Hôm sau nữa, trời đã sáng sủa, cặp Mácphâylơ tìm cách tiêu khiển cho qua cái nửa tháng ngồi không ở Pagô-Pagô này. Họ xuống bến, mở rương lấy ít cuốn sách ra. Ông chồng lại thăm bác sĩ giải phẫu, giám đốc bệnh viện thủy quân và được dẫn đi coi các phòng ở bệnh viện. Lại chào ông thống đốc mà không gặp, để thiếp lại. Giữa đường gặp cô Thômxơn, Mácphâylơ gỡ nón chào, cô ta vui vẻ, ồn ào đáp lễ “Chào bác sĩ”. Cô ả cũng bận chiếc áo dài trắng như hôm trước. Đôi giày cao gót, láng, để hở cặp giò mập mạp đó, trong cái khung cảnh này mới chướng mắt làm sao! Bà Mácphâylơ nói: - Ở cái xứ này mà ăn bận như vậy, coi sao được? Con người thô bỉ! Về đến nhà, thấy cô ả đương chơi dưới mái hiên với một đứa trẻ đen xạm. Mácphâylơ nói nhỏ với vợ: - Trò chuyện với cô ta vài câu; cô ta lẻ loi ở chốn này; mà mình làm ra vẻ như không thấy, cứ làm lơ thì không nhã. Bà Mácphâylơ cũng hay e lệ, nhưng luôn luôn chiều ý chồng, nên cũng hỏi cô Thômxơn một câu vớ vẩn: - Hình như chúng ta ở trọ một nhà với nhau. Cô ả đáp: - Thật là tệ hại, há! Chui rúc trong cái chuồng ngựa này, vậy mà họ còn bảo tôi may mắn lắm mới kiếm được một căn phòng đấy. Không lẽ mà mình đi ở cái chòi của tụi bản xứ, chứ lại đó như tụi khác còn hơn. Tại sao mà họ không cất khách sạn nhỉ? Họ nói với nhau vài câu nữa. Cô Thômxơn nói bô bô, miệng quay ra chỉ mong có người để kể lể, nhưng bà Mácphâylơ không biết nói gì thêm bảo: - Thôi, tôi phải lên phòng. Tối hôm đó, tới bữa cơm, Đavítxơn đưa tin: -Có hai anh lính thủy ở trong phòng con đó. Nó làm quen họ cách nào nhỉ? Bà Đavítxơn nói: - Chắc ả không khó tính lắm. Tất cả đều mệt mỏi vì suốt ngày ở không. Mácphâylơ thở dài: - Phải ở lại đây tới nửa tháng, không biết rồi tình trạng chúng mình sẽ ra sao? Nhà truyền giáo đề nghị: - Phải lập chương trình cho mỗi ngày. Tôi sẽ bỏ ra vài giờ để học, ít giờ để tập thể dục, bất kỳ mưa nắng –mùa mưa thì đợi nắng làm sao được- thì giờ còn lại thì tiêu khiển. Mácphâylơ nhìn bạn, không có vẻ tin lắm. Chương trình đó nặng quá đối với ông. Trong khi họ ăn món thịt bò –nhà bếp chỉ biết nấu có mỗi món đó- thì máy hát lại vang lên. Khách khứa của cô Thômxơn cùng lớn tiếng hát một bản đương được thiên hạ hoan nghênh, nhưng rồi giọng oang oác của cô ả lấn át hết. Họ la hét, đùa giỡn. Hai gia đình ráng tiếp tục chuyện trò, nhưng rồi cũng phải chú ý tới tiếng ly cụng nhau, tiếng ghế lết trên sàn. Chắc có thêm khách mới tới. - A, một dạ hội ở đây. Hai ông đương bàn cãi với nhau về y khoa thì bà Mácphâylơ bỗng chen vô: - Không biết cô ta có chỗ đâu mà chứa bấy nhiêu người? Óc bà ta vơ vẩn đâu đâu. Đavítxơn nhăn mặt lại. Mặc dầu đương nói chuyện về y khoa mà trí não ông cũng hướng về phía dưới. Thình lình trong khi bác sĩ tả vài chứng bịnh mà ông có dịp nhận xét trên mặt trận Phlânđrơ, thì nhà truyền giáo đứng phắt ngay dậy, thốt một tiếng lớn. Bà Đavítxơn hỏi: - Cái gì đó, mình? - Hiển nhiên rồi! Sao mà mình không nghĩ tới chứ? Cái đó ở Iuơlây ra mà! - Vô lý! - Nó đáp tàu ở Hônôlulu. Rõ ràng quá rồi. Và nó kiếm ăn ở đây. Ở đây! Ông ta giằng mạnh vào hai tiếng cuối, vẻ khinh bỉ. Bà Mácphâylơ hỏi: - Iuơlây là cái gì? Cặp mắt sâu hoắm của Đavítxơn nhìn trừng trừng bà Mácphâylơ, giọng ông ta vang lên vì ghê tởm: - Cái xóm quỷ ở Hônôlulu, xóm bình khang…Một vết nhơ trên nền văn minh của chúng ta. Iuơlây của đầu tỉnh. Từ hải cảng đi vào những ngõ hẻm, trong bóng tối, qua một cái cầu lung lay, tới một đại lộ vắng vẻ đầy ổ gà, rồi thình lình vô một khu có đèn sáng trưng. Hai bên đường có những xưởng sửa xe hơi, những quán cà phê rực rỡ, mà quê mùa, ồn ào tiếng đàn, tiếng ca, những tiệm hớt tóc và tiệm bán thuốc hút. Không khí có cái gì như kích thích, chờ đợi khoái lạc. Con đường lớn đó chia Iuơlây làm hai, mỗi bên có những con đường ngang nhỏ. Quẹo vào những con đường này là thấy hàng dãy nhà, mà nhà nào nhà nấy xinh xắn, đẹp đẽ, sơn xanh, cách nhau bằng những lối đi dọc và thẳng. Cái vẻ đều đặn, xinh đẹp, ngăn nắp đó mà lại tiết ra một cái gì làm cho ta cái cảm giác ghê tởm; vì không ở đây mà sự mua son bán phấn lại tổ chức có hệ thống như ở đây. Chỉ có ít ngọn đèn rải rác trên những lối đi, thành thử nếu ánh đèn trong nhà không chiếu qua cửa sổ thì ngoài đường sẽ tối tăm. Đàn ông dạo tới, dạo lui, ngó những cô ả ngồi ở cửa sổ đương thêu thùa hoặc đọc sách, làm bộ không để ý đến khách qua đường. Đàn ông cũng như đàn bà thuộc đủ các dân tộc: nào là người Mỹ, nào là những lính thủy ghe bến, tụi lính tình nguyện trên chiến hạm, say mèm, rồi tụi xăng cả da trắng và da đen đóng đồn trên đảo, bọn Nhật, bọn Trung Hoa áo dài lượt thượt, bọn Haoai, bọn Philippin đội những chiếc nón kỳ cục, hết thảy đều lầm lũi, như ngạt thở. Tình dục sao mà tẻ. Đavítxơn hống hách quát tháo: - Ơ trụy lạc trâng tráo nhất trên Thái Bình Dương. Đã bao lâu nay, các nhà truyền giáo mạt sát sự đồi bại đó và sau cùng báo chí trong miền cũng phải lên tiếng. Mà ty cảnh sát không chịu diệt. Họ viện lẽ rằng không sao tránh được cái xấu xa đó, vậy thì tốt hơn là dồn vào một khu cho dễ kiểm soát. Sự thực là họ ăn tiền. Đúng vậy, những chủ quán cà phê, tụi ma cô và chính tụi điếm nữa hối lộ họ. Nhưng rồi rốt cuộc họ cũng phải hành động. Mácphâylơ nói: - Tôi có đọc tin trên báo Hônôlulu. - Đúng ngày chúng tôi tới thì xóm Iuơlây với tất cả cái tội lỗi, cái nhục của nó bị diệt hẳn. Toàn dân khu đó bị đưa ra tòa…Tại sao mà lại không nhận ngay ra được con điếm đó kia chứ? Bà Mácphâylơ bảo: - Bây giờ nghe ông nói tôi mới nhớ rằng cô ta xuống tàu vài phút trước khi tàu chạy. Lúc đó tôi đã nhận thấy cô ta có vẻ không lương thiện. Vẫn giận dữ, Đavítxơn la: - Làm sao mà nó dám tới đây, kìa? Tôi không khi nào tha thứ điều đó. Rồi ông ra rảo cẳng bước ra cửa. Bà Mácphâylơ hỏi: - Ông định làm gì vậy? - Bà muốn tôi làm cái gì nữa bây giờ? Phải làm ngưng cái đó lại chứ. Tôi không để cho chúng nó biến cái nhà này thành…thành… Ông ta kiếm một tiếng để khỏi làm hai bà mắc cỡ. Cảm xúc làm cho mắt ông sáng ngời, nước da đã tái lại tái thêm. Bác sĩ nói: - Hình như có ba bốn người đàn ông ở dưới đó. Xuống lúc này e có khinh xuất chăng? Vị cố đạo lườm bác sĩ, vẻ khinh bỉ, rồi chẳng nói chẳng rằng, bước nhanh ra khỏi phòng. Bà vợ bảo: - Ông chưa biết tính nhà tôi, không có sự nguy hiểm nào về bản thân mà có thể ngăn cản ông ấy được khi thực hành nhiệm vụ. Bà ta ngồi, tay chắp lại vì kích thích mạnh, lưỡng quyền cao đỏ ửng lên, ráng nghe xem cái gì xảy ra ở dưới. Cả ba đều lắng tai nghe. Thấy tiếng Đavítxơn xuống cầu thang bằng cây rồi mở cửa. Thình lình tiếng ca ngưng bặt nhưng máy vẫn hát vẫn ồ ồ một bản thô lỗ. Có tiếng Đavítxơn vang lên, tiếp ngay là tiếng một vật nặng rớt xuống, âm nhạc ngừng. À, thì ra ông đã gạt cái máy xuống sàn. Rồi có tiếng Đavítxơn với tiếng the the của cô Thômxơn; sau cùng là tiếng ồn ào, như có nhiều người cùng gào hét một lúc. Bà Đavítxơn thở dài, hai bàn tay nắm chặt lại. Mácphâylơ nhìn hết bà nọ đến bà kia, không biết nên làm gì. Ông không muốn xen vào chuyện đó, nhưng có lẽ hai bà mong ông xuống chăng? Rồi như có cuộc ẩu đả. Tiếng động bây giờ rõ ràng hơn. Ông Đavítxơn đã bị họ hất ra ngoài rồi chăng? Cửa đóng lại cái rầm. Yên lặng một chút, rồi có tiếng ông Đavítxơn leo cầu thang, trở về phòng. Bà Đavítxơn bảo: - Tôi đi tìm nhà tôi. Bà ta đứng dậy đi ra. Bà Mácphâylơ dặn: - Nếu tôi giúp được bà việc gì thì bà kêu tôi nhé. Khi bà bạn đi khỏi, bà nói: - Em mong rằng ông ấy không bị thương. Bác sĩ hơi gắt: - Khi không ông ấy xen vô làm cái gì chứ? Họ yên lặng ngồi xuống. Được vài phút, tiếng khiêu khích của máy hát lại làm họ giật mình. Có những giọng khàn khàn ngạo nghễ hát một bài tục tĩu.