Phần 3

Chương 11
Việt Nam hóa và rút quân
Trong cuộc chiến chống cộng, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) có một số lỗi lầm quan trọng về chiến thuật và chiến lược. Một trong những lỗi lầm nghiêm trọng nhất VNCH vấp phải là sự chậm trễ trong nỗ lực tổng động viên, dồn tất cả nhân lực của quốc gia vào mục tiêu chống cộng.
Ở miền Bắc, từ sau quyết nghị “phải dùng vũ lực để thống nhất miền Nam” của Lê Duẩn vào tháng 5-1959, chính quyền cộng sản đã động viên nhân lực nhiều lần để thực hiện mục đích xâm lăng của họ. Trong khi đó, phía VNCH chỉ chính thức ban hành luật động viên một cách phổ quát sau cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 của Cộng sản Bắc Việt (CSBV). Những năm trước đó, tháng 8-1957 và tháng 1-1959, các sắc luật về động viên có tính cách giai đoạn, nằm dưới hình thức Nghĩa vụ Quân sự. Hai sắc luật trên qui định: Nam công dân tuổi từ 20 đến 21 phải phục vụ trong quân đội một thời gian là 18 tháng rồi được trở về đời sống dân sự. Hai sắc luật này rất lỏng lẻo, và nhà chức trách cũng không thực tâm thi hành triệt để. Tháng 4-1964, sau cuộc đảo chánh thứ nhì trong vòng hai tháng (đảo chánh Ngô Đình Diệm 1-11-1963; và Nguyễn Khánh “chỉnh lý” Dương Văn Minh, 1-1-1964) một sắc luật mới được ban hành, qui định về Nghĩa vụ Quốc gia và Phòng vệ Dân sự. [1]
Luật tổng động viên 1968 do Quốc hội ban hành (thay vì chỉ là sắc luật tạm thời) là kết quả của sự thúc bách khi VNCH đối diện vấn đề một sống một còn với cộng sản. Tháng 3 năm 1968, sau khi cuộc tổng công kích của cộng sản bị bẻ gãy và tình hình an ninh tương đối ổn định, Quốc hội VNCH ban hành luật tổng động viên, bắt tất cả công dân nam, tuổi từ 18 đến 35, phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong một thời gian vô hạn định. [2] Chính phủ đồng thời gọi tái ngũ những cựu quân nhân trong hạn tuổi nói trên nếu chưa có đủ năm năm quân vụ trong quá khứ.
Nhưng đầu năm 1968, trong khi chính phủ VNCH bắt đầu kế hoạch tổng động viên để có đủ nhân lực đối phó với CSBV, thì Hoa Kỳ đã muốn thay đổi vai trò của họ ở Việt Nam: Sau hơn ba năm chia sẻ gánh nặng ngoài mặt trận, Hoa Kỳ bắt đầu nghĩ đến kế hoạch “nhường” cuộc chiến lại cho quân đội VNCH và chuẩn bị rút quân.
Ở chương này chúng ta sẽ nói về kế hoạch Việt Nam hóa và kế hoạch rút quân của người Mỹ ra khỏi chiến trường i và chiến tranh Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng nói đến những gánh nặng của quân lực VNCH khi phải nhận thêm những vai trò của người Mỹ bỏ lại; sự thành công qua chương trình bình định và phát triển Nông thôn; và nhất là những cơ hội VNCH đã bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt N những cơ hội mà chúng ta có thể gọi là những chiến thắng bị bỏ lỡ. [3] Đây là những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc chiến, và cũng là những cố gắng cuối cùng của người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam.

°

Năm 1969.
Vừa nhậm chức, tổng thống Nixon ra lệnh cho Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger soạn thảo một kế hoạch để giải quyết chiến tranh Việt Nam nhanh chóng như những gì ông đã hứa với cử tri lúc vận động tranh cử.
Như đã nói ở chương trước, Nixon N và bây giờ có thêm Kissinger rất phấn khởi và tự tin về những gì ông có thể thực hiện để kết thúc cuộc chiến. Nixon tuyên bố với các viên chức cao cấp trong buổi họp đầu tiên của nội các, ông sẽ kết thúc cuộc chiến trong vòng một năm. Cùng lúc, tân Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger nói với người ngoài và bạn bè cũ ở đại học Harvard ông chỉ cần sáu tháng. [4]
Trước đó, ngay sau khi được Nixon bổ nhiệm chức Cố vấn An ninh Quốc gia T 27 tháng 11-1968 cho đến ngày Nixon tuyên thệ nhậm chức 20 tháng 1-1969 Kissinger đã nhờ công ty RAND thực hiện làm một nghiên cứu tổng quát để thu thập ý kiến của các giới chức cao cấp trong chính phủ về chiến tranh Việt Nam. Người soạn thảo bản nghiên cứu đó là Daniel Ellsberg, một nhân vật mà hai năm sau gây ra một chấn động cho chính quyền Nixon. [5] Bản nghiên cứu của Ellsberg cho thấy đầu năm 1969, trong nội các mới của Nixon có ba nhóm, với ba ý kiến và nhận định khác nhau về kế hoạch kết thúc chiến tranh Việt Nam: Nhóm A, gồm các viên chức cao cấp ở ban tham mưu liên quân, MACV, bộ ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, lạc quan về đường lối cuộc chiến đang diễn biến. Ý kiến của Nhóm A là cứ tiếp tục dùng áp lực quân sự cho đến khi nào phía cộng sản chịu thương lượng, hay bị đánh bại, thì lúc đó cuộc chiến mới được coi là kết thúc. Nhóm này đề nghị Hoa Kỳ không nên rút quân ra khỏi Việt Nam nhiều hay quá nhanh; phải cần ít nhất một năm, hay một năm rưỡi nữa mới nên nói chuyện rút quân. Nhóm B, gồm có ông tổng trưởng quốc phòng, các nhân viên cao cấp dưới quyền, một thiểu số ở bộ ngoại giao, và một số viên chức CIA, có ý kiến bi quan về cuộc chiến. Họ nghĩ chiến lược truy lùng và triệt tiêu của tướng Westmoreland không có hiệu quả; và cuộc chiến không thể kéo dài dưới sự tốn kém về tài nguyên và nhân lực như đang xảy ra. Nhóm B đề nghị Hoa Kỳ nên thương lượng, nên nhân nhượng với cộng sản N thí dụ như chấp nhận một chánh phủ liên hiệp ở miền Nam. Chỉ có cách đó, Nhóm B đề nghị, thì Hoa Kỳ mới có thể rút khỏi Việt Nam trong danh dự. Một nhóm khác, không có đại diện chính thức và không có tiếng nói quan trọng trong chánh quyền, gọi là Nhóm C, thì có ý kiến rất thẳng và hoàn toàn khác hai nhóm trên: Hoa Kỳ có được chiến thắng về quân sự hay không; cuộc thương lượng chính trị với cộng sản ở Ba Lê có thành công hay không, Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi Việt Nam trong vòng một, hay hai năm c dù có hay không có sự tán thành hay đồng ý của chính phủ VNCH. [6]
Với nhiều ý kiến trái ngược đến từ các cơ quan và nhân viên cao cấp chính quyền, Kissinger muốn xác định lại một lần nữa trước khi quyết định tổng kết một đường lối rõ rệt cho Việt Nam. “Đồng ý với nhau còn chưa xong, thì làm gì có được một lập trường chung,” Kissinger phê bình những ý kiến gởi về. Nhận thấy điều đó, Ellsberg đề nghị N và Kissinger đồng ý một nghiên cứu mới: thay gì hỏi ý kiến tổng quát và giống nhau ở các cơ quan, lần này bản nghiên cứu nên hỏi riêng biệt từng cơ quan, với một số câu hỏi dựa vào trách nhiệm cụ thể cơ quan đó đối với cuộc chiến.
Ngày 21 tháng Giêng, 1969, Kissinger gởi đến bộ ngoại giao, ban tham mưu liên quân, CIA, đại sứ Bunker ở Sài Gòn, và Bộ quốc phòng, một huấn lệnh có tên là NSSM 1. Huấn lệnh NSSM 1 có 29 câu hỏi chánh và 50 câu hỏi phụ, liên quan đến kế hoạch và ý kiến của mỗi cơ quan về cuộc chiến ở Việt Nam. Mặc dù câu hỏi hơi khác nhau tùy theo nơi nhận, phần lớn các câu hỏi có nội dung như: tình hình cuộc thương thuyết ở Ba Lê [7] ; khả năng của quân đội VNCH; tiến triển của chương trình bình định và Xây dựng Nông thôn; nội tình chính trị của VNCH; tình hình của địch; và, hiệu quả về các hoạt động quân sự của quân đội Hoa Kỳ đang diễn ra. [8] Tổng hợp các ý kiến và câu trả lời trong bản nghiên cứu lần thứ nhì gởi về cho hội đồng an ninh quốc gia không khác hơn lần trước. Tuy nhiên, lần này bản nghiên cứu có những nhận định được gọi là tương đối tổng hợp các ý kiến chung của thẩm quyền Mỹ ở Việt Nam. Ý kiến chung là: trước khi Hoa Kỳ rút đi, chính phủ VNCH phải chỉnh đốn giai cấp lãnh đạo trong quân đội để nâng cao tinh thần chiến đấu; quân đội VNCH có khả năng đối đầu với bất cứ cuộc tấn công nào của CSBV nếu được sự yểm trợ hỏa lực của quân đội Hoa Kỳ; tuy nhiên trên đường dài, VNCH không thể đương đầu với một cuộc tổng tấn công qui mô của CSBV nếu không nhận được tiếp tế đầy đủ về kinh tế và quân sự; và sau cùng ự cũng là vấn đề quan trọng nhất nếu Hoa Kỳ quyết định rút quân, nhịp độ và số lượng quân rút đi sẽ là một ảnh hưởng quan trọng trong thời kỳ quân đội VNCH đang cố gắng bành trướng để thay vào chỗ trống của quân đội Hoa Kỳ.
Cuối tháng 3-1969, hội đồng an ninh quốc gia họp để điều nghiên về kết quả của NSSM 1. Nhưng theo những gì chúng ta biết được sau này, Kissinger và Nixon không quan tâm nhiều đến những ý kiến trả lời cho huấn lệnh NSSM 1. Hoặc họ hỏi để mà hỏi, hoặc họ chỉ muốn nhận diện ai là “bồ câu,” ai “diều hâu” đối với cuộc chiến. “Hỏi để cho biết,” Kissinger tuyên bố về bản nghiên cứu NSSM 1 sau này. Lý do Nixon và Kissinger không quan tâm đến những câu trả lời, vì đối diện với một mớ ý kiến lộn xộn và trái ngược của những giới chức đang điều hành cuộc chiến, Nixon và Kissinger quyết định để ra vài tháng để đi tìm một kế hoạch khả dĩ phù hợp với quần chúng và đường lối chính trị đương thời. [9]
Mặc dầu danh từ Việt Nam hóa (Vietnamization) được dùng một cách phổ thông trên báo chí từ lúc Nixon lên nắm quyền, khái niệm Việt Nam hóa cuộc chiến Việt Nam được nảy sanh từ tổng trưởng McNamara vào cuối năm 1967, và được chánh quyền Johnson áp dụng một cách phôi thai từ giữa năm 1968 năm cuối cùng Lyndon Johnson làm tổng thống. Trong bản tường trình cuối cùng trước khi từ chức, tổng trưởng quốc phòng McNamara đặt lại chủ đích của Hoa Kỳ và có ý hoài nghi về một chiến thắng quân sự chiến trường Việt Nam. McNamara kết luận trong bản báo cáo cho tổng thống Johnson bằng với đề nghị: (a) tìm một giải pháp thương lượng chính trị; và (b) lần lần giao lại trách nhiệm tác chiến và bình định cho quân đội VNCH. [10] Tháng 3-1968, trong cao điểm của cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, mặc dù thẩm quyền dân sự ở Hoa Thịnh Đốn [11] từ chối không tăng viện thêm 200 ngàn quân cho đại tướng Westmoreland, nhưng họ đồng ý tăng thêm quân viện và ngân sách với mục đích giúp VNCH thành lập ra nhiều đơn vị mới để hoàn toàn gánh vác trách nhiệm chiến đấu thay quân đội Hoa Kỳ trong những ngày sắp tới. [12] Theo đại sứ Bùi Diễm, giới chức Hoa Kỳ đã có khái niệm về Việt Nam hóa từ năm 1965, nhưng đã không áp dụng cho đến năm 1968, vì nghĩ họ có thể đánh bại cộng sản trong một thời gian ngắn mà không cần sự trợ lực của quân đội VNCH. Nhận định của cựu đại sứ Bùi Diễm không xa sự thật lắm, vì vào năm 1965, thái độ của Hoa Kỳ giống như thái độ của một anh chàng khổng lồ cao mười trượng, nai nịch giáp phục, quay qua nói với người bạn Đồng minh VNCH đại khái như, “Các anh đứng qua một bên chờ tôi, để tôi giải quyết chuyện này cho... sẽ không tốn nhiều thì giờ đâu...” [13] Thái độ tự tin đó cũng được thể hiện qua lời tuyên bố của đại tướng Westmoreland vào năm 1966, khi ông nói với tổng thống Johnson ông tin tưởng cuộc chiến sẽ kết thúc vào mùa Hè năm tới. [14] Nhưng sau ba năm đổ máu với gần ba mươi ngàn tử sĩ, các tư lệnh quân đội Mỹ mới thấy được sự giới hạn của vũ khí cơ giới trong chiến trường du kích ở rừng núi Đông Dương; và sự giới hạn về những gì họ được phép và không được phép thực hiện, ở một chiến trường mà luật tác chiến bị qui định bởi nhu cầu chính trị ở bên nhà. Cùng lúc, con số 14.491 quân nhân Hoa Kỳ tử thương trong năm 1968 (so với hơn 9.000 của năm 1967), đã làm giới dân sự ở Hoa Thịnh Đốn nghĩ lại chiến thuật quân sự của MACV ở Việt Nam. [15]
Trong khái niệm nguyên thủy của chương trình Việt Nam hóa chương trình lúc được phác họa và đề nghị dưới thời tổng thống Johnson bộ tư lệnh MACV của đại tướng Abrams và đại sứ Ellsworth Bunker có ba nhiệm vụ:
(1) cấp tốc gia tăng các chương trình huấn luyện và trang bị các đơn vị VNCH theo tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ. Sau khi các đơn vị VNCH đủ khả năng để thay thế đơn vị Hoa Kỳ ở một vùng trách nhiệm nào đó, đơn vị Hoa Kỳ sẽ rút đi;
(2) giảm tối đa thiệt hại nhân mạng của quân đội Mỹ, bằng cách chuyển từ chiến lược truy lùng và triệt tiêu của Westmoreland qua chiến lược bảo vệ cứ điểm và bình định cứ điểm đang chiếm đóng;
(3) gia tăng các chương trình bình, Xây dựng và phát triển Nông thông để loại trừ hạ tầng cơ sở của cộng sản.
Nói một cách khác, quân đội và các cơ cấu dân sự của Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi chiến trường Việt Nam theo nhịp độ và khả năng thay thế của VNCH. Thêm vào đó, kế hoạch Việt Nam hóa nguyên thủy khác kế hoạch được áp dụng khi Nixon lên cầm quyền là, quân đội Hoa Kỳ sẽ không rút đi hết mà họ sẽ giữ lại một số đơn vị căn bản ở Việt Nam để nâng cao tinh thần quân đội VNCH và canh chừng những cuộc tấn công qui mô bất ngờ của CSBV. Một mô hình tương tự như mô hình quân đội Đồng minh đóng lại ở Nam Hàn sau hội nghị đình chiến ở Bàn Môn Điếm trong chiến tranh Đại Hàn. [16]
Nhưng khi Nixon lên thay Johnson; và Melvin Laird thay Clark Clifford (Clifford thay McNamara trước đó không đầy một năm) ở Bộ quốc phòng, chương trình Việt Nam hóa được coi là một kế hoạch tiêu biểu của của chính phủ mới đối với Việt Nam N nhưng với một nội dung hoàn toàn đổi khác, theo ý muốn của tân tổng trưởng Laird. Vừa lên nhận chức, tổng trưởng quốc phòng Laird bay sang Việt Nam vào tháng 3-1969, để quan sát tình hình. Khi về lại Hoa Thịnh Đốn, Laird gởi bộ tư lệnh MACV ở Sài Gòn một huấn lệnh. Chỉ thị trong huấn lệnh của Laird làm đại tướng Abrams ngỡ ngàng: Quân đội Hoa Kỳ sẽ rút đi theo lịch trình và số lượng định sẳn, bất chấp tiến trình hay khả năng thay thế của quân đội VNCH. [17] Cũng trong huấn lệnh đó, Laird muốn MACV phải bắt đầu giảm thiểu các cuộc hành quân có tánh cách tấn công; nhiệm vụ của quân đội Hoa Kỳ từ đây về sau là giúp đỡ và huấn luyện quân đội VNCH mà thôi. Nội dung huấn lệnh của tổng trưởng Laird có một hàm ý rất quan trọng: bộ tư lệnh MACV phải tìm mọi cách để giới hạn số thương vong của quân nhân Hoa Kỳ dù phải giới hạn những cuộc hành quân truy lùng và triệt tiêu CSBV. Với huấn lệnh mới, bộ tư lệnh MACV thêm một lần nữa phải thay đổi chiến lược và chiến thuật ngoài mặt trận theo nhu cầu chính trị ở bên nhà. Đáng tiếc hơn, quân đội VNCH bây giờ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ cho một Chủ thuyết mới Chủ thuyết Nixon (the Nixon Doctrine).
Trong ba tháng đầu của năm 1969, phía VNCH có ý chờ một đường lối ngoại giao và quân sự rõ ràng từ tổng thống Nixon, để từ đó VNCH mới thay đổi đường lối chiến lược chiến thuật song song với người bạn Đồng minh trong cuộc chiến. Từ cuối năm 1968, phía VNCH đã thỏa mãn ý muốn của Hoa Kỳ bằng cách gởi một phái đoàn đến tham dự hòa đàm ở Ba Lê. Cuộc họp đầu tiên giữa VNCH-Hoa Kỳ và CSBV-MTGPMN (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) vào ngày 25 tháng 1-1969 cho thấy VNCH chấp nhận chuyện đối thoại với MTGPMN như là một chuyện tất yếu. Nhưng từ tháng 3 trở đi, những tuyên bố từ các nhân viên cao cấp Hoa Kỳ càng lúc càng trở nên “hiếu hòa” trước những cuộc pháo kích và tấn công của CSBV vào nhiều thị tứ ở miền Nam trong sáu tháng đầu của năm 1969. Tháng 4, ngoại trưởng Rogers tuyên bố, “Hoa Kỳ không muốn đi tìm một chiến thắng quân sự ở Việt Nam...“ Cùng lúc, tổng trưởng quốc phòng Laird tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ rút quân nếu một trong ba điều kiện xảy ra... Một trong ba điều kiện đó là...khi quân lực VNCH đủ sức gánh vác cuộc chiến một mình. Tuy tuyên bố như vậy, nhưng bên trong Laird đã thuyết phục Kissinger và Nixon phải rút quân ngay trong năm và từ từ chuyển giao tất cả trách nhiệm tác chiến lại cho quân đội VNCH. Với sự đồng ý của Nixon, đầu tháng 4-1969, Kissinger gởi Laird một huấn lệnh, yêu cầu Bộ quốc phòng sơ thảo một lịch trình rút tất cả quân tác chiến, nhân viên bán quân sự, nhân viên hành chánh, cố vấn, quân nhu dụng và võ khí. Theo lịch trình soạn thảo của Bộ quốc phòng, cuộc rút quân sẽ được chia làm 14 giai đoạn, kéo dài 44 tháng. Bắt đầu từ tháng 7-1969 cho đến tháng 11-1972, Hoa Kỳ sẽ rút tất cả số quân 549.500 người đang có mặt tại Việt Nam. [18]
Hơn nửa năm trước, từ tháng Giêng, nhiều hãng thông tấn loan tin Hoa Kỳ sẽ rút đi ít nhất hai mươi ngàn quân trong vài tháng tới. Mặc dầu giới chức Hoa Kỳ M và ngay cả tổng thống Nixon phủ nhận chính phủ Mỹ đang có kế hoạch rút quân hay có kế hoạch Việt Nam hóa cuộc chiến, nhưng những lời phủ nhận xuất hiện tới lui nhiều đến độ dư luận có ấn tượng giới chức Hoa Kỳ đang thả nổi trái bóng rút quân và chương trình Việt Nam hóa để thăm dò dư luận của VNCH. Và thật sự, với tất cả sự ái ngại, Nixon đang cố gắng che đậy ý định lừa dối của ông bằng nhiều tuyên bố ngược xuôi. Trong bài diễn văn đầu tiên về Việt Nam, đọc trên hệ thống truyền thanh toàn quốc ngày 14 tháng 5 1969, Nixon tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện rút quân đơn phương, hay không có ý kiến chung với VNCH. Nhưng sau này, trong một hồi ký viết về đường lối của ông đối với chiến tranh Việt Nam, Nixon nói, ngay sau khi lên nhậm chức thì “chuyện rút quân hay không, không còn là một câu hỏi nữa. Câu hỏi bây giờ là quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam như thế nào và họ phải để lại gì khi sau khi rút đi.” [19]
Nhưng Hoa Kỳ không thể che giấu kế hoạch của họ dài lâu được: Nixon thấy sự thật - dù phũ phàng như thế nào - cần phải được thông báo cho phía VNCH. Cuối tháng 5, tòa Bạch Ốc loan báo hai tổng thống Thiệu và Nixon sẽ gặp nhau ở đảo Midway vào thượng tuần tháng 6, để trao đổi ý kiến và kế hoạch về Việt Nam. Hai bên gặp nhau ngày 8 tháng 6-1969. Trong cuộc hội thảo, theo những gì chúng ta biết được sau này, phía VNCH chỉ trao cho Hoa Kỳ một bản kế hoạch, trong đó nói về quân số và khả năng của quân đội VNCH đương thời; và những nhu cầu về tân trang và yểm trợ cho một khả năng quân sự tương lai để thay vào chỗ trống của quân đội Mỹ. Chỉ như vậy, và VNCH không biết gì chi tiết về kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ. [20] Sau cuộc hội thảo, sau khi trở lại Hoa Thịnh Đốn, Nixon tuyên bố: với sự đồng ý của tổng thống Thiệu và đề nghị của tướng Abrams, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Việt Nam trong hai tháng tới. Nhưng khi Nixon nói “có sự đồng ý của tổng thống Thiệu và tướng Abrams,” thì Nixon đã phóng đại sự thật: cả Abrams và ông Thiệu đều phản đối đề nghị của Nixon về việc rút quân, mặc dù những phản đối đó chưa bao giờ được để lộ ra ngoài công cộng. Sau này trong hồi ký, chính Nixon cũng công nhận ông đã “phóng đại” khi tuyên bố có sự đồng ý của tổng thống Thiệu và đại tướng Abrams. [21]
Sau khi đã “thổ lộ” ý định thật về kế hoạch của Hoa Kỳ đối Việt Nam trong vài năm tới, hơn một tháng sau, trên đường đi thăm viếng các quốc gia ở Á châu, Nixon tuyên bố cho tất cả các Đồng minh một chiến lược mới của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương: Hoa Kỳ vẫn sẳn sàng yểm trợ các Đồng minh về mọi mặt để chống lại sự xâm lấn của cộng sản - trừ việc yểm trợ về nhân lực. Hoa Kỳ sẽ không lập lại kinh nghiệm ở Đại Hàn và Việt Nam, Nixon tuyên bố. Nghĩa là, trong tương lai Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về vật chất, nhưng sẽ không trực tiếp đem quân vào tác chiến như đã làm ở Đại Hàn và Việt Nam. Nói một cách khác, Hoa Kỳ sẳn sàng đổ tiền và yểm trợ vật chất, nhưng người Đồng minh bản xứ là người phải đổ máu trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho quê hương của họ. Khi tuyên bố Chủ thuyết này, không biết Nixon có nhắm vào Việt Nam như một thí dụ hay không. Nhưng cái gọi là “Chủ thuyết Nixon” đối với chương trình Việt Nam hóa ở chiến trường Việt Nam. [22] Khi Nixon ghé thăm Sài Gòn ngày 30 tháng Giêng, 1969, ông nói thêm ý định của Hoa Kỳ về chuyện rút quân. Lần này Nixon nói rõ hơn: Hoa Kỳ sẽ rút quân theo lịch trình, và nếu cần, sẽ rút quân dù có sự đồng ý của VNCH hay không. [23]
Chương trình Việt Nam hóa, dù được nhìn qua góc độ lạc quan nhất, chỉ là một kế họach tạp nhạp, thiếu hợp nhất ở thượng và hạ tầng cơ sở, và thiếu thực tế khi được áp dụng. Nếu nhìn ở một góc độ bi quan nhất - theo lời phát biểu của một ứng cử viên tổng thống Mỹ - thì chương trình Việt Nam hóa chỉ là một kế hoạch thay đổi màu da của tử sĩ. [24]
Ngay cả danh xưng của kế hoạch cũng làm cho nhiều quân nhân VNCH thấy ái náy: nếu đến bây giờ mới Việt Nam hoá cuộc chiến, thì từ 1955 đến ngày nay cuộc chiến này do ai gánh vác và đã chết vì nó? Với hơn 100 ngàn chiến sĩ VNCH đã hy sinh, những hy sinh đó không phải là hy sinh cho mảnh đất VNCH và lý tưởng tự do của họ hay sao? [25] Đồng ý là Hoa Kỳ đã cùng chung đứng mũi chịu sào, nhưng nếu người Mỹ gọi đó là Việt Nam hóa thì quá vô tình. Khi người Mỹ gọi như vậy thì chẳng khác nào ý nói quân dân VNCH đã đứng ngoài cuộc chiến từ bao lâu nay, và đồng thời tự thú nhận chiến thuật chiến lược của họ đã sai lầm trong cuộc chiến. [26] Tuy được gọi là Việt Nam hóa, nhưng phía VNCH không biết gì, hay có ý kiến gì trong thời gian kế hoạch được tính toán và soạn thảo. Kế hoạch được Hoa Kỳ trao đổi với VNCH bằng miệng một cách tổng quát. Cả hai quốc gia không có một thỏa hiệp nào nói về về yếu tố và điều kiện rút quân viết ra trên giấy tờ thành văn kiện. Bộ tư lệnh MACV, như đã nói ở trên, không đồng ý về thời gian và số lượng quân rút đi một cách quá cấp tốc như tổng trưởng quốc phòng Laird muốn. Nhưng chính đại tướng Abrams cũng không có một kế hoạch nào cụ thể, vì kinh nghiệm cho ông biết số lượng và thời gian quân đội Mỹ rút đi không phụ thuộc vào tình hình ở chiến trường Việt Nam, mà tùy thuộc vào tình hình chính trị ở nội địa Hoa Kỳ. [27] Ngay cả khi đồng ý trên căn bản là phải rút quân, Abrams và Bộ quốc phòng cũng không đồng ý về đơn vị nào rút trước, rút sau. Abrams, với nhiều quan sát đã có trong quân đội, muốn các đơn vị rút đi được chia đều ra, để các đơn vị còn lại vẫn còn một số hạ sĩ quan và sĩ quan đã có kinh nghiệm về chiến trường ở Việt Nam để chỉ dẫn những quân nhân chưa kinh nghiệm. Nhưng Bộ quốc phòng thì muốn cho các đơn vị rút đi theo tiêu chuẫn thâm niên, bất chấp các đơn vị ở lại còn đủ sĩ quan kinh nghiệm hay không. Abrams rất bực tức về chuyện đó, nhưng lệnh là lệnh. Chẳng những như vậy, ngay lần rút quân đầu tiên, tổng trưởng Laird muốn rút đi hai đơn vị thiện chiến như một chứng minh cho dư luận Hoa Kỳ thấy chiến trường Việt Nam đã lắng dịu đủ để cho các đơn vị đó rút đi. [28] Ban đầu, khi nói rút quân đi, ban tham mưu MACV và Abrams nghĩ số quân rút đi sẽ là số quân tác chiến và yểm trợ đang đóng ở Việt Nam. Nhưng nửa chừng, Bộ quốc phòng cho biết các đơn vị không và hải lực yểm trở bên ngoài lãnh thổ và và ngoài khơi duyên hải cũng nằm trong danh sách những đơn vị rút đi (như những phi đoàn Không quân đóng ở Thái Lan với nhiệm vụ không kích hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh; hay các chiến hạm cung cấp hải lực để tuần phòng đường xâm nhập miền duyên hải). Những lực lượng không lực yểm trợ này rất quan trọng để cầm chân CSBV, và quân lực VNCH không thể nào thay vào khả năng do Hoa Kỳ đảm nhiệm.
Ban tham mưu MACV tính toán và biết trách nhiệm giao lại cho quân lực VNCH quá nặng, nặng hơn sức chịu đựng của người lính Việt Nam vào lúc đương thời. Bộ tư lệnh MACV biết, với tất cả dụng cụ cơ giới giao lại, với tất cả kỹ thuật chiến tranh quân đội Mỹ đang dùng, các chuyên viên kỹ thuật của quân đội VNCH phải cần được huấn luyện một thời gian để có thể am tường, rồi từ đó dạy lại các đơn vị hữu trách cách sử dụng đúng cách. MACV cũng biết, với hơn 200 ngàn quân gia tăng trong ba năm, những tân binh của các đơn vị tân lập không thể nào có được kinh nghiệm chiến đấu qua đêm hay một sớm một chiều. Trong khi tất cả những khó khăn nói trên cần một thời gian để giải quyết, thì một yếu tố mà chính quyền Nixon không có nhiều trong lúc đó lại là thời gian. Trong những năm 1969-1972, tất cả trách nhiệm đổ lên vai người lính VNCH cùng một lúc nhiều đến độ đô đốc John McCain, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, lên tiếng lưu ý bộ tư lệnh MACV, nếu tiến nhanh quá chương trình Việt Nam hóa sẽ tự đánh bại lại mục đích của nó. [29]
Nhưng lệnh từ Hoa Thịnh Đốn là lịch trình rút quân sẽ được áp dụng: chuẩn bị hay chưa chuẩn bị, quân đội VNCH phải thay vào chổ trống khi quân đội Hoa Kỳ rút đi.
Ngày 22 tháng 11-1969, ý định và quyết định của tổng trưởng quốc phòng Laird (chắc chắn phải có sự đồng ý của Nixon) được thông báo rõ cho bộ tư lệnh MACV ở Sài Gòn. Trong một buổi họp có tất cả các sĩ quan và viên chức dân sự quan trọng nhất của thẩm quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, huấn lệnh của Laird được đọc cho đại tướng Abrams và tất cả những người có mặt nghe. Kế hoạch rút quân và Việt Nam hóa thông báo cho MACV có những điểm quan trọng sau. (1) Chương trình Việt Nam hóa chấm dứt vai trò tác chiến của quân đội Mỹ tại Việt Nam. (2) Trong kế hoạch Việt Nam hóa của chính phủ trước (Johnson), Bộ quốc phòng ước lượng quân đội Bắc Việt sẽ rút khỏi lãnh thổ miền Nam, và vai trò của quân đội VNCH chỉ giới hạn vào mục tiêu đương cự với các lực lượng Việt Cộng còn lại ở miền Nam. Trong kế hoạch mới của chính phủ Nixon và tổng trưởng Laird, vai trò của quân đội VNCH không chỉ giới hạn vào nhiệm vụ chống lại quân Việt Cộng, mà họ còn có nhiệm vụ đương đầu với các đơn vị chánh qui từ miền Bắc đưa vào dù quân đội Bắc Việt có rút khỏi miền Nam hay không.
Buổi họp ngày thứ Bảy có hai ông đại sứ; ba đại tướng; sáu trung tướng; năm thiếu tướng; chín chuẩn tướng; năm đại tá; và bốn, năm, nhân viên dân sự cao cấp. Những người đang có mặt là đại diện cho tất cả sức mạnh của Hoa Kỳ ở Việt Nam - nếu không nói là cho cả sứ mạnh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Thái độ của tất cả sau khi nghe huấn lịnh của Laird là ngỡ ngàng, bực tức... thấy chút xấu hổ đối người bạn Đồng minh Việt Nam. Theo những gì được ghi lại, khi đại tướng Abrams nghe người thuyết trình đọc đến đoạn...quân đội VNCH được giao phó luôn vai trò bảo vệ nội an (đương đầu với Việt Cộng) và chống lại quân đội xâm lăng miền Bắc... ông ta cắt ngang lời người đọc, nói rằng ông chưa hề được thông báo trước về chuyện này, và trong kế hoạch rút quân/Việt Nam hóa cũng không dự liệu chuyện này. Nhưng rất tiếc, rất tiếc, bây giờ thì Abrams được thông báo rồi, và ông cũng không làm gì ngược lại được. Buổi họp kéo dài trong một bầu không khí ngột ngạt, chua chát. Mỗi tư lệnh khi phát biểu đều không dấu được sự thất vọng giống như họ bị thua cuộc - bất khả kháng trước huấn lệnh của thẩm quyền từ bên nhà. Trong buổi họp, Abrams than phiền là từ đầu năm, vì ngân quỹ thiếu hụt, Bộ quốc phòng đã ra lệnh cho MACV giảm đi 50% phi vụ B-52; 20% phi vụ oanh tạc chiến thuật; và 22% các yểm trợ hải pháo.... Và bây giờ, Bộ quốc phòng còn hối thúc rút nhanh, rút nhiều quân hơn.
Khi buổi họp kết thúc, đại tướng Abrams phát biểu một câu mà hàm ý nói lên tất cả ý nghĩa của chương trình Việt Nam hóa: “Tôi vẫn thường nói, ngày vui nhất của tôi là ngày đại tướng Cao Văn Viên gọi điện thoại và xài xể tôi. Ngày đó là ngày tôi vui nhất. Nhưng tướng Viên sẽ không làm chuyện đó; ông ta quá lịch sự. Nhưng tôi muốn ông ta làm như vậy.” [30] Tướng Abrams cũng không quên nhắc những người hiện diện trong trong buổi họp là những gì được bàn luận ngày hôm đó là những bí mật tuyệt đối, không được tiết lộ ra ngoài, hay cho những cộng sự viên dưới quyền biết. Abrams không muốn chuyện này đến tai phía VNCH trong lúc MACV chưa chuẩn bị để giải thích một sự thay đổi đột ngột như vậy. Cũng có lẽ Abrams muốn đích thân là người báo tin không vui cho tổng thống Thiệu và đại tướng Viên.

°

Cuối năm 1968 quân đội VNCH có hơn 717 ngàn quân. Trong đó, 365 ngàn thuộc về các đơn vị chủ lực như sư đoàn Nhảy dù; sư đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC); 10 sư đoàn Bộ binh 1, 2, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, và 25; 11 Tiểu đoàn (thiết đoàn) Thiết kỵ; 30 Tiểu đoàn Pháo binh; 20 Tiểu đoàn Biệt động quân; một Tiểu đoàn Lực lượng Đặc biệt (Tiểu đoàn 81 Biệt kích Nhảy dù, và vào năm 1972, trở thành Liên đoàn 81 Biệt kích Nhảy dù). Hải quân và Không quân có khoảng 16, 17 ngàn người ở mỗi quân chủng. Số còn lại là 185 ngàn Địa phương quân và 167 ngàn Nghĩa quân. [31]
Trong năm năm bành trướng, từ đầu 1969 đến cuối năm 1973, quân lực VNCH tăng thêm gần 400 ngàn quân, nâng tổng số lên 1.100.000. Trong số này hơn phân nửa (530 ngàn) thuộc về các đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân. [32]
Lục quân (kể luôn sư đoàn Nhảy dù và TQLC) từ 358 ngàn tăng lên thành 450 ngàn quân. Cuối năm 1971, Bộ binh có thêm một sư đoàn mới (sư đoàn 3), tổng cộng thành 11 sư đoàn. Trong giai đoạn này, mỗi trung đoàn có cấp số bốn Tiểu đoàn. Hỏa lực một trung đoàn Bộ binh tân trang khá hùng hậu, với một Tiểu đoàn Pháo binh và một thiết đoàn kỵ binh làm đơn vị cơ hữu cho trung đoàn. Ngoài ra, đóng kèm theo bản doanh của sư đoàn mẹ là một Tiểu đoàn Pháo binh 155 ly. Tương tự, ở mỗi quân khu, ngoài các sư đoàn Bộ binh cơ hữu dưới quyền, bộ tư lệnh quân khu còn có một Tiểu đoàn pháo 175 ly nòng dài; một Tiểu đoàn chiến xa M-48; và một lữ đoàn Thiết kỵ, như là những đơn vị nòng cốt cho quân khu. TQLC, vào mùa xuân 1969, được nâng cấp lên thành sư đoàn, với cơ cấu và cấp số như sư đoàn Nhảy dù. Đây là hai sư đoàn tổng trừ bị duy nhất của quân đội VNCH. Hai binh chủng Địa phương quân và Nghĩa quân được hiện đại hóa và trang bị vũ khí tối tân hơn, để họ có thể tiếp tay và thay thế các đơn vị chủ lực trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh ở vùng trách nhiệm địa phương. Song song với Địa phương quân và Nghĩa quân, lực lượng Cảnh sát Quốc gia cũng được gia tăng rất mạnh. Từ nhân số 16.900 vào năm 1962, đến đầu năm 1973 Cảnh sát Quốc gia có một lực lượng khoảng 116.000 nhân viên. [33]
Hai quân chủng tăng trưởng mạnh nhất và nhiều nhất, nếu tính theo tỉ lệ, là Hải quân và Không quân. Cuối năm 1972, Hải quân có quân số khoảng 43 ngàn và được trang bị với 1.680 chiến hạm, giang đĩnh. Không quân có quân số 64 ngàn, với hơn 1.000 phi cơ đủ loại. [34]
Để huấn luyện và đào tạo sự bành trướng của số quân nói trên, chỉ trong năm 1970, ba mươi ba trung tâm huấn luyện và trường chuyên nghiệp của các quân binh chủng trên bốn vùng chiến thuật đã đào tạo hơn 500 ngàn quân cán chính. [35] Nhưng người lính chỉ là một con số chứ chưa là chiến sĩ nếu không được huấn luyện thuần thục, và tất cả vũ khí, quân cụ tối tân sẽ trở thành vô dụng nếu quân nhân không biết sử dụng một cách hiệu quả. Nhận biết điều đó, bộ tổng tham mưu và MACV cố gắng tuyển chọn các huấn luyện viên Việt và Mỹ có kinh nghiệm tác chiến về dạy tại các trung tâm huấn luyện, để học viên, tân binh học hỏi được hiệu quả hơn từ những kinh nghiệm ở ngoài chiến trường của huấn luyện viên. Trong năm 1969-1970, 3.700 huấn luyện viên Hoa Kỳ có mặt tại các trung tâm huấn luyện, và ngoài chiến trường, 14.332 cố vấn Mỹ có mặt từ Quân đoàn xuống cấp Tiểu đoàn. [36]
Song song với kế hoạch giao lại cuộc chiến cho quân đội VNCH, chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh MACV và đại sứ Bunker tìm mọi cách giúp đỡ chính phủ VNCH gia tăng các kế hoạch bình định và phát triển có tính cách dân sự. Từ sau cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968, các cố gắng đem lại an ninh và cơ cấu hành chánh cho làng xã để phát triển đời sống cho người dân ở nông thôn, được chính phủ coi là những mục tiêu ưu tiên.
Các kế hoạch chương trình bình định phát triển nông thôn được những cơ quan như CORDS của Hoa Kỳ yểm trợ. CORDS được thành lập giữa năm 1968 như một cơ cấu hỗn hợp giữa bộ tư lệnh quân sự MACV và tòa đại sứ Hoa Kỳ để cung cấp chuyên viên, ngân quỹ và cố vấn cho các chương trình có tính cách dân sự hay bán quân sự. [37] Về mặt dân sự, CORDS giúp đỡ các chương trình tái định cư cho hơn hai triệu người tị nạn từ các thành phố, làng xã bị hủy hoại sau trận Mậu Thân, hay từ những vùng hoàn toàn bị cộng sản chiếm đóng. CORDS cung cấp ngân quỹ cho các chương trình phát triển y tế, giáo dục, huấn luyện cho các cán bộ Xây dựng Nông thôn hay các cán bộ hành chánh cấp địa phương. Về mặt bán quân sự, CORDS thành lập các cơ quan khá bí mật để giúp và huấn luyện Cảnh sát; Cảnh sát Dã chiến; các toán Thám sát Tỉnh; trung tâm Thẩm vấn và Điều tra Tỉnh... nhằm vào các mục đích triệt tiêu hạ tầng cơ sở, cắt đứt đường giao liên của Việt Cộng đang hoạt động tại địa phương. Cố vấn từ CORDS có mặt ở các chương trình như Chiêu hồi; trung tâm huấn luyện cán bộ Xây dựng Nông thôn; Nhân dân Tự vệ; Chiến dịch Phượng hoàng; hay các chương trình có tính cách tâm lý chiến như hai chương trình phát thanh của đài Gươm thiêng Ái quốc và Mẹ Việt Nam. [38]
Những kế hoạch của CORDS cũng như các chương trình bình định và phát triển Nông thôn của chính phủ VNCH đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho cộng sản trong những năm 1969-1973. Với nhiều cơ sở, đường giây giao liên bị cắt đứt và phá hủy; với nhiều cán bộ địa phương bị khám phá và truy lùng, Trung ương Cục miền Nam - nếu còn được gọi là Trung ương Cục miền Nam sau những thiệt hại nặng vào hai cuộc tấn công của năm 1968 và 1969 - ra lệnh cho các đơn vị cộng sản “ở đâu nằm đó,” và tránh giao tranh với quân đội VNCH để bảo toàn lực lượng. Chỉ thị trên của cộng sản được xác định thêm lần nữa vào tháng 7-1969, khi giới lãnh đạo CSBV ban xuống cấp dưới một huấn lệnh có tên là có tên là Nghị quyết 9. Nghị quyết 9, dài 42 trang, chỉ thị các cấp phải thay đổi chiến lược chiến thuật để phù hợp với tình hình mới của mặt trận mới. Sau hai lần tấn công qui mô trong hai năm 1968 và 1969, giới lãnh đạo quân sự và chính trị CSBV thú nhận họ không thể nào chiến thắng về quân sự nếu quân đội Mỹ còn có mặt ở Việt Nam. Quyết nghị 9 chỉ thị cấp dưới thi hành kế hoạch mới là: Cố gắng tạo điều kiện để quân đội Mỹ rút ra khỏi chiến trường Việt Nam càng sớm càng tốt; phá rối mọi kế hoạch Việt Nam hóa đang được thực hiện về mặt quân sự và dân sự; ngăn chận mọi nỗ lực trong các chương trình bình định và phát triển nông thôn; và, xây dựng lại cơ cấu hạ tầng cơ sở để hoạt động và đấu tranh nếu có một thương lượng ngưng bắn xảy ra trong tương lai. Sau khi Nghị quyết 9 được thông báo, CSBV bắt đầu tránh đụng độ ở chiến trường lớn; mọi nỗ lực chỉ nhắm vào thôn quê, làng xã; các đơn vị lớn phân tán ra từng đơn vị và lực lượng nhỏ, để dể dàng di chuyển, dể dàng đánh du kích theo lý thuyết trường kỳ kháng chiến. Một số các đơn vị chủ lực cũng được lệnh di chuyển qua Lào hay đi trở ngược về miền Bắc để tái trang bị và bổ sung. CSBV phải quay ngược về chiến tranh du kích vì hạ tầng cơ sở của họ bị phá hủy hoàn toàn. Theo lời thú nhận của một cấp chi huy cao cấp cộng sản ở vùng Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn, sau trận Mậu Thân, “Ba đồng chí Bí thư, một đồng chí Tư lệnh phân khu (đều là ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định trước đây) và hơn phân nửa ủy viên Phân khu ủy đã hy sinh sau Mậu Thân. Một đại đội bảo vệ của Bộ tư lệnh Phân khu 1 trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ và tiếp tế lương thực đã hy sinh gần hết. Một tư lệnh quân sự của B2 cũng cho biết một tư lệnh sư đoàn và một phó tư lệnh quân khu đã hy sinh trong hai cuộc tấn công trong trận Mậu Thân.” [39]
Nếu VNCH có một cơ hội để chiến thắng trong cuộc chiến chống cộng thì những năm 1969-1971 là một cơ hội không bao giờ trở lại. Đó là một giai đoạn mà những người quan sát về chính trị quân sự sau này gọi là một chiến thắng bỏ lỡ; nột chiến thắng đã nằm trong tay nhưng để vuột đi. Qua những thú nhận từ các cán bộ cao cấp của cộng sản đã trình bày ở trên, chúng ta thấy các lực lượng địa phương và chủ lực của cộng sản bị thiệt hại nặng qua những đợt tấn công trong hai năm 68 và 69 vào thị tứ và căn cứ của VNCH. CSBV không còn phương tiện hay nhân lực để chiến đấu; họ đã đánh cạn láng trong một canh bạc rất sai lầm. Phía VNCH, sau khi đánh tan những cuộc tấn công và ổn định lại tình hình an ninh, hai kế hoạch tổng động viên và bình định Xây dựng nông thôn do chính phủ đưa ra tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn cho cộng sản. Những con số cán binh ra đầu thú hay hồi chánh trong ba năm 69-71 cho thấy sự tuyệt vọng của các cán binh cộng sản; những con số về sự an ninh và kiểm soát dân cư ở những xã ấp nông thôn cho thấy người dân tin và ngả về với chính phủ hơn. Nếu con số 16 ngàn cán binh hồi chánh trong năm 1968 chưa cho thấy sự chán nản của phía bên kia, thì con số 45 ngàn cán binh về đầu thú trong năm 1969 sẽ cho thấy. Trước năm 1968 chính phủ chỉ hy vọng kiểm soát và đem lại an ninh cho chừng 72-75% làng xã và dân cư, đến đầu năm 1971 chính phủ VNCH đã kiểm soát và đem lại an ninh cho 85% dân cư trên toàn lãnh thổ. [40]
Với sự an ninh ở nông thôn được tương đối duy trì và bảo vệ, nền kinh tế nông nghiệp phát triển thấy rõ. Tổng số lúa gạo thu hoạch trong năm 1969 vượt hơn 5 triệu tấn, và lên đến 5 triệu 700 ngàn tấn trong mùa lúa năm 70-71. Những con số này cho thấy kế hoạch bình định và phát triển nông thôn của chính phủ VNCH đã thành công rực rỡ; và cũng cho thấy các cơ sở địa phương của cộng sản bị bứng đi theo đà phát triển của kế hoạch an ninh địa phương của chính phủ VNCH. Trong những năm 1970-71, tình hình an ninh ở các vùng quê được bảo đảm đến mức một số nhân vật cao cấp Việt-Mỹ lái xe Jeep không hộ tống, đi thăm viếng ngoại thành Quảng Trị-Huế ban đêm, để thấy sự thay đổi về an ninh ở một nơi được gọi là tuyến đầu của chiến tuyến. [41]

°

Trong hai năm 1970 và 1971 T khoảng thời gian mà báo chí và bộ tư lệnh MACV gọi là Việt Nam hóa quân đội VNCH đã chứng tỏ khả năng tác chiến của họ, nếu được yểm trợ và trang bị đúng nhu cầu, qua hai cuộc hành quân lớn tấn công vào sào huyệt của CSBV ở Cam Bốt và Lào.
Từ năm 1964, nếu không nói trước đó, đất Cam Bốt là cửa ngõ nhận hàng quân nhu dụng của Trung Cộng tiếp tế cho CSBV. Hàng được tàu Trung Cộng hay của các quốc gia trong khối cộng sản Đông Âu được chuyên chở bằng đường biển đến hải cảng Shihanoukville (bây giờ là Kompong Som), và từ đó bằng đường bộ chuyển về các trạm hậu cần của CSBV thiết lập dọc theo biên giới VNCH-Cam Bốt. Tài liệu tịch thu được của CSBV cũng như tin tức của nhiều cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho thấy số lượng quân nhu dụng cung cấp cho CSBV qua hải cảng Shihanoukville nhiều hơn số lượng di chuyển bằng đường bộ qua hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh trong thời gian đó. Nhưng từ năm 1964 đến năm 1969, bộ tư lệnh MACV và thẩm quyền dân sự Mỹ không có quyết định nào rõ ràng để đối phó với các căn cứ hậu cần CSBV đang hoạt động ở nội địa Cam Bốt. Giới thẩm quyền phân vân giữa hai tin tức đến từ hai cơ quan tình báo khác nhau: Một mặt, tin tình báo từ CIA cho biết số lượng quân nhu dụng nhập cảng từ Shihanoukville rất khiêm nhường so với những gì CSBV có thể vận chuyển vào nam qua hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh; mặt kia, tin tức tình báo quân sự của MACV thì nói ngược lại: năm 1964 đến năm 1968, số lượng hàng đi qua cửa khẩu Shihanoukville bằng hoặc nhiều hơn số lượng hàng đi qua vĩ tuyến 17 đi vào nội địa Lào. Với hai tin tức trái ngược này, cộng với thái độ ngụy tín đi hàng hai của Hoàng thân Shihanouk, thẩm quyền Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn rất phân vân và ái ngại khi muốn giải quyết vấn đề quân CSBV trú đóng ở đất Cam Bốt.
Về phương diện chính trị và chủ quyền quốc gia, từ năm 1964 đến năm 1970 vương quốc Cam Bốt sống trong một thế giới nửa thật nửa ảo. Hoàng thân Shihanouk ngấm ngầm cho phép CSVN đóng trong đất Cam Bốt để thâu tiền và đồng thời cho phép các sĩ quan dưới quyền nhận hối lộ của các đơn vị CSBV đóng quân ở vùng trách nhiệm của họ. Tài liệu cho thấy năm 1964 Shihanouk đã cho một sĩ quan cao cấp của ông đích thân đi qua Bắc Kinh để thương lượng giá cả với Chu Ân Lai của Trung Cộng khi nhận hàng qua Shihanoukville và chuyển đến tay CSBV. Nhưng cùng lúc, Shihanouk nhắm mắt để cho Không quân Mỹ dội bom xuống những cứ địa của CSBV vì thật sự Shihanouk không muốn thấy CSBV có mặt trên đất Cam Bốt, khi ông thấy trò chơi hai hàng càng ngày càng nguy hiểm. Trong khi ở phiá CSBV, dù các căn cứ bị tàn phá và thiệt hại nặng về nhân mạng từ những trận bom B52, nhưng họ không dám lên tiếng vì từ trước đến giờ lúc nào họ cũng phủ nhận sự hiện diện trái phép trên đất Cam Bốt. Bên phía Hoa Kỳ thì lại càng vô lý hơn: họ dội bom các căn cứ CSBV ngày đêm bằng hàng ngàn tấn bom, nhưng cố dấu hành vi đó vì sợ công pháp quốc tế lên án sự di phạm nền “trung lập” của Cam Bốt. Cả ba chính phủ đều biết chuyện gì xảy ra trên đất Chùa tháp, nhưng cả ba đều cố gắng giữ kín chuyện họ làm để chữ “trung lập” của Cam Bốt được toàn vẹn. [42]
Tình hình chính trị của Cam Bốt thay đổi vào thượng tuần tháng 3-1975, khi thủ tướng Lon Nol đảo chánh Shihanouk và lên nắm quyền. Lập tức Lon Nol ra lệnh giới hạn hàng nhập cảng Shihanouk và đồng thời thông báo cho CSBV biết họ phải rời khỏi đất Cam Bốt trong vòng 72 tiếng đồng hồ. CSBV, thấy được chiều hướng bất lợi cho họ khi một người thân Tây phương như Lon Nol nắm quyền, liên kết với cộng sản Cam Bốt (Khmer Đỏ sau này) ra mặt tấn công các vị trí của quân đội hoàng gia Cam Bốt. Với số quân hỗn hợp chừng 40 đến 60 ngàn, CSBV và Khmer Đỏ đánh về hướng tây, về hướng thủ đô Nam Vang (Phnom Penh). [43]
Với tình hình chính trị Cam Bốt có chiều hướng thuận lợi cho Hoa Kỳ và VNCH, giữa tháng 3-1970, tướng Abrams của MACV đến “dọ hỏi” tướng Cao Văn Viên ở bộ tổng tham mưu về những cuộc hành quân đột kích vào mật khu của CSBV ở bên kia biên giới. Đây không phải là lần đầu tiên bộ tư lệnh MACV nghĩ đến chuyện đánh qua Cam Bốt. Từ đầu Xuân năm 1969, một số viên chức cao cấp Hoa Kỳ như đô đốc John McCain của bộ tư lệnh Thái Bình Dương, William Colby của chương trình CORDS (thật sự là đại diện CIA ở CORDS) và tướng Abrams đã có ý tấn công qua Cam Bốt. Cuối năm 1969, ban tham mưu liên quân từ Hoa Thịnh Đốn yêu cầu MACV sơ thảo một kế hoạch cho quân đội VNCH đánh qua Cam Bốt (chỉ có quân VNCH, không có quân đội hay cố vấn Mỹ đi kèm). Abrams lưỡng lự về kế hoạch này, vì theo ông, ngay cả quân đội Hoa Kỳ cũng có thể gặp khó khăn khi đánh qua Cam Bốt, nếu để quân đội VNCH đơn độc đánh qua một mình thì ông rất ái ngại. [44] Nhưng đến tháng 3-1971 thì MACV được phép đột kích giới hạn vào các căn cứ của CSBV ở bên kia biên giới. Tuy nhiên, không phải đợi đến lúc Hoa Kỳ đề nghị thì quân lực VNCH mới có kế hoạch truy kích các đơn vị cộng sản bên đất Cam Bốt. Sau khi thấy Shihanouk bị lật đổ và một chánh phủ Lon Nol thân thiện với VNCH lên thay, bộ tổng tham mưu đã ra lệnh cho các đơn vị ở vùng III và IV được quyền truy kích qua biên giới nếu tình trạng chiến sự cho phép. Ngày 14 tháng 4-1970, quân khu III mở cuộc hành quân Toàn Thắng 41 đánh qua Cam Bốt ở một vùng đối diện với địa phận ranh giới hai tỉnh Kiến Tường và Tây Ninh. Trong cuộc đánh qua biên giới này, quân VNCH chỉ có sự hỗ trợ của Pháo binh Hoa Kỳ. Trận tấn công này làm quân đội VNCH phấn khởi: chỉ bị tổn thất tám tay súng để đổi lại 378 xác địch, 37 tù binh, và nhiều cơ sở bị phá hủy. Với sự khả quan đó, hai tuần sau quân khu III tiếp tục một cuộc hành quân khác đánh qua biên giới. Tuy nhiên, vì tầm yểm trợ Pháo binh của Hoa Kỳ giới hạn từ bên này biên giới, quân đội VNCH chỉ tấn công không hơn mười cây số vào nội địa Cam Bốt trong hai lần đột kích đầu tiên này. [45]
Hạ tuần tháng 4, ban tham mưu liên quân thông báo cho tướng Abrams, là “thẩm quyền tối cao” đồng ý trên nguyên tắc về một cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ qua Cam Bốt. Ngày 29 tháng 4-1970 thẩm quyền tối cao không ai khác hơn là tổng thống Nixon, cho phép cuộc hành quân tiến hành. Tuy nhiên, để giữ một lễ nghi ngoại giao đối với dư luận quốc tế, Nixon đề nghị để một lực lượng của VNCH tấn công qua biên giới trước, rồi lực lượng Mỹ theo chân liền sau đó.
Cuộc hành quân, với tên Toàn Thắng ở phía Việt Nam và Operation Rockcrusher bên phía Hoa Kỳ, khởi sự ngày đầu của tháng 5-1970, chia ra làm ba hướng: hai lực lượng không kỵ Hoa Kỳ và Nhảy dù VNCH đánh ở hướng bắc xuống nam (vùng Lưỡi Câu), tiến vào vào Krek và Snoul; ở phía nam (Mỏ Vẹt), quân VNCH đánh vào Svay Rieng tiến ngược về hướng bắc, đi vào Kampong Trach. [46] Phía Hoa Kỳ có chừng 19.300 quân, phía VNCH có 29.000 tay súng. Cuộc tấn công gặp vài kháng cự đáng kể vào hai ngày đầu, nhưng đến ngày thứ năm của cuộc hành quân thì mặt trận kể như tàn: CSBV bỏ căn cứ và rút nhanh về hướng tây, sâu vào nội địa Cam Bốt đối diện với sức tiến quân của các đơn vị VNCH và Hoa Kỳ. Hơn hai tuần trước đó, bộ tư lệnh B3 đã ra chỉ thị cho các đơn vị ở Cam Bốt phải, “tránh kháng cự, rút quân khỏi mặt trận, để bảo toàn lực lượng.” [47] Trong cuộc hành quân này, vì bị giới hạn bởi luật của Quốc hội Hoa Kỳ, các đơn vị Mỹ (kể luôn cố vấn đi kèm theo các đơn vị VNCH) chỉ được tiến vào đất Cam Bốt không quá ba mươi cây số, và không được ở lại đó sau ngày 30 tháng 6 (60 ngày từ ngày bắt đầu hành quân). [48]
Vũ khí tịch thu từ những căn cứ của CSBV cho thấy những tiên đoán, uớc lượng của MACV và tình báo VNCH là đúng ấ và những tin tức từ CIA là sai, sai một cách đáng xấu hổ. [49] Quân đội VNCH và Hoa Kỳ tịch thu được 23 ngàn súng cá nhân; 2 ngàn 500 súng cộng đồng; hơn 16 triệu viên đạn súng cá nhân; 143 ngàn đạn súng cối, hỏa tiến, đại pháo; 200 ngàn đạn phòng không và 7.000 tấn gạo. Đó là chưa kể những dụng cụ, thuốc y dược, hay những quân nhu dụng linh tinh khác bị phá hủy. Khoảng 75 phần trăm số quân nhu dụng tịch thu đến từ Trung Cộng. Số vũ khí tịch thu đủ để trang bị cho 74 Tiểu đoàn, và số gạo lấy được có thể nuôi tất cả các đơn vị cộng sản ở B2 trong nửa năm. Về tổn thất nhân sự: VNCH có 638 chết và hơn 3.000 bị thương; Hoa Kỳ có 338 chết và 1.525 bị thương. Phía CSBV chết hơn 11 ngàn lính và 2.500 bị bắt làm tù binh. [50] Sau khi tất cả quân đội Mỹ rút khỏi Cam Bốt theo thời hạn đã định, quân đội VNCH vẫn truy lùng, tảo thanh những đơn vị còn lại của địch sâu trong biên giới. Một trong những cuộc đụng độ quan trọng vào những ngày cuối của cuộc hành quân, là khi quân đội VNCH tiến về Kampong Cham và đồn điền cao su Chup. Tại đây quân đội VNCH đã đánh tan một đơn vị của sư đoàn 9 Việt Cộng đang gây áp lực vào thủ đô Nam Vang chỉ cách đó 75 cây số. Tất cả các đơn vị VNCH thuộc Vùng III rút khỏi Cam Bốt vào ngày 22 tháng 7-1970. Tuy nhiên từ đó cho đến cuối năm 1972, bộ tư lệnh Vùng III vẫn đột kích ra vào trên đất Cam Bốt để truy kích các đơn vị CSBV theo nhu cầu quân sự.
Cuộc hành quân tấn công qua Cam Bốt, không thể chối cãi, là một chiến thắng quân sự. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, phía sau chiến thắng đó nhiều phản ứng bất lợi xảy đến cho VNCH và Hoa Kỳ - những phản ứng bất lợi mà không ai có thể tiên đoán trước được. Một trong những bất lợi về mặt quân sự là, khi VNCH và Đồng minh đánh tan các căn cứ CSBV, quân đội cộng sản không còn cách nào khác hơn là phải đánh mở đường máu về hướng tây, đánh sâu vào nội địa Cam Bốt và gây áp lực về hướng thủ đô Nam Vang. Như vậy, nếu nhìn từ góc độ quân sự chiến lược, địa bàn cuộc chiến Việt Nam lan rộng hơn: Hoa Kỳ và VNCH phải canh chừng cả Lào và Cam Bốt. “Cuộc chiến tranh Đông Dương” có ý nghĩa là trong giai đoạn này: địa bàn của cuộc chiến đã lan tràn gần như toàn cõi Cam Bốt. Khi CSVN ra mặt tấn công quân đội Cam Bốt để tìm đường sống, Hoa Kỳ và VNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là phải tiếp cứu người bạn Đồng minh bất ngờ. Phản ứng bất lợi về chính trị là sự chống đối mạnh mẻ của giới sinh viên và nhiều nhóm nghị viên của Quốc hội Mỹ. Sự tấn công qua Cam Bốt gây nhiều náo động trong nội địa Mỹ, nhất là sau vụ lính vệ binh quốc gia bắn tử thương bốn sinh viên ở đại học Kent, tiểu bang Ohio. Liền sau đó tất cả các đại học ở các tiểu bang lớn gần như đồng nổi loạn với sinh viên ở 441 đại học biểu tình và bãi khóa. Về phía Quốc hội Hoa Kỳ, để trừng phạt Nixon, một số ủy ban ở hạ và thượng viện bắt đầu nhóm họp để đưa ra một số dự luật nhằm vào việc giới hạn những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam, nếu không nói ở toàn Dông Dương. Ngay trong khi quân đội VNCH và Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện trong đất Cam Bốt, ngày 24 tháng 6-1970, thượng viện Mỹ ra quyết nghị rút lại (hủy bỏ) Quyết Nghị Vịnh Bắc Bộ 1964 (Tonkin Gulf Resolution). Ngày 30 cùng tháng, thượng viện chấp thuận một dự luật cấm quân đội Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Cam Bốt nếu không có sự ưng thuận của Quốc hội. Tuy nhiên dự luật bị hạ viện bác bỏ khi được đưa xuống cho hạ viện phê chuẩn. [51] Một bất lợi khác có ảnh hưởng nhiều đến chương trình Việt Nam hóa: Sự thành công mỹ mãn của quân đội VNCH ở Cam Bốt làm cho Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc quá lạc quan về sự thành công của chương trình Việt Nam hóa. Và từ đó họ suy luận: nếu quân đội VNCH đã thành công như vậy thì quân đội Hoa Kỳ có thể rút nhanh hơn và có thể nhường gánh nặng chiến trường lại cho quân đội VNCH nhiều hơn. Đây là một lạc quan rất lầm lẫn, rất ngộ nhận cho chương trình Việt Nam hóa. Sự lạc quan của Hoa Kỳ đi xa sự thật và quá vội. Cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt không phải không có khuyết điểm. Qua cuộc hành quân, các sĩ quan tham tham mưu cao cấp của quân lực VNCH nhận thấy quân đội còn một vài khuyết điểm: Nhiều đơn vị gặp trở ngại về tiếp vận và bảo trì khi di chuyển trên một mặt trận xa, nhất là các đơn vị cơ giới; khả năng ngôn ngữ (Anh ngữ) còn yếu khi phải liên lạc với các sĩ quan cố vấn trong vấn đề yểm trợ hỏa lực hay chấm tọa độ cho phi cơ bạn đánh bom; Bộ binh không tận dụng hết khả năng yểm trợ của Pháo binh cơ hữu; phối hợp tác chiến giữa các đôn vị Bộ binh và thiết giáp.... Những khuyết điểm này phải cần thêm một thời gian huấn luyện nữa thì mới thuần thục. [52] Cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, để tóm gọn lại, là một quyết định chẳng đặng đừng: không giải quyết một nguy hiểm quân sự thì không được; giải quyết được nguy hiểm quân sự thì phải chịu đựng những bất lợi về chính trị.

[1]Về những giai đoạn động viên, cơ chế quân dịch, hay các sắc luật về nghĩa vụ quân sự, đọc, trung tướng Đồng Văn Khuyên, The RVNAF, trang 33-37; Đoàn Thêm, Việc từng ngày: 1954-1964; Việc từng ngày: 1968, tháng 8-1957; 1-1959, 4-1964; và 6-1968; chuẩn tướng James Lawton Collins, Jr., The Development and Training of the South Vietnamese Army, trang 12, 57, và 68. Quyển The RVNAF (nguyên tác bằng Anh ngữ, RVNAF là chữ tắt của Republic of Vietnam Armed Forces - Quân đội Việt Nam Cộng hòa) là một tác phẩm rất chi tiết về cơ sở, quân số và cấu trúc, của quân lực VNCH, từ lúc thành hình cho đến ngày thất thủ.
[2]Luật Tổng động viên 1969 được tổng thống Thiệu chánh thức ban hành ngày 19 tháng 6-1969 (ngày Quân lực) tại Phú Văn Lâu, Huế.
[3]William Colby, Lost Victory; và Stephen B. Young, Cuộc chiến thắng bỏ lỡ (bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Vạn Hùng), là hai tác phẩm nói về những cơ hội có thể đem lại chiến thắng mà VNCH không đạt được trong những năm 1969-1972.
[4]Về chuyện Nixon tin tưởng chiến tranh Việt Nam sẽ kế thúc trong vòng năm tới, đọc trang 542, Chương 10 trong sách này. Tháng 5-1969, Kissinger tuyên bố cuộc chiến sẽ được giải quyết trong vòng sáu tháng. Đọc, Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 120. Sách của Hersh, The Price of Power, trang 119, nói Kissinger tuyên bố “sẽ có kết quả trong vòng ba tháng.”
[5]Daniel Ellberg, giữa năm 1971, thất vọng về đường lối cuộc chiến Việt Nam, ăn cắp tài liệu tối mật do Ngũ Giác Đài, do ông và một số viên chức cao cấp soạn thảo về lịch sử và liên hệ của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, đưa cho báo chí đăng tải. Ellsberg đã phục vụ ở Việt Nam như một quan sát viên quan trọng của Bộ Quốc phòng. Là một tay khoa bảng từ đại học Harvard (tiến sĩ đại học Harvard, bạn với Kissinger), Ellsberg gia nhập chính phủ với chức vụ phụ tá cho John McNaughton, nhân vật đứng hàng thứ ba trong Bộ Quốc phòng dưới thời của McNamara. Tài liệu Ellsberg đánh cắp từ Ngũ Giác Đài là căn bản của các ấn bản The Pentagon Papers sau này. Ellsberg xuất bản hai tác phẩm, Papers on the War, và Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers. Ngoại trừ tính chất tối mật của những Việc Ellsberg làm được ghi lại trong sách, hai tác phẩm của Ellsberg không có gì hay nếu không nói là dở.
[6]Jeffrey Kimball, Nixon's Vietnam War, trang 91-93.
[7]Paris. BT
[8]Tất cả các câu hỏi này nằm dưới dạng Huấn lệnh Nghiên cứu An ninh Quốc gia số 1 (National Security Study Memorandum 1), gởi ra từ Hội đồng An ninh Quốc gia của Kissinger. Đọc Ellsberg, Secrets, trang 235-241; Kimball, sđd, trang 94. Về chi tiết của các câu hỏi, đọc Jeffrey Clarke, Advice and Support: The Final Years, 1965-1973, trang 341-342. Về các câu hỏi liên quan đến quân đội Mỹ và VNCH, đọc, trung tướng Phillip B. Davidson, sđd, trang 588-589.
[9]Sau này, trong hồi ký, Kissinger nói huấn Lệnh NSSM 1 chỉ là một tham khảo sơ lược về cuộc chiến. Năm 1972, khi MSSM 1 bị lộ ra ngoài báo chí, đại tướng Alexander Haig, đang làm phụ tá cho Kissinger, tuyên bố, khi NSSM 1 đến tay các thẩm quyền thì “đã lỗi thời và quá xa [thẩm quyền trung ương]” để được áp dụng. Đọc, Kalb and Kalb, sđd, trang 129. Cũng theo hai tác giả Kalb, phúc trình gởi trả lời huấn Lệnh NSSM 1 dầy hơn một ngàn trang.
[10]Bản tường trình cuối cùng của McNamara, viết cho Johnson ngày 1 tháng 11-1967, có những đề nghị hoàn toàn trái ngược với tinh thần “diều hâu” của ông từ sáu năm qua. McNamara đề nghị không cho thêm quân; ngưng dội bom vô hạn định, và trao nhiệm vụ tác chiến lại cho quân đội VNCH để giới hạn thiệt hại về nhân mạng cho quân đội Hoa Kỳ. Đọc, Deborah Shapley, Promise and Power: The Life and Times of Robert McNamara, trang 436. Hơn một tuần sau, Johnson bổ nhiệm McNamara làm giám đốc Ngân Hàng Thế Giới (the World Bank), một chức vụ McNamara giữ đến tám năm sau.
[11]Oasinhton. BT
[12]Theo đô đốc Elmo R. Zuwalt, Jr., cựu Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, và sau này là Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, từ tháng 8-1968 ông đã nhận được chỉ thị của đại tướng Abrams cấp tốc huấn luyện và chuyển giao vùng trách nhiệm cho Hải quân Việt Nam. Zumwalt nói Abrams nhận lệnh này từ tổng thống Johnson. Đọc, Zumwalt, On Watch, trang 36-37. Về những huấn Lệnh liên quan đến chương trình Việt Nam Hóa của Bộ Quốc phòng, và quân số sự định của VNCH vào các tháng đầu của năm 1968, đọc, chuẩn tướng James Collins, sđd, trang 86-90.
[13]Bùi Diễm, trong tuyển tập Vietnam as History, Peter Braestrup, chủ biên, trang 62. Ở cùng trang, đại sứ Bùi Diễm nói thêm, ông nghĩ kế hoạch Việt Nam hóa được đề ra để đáp ứng với nhu cầu chính trị một cách tạm thời, hơn là một kế hoạch có tính toán kỹ càng. Cũng nên nhắc lại, khi Hoa Kỳ đổ bộ đơn vị TQLC đầu tiên lên Đà Nẵng vào tháng 3-1965, họ quên thông báo cho VNCH cho đến khi đặc chân xuống lãnh thổ VNCH. Và trong một ý nghĩa nào đó, Hoa Kỳ muốn “Mỹ hóa” cuộc chiến hai tháng sau, khi hai Tiểu đoàn tác chiến của lữ đoàn 173 Nhảy dù đổ bộ ở Vũng Tàu ngày 5 tháng 5. Đọc, Bui Diem with David Chanoff, In the Jaws of History, trang 131-132; Shelby Stanton, The Rise and Fall of an American Army, trang 45-46.
[14]Trích theo Sorley, A Better War, trang 5. Tháng 2-1967, Tham mưu trưởng liên quân Wheeler sau khi sang thăm Việt Nam, trở về báo cáo với tổng thống Johnson, “[theo chiều hướng này] chúng ta có thể thắng về quân sự nếu chúng ta tiếp tục áp lực như đang áp dụng ở miền Bắc và miền Nam.” Chữ nếu của Wheeler đã không được Johnson và McNamara theo đuổi tới mức. Op. cit., ibid.
[15]Về tổn thất của Hoa Kỳ, VNCH, CSBV, trong năm 1968, đọc, Doulas Pike, chủ biên, The Bunker Papers, Vol. 3, trang 647; về con số thương vong của Mỹ trong các năm trước đó, đọc, James Olson, Dictionary of the Vietnam War, Appendix E.
[16]Đọc, Đại tướng Bruce Palmer, Jr., The 25-Year War: America's Military Role in Vietnam, trang 92-93; Lewis Sorley, A Better War, trang 39-39; cùng tác giả, Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes, 1968-1972, trang 308. Theo một tác gỉa khác, đầu năm 1972, khi Thomas Polgar chuẩn bị lên đường sang Saigon thay Ted Shackley làm trưởng phòng CIA, Polgar có đến bộ quốc phòng từ giã Melvin Laird. Trong cuộc nói chuyện, Laird trấn an Polgar, nói rằng, “... đừng lo, Hoa Kỳ sẽ còn giữ lại một số quân cho đến 30 năm nữa như ở Tây Đức.” Kim Wellenson et al., The Bad War, trang 102. Trích theo Sorley, A Better War, trang 282.
[17]Lewis Sorley, Thunderbolt: General Creighton Abrams and the Army of His Times, trang 254-259. Về những thay đổi Huấn lệnh từ Hoa Thịnh Đốn, và những chiến thuật, chiến lược mới của MACV, đọc Sorley, A Better War, trang 17-30.
[18]Jeffrey Clarke, sđd, trang 384, và Appendix C. 549.500 người là số quân cao nhất của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Một tài liệu khác của Bộ Quốc phòng cho số 543.400 là cao nhất.
[19]Richard Nixon, No More Vietnams, trang 96.
[20] Theo Clarke, sđd, trang 351, phụ chú 22, bản Kế hoạch do Bộ Tổng Tham mưu VNCH soạn, được trao cho phía Hoa Kỳ tại Đảo Midway cùng ngày hội họp. Cũng theo Clarke, ông Thiệu nghe về chuyện rút quân một cách bán chánh thức từ đại tướng Abrams và đại sứ Bunker vào tháng Giêng, 1969. Trong lần nói chuyện đó tướng Abrams nói với tổng thống Thiệu là đây chưa phải là thời điểm có thể rút các đơn vị tác chiến đi được. Từ đầu năm 1968 ông Thiệu có tuyên bố trên báo chí về chuyện Hoa Kỳ sẽ rút quân nhưng nói rõ chi tiết, hay cho biết đó có phải là một kế hoạch hỗn hợp giữa hai bên hay không. Xem, Clarke, sđd, trang 346; Đoàn Thêm, Chuyện từng ngày: 1968, tháng Giêng, và, 1969, tháng Tư.
[21]Nixon, RN: The Memoirs of Richard Nixon, trang 392. Lewis Sorley, trong A Better War, trang 423, phụ chú 37, có viết, tướng William B. Rosson, đang là Tư lệnh phó MACV, có mặt ở dinh Độc Lập với tổng thống Thiệu khi cả hai nghe Nixon tuyên bố. Ngay sau đó, Tổng thống Thiệu nói với tướng Rosson là những gì Nixon nói hoàn toàn sai sự thật. Ông không có đề nghị chuyện rút quân với Nixon. Ngược lại, chính Nixon nói với ông là Nixon phải rút quân vì đó là ước muốn của dân Hoa Kỳ. Đại tướng Abrams chẵng những không đề nghị mà còn phản đối chuyện rút quân đột ngột như ý định của Nixon và tổng trưởng Laird. Đọc Jeffrey Clarke, sđd, trang 348.
[22]Chủ thuyết Nixon (The Nixon Doctrine) về liên hệ của Hoa Kỳ và nền an ninh ở Á châu, còn được được gọi là The Guam Doctrine, vì Nixon tuyên bố chủ thuyết này tại Đảo Guam vào tháng 7-1969, trên đường đi đón các phi hành gia Apollo XI (phi thuyền đáp lên mặt trăng) trở lại địa cầu. Guam là nơi Nixon khởi hành thăm viếng sáu Quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Về chủ thuyết này, đọc, Nixon, RN: The Memoirs of Richard Nixon, trang, 394-395.
[23] Henry Kissinger, White House Years, trang 276-277.
[24]“Thay đổi màu da của tử sĩ,” lời phát biểu của thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, ứng cử viên tổng thống năm 1968. Trích theo Seymour Hersh, sđd, trang 310.
[25]Tổng số tử thương của quân lực VNCH từ năm 1962 đến cuối năm 1969, theo hai tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Một tài liệu soạn năm 1972 có số tử thương là 117.075; tài liệu kia soạn năm 1975, với số tử thương là 110.176.
[26]Những ý nghĩ này nằm trong tác phẩm của đại tướng Cao Văn Viên và trung tướng Đồng Văn Khuyên, Reflections on the Vietnam War, trang 91-92. Cũng trong tác phẩm, hai tác giả cho biết chính tổng thống Thiệu cũng không thích tên gọi đó và không ban hành một Huấn lệnh nào để cho chỉ thị về chương trình Việt Nam hóa. Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, trong Vienamization and the Cease-fire, trang 19, cũng có những quan sát tương tự.
[27]Đọc, Bùi Diễm, sđd, trang 285. Đại sứ Bùi Diễm từ sau hội nghị Midway 1969, là nhân viên duy nhất đại diện cho phía VNCH trong các cuộc bàn luận kế hoạch Việt Nam Hóa ở Ngũ Giác Đài. Ông viết về các buổi thảo luận, “...gặp nhau hai tuần một lần, buổi họp tẻ nhạt... không có kế hoạch hay tổ chức.”
[28]Jeffrey Clarke, sđd, trang 351, phụ chú 20. Hai đơn vị rút đi lần đầu tiên là 2 lữ đoàn của sư đoàn 9 Bộ binh ở vùng IV, và một trung đoàn TQLC ở vùng I. Đầu năm 1969, quân lực Hoa Kỳ ở Việt Nam gồm có 351.965 Lục quân; 52.034 Không quân; 35.709 Hải quân; và 81.892 TQLC. Đọc, Clarke, sđd, Appendix C.
[29] Clarke, sđd, trang 354.
[30] Lewis Sorley, Vietnam Chronicles: The Abrams Tapes 1968-1972, trang 302-316. Hiện diện trong buổi họp là các đại tướng Abrams; George S. Brown (Tư lệnh phó MACV về không lực,) William B. Rosson (Tư lệnh phó MACV); đại sứ Ellsworth Bunker và William Colby (Colby lúc đó là Tư lệnh chương trình CORDS, với cấp bậc đại sứ); các trung tướng, thiếu tướng, còn lại là các Tư lệnh cố vấn quân đoàn, quân chủng. Các đại tá là Tư lệnh lực lượng đặc biệt; điệp vụ bí mật (SOG). Dân sự thì có những nhân vật như John Paul Vann (chỉ huy trưởng CORDS vùng II, sau này là cố vấn trưởng Vùng II), George G. Jacobson (phụ tá tham mưu trưởng MACV về CORDS, phục vụ ở Việt Nam liên tục hơn mười năm). Ngày họp hôm đó là ngày 22 tháng 11-1969, sau khi Hoa Kỳ đã rút đi 65 ngàn quân để bắt đầu chương trình rút quân từ lúc Nixon lên, nhưng bây giờ tổng trưởng Laird và Ngũ Giác Đài muốn rút thêm và nhanh hơn kế hoạch đã tính. Câu nói chua xót và hối tiếc của tướng Abrams về tướng Cao Văn Viên cho thấy những gì bộ Tư lệnh MACV đã hứa với Bộ Tổng Tham mưu và tướng Viên sẽ không thực hiện được. Trước khi có huấn Lệnh của Laird, Abrams thông báo cho Bộ Tổng Tham mưu VNCH là Hoa Kỳ sẽ rút quân theo khả năng gánh vác của quân đội VNCH; và, quân đội Mỹ vẫn duy trì một lực lượng tác chiến căn bản để canh chừng những vi phạm, hoạt động, của CSBV, như họ đã làm ở Nam Hàn. The Abrams Tapes, do tác giả Lewis Sorley ghi lại từ băng thâu âm hơn hai ngàn giờ họp quan trọng của MACV, là một tập tài liệu quan trọng và tối mật, viết lại từng chi tiết bên trong đầu não của bộ Tư lệnh quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Huấn lệnh mà Laird yêu cầu đọc cho ban tham mưu MACV nghe trong buổi họp nói trên, là những gì Laird đã tường trình cho Ủy ban Ngoại giao Thượng viện vài ngày trước đó ở Hoa Thịnh Đốn. Đọc cùng sách, cùng trang đã dẫn.
[31]Sư đoàn TQLC vào năm 1969 chỉ có sáu Tiểu đoàn. Cùng chung với Tiểu đoàn 81 Biệt kích Nhảy dù là 12 toán thám sát Delta. Về sự thành hình và lịch sử của Biệt cách Nhảy dù, đọc, đại tá Phan Văn Huấn, Đặc san Biệt cách Dù Lực lượng Đặc bbiệt, Số IV, Tháng 1-2005, trang 9. Ba mươi Tiểu đoàn pháo binh là kể luôn sáu Tiểu đoàn pháo 155 ly và hai Tiểu đoàn pháo binh của Nhảy dù và TQLC. Đọc, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Vietnamization and the Cease-fire, trang 32. Tương tự như tác phẩm The RVNAF của trung tướng Đồng Văn Khuyên, tác phẩm của Nguyễn Duy Hinh cung cấp nhiều chi tiết về chương trình Việt Nam hóa trong những năm 1969-1973.
[32]Các con số về số quân của các đơn vị, quân chủng, hơi khác nhau giữa sách của Nguyễn Duy Hinh, Đồng Văn Khuyên và Jeffrey Clarke. Vì số chênh lệch không nhiều giữa ba sách (từ bảy đến mười ngàn người), người viết dùng sách của tác giả Nguyễn Duy Hinh để các chi tiết được đồng nhất. Đọc Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 32, 40; Clarke, sđd, trang 349-356; Đồng Văn Khuyên, trang 19-22. Cũng cần nói thêm: Vì sách của hai tác giả Hinh và Khuyên dựa vào một số hồ sơ quân sự chưa được giải mật trong lúc viết nên trong sách không có chú dẫn tài liệu. Sách của sử gia quân đội Jeffrey Clarke viết sau này, khi một số tài liệu đã được giải mật, và từ sách của Clarke, chúng ta có thể suy luận những nguồn tài liệu trong sách của hai tác giả Hinh và Khuyên đến từ đâu. (Hai tác giả được coi một số tài liệu mật liên quan đến chủ đề trong thời gian soạn sách. Nhưng sau khi hoàn tất, Trung tâm Quân Sử Lục quân Hoa Kỳ giữ bản thảo lại vài năm và chỉ xuất bản giới hạn sau khi những tài liệu liên quan đã được chánh thức bạch hóa)
[33]Chẩn tướng James L. Collins, Jr., sđd, trang 91. Về sơ lược các hoạt động và cơ cấu Cảnh sát Quốc gia, đọc, đại tá Hoàng Ngọc Lung, Intelligence, trang 49-54.
[34]Chi tiết về quân số, vũ khí và quân nhu dụng gia tăng trong thời khoảng 1969-1973, đọc, Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 30-48; Đồng Văn Khuyên, sđd, trang 18-21.
[35] Collins, sđd, Appendix C.
[36]James H. Willbanks, Abandoning Vietnam: How America Left and South Vietnam Lost Its War, trang 40-41. Hai con số về huấn luyện viên và cố vấn Mỹ, Willbanks trích theo tài liệu của MACV, và sách của Cao Văn Viên và Đồng Văn Khuyên, The U.S. Advisors.
[37]CORDS là chữ tắc của Civil Operations and Rural Development Support (Dân sự Vụ và Phát triển Nông thôn) Trước đó chương trình còn được gọi là Civil Operations and Revolutionary Development Support (Dân sự Vụ và Cải cách Nông thôn). Nhiều chương trình có mục tiêu tương tự như CORDS đã hiện hữu từ trước. Nhưng chương trình nằm dưới tên CORDS, và qua sự điều khiển của đại sứ Robert Komer và sau này là William Colby, sát nhập hai chương trình Civil Operations của tòa đại sứ (dân sự) và Rural Development của MACV (quân sự) để trở thành một chương trình duy nhất. Về lịch sử của các chương trình bình định, phát triển hay xây dựng nông thôn, đọc, William Colby, Lost Victory, Appendix B, trang 384-387.
[38]Một số kế hoạch có tính cách “bán quân sự” của chương trình CORDS liên hệ đến CIA nếu không nói hoàn toàn nằm dưới thẩm quyền của CIA. Theo tài liệu và sách vở khả tín, các chương trình như Chiến dịch Phượng hoàng; Thám sát Tỉnh; hai đài phát thanh dùng vào kế hoạch “tuyên truyền xám” Gươm thiêng Ái quốc và Mẹ Việt Nam; và chương trình tâm lý chiến trong Kế hoạch 38 (Operation 38), đều nằm dưới sự điều khiển của CIA và Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH. Ba người có liên hệ sâu đậm đến CORDS đều xuất thân từ CIA: Theodore (Ted) Shackley, Robert Komer, và William Colby. Shackley chỉ huy CIA ở Lào trước khi đến Saigon; Komer làm cho CIA trước khi qua làm cho Hội đồng An ninh Quốc gia; và Colby thì như chúng ta đã rõ, chỉ huy trưởng CIA ở Saigon từ thời tổng thống Diệm. Có khá nhiều tài liệu sách vở nói về CORDS và các hoạt động tình báo nằm song song với kế hoạch này. Đọc, David Corn, Blond Ghost: Ted Shackley and the CIA's Crusades; William Colby, Lost Victory; và, Ralph McGehee, Deadly Deceit. Sách của Corn có rất nhiều chi tiết vì tác giả đã phỏng vấn gần một trăm cựu nhân viên CIA hoạt động ở Việt Nam; trong khi MacGeehee là nhân viên điều tra chánh của CIA trong vụ khám phá ổ gián điệp Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ ở Phủ Tổng thống vào giữa năm 1969. Sách Colby như là một hồi ký nói về liên hệ mười sáu năm của tác giả với Việt Nam qua các chức vụ như xếp CIA và xếp chương trình CORDS.
[39]Về Nghị quyết 9, đọc, Sorley, The Abrams Tapes, trang 91, 263-266; A Better War, trang 154-168; Willbanks, sđd, trang 67; David Corn, sđd, trang 202-203; Davidson, Vietnam at War, trang 600-601. Về những khó khăn CSBV phải đương đầu vào những năm 1968-1971, đọc, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Ký ức Tây Nguyên, trang 131-141. Theo tướng Hiệp, có lúc tất cả gạo tồn kho chỉ còn đủ để nuôi lính của chiến trường B3 một tuần; và, lính và thương binh CSBV rút về Lào và miền Bắc đông và nhiều như cuộc “tập kết lần thứ hai” trong hai năm đó. Ở một đoạn khác trong sách (trang 367), tác giả cho biết Sư Đoàn 10 của ông bị chết 9.900 quân trong thời gian chưa đầy ba năm (9-1972 đến 4-74). Đặng Vũ Hiệp là chính ủy B3, chính ủy Sư Đoàn 10, rồi chính ủy Quân Đoàn 3 vào năm 1975. Tình hình của CSBV ở những mặt trận khác như B5 (tương đương với Vùng I), hay Quân Khu 7 và 9 (Vùng II và IV) cũng rơi vào tình trạng nguy khốn tương tự. Đọc, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Miền Trung những tháng ngày không quên, trang 415-417. Tướng Khánh là Tư lệnh B5 (Khu 5). Về tình hình ở Saigon-Gia Định và vùng phụ cận, người viết trích theo hồi ký Mai Chí Thọ (lúc đó Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt là Tư lệnh và chính ủy của “nội đô,” hay là Phân Khu 6, bao gồm Saigon, Gia Định, Bình Dương và các vùng khác ở Quân Đoàn III) viết trong Theo bước chân lịch sử, trang 168-174. Trần văn Trà, trong Kết thúc cuộc chiến 30 năm, Tập 5, trang 190, cho biết những Tư lệnh tử trận năm 1968 và 1969 là, Trần Đình Xu, Tư lệnh khu Saigon; sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện; và Tư lệnh phó quân khu 8 Nguyễn Văn Nhỏ (Hai Nhỏ).
[40]Những con số về hồi chánh, an ninh địa phương, đọc, The Bunker Papers, các tờ tường trình vào tuần lễ cuối của những năm 1967, 1968, 1969, 1970, và 1971. Trong những tường trình cuối năm, đại sứ Bunkers thường báo cáo cho tổng thống tất cả các con số về kinh tế, tình hình chính trị, an ninh, số thương vong của Hoa Kỳ, VNCH, CSBV, số cán binh ra hồi chánh, cũng như tiến triển của các chương trình có tính cách dân sự. Về những thay đổi tình hình an ninh ở xã, ấp trong những năm 1967-1971, đọc, William Colby, sđd, Appendix D, trang 420-421.
[41] Đọc, William Colby, Victory Lost, trang 313.
[42]Ngày 5 tháng 2-1970, Hoàng thân kiêm đệ nhất Thủ tướng Cam Bốt, Sirik Matak, tuyên bố trên đài phát thanh Quốc gia là quân đội Cam Bốt chuyên chở và bán gạo cho CSBV theo những thỏa thuận từ trước, nhưng ông không muốn thấy liên hệ đó tiếp tục nữa. Trước đó gần hai tuần, bộ trưởng Nguyễn Văn Tiến của Chính phủ Lâm lhời Việt Cộng có đến thương lượng với Matak lần cuối để được tiếp tục mua gạo và đóng quân.... Khi nghe Matak dọa quân đội Cam Bốt sẽ có biện pháp với các đơn vị CSVN đang có mặt trên đất Cam Bốt, bộ trưởng Tiến trả lời các đơn vị cộng sản sẽ chiến đấu tự vệ, vì “họ đã trả một số tiền rất lớn cho Shihanouk để được phép đóng quân và thiết lập căn cứ trên đất này.” Đọc, Sorley, The Abrams Tapes, trang 360, 383-384. Theo ký giả Nayan Chanda, Hoàng thân Shihanouk, với sự đồng ý của Chu Ân Lai, lấy 10% tổng số hàng nhập vào hải cảng Shihanoukville. Từ Shihanoukville quân đội Cam Bốt dùng quân xa chuyển hàng giao đến tay CSBV và tính thêm tiền chuyên chở. Shihanouk lấy lại tiền bán gạo cho CSBV từ Trung Cộng. Đọc, Chanda, Brother Enemy, trang 61, 420 (phụ chú 17); Qiang Zhai, China and the Vietnam War: 1950-1975, trang 135-137, 248 (phụ chú 33 và 35). Trong hồi ký của Trường Sơn (bút hiệu của đại tá Phạm Tề thuộc bộ Tư lệnh Đoàn 559) tác giả cũng có nói về vấn đề chi tiền cho quân đội Cam Bốt để được đóng quân và tích trữ quân nhu dụng. Đọc, Trường Sơn, cuộc hành trình năm ngàn ngày đêm, trang 129-139. Về thái độ hai hàng và ngụy tín của Shihanouk, đọc, Davidson, Vietnam at War, trang 624-625.
[43] Davidson, sđd, cùng trang.
[44]Sorley, A Better War, trang 200, và những phụ chú liên hệ Đô đốc McCain đề nghị với tham mưu trưởng liên quân Wheeler là phải đánh qua Cam Bốt; William Colby nói, còn căn cứ của CSBV ở Cam Bốt thì chúng ta sẽ còn ở lại Việt Nam vĩnh viễn. Một vị tướng khác, quen thuộc với tình hình quân sự Việt Nam, nhận định là các căn cứ của CSBV đóng dọc theo biên giới Việt Nam tương tự như một khẩu súng lên đạn kề vào đầu VNCH. Đọc, Dave Palmer, Summons of the Trumphet, trang 228.
[45]Sorley, A Better War, trang 200-203; William Hammond, Reporting Vietnam, 201-218; Jeffrey Kimball, Nixon's Vietnam War, trang 197-212; Davidson, sđd, trang 623-633; James H. Willbanks, Abandoning Vietnam, trang 77-86. Tất cả các tác phẩm nói trên đều đề cập chút ít gì về cuộc tấn công qua Cam Bốt của quân lực VNCH vào tháng 5-1970. Tuy nhiên, để có chi tiết và lịch sử đầy đủ hơn về cuộc hành quân, xin đọc, The Cambodian Incursion, của chuẩn tướng Trần Đình Thọ. Cũng nói thêm, phần lớn vũ khí tịch thu được trong những cuộc hành quân được quân đội VNCH giao lại cho quân đội Cam Bốt.
[46]Vì tính chất phức tạp với nhiều giai đoạn, nhiều tên gọi, cho các cánh quân (mỗi chiến đoàn phụ trách một giai đọan/ mục tiêu của cuộc tấn công), người viết dùng tên Toàn Thắng là tên chánh của cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Để biết thêm chi tiết về mục đích, hướng đánh, chiến đoàn tham dự, hay của các tên cuộc hành quân phụ như Bình Tây I-III; Toàn Thắng 41-46; và Cửu Long 44, xin đọc, chuẩn tướng Trần Đình Thọ, The Cambodian Incursion, trang 53-133.
[47]Trần Đình Thọ, The Cambodian Incursion, trang 95.
[48] Về chi tiết những hoạt động của phía Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Rockcrusher, đọc, đại tướng Donn A. Starry, Mounted Combat in Vietnam, trang 166-176. Trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, tướng Starry mang chức đại tá, chỉ huy trưởng Trung đoàn 11 Thiết kỵ (Black Horse Regiment), trung đoàn mà trước đó một năm được con trai của đại tướng lừng danh Patton chỉ huy.
[49]Với số lượng vũ khí, quân nhu dụng, tịch thu được từ những căn cứ và kho dự trữ ở Cam Bốt, tình báo CIA đã mất đi tiếng nói với hầu hết thẩm quyền của chính phủ Hoa Kỳ, nhất là với tổng thống Nixon. Những dự đoán sai lạc về số lượng hàng xâm nhập qua hải cảng Shihanouk của CIA từ năm 1964 làm cho Hội đồng An ninh Quốc gia và với quân sự nghi ngờ về khả năng của CIA trong những tiên đoán họ đưa ra. Đọc, Henry Kissinger, White House Years, trang 240-241; Sorley, A Better War, trang 209-210, trích lại lời phê bình của đại tướng Bruce Palmer (từng là Tư lệnh phó MACV). Tháng 11-1970, CIA lại thiếu chính xác thêm lần nữa khi họ không biết chắc chắn tù binh Hoa Kỳ còn có mặt ở trại tù Sơn Tây hay không, cho đến những ngày cuối cùng. Nhưng đến giờ phút đó cuộc hành quân giải cứu tù binh đã trên đường đến Thái Lan, và từ đó bay qua không phận Thượng Lào để đến Sơn Tây. Đọc, Benjamin F. Schemmer, The Raid, trang 219-220.
[50]Chi tiết về thiệt hại đôi bên, vũ khí và quân nhu dụng tịch thu của CSBV, đọc, chuẩn tướng Trần Đình Thọ, sđd, trang 193-194.
[51]Hầu kết các sách về chiến tranh Việt Nam đề có viết ít nhiều về phản ứng của dân cũng như quốc hội khi đồng minh tấn công qua Cam Bốt. Một tổng kết nói lên đầy đủ các phản ứng từ nội địa, ngoại quốc và giới chính trị ở quốc hội được Paul M. Kattenburg viết trong The Vietnam Trauma in American Foreign Policy, 1945-75, trang 241-281. Kattenburg là chuyên viên về Đông Dương thập niên 1950, và giám đốc Việt Nam Vụ năm 1963-1964. Ngày 30 tháng 6-1970 ngày cuối cùng của quân đội Mỹ trên đất cam Bốt để nhấn mạnh thái độ của họ đối với tính chất pháp lý về liên hệ của Hoa Kỳ ở Việt Nam, thượng viện Mỹ biểu quyết thêm một lần nữa rút lại Quyết nghị Vịnh Bắc Việt, một quyết nghị căn bản cho phép tổng thống Mỹ can thiệp và đưa quân vào Việt Nam. Hai tháng trước đó, tiểu bang Massachutsetts chấp thuận một dự luật rất “phản chiến” và ngược lại đường lối của chính phủ liên bang: Tiểu bang này cho phép công dân của tiểu bang “được tị nạn nghĩa vụ quân sự” cho đến khi nào quốc hội Hoa Kỳ chính thức tuyên chiến với một Quốc gia nào đó (trong trường hợp này là tuyên chiến với Bắc Việt). Dự luật của tiểu bang Massachutsetts đặt nền hành pháp vào một thế kẹt, vì theo Hiến pháp Hoa Kỳ, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền tuyên chiến (declaration of war clause). Đọc, Chester Cooper, The Lost Crusade: America in Vietnam, trang 462-463.
[52]Trần Đình Thọ, The Cambodian Incursion, trang 175-180.