Cảm giác dễ chịu về nơi ở mới là cảm giác đánh lừa. Chỉ vài tuần sống ở đây tôi đã thấy trại giam này là rất tồi tệ, ít nhất thì cũng đối với những tên tù xử lý nội bộ. Về tổ chức trại quân pháp Bất Bạt giống Hỏa Lò, gồm trại chung và khu xà lim giam cứu. Cái khác là tất cả những người ở đây - cả tù lẫn người coi tù - đều thuộc bộ đội. Ðông nhất là đào binh phạm tội hình sự, còn đào binh vì sợ chết bỏ trốn về nhà thì được gom lại trong các tiểu đoàn kỷ luật. Chúng tôi là tù dân sự đầu tiên đến trại này. Lê Ðức Thọ rất biết chọn chỗ cho chúng tôi - khu xà lim Bất Bạt nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng cách rất xa các khu dân cư. ê đây hầu như không nghe được tiếng động của cuộc sống bình thường - không tiếng mõ trâu, không tiếng chó sủa, không cả tiếng cối xay ù ì quen thuộc nơi thôn dã. Khi anh Minh Việt bị đưa đi nơi khác, trong ngôi nhà bốn phòng chỉ còn lại một mình tôi. Và cái vắng lặng khôn cùng.Người tù xà lim Hỏa Lò còn có thể căn cứ vào tiếng động từ các khu trại chung hay khu nhà bếp vọng lại, hoặc nghe ngóng động thái của bạn tù các phòng bên mà đoán được chuyện gì đang xảy ra bên ngoài, cho dù là những chuyện vớ vẩn, không dính líu gì đến mình. Những cái nhỏ nhặt ấy tạo ra sự thay đổi, giảm bớt sự nhàm chán. Bị tách rời hoàn toàn với thế giới bên ngoài là một khổ hình.Phạm binh sống không khác trong quân ngũ là mấy. Họ được đi lại tự do trong phạm vi trại. Phạm binh bị giam trong xà lim cũng không có cảm giác của chúng tôi. Họ bị giam cứu có thời hạn, thường không quá vài tháng, chỉ đủ để hoàn cung. Họ hiểu rằng đây chỉ là nơi tạm bợ - sau đó sẽ là tòa án binh, là trại chung, thậm chí trường bắn, nhưng mọi sự là rõ ràng. Trước mặt chúng tôi là một chân trời xám xịt. Không ai có thể nói cho chúng tôi biết thời hạn chúng tôi phải ở trong cái nhà tù khốn nạn này bao lâu, kể cả đám chấp pháp. Trong xà lim Bất Bạt chúng tôi giống những con thú bị nhốt. Những con chuột, không rõ là chuột cống hay chuột đồng, con nào con nấy béo núc ních mỗi khi chiều xuống lại tụ hội trước cửa sổ xà lim. Chúng nhởn nhơ đi lại, vẻ no đủ, thỉnh thoảng liếc nhìn con thú to ở trong cũi, vẻ khinh khỉnh.Cái sự giam người vô thời hạn, lại giam trong xà lim, là một cách hành hạ tàn nhẫn. Khỏi cần nói tới mọi sự thiếu thốn trong nhà tù Việt Nam. Ðau răng, xin thuốc không có. Ðau bụng, khai hôm nay thì mai mới được thuốc chữa. Sốt hả, đợi đấy, sẽ có thuốc hạ nhiệt cho anh. Nhưng hôm nay thứ bảy rồi, phải sáng thứ hai ông y sĩ mới tới. Nhưng cái khổ nhất là đói. Ðói lắm. Ðói cồn cào. Ðói mờ mắt. Ðói run người.Có lần tôi vớ phải khúc sắn ôi trong suất cơm độn, nhựa sắn nhầy nhụa như tinh dịch. Tởm quá, giận quá, tôi quẳng nó xuống hầm trú ẩn. Thế rồi đêm đến, bụng quặn lên vì đói, chịu không nổi, tôi lại phải sờ soạng trong bóng tối tìm khúc sắn vứt đi, lấy miếng giẻ cũng chẳng sạch gì lau cái nhựa gớm ghiếc ấy đi mà nhai trệu trạo chút tinh bột lẫn đất cát. Nhai miếng sắn mà nước mắt ứa ra. Mà thèm một khúc ngoặt lịch sử, như trong chuyện thần kỳ, để bọn Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ có dịp đến ở đây, như tôi đang phải sống lúc này. Sắn đã thiu, tôi tưởng sẽ bị tháo tỏng, vậy mà lạ thay, không hề gì cả.Dù sao mặc lòng, trại quân pháp Bất Bạt vẫn còn khá hơn Hỏa Lò. Trước hết, nó hơn ở chỗ tù được ăn cơm nóng chứ không phải thứ cơm nguội ngắt, đã thế còn bị chuột vầy. Ðịnh lượng gạo cho tù là chung trên cả nước, ở Bất Bạt không thể nhiều hơn, nhưng ở Hỏa Lò tiêu chuẩn bị ăn bớt, suất cơm ít hơn hẳn. Sở dĩ ở Hỏa Lò tôi không bị cái đói hành hạ là nhờ kho lương thực dự trữ của Thành.Tại trại Bất Bạt, chúng tôi được hưởng chế độ chờ giải quyết. Ðảng giữ lời hứa, tuy muộn. Tôi được hưởng tiêu chuẩn thịt như ở ngoài. Một cân thịt được chia làm hai, cứ nửa tháng quản giáo công an(1) mang vào cho tôi một bát thịt kho tàu. Thịt kho mặn, có thể để ăn dần mà không thiu, nhưng ngay lần đầu tôi nếm thấy nó có vị đắng khác thường, không ra vị kẹo đắng ở nhà quê mà cũng không ra vị nước hàng ở tỉnh. Tôi được đọc về những vụ đầu độc dẫn tới cái chết từ từ. Theo một giả thuyết của Tarlé(2) thì ở đảo Sainte-Hélène Napoléon bị đầu độc bằng những liều thạch tín rất nhỏ. Thấy món thịt kho đáng ngờ, tôi không ăn. Không ăn thì phải đổ đi, mà đổ đi thì tiếc lắm. Trong tù miếng thịt quý như vàng, ai không ở tù không biết được cái sự thèm thịt nó thế nào, nhìn thấy thịt nước miếng đã ứa ra rầm rầm. Nhưng không thể không đổ. Ðổ đi cũng phải khéo, sao cho quản giáo không biết, mỗi ngày đổ một ít vào bô, buổi sáng ra ngoài rửa mặt thì tống xuống hố thải. Suốt thời gian ở trại quân pháp Bất Bạt tôi không ăn miếng thịt nào.Lần đầu tiên đổ đi những miếng thịt đã lâu không được ăn tôi bần thần suốt một ngày. Nhưng rồi tôi thắng được sự thèm khát. Nhưng không phải đơn giản có thế. Tôi phải đóng kịch bình thản, thậm chí vui vẻ nhận bát thịt quản giáo mang tới.Nhớ lại lời Mác nói về sự giam lâu trong xà lim cá nhân nhằm làm con người mất trí, tôi tìm cách chống lại. Ngay từ khi ở Hỏa Lò tôi buộc mình tuân thủ một chế độ nghiêm ngặt - trừ những buổi bị gọi ra đi cung, tôi dùng thời giờ còn lại cho việc tổng duyệt kiến thức. Tôi ôn lại, từng mảng một, các lĩnh vực triết học, văn học, xã hội, chính trị... Công việc chiếm nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Về triết học tôi đi từ triết học cổ đại Hi Lạp, La Mã, qua triết học Trung Hoa, triết học ấn độ, triết học cận đại, từ Socrate, Aristote(3) cho tới Berdiaev và Jean-Paul Sartre(4)...Về văn học tôi lần theo thời gian đi dần vào từng vùng địa lý, từng nước, suy ngẫm về bút pháp của từng nhà văn. Ðó là một công việc khá thú vị, một thứ viễn du tại chỗ. Nhiều lúc tôi mải suy nghĩ đến nỗi quản giáo mở cửa không hay. Sự suy ngẫm này làm cho tác phẩm của Hemingway, Erich Maria Remarque(5) sống động hẳn lên, lấp lánh dưới một ánh sáng mới.Ðến khi có được hai cái ruột bút bi thì công việc dành cho cuốn sách choán hết thời gian của ngày tù. Cách tách mình ra khỏi sự đời, tự tạo ra việc để mà bận rộn, giúp cho tôi nghị lực sống. Nhiều lần giữa cuộc hỏi cung tôi giật mình nghe Huỳnh Ngự quát:"Tôi đang hỏi anh. Anh phải trả lời. Anh nghĩ cái chi mô rứa, hử?".Nhưng đó là Hỏa Lò. Còn ở Bất Bạt tôi bị bỏ quên dài dài. Có khi cả tháng. Không có ai để tâm sự. Không có cả Huỳnh Ngự để nghe y quát lác. Nếu không có việc viết sách thì đúng là phát điên được. Không hiểu anh em khác thế nào, nếu anh em không nghĩ ra cách chống lại thì gay lắm. Nhưng cũng không thể bắt bộ não hoạt động suốt tháng suốt năm. Thỉnh thoảng tôi cũng cho nó nghỉ ngơi bằng cách làm vệ sinh căn phòng tới mức sạch bong, hoặc giở quần áo ra vá. Vì lý do sự bắt bớ chúng tôi không rõ ràng cho nên đi khỏi Hỏa Lò tôi phải trả lại quần áo tù (chúng tôi không phải là tù), còn lên tới Bất Bạt thì trại quân pháp, cũng lại theo quy định, không phát cho chúng tôi quân phục (chúng tôi không phải là phạm binh). Thế là tôi chỉ có hai bộ quần áo gia đình gửi vào, giờ đã rách bươm. Vá đi vá lại, miếng trước đè lên miếng sau, cái áo trở thành một thứ cà sa trăm mụn. Ðể khâu vá, tôi chế tạo một cái kim bằng cật bương, không có trôn, hơ trên lửa cho cứng, chỉ thì tước ở mảnh bạt chiến lợi phẩm trong trận chống càn Bretagne ở miền nam Nam Ðịnh năm 1952, vợ tôi dùng nó gói chăn màn quần áo gửi vào cho tôi. Chủ tấm bạt, một người lính của Trung đoàn cơ động số 4, còn để lại dấu tích của anh ta trong một vết máu không sao giặt sạch. Cuộc chiến tranh chống Pháp đã lùi xa vào quá khứ. Những ngày gian khổ, nhưng có tình thương anh em một nhà cũng đã trở thành dĩ vãng, thành chuyện cổ tích.Một đêm, tôi giật mình choàng tỉnh vì tiếng cửa sổ bị đóng sập. Tôi trở dậy, mò mẫm trong cái hũ nút tìm cửa ra vào. Ngoài trời đen như mực. Một lát sau, qua lỗ thủng tôi nhìn thấy hai công an viên khiêng một cái cáng bước thấp bước cao men theo bức tường ngăn các khu nhà-xà lim, trong ánh đuốc bập bùng. Tôi căng mắt ra nhìn nhưng không nhận ra người nằm trên cáng là ai - ánh sáng vàng vọt lấp loáng trên cáng quá yếu. Chiếc cáng lắc lư trên con đường gập ghềnh. Người nằm trên cáng được phủ một tấm chăn sợi màu xẫm, bất động như một xác chết. Bằng vào mái tóc đen trên khuôn mặt để hở tôi chắc chắn không phải cha tôi, không phải tướng Ðặng Kim Giang - hai ông tóc bạc, lại hói trán. Có lẽ lại Phạm Viết rồi. Nếu như Viết chưa chết.Sau mới biết người bỏ xác trong tù, thật ngược đời, lại không phải mấy ông già nhất, yếu nhất. Hai người không bao giờ trở về nữa là Phạm Viết và Kỳ Vân. Phạm Viết chết trong xà lim. Kỳ Vân được hưởng một cái chết sang hơn - khi hấp hối anh được mang tới một bệnh viện Hải Phòng. Anh trút hơi thở cuối cùng trên giường sắt nhà thương, bên những đồng chí công an không một phút lơ là canh gác. Sau khi được thả ra Trần Minh Việt, Ðặng Kim Giang bệnh tật đầy mình còn chống chọi được mấy năm nữa rồi mới chết. Riêng tướng Ðặng Kim Giang còn kịp đi tù lần thứ hai trước khi Ðảng họp Ðại hội lần thứ V vì tội "tán phát đơn khiếu nại làm mất uy tín của Ðảng"(6). Nhà tù cho tôi thấy con người là một sinh vật kỳ lạ. Nó có thể sống được cả trong những điều kiện không phải cho con người. Tôi cảm thấy sức khỏe sa sút trông thấy sau hai năm nằm xà lim. Nhớ có đọc đâu đó, rằng nhiều nhà cách mạng bị giam vận động bằng cách đi bộ, có người đi hai chục cây số mỗi ngày, tôi bắt chước họ. Ði bộ ở đây nghĩa là đi bách bộ trong lối hẹp giữa hai phản nằm trong xà lim (bốn bước tới bốn bước lui, đi nhanh thì hoa mắt vì quay lại quá nhiều. Tôi đặt mức đi tối thiểu mỗi ngày một chục cây số, không ngày nào bỏ, thế mà bắp thịt chân tay vẫn cứ teo dần, nhão dần. ấy là ngoài đi bộ tôi còn tập thể dục buổi sáng và tối nào trước khi đi ngủ cũng đều đặn luyện khí công và yoga. Vì ăn uống không đủ chất, trong xà lim lại không có ánh sáng mặt trời, cho nên tôi bị đủ thứ bệnh tật hành hạ. Bệnh viêm họng hạt làm tôi ho sù sụ như một ông già. Máu cứ rỉ ra ở chân răng, lợi thường xuyên bị viêm, có lần nhai phải hạt sạn mà vỡ răng hàm. Dây thần kinh răng trơ ra ở chỗ vỡ, uống nước cũng buốt. Ăn phải nhai trệu trạo, lựa một bên hàm mà nhai. Một hạt cơm rơi vào chỗ răng đau cũng gây ra cơn nhức nhối cả buổi. Xin một nhúm muối để ngậm cũng khó. Ðau răng ở trong tù là khổ nhất, đau thì ráng chịu, đề nghị chấp pháp cho đi chữa thì chúng cười trừ. Tôi còn trẻ mà đã khổ, huống hồ anh em cao tuổi bị nhiều bệnh nặng, mạn tính, còn khổ biết chừng nào. Chính trong những ngày này tôi sực nhớ tới cô tôi, một bà lang vườn thất học. Trong trường hợp người bệnh bị xuống sức quá nhiều mà mọi thứ thuốc của bà tỏ ra vô hiệu, cô Gái khuyên người bệnh dùng thứ thuốc dân dã rất đơn giản lại không mất tiền là "đồng tiện". Tôi đã nhiều phen cung cấp thứ "thuốc" đó cho các bà hàng xóm. Tôi đứng, mặt đỏ bừng vì ngượng, ngẩng mặt lên trời, cố gắng dặn từng tia ngập ngừng vào cái bát mà một bà ngồi xổm ngay bên chân tôi chìa ra. Trong tù đào đâu ra "đồng tiện", tôi đành dùng nước tiểu của chính mình. Thế mà bệnh lui mới lạ. Tôi khỏi dứt chứng đau họng hạt không phải chỉ ngay lúc đó mà cả nhiều năm sau. Chân răng ngừng chảy máu, cái răng vỡ đau đớn là thế mà cũng đỡ dần. Tôi đồ rằng trong nước tiểu có chất độc ở dạng vi lượng. Chất độc ngấm vào cơ thể gây ra sự chống lại mạnh mẽ, cơ thể phải huy động tức thì toàn bộ lực lượng phòng vệ để tiêu diệt kẻ thù, không phân biệt kẻ thù nào, do đó cùng với chất độc cần thải ra nhiều bệnh bị đẩy lui. Cũng trong mối quan hệ bất đắc dĩ với đám chấp pháp thời gian ở Hỏa Lò tôi hiểu ra một điều quan trọng: bọn chấp pháp không hề sợ những người tù mạnh miệng dám cãi lại chúng, dám chửi bới chúng. Chửi chúng, chúng mặc - làm nghề hỏi cung chúng có đủ chất lì lợm nghề nghiệp. Người tù mạnh miệng dễ là anh hùng rơm lắm. Là người bốc đồng chính anh ta lại dễ bị bẻ gãy hơn người khác. Rốt cuộc anh ta mệt mỏi trước, bỏ cuộc trước, bởi sự lên gân thường trực, trong khi đó đối thủ vẫn lạnh lùng chờ anh ta tự gục ngã. Nhưng bọn chấp pháp lại ngại người tù bình thản. Ðó là con người điềm đạm, lịch sự trong quan hệ với chúng, nhưng trong thâm tâm anh ta coi chúng là lũ nhân quần dưới tầm mắt. Gặp người bình thản chúng lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào. Lúc đầu Huỳnh Ngự còn giễu cợt (hay đứng đắn không biết) dạy tôi luyện khí công, đến lúc thấy tôi thản nhiên với thân phận, coi nhà tù là nơi ở lâu dài, bình tĩnh rèn luyện thân thể, bình tĩnh trả lời mọi câu hỏi của y, không tỏ ra sợ hãi, y lúng túng, xử sự dò dẫm, như thể người mù gặp ngõ cụt.Tôi bình thản được không phải vì tôi gan dạ, mà do tôi tuyệt vọng. Tôi nghĩ bọn phát-xít trước sau sẽ giết chúng tôi, việc của chúng là nghĩ cách giết thế nào cho gọn, cho êm mà thôi. Nếu rồi đây tôi ra khỏi được nhà tù của chúng thì không phải vì chúng có lòng tốt, chúng rộng lòng thương chúng tôi, hoặc chúng có lương tri, mà do thời thế buộc chúng phải mở cửa cho chúng tôi ra. Vì thế việc gì phải sợ chúng, phải cúi mình trước chúng.Thỉnh thoảng lắm Huỳnh Ngự mới gọi tôi ra một lần. Cũng gọi là đi cung. Cũng hỏi tôi về một người, một việc ba lăng nhăng nào đó. Cho ra vẻ vụ án chưa kết thúc. Tôi không hiểu Huỳnh Ngự sống ở Bất Bạt để trông coi tụi tôi, hay thỉnh thoảng mới lên đây. Chỉ biết trông y có vẻ mệt mỏi lắm. Chiến tranh vẫn kéo dài. Cuộc sống thì mỗi ngày mỗi khó khăn. Bằng những lời vắn tắt anh phạm binh gánh cơm thỉnh thoảng lại thông báo cho tôi biết tình hình sinh hoạt bên ngoài trại. Nạn đói xuất hiện ở Thanh Hóa. Trong mỗi gia đình sự thiếu ăn là chuyện thường ngày. Huỳnh Ngự cũng có một gia đình như mọi người. Người chồng phải công tác xa nhà sinh ra tình trạng hai bếp, ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách gia đình. Trong Huỳnh Ngự không còn cái khí thế hào hứng của ngày đầu ra quân chống chủ nghĩa xét lại hiện đại nữa. Y tã ra, sập sệ, thậm chí không cần che giấu vẻ ngao ngán.Tội nghiệp, trước trận đánh y còn nhìn thấy phần thưởng dành cho người chiến thắng vẫy gọi. Nhưng trận đánh mãi không kết thúc, cái phần thưởng ngoạn mục thì cứ lơ lửng nơi tít tắp chân trời. Tôi hiểu tâm trạng y. Lớp cán bộ chúng tôi, trong đó có cả tôi lẫn Huỳnh Ngự, đã quen sống bằng những lời hứa của các nhà lãnh đạo. Mà họ hứa thì hay lắm. Trong kháng chiến chống Pháp họ bảo: hãy kiên trì chiến đấu, hãy chịu đựng gian khổ, tới ngày chiến thắng chúng ta sẽ xây dựng một cuộc sống giàu có, hạnh phúc...Kháng chiến thắng lợi rồi thì cuộc sống mỗi ngày mỗi xo rụi thêm, mỗi cực nhọc hơn. Họ lại động viên: chúng ta còn phải vất vả là do Mỹ-Diệm. Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến đấu để giải phóng đồng bào miền Nam ruột thịt, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải làm nhiệm vụ quốc tế với nhân dân Lào Miên anh em... Cuộc chiến đấu của chúng ta không phải chỉ cho hôm nay, nó còn cho ngày mai, cho muôn đời sau...Vân vân và vân vân. Chúng tôi không nhận ra một sự thật rằng những nhà lãnh đạo chúng tôi là những người không có nghề nghiệp. Họ chỉ biết phá, chứ không biết xây. Họ không biết và cũng không thèm học cách cách quản lý xã hội sao cho ra nhiều của cải. Quen sống bằng chiến tranh, nhờ chiến tranh mà tồn tại, họ chỉ chú trọng xây dựng các lực lượng vũ trang để làm chiến tranh tiếp. Bằng tiền và vũ khí người khác. Liên Xô, nước đàn anh của phe xã hội chủ nghĩa liên tục đổ của vào Việt Nam. Ðến nỗi quốc hiệu CCCP(7) một thời được người Việt Nam hóm hỉnh diễn dịch thành Các Chú Cứ Phá, Càng Cho Càng Phá.. Những khoản viện trợ được rót vào một cái thùng không đáy. Sự quản lý kinh tế bằng các biện pháp hành chính làm cho đời sống cứ tồi tệ thêm mãi, èo uột thêm mãi, nhưng trong bất cứ báo cáo nào của ông thủ tướng vĩnh cửu cũng không thiếu câu đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước. Một bước là bao nhiêu, bước ngắn hay bước dài, ông không nói rõ. Không đem lại được cho nhân dân mỗi người một cân thịt một tháng, các nhà lãnh đạo hào phóng thế vào đó hai cuộc cách mạng toàn thế giới.Nhà tù có cái tốt của nó. Nó cho con người thời gian suy nghĩ, nó kích thích bộ não lười biếng. Nhưng thôi, nghĩ về họ làm gì. Nghĩ thế đủ rồi. Ðủ để vĩnh viễn chia tay. Như nhà thơ nào đó đã viết:Anh đi đường anh. Tôi đi đường tôi.Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.Ðã quyết không mong sum họp nữa,Bận lòng chi lắm lúc chia phôi.Người có luân thường không thể tôn trọng Ðảng còn vì một lẽ: lúc nào Ðảng cũng chì chiết, cũng nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi rằng các anh được sống, được làm việc là nhờ ơn Ðảng. Không có Ðảng đời anh là đời con chó. Cái sự kể công kỳ cục này được trắng trợn trưng ra ở mọi nơi, mọi lúc, kệch cỡm vô cùng, chối tai vô cùng, nhưng nó lại làm khoái con ráy các nhà lãnh đạo. Và họ ra sức khuyến khích sự ca ngợi Ðảng, tâng bốc Ðảng, tức là tôn vinh chính họ. Họ chỉ ca ngợi nhân dân khi nào họ yếu thế, họ mắc sai lầm, họ đang đứng trước nguy cơ đe dọa sự tồn tại của họ.Còn nhớ một trong những buổi hỏi cung đầu tiên Huỳnh Ngự mắng tôi:- Anh là cái thằng gần chùa kêu bụt bằng anh. Láo lắm! Toàn dân ta một lòng tôn kính các vị lãnh tụ(8), vậy mà anh gan cóc tía, dám coi các vị không bằng nửa con mắt. Riêng tội nớ cũng đáng chết rồi. Nghĩ mà coi, không có Ðảng sao anh có ngày nay. Ðảng nuôi nấng anh, Ðảng dạy dỗ anh cho anh nên người, còn anh đã không nhớ ơn thì chớ, lại còn học đòi ba thằng phản động chống Ðảng....Bình thường, khi y cao hứng lên thuyết giảng về chủ nghĩa Mác thì tôi ngồi im. Thôi thì mỗi người mỗi tật, y thích biểu diễn kiến thức mác-xít thì mặc y. Chẳng lẽ những hiểu biết bấy lâu tích cóp được lại để đó, trong khi trước mặt là một thằng thính giả muốn hay không cũng phải chịu chuyện? Nhưng một hôm ngứa tai quá, tôi quạt lại:- Bác nói không đúng. Nói thế không được.- Cái chi không đúng?- Sinh ra tôi là cha mẹ, nuôi tôi cũng là cha mẹ. Nói Ðảng nuôi tôi làm sao lọt tai được? Tôi thừa nhận như thế hóa ra tôi bất hiếu ư? Người khác nghĩ thế nào không biết, chứ khi tôi bắt đầu tham gia cách mạng thì tôi mặc quần áo mẹ tôi may cho, miếng ăn thì do nhân dân chu cấp...Huỳnh Ngự trợn trừng:- Anh...anh dám ăn nói như vậy... hử?- Tôi nói thế không đúng hay sao? Sự thật là như vậy. Khi Ðảng chưa nắm tài chính thì bộ đội tới làng nào làng đó nuôi. Ðóng góp thóc gạo, lập kho quân lương, góp tiền góp của cho kháng chiến - ai làm? Nhân dân cả đấy. - Hừ!- Còn đến lúc chính quyền đã vững, đã có chế độ lương, thì tôi là công chức, tôi làm thì tôi được trả công, tức là tôi nuôi tôi chứ. Chuyện nhà nước cho tôi đi học Liên Xô cũng là chuyện bình thường, nước nào chả có - cần có cán bộ làm việc thì nhà nước nào cũng cử người đi học, đi tu nghiệp, theo chế độ đào tạo.... - Tui.... tui.... thiệt không ngờ anh... vô ơn bạc nghĩa đến... đến như vậy! - y ré lên, lại bắt đầu nói lắp - Ðảng bắt... bắt anh thực không...không oan chút mô.- Các cơ quan Ðảng sống bằng tiền của ai? Của nhân dân! Ðảng có bao nhiêu đảng viên? Ðảng phí bao nhiêu một tháng? Một năm Ðảng thu được bao nhiêu? Tính dễ lắm! Ðảng phí một năm, tôi biết, không đủ dùng cho một ngày Ðại hội. Lại còn tiếp khách, quà cáp cho các đoàn nước ngoài, tiền ở đâu ra? Lấy của nhân dân cả đấy. Tôi có người quen làm ở Bộ Tài chính. Chị cho biết Bộ quản lý một ngân khoản đặc biệt. Trung ương lệnh lấy tiền thì chi, không ai được phép hỏi tiền lấy ra để làm gì. Mà ngân khoản đó không phải quỹ Ðảng đâu nhá. Ðấy là chuyện Trung ương. Các cơ quan Ðảng ở các cấp đều dùng kinh phí nhà nước cho mọi hoạt động, kể cả mua một cái xe ô tô cũng lấy từ kinh phí nhà nước. Là tiền của dân cả đấy. Phải nói ngược lại mới đúng: dân nuôi Ðảng, chứ Ðảng làm sao nuôi được dân! Ngày trước, trong kháng chiến chống Pháp, tôi còn nghe Ðảng nói Ðảng ở trong lòng dân. Bây giờ không nghe nói thế nữa, chỉ nghe nói Ðảng lãnh đạo, Ðảng chăm lo cho dân, Ðảng là cha mẹ dân. Tôi, cũng như mọi cán bộ, cũng là dân, nhân dân chúng tôi nuôi Ðảng, chứ không phải Ðảng nuôi chúng tôi đâu, xin lỗi.Huỳnh Ngự la hét rầm rầm, nhưng tôi hiểu: y muốn trốn chạy cái lý không thể bác.- Giờ giữa tôi với Ðảng tình nghĩa đã hết. Còn bác, còn tôi, rồi ra bác sẽ thấy khi tôi chỉ làm cho cá nhân mình, không còng lưng phục vụ thằng nào nữa, cuộc sống của tôi ra sao. Chắc chắn nó sẽ là cuộc sống hơn hẳn khi tôi mang tiếng được Ðảng nuôi nấng. Tôi biết: sống không dính tới Ðảng là khó: Ðảng đã nắm hết mọi đường sống của dân rồi. Nhất cử nhất động phải được Ðảng cho phép, ngay cả cái sự ở, sự đi, sự kiếm ăn của mình cũng phải được Ðảng cho phép mới được. Nhưng tôi sẽ sống như tôi muốn, dù cho cuộc sống có khó tới mấy. Tôi sẽ chữa xe đạp vỉa hè, tôi sẽ trồng rau, cấy lúa hoặc làm thợ may, thợ điện, thợ cắt tóc. Làm gì thì làm, chứ không khi nào tôi đi làm cho Ðảng nữa. Tôi nhớ một buổi kiểm thảo tại cơ quan, nhà báo Hùng Thao gầm lên:"Nuôi cán bộ như lợn, mắng như chó, thời trước địa chủ đối với tá điền còn tử tế hơn!". Câu nói bật ra trong phút không kìm giữ làm anh khốn khổ. Người ta chẳng những không tha phê phán anh mà còn phê phán mạnh hơn nữa, sau đó anh còn bị trù dập một thời gian dài. Quả nhiên, sau khi ra tù, không đi làm cho nhà nước nữa, đời sống gia đình tôi khấm khá hẳn lên, tinh thần cũng thoải mái, kể cả khi tôi làm thuê cho những người theo lý thuyết của các nhà mác-xít là những tên bóc lột. Những ông chủ cá thể xử sự có văn hóa hơn hẳn ông chủ lớn mà tôi phục vụ suốt đời.(1) Quản giáo công an thỉnh thoảng mới tới, là người của Cục chấp pháp, chứ không phải người của Cục quản lý trại giam.(2) Một nhà sử học xô-viết. Ông có viết một cuốn về cuộc đời của Napoléon, trong đó có nói tới giai đoạn bị đi đầy ở đảo Saint-Hélène. (3) Aristote (384-322), Socrates (469-399 trước CN), các triết gia cổ đại. (4) Jean-Paul Sartre (1905-1980), triết gia, kịch tác gia, nhà văn, nhà báo chính trị, ngọn cờ của chủ nghĩa hiện sinh ở châu Âu.(5) Erich Maria Remarque (1898-1970), nhà văn Ðức quốc tịch Mỹ, nổi tiếng với những tiểu thuyết Mặt Trận Phía Tây Yên Tĩnh, Khải Hoàn Môn, Một Thời Ðể Sống Và Một Thời Ðể Chết.(6) Ông Ðặng Kim Giang thọ 73 tuổi, bị tù thời Pháp thuộc 12 năm, thời xã hội chủ nghĩa 7 năm, tổng cộng tất cả những năm tù và quản thúc trong cả hai chế độ là 25 năm. Ông qua đời trong căn nhà dột nát rộng 14 mét vuông ở khu chùa Liên Phái, nơi trú ngụ của lớp cùng dân của xã hội - những bà đồng nát, những người phu quét rác không hộ khẩu và những đứa trẻ làm nghề móc túi.... Khi hấp hối vẫn có hai công an viên ngồi kèm. Bà Giang phải bảo họ đi ra cho ông được nhắm mắt.(7) Viết tắt (tiếng Nga) Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô-viết.(8) Khái niệm lãnh tụ trong Huỳnh Ngự rất rộng. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng được y gọi là lãnh tụ.