“
Mùa đông, trời u ám, lạnh lẽo…”
Liên Nga đọc như vậy rồi lắc đầu bảo Minh:
Mùa đông ở Sài Gòn chẳng có lạnh lẽo gì hết. Nóng thấy mồ! Còn bầu trời thì sáng trưng như mùa hạ. Minh, mày thấy không? Các ông thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ bỏ quên Sài Gòn. Họ cứ ca ngợi ở đâu đâu không hà.
Minh chắc lưỡi:
Mày lý sự quá đi, Liên Nga. Họ là nghệ sĩ, họ có quyền viết về nơi nào mà họ thích chứ.
Liên Nga vẫn nói bằng giọng hậm hực:
Mấy người già thì không sao. Thí dụ họ nhớ Hà Nội, nhớ Hải Phòng. Nhưng còn bọn nhỏ tuổi như mình đây, có biết ngoài Bắc là mô tê gì đâu. Vậy mà vẫn cứ bắt chước người lớn, rập theo khuôn ca tụng nhớ nhung. Sao không ai ca tụng trời Sài Gòn hết vậy?
Minh cười:
Mày lý luận nghe cũng ngộ lắm. Tao đợi có dịp được nghe một bài thơ của mày…
…viết về mùa đông Sài Gòn. Tao đọc mày nghe nghen.
“Trời nóng quá trời ơi! Mệt thở không ra hơi Mùa đông như mùa hạ Thơ con cóc,… cấm cười”
Nhưng cả hai đứa đều cười đau cả bụng. Liên Nga dụi mắt, nói:
Thiệt là nhàn cư vi bất thiện. Cả lớp này đâm hư hết. Gần Tết rồi!
Ừ, gần Tết rồi hở?
Minh nói bằng giọng bâng khuâng. Liên Nga cũng nghiêm nét mặt lại, nói:
Tết này, tao mười chín, mày mười tám phải không Thúy Minh?
Ừ.
Lớn rồi!”Già” hết rồi mày ạ!
Minh trợn mắt:
Ai bảo với mày thế?
Chứ bộ mày tưởng mình còn con nít lắm sao?
Minh cắn môi:
Không con nít, cũng không phải bà cụ. Con nít có việc của con nít. Người lớn có công việc của người lớn. Lớn rồi càng thích chứ sao! Tha hồ làm được nhiều việc.
Việc gì?
Chưa biết, nhưng chắc chắn là có việc để làm. Tao nghĩ con gái bây giờ không phải như ngày xưa, cứ mười bảy mười tám tuổi là đợi người ta rước đi, sợ già, sợ … ế.
Liên Nga nhìn Minh thật kỹ:
Tao trông mày, tao tưởng mày yếu đuối lắm. Ai dè mày cũng “
gân” ghê Minh ạ. Chịu mày rồi đó.
Minh nói tiếp:
Nhất là trong thời buổi này…
Rồi bỏ lửng câu nói của mình. Minh nhìn ra cửa sổ. Ngọn nắng đặc biệt của những ngày cận Tết dọi vàng tươi trên những cây Chuối Hoa làm những cánh hoa lốm đốm rực lên như cánh bướm. Ở trường lớp này, không khí bình yên quá. Khung cảnh thích hợp cho những thư sinh mơ mộng làm thơ, nhất là lại được tự do làm thơ trong lúc cô Vân vắng nên được cho nghỉ giờ Vạn Vật. Học trò tụ thành năm, bảy nhóm ngồi với nhau trong lớp, nói chuyện xôn xao. Con gái thì bàn chuyện vải vóc, may sắm. Bọn nam sinh thì tán gẫu với nhau về chuyện phim ảnh, trò chơi.
Minh muốn tách rời khỏi đám đông ấy, muốn tách rời cả với Liên Nga, để một mình mình nghĩ ngợi. Minh muốn bỏ quên cảnh yên bình của những ngày có nắng Tết này để tưởng tượng đến một nơi khác. Người thành phố, dù muốn dù không, cũng an hưởng với hiện tại của họ. Dù giàu, dù nghèo, cũng biết rằng có Tết. Tết sắp đến, rộn ràng báo hiệu ở khắp đường sá. Nhưng ở đó, cuối miền quê hương đó, vùng Cà Mau đồng lầy nước độc, có rừng U Minh đó, Đỗ đang ra sao? Anh đang băng qua một cánh đồng nào? Trời đang mưa hay đang nắng tươi vàng như ở đây?
Nhỏ Liên Nga vô tư hớn hở. Bạn bè thầy cô ở đây cũng thản nhiên với cuộc sống của mình. Chỉ có Minh tự hỏi tại sao Minh quá âu lo. Từ mùa thu ấy đến nay, có biết bao nhiêu cảm nghĩ phức tạp đã đến trong lòng cô bé. Vì Đỗ. Đỗ đã đến và đã đi rồi. Ở miền Cà Mau, xa lắc đối với người thành phố, chiến trận đang xảy ra. Minh muốn khóc khi chợt nhận thấy rằng giữa khung cảnh thân quen này, Minh thật sự cô đơn.
Còn bao nhiêu ngày nữa thì Tết hở Nga?
Nghe giọng Minh sũng ướt, Liên Nga ngạc nhiên quay lại. Nga lẩm nhẩm tính rồi nói:
Hôm nay hai mươi hai Tết rồi. Ngày mai đưa Ông Táo về trời. Ngày mai trường mình tổ chức liên hoan luôn đó, mày quên rồi sao?
Vậy à?
Liên Nga thắc mắc:
Mày sắp khóc rồi hở Minh? Thôi tao biết rồi!
Minh không đáp, nhìn ra ngoài cửa sổ. Không còn thấy nắng tươi vàng bên những nụ Chuối Hoa, mà như có một làn sương làm xám buồn cảnh vật. Minh nghe ướt trên mi. Nỗi buồn sao đến thật dễ dàng và đột ngột?
Liên Nga thở dài, tẩn mẩn vuốt tóc bạn. Cả hai yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng nói chuyện rì rào của những người vô tư kia. Và giữa tiếng rì rào đó, có tiếng chuông reo làm vỡ tan ý nghĩ..
Liên Nga thu xếp sách vở vào cặp của Minh, nói:
Đi về, Minh!
Và đưa khăn tay cho Minh. Cử chỉ máy móc ấy làm Minh phải bật cười:
Khỉ! Mày làm như tao là cái “phông tên”.
Không “phông tên” thì là trái mít ướt vậy. Từ ngày….
Rồi Liên Nga tủm tỉm cười.
Đôi bạn đi trong đám học sinh áo trắng, ra khỏi cổng trường. Liên Nga nói:
Tết này chắc ba má tao cho tao về quê ăn Tết quá Minh ạ.
Mày về Gò Công?
Ừ, còn mày?
Minh cười buồn:
Tao có quê, mà về sao được? Mày chỉ cho tao nơi nào bán vé tàu hỏa đi Nam Định đi!
Không về quê được thì có chán gì chỗ? Tao đề nghị mày đi Huế, được không?
Minh đứng sựng lại ngạc nhiên. Rồi bỗng hiểu, Minh nhéo Liên Nga một cái thật mạnh. Liên Nga kêu đau, chảy nước mắt. Minh phụng phịu:
Mày trêu tao vừa vừa thôi chứ Nga. Đã có gì đâu… mà mày chọc quê tao hoài. Cậu Phương tao đã cam lòng nhận nơi này làm quê hương rồi thì tao cũng vậy. Tao không…
Minh chợt ngừng nói, mở to mắt nhìn qua bên kia đường. Đỗ đứng dưới bóng cây Điệp xanh mát. Đỗ giơ tay lên vẫy gọi Minh. Xe tấp nập qua lại làm Minh tối mắt. Phải Đỗ đó không? Đỗ đang băng qua đường. Minh đứng sững, vịn chặt tay Liên Nga. Cho đến lúc Đỗ đã đứng trước mặt và Liên Nga reolên:
A! Anh Đỗ!
…thì Minh mới dám tin là Đỗ đã về thật. Minh lắp bắp:
Anh Đỗ đã về…
Cô Minh, cô Nga vẫn khỏe?
Dạ.
Liên Nga láu táu:
Anh Đỗ đến trường đón Minh phải không?
Đỗ gật đầu. Liên Nga tủm tỉm cười:
“Rứa” thì nhờ anh hộ tống nhỏ “ni” về nhà hắn ở xóm “nớ”, anh “hỉ”!
Đỗ cười. Liên Nga nheo mắt với Minh và đi về hướng khác.
Minh như run lên, vừa mừng vừa sợ. Nhưng sự có mặt của Đỗ trong lúc này như tia nắng làm tan màn sương xám. Minh hỏi:
Anh không đi hành quân nữa?
Cả tiểu đoàn được về nghỉ ngơi cô Minh ạ. Không biết có phải đi mô nữa không. Nhưng hẵng biết rằng Tết ni tôi được ăn Tết ở nhà.
Minh vui sướng muốn khóc. Đỗ băn khoăn:
Tôi trông cô Minh hình như hơi ốm đi thì phải? Cô làm sao vậy?
Minh nói rất nhỏ:
Minh…
Còn tôi, cô Minh thấy thế nào?
Anh đen hơn một chút, gầy hơn một chút.
Tôi bị sốt rét một tuần, may là không kéo dài, nếu không….
Nhưng mà anh đã về.
Đỗ nghe giọng Minh nghẹn lại. Có một mối cảm thông nào hiện ra giữa hai người. Đỗ biết lời nói dù bay bướm đến đâu cũng không diễn tả cho họ được. Đỗ và Minh lặng yên đi dưới bóng mát của hàng cây Điệp. Trên kia hình như những nụ hoa đang bối rối hé nở.
Đỗ nói:
Về Sài Gòn, nhìn mọi người dắt nhau đi bát phố, đi sắm Tết, vui quá.
Minh thở dài:
Có nhiều không được dắt nhau đi bát phố, sắm Tết.
…mà vẫn thương nhau, phải không cô Minh?
Minh im lặng. Đỗ nói giọng lâng lâng:
Cô Minh, tôi mang một ý nghĩ từ ngày bước chân đến rừng U Minh và định khi về Sài Gòn sẽ nói với cô.
Thưa anh, chi ạ?
Tôi nghĩ rằng tôi là kẻ lẩm cẩm nhất thế giới. Vì sao cô Minh biết không? Vì từ hôm đầu tôi đã xin cô đừng gọi tôi bằng “thầy” mà tôi thì đến nay vẫn cứ gọi cô là “cô Minh”, nghe có khách sáo không?
Minh bối rối, đưa tay xoắn xoắn mấy sợi tóc. Đỗ nói êm như tiếng gió:
Vì vậy, tôi mong được bỏ chữ “cô” đi, để… gọi cô là Thúy Minh như… Liên Nga đã gọi vậy.
Dạ.
Thúy Minh có biết, khi đặt chân đến rừng U Minh, chuyện gì làm tôi nhớ mãi đến bây giờ không?
Dạ???
Chú lính thân tín của tôi nhất, có nhiệm vụ săn sóc cho tôi, là một người rất chăm học. Một hôm khi hai chúng tôi nằm trên hai chiếc võng giăng giữa những cây rừng và đắp kín người lại cho muỗi khỏi đốt, tôi nghe hắn học bài. Nghe kỹ, thì ra hắn học tiếng Anh, mà mới bắt đầu phát âm các chữ cái thôi. Hắn đọc lùng bùng trong võng “ây, bi, xi”. Tôi lắng nghe hắn đọc đến “ti, yêu, vi”… và hắn vùng dậy, la to: “Thiếu úy ơi, rừng U Minh có thể đọc là rừng Yêu Minh cho nhớ chữ, phải không Thiếu úy? Phải chữ U đọc là “
yêu” không?”. Tôi buồn cười quá, thương thằng bé ham học. Nhưng từ hôm nớ, tôi nhập tâm luôn hai chữ “Yêu Minh”.
Minh nghe nóng bừng cả mặt, luống cuống đánh rơi chiếc cặp xuống đất.
*
Bác Liêu đặt mấy chén cơm lên bàn thờ, rồi nói:
Ba tưởng mi phải ăn Tết trong rừng với muỗi, chắc ba buồn chết luôn.
Đỗ vừa cột dây giày, vừa nói:
Con cũng không ngờ là được về. Chuyến đi này đầy cả may mắn.
Bác Liêu nheo mắt ngắm con trai:
Ba thấy mi vui ra đó Đỗ. Mấy ngày ni thấy mi hát hỏng miết.
Con cũng vẫn rứa, chứ có chi lạ mô ba!
Hòng qua mắt tau hả? Trước kia mi lầm lì như cục đất… À, mi đi mô rứa?
Đỗ đứng dậy đáp:
Con định đi phố coi người ta múa lân
Mi làm như mi là con nít.
Con đi với thằng Thụy mà ba. Hắn với lại thằng Hải, thằng Sơn sắp qua đây rồi.
Mi thắp nhang cho mạ mi đi, để tau cúng cơm luôn.
Dạ…
Đỗ đến thắp ngọn đèn dầu, rồi mồi lửa vào ba cây nhang. Bác Liêu đứng cạnh bên, lẩm bẩm khấn vái như nói chuyện với vợ:
Mười năm rồi còn chi! Mụ ích kỷ lắm! Mụ bỏ tui đi lâu quá rồi! Con Hài đi theo chồng xa xứ.Thằng Hựu bất trị tui không cần nghĩ tới hắn, vì hắn chỉ biết có vợ hắn thôi. Chỉ còn thằng con út của tui với mụ đây thôi, mụ phù hộ cho hắn bình yên nơi lằn tên mũi đạn, nghen mụ!
Bác rưng rưng muốn khóc. Đỗ cắm nhang vào chiếc bình đã được lau sạch. Trong hương khói quyện mờ mờ, Đỗ cảm thấy như mẹ đang về hưởng lại không khí hạnh phúc ngày xưa.
Đỗ nhìn bác Liêu. Dù sao, Đỗ cũng vẫn còn diễm phúc là được gần cha, và xót xa nghĩ đến Thúy Minh. Trong khung cảnh đầm ấm của gia đình cậu Phương, hẳn là Minh đang nhớ đến cái Tết tang tóc ba năm trước. Minh yếu đuối. Minh thật thà. Đỗ muốn sớt chia phần nào với Minh nỗi cô đơn ấy.
Đỗ nghe có tiếng con nít xôn xao trước sân. Có bóng của Thụy, Sơn và Hải hiện ra dưới nắng. Thụy lên tiếng gọi:
Anh Đỗ ơi!
Vô đây đi các em. Anh trong ni.
Ba đứa ùa vào sân. Chúng nó tíu tít:
Dạ, chào bác ạ. Năm mới, tụi con mừng tuổi bác ạ.
Bác Liêu cười thành tiếng:
Cái tụi khôn ghê hỉ! Bốn “mùng” tụi mi mừng tuổi bác đủ bốn. Bữa ni mừng thêm “mùng” thứ năm, thì bác sạch túi.
Sơn cười khúc khích:
Tới mùng bảy mới hết Tết mà bác.
Răng rứa?
Hải đáp thế:
Dạ, mồ ng bảy tụi con mới đi học. Bữa nay vẫn còn Tết.
Đỗ cười:
Mấy em nói phải đó ba. Ăn Tết sáu ngày là quá ít. Con thì chắc được ăn Tết cả tháng giêng ni.
Bác Liêu gật gù, và móc túi lấy ra ba tờ giấy hai chục mới toanh.
Bác nói rứa chứ bác cũng lì xì đợt thứ năm đây. Bác chúc các cháu ăn nhiều, hôm ni lớn hơn hôm qua một xí.
Ba đứa bé vui thích cám ơn lia lịa. Thằng Thụy quay sang Đỗ, nói:
Anh Đỗ, chơi cờ cá ngựa nhé!
Anh định dẫn cả bọn đi coi xi-nê đây.
Cái đó để sau đi. Bây giờ đánh cờ cá ngựa nha anh. Với lại em thấy chị Minh sắp sang đây.
Đỗ ngạc nhiên:
Răng Thụy biết?
Em hỏi chị ấy. Thôi, chơi cờ cá ngựa đi anh.
Đỗ chịu liền. Thụy giăng bàn cờ lên bàn. Bốn anh em ngồi vào. Thằng Sơn đi lấy cái chén, miệng nói lớn:
Một, sáu ra nghen! Sáu được đi nữa.
Biết rồi – Thằng Hải nói.
Đỗ cầm hột xí ngầu lên, đưa cho Hải:
Em bé nhất, cho em đi trước.
Hải đổ hột xí ngầu vào chén, la lên:
Ra số hai. Trời!
Đến phiên Sơn. Nó cũng tiu nghỉu:
Năm. Xui quá!
Thụy lắc lắc hột xí ngầu trong lòng bàn tay, lâm râm niệm “chú” và xoay mạnh. Hột đổ chạy tròn trong chén thật lâu rồi đứng lại. Ba đứa bé cùng reo:
Một!
Thụy hân hoan nắm một con ngựa màu vàng cho ra đứng ở cửa chuồng.
Tới phiên anh hỉ!- Đỗ nói và quăng hột xí ngầu vào chén.
Anh ra sáu nè! Sáu thì được đi lần nữa phải không?
Dạ.
Đỗ lại được đi thêm. Lần này lại ra sáu. Cả bọn la trời. Một lần sáu nữa. Con ngựa hồng của Đỗ đã đi được một quãng dài. Thụy lo lắng:
Mấy ngày nay anh Đỗ “ăn” trọc đầu tụi em rồi. Sơn, Hải, ráng “ăn” lại anh Đỗ hôm nay đi. Đứa nào thắng sẽ khao cả bọn ăn “xắp xắp”.
Nghe đến “xắp xắp”, Hải và Sơn thèm nuốt nước miếng. Hải bậm môi:
Ráng phục thù nè. Ngày mai sửa soạn đi học rồi, hôm nay quyết thắng ván cờ chót.
Ừ, quyết thắng ván cờ chót.
Ba đứa nhỏ cùng lập lại mấy chữ “ván cờ chót”.
Nhưng Đỗ vẫn luôn luôn dẫn đầu. Ngựa của Thụy quyết chạy đua với Đỗ, còn Hải và Sơn thì cứ bị đá về chuồng hoài. Ba đứa bắt đầu run khi Đỗ chỉ còn hai nấc nữa là đến cửa chuồng, sắp kết thúc cuộc đấu. Ba con ngựa của anh đã về chuồng đứng chờ con cuối cùng. Thằng Sơn nói:
Vái trời anh Đỗ đừng ra số hai. Thụy ơi, rượt theo đá con ngựa ấy đi.
Con ngựa của Thụy rượt theo gần con ngựa của Đỗ rồi. Đỗ mỉm cười buông hột xí ngầu vào chén. Hột vuông xoay tít thật lâu trước sự hồi hộp của bọn trẻ.
Thụy thót ruột: anh Đỗ ra số hai rồi. Phen này anh Đỗ lại thắng. Nhưng cả ba đứa đều ngạc nhiên tại sao anh Đỗ không cầm ngựa lên để đi tiếp vào chuồng? Mà Đỗ đang nhìn ra cổng. Có dáng Thúy Minh thấp thoáng ngoài đó. Thật lẹ tay, thằng bé Hải ranh mảnh lật hột xí ngầu ra số bốn. Đỗ không hề hay biết, vì Đỗ có còn chú ý gì đến bàn cờ nữa đâu! Ba đứa bé nhìn nhau, nháy mắt. Thụy nói:
Anh Đỗ ra rồi kìa!
Đỗ nhìn vào chén:
Rồi à? Ủa, số bốn… Đi răng được?
Và con ngựa cuối cùng của Đỗ đứng đó, chờ ngựa của Thụy tới đá. Ba đứa nhỏ thích chí reo vang. Ngựa của Thụy ung dung về chuồng. Thụy thắng cuộc, vui mừng nói:
Em phục thù được rồi! Ai biểu anh Đỗ giỏi quá làm chi? Dù vậy tụi em cũng bao anh ăn ‘xắp xắp” đó!
Đỗ phì cười:
Ừ, Thụy thắng rồi, bao anh ăn “xắp xắp” hỉ!
Rồi Đỗ đứng lên đi ra sân. Ba đứa bé nhìn nhau cười tủm tỉm. Cả bác Liêu cũng biết chuyện. Bác đưa tay củng nhẹ lên đầu thằng Hải.
Đỗ thấy Minh đứng trước rào. Minh mặc chiếc áo màu xanh điểm hoa vàng. Minh xõa tóc trên vai. Đỗ thấy lòng mình hân hoan. Minh trông dịu dàng xinh đẹp như một nụ mai.
Minh vô chơi.
Đỗ mở cửa rào. Minh e dè nói:
Hôm qua bác và anh sang nhà. Bữa nay cậu Phương bảo Minh sang mừng tuổi bác và… anh.
Thích quá! Vậy thì Minh “mừng tuổi” tôi đi, tôi sẽ “lì xì” cho.
Minh thẹn, đỏ mặt, nói nhẹ:
Năm mới, Minh mừng tuổi anh Đỗ, chúc anh Đỗ luôn luôn khỏe mạnh và gặp được vạn điều may mắn.
Tôi cũng… một cách khách sáo, chúc Thúy Minh được toại nguyện trong mọi việc.
Bác Liêu bước ra sân nói lớn:
Cháu Minh đó à? Cháu đi có một mình?
Minh đáp:
Dạ thưa bác vâng ạ. Cậu con hôm nay lại phải trực ở nhà thương, cậu bảo con thay mặt sang chúc Tết bác.
Cám ơn cháu hỉ! Bác cũng chúc cháu năm nay học hành tấn tới, thi đậu, và có chi mừng thì nhớ cho bác biết, hỉ!
Đỗ cười nhẹ, còn Minh bâng khuâng cúi đầu. Bác Liêu nói:
Nhang tàn rồi! Đứa mô ăn cơm với bác nè?
Ba đứa nhỏ lao nhao:
Con ăn. Con ăn.
Minh vô ăn cơm luôn đi cháu. Cứ tự nhiên, coi như người trong nhà.
Thưa bác, con vừa mới ăn cơm ở nhà. Mời bác xơi cơm đi ạ.
Đỗ nói:
Con cũng không ăn mô, ba.
Bác Liêu dọn những bát cơm và thức ăn cúng xong bày lên bàn ăn, nói:
Mi thì khỏi mời, chút có đói ráng ăn cơm nguội. Thụy, Sơn, Hải ăn với bác nè.
Đỗ và Minh bước ra sân. Hai người ngồi xuống băng ghế dài. Đỗ nói:
Sân nhà này từ lúc thiếu bóng mẹ tôi, trông xác xơ quá! Mấy cây hoa leo chết từ lúc nào không hay. Minh thấy có thảm không?
Minh nghĩ tại vì anh đi hành quân hoài nên nhà quạnh quẽ.
Tội nghiệp cho ba tôi. Mấy ngày ni tôi về, ông mừng lắm. -Đỗ thở dài- Tại tôi đã chọn con đường này. Thời chiến tranh, biết làm sao hơn? Tôi không bao giờ hối tiếc việc mình làm. Nhưng chỉ sợ rủi mà….
Minh hoảng hốt:
Anh …đừng nói gở.
Đỗ cười nhẹ:
Lính tráng nói chuyện chết chóc là thường, Minh đừng sợ. Tôi hãnh diện với con đường mà tôi đang đi. Chỉ có đôi lúc nghĩ lại mà hơi buồn vì tôi đã làm trái với ý muốn của ba tôi.
Dạ, chẳng hạn như chuyện gì?
Ba tôi ngày xưa làm thầu xây cất. Nhưng ông còn có một biệt tài, là ông khắc cẩn những bức tường, những cây cột rất khéo. Ba tôi say mê với nghề nghiệp nớ. Ba tôi muốn tôi tiếp tục công việc của ông, nhưng phải hơn ông một bậc.
Bác muốn anh học Kiến Trúc?
Vâng, ba tôi muốn tôi trở thành kiến trúc sư. Tôi thi đậu vô trường Kiến Trúc. Tôi cũng học ở đó một năm. Nhưng tôi không thấy có một chút ham thích nào cả. Đối với tôi, môn học đó cứng nhắc và tốn kém. Sẵn học thêm ở trường Đại học Khoa Học và đỗ cuối năm, tôi bỏ Kiến Trúc sang Khoa Học luôn.
Bác có buồn anh không?
Dĩ nhiên là ông giận. Nhưng tôi giải thích mãi, sau ông không giận nữa. Tôi thích học ở Khoa Học hơn, vì tôi thích hợp với việc nghiên cứu sinh vật hơn là ngồi ngắm những mẫu tượng vô tri. Có thể quan niệm của tôi là sai với nhiều người, phải không Minh?
Nhưng mỗi người có một sở thích riêng.
Đúng vậy, học ở Khoa Học tôi tiến rất nhanh. Nhưng khi sắp lấy chứng chỉ cuối để hoàn tất cử nhân, tôi đã quyết định đi lính.
Đỗ thở dài:
Đời lính lại càng thích hợp với tôi hơn. Nhưng đó lại là một lần nữa tôi đã cãi lời ba tôi. Bây giờ việc gì cũng đã xong. Tôi ít muốn nhắc lại với ba tôi làm gì. Có được ngày mô về nhà thì vui cho trọn ngày nớ.
Minh lặng yên ngắm nhìn những hạt nắng tròn xuyên qua những cành mận đậu lại trên tà áo. Mùa xuân ở đây hơi nóng bức. Không có tiếng pháo Tết mà chỉ có giọng cười đùa của trẻ con. Minh cảm thấy xóm nhà vui tươi hơn mọi năm. Trong lòng Minh cũng hân hoan khôn tả. Có phải vì sự có mặt của Đỗ đã làm gợn sóng quãng đời bình lặng của Minh?
Một phút yên lặng trôi qua. Đỗ nói:
Thúy Minh có biết là chuyến hành quân vừa rồi ở rừng U Minh tôi đã vui rất nhiều không? Tôi cũng không hiểu tại răng nữa. Tôi cảm thấy yêu đời đến nỗi chú lính thân nhất của tôi đã nói: ”Thiếu úy vui vẻ quá! Em nghe người ta bảo người vui vẻ yêu đời không bao giờ chết yểu”. Tôi cũng tin như rứa.
Minh rùng mình. Minh rất sợ nghe ai nói đến chữ chết. Đỗ nói:
Sự vui vẻ làm tôi quên bẵng một giấc mơ. Hôm nay tự nhiên lại nhớ. Tôi mơ thấy không biết mình đã phạm tội gì mà bị tòa kêu án mười năm. Cũng trong giấc mơ đó tôi nghĩ đến một người con gái, và nghĩ rằng cô ấy sẽ chẳng bao giờ có can đảm chờ một người xa cách mười năm. Chuyện lẩm cẩm quá phải không Minh?
Đỗ lại nói tiếp, giọng xa xăm:
Mười năm quá dài, không đi bát phố, không đi xi-xê, ai mà chịu được, Minh hỉ!
Minh cười:
Anh nói thế chứ ngày xưa “mười năm trấn thủ lưu đồn”, có sao đâu? Có những kẻ thương nhau, cam chịu mọi thiệt thòi, mọi nghịch cảnh. Nhất là trong thời chiến này, Minh thấy có biết bao nhiêu chuyện đáng ca tụng.
…như là…?
Chẳng hạn cảnh một người vợ đút cháo cho chồng, một cô gái đẩy xe lăn cho người yêu…
Minh bùi ngùi. Hai người lặng thinh để nghe thoang thoảng tiếng chim gọi nhau trong một góc sân. Đỗ phá tan không khí trầm buồn đó:
Minh nói làm tôi bỗng nhớ lại một bài hát hồi còn đi học, các bạn sinh viên chỉ cho tôi hát, vui lắm, hình như tựa đề là “Yêu nhau”.
Bài đó ra sao, anh?
Tôi nhớ không liên tục, để hát Minh nghe hỉ! Bài này là sinh hoạt ca, tếu lắm. Minh nghe cấm cười hỉ!
Đỗ lấy giọng hài hước hát:
“Yêu nhau đâu phải cứ là giận nhau Giận nhau chưa chắc đã yêu nhau… thứ thiệt Yêu nhau đâu phải cứ ngồi sau xe Ngồi sau xe ấy ngồi sau xe, chưa chắc là đã yêu nhau” Minh che miệng cười:
Bài hát vui quá! Minh phải học thuộc, đem dạy cho nhỏ Liên Nga mới được.
Đỗ lấy ra một tờ giấy bạc mới, rút viết ký tên lên đó. Rồi nhét tờ giấy bạc vào một phong bì đỏ thắm, Đỗ trịnh trọng nói:
Thúy Minh, anh lì xì cho Minh, năm nay mười tám tuổi, “ăn nhiều chóng nhớn” nhé.
Minh cầm phong giấy, nghe lòng rào rạt cảm xúc. Trên cành mận, chim chuyền hót đã bay xa.
Dường như có tiếng ai gọi ngoài cổng. Đỗ và Minh nheo mắt nhìn ra. Dưới nắng vàng có bóng một người lính.
Thưa Thiếu úy!
Đỗ nói:
À, Lâm đó hả? Có việc chi rứa? Vô đây!
Đỗ và Minh đứng lên. Người lính tên Lâm bước vào. Anh giở mũ, chùi mồ hôi trên mặt, nói:
Có lệnh gọi Thiếu úy về tiểu đoàn gấp ạ.
Đỗ hỏi:
Chi rứa?
Dạ, để đi hành quân.
Đỗ và Minh hơi sửng sốt. Đỗ lập lại:
Đi hành quân?
Dạ, đi Hạ Lào, Thiếu úy.
Không có câu nói nào tiếp sau câu nói của Lâm nữa.
Một lát sau, Đỗ nói:
Lâm ngồi đây đợi tôi hỉ. Tôi vô nói với ba tôi.
Nhưng bác Liêu đã bước ra sân. Bác hỏi:
Chuyện chi rứa Đỗ?
Dạ con phải đi hành quân ngay ba ạ.
Bác Liêu thốt lên:
Mi đi hành quân? Chao ôi, răng mà… mới đi Cà Mau về đó…
Biết răng được ba. Nhà binh hay có lệnh đi bất ngờ.
Đỗ ngồi xuống sửa lại dây giày. Thụy và hai đứa bạn chạy ra.
Anh Đỗ lại đi nữa hở?
Ừ. Rứa là anh chưa dẫn ba đứa đi xi-nê, đi coi múa lân được.
Anh đi bây giờ? Anh đi bằng gì?
Lâm nói:
Có xe jeep chờ ở đầu ngõ.
Bác Liêu đứng im giữa nhà.
Đỗ nói vớt:
Ba nợ, con được ăn Tết ở nhà được mấy ngày ni cũng là quá đủ rồi. Con đi, rồi con lại về.
Nhưng mà đi mô?
Dạ, kỳ này đi Hạ Lào.
Nhưng mà Hạ Lào ở mô?
Ở sát trên Căm-bốt đó ba.
Bác Liêu nhăn mặt:
Chứ răng mà mi cứ đi ra xứ người miết rứa?
Đỗ cười cho yên lòng cha:
Hai xứ nớ sát bên mình. Muốn yên giặc trong thì phải lo chận từ bên ngoài. Quan trọng lắm chứ ba. Chuyện quân sự biết mô mà lường.
Bác Liêu bỗng nói như sực nhớ:
Mi ăn cơm đi. Mi để bụng đói à?
Thôi ba, để con lên Tiểu đoàn ăn cũng được. Đã có lệnh thì phải đi liền.
Trời đất! Hắn mới đi U Minh về đó!...
Đỗ đến thắp nhang cho mẹ, nói:
Chắc không đến nỗi nào đâu ba. Ba đừng quá lo cho con. Số con hên mà.
Thôi đi mi! Khấn vái mạ mi cho nhiều vô, để bà phù hộ cho mi. Tau lo quá!
Thụy bảo bạn:
Sơn, Hải, tụi mày thấy anh Đỗ giống vua Quang Trung không?
Hải gật đầu:
Ừ, anh Đỗ oai ghê!
Là cái chắc. Mày ngu quá, tao nói anh Đỗ giống vua Quang Trung ở chỗ là mồng năm Tết đem quân đi đánh giặc đó.
À, vậy mà tao không nhớ kìa.
Mồng năm Tết, vua Quang Trung đem mười vạn quân ra Bắc, liên tiếp chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, rồi kéo vào Thăng Long.
Đỗ xoa đầu Thụy:
Thụy giỏi quá. Nhưng anh không giỏi bằng vua Quang Trung mô.
Thụy nói:
Anh oai chứ! Anh đi qua Hạ Lào hở? Anh sẽ chiếm Pakse, Saravane hay là Tchepone?
Ai cũng cười vì câu nói của thằng bé. Đỗ đáp:
Quân ta đi ngăn giặc, chứ đâu có đi chiếm nơi này nơi nọ.
Diệt giặc xong anh Đỗ lại về hở?
Đỗ cười ấm cúng:
Chứ răng! Nè Thụy, Sơn, Hải, ở nhà ráng học thi vô lớp Sáu cho đậu hỉ. Anh đi chuyến ni không biết bao lâu, chắc khi về ba đứa đã là “sinh viên” lớp Sáu. Nhất là Thụy nghen! Em giỏi Sử Ký, Địa Lý, gắng học, mai sau làm công dân ưu tú.
Thụy rưng rưng nhìn anh Đỗ. Chưa có lần đi nào anh dặn dò Thụy như vậy. Thụy nghe buồn thế nào ấy. Dù thế, Thụy vẫn nhoẻn miệng cười. Nó đã thấy mẹ nó, mỗi khi ba nó sắp đi xa, mẹ nó luôn tươi cười, để rồi sau đó mẹ nó lại khóc ngon lành. Thụy cũng muốn những gương mặt ở đây tươi tắn, để anh Đỗ lên đường mang theo nụ cười.
Bác Liêu hỏi:
Mi có cần mang theo thứ chi không, Đỗ?
Thôi khỏi, ba à. Con để đồ dùng ở hậu cứ rồi. Ba đừng lo chi cho con. Mọi việc đã có Lâm lo rồi.
Đỗ nói, giọng nhỏ lại:
Cần nhất là ba phải dưỡng sức. Con sẽ gửi tiền lương về cho ba.
Thôi con.
Con không muốn ba đi làm hồ nữa. Ba đã già yếu rồi, làm việc nặng có hại.
Con để tiền mà xài.
Con ở rừng núi, xài chi mô.Ba chìu con nghen.
Bác Liêu đành gật đầu:
Ừ, tau ở nhà. Mi thiệt!...
Rồi bác cúi xuống, dụi mắt. Đỗ thưa:
Thôi, ba ở nhà, con đi.
Ừ, mi đi, nhớ biên thư về.
Ba đứa bé chạy theo Đỗ ra sân. Minh vẫn đứng lặng trên thềm nhà. Nắng đã lên cao gần đứng bóng. Có tiếng chim hót uể oải trên cành mận. Đã vắng tiếng trẻ nô đùa trong ngõ xóm. Đỗ nghe lòng bồi hồi. Chưa có lần đi nào thấy quyến luyến như vậy. Đỗ đến trước mặt Minh, nói khẽ:
Anh đi, Minh nhé!
Minh gật đầu, gượng cười nhưng mắt đỏ hoe. Minh cúi xuống nắm chặt tà áo xanh hoa vàng bây giờ trông đã u buồn. Minh chưa bao giờ dự vào một cuộc tiễn đưa không định trước như thế này.
Minh ráng học, thi đỗ nhé! Anh sẽ viết thư về.
Dạ…
Đỗ nắm lấy bàn tay Minh siết mạnh. Minh nghe tim nhói đau. Nắng ấm lên một chút trên mái hiên nhà rồi mây xám che qua. Minh muốn khóc. Ba đứa nhỏ trầm trồ nhìn theo anh Đỗ của chúng thật oai trong màu áo trận. Anh Đỗ của chúng, áo rằn ri da cọp, mũ đậm màu xanh lá cây, giầy đinh cứng rắn, trông oai vệ quá. Chúng nó kêu tên anh cho đến lúc hai người lính đã khuất sau ngõ xóm nghèo.
Minh quay vào, thấy bác Liêu ngồi buồn bã nơi đi-văng. Bác chẳng thiết nói lời nào. Căn nhà quạnh quẽ. Khói hương từ mấy cây nhang Đỗ vừa mới thắp vẫn còn quyện bay. Không gian xám buồn. Minh nghe như có một sợi khói buồn vương trên mắt…