. Trở lại bàn Thủy lên tiếng: -Hãy còn sớm hay là mình tìm cái gì ăn? Ánh đề nghị: -Ði ăn bánh cuốn. Thiên lại tiếp tục theo hai cô giáo tới quán bánh cuốn. -Chào thầy cô. Ở trong còn một bàn trống mời thầy cô vào. Bánh được đem ra nóng hổi với mùi giá hấp và mỡ tỏi. Vừa ăn vào vài miếng Thiên buộc miệng khen: -Nước mắn ớt và bánh ở đây ngon tuyệt, mà hình như ở tỉnh nầy cái gì ăn cũng ngon. -Thiên ơi phụ huynh họ chiếu cố mình đó, bánh thì cho nhiều chả hơn, cơm thì lựa cá ngon, tính tiền lại bớt chút ít, nghề giáo cũng có cái hay được mọi người tôn trọng cho nên cố gắng đừng làm phụ lòng phụ huynh, làm sao để con họ học giỏi, thi đạt kết quả. Ðó là niềm hi vọng của họ, là sự mong ước của chúng mình. Trở về phòng Thiên ôm đàn hát một bản nhạc của Trịnh Công Sơn: Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em, tóc em từng sợi nhỏ...Bài hát vừa chấm dứt đã có tiếng vỗ tay vang lên từ bên vách. -Thiên hát như môt ca sĩ, hát một bản nữa đi. Thiên dạo đàn và tiếp tục bằng bài Tình xa: Ngày tháng nào đã ra đi... Tiếng hát vừa chấm dứt tiếng gõ cửa phòng cũng vang lên: -Thiên ra ngoài nầy hát cho vui. Thiên ôm đàn ra sân trường ngồi trên chiếc chiếu vừa được trải. Ánh trăng mờ mờ dập dờ dưới tàn cây phượng. Tiếng hát của ba người tuần tự êm dịu trong đêm. Họ gởi tâm sự mình qua những bản nhạc để thố lộ những sâu kín trong trái tim, để dỗ dành an ủi cuộc đời trong những đêm bơ vơ buồn bã. Trời về khuya hai cô giáo đứng dậy từ giã. Thiên trở vào phòng, mở cửa sổ nhìn ra dòng sông, mặt nước phẳng lặng lóng lánh ánh trăng. Thiên nhớ đến Hương cô giáo sinh sư phạm cùng trường đã quen nhau bao ngày tháng trong những chiều thực tập giảng dạy về, trong những lần hò hẹn bên nhau trong quán nước. Thiên vội vã ngồi vào bàn viết một lá thư: -Anh về trường mới, ở đây thầy cô rất vui vẻ, anh ở trong trường, tỉnh lẻ thật buồn bã nhưng rất thơ mộng, mưa rơi dai dẳng, bóng trăng mờ ảo, nhìn dòng sông phẳng lặng bềnh bồng vì mưa bên khung cửa sổ anh nhớ Hương khôn tả. Những kỷ niệm xưa mãi hiện về trong tiềm thức, trong những đêm khó ngủ, ước gì lúc nầy có Hương để nói cho Hương nghe những gì mà ngày xưa mình chưa dám nói. Mong thư Hương. Tuần sau nhận được thư Hương, Thiên đọc vội. -Viết thư cho em sao mà ngắn gọn thế, hết từ rồi à! Em về trường mới ở đây học sinh rất ngoan, thầy giáo nhiều hơn cô, giáo án, sắp xếp lên bục giảng làm em mệt nhừ ngày này sang ngày khác. Em cũng nhớ đến anh. Trách anh mà em cũng chẳng biết viết gì. Mong thư anh. Cuộc tình xa cách, những lá thư là niềm vui lúc người ở phương nầy người góc nọ. Thiên tiếp tục công viêc giảng dạy tìm vui trong ánh mắt học trò trong những bài toán. Sau ba tháng về trường mới Thiên được lãnh lương mua một chiếc xe đạp cũ về phòng. -Thầy! -Mấy em đến sớm vậy! Tuấn đến lục cơm ngụội của thầy. Vĩnh đến phụ thầy cạo sườn xe đạp, còn em đến phá cây đàn của thầy. Hoàng tiếp tục: -Thầy định sơn xe nầy màu gì? -Màu đen. Vĩnh hỏi: -Sao lại màu đen hả thầy? -Ðể ít tốn thì giờ lau chùi. Hoàng nói: -Nhà em gần đây, em về nhà lấy đồ nghề cho thầy mượn sửa xe. Vĩnh đưa tay lung lay bộ đùm, bộ đồ giữa và bộ cổ, rồiquay sang thầy: -Xe thầy cần thay bi mới vì nó bị rơ hết rồi, em đi mua bi cho thầy. Thiên đưa tiền cho Vĩnh và nói: -Em mua thêm cho thầy mấy tấm giấy nhám và ghé chợ mua cá rau để nấu cơm ăn. -Em chỉ mua đồ sửa xe thôi, còn đồ ăn tụi em đã chuẩn bị rồi. Tiếng inh ỏi của học trò cùng tiếng chà cạo làm căn phòng của Thiên náo nhiệt. Tiếng chân bước ngoài hành lang rồi dừng lại trước cửa phòng, thấy cô giáo Hoàng nói: -Chào cô. Lúc nãy tụi em sang phòng cô nhưng không có cô ở nhà. -Cô và cô Ánh vừa đi chợ về. -Chị cho tôi mượn cái nồi lớn nấu cơm. -Bao nhiêu người mà nồi lớn hả Thiên? Hoàng nhanh miệng trả lời: -Dạ mười người. -Thiên khỏi lo việc nấu nướng, tôi với Ánh nấu cho. Một vài học sinh vừa tới. Vĩnh đưa cho Thầy mấy tờ giấy nhám và mấy bộ bi vừa mua về, Hoàng đang dùng đồ nghề vừa mang tới phụ thầy tháo mấy ổ bi. Thủy phát biểu: -Em nào theo cô nhúm lửa vo gạo. -Dạ tụi em. Mấy học sinh nữ vừa đến theo cô Thủy sang phòng bên. Tuấn nhanh tay lấy mấy bọc đồ ăn đưa cho Sương bạn cùng lớp rồi nói: -Trên đường đến đây tụi em có ghé chợ mua một mớ rau cải, còn mấm chao, mấm ruột đu đủ và cá tôm cua là của Vĩnh, ghe đánh cá nhà nó về. Má Vĩnh gởi cho khi nghe tụi em dự định nấu ăn ở trường. Thủy nhìn mấy bọc cá cua tôm nói: -Nhiều quá làm sao ăn hết. Thôi mấy em theo cô, phải nhanh tay còn tập dợt văn nghệ và đá banh nữa. Thiên sơn lót sườn xe xong, Hoàng đang cho mỡ bò vào mấy ổ bi mới, vừa thay vừa nói: -Có thầy về trường nầy vui quá, văn nghệ, thể thao đều phát triển mạnh, cả tỉnh nhỏ nầy học trò đang phê bình, xì xào thầy. Tuấn ngắt lời bạn: Em thích nhất là giờ toán của thầy, nhất là lúc làm toán chạy, hồi trước thấy toán là chán, môn gì toàn là con số, khô khan như nắng, khó hiểu mập mờ như ánh trăng, nhưng bây giờ toán ướt át như trời mưa, giản dị như một dòng sông, thích thú và thoải mái như một bài hát. Hoàng phụ họa: -Em cũng vậy, em thích nhất là lúc thầy giảng bài, vừa đơn giản vừa dể hiểu, về nhà không cần học bài cũng có thể nhớ. Lúc trước giờ Toán là đám học sinh nữ trốn đi đâu mất hết bây giờ toán chạy, chạy còn nhanh hơn đám con trai Vĩnh lại tiếp tục: -Thầy bình dân, lại thích gần gũi học trò. Thiên mỉn cười khi nghe học sinh nói, lòng Thiên cãm thấy sung sướng, những lời phát biểu của học sinh là một niềm an ủi vô biên trong tâm hồn của cuộc đời làm nhà giáo. Chiếc xe đạp cũ được sơn và sửa chữa xong. Tuấn lấy cây đàn treo trên vách vừa đệm vừa hát bài ca Ngày xưa hoàng thị: Em tan trường về đường mưa nho nhỏ...Vĩnh và Hoàng cũng hát theo. Thiên im lặng nghe học trò hát, bài hát như khơi lại một thời niên thiếu, một quãng đời học trò vừa biết yêu trong những ngày còn cắp sách đến trường làm Thiên bổng nhớ tới Hương người giáo sinh sư phạm mà Thiên hay đón đưa trong những lần thực tập. Bài hát vừa chấm dứt Vĩnh nói: -Còn mấy tháng nữa nghỉ hè lên cấp không biết buồn hay vui nữa, xa trường nầy sao cảm thấy buồn quá, em luyến tiếc mãi những tháng ngày xa xưa với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm, mà nhất là năm nay, năm vui nhất. Thầy tổ chức cắm trại đi thầy. Tuấn tiếp lời bạn: -Như những trường khác thầy tổ chức một tập thơ văn để tụi em được dịp viết lại những kỷ niệm ngày nào còn ở trường và làm quà lưu niệm cho cuộc đời. -Ý kiến rất hay. Thầy sẽ đề nghị cùng cô hiệu trưởng và giáo viên trong trường. Liễu bước vào phòng: Mời thầy và mấy bạn sang phòng dùng cơm, đồ ăn chín hết rồi. Em lấy thêm chén đũa của thầy thì mới đủ. Thiên khen đồ ăn ngon Hồng chỉ món nầy là cô Ánh nấu, món đó là cô Thủy nấu, còn tụi em thì chỉ giúp hai cô. Tiếng xe tắt máy thầy Hùng và cô Khánh bước vào phòng. Cô Thủy lên tiếng: -Mời anh chị vào dùng cơm luôn thể. Hai người vào ngồi ăn chung Khánh nói: -Hôm nay vui quá nhỉ, mấy món nầy ngon và lạ miệng thật. Thiên pha trò: -Tôi định mở một tiệm ăn mời hai cô giáo nầy nấu cho. Hùng phụ họa: -Chắc không còn chổ để tôi ngồi. Thiên nói với cô Khánh và thầy cô về lời đề nghị của học sinh tổ chức bích báo và cắm trại. -Tôi đồng ý nhưng thầy cô phụ trách. Hùng xen vào: -Cắm trại thì thầy Thiên phụ trách còn bích báo thì cô Thủy và cô Ánh. Thủy tiếp lờI: -Tôi và Ánh đồng ý nhưng tờ báo cũng phải có sự góp tay của Thiên về phần phụ bản tô điểm tranh ảnh và duyệt bài, Thiên rất thạo về nghề làm báo, quí vị có đọc những bài phóng sự, thơ và những truyện ngắn trên báo anh ấy viết không? Khánh phát biểu: -Vậy thì giao cho ba người. Thiên đề nghị: -Em Tuấn vẽ rất đẹp, hình ảnh rất nghệ thuật. Tôi đề nghị Tuấn cũng góp phần vào tờ báo. Học trò càng lúc tới càng đông. Khánh hối: -Thôi mình lên phòng dợt văn nghệ. Chương trình được tập đợt theo thứ tự trình diễn, sinh hoạt vui nhộn với tiếng đàn, với lời ca...Thiên phát biểu: -Em Hồng hát bản Ai ra xứ Huế rất xuất sắc, em Yến hát bài Nỗi buồn hoa phượng cần tập lại thêm vài lần cho đúng nhịp với tiếng đàn, Tuấn đánh đàn và hát bài Ngày xưa hoàng thị rất hay, Vĩnh với bài Thà như giọt mưa cần chậm lại ở đoạn giữa, Hoàng với bài Em hiền như Masoeu rất đúng nhịp...Còn ba bài họp ca bài, bài dân ca ba miền do ba em Loan, Khải, Dung rất hay, bài Lòng mẹ giọng chánh thì được còn giọng bè cần tập lại chút ít... Cô Khánh và thầy Hùng phụ trách phần họat cảnh và kịch vui cũng góp ý, cô Thủy và cô Ánh phụ trách phần vũ điệu Trống cơm và mưa lạnh trên đèo cũng góp ý...Cô Khánh phát biểu cuối cùng: -Xem như buổi tập dợt đạt kết quả rất khả quan, tuần sau chúng ta tập lại lần nữa trước khi trình diễn, các em cố gắng hi vọng năm nay trường mình sẽ nhận được giải thi đua văn nghệ. Chiều nay là buổi tập đá banh cuối cùng của trường, giờ thì chúng ta chuẩn bị ra sân vận động cô hi vọng mấy em cùng đi cổ động và khuyến khích đội banh trường. Sau khi chia đội xong, ai tấn công, ai thủ thành, ai chạy bao sân, Thiên hướng dẫn học sinh cách bắt banh, đội đầu, cách cướp banh, lừa banh, dẫn banh, châm banh cho bạn rồi cách tấn công, cách thủ thành, cách đá phạt và cặp sát đối phương làm thế nào cho chính xác phù hợp với thời điểm. Nhìn Thiên đang chạy theo đám học trò trên bãi đá Thủy nói với Ánh và cô Khánh: -Thiên môn nào cũng giỏi, coi cái bộ điệu ảnh giống như một cầu thủ nhà nghề. Khánh, Thủy và Ánh cùng đám học sinh nữ vỗ tay khi một học sinh vừa phá lưới, Khánh phê bình: -Năm nay học trò đá banh giỏi thật. Chiều xuống một buổi chiều êm ả, ánh nắng yếu ớt đang lịm dần trên sân cỏ. Thầy Thiên, thầy Hùng và đám học sinh rời sân vận động, Hùng nói: -Qua những ngày Thiên tập dợt hôm nay ra sân tôi thấy học trò trường mình tiến bộ vượt bực, cách tấn công nhanh với những cú đá bất chợt, cách chuyền banh rất ư là chính xác, đội hình tấn công và thủ thành chạy lên xuống thật là mau lẹ, đặc biệt nhất là các em chạy rất nhanh, Nhân, Hiền, Dũng, Hoàng trong đội tiền đạo rất giỏi với những cú đá phá lưới và đội đầu. Năm nay có thể trường mình đoạt giải, mấy năm trước trường mình không có ai hướng dẫn, các em chỉ tập dợt sơ sơ để thi đấu nên khó mà thắng được, tôi thì rất thích đá banh nhưng đá dở thì không ai bằng. Quay qua phiá Thiên, Hùng hỏi: -Tôi nghe Thiên được tuyển vào đội bóng của tỉnh? Tiếng Nhân xen vào: -Thầy Thiên là cầu thủ tiền đạo của đội -Thầy cô ghé quán nào uống nước, tụi em khát nước đến cháy cổ. Tuấn quay qua hỏi Hoàng: -Phải quán Xuân ở lớp mình không? Mầy là muốn đến quán đó thôi. Hoàng đáp: -Ðâu phải chỉ riêng có tao, mà tụi mầy còn đến đó thường hơn tao nữa. Thầy biết không Xuân là hoa khôi của trường nên chiều chiều là quán đó đầy học trò, đến nỗi không có đủ sữa đậu nành để bán. Vĩnh nói tiếp: -Tụi tao đến để uống sữa đậu nành vì quán Xuân bán sữa ngon, còn mầy đến vì muốn nhìn người ta. Thiên nhìn đám học trò đang đi bộ bên cạnh mình khẽ nói: -Nói nho nhỏ thôi không sợ đám bạn ở phiá trước nghe à! Mặt Hoàng đỏ bừng ngượng ngập. Tới quán đám học trò con trai ngồi chung bàn với Thiên, Xuân tới bàn chào hỏi thầy, nhìn Hoàng cười, hỏi mọi người uống gì rồi quay đi vào trong pha nước. Tuấn lên tiếng chọc phá Hoàng: -Thầy thấy không em nói có sai đâu, vừa rồi Xuân chỉ cười với Hoàng thôi, còn Hoàng thì nhìn không chớp mắt làm em nhớ tới một bài hát: -Trong đôi mắt anh em là tất cả...Hoàng nhìn Vĩnh vừa cười vừa nói: -Tao chịu mầy cái chỗ phá người khác rất hay, hôm khác tao sẽ phá lại mầy một mẻ. Thiên nhìn đám học trò mỉn cười, tuổi trẻ rất là vô tư, tình cảm rất là bí mật khi bị ai nói đúng lòng thì đỏ mặt rụt rè, ngập ngừng hay cứ chối quẩn, thầm kín chỉ muốn dấu kín trong tim, ôm ấp trong giấc mộng, nên thơ, thi vị, biệt lập và đặc thù cũa lứa tuổi hồn nhiên trong cuộc đời làm học trò còn ôm sách đến trường. Trở về trường tắm xong Thiên mở cánh cửa sổ phòng, nhìn dòng sông nước chảy xiết, những cánh lục bình đang trôi lơ đãng, bóng trăng đang dập dờ trên mặt nước lòng Thiên cảm thấy trống trải thơ thẩn, dòng sông thật buồn cô đơn và đầy vẻ quyến rũ, lững lờ, êm ả, thơ mộng như một người con gái. Thiên ngồi vào bàn dự định viết một đoạn văn hay một bài thơ về dòng sông, bỗng có tiếng gõ từ bên vách giọng cô giáo Thủy vang sang: -Thiên ơi qua ăn cơm, đồ ăn hồi trưa còn nhiều lắm. Thiên bước sang phòng bên cạnh ngồi vào bàn ăn cơm cùng hai cô giáo. Ánh đưa cho Thiên nhìn tờ báo và chỉ: -Bài thơ nầy của anh, tôi có đọc mấy truyện ngắn và phóng sự anh viết trên báo lúc trước -Tôi viết lách để kiếm thêm chút tiền nhuận bút và giết những thì giờ trống trải. Họ đăng quảng cáo là anh sắp xuất bản một tập thơ với chủ đề: MẮT NGOC. Bài thơ ấy dễ thương. -Ðọc nghe Ánh.