Chương 3

Chưa bao giờ Đoan cảm thấy hồi hộp như lúc này. Đoan có liều lĩnh không? Xe đò chạy nhanh hơn xe lửa nhiều, nhưng bây giờ Đoan lại thấy đường xa lắc. Cảnh vật hai bên đường không gợi cho Đoan một ý nghĩ nào, vì Đoan vẫn luôn băn khoăn không biết đến có còn gặp Thái không. Và Đoan sẽ phải nói chuyện gì với Thái, cũng như lý do nào đến nỗi khiến Đoan đi chỉ một mình với quãng đường xa như vậy? Đoan có dịp trở lại phòng khách chăng? Hôm nay là chủ nhật, hay là Đoan sẽ gặp Nguyễn, Nguyễn thật sự bằng xương bằng thịt, không phải một Nguyễn trong hình, trong máy hát. Và nếu Đoan được gặp Nguyễn, Đoan sẽ làm gì? Đoan sẽ nói chào những lời gì? Cả một tâm trạng bối rối làm Đoan không yên được. Nhưng đã trót lên xe rồi, Đoan đã muốn có được một lần gặp Nguyễn thì Đoan phải dự liệu trước những gì sẽ xảy ra.
Xe đã vượt hết đoạn đường dài và đi ngang xóm nhà Thái. Đoan xin ngừng lại để xuống. Lần thứ ba Đoan vào ngõ xóm, nhưng lại cảm thấy như đất đá đều mới mẻ. Cả những ngọn cỏ, chòm cây và ngôi miếu nhỏ bên đường cũng như còn lạ lùng. Đoan gặp những người nông phu hơi quen quen vác cuốc đi về. Những đứa bé nghèo khó rong chơi trên đường đất. Tất cả đều vui vẻ. Đoan cũng nghe vừa hân hoan, vừa lo âu cho một cuộc hội ngộ có thể xảy ra.
Tiếng chó sủa trước sân làm Thái chạy ra dòm. Đoan bước vào, lên tiếng trước:
- Thái chưa về Sàigòn sao?
Thái nhận ra Đoan, tươi cười:
- A! Đoan mới đến. Thái chưa về chi vội. Còn ở lại làm công việc nhà cho hết đã chứ! Ủa, nhưng Huyền đâu?
- Huyền đã về rồi, vì nó phải lo nộp đơn xin cho Đoan vô Gia Long đó Thái.
Thái reo lên:
- A! Đoan đậu rồi hả? Thái cũng đậu rồi! Vui quá nhỉ!
Thái chợt nhìn quanh, và ngạc nhiên:
- Nhưng... còn mấy người kia đâu? Mấy anh gì... Hướng, Giang, Văn nữa?
- Hướng và Giang thi hỏng, đi lính rồi Thái ạ!
- Trời!
Thái kêu lên và lộ vẻ sửng sốt. Thái nắm lấy tay Đoan:
- Như vậy, chỉ có một mình Đoan đi thôi?
Đoan cảm thấy nóng ở hai má, đáp nhỏ:
- Ừ, Đoan thấy nhớ... Thái, nên đến chơi.
Đoan biết Đoan vừa mới nói một câu không đúng với lòng mình nghĩ, nên nghe thẹn vô cùng. Thái có vẻ hơi lấy làm lạ, nhưng Thái vẫn giữ nét vồn vã:
- Đoan đi bằng gì?
- Xe đò.
- Chao ơi! Đoan gan quá! Đi đường mệt không?
Đoan càng bối rối hơn nữa, lắc đầu mỉm cười. Thái mời Đoan vào phòng khách, và rót nước cho Đoan uống. Đoan vẫn ngồi ở chỗ cũ, kín đáo đưa mắt nhìn quanh phòng. Vẫn không có gì khác lạ Đoan hỏi:
- Hai bác đâu rồi hở Thái?
- Ba mẹ Thái dẫn các em Thái đi qua nhà dì dượng, ở gần đây, ăn giỗ.
- Vậy nhà chỉ có một mình Thái?
Thái cúi đầu xuống, không nhìn Đoan, đáp nhỏ:
- Ừ! Chỉ có Thái trông nhà.
Đoan thất vọng. Như vậy là không có Nguyễn về. Đoan thấy sự có mặt của mình ở đây thật vô lý và vô ích. Vượt một đoạn đường xa, ngồi trên xe đò cả mấy giờ đồng hồ để đi tìm một người không hiện diện ở nơi mình đến, Đoan thấy Đoan thật khờ khạo, ngu ngơ. Thái hỏi:
- Đoan xin bác đi đến chừng nào về?
 Đoan thót ruột, nhìn đồng hồ trên tường thấy đã hơn mười một giờ trưa. Đoan ấp úng:
- Đoan sẽ về ngay bây giờ.
- Kìa! Sao Đoan gấp thế?
Đoan cúi mặt không đáp. Đoan thấy mình thật tội nghiệp. Thái ngạc nhiên trước vẻ lạ lùng của Đoan. Đoan nuốt nước bọt để tự trấn tĩnh. Đoan không muốn Thái thắc mắc về mình. Nhưng Thái đã rất tinh ý, hỏi ngay:
- Thái đoán.. hình như Đoan có điều gì khác thường, phải không? Đoan có thể nói cho Thái nghe không?
- Không có gì đâu Thái.
Thái đứng dậy, nắm chặt tay Đoan:
- Nếu Đoan thân với Huyền ra sao, thì hãy xem Thái như vậy. Thái có thể giúp được gì cho Đoan không? Đoan hãy nói cho Thái biết với. Thái tin là một mình Đoan đến nhà Thái …hẳn là có việc gì.
Giọng của Thái chân thành khiến Đoan cảm động. Đoan chớp nhanh mắt, nói:
- Thái làm Đoan có cảm tưởng là chuyện của Đoan trọng đại lắm vậy đó. Không có gì đâu Thái, bạn bè đi hết, Đoan buồn, đi chơi, và...
- Và sao nữa?
-... và đến đây không ngoài ý định xin Thái một vài bài hát của... anh Nguyễn.
- Ồ! để làm gì hở Đoan?
- … để Đoan về đàn, hát chơi. Đoan thích nhạc của anh ấy, chắc Thái cũng biết rồi?
Đoan định bụng rằng sau câu hỏi này sẽ hỏi tới về Nguyễn, nhưng Thái đã quay lưng đi, và nhìn lên bức ảnh của Nguyễn treo trên tường, Thái nói rất nhỏ:
- Xin nhạc của anh ấy? Hiện giờ Thái không có ngay để cho Đoan, ngoại trừ... phải xin phép anh.
Đoan chưa kịp nói thêm câu nào, thì bỗng Thái quay phắt lại, nhíu mày nhìn Đoan. Đoan thấy đôi mắt của Thái đỏ hoe. Nhưng không phải Thái khóc. Có một cái gì phẫn nộ trong giọng nói của Thái, khi Thái gằn từng tiếng:
- Nhưng Đoan này, tốt hơn Đoan đừng xin nhạc của anh Nguyễn, và Đoan cũng đừng hỏi gì về anh Nguyễn cả.
Đoan sững sờ:
- Kìa! Thái???...
- Thái không biết nói sao về anh Nguyễn cả. Anh Nguyễn ở... xa lắm, không bao giờ về nhà.
- Sao hôm nọ… Thái bảo rằng anh ấy có về nhà ngày chủ nhật?
- Thái chỉ trả lời câu hỏi của Đoan thôi mà. Đoan đặt Thái trước một câu hỏi bắt người ta phải “ ừ “.
- Thái nói gì lạ vậy?
- Thái muốn nói là… anh Nguyễn không có ở nhà. Và... anh ấy cũng không muốn tiếp ai hết.
Đoan đứng lên, cảm thấy tự ái bị va chạm. Những lời của Thái tuy khó hiểu nhưng không che giấu được một sự khó chịu đối với Đoan? Thái có hiểu tâm tư của Đoan không? Tại sao Thái lại nói như vậy? Nguyễn là ai? Một con người đầy tài nghệ, nhưng phải chăng cũng là một con người kiêu căng? “Anh ấy cũng không muốn tiếp ai hết“, Thái đã nói như vậy. Cả hai anh em họ đều hợm hĩnh. Trên đời có phải chỉ có một nhạc sĩ, một văn sĩ, một họa sĩ, một người có đôi mắt sâu và buồn? Đoan không phải là kẻ chạy đến tìm một sự khinh rẻ dù rất nhỏ. Nguyễn là ai, Nguyễn ở đâu cũng mặc, không còn là vấn đề cho Đoan nữa. Đoan quá ngu khờ chăng? Đoan không nên ở lại căn nhà này nữa.
- Cám ơn Thái. Đoan về.
Đôi mắt Thái bỗng dịu xuống, Thái có vẻ ân hận:
- Đoan về bây giờ sao?
- Đoan đi… mà chưa xin phép ở nhà.
- Bữa nào Đoan lại đến chơi chứ?
Đoan muốn trả đũa một câu. Giọng Đoan cứng nhắc:
- Có lẽ... Thái cũng đừng nên mời Đoan đến nhà nữa. Đoan không có gì đặc biệt cả.
- Nhưng mà...
- Bởi vì ai chơi với Đoan lâu ngày cũng sẽ thất vọng.
Đoan rút tay mình khỏi bàn tay Thái và lầm lũi đi ra. Đoan không nhìn lại - căn nhà gạch, những ụ rơm trước sân, và Thái …đang ra sao...
Đoan muốn chạy nhanh khỏi con đường này, khu xóm hiền lành này.
Đoan nghĩ đến ba, má và chị Thúy hẳn đương lo lắng vô cùng về mình.
Đoan không biết con đường cái trước mặt nắng lên bốc khói. Đoan muốn mình tan thành nước...
 

*

Biển ào ạt những đợt sóng. Đoan bước giẫm lên lớp cát mịn ướt, chân lún xuống và đợi sóng vào cuốn cát đi. Tiếng sóng réo gọi và tiếng gió cũng như thở than. Mây kéo về làm nền trời thật thấp như muốn mưa. Bãi vắng buồn tênh. Trời đã chiều. Nắng không còn chói chang trên mặt nước xanh. Đoan không nhớ mình đã ra đây từ bao giờ, chỉ biết chân đi đã mỏi rồi, từ bến xe lam ở chợ ra đến bãi biển và đi bộ suốt dọc bãi vắng. Những ngón chân muốn tê dại vì cát. Chưa có thứ buồn bã nào giống như hôm nay. Tâm hồn Đoan trống trải nhưng cơ hồ chỉ một hình ảnh của kỷ niệm nhỏ sẽ đủ làm cho cô bé xót xa.
Đoan muốn biển khô lại để nhìn thấy những bí ẩn của lòng đại dương. Cũng như những băn khoăn trong lòng cô bé vẫn không bao giờ được giải tỏa. Đoan thấy mình yếu đuối, bé mọn và cô đơn, lạc lõng giữa những người thân, giữa những người sơ, và cả giữa thành phố quen thuộc này. Nếu đời đừng xảy ra những thay đổi, nếu những người mới, những tình cảm lạ đừng xuất hiện, có lẽ cuộc đời của một cá nhân sẽ thoải mái vô cùng, và chẳng có gì để nói. Nhưng đó chính là điều mà trước kia Đoan không muốn. Đã có khi Đoan ao ước đời mình sống động như truyện, như kịch. Và hôm nay Đoan sững sốt nhận ra rằng mình đã va chạm quá nhiều trong tình cảm. Không ai làm cho Đoan phiền não, mà chính Đoan đã tự đem đến cho mình. Không phải lỗi ở Nguyễn, hay lỗi ở một ai. Bởi Đoan quá nhiều tưởng tượng, nên đã thêu dệt một Nguyễn - thần thánh, rực rỡ trong lòng. Chứ biết đâu, Nguyễn cũng chỉ là một người con trai bình thường như mọi người con trai, có gì khác thường ngoài một chút tài văn nghệ? Đoan không tiếc rẻ vì mình đã phí một khoảng thời gian khá lâu bị ám ảnh bởi hình bóng Nguyễn, nhưng Đoan rất buồn khi nhận ra rằng có lẽ đời sống ít khi chìu lòng những con người mơ mộng và có quá nhiều trí tưởng tượng. Nguyễn đã đổ vỡ trong tâm trí Đoan. Đoan ngẩn ngơ với ý nghĩ rằng hãy xem Nguyễn như không có thật trên đời, hoặc Nguyễn chưa bao giờ hiện diện một giây phút nào trong khoảng ngày thơ dại của Đoan. Nhưng càng muốn quên những chuyện đã xảy ra, Đoan càng thấy lạc lõng. Hầu như không còn một điểm tựa để vui. Muốn gắn chặt tâm tưởng với gia đình để mong tìm một niềm tin khác, thì Đoan lại thấy mình có một lỗi nào, rất to lớn nhưng không định nghĩa được...
Hôm ở nhà Thái về - mà Đoan nghĩ là lần cuối cùng - đến nhà đã gần xế trưa, Đoan phải nói dối rằng đã ghé nhà một đứa bạn và được mời ăn cơm. Ba má chỉ trách móc nhẹ nhàng còn chị Thúy thì tỏ vẻ áy náy lắm. Nhìn sự thương yêu quá mực của gia đình, Đoan muốn nói thật với má rằng mình đã lặn lội đến Vạn Giả - để nhận nơi má những lời la rầy và những lời khuyên. Nhưng rồi Đoan cũng không có cái can đảm thú nhận việc mình làm, và ôm mối ray rứt cả mấy ngày trời. Đoan cũng không nhận được một bức thư nào của bạn - Huyền, Giang, hoặc Hướng - để bù vào những nỗi trống vắng. Đoan thường hay ra phố vào buổi chiều, đi lang thang không biết mấy giờ ngoài phố, ngoài bãi, nhìn người qua lại xôn xao hay ngồi lặng trên cát nhìn từng đợt sóng cuốn trôi cát trên hai bàn chân.
Mây kéo về mỗi lúc một chiều. Trời sẽ mưa chăng? Cả tháng nay thành phố khô khan chẳng có một giọt mưa, trời như là hạn hán. Đoan vẫn quen tật không mang áo mưa đi. Bây giờ Đoan mới thật sự lo âu, vì về nhà đã trễ mà lại mắc mưa thì thế nào cũng bị rầy. Nhưng Đoan thích dầm mưa. Cả nửa năm nay thèm thấy một giọt mưa mát dịu. Thành phố đã ít người, có mưa thấy càng buồn và đẹp. Đoan muốn trở về những ngày thơ ấu, tung tăng chạy dưới mưa và phá nghịch với lũ bạn nhỏ. Bây giờ chỉ có quyền đi, mà không nên chạy, và phải đón xe lam về chợ và từ chợ về nhà vì trời đã nhá nhem tối.
Trời đổ mưa ngay khi Đoan bắt đầu đi bộ từ đầu ngõ vào nhà. Trận mưa đầu tiên trong những ngày tháng khô hạn tưới xuống đất làm bốc mùi nồng khó chịu. Đoan nghe đầu váng vất. Cả một buổi chiều dang nắng, vọc nước và đi bộ, cộng thêm nỗi buồn phiền khiến Đoan nghe toàn thân mỏi rừ. Nghĩ đến nét mặt lo âu của ba má và tia mắt trách móc nhẹ nhàng của chị Thúy, Đoan cúi đầu bước nhanh. Mưa đã ướt hết cả người. Đến trước nhà, Đoan thấy cánh cổng mở sẵn. Ba con Bông, Vện, Tô trốn mưa trong sân chẳng buồn ra mừng Đoan. Có thấp thoáng một bóng người lạ trong nhà. Hình như điện bị cúp. Má đang đốt một ngọn đèn cầy. Có cả bóng ba ngồi, và cả chị Thúy nữa. Đoan định lẻn đi cửa sau để thay quần áo ướt rồi sẽ lên thưa ba má, nhưng có tiếng chị Thúy gọi:
- Đoan đó hả? Đoan ơi!
Giọng chị như hoảng hốt lạ thường. Đoan phải trở lại cửa nhà trên. Nhận ra người lạ chính là Giang, Đoan chạy ngay vào nhà. Giang đứng yên nhìn Đoan. Đoan ngẩn ngơ nhìn quanh thấy ba, má, chị Thúy đều có vẻ khác thường. Má lên tiếng:
- Con đi đâu giờ này mới về, mắc mưa ướt hết vậy? Thằng Giang chờ con cả buổi đó.
Đoan đưa mắt nhìn Giang dò hỏi, bỗng nghe tiếng chị Thúy bật khóc:
- Giang, nói cho Đoan nó biết đi!
Giang thẫn thờ, mở miệng ra như một cái máy:
- Hướng bị đau màng óc… chết trong trường rồi, Đoan ơi!
... Rồi Giang buông mình xuống ghế. Đoan bỗng nghe bên tai như có muôn ngàn tiếng sóng biển xô đẩy hỗn loạn, có trăm tảng đá lớn rơi từ dốc núi xuống vực sâu, âm vang những tiếng hãi hùng. Trước mắt Đoan hồ như có một màn mưa trắng xóa làm mịt mờ cảnh vật. Đoan không thấy ai đang ngồi, không nghe ai đang nói. Tay chân bỗng nghe rời rạc mỏi tê nhưng không đủ làm Đoan té xuống nền nhà. Đoan đứng cứng ngắc tê điếng giữa muôn ngàn cảm giác kỳ quái, và kịp nhìn thấy, trên bàn, chơ vơ tập hoa ép của Đoan...
 

*

Đồng Đế, ngày... tháng... năm...
Đoan thân,
Tôi đang ở một nơi chẳng xa nơi ở của Đoan bao nhiêu, nói về khoảng cách thì là như vậy, nhưng về cách sống, cách học tập và lề lối suy tưởng thì xa rất nhiều. Ngày nào cũng bù đầu vào việc tập tành, mệt quá, rồi thì có lúc quên cả chính mình đi, không còn biết gì nữa. Nhưng hôm nay, tôi nhất định phải viết cho Đoan một lá thư. Tôi nghĩ họa may nhờ đó mà lấy lại những cảm xúc cho riêng tôi được chăng, bởi từ ngày thằng Hướng mất bỗng dưng tôi thấy tôi khô cạn từ tư tưởng đến thể xác - một điều mà trước đây chưa bao giờ tôi ngờ tới và cũng không muốn chút nào. Tôi - đôi lúc tự hỏi, có phải mình là Giang không? Có phải là “ Giang lé “ của những ngày thân ái cũ ; của thằng Hướng, thằng Văn, của Đoan, của Huyền? Có một chút tiếc rẻ, nhưng ai lại chả thế, Đoan nhỉ? Hoàn cảnh và sinh hoạt gần gũi ta nhất vẫn chiếm ưu thế hơn hết, làm cho ta phải chấp nhận con người hiện tại của ta mà thôi.
Tôi quả thật là một đứa ngu ngơ, phải không Đoan? Được về phép một cách không ngờ, và lại được đến gặp Đoan, thằng Văn, thế mà hầu như tôi không mở miệng ra nói được câu nào nên thân. Để hôm nay tôi nghĩ lại và tiếc. Nhưng tôi không thể trách tôi được - cũng như Đoan không thể trách Đoan tại sao khóc ngất lúc đưa đám thằng Hướng. Chỉ vì thằng Hướng - Hướng đã bỏ chúng ta mà đi. Sự thật là như thế rồi mà đôi lúc tôi còn hoảng hốt tưởng tôi nằm mơ. Đúng như thế, Hướng nó đã đi thật rồi. Cơn dịch đau màng óc xảy ra trong khoảng ngày ác nghiệt đó và Hướng đã chịu không nổi. Tôi thương nó quá! Hướng khỏe mạnh, Hướng nhanh nhẹn, Hướng khéo léo và Hướng liến khỉ của chúng ta còn đâu? Trước ngày nó bệnh tôi vẫn còn nghe nó nói nhiều lời chí lý và nó vẫn chọc cười tôi cùng lũ bạn mới trong này. Không ai buồn chán nữa, khi gần nó. Nó thường kể chuyện những ngày vui vẻ của chúng ta, và khi rảnh nó vẫn thường ôn lại với tôi từng mẩu kỷ niệm nhỏ đủ làm cho nó và tôi quên đi sự mệt nhọc. Nó nhắc Huyền, nhắc thằng Văn, và nhất là nó nhắc đến Đoan nhiều nhất. Lúc đầu tôi lấy làm lạ vì từ nhỏ đến lớn tôi
vẫn nghĩ rằng năm đứa chúng ta chơi thân với nhau đồng đều, không thương ai hơn mà cũng chẳng ghét một ai. Chính tôi cũng vậy, “cô bé” thì cũng như “Huyền bò”, còn thằng “Hướng khỉ” thì chẳng khác gì “Văn ăn vụng”. Nhưng ở Hướng, tôi đã thấy có một người trội nhất, ở trong tư tưởng của nó. Chính là Đoan. Đoan có ngờ được không? Đoan có bao giờ nghĩ rằng Hướng đã dành tất cả những gì của nó cho Đoan không? Từ những việc cụ thể như hái những đóa hoa dại để dành cho Đoan ép, chìu ý Đoan những lúc Đoan muốn đến nhà Thái mà không đi nơi Hướng đề nghị, cho đến những gì sâu kín nhất như ý tưởng của nó, niềm vui nỗi buồn của nó, nó đều nghĩ đến Đoan, vì Đoan tất cả. Nhưng Đoan có hiểu một chút gì về nó không? Tôi phục nó kín đáo quá - đến tôi cũng không biết nữa là Đoan. Nó luôn luôn giữ một bề ngoài tươi tỉnh rạng rỡ nhưng thật ra trong lòng nó có một chút buồn bã. Nó muốn Đoan, cũng như những đứa bạn thân của nó, cùng với khoảng ngày thơ ấu quý giá của nó, phải luôn luôn đẹp đẽ trong lòng nó. Ngày chúng ta chia tay nhau ở nhà của Đoan, nó xin Đoan tập hoa dại ép. Lúc vào trường tôi có thắc mắc, thì nó bảo rằng nó xin giữ để hái thêm hoa dại ép vào đó, là vì có lần Đoan đã nói với nó rằng Đoan sẽ vất tập hoa đi. Tôi tin rằng đó là lời nói đùa của Đoan. Nhưng Hướng thì xem như một lời hăm dọa, không phải của Đoan, mà là của những gì mới mẻ, hấp dẫn của ngày mai, sẽ đạp đổ những tươi đẹp non thơ của khoảng đời thơ ấu. Hướng nó cũng có nhiều ý tưởng lạ lạ phải không Đoan? Nó muốn những gì nó yêu, nó thích thì phải tuyệt đối. Nó không muốn có ai, dù là thi sĩ, văn nhân hay nhà khoa học đặt tên cho những cây hoa dại của nó, đem ra mổ xẻ và học hỏi, cũng như nó không muốn Đoan vứt bỏ tập hoa ép vào một xó - tập hoa mà nó đã góp công bằng cách tìm hái cho Đoan hoa dại mọc ẩn dấu trên những ngọn đồi. Và ở quân trường này, cũng như những quân trường khác, có những vùng đất cỏ cây mọc đầy. Dù trời khô khan, nắng như muốn cháy cả da người, vẫn không làm chết những thứ hoa dại mọc khắp nơi. Đoan có tưởng tượng nỗi vui thích của thằng Hướng, khi nó hái ép đủ số hai trăm cây hoa dại dán đầy tập của Đoan không?
Đoan thân, Tôi không biết có nên gọi là một diễm phúc, khi chỉ có tôi là đứa duy nhất được nghe những lời tâm sự của Hướng? Nếu nó không nói cho tôi nghe, thì đến khi nó chết, nó sẽ giữ kín một mình, và đau buồn nhất - là Đoan không biết một chút gì về nó cả. Hướng không hề nhắn nhủ một điều gì với tôi, cũng như trước khi chết nó vẫn không nghĩ rằng nó sẽ chết. Tội nghiệp nó biết dường bao! Tôi đau xót cả con người khi thấy nó bình thản, vui tươi quá - rồi với cơn bệnh tai ác nó đã không qua nổi. Bạn bè ai cũng thương tiếc nó. Và tôi, bỗng dưng, hôm đưa đám nó, lúc hạ quan tài xuống huyệt, tôi đã tự hứa với lòng, cũng như là hứa với nó rằng, dù trước hay sau, tôi cũng sẽ nói cho Đoan biết phần nào tâm sự của nó đối với riêng Đoan. Tôi không biết việc làm của tôi có lợi ích gì cho ai chăng? Với Hướng, thì chắc là không - vì chết là hết, tôi vốn chẳng bao giờ tin có linh hồn như bao nhiêu người đã tin. Còn với Đoan, có ích lợi gì không khi Đoan hiểu rõ Hướng? Có thể Đoan sẽ buồn, Đoan sẽ đau đớn, và Đoan sẽ khóc rất nhiều. Nhưng ít ra, Đoan cũng sẽ thương nó nhiều hơn, nhiều hơn là tình bạn mà Đoan đã dành cho nó từ lâu. Tôi, định bụng như thế, nghĩa là sẽ nói cho Đoan biết, rồi thì sau này Đoan có giận, có trách, hay chẳng thèm nhìn mặt tôi, thì cũng đành.
Tôi muốn nói với Đoan rằng Hướng nó đã khắc tên “Hướng - Đoan“ vào nhiều thân cây mọc hiu quạnh trên những ngọn đồi gần Suối Dầu. Chính nó đã tiết lộ với tôi như vậy khi khoe con dao nhỏ của nó đã bị lụt đi rất nhiều. Hướng nó đã mong trời mưa thật lớn trong những ngày mình đi chơi với nhau, để nó được nhường áo mưa của nó cho Đoan mặc. Nhưng trời đã không chìu nó nên suốt khoảng ngày còn lại vẫn không có một giọt mưa. Và Đoan có biết, nó đã buồn biết bao, khi một hôm nó thấy Đoan ngồi say mê nghe nhạc trong một căn phòng đầy hình ảnh một người thanh niên khác - ông anh của Thái chăng? Nó thất vọng vì nó biết Đoan sẽ không bao giờ hướng về nó như nó đã dành trọn tình cảm của nó cho Đoan. Và, thương cho nó biết bao, nó không lộ một vẻ bực tức nào, mà đến ngày gặp nhau cuối cùng nó vẫn hoàn toàn là một Hướng vui vẻ, bao dung - Hướng bạn của chúng ta muôn đời.
Tôi với nó là bạn trai. Tôi có thương nó bao nhiêu thì cũng không thể khóc nó bằng nước mắt được. Vậy tôi xin nhân danh là bạn của nó, cám ơn Đoan - một cách ích kỷ và khách sáo - Phải cám ơn Đoan vì nhờ Đoan mà linh hồn của Hướng (tôi mong rằng có như mọi người đã tin) được toại nguyện, là ba má của Hướng đã chôn nó trên một ngọn đồi. Chúa ơi! Tôi có bao giờ ngờ tới một ước nguyện cao cả và tội nghiệp như mơ ước của nó đâu! Nó chắc đã hài lòng với ngọn đồi ấy.
Thư tôi viết đã khá dài và hình như tôi cảm thấy tôi đỡ bớt sự khô khan cứng cỏi khi viết cho Đoan. Tôi mong rằng Đoan sẽ chẳng có một chút gì giận tôi và vẫn xem tôi là “Giang lé” của năm đứa tụi mình. Những lời cuối thư, tôi không nói cho tôi, mà muốn nói cho thằng Hướng - rằng Hướng đã thương Đoan rất nhiều, bằng một thứ tình thương sâu xa, thắm thiết hơn cả thứ tình bạn mà chúng mình đã dành cho nhau từ thuở ấu thơ. Tôi chưa có đủ can đảm nói trắng ra, nhưng chắc chắn cô bé đã hiểu.
Thân ái,
 
GIANG
 
Những giòng chữ cuối trong lá thư của Giang làm Đoan thấy mắt mình tối lại. Không còn thấy dấu cắt của bao thư để mà nhét lá thư vào. Trong một khoảng không gian hư ảo nào bỗng như có Hướng hiện ra, cười trong sáng. Đoan quay lại nhìn tập hoa để cạnh bàn. Đoan giở ra từng trang. Mỗi nhánh hoa là một kỷ niệm. Hướng đã hái thêm hoa dại ở trong quân trường để ép đủ hai trăm cây. Thế mà đã có lúc Đoan hăm sẽ vứt tập hoa vào một xó. Hướng đã lo sợ và Hướng đã giữ gìn. Nhưng bây giờ tập hoa lại ở đây với Đoan. Đoan bật khóc như trẻ thơ… Đoan đã hứa cho Hướng luôn rồi mà, Hướng ơi! Hướng ơi!...
 

*

Đoan ngồi xuống bên cạnh ngôi mộ của Hướng. Có một cây hoa dại mọc lên từ lúc nào bên nấm đất nhỏ bé. Vài cơn mưa đã đến từ sau ngày đưa Hướng lên đây, làm nhú lên những ngọn cỏ mướt xanh. Khung cảnh im vắng và dễ thương. Bên dưới là xóm nhà của Hướng. Kia là đồi La San. Còn nơi đây, ngọn đồi nhỏ làm nơi trú chân cho Hướng. Hướng đã có một chỗ bình yên. Đoan nghe mơ màng trong gió vẳng đưa lời của Hướng “... Dù là người vĩ đại hay chỉ là một kẻ bình thường, khi nhắm mắt Hướng ao ước được chôn trên một ngọn đồi... vì đây là quê hương của mình... có nhiều người gần gũi, ít nhất cũng còn có gia đình, và lũ bạn bè khóc cho mình nhiều giọt nước mắt... “ Hướng ơi! Hướng có nhiều ý nghĩ dễ thương quá! Hướng có những ước nguyện nhỏ nhoi mà cao cả. Tâm hồn Hướng đơn sơ nhưng thanh khiết vô cùng. Đoan như kẻ chạy trốn nắng ở đàng xa, còn Hướng như một loài hoa dại nở tươi vui trong nắng hạn cũng như dưới mưa dầm. Hướng đã mang hết những ngày tươi đẹp hồn nhiên đi rồi. Ở đây chẳng còn ai. Giang đã trở lại quân trường tiếp tục những ngày học tập chắc đã quen thuộc. Văn đã lặng lẽ mua sách về học trước. Huyền chẳng được về đưa đám Hướng, bây giờ vẫn chưa có một lá thư. Chỉ còn có Đoan, yếu đuối và cô đơn. Nước mắt đã hầu như tuôn ra hết trong ngày tiễn đưa Hướng lên đồi. Bây giờ chỉ còn ngồi lặng nhìn mộ Hướng, tưởng tượng có Hướng trước mặt, và gắng nở một nụ cười như là cười với Hướng. Nụ cười chắc héo và lẻ loi như cọng cỏ úa đằng kia phải không Hướng?
Một cánh bướm bay vụt qua trên nấm mộ. Đoan ngơ ngác nhìn theo. Đôi cánh mỏng chập chờn trên đám cỏ cây, và rõ dần thành chiếc áo của Hướng. Hướng tươi vui, Hướng dí dỏm nhìn Đoan. Hướng ngoắc Đoan như rủ lại gần. Và Hướng cúi xuống, ngắt một cành cây, đưa cho Đoan:
- Cho Đoan đấy! Hoa dại...
Rồi Hướng biết mất, cùng với cánh bướm kia và cành hoa dại. Gió buổi chiều thổi nghe lạnh. Đoan nhắm mắt lại, tưởng như những kỷ niệm trở về tràn ắp trí nhớ. Muốn khóc, nhưng hai mắt Đoan khô lại. Những cây nhang cắm trên nấm đất mới đã gần cháy hết. Khói hương màu xám bay quyện trong gió, vẽ trước mắt Đoan những hình thù kỳ lạ. Mai mốt đây, ngôi mộ Hướng sẽ được xây xi măng vuông vức. Một tấm bia mang tên Hướng sẽ được dựng lên. Ba má Hướng sẽ rào chỗ này lại, chỉ mở ra khi người thân, hay bạn bè Hướng đến thăm Hướng. Chết bình yên như thế sao? Có ai như Đoan, cảm thấy cả một sự vô lý khi nhìn ngôi mộ Hướng? Và Hướng, Hướng nằm bên dưới, có buồn giận một ai và có thấy vô lý hay không? Chỉ có tiếng gió trả lời cùng Đoan...
 

*

... Đoan bật lưỡi con dao nhỏ của Hướng, nói với Hướng như reo:
- Hướng đã làm hại cây cối quá nhiều rồi! Không cho Hướng khắc bậy nữa. Tới phiên Đoan.
Bóng của Hướng chập chờn trước mặt. Đoan tiến đến một cây cao su to lớn ở trên đồi cạnh Suối Dầu, cẩn thận gạch lên thân cây hai chữ “Hướng - Đoan“ Có tiếng của Hướng cười trầm ấm, và Hướng chế nhạo:
- Vậy mà mắng người ta. Đoan cũng là kẻ phá hoại cây cối... mùa màng, đáng cho giáo sư Huyền bò phạt thi kỳ hai.
- Ha ha! Nhưng mà Đoan đã đậu rồi. Và cũng chẳng có kỳ hai nào hết... Giáo sư Huyền bò cũng không phạt Đoan nổi. Dù hắn có là Giáo sư Thực vật, hay là kỹ sư Canh nông, hắn là nhà thơ hay là người đốn củi, hắn cũng phải biết cỏ cây là nguồn cảm thông của con người. Chính Hướng đã chọn cỏ cây để nói chuyện mà Hướng không biết sao?
- Đoan này... mâu thuẫn.
Mủ cao su, theo dấu Đoan vừa gạch, chảy ròng ròng xuống lớp vỏ xám. Đoan thấy Hướng nhìn rồi cười thân ái. Hướng trỏ tay xuống dòng suối trước mặt, cười vang:
- Xem kìa! Hai thằng Giang với Văn muốn làm hai cô sơn nữ. Chúng nó hái hoa kết lên đầu cho nhau. Còn nhỏ Huyền bò đang... bò lên đồi, trông tếu ghê Đoan ạ!
Đoan mỏi chân ngồi xuống một phiến đá. Đoan nói, như một lời hứa:
- Hướng này, Đoan sẽ không thèm đến nhà Thái nữa, nơi nào mà Hướng thích thì Đoan cũng thích. Và phải có lũ Huyền, Giang với Văn mới được. “ Bộ năm “ của tụi mình sẽ không bao giờ tách rời nhau, cho đến già luôn Hướng nhé! Tụi mình sẽ đi hết những ngọn đồi gần Suối Dầu, đi trở lại mộ ông Yersin ngắt hoa dại. Giang nó biết chèo xuồng, bắt nó chở năm đứa đi ra đảo chơi. Hướng muốn đi Hòn Tre không? Đoan sẽ chỉ cho Hướng một nơi có vách núi dựng thẳng như phim cao bồi. Hướng sẽ leo lên đó hét to như mọi da đỏ nhé! Hướng muốn nói gì cũng được. Hướng có tâm sự, có uất ức điều chi, ra ngoài bãi Hòn Tre, tha hồ Hướng gào, Hướng thét, chẳng có ai ngăn cấm Hướng đâu. Quê ta có núi, có biển, Hướng có yêu không? Đoan cũng thế, không đi đâu hết...
 Hướng cài cho Đoan một đóa hoa lên tóc, hỏi:
- Đi hết rồi làm gì nữa?
- Năm đứa nhóc lại về nhà Đoan, chị Thúy lúc nào cũng nhắc. Phen này chị Thúy sẽ đãi một chầu gì đó rất ngon. Chưa hết, Đoan sẽ cho cả lũ ăn xoài, ăn mận, ăn “sa-bô-chê“ và ổi đã đời.
Hướng giả vờ như quá no, đưa tay ôm bụng nhăn nhó. Cả Đoan với Hướng đều cười, giọng cười vỡ giòn vang rân...
Đoan bàng hoàng mở mắt. Không có một tiếng động nào ngoài tiếng chị Thúy nói chuyện với ai đó ngoài sân. Không có ai ngoài Đoan đang nằm trên giường bệnh. Chẳng có Văn, Giang, Huyền và Hướng. Chỉ có cơn đau làm Đoan bải hoải rã rời và những giấc mơ hiện đến làm Đoan tưởng mình được sống những ngày êm ái nhất. Tự nhiên nước mắt âm ấm chảy dài xuống gối. Lũ bạn nhỏ sẽ chẳng bao giờ về đầy đủ trong vườn để ăn trái. Hôm nào còn hứa với Hướng và Giang là sẽ chăm sóc cho cây vườn xanh tươi, thế mà mới hôm qua Đoan chợt nhìn lên thấy lá ổi đã bị sâu ăn thủng lỗ chỗ như mạng lưới. Nguyên cả cây ổi đã bị tàn phá. Nay mai nó sẽ chết, không còn quả để mà hái. Hôm nào Hướng đã ăn ổi quẳng đầy cả mặt đất, bữa nay chắc cũng đã hóa mùn. Tất cả những gì đã hiện hữu, rồi cũng sẽ trở lại với trạng thái nguyên sơ của nó - là cát, là bụi, là hư vô. Bỗng nhiên Đoan thấy tư tưởng mình trở thành tư tưởng của một nhà tu. Đoan muốn mình cũng biến mất đi không để lại ở đâu một dấu vết nhỏ bé nào cả.
Chị Thúy xuất hiện ở cửa phòng. Đoan trở mình để chị biết rằng Đoan đã thức. Chị đến ngồi bên Đoan, dịu dàng sờ trán. Bên tay kia của chị, Đoan thấy một phong thư.
- Có phải chị vừa mới nói chuyện với bác phát thư?
- Ừ. Có thư cho Đoan.
Đoan nhíu mày. Một lá thư cho Đoan? Đoan nhớ cách đây một tuần, lá thư của Giang đến tay Đoan. Một lá thư đầy tình thân, gợi bao nhiêu là kỷ niệm và một lá thư đủ quật ngã một cô bé vốn đã yếu mềm. Đoan chịu không nổi nữa, sau ngày đi thăm mộ Hướng về. Những cơn mê sảng tiếp diễn trong cơn đau. Lúc nào Đoan cũng thấy Hướng hiện ra, vui tươi và thân ái, để khi tỉnh dậy Đoan lại khóc vì tiếc nhớ.
- Thư của Huyền, Đoan ạ.
Đoan đón lấy bức thư và giở ra đọc. Thư của Huyền ngắn ngủi, báo một tin vui. Đoan xem xong đưa chị Thúy. Nét mặt chị, sau khi đọc thư tỏ vẻ mừng rỡ. Chị kêu lên:
- Đoan được vào Gia Long rồi! Thích quá!
Đoan gượng nở một nụ cười với chị Thúy. Đoan không biết mình có vui nổi với cái tin đó không - mà chỉ thấy lòng thờ ơ lạ lùng. Không còn những náo nức, những mong đợi như ngày trước nữa. Đối với Đoan, bây giờ không có một việc gì gọi là hấp dẫn, dù là Sàigòn đầy cảnh lạ hay ngôi trường Gia Long của Huyền có những cây Phượng đỏ rực và những con đường rộng rãi dập dìu áo trắng. Tất cả đã hững hờ như không có. Trước đây Đoan đã đếm từng ngày chờ xem kết quả, chờ tin thi đậu, đã ước mơ được đậu cao để xin vào trường công. Việc xin vào Gia Long, xin đi Sài gòn tưởng khó khăn vô cùng, không dám nói với ba má, với chị Thúy - nhưng sau kết quả tốt đẹp của Đoan, ai cũng tán thành.
Sàigòn, với những bí ẩn đối với một nữ sinh tỉnh nhỏ, với trường Gia Long, với trường Văn Khoa, với trường Dược Khoa…, gợi cảm biết chừng nào - giờ đây chẳng phải là một lời réo gọi với Đoan nữa. Đoan muốn đổi tất cả những thứ đó, để lấy lại chuỗi ngày thơ dại của Đoan và lũ bạn thân yêu.
- Đoan khỏe được chút nào chưa? - Chị Thúy lại hỏi han.
Đoan gật đầu, Đoan không muốn có ý tưởng mình đang đau yếu. Chị Thúy nâng Đoan ngồi dậy, hỏi:
- Đoan có muốn ra ngoài một lát không? Trời hôm nay tốt lắm!
Tội nghiệp chị Thúy! Sao chị lại biết được ý nghĩ của Đoan? Đã mấy ngày nằm trên giường rồi còn chi? Bây giờ Đoan thèm được nhìn trời một tí. Đoan lại gật đầu, ra vẻ mạnh khỏe lắm. Chị Thúy đứng lên, nói:
- Vậy thì đợi chị một chút nghe!
Chị đi ra ngoài và năm phút sau trở lại. Chị đưa cho Đoan một cái áo len để mặc thêm và mở cửa cho Đoan ra sân.
Đoan đứng sựng lại ở ngưỡng cửa, và cảm động vô ngần. Ba con Bông, Vện, Tô nằm ngoan ngoãn bên chân ghế dựa. Chúng ngẩng lên kêu mừng cho nhỏ. Trên chiếc bàn con mà chị Thúy vẫn thường để tượng lên đó, đã có sẵn một ly sữa nóng và một mẩu bánh mì. Và, Đoan đã thấy cây đàn của Đoan để trên ghế dựa. Đúng là một sự sắp đặt của chị Thúy, một sự “đón tiếp“ đầy thân ái. Đoan nhìn chị Thúy cười mà ánh mắt rưng rưng.
- Chị Thúy cưng em quá!
- Không, của má mua để dành cho Đoan. Ba với má vừa mới đi lễ chùa. Má biết hôm nay thế nào Đoan cũng đói bụng, nên mua sẵn bánh mì. Còn chị, chị muốn Đoan uống hết ly sữa này.
Chị Thúy nói thật trịnh trọng. Đoan gắng uống hết ly sữa và ăn mẩu bánh mì. Chị Thúy nhìn Đoan trìu mến:
- Không có gì phải buồn khổ Đoan ạ! Nỗi phiền muộn sẽ giết dần một con người. Đoan phải nghĩ đến tương lai và vui vẻ lên. Đời người ai cũng có những mất mát, những đớn đau. Rồi tất cả sẽ qua đi...
Đoan muốn nói một câu nào để không đồng ý với chị nhưng chị Thúy bỗng im bặt, mà đưa mắt nhìn ra khu vườn. Đoan cũng nhìn, và đau đớn thấy cây ổi bị sâu ăn gần hết lá. Đoan biết chị Thúy cũng như Đoan, nhìn cây ổi đó nghĩ đến một hình bóng đã mất nhưng  dễ gì ai quên.
Một thoáng yên lặng trôi qua, cho Đoan nghe thấy tiếng chim hót trên đầu cây Kim Quất. Tiếng chim nghe dịu dàng quá! Đoan với lấy cây đàn. Một bản vui, hay một bản buồn cũng đủ làm lòng người ấm lại. Chị Thúy mỉm cười khi thấy Đoan cầm đàn. Đoan thấy nhớ nhớ một khúc nhạc quen thuộc nhưng hồ như đã bỏ quên trong tâm trí, nhắm mắt hồi tưởng và tay lướt nhẹ trên phím tìm những nốt nhạc. Âm điệu hình như cũng quen quen với chị Thúy. Chị nghiêng đầu lắng nghe, và rồi hát theo:
- Ta từ trên đỉnh thác... Rơi xuống đáy vực sâu... Xác thân ta vỡ nát... Tâm hồn ta đớn đau... Chờ mặt trời buổi sáng... Sau giấc ngủ xót xa... Ta đi hoài mỏi gối... Đành về với quê nhà... Đành về với quê nhà...
Chị Thúy ngân dài giọng hát và chấm dứt. Đoan ngơ ngẩn, không đàn nữa, hỏi dồn:
- Chị vừa mới hát... bản gì? Sao chị biết khúc ca đó hở chị Thúy?
- Bản “ Đành về với quê nhà “...
- Của...???
Chị Thúy thở dài:
- Không phải của một nhạc sĩ thời danh nào cả. Mà của một nhạc sĩ sinh viên tên là Đoàn Hà Nguyễn. Chị nghe Đoan dạo một khúc nhạc giống giống nhạc của Nguyễn, làm chị nhớ lại bài hát của anh ấy...
Đoan run giọng:
- Chị có biết Đoàn Hà Nguyễn?
- Có. Trong giới sinh viên hầu như ai cũng biết Đoàn Hà Nguyễn. Năm vừa rồi Nguyễn học Dược Khoa năm thứ tư. Nguyễn là một thanh niên rất hoạt động. Anh xuất sắc trong mọi lãnh vực nên nổi tiếng khắp các phân khoa. Nhưng nổi tiếng nhất, là nhờ anh sáng tác nhạc và đàn hát rất haỵ…
Đoan nghe như những mạch máu trong người đang bị dồn ép. Một sự thật nào về Nguyễn nữa đây? Đoan nhắm mắt lại một tích tắc. Hình ảnh của Nguyễn đang hiện ra, chói lọi trong trí nhớ. Chị Thúy chợt “ à ” một tiếng, và nói:
- Chị nhớ ra rồi! Có lần chị em mình thử tài nghe tên đoán người, vậy mà chị ngu quá không nhớ đến Đoàn Hà Nguyễn để tả cho Đoan nghe. Ngoài những tài nghệ làm cho Nguyễn được các bạn mến mộ, anh còn có một sắc diện rất dễ mến và đã khiến nhiều cô gái mến thương. Đoan hãy tưởng tượng nhé! Một người con trai gầy gầy, cao cao, rất thanh nhã, có mái tóc rất nghệ sĩ và nhất là khuôn mặt hiền hòa và một đôi mắt rất sâu, rất buồn và rất đẹp.
Đoan cúi đầu buồn bã. Chị Thúy đang gợi lại ở Đoan một hình ảnh đáng lẽ phải quên. Chính vì Nguyễn, vì con người “thần tượng“ đó, đã làm Đoan ngẩn ngơ, đã biến đổi tình cảm của Đoan mà chắc người ấy cũng không ngờ tới.
Chị Thúy bỗng thở dài:
- Người nhạc sĩ sinh viên ấy trình diễn nhạc của anh trong suốt những buổi sinh hoạt. Nhưng nay anh đã chấm dứt cuộc đời của một sinh viên, và khúc hát cuối cùng mà chị được nghe là bài “Đành về với quê nhà“ đó!
Đoan hoảng hốt:
- Nguyễn đã chết rồi hở chị?
Tự nhiên một giọt nước mắt chảy lăn trên má chị Thúy. Giọng chị xót xa:
- Không. Vừa rồi Tết Mậu Thân, Đoàn Hà Nguyễn ra ăn Tết với anh em ở Huế. Anh bị kẹt trong một trận giao tranh, lúc anh đang sửa soạn Cây Mùa Xuân cho một lớp học nghèo. Anh bị một quả đạn pháo kích rơi gần, và lãnh hết vào gương mặt.
Đoan kêu rú lên:
- Trời ơi!!!
- Anh không chết, nhưng từ đó không đến trường nữa. Bản cuối cùng Nguyễn sáng tác và gửi cho các bạn, chị nghe mấy người quen hát, và chỉ nhớ được khúc chót…
Đoan lẩm bẩm:
- ….đành về với quê nhà...
Và chợt nhớ ra rằng chính mình đã khóc theo với lời tự tình của Nguyễn. Giọng Nguyễn hát trong máy nghe xót xa và tuyệt vọng biết bao! Đoan bàng hoàng như vừa mới trải qua một giấc mơ. Đoan thấy mình như lao chao trong một khoảng không có điểm tựa. Chị Thúy đang nói một câu rất vô vi:
- Đời người là thế, Đoan ạ!
 

*

Những bước chân của Đoan như chùn lại khi đến trước cổng. Đoan ngập ngừng khi thấy Thái đang cầm chổi quét tém gọn một ụ rơm. Đoan e dè lên tiếng gọi. Thái nhìn ra và hình như đôi mắt Thái sáng lên vui mừng. Thái buông chổi, đi mở cổng và nói:
- Thái cứ tưởng... Đoan không thèm đến chơi nhà Thái nữa.
Và nắm tay Đoan, Thái kéo Đoan vào sân. Đoan muốn nói với Thái một câu gì đó cho vui nhưng cảm thấy đầu óc rỗng tuếch, ngôn ngữ bay đâu mất, Thái vẫn giữ nét vồn vã:
- Đoan gầy ốm quá! Đoan bệnh sao? Đoan nhận được thư Huyền chưa?
Nét mặt Thái chợt sa sầm, Thái thấp giọng:
- Huyền có cho Thái biết tin Hướng mất. Tội nghiệp Hướng quá Đoan hở? Và tin Đoan vô Gia Long nữa. Thái có dịp học chung với Đoan.
Thái quá tự nhiên làm Đoan cảm động. Đoan long lanh mắt nhìn Thái:
- Thái hỏi han Đoan nhiều quá! Phải cho Đoan hỏi han lại chứ! Thái vẫn chưa về Sàigòn sao?
- Chưa Đoan a. Thái chưa muốn về vội, bởi nhà đang có người ốm.
- Bác ốm? Hay em của Thái?
Thái lắc đầu:
- Không, ơ... chỉ cảm sơ thôi nhưng...
Thái chợt ngập ngừng, nhìn xuống mũi giép, giọng nhỏ hẳn đi:
- Nhưng Thái thương lắm, nên Thái ở lại săn sóc cho đến khi...hết ốm thì thôi. Vả lại trường cũng chưa khai giảng đâu. Đoan với Thái còn cả tuần lễ nữa mà!
Đoan thu hết cam đảm hỏi:
- Thái! Anh Nguyễn ốm... phải không?
Thái tròn xoe đôi mắt nhìn Đoan, bối rối không biết trả lời sao.
Đoan nói giọng run run:
- Thái cho phép Đoan... được thăm anh Nguyễn.
- Sao Đoan... biết anh Nguyễn ở đây?
- Có gì đáng phải giấu Đoan không hở Thái? Thái có xem Đoan như Huyền không?
Thái cắn môi:
- Huyền... nó cũng chẳng biết gì về anh Nguyễn hết.
- Nhưng Đoan không còn gì thắc mắc về anh Nguyễn cả. Đoan chỉ mong gặp anh ấy một lần.
- Đoan! Đoan không biết là...
- Anh Nguyễn bạc phước? Đoan hiểu. Chính vì thế mà hôm nay Đoan lại đến đây.
Thái bật khóc nức nở:
- Đoan ơi! Anh Nguyễn cũng muốn gặp Đoan một lần. “Gặp” có nghĩa là nói chuyện đó, chứ anh ấy đã biết Đoan ngay từ hôm đầu.
Đoan sững sốt:
- Nghĩa là...
Thái không đáp, nắm tay Đoan đi vào phòng khách. Vẫn những đồ vật cũ, khung cảnh quen thuộc. Đoan ngỡ ngàng chưa hiểu ý Thái. Nhưng Đoan chợt hiểu ra khi Đoan thấy vách nhà bằng ván có nhiều khe hở mà những lần trước Đoan không để ý. Tự nhiên Đoan nghe nóng bừng cả mặt mày, nhớ lại những cử chỉ của mình đã làm mà tưởng rằng không ai hay biết. Bên cạnh phòng khách này là một căn phòng nữa, chắc chắn là như vậy. Một cánh cửa nhỏ mọi hôm đóng kín và Đoan cho là không quan trọng, bây giờ đang được Thái se sẽ mở ra.
Đoan đứng yên bối rối. Nguyễn, trong bức chân dung, vẫn đang nhìn xuống Đoan - đôi mắt sâu buồn như muốn nói một điều gì. Đoan nghe tiếng Thái nói nhỏ nhẹ ở căn phòng kia:
- Anh Nguyễn! Có Đoan đến, muốn vào thăm anh.
Một giọng nói trầm ấm vẳng ra:
- Anh biết rồi. Sao Thái không mời Đoan vào?
- Anh có bằng lòng?
- Thì lúc nào anh vẫn mong được gặp Cô Bé.
Một nỗi xúc động dâng lên làm Đoan nghe nghẹn ở cổ. Thái bước ra, nói:
- Đoan vào đi, anh Nguyễn ở trong đó.
Thái nắm tay Đoan dẫn vào. Đoan đi theo như một cái máy. Thái đến mở rộng hai cửa sổ, một trông ra khoảng sân chứa những ụ rơm và một trông ra vườn dừa cùng bờ ao bên hông nhà. Đoan đứng lặng người khi ánh sáng vừa chói chang căn phòng kịp cho Đoan thấy một người thanh niên ngồi trên ghế xoay lưng lại phía Đoan. Nguyễn, Nguyễn bằng xương bằng thịt trước mắt Đoan đó! Dáng Nguyễn cao, gầy và thanh nhã, không sai với những bức hình của Nguyễn. Nhưng Đoan biết phía bên kia, gương mặt của Nguyễn sẽ không giống như ngày xưa mà cũng không giống những điều mà Đoan tưởng tượng.
Nguyễn lên tiếng trước:
- Cô Đoan đi có một mình?
- Vâng.
Đoan vẫn đứng cứng ngắc, đầu óc trống rỗng. Nguyễn tiếp:
- Gần cả tháng nay không thấy cô Đoan đến chơi, tôi cũng buồn lắm. Chắc cô giận Thái phải không?
Đoan lắp bắp:
- Dạ không... Đoan không có giận Thái chút nào cả. Xin anh Nguyễn... đừng gọi Đoan là cô, Đoan còn bé...
Nguyễn cười nghe rất ấm:
- Vậy thì... tôi xin phép gọi là cô bé vậy. Tôi cũng quý mến nhóm bạn năm người của cô bé lắm. Nhưng buồn thay, có một người đã mất. Tôi nhớ cậu ấy hôm đầu tiên leo lên tận ngọn dừa. Cô bé có lấy làm lạ không? Tôi ở đây, mà thấy tất cả mọi sinh hoạt, nhờ ở cửa sổ này. Chỉ cần hé màn, tôi mục kích bao nhiêu là cảnh vui tươi náo nhiệt. Cậu ấy làm tôi nhớ những ngày còn bé bỏng của tôi. Bây giờ...
Đoan nghe mắt cay xé. Thái đem đến cho Đoan một chiếc ghế, nhưng Đoan vẫn đứng như chôn chặt đôi bàn chân xuống đất.
- Tôi biết cô bé hiện giờ đang buồn lắm. Mất một người bạn là một sự mất mát to lớn. Còn tôi, cô bé có biết, tôi thì đã đánh mất luôn cả tôi. À, mà cô bé có biết gì về tôi không? Thái chắc chẳng bao giờ hé răng cho ai biết rằng Thái có một người anh như thế này cả. Hắn tôn trọng nỗi đau khổ của anh hắn...
Thái bỗng sụt sịt khóc. Giọng của Nguyễn nghe chua chát làm Đoan thấy se lòng. Đoan nói:
- Dạ, Thái giấu tất cả bạn bè. Nhưng tự Đoan đã biết. Chị của Đoan học ở Văn Khoa, mà tiếng tăm của anh... hầu hết các sinh viên đều biết.
- Tiếng tăm là một cái gì rất dễ đổ vỡ, cũng như vẻ đẹp bên ngoài của con người vậy. Tôi đã rơi từ tột cùng hy vọng xuống một khoảng tối. Tôi không thiết tham dự vào những sinh hoạt của loài người nữa. Chính tôi còn không nhận ra tôi trong gương. Các em nhỏ của tôi khót thét khi gặp tôi. Ba me tôi rơi lệ khi nhìn tôi. Thì bạn bè và những người mến mộ có nghĩa gì đâu? Tôi rất thương mến trường tôi và những nơi tôi đã đi qua và sinh hoạt ở đó. Tôi sắp ra trường để thực hiện những hoài bão của tôi... nhưng rồi... tôi đành về với quê nhà, và tự giam mình vào căn phòng này. À, nhưng cô bé này! Tâm sự của một người... thật là vô ích, như một người nào đã nói, phải không cô bé?
Đoan thấy lúng túng không biết phải trả lời thế nào. Nhưng Nguyễn lại cười một tiếng và tiếp:
- Nhưng đối với cô bé, tôi tin rằng điều đó không đúng. Thế nên mới có những lời tự sự của tôi nãy giờ. Tôi còn nhớ cả ngày, tháng mà lần đầu tiên cô bé đến nhà tôi. Có những tiếng nói cười thật vui nhộn khiến tôi phải chú ý. Mỗi một người trong nhóm của cô bé, gợi cho tôi một hình ảnh của mình thưở xưa. Hướng leo cây, Giang bơi xuồng, Huyền múc nước giếng, Văn bổ dừa, còn cô bé... cô bé ngồi đàn trên xuồng với các bạn, gợi cho tôi những ngày sinh hoạt vui vẻ với các bạn tôi.
Nguyễn châm một điếu thuốc hút, thả khói bay là đà. Thái rón rén đi ra khỏi phòng. Một vài phút im lặng trôi qua. Nguyễn nói với giọng xúc động:
- Tuy nhiên, đó chỉ là những hình ảnh thỉnh thoảng vẫn xảy đến ở đây, cho tôi một sự nuối tiếc giống như những lần hồi tưởng mà thôi. Còn một thứ cảm xúc mà tôi chưa từng thấy, khiến cho tôi có cảm tưởng đời mình có một tí thay đổi, đó là lúc tôi nghe tiếng chân cô bé trong phòng khách, rồi tiếng hát của tôi cất lên ở ngoài đó. Tôi xoay ghế lại nhìn qua những khe ván hở. Xin lỗi cô bé, tôi đã làm một việc không phải. Nhưng từ lúc đó, tôi nghe lòng mình có một chút hân hoan, bởi đã từ lâu xa trường, xa bạn, xa những sinh hoạt của đời sinh viên, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng còn ai nghe mình hát, ngắm tranh mình vẽ.
Nguyễn thở dài, rít một hơi thuốc rồi lại nói tiếp:
- Lần thứ nhì cô bé đến, cô bé lại nghe nhằm khúc ca mà tôi viết cuối cùng. Tôi viết bản đó tại căn phòng này, vào những ngày cùng cực đau khổ của tôi. Tôi có gửi cho bạn bè theo lời khẩn khoản của họ, nhưng tôi không hát cho ai nghe cả. Chỉ có Thái, em tôi, hắn muốn tôi phải thu băng tất cả nhạc của tôi, để cho gia đình nghe. Hắn muốn những hình ảnh, vật dụng của tôi phải y nguyên trong phòng khách như ngày xưa tôi đã trang hoàng. Hắn không muốn ai biết về nỗi bất hạnh của tôi. Tôi đành phải chìu ý hắn. Những ngày nghỉ mà hắn về đây, anh em tôi quấn quít nhau không rời. Hắn thương tôi lắm, nên khi tôi chỉ cảm sơ sơ thôi, hắn cũng nhất quyết ở lại nhà... Chết! Tôi nói hơi lạc đề rồi. Lần thứ nhì cô bé đến ngồi ở phòng khách, cô bé nghe tôi hát bản “ Đành về với quê nhà “ là lần cô bé cho tôi một niềm xúc động lớn. Vâng, là vì tôi thấy cô bé khóc. Cô bé với tôi là hai người xa lạ, nhưng đã có một mối cảm thông nào, từ kiếp nào... Những giọt nước mắt, đối với tôi, có giá trị hơn là những tiếng vỗ tay, những lời vồn vã. Thế thôi, tôi không biết phải diễn tả thế nào cho cô bé hiểu. Nhưng mong rằng cô bé cảm thông tôi hơn cả lời tôi trình bày.
Nguyễn ngừng một lát như để nhớ lại những gì đã xảy ra. Giọng Nguyễn xa vắng:
- Lần thứ ba, cô bé lại đến và giận bỏ về vì Thái đã lỡ lời. Nhưng chắc đến nay cô bé không còn phiền hắn một tí nào... Vì đó chẳng qua là ý của tôi và sự tôn trọng của hắn. Sự đau khổ đôi khi có thể biến ta thành một con người kiêu hãnh. Hôm đó, tôi muốn bảo Thái ra gọi cô bé vào, và nói với cô bé một lời xin lỗi - Nhưng thôi, tôi nghĩ rằng hãy để như vậy tốt hơn là để cô bé biết sự thật. Sự thật chẳng bao giờ đẹp như ta ước mơ. Tôi không muốn chứng kiến nỗi thất vọng của bất cứ một ai.
- Nhưng thưa anh...
- Nhưng hôm nay cô bé đã đến. A, cái gì có thể biến đổi lòng tuyệt vọng, nỗi bất hạnh thành niềm hân hoan? Có phải chính là tình con người? Tôi xin nói một lời khách sáo là cảm ơn cô bé, đã tạo cho tôi niềm hân hoan đó. Cô bé hiểu cho rằng trong thâm tâm tôi, đến nay tôi đã xem cô bé như một người thân. Tôi đã thương mến cô bé như thương mến Thái. Tôi đã xem cô bé như một đứa em thân tình của tôi.
Một giọt nước mắt, sau câu nói của Nguyễn, rơi xuống má Đoan. Nguyễn bâng khuâng:
- Tuy vậy, tuy có thương tất cả mọi người, tôi vẫn nghĩ rằng không ai có thể đứng chung với tôi trong một nỗi khổ. Dù cho ba mẹ tôi, hay Thái, hay cô bé đã cảm thông tôi vô cùng, tôi cũng thấy rằng chỉ có tôi mới hiểu tôi mà thôi. Không ai có thể cảm nhận nỗi khổ của một người, trừ khi là chính người đó. Tôi muốn được yên với nỗi khổ của tôi, vì tôi đã thấy rằng đau khổ cũng là một trong những lẽ sống của con người, chứ không phải riêng gì hạnh phúc. Nhất là tôi không muốn nhìn thấy người thân của tôi bận lòng đến tôi.
Giọng Nguyễn cố vui vẻ:
- Thái còn có tương lai của Thái. Cô bé còn có việc học của cô bé. À, nay mai cô bé vô Sài gòn nữa phải không? Tôi mừng khi thấy cô bé thi đậu, và gặp nhiều may mắn. Tương lai ở trong tay ta, cô bé đừng làm mất những gì mà cô bé hiện có nhé! đến khi mất hết như tôi đây rồi lại tiếc rẻ. Tôi chúc cô bé, trong những sinh hoạt mới, lúc nào cũng hăng say, vui tươi và nhất là có nhiều nghị lực. Hãy nghe lời tôi, vì tôi thương cô bé như Thái vậy.
Nước mắt rào rạt trên má Đoan. Những lời nói có tác dụng như dòng nước suối êm, nhưng cũng gợi lại những nỗi buồn trong lòng cô bé.
- Còn tôi, tôi đã có một sự thay đổi nho nhỏ rồi, phải nói là nhờ sự hiện diện của cô bé. Vì tôi không còn có ý nghĩ giam kín tư tưởng mình ở đây nữa. Mà tôi sẽ tiếp tục viết sách. Tôi sẽ viết cho lứa tuổi từ đôi tám đến hai mươi. Ở lứa tuổi đó, có nhiều ước mơ thật đẹp, nhưng cũng có quá nhiều ảo tưởng và những lầm lẫn đáng tiếc. Tôi đã trải qua rồi, nên tôi hiểu lắm, từ Thái em tôi, đến cô bé, đến cả... cậu Hướng. Tôi thương tất cả như thương chính những ngày thơ ấu của tôi...
Đoan muốn nói với Nguyễn một câu gì, nhưng hình như tất cả những ý nghĩ của Đoan đã được Nguyễn nói hết. Đoan lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt, không muốn làm lay động cái không khí yên tĩnh của căn phòng.
Nguyễn mở ngăn kéo của bàn viết, lấy ra một tập giấy màu xanh lam, giơ lên ngắm nghía và nói:
- Tôi muốn trước ngày cô bé rời quê nhà, nhận của tôi một kỷ niệm. Đây là tập ca khúc của tôi. Tôi muốn tận tay mình trao cho cô bé. Hãy xem như một món quà của một người anh. Cô bé hãy đến đây, vì tôi không đi được. Ngoài chiếc xe lăn để  sau bức màn kia, mà tôi rất ít khi dùng đến, tôi chỉ ngồi ở chiếc ghế này, để viết lách và nhìn ra hai cửa sổ. Cô bé hãy đến đây, vì ngoài sự tàn phá của gương mặt, một mảnh đạn nhỏ ghim vào đầu đã làm cho đôi chân này trở nên vô dụng...
Đoan nghe nát cả tâm hồn. Đoan run rẩy bước tới. Chiếc ghế được Nguyễn xoay lại. Trước mắt Đoan, gương mặt của Nguyễn thật rõ. Một sự tàn phá toàn vẹn. Những dấu thẹo nhăn nhíu làm cho gương mặt thật ghê khiếp, không ai có thể tưởng tượng được một gương mặt đẹp đã biến ra như vậy. Chỉ có tia mắt buồn thảm làm xúc động hồn người.
Đoan bật khóc. Đoan muốn quỳ xuống đôi chân khô héo của Nguyễn - như một tạ lỗi, như một thương mến, như một cảm thông...