2.

Có lẽ Nguyên Hồng yêu mến tôi vì tôi và anh gặp nhau ít nhất ở một điểm: chúng tôi cùng tha thiết yêu thành phố Hải Phòng. Cùng sống chết với nó. Từ ngày đưa vợ con rời thủ đô về đây, mỗi ngày tình cảm của tôi với Hải Phòng một thêm sâu nặng. Tôi biết ở nhà máy xi măng kia có những ai đang làm việc. Tôi biết cần cẩu vàng đã thấm mồ hôi của những ai. Bởi vậy mỗi khi có việc lên Hà Nội trở về, ngồi trên tàu hoả, ngong ngóng thấy Sở Dầu là như đã bắt được tín hiệu của thành phố, và thật sự vui mừng, xúc động khi nhìn thấy làn khói nhà máy xi măng toả trắng. Khói nhà máy xi măng toả trắng. Câu ấy đẹp như thơ vậy. Đó là đầu đề bài bút ký đầu tiên của Nguyên Hồng khi anh rời báo Văn về nhà máy xi măng Hải Phòng. Bài bút ký ấy cũng giống như một bức thư gửi cho tất cả sau bước ngoặt của đời anh.
Tôi cũng đã hiểu được ý nghĩa của chữ toả trắng Nguyên Hồng viết. Nhìn lên bầu trời xi măng, thấy khói trắng, nghĩa là các lò đang làm việc, nhà máy đang sản xuất ra của cải, những người thợ đang đứng máy một cách bình thường. Nếu nhìn thấy khói đen, nghĩa là có lò bị cháy. Nghĩa là sản xuất giảm, kế hoạch bị đe doạ, phải dừng lò, phải chờ lò nguội rồi lao vào sửa chữa... Nhìn những làn khói trắng bình thản toả trên trời thật yên tâm biết bao. Tôi cũng đã có cái nhìn của người thợ xi măng. Một lần về Thuỷ Nguyên thăm bố mẹ trở ra, vừa nhô khỏi Núi Đèo, thấy giữa những làn khói trắng có một ống khói nhả khói đen, tôi kêu lên với vợ tôi đang ngồi sau xe đạp: “Lò 5 cháy rồi”. Tôi biết cả nhà máy đang xao động, các bạn tôi bên ấy đang vất vả lo lắng. Cũng như sau này khi ở tù ra, nhờ ông Hoàng Hữu Nhân, được vào làm ở một xí nghiệp đánh cá, kết bạn với những người vật lộn với biển cả, tôi có thói quen nghe bản tin thời tiết. Lúc đó các cháu phải im lặng. Đã nhiều lần chúng bị mắng vì một tiếng cười vô ý khi tiếng loa truyền thanh đầm ấm: “Sau đây là dự báo thời tiết biển đêm nay và ngày mai...”. Như những gia đình đi biển, tôi cũng có cái nhìn hướng về biển cả và tôi thật sự trách móc chị phát thanh viên đài Tiếng nói Việt Nam khi chị đọc hai tiếng “biển động”. Tiếng ấy chị đọc tròn trặn ngọt ngào, lăn vào lòng người. Nhưng với những người bạn của tôi là tất cả sự vất vả, dằn vặt, suy nghĩ. Tiếng ấy lẽ ra phải ầm ầm như sóng biển, kêu lên như tiếng xích neo đập vào mũi tàu lao xuống nước ở vị trí trú gió, căng thẳng như da đầu những lúc nằm dài trong buồng nhìn sóng sôi ngay ngoài kính cửa húp lô và bẩy ngày không đi ra được ngoài boong vì đấy là nơi sóng đổ nước dập vùi. Tôi không dối trá đâu khi nói rằng cho dù cuộc đời biến đổi xoay vần, tình tôi với Hải Phòng không bao giờ nhạt phai. Và Nguyên Hồng cũng vậy.
Nguyên Hồng thích thống kê các tên đất, tên nhà, tên phố Hải Phòng. Những tên Tây và những tên ta. Những Hôtel du Commerce, những ngõ Mộ Phu, Máy nước hai vòi, những Phọng Bớp, Trại lính Cát dem, Sở thầu Tây cụt, Vườn hoa đưa người. Các cụ mình cũng ác lắm chứ. Bến tầu Tây điếc, ở cái chỗ nhà Ngân hàng lên gần công ty Tầu cuốc bây giờ đấy. Mày cai trị tao, tao vẫn gọi mày là Tây điếc vì mày điếc. Mày điếc thật. Ngồi khoanh chân xếp bằng tròn giữa sàn nhà, Nguyên Hồng nghĩ ngợi và mỗi cái tên bật ra anh lại giơ ngón tay trỏ lên trời như bắn những phát đạn chỉ thiên.
- Nhà thờ Tây đen!
- Ngõ, ngõ ngõ - ông - Lý - Phình!
- Ngõ ngõ - ông Đồng - Lùn!
- Sở - Lục - lộ - Thuỷ! Đã lục lộ lại còn Thuỷ.
- Ngõ - Cô - Ba - Chìa?
- Phố - Kiến - ốc - Cục?
Im lặng một lúc lâu. Chúng tôi đã tưởng hết. Hết những cái tên rất đặc biệt của Hải Phòng. Nhưng ngón tay trỏ của anh vẫn giơ lên khỏi đầu. Đôi mắt anh long lanh. Anh còn đang lục tìm trí nhớ. Và:
- Ngõ - Sau - Nhà lốp!
Cười. Cười dòn tan. Thế là đủ. Đủ cho tình yêu của chúng tôi đối với Hải Phòng. Đủ cho khát khao muốn viết một cái gì đó về Hải Phòng.
Những cái tên đó đi thẳng vào trí nhớ của tôi và đọng lại ở đó. Chúng là những hạt vàng, vì như Pau-tốp-xki nói trí nhớ là cái rây thần chỉ để đọng lại những hạt vàng.
Trong một buổi họp mặt anh chị em văn nghệ Hải Phòng, chuẩn bị cho việc thành lập chi hội Văn nghệ thành phố mà Nguyên Hồng sẽ là chủ tịch, có đông đủ anh chị em các ngành nghệ thuật, có cả đồng chí Hoàng Hữu Nhân, bí thư kiêm chủ tịch thành phố (đồng chí nói đùa rằng hãy coi đây là một hợp tác xã văn chương nghệ thuật), được giao nhiệm vụ phát biểu ý kiến, tôi chỉ việc sắp xếp lại các tên đất, tên nhà, tên phố Nguyên Hồng đã dạy cho tôi, thêm vào dăm ba ý kiến về sáng tác, thế là đã thành một bài phát biểu “đầy chất thơ” như có người đã nhận xét một cách nâng đỡ.
Không chỉ các tên gọi, đường phố Hải Phòng luôn hấp dẫn Nguyên Hồng. Anh hay rủ tôi đi cùng anh. Một buổi sớm, tôi còn đang ngủ, anh đã khe khẽ:
- Tấn dậy chưa?
Tôi mở mắt. Nguyên Hồng ngồi nhỏm dậy thì thào:
- Đi chơi phố đi.
Chúng tôi khe khẽ mặc quần áo để khỏi làm thức vợ tôi lúc đó đang nuôi con mọn. Giấc ngủ với nàng thật quý báu. Lại tiếng thì thào:
- Chốc về đánh răng rửa mặt?
Tôi ngoan ngoãn đạp xe đi theo anh, bởi vì tôi cũng rất yêu những buổi sáng như thế này. Những bóng đèn đường chưa tắt nhưng không toả sáng nữa. Chưa tách bạch được những cành cây phượng vĩ, chỉ thấy những tán lá. Không gian thoáng mát, mờ ảo như những đêm trắng phương Bắc mà tôi được đọc và tưởng tượng ra. Thỉnh thoảng một cửa sổ tỉnh dậy. Một bóng đèn tròn bật sáng. Thấp thoáng bóng người trong khuôn cửa. Thành phố của tôi đang thức dậy dần dần như thế đấy. Chúng tôi đạp xe đi và nhìn trời đất. Từ Ngã Sáu vòng qua phố Ga, rẽ xuống Cầu Đất. Trong ánh sáng trắng của đêm đang chảy đi, một thiếu nữ đang đứng lấy nước bên hè phố. Dáng người mảnh dẻ, nàng mặc quần áo ngủ nhàu nát. Tóc rối chưa chải. Như có mùi hương của căn phòng trinh nữ tươi mát đâu đây, trên hè phố Cầu Đất rộng và thoáng này.
Nàng khoá vòi nước công cộng, gánh nước trên vai nhún nhẩy bước đi. Cả người con gái, cả gánh nước như không có trọng lượng trong không gian mờ sáng, biến vào một cánh cửa mở như trong mơ.
Tôi im lặng, không dám nói những quan sát của tôi về người con gái dậy sớm ấy. Nhưng chẳng có gì lọt qua mắt anh. Hẳn anh cũng nhìn người con gái gánh nước ấy và nghĩ ngợi. Chỉ sau vài lần guồng pê-đan, Nguyên Hồng thở dài:
- Vợ tôi gầy quá anh ạ.
Không phải lần đầu tiên Nguyên Hồng nói với tôi điều ấy. Với tôi anh hay nói to ý nghĩ của mình. Một gia đình nhỏ mấy cũng cần ăn. Mai-a-kốp-xki đã dạy như vậy. Đó là chân lý. Mà các cụ lại nói: Hai vợ chồng son, đẻ một con thành bốn. Cũng lại là chân lý dù nó không đúng với phép tính cộng số học.
Khi ở Hà Nội về Hải Phòng chúng tôi mới chỉ có một cháu trai. Thế nhưng mấy năm sau đã thêm cháu Giáng Hương, rồi lại cháu Hải Yến. Phải mượn một cô bé ở nông thôn ra trông cháu. Chẳng còn cách nào khác. Lương tôi cán ba, 64 đồng cộng thêm 2 đồng phụ cấp làm báo, vợ tôi 50 đồng cộng 5 đồng lương con. Tổng cộng hai đứa 121 đồng, trừ 6 đồng tiền nhà còn 115 đồng. Mà gia đình tôi lúc ấy đã 6 người, còn đâu là gia đình nhỏ nữa. Đó là chưa kể khoản bè bạn khách khứa, không phải ít. Bè bạn đi Quảng Ninh ngủ lại. Đi công tác Hải Dương xuôi xuống thăm. Nguyễn Kiên còn làm một cuốc xe đạp từ Hà Nội về thăm tôi. Khi Kiên dựng xe ở sân, tôi hoảng hốt gọi Kiên: Cái xe đạp của Kiên, moay-ơ lòi cả bi ra ngoài. Kiên xem và tươi cười giải thích cho tôi biết về cái moay ơ pê lít xi ê pơ luym có nắp đậy. Anh đạp xe đường trường, nắp bật ra nên trông như nó nhè bi ra chứ chẳng làm sao. Lại một lần Phạm Hồng, biên tập viên của cục điện ảnh dẫn một đoàn diễn viên, đạo diễn về nhà tôi. Sau khi làm nhiệm vụ giới thiệu bè bạn với nhau, Phạm Hồng xuống thang và biến mất. Câu chuyện giữa chủ khách ngay đơ ra vì thiếu thành phần kết dính. Chúng tôi cùng trông ngóng anh, cùng chờ đợi tiếng chân anh lên thang. Phải đến hai giờ sau tôi nghe thấy từ phía cầu thang tiếng quang quác trầm hùng của một con gà trống cỡ bự và cái đầu Phạm Hồng ló lên, cùng với cái đầu con gà trống hoa mơ mào nụ. Anh cười rất tươi, mặt mày rạng rỡ.
- Lúc vào đây thấy mậu dịch ngoài Ngã Sáu bán gà, tranh thủ ra xếp lốt, đưa giấy công tác ra, nói khó với các cô ấy mua được một con.
Con gà trống rất to, cựa dài, nhọn hoắt, chân bự, sù sì chân ấy phải đi giầy số 42 theo cách nói của Nguyên Bình. Chỉ tội hơi cao tuổi. Nhưng là tuyệt diệu. Cũng xin nói thêm ở đây là một lần Phạm Hồng từ Quảng Ninh về, ghé qua tôi vào buổi tối thì tôi đã bị bắt. Anh sững sờ. Vợ tôi đang học ở trường đại học. Các con tôi ở quê với ông bà. Cửa khoá. Vì tôi mới bị bắt nên chìa khoá còn do ông tổ trưởng dân phố giữ. Sau khi hỏi xóm láng, Phạm Hồng đến gặp ông tổ trưởng, xuất trình giấy tờ, trình bầy là bạn về chơi, không có chỗ ngủ. Mượn được chìa khoá, anh vào buồng tôi, căn buồng còn đọng chút hơi hướng của tôi, ở một đêm, sáng hôm sau về Hà Nội. Đêm hôm đó, giữa căn buồng còn nguyên dấu vết của cuộc khám xét ngổn ngang bừa bộn lúc tôi bị bắt ra đi, anh ngồi im lặng suốt đêm không ngủ. Rồi xuống nhà nhặt một mẩu gạch viết lên tường nhà tôi một bài thơ bốn câu. Năm năm sau tôi mới trở về. Bài thơ ấy không còn nữa.
Mãi mấy chục năm sau, trong một lần trở lại Hải Phòng, Phạm Hồng mới kể cho tôi nghe chuyện đó. Anh đã về hưu từ lâu và lập một trang trại ở Gia Lâm. Anh vừa cho in truyện dài Ả Phù dung và cũng vừa kết thúc một chuyến đi tìm vàng, đầu óc còn đầy ắp những chuyện phiêu lưu, những suối lũ, những vách núi, những hang động với những bộ xương người và chai lọ...
Con gái tôi làm một bữa cơm cá dĩa mời anh. Ngủ lại nhà tôi hôm ấy, anh cứ dằn dọc mãi. Rồi anh trở dậy lôi từ trong túi xách ra một cái quần trẻ con khai mù và cười khì khì:
- Tớ đi đâu cũng phải mang theo cái này. Ngủ với cháu quen rồi. Không có mùi nước đái trẻ con là không ngủ được.
Anh để cái quần khai ấy ngay cạnh gối. Chỉ một lúc đã thấy ngáy pho pho. Hoá ra anh là tộc trưởng một bộ tộc rất đông con cháu. Gần hai chục cháu nội ngoại, đứa nào cũng quấn lấy ông, ngủ với ông.
Còn một kỷ niệm nữa về các bạn điện ảnh đến thăm tôi ấy là Trà Giang. Ăn cơm trưa xong Trà Giang rủ tôi đi bộ thăm thành phố. Đó là một sự tế nhị. Trà Giang muốn vợ con tôi đang nuôi con nhỏ được nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa.
Trời chớm hè. Những cành phượng phố Quang Trung lá non mầm. Khát nước, tôi và Trà Giang ghé vào một quán chè đỗ đen ven đường. Trà Giang dạo ấy đã nổi tiếng. Phim Chị Tư Hậu vừa được chiếu rộng rãi. Các em nhỏ nhận ra Trà Giang ngay. Các em kêu: Chị Trà Giang? Có phải chị là Trà Giang không? Như không tin ở mắt mình nữa và xúm lại quanh người mà các em đã thấy trên màn ảnh. Tất nhiên cô gái bán chè đỗ đen vỉa hè cũng nhận ra Trà Giang ngay và vô cùng thích thú. Cô vừa múc chè vừa quay lại nhìn Trà Giang. Cô dặt trước chúng tôi mỗi người một cốc chè có đá đập nhỏ. Thấy tôi chăm chú nhìn hai cốc chè và tủm tỉm cười, Trà Giang vội ghé sát tai tôi, thì thầm điều tôi sắp nói với Trà Giang:
- Sự nổi tiếng có ích lợi gì đâu. Cốc chè của em cũng đúng bằng cốc chè của anh, không hơn lấy một thìa.
Bè bạn về đông, thật vui, nhưng cũng phải lo sao cho tươm tất. Chẳng còn cách kiếm tiền nào khác, ngoài việc viết. Không từ một thể loại gì. Mỗi tháng tôi bảo đảm một trang thủ công nghiệp cho báo Thời Mới của ngài Hiền Nhân. Anh bạn thường trú của báo Thời Mới có thể hoàn toàn yên tâm về tinh thần trách nhiệm của tôi Viết cho báo Cứu Quốc, nơi anh Xuân Thu, anh em chú bác ruột với tôi làm biên tập. Và cho Chính Yên báo Nhân Dân... Chính Yên chỉ đặt tôi viết những bài bút ký từ 400-500 dòng trở lên để đăng báo ra ngày chủ nhật. Lâu lâu không có bài là Chính Yên lại tống thư về: “Ý thức của anh đối với báo Đảng ở đâu?” Còn một nơi quan trọng: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, mục Tổ quốc ta tươi đẹp.
Đó là viết báo, ăn ngay, lấy ngắn nuôi dài như Thủ tưởng Phạm Văn Đồng khuyên anh em văn nghệ. Song song với việc viết báo, tôi có nhiều việc phải làm cho các nhà xuất bản. Ở nhà Lao Động, tôi có Nguyễn Thế Hội và sau này thêm Nguyễn Gia Nùng. Nguyễn Trí Tình đã sang Nhà xuất bản Thanh niên (nhà xuất bản này tôi quen tất cả vì cùng một cơ quan Trung ương Đoàn với tôi khi tôi còn ở báo Tiền Phong). Nguyễn Kiên sau một thời gian về tỉnh đoàn Hà Đông định làm một ông Triệu Thụ Lý đã chuyển về Nhà xuất bản Văn Học. Nhưng điều quan trọng nhất là ở Hải Phòng có nhiều gương điển hình tiên tiến. Hải Phòng có các anh hùng lao động Phùng Văn Bằng (Hải Đăng), Hồ Xuân Tuyên (Đánh cá Hạ Long), Nguyễn Khả Kính (Cảng), Nguyễn Hiền Viết (Xi măng), có Nhà máy cơ khí Duyên Hải, tổ đá nhỏ ca A, những lá cờ đầu trong phong trào thi toàn miền Bắc v.v...
Dạo đó các nhà xuất bản đua nhau in sách người thật việc thật, mà chúng tôi gọi là văn chương tổ đội. Trong văn chương tổ đội, tôi là một chuyên gia. Tôi viết những truyện ký có vẻ sạch nước cản. Tôi tự thấy mình có nhiều may mắn hơn những anh em cầm bút khác. Này nhé: Tôi là người phát hiện ra anh hùng lao động Phùng Văn Bằng, và qua Đỗ An Bình, tôi rất thân với Ty Hải Đăng (mà thời Tây có tên gọi là Lục Lộ Thuỷ). Tôi đã sống với Phùng Văn Bằng nhiều ngày, đã đi các đảo Long Châu, Hòn Dáu, Cô Tô, Con Dán, đã đến vịnh Sửng Sốt, hòn Bách Hợp... Mọi người đều thấy chẳng ai viết về Phùng Văn Bằng hơn tôi, lãnh địa ấy là của tôi.
Còn nhà máy cơ khí Duyên Hải cũng lại là của tôi, tôi đã bám nó hàng năm trời, tôi lại được đồng chí bí thư thành uỷ trực tiếp trao nhiệm vụ. Khi chiến tranh bắn phá, riêng mảng đề tài các đảo đèn trước bom đạn Mỹ đã vô cùng phong phú và hấp dẫn. Trong cuộc đọ súng đầu tiên với máy bay Mỹ ở Quảng Ninh ngày 5 tháng 8 năm 1964, bật lên tấm gương của Đồng Quốc Bình. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ có một cái gì đó về người chiến sĩ trẻ tuổi đã hy sinh này. Nhưng anh là người Hải Phòng. Nhà xuất bản Thanh Niên lại đặt tôi viết (in chung với bài viết về Nguyễn Viết Xuân) và quyển này cũng có một tirage khá lớn. Lại còn những con tàu chở hàng vào khu vực cán gáo (khu 4 cũ), âm thầm, thường xuyên giáp mặt với bom đạn và cái chết...
Tôi viết như bổ củi. Câu này là của tôi mà Vũ Bão đã dùng trong một sáng tác của anh, nay tôi thấy cần đòi lại bản quyền. Tôi còn viết thêm văn như lộn xích xe đạp. Tôi viết như người làm chủ một gia đình 6 người, một gia đình nhỏ mấy cũng cần ăn. Tôi tập trung sức vào quyển tiểu thuyết Hải đăng, quyển tiểu thuyết trình làng của tôi theo như tôi quan niệm hồi đó.
Nguyễn Kiên có nói vui với tôi rằng văn nghệ nó như cái đình ấy. Các ông Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi đã ngồi chiếu giữa ăn cỗ nhất cả rồi. Anh em mình đến sau, chẳng ai trải chiếu cho mình đâu. Phải tự kiếm lấy hòn gạch ngồi ghé vào đâu đó rồi cắm đầu mà viết thôi. Với Hải đăng, tôi hy vọng chỗ ngồi của tôi trong ngôi đình văn nghệ sẽ rộng hơn hòn gạch, ít nhất cũng là manh chiếu... rách.
Thập kỷ 60 ấy thật gian khổ nhưng cũng rất vui tươi. Ít ra sự vui tươi cũng là đối với chúng tôi. Chúng tôi còn trẻ. Còn có thể tự đánh lừa mình về tương lai, về những gì mình sẽ làm trong tương lai. Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ có những ý kiến xác đáng về chuyện thời gian còn lại. Anh hay gây sự với Nguyền Hồng.
- Bố bảo bố là nhà văn của những người đau khổ. Ngày xưa bố viết Bỉ vỏ. Con hỏi bố bây giờ có nhiều ăn cắp không? Sao bố không viết Bỉ vỏ tập 2 đi. Xã hội bây giờ còn bỉ vỏ hơn ngày trước đấy!
- Cụ khóc, Thanh Tùng kể. Sau nhiều lần như vậy cụ nói: “Bố sẽ viết một cái hồi ký. Nhưng khi sắp vào quan tài bố mới viết. Bố sẽ nói hết. Rồi mày sẽ biết bố.” Cụ chết. Cụ quá tin ở mình còn sống lâu anh ạ. Rút kinh nghiệm cụ, chúng mình phải luôn luôn nghĩ rằng mình sắp chết để mà làm việc. Nếu không thì rất nguy hiểm.
Cái chết chấm dứt tất cả.
Những năm ấy chúng tôi mới tuổi ba mươi, dù có buồn cũng là cái buồn. Quang Dũng ba mươi tuổi:
Lòng người trai ba mươi
Vui như trẻ lên mười
Yêu như tuổi mười bẩy
Buồn như sắp năm mươi
Căn nhà tôi luôn tràn ngập tiếng cười. Có một câu của Nguyễn Tuân mà tôi rất thích: “Chúng ta vượt gian khó nhưng không khó đăm đăm”. Bè bạn bao giờ cũng là nguồn động viên khích lệ. Chúng tôi nói cùng nhau những dự định sáng tác, kể cho nhau nghe những chi tiết thu lượm được, rồi đọc thơ. Tôi khi đó trí nhớ còn tết. Quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh in từ thời Pháp thuộc mà sau này chính Hoài Thanh đã lên tiếng phủ nhận và phê phán nó, trong suốt một thời gian dài bị coi là quyển sách cấm, quyển sách có nội dung không lành mạnh, thật may mắn đã được bố tôi mua khi tôi còn nhỏ, trong một lần sang phố. Nó nằm gọn trong óc tôi từ bao giờ tôi cũng không biết nữa. Bên cạnh đó là những bài thơ trong sổ tay của bố tôi. Những Khóc Dương Khuê, Vịnh chùa Hương Tích, và những bài thơ do anh Xuân Thu tôi sưu tầm, những bài thơ do Đông Hoài đọc cho chép ở Thái Nguyên từ thời chống Pháp. Các bạn tôi chỉ biết Hoàng Lộc qua Viếng bạn, còn tôi có thể đọc cho bạn nghe một bài thơ khác của Hoàng Lộc nói về tình yêu của mình với thơ ca mà tôi không nhớ đầu đề:
Thiên hạ đồn rằng em đẹp
Như người gái đẹp tình phương
Đêm đêm trăng ngủ đầu giường
Dịu dàng như tranh thuỷ mạc.
Thiên hạ đồn rằng em mặc
Áo trắng một mầu tuyết sương
Đêm đêm trăng ngủ đầu giường
Sánh bên thiên thần Hy Lụp.
Ta biết em đời thêm hãnh kiêu
Thầm mơ em nào dám mơ nhiều
Chiêm bao cuồng loạn riêng lòng biếc
Ta hỏi thầm em có phải Dáng Thơ.
Thật thà mà nói, tất cả chúng tôi lúc đó đều không thể hiểu được những bài thơ hay như vậy tại sao lại không được phổ biến. Chúng tôi chỉ biết hình như nó thiếu lành mạnh, phải lên án vì nó tiểu tư sản, nó uỷ mị, nó ru ngủ, nó không khoẻ khoắn, nó không mang tính giai cấp, nó thiếu tính đấu tranh. Nhưng dù có cố học thuộc cũng không thể nào thuộc được Tặng làng Còng của Xuân Diệu, Mẹ con đồng chí Chanh của Nguyễn Đình Thi cũng như cố quên cũng không thể nào quên được Vội vàng, Đất nhớ của hai nhà thơ trên, Mầu tím hoa sim của Hữu Loan, Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng chính nhờ sự cấm đoán ấy mà tôi thêm giá trị. Các bạn ngồi im lặng. Tôi đọc. Tôi tái bản mồm. Nhất là với những người như Vũ Lê Mai và một vài người khác kiểu Tê-ô-đo Nét, bạn Mai-a-kôp-xki “toát hết mồ hôi mà không nhớ được một câu thơ nào cả”.
Bạn cũ kéo thêm bạn mới. Có những bạn lần đầu đến thăm tôi, không cần ai giới thiệu. Một buổi tối tôi đang ngồi làm việc thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa. Một khuôn mặt lạ hoắc. Người khách lịch sự hỏi thăm:
- Xin lỗi Đây có phải là nhà anh Bùi Ngọc Tấn, nhà văn không ạ?
- Vâng. Tôi. Nhưng không phải nhà văn. Tôi mới tập viết thôi. Mời anh vào nhà.
Người khách cũng trạc tuổi tôi đứng ngây người cứng đơ như thấy núi Thái Sơn trước mặt, rồi đưa cả hai tay túm lấy tay tôi, lác lắc:
- Dạ. Anh...
Chưa thấy ai khúm núm như thế. Người khách chắp hai tay trước ngực như kiểu tụng kinh và cứ xoa xoa mãi hai lòng bàn tay vào nhau, miệng xuýt xoa, vẻ kính cẩn hiện ra trong từng cử chỉ.
- Dạ. Thưa nhà văn. Tôi vẫn đọc tác phẩm của nhà văn. Tôi rất kính phục tài năng của nhà văn.
Tôi không còn hiểu ra làm sao nữa, chỉ biết trố mắt nhìn người khách đang ở đỉnh cao của sự xun xoe nịnh bợ. Người ấy vẫn ngắt ra từng câu:
- Những tác phẩm rung động lòng người. Những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Hẳn là bộ mặt của tôi lúc ấy trông rất ngộ và như cũng chỉ cố gắng được đến thế, khách cười phá lên:
- Đùa một tý. Tao là thằng Nguyễn Dậu đây mà.
Tôi cũng cười ầm ĩ. Tôi và Nguyễn Dậu cùng có những người bạn chung: Lê Bầu, Châu Diên...
Thế là chúng tôi đèo nhau đi chơi phố. Đến lúc ấy tôi mới biết Nguyễn Dậu cũng đã nhiều năm lăn lộn ở Hải Phòng.
Lại một tối nữa. Một tối mùa xuân. Mưa dầm. Vợ tôi bị cảm, buông màn đi nằm sớm. Nhà hết tiền. Tôi ngồi bàn “cày cuốc”. Có tiếng gõ cửa. Người khách mặc áo mưa vải bạt ướt lướt thướt:
- Tôi là Trần Cẩn.
- Anh. Tôi có đọc thơ anh. Nay mới được gặp. Mời anh vào nhà.
Trần Cẩn cởi áo mưa vắt ngoài hành lang, xách cặp bước vào.
- Tôi đi Quảng Ninh công tác. Đêm nay ngủ lại Hải Phòng. Nghĩ rằng ở Hải Phòng mà không đến thăm anh là một thiếu sót.
Đó là một lời xã giao lịch sự và tế nhị. Tôi pha trà, chuyện một lúc về sáng tác, về kế hoạch in. (Trần Cẩn là biên tập viên nhà xuất bản Phổ Thông). Anh nhìn chung quanh nhà và nhìn cái màn đã buông. Tôi vội nói:
- Nhà tôi ốm, đi nằm sớm, không dậy chào anh được. Anh thứ lỗi cho.
Im lặng. Rồi khách bỗng chuyển giọng:
- Hình như ông đang túng phải không?
Tôi cũng nói theo giọng của anh, một giọng điệu giữa những người bạn thân quen từ cũ:
- Vâng. Vợ ốm mà không mua nổi hộp sữa.
Trần Cẩn sốt sắng:
- Thế thì phải chống túng ngay.
Anh mở cặp rút ra một xếp tiền:
- Đây. Anh cầm tạm hai trăm đồng. Cuối năm gửi cho tôi cái gì cũng được. Tôi đi Quảng Ninh đặt viết mà.
Trần Cẩn giải thích. Hoá ra cái cặp của Trần Cẩn là một cặp tiền. Tôi cho xếp tiền vào ngăn kéo. Anh ngăn lại:
- Ấy! Anh đếm đi. Đi đường tôi rút tiêu, không biết ở xếp nào..
Hai trăm. Một món tiền lớn. Một chiếc xe đạp Junior. Một tài sản. Y hẹn, cuối năm tôi gửi lên cho anh cái Nhật ký xi măng. In ngay. Đỗ An Bình có việc đi Hà Nội, rẽ vào nhận sách, nhận nhuận bút hộ. Vẫn còn được thêm bốn đồng nữa. Chưa hết. Nhật ký xi măng còn được Bộ Văn hoá tặng giải nhất văn xuôi năm đó.
Cuộc đời có những phút bất ngờ như thế. Bè bạn làm cho mình thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Chỉ nghĩ rằng có những người bạn yêu quý mình, đặt niềm tin vào mình cũng đã thấy muốn làm việc. Cũng đã muốn làm việc tốt. Mình cũng tin rằng mình sẽ làm được như mình mong muốn, như bạn bè mong muốn. Những năm tháng nhà tôi hay có bè bạn lại chơi ấy là những năm nhà nước quản lý siêu vi mô. Toàn bộ cuộc sống con người đều trông vào mậu dịch. Khách đi công tác cầm theo những tem gạo 225 gam định lượng, và nếu quá giờ, các cửa hàng mậu dịch ăn uống đóng cửa thì chỉ có nhịn đói. Thành phần cá thể khi đó được coi là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa tư bản phát sinh, tất nhiên là đối tượng phải cải tạo, phải siết chặt. Ngay năm 1983 thôi, ông tổng biên tập báo Hải Phòng còn xuất tướng viết một loạt bài vạch 14 tội của bọn tiểu thương ký rõ tên ông, việc ký tên như vậy ít khi thấy trong hàng ngũ các ông tổng biên tập báo. (Ông tổng biên tập này là tổng biên tập thứ bao nhiêu rồi từ khi tôi mới chuyển về đây). Ông lại còn tập hợp những bài báo kể 14 tội đó đưa đi xuất bản thành một tập sách lý luận. Nhưng việc không thành. Nhà xuất bản từ chối không chịu in.
Nói dài dòng đoạn này một tý để đi tới một ý là: Lùng mua một mớ rau muống vỉa hè cũng khó và không thể đãi bạn rau muông tần được. Thật may. Tôi có những trợ thủ đắc lực. Những người thương quý tôi thực lòng.
Trời ơi, sao mà lúc ấy thèm được “tình nghĩa” với một em gái bán thịt thế. Tôi chẳng thể nào quen được các em. Tôi chỉ quen tổ đá nhỏ ca A nhà máy xi măng, Nguyễn Hiền Viết lái cần cẩu vàng, những công nhân nhà máy Cơ khí Duyên Hải, nhà máy cơ khí mồng 1 tháng 5... Tôi đến các xí nghiệp như về nhà mình. Tôi quen từ đồng chí bảo vệ tới giám đốc. Mà tôi chẳng thể nào quen nổi các em? Những mậu dịch viên tươi trẻ thiên thần, đứng sau quầy, trước mặt là những con lợn móc hàm “trắng như lợn cạo” đang được bàn tay xinh đẹp khéo léo của các em pha ra từng miếng. Tôi chỉ quen chị Mai, chị dâu tôi, cũng là mậu dịch viên, nhưng chị lại bán chè, thuốc lá và nếu có kiếm được tí chút cũng chỉ là chè thuốc mà thôi. Chị hay đặt hàng tôi viết bích báo cho chị. Thỉnh thoảng đi đâu về tới căn buồng gác hai của tôi, mở cửa bước vào, thấy một tờ giấy luồn qua khe cửa, nằm trên sàn gỗ, tôi biết ngay là thư chị Mai. “Chú Tấn. Viết cho chị bài bích báo. Nội dung: Xây dựng tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.” Dưới ký: Lục Bát. Nội dung thay đổi luôn. Ngoài vấn đề thường trực “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, quầy hàng sạch sẽ” còn những “kỷ niệm mồng tám tháng ba, người phụ nữ mới”, “nêu cao tinh thần tương trợ đoàn kết”, “kỷ niệm Quốc khánh 2-9, phân phối đúng đối tượng” v.v..., dù bên trên nội dung gì, bên dưới cũng chỉ ký một cái tên Lục Bát.
Tôi biến thành máy sản xuất thơ lục bát. Cũng kiểu Bút Tre thôi. Như:
(...) Sao cho xứng đáng cờ đầu ngành thương
Chị em ta phải cùng tương
Trợ thì cố gắng không vương vấn gì
Nếu mà vương vấn một khi
Có tư tưởng ấy là thì không nên
Thi đua ta phải vững bền...
Nguyên Hồng và cả Châu Diên nữa thích bài thơ này lắm. Châu Diên còn xin bản quyền bài thơ ấy của tôi. Tôi đã đồng ý cho, nhưng không thấy anh dùng. Có lẽ vì sau đó mấy tập thơ Bút Tre liên tiếp phát hành. Ánh sáng của nó làm mờ tất cả.
Đem bài báo lên cửa hàng chị Mai thế nào tôi cũng được nhuận bút. Khi một bao thuốc lá Điện Biên khi bao Tam Đảo. Khoản nhuận bút thường hay được nhất là món chè vét thùng. Dù chè đóng gói rồi, nhưng khi xếp, khi bán, cánh chè vẫn rơi ra khỏi gói, dưới đáy thùng có hàng vốc chè. Loại I có, loại 2 có, loại 3 có, Hải Phòng có, Hà Nội có, Phú Thọ có. Tôi thích nhất khoản nhuận bút này. Vừa nhiều, vừa tổng hợp, nhiều hương vị: Thanh Hương, Hồng Đào, Ba Đình, Ngọc Sơn, Xuân Ba Nhất, Hà Giang, chè cám...
Chè thuốc như vậy cũng là thi thoảng, lại chỉ hoa lá cành thôi, không nuôi sống được người. Có khách tôi vẫn phải nhờ Vũ Tín. Vũ Tín, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Phòng, giải thưởng lớn nhiếp ảnh quốc tế, với hai máy ảnh, một Rolley, một Exakta thì quen với tất cả. Anh đã chụp gần như một trăm phần trăm các cô bán thịt và tới tận nhà chụp ảnh gia đình các cô. Anh giúp tôi, dẫn tôi tới các quầy hàng thịt mậu dịch mỗi khi tôi có khách.
Khi Vũ Tín chụp hỏng toàn bộ ảnh đám cưới một “cô mậu” bán thịt, một thời gian dài anh không dám bén mảng tới các quầy, thật may cho tôi, tôi có Bùi Đình Tịch. Anh là nhân viên phòng cung tiêu công ty vợ tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu anh Tịch có tài gì mà cửa hàng nào cũng quen. Vũ Tín còn có máy ảnh chứ anh chẳng có gì. Anh gầy lại rất cao, tiếng văn học gọi là Đông-ki-sốt, còn ngôn ngữ hiện đại gọi là mốt người dây. Với anh, không một mậu dịch viên nào có thể giấu được gì phía sau quầy. Nhón chân một tí là anh với tới những thứ người ta để ở tận gầm quầy. Và nếu anh đu đưa người, chân không chạm đất, có nghĩa là anh đang đứng một chỗ mà quơ sang những quầy bên cạnh. Cô mậu dịch viên hét to:
- Không được. Cân thịt ấy là của khách hàng người ta gửi lại, tí nữa họ lấy. Em cắt phiếu của người ta rồi.
Tịch tỉnh bơ:
- Thì đã bảo cứ cắt cho người ta một nửa đây.
- Không được. Khách hàng đến lấy bây giờ, em nói với họ làm sao?
Tịch chép miệng như phải nói chuyện với một người quá ư chậm hiểu:
- Thì đã bảo cứ cắt cho người ta một nửa mà lại. Hôm nay người ta cần.
Cuối cùng cô mậu dịch viên cũng phải nhượng bộ.
Tôi nhớ một lần gặp Tịch ở phố Cao Miên, tức là phố Đà Nẵng bây giờ, tôi trình bầy với anh yêu cầu khẩn cấp về thực phẩm. Vẫn ngồi trên yên xe đạp, anh ngửa mặt nhìn lên những cành phượng vĩ, không nói một lời. Tôi hỏi:
- Nghĩ gì đấy? Có mua được cho người ta không?
Anh trả lời:
- Đang nghĩ xem đến cửa hàng nào gần.
Với những người như Vũ Tín, Bùi Đình Tịch, việc đó sao mà dễ. Trong mắt tôi, mậu dịch là nơi để người ta chen chúc, xếp hàng, nghe quát tháo, nghe giảng giải về tiêu chuẩn, định lượng. Nên tôi thực sự thông cảm với niềm vui của Nguyên Hồng khi anh mua được chai rượu chanh không phiếu ở cửa hàng Mi-sô (cửa hàng cung cấp đặc biệt). Vừa lên khỏi cầu thang, anh đã rút trong làn ra chai rượu chiến công ấy, vẻ mặt rạng rỡ.
- Có rượu đây rồi. Có rượu đây rồi. Không phiếu mới thú chứ. Tán mãi, nịnh mãi mới được đấy. Nay mai Tấn viết hộ mình một bài báo về cô mậu dịch. Để ông nghiện này mang đến. Gọi là tri ân, chứ không phải móc ngoặc đâu đấy nhé.
Rồi Nguyên Hồng suy nghĩ về cái điều anh chưa hiểu.
- Mình không có phiếu, thế ngộ nhỡ trên người ta kiểm tra thấy hụt thì làm sao nhỉ.
Ở nhà tôi lúc đó có “chuyên gia” Bùi Đình Tịch. Anh giảng giải:
- Cửa hàng này chỉ bán cho những bậc lương 105 đồng trở lên. Phiếu của các cụ ấy là có cả ô rượu. Nhưng nhiều vị không biết uống, không mua. Nó thấy ông lượn vè vè quanh mấy chai rượu, nó thương tình nó bán cho ông. Giả thử trên có kiểm tra thì nó bảo hôm nọ nhà em có giỗ, em lấy một chai. Ai nói gì. Với lại cán bộ cửa hàng, cán bộ sở uống nhiều chứ nó uống mấy.
Nguyên Hồng xác nhận những ý kiến của Bùi Đình Tịch:
- Đúng. Mình cứ đứng ở chỗ quầy rượu, giả vờ hỏi:
- Chị ơi. Rượu bán thế nào đấy hở chị?
- Bán phiếu bác ạ.
- Thế, thế không có phiếu có mua được không hở chị?
- Không bác ạ.
Mình đi sang quầy khác rồi lại quay lại. Nhìn quầy rượu. Nhiều thật các ông ạ. Chai nọ sát chai kia. Mà làm sao lại có cả rượu cà phê các ông nhỉ. Cho người ta uống rượu cà phê là dã man. Cho người ta uống rượu cà phê thì thà rằng đừng cho người ta uống. Cà phê làm giã hết rượu, uống bao nhiêu cho đủ. Đang đứng ngắm như thế thì cô mậu dịch gọi:
- Bác ơi. Bác có mang tiền đi không, cháu linh động bán cho bác chai rượu chanh.
- Có, có, tôi có mang tiền đi chị ạ.
Thế là mua được chai rượu. Sao lại có người phúc hậu như thế nhỉ.
Nguyên Hồng cười sung sướng. Tịch thêm:
- Chắc là lúc ấy cơn nghiền của cụ lên. Nó trông cụ, nó thương.
- Thật là tiên chứ không phải người trần. Xinh đẹp, thương người, phúc hậu...
Nguyên Hồng lại cười. Tiếng cười lúc sảng khoái như thế này thường dòn tan.
Và anh cho chúng tôi biết một bí mật:
- Cửa hàng Tôn Đản trên Hà Nội, người ta đã tính: phiếu của một vị bộ trưởng mà mua cho hết là vừa sạch lương của vị ấy. Thế mà có những bà bộ trưởng tháng nào cũng mua hết tiêu chuẩn, không sót một thứ nào. Lương ông bộ trưởng hết xoẳn, không biết rồi gia đình bộ trưởng sinh sống ra sao.
Lại cười. Lần này cười dòn hơn lần trước. Tịch ngồi nhẩm một số tiêu chuẩn chính và nói:
- Một cái phiếu ấy không cần mua hàng, cứ bán các ô mỗi tháng cũng phải được mấy trăm. Mua tất cả rồi bán còn lời nữa.
Sau này khi được phiếu Tôn Đản, Nguyên Hồng cũng mua “gần hết” tiêu chuẩn. Nhưng không mua cả cho mình và cũng không mua bằng tiền của mình. Ai cần thứ gì, anh mua hộ. Có mỗi ô bất khả xâm phạm: ô rượu.
Anh em Hội văn nghệ đều nhớ những buổi liên hoan bánh kẹo Tôn Đản do Nguyên Hồng mua mang về chiêu đãi.
Thanh Từng vẫn nhớ một hôm Nguyên Hồng đến nhà hỏi:
- Vợ chồng mày có tiền không?
- Có. Cụ làm gì?
- Mua Tôn Đản.
- Mua hàng gì cơ?
- Bát.
- Nhà con có đủ bát rồi.
- Chúng mày không biết. Mua về bán. Lãi đấy.
Cái dạo ấy vợ chồng tôi chuyên làm nghề mua lại của mậu dịch viên bát, chén, cốc, ấm, cả chiếu nữa và đem “đổ” ở chợ Sắt. Tôi không ngờ Nguyên Hồng cũng bắt đầu sâu sát với “cuộc sống mới” như vậy.
Khách Nguyên Hồng đến nhà, không phải lo nhiều về khoản thức nhắm. Nhưng phải lo rượu. Đó là thứ không thể thiếu.
Rượu đã trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Nguyên Hồng. Giờ đây người ta đã viết rất nhiều về đặc trưng này mà tôi nghĩ rằng có nhiều chuyện đã được sáng tác ra, như kiểu Dương Tường nói cũng chỉ do lòng quá yêu mến anh mà thôi.
Hãy nghe Nguyên Hồng viết về lão La:
Lão đói bụng đến đâu, cơm dẻo canh ngọt nóng sốt đến đâu nhưng không rượu thì lão vừa ăn vừa thấy như ăn cháo lá đa, càng ăn nhiều càng bã bời nhạt nhẽo.
Lão chỉ mong được hai hươu là hay nhất, không thì một hươu thôi. Cốt nhất là bữa nhiều. Dù vất vả đói cực đến đâu nhưng khi rửa cái tay lau vào chiếc áo cũ, chân chùi chùi vào chiếc chổi lúa, rồi ngồi vào mâm, chai rượu để sẵn rót ra cái chén móng, tợp một ngụm, nghe hơi men phào phào cồn lên trong người, nhón con rạm, bẻ mẩu bánh đa nhai lốp cốp” (Sóng gầm, trang 305, bản in 1992).
Tôi ngờ rằng chính Nguyên Hồng đã trải qua những cảnh ấy. Nguyên Hồng lại bảo lò rượu nào được bộ xương của lão La mà cất thì đến mấy mươi đời cũng không phải mua men và không lò nào ngon hơn được. Nhưng chính Nguyên Bình lại nói về bộ xương của Nguyên Hồng y như thế, một thứ siêu men rượu.
Nguyên Bình còn rất nghiêm túc nói thêm:
- Ai nói rượu hại trí nhớ cũng nên xem xét lại. Nguyên Hồng là một phản biện. Cụ rất nhớ. Cụ nợ tao ba đồng lâu lắm rồi. Tưởng cụ quên. Nhưng khi nhận tiền thù lao đọc, cụ trả ngay. Cụ không quên. Chỉ túng thôi.
Nguyên Hồng uống rượu nhưng không say đến mức xỉn theo cách nói bây giờ. Anh chậm rãi, ngâm nga, thưởng thức chất nước trong, cay, ấm. Anh tự gọi mình là “bợm rượu” cho vui. Anh rất biết chừng mực.
Cái xe thiếu nhi của anh mà anh đặt tên là Cún bao giờ ở pooc-ba-ga cũng có một cái làn con đan bằng ràng ràng được chằng chịt kỹ. Trong ấy lỉnh kỉnh báo, tạp chí, chai lọ, nhiều khi cả thức nhắm sẵn. Có lần anh còn móc trong túi áo một chai rượu con bèn bẹt, tí xíu, vặn nắp, rót cho tôi một nắp. Đó là rượu Ap-xanh.
Anh mang đến cho tôi tờ báo Văn Nghệ (hay Văn học) có in một truyện ngắn nước ngoài. Truyện Bên kia thế giới. Đó là truyện một ông già lương thiện chết và được lên thiên đường. Thánh Pie, người giữ chìa khoá thiên đường tra sổ rồi mở cửa cho ông. Ông hỏi:
- Hỡi vị thần có đôi cánh bé tí xíu kia ơi. Thiên đường có rượu không?
Khi được trả lời là không, ông già đã chết kêu lên:
- Không có rượu sao lại gọi là thiên đường được! Tôi không ở thiên đường đâu. Cho tôi xuống địa ngục.
Thánh Pie cứ bắt ông vào thiên đường và động viên ông:
- Rồi sẽ quen đi.
Ông đáp:
- Tám mươi tuổi rồi còn quen làm sao được.
Nguyên Hồng cười giàn dụa nước mắt:
- Tám mươi tuổi còn bắt phải quen...
Anh bắt tôi đọc lại. Đến đoạn ấy anh lại cười vang:
- Tám mươi tuổi còn bắt phải quen thì ác thật.
Một hôm vào lúc nhá nhem tối, chúng tôi đi chơi phố về qua Lục hải thông, cái khách sạn nhìn thẳng ra Vườn hoa đưa người ngày trước. Ngồi trước cửa khách sạn, khuất vào chỗ tối, kín đáo là một chị bán hàng rong. Thế nhưng Nguyên Hồng vẫn nhận ngay ra người ấy bán hàng gì. Anh xuống xe, dắt lên hè rồi dựa hẳn xe vào tường và cúi xuống gánh hàng. Chị bán hàng đon đả:
- Bác xơi miếng nào em chặt.
Một chị bán hàng thịt chó. Nguyên Hồng kênh cái mẹt, có cả một cái đùi chó bóng loáng lên, vục tay vào tận cái thúng bên dưới. Anh lục lọi, bấu bấu, nắn nắn và lôi ra một tảng.
- Chị chặt cho tôi miếng nầm.
Nguyên Hồng cúi cúi xem gói thịt và gia vị:
- Chị cho tôi thêm mấy nhát riềng.
(Chữ nhát đúng là chữ của anh. Không chết như chữ miếng, chữ nhát gợi một động tác, một hình ảnh, một âm thanh, một quá trình...)
Về nhà, Nguyên Hồng cho thịt chó vào bát to, tráng nước phích và bắt tôi gọi vợ tôi dậy (trời rét, vợ tôi đã đi nằm sớm).
Cả hai chúng tôi đều không biết ăn thịt chó. Riêng tôi còn không ăn được mỡ. Nhưng không muốn làm anh mất vui, chúng tôi ngồi vào bàn, cùng ăn, cùng uống với anh. Tôi cứ nhai trệu trạo rồi nuốt. Vợ tôi cũng vậy. Đó là bữa thịt chó đầu tiên trong đời cả hai đứa. Chúng tôi ngồi tới khuya. Vợ tôi đi rán lại mấy miếng gan lợn trên cái lập là tí xíu và đập thêm vào đó mấy quả trứng làm kiểu ốp la. Nguyên Hồng thích mầu sắc đỏ thẫm lên của lòng đỏ trứng ngay cạnh những miếng gan nâu hơi xém.