Dịch giả: Phan Văn Các & Trịnh Trung Hiếu
P1 - Chương Hai

Kỳ thực thì mười hai phạm nhân điều từ các tổ đến không khó quản như lời đội trưởng Vương. Đội trưởng Vương bảo rằng khó quản, là nhìn từ góc độ cán bộ lao cải và coi tôi là con người khác với mười hai con người ấy. Từ thuở phát minh ra chế độ ngục tù đến nay, không có biện pháp nào sáng suốt hơn được việc dùng phạm nhân cai quản phạm nhân. Một không khí dân chủ bình đẳng sẽ nhanh chóng khởi động lên tính tích cực và tính tự giác của phạm nhân bị cai quản. Nhất là tổ chăm sóc ruộng đồng này của chúng tôi, ở giữa cánh đồng rộng cách xa trại bảy tám dặm.
Căn nhà đất dựng trên một gò đất khá cao bên con mương nhánh; đội sản xuất của công xã ở ngay bên kia mương đối diện với chúng tôi. Ở đây không có vọng gác, không có mạng điện, không có ông cai cầm súng. Chúng tôi lại được nghe tiềng gà gáy, tiếng chó sủa; vào mùa hoa liễu quế hương bên phía mương nước chúng tôi nở rộ, ong của đội sản xuất vù vù bay đến từng đàn, tựa hồ như xóa bỏ được tường lũy thâm nghiêm ngăn cách con ngườI với con người. Phạm nhân có gia đình dường như được trở về nhà, phạm nhân không có gia đình thì cảm thấy được tự do đôi chút. Vả lại tù nhân tự do điều về đây, tất thảy đều là tù ngắn hạn hoặc sắp mãn hạn tù, trong những năm tháng như thế này, có được cảnh điền viên tốt đẹp như thế này, thì hà tất còn phải trốn đi đâu?
Vào lúc lúa nẩy mầm, hoa liễu quế hương trên cây dọc bờ mương bắt đầu tàn. Những bông hoa màu vàng rực rỡ, lấm tấm rụng xuống mương, trôi xuôi dòng nước, có bông bị cành liễu rủ loà xoà mặt nước cản đường níu lại. Hoa bám quanh cành liễu lại kéo về vô số bông hoa và tơ liễu khác, chúng kết thành từng mảng hoa óng vàng đan xen những sợi tơ bạc lóng lánh dập dờn trên mặt nước. Hết ngày lao động ở ruộng lúa về, chúng tôi ngồi xổm trên bờ mương ăn cơm chiều. Dưới hàng liễu bên kia mương từng đàn trẻ con nông dân, đứa đứng đứa ngồi, ngây ngô chằm chằm nhìn lũ người quấn áo đen chúng tôi như những con người kì dị. Quần áo đen giống hệt áo chùng thâm của cha cố trùm kín một vẻ thần bí: họ can tội gì nhỉ? Số kiếp nào đã dồn đuổi họ tập trung lại đây?…Từ đây, những tâm hồn thơ dại thấm dần nỗi khiếp sợ cõi đời, khiếp sợ tương lai.
Nếu đại đội có lính gác áp giải, xếp hàng đi dọc bờ muơng ra đồng làm việc, thì bà con nông dân kéo ra xem còn đông hơn nhiều. Ngay cả người tận đâu đâu đến làng này thăm bà con thân thích cũng phải xem bằng được << bọn tù lao cải >> như xem một tiết mục đặc sắc hấp dẫn
- Ồ nhìn kìa…còn đeo cả kính nữa đấy!
- Ờ tay kia, tay kia…trông đẹp trai đấy chứ!
- Sao kia! Cho mày lấy nó làm chồng…
- Đồ chết dẫm, tao vả vào cái mồm…của mày bây giờ!
Tất nhiên đó là đám đàn bà con gái.
Trong chốc lát họ cãi nhau lộn ẩu ầm ỹ cả lên.
Thế là bỗng dưng thành một sân khấu ngoài trời, khán giả cũng là diễn viên rất sôi nổi. Lâu dần thành lệ, nếu chúng tôi ra đồng về trại mà không nhìn thấy họ, nhất là những cô gái trẻ mặc áo hoa đứng bên kia mương nước nhìn sang chỉ trỏ, thì chúng tôi lại thấy quạnh vắng, các chàng trai đi trong hàng, sẽ uể oải rã rời, dẫu rằng hôm ấy công việc chẳng nặng nhọc gì. Nếu người ra xem đông, thì hầu như tất cả tù nhân đều phấn chấn hẳn lên, đội trưởng Vương không ra lệnh hát ( hát cũng phải theo lệnh ) cũng cứ hát.
Trong tất cả << ca khúc cách mạng >>, chúng tôi thích nhất hai bài:
Mặt trời lặn sau núi Tây, ráng đỏ bay.
Chiến sĩ bắn bia trở về doanh trại.
Và:
Người cộng sản - chúng ta khác nào những hạt giống!
Hát tới từ << hạt giống >> cánh tù trẻ lại nháy mắt liếc sang nhìn những cô gái đứng bên kia bờ mương. Đội trưởng Vương cho tù nhân hát bài gì cũng được, nhưng phải hát cho đều hát cho vang, và ông chửi ngay thằng đĩ đực để tỏ ý khen ngợi. Mãi sau này, bọn cảnh vệ đề nghị với cục lao cải qua đường dây lính cảnh vệ, cục lao cải mới đưa ra quy định: trong thời kỳ cách mạng phi thường này, tù nhân lao động chỉ được phép hát << Phàm là quân phản động, anh không đánh, nó không đổ nhào >>. Nhưng tới năm 1967, cục công an, viện kiểm sát, toà án đều bị đập nát, những cơ quan nhất loạt thi hành chế độ quân quản, đại biểu quân đội << cao quý >> thì << thông minh >> hơn cán bộ lao cải xuất thân nông dân << đê tiện >> - chân lý là kẻ cao quý thì thông minh, kẻ đê tiện thì ngu xuẩn ngữ lục đã phán truyền thế - đã cảm nhận bằng trực giác rằng các << bài ca ngữ lục >> đều sẵn có tính chất phương pháp luận, giai cấp nào, phe phái nào cũng lợi dụng được, cũng đều được soi sáng để lĩnh hội mọi vấn đề. Ví dụ cái anh gọi là << loài phản động >> thì bọn họ lại bảo là cái khác kia, anh làm sao được nào? - Đối với loại người lòng dạ khôn lường ấy anh làm sao biết được trong lòng họ << loài phản động >> là chỉ ai? Thế là lập tức ra lệnh tù lao cải dứt khoát không được phép hát << bài ca ngữ lục >> nữa. Nhưng ngoài << bài ca ngữ lục >> ra, lúc đó chẳng còn bài nào đáng được hát cả, thế là, trong một buổi liên hoan tết của đội lao cải bài << Ninh Hạ đáo tình >> do tù nhân tự biên tự diễn, đã biến thành khúc ca phổ biến của đội lao cải.
….
 Cải tạo, cải tạo, cải cái tạo này à!
Buổi tối trở về, một gáo đầy a!
Hây hây! A hơ hây hây! A hơ hây!
Ở tổ trông coi ruộng đồng chúng tôi, << một gáo đầy >> do chúng tôi cử tù nhân trực nhật về gánh ra. Chúng tôi có đôi thùng thiếc lớn, dù là cơm gì đi nữa, thì mỗi bữa tù trực nhật cũng gánh về hai thùng đầy ắp. Nguyên tắc ở ngoài làm nhiều hưởng nhiều bị phê phán tơi bời không còn gì, nhưng trong đội lao cải trước sau vẫn thi hành không đổi. Khi ấy dưa chuột đã chín, cà chua bắt đầu nhuốm hồng. Đi qua vườn rau người trực nhật gánh cơm thế nào cũng lôi về khối rau quả tươi ngon vừa trẩy xong. Người trông coi vườn rau cũng là tù tự do, mà tất cả tù tự do đều thuộc một tầng lớp với nhau nên thương yêu nhau, no đói có nhau. Chúng tôi được ăn cà chua và dưa chuột sớm hơn cả những << ông cai >> và cán bộ lao cải cùng vợ con của họ. Tính tương đối của tự do ở đây được thể hiện triệt để: bất cứ ở đâu, hễ anh tự do hơn người khác một chút thôi, anh sẽ kiếm được nhiều lợi lộc hơn; mà lợi lộc nhiều hay ít hoàn toàn tỷ lệ nghịch với mức độ mất tự do ở lúc đó; ở nơi mất tự do nhất mà anh được buông lỏng một tý thôi, lợi lộc kiếm đươc sẽ nhiều nhất.
Hai gáo đầy - chứ không phải một gáo đầy – ăn xong rồi lại nhai thêm một đống cà chua, dưa chuột nữa vào, tất cả bọn chúng tôi đều tức bụng không đi lại được nữa. Chúng tôi nằm kềnh trên sườn dốc bờ mương, gối đầu lên cánh tay. Đại đội hết giờ làm việc về cả rồi, bốn bề trở nên vắng lặng khác thường. Đám quạ về đậu trên cây liễu già ỉa xuống, phân quạ luồn qua cành lá rơi bồm bộp trên bờ mương phủ đầy đất vàng. Mặt trời khuất sau đỉnh núi, cánh đồng đã dẫn đầy nước phút chốc mát dịu hẳn đi. Ếch nhái đã kêu mấy tiếng giáo đầu rời rạc. Tiếng kêu kéo dài uể oải, tưởng chừng chúng đang ngáp dài ngái ngủ. Lát sau chúng đua nhau gào to thật lực, cả cánh đồng đột nhiên rộn rạo tiếng << ì ộp! ì ộp! >> vừa rộn ràng vừa giận dữ. Chúng như muốn giành lại thế gian từ trong tay con người, hơn nữa xem ra chúng có vẻ tràn trề niềm tin tất thắng. Lúc ấy, gió chiều cũng hiu hiu từ cánh đồng lúa mênh mông bát ngát thổi về, kéo theo vô số những đốm sáng nhẩy nhót lấp lánh. Tôi nhắm mắt lại đắm mình vào cõi điềm tĩnh vô tri. Điềm tĩnh vô tri là trạng thái tinh thần tối ưu trong cảnh đời, cũng được rèn luyện rất tự nhiên trong cảnh chờ đợi dằng dặc. Bước ngoặc lịch sử chưa xẩy ra, con người thật sự bất lực, hành động mà phạm tội, thì chi bằng ngấm ngầm mà suy nghĩ.
Nhưng tôi suy nghĩ những gì? Tôi chẳng suy nghĩ gì hết. Thế giới bên ngoài đã hoàn toàn trệch khỏi quy luật Mác đã tìm ra, sách vở đã bị quẳng đi, nghe đâu có thế mới thật sự tuân theo lời Mác << vũ khí phê phán không bằng sự phê phán bằng vũ khí >>. Bởi vậy, nó đã khiến đội trưởng Vương hoảng hồn, mắt trợn trừng, miệng ớ ra, còn tôi cứ tưởng mình sáng suốt tài giỏi hơn đội trưởng Vương, cũng thấy bàng hoàng sửng sốt. Vẻ trầm mặc của đội trưởng Vương đã gây ra cho tôi cảm giác mông lung trống rỗng mặc dầu tôi đã gửi gắm vào đây bao nhiêu hy vọng hão huyền viển vông mà hoàn toàn cần thiết, nhưng thực sự thì tôi suy nghĩ về xã hội một cách vu vơ vô căn cứ mà thôi. Spi-nô-za đã nói << Dốt nát đâu có phải là luận cứ >>.
Mặc mẹ nó suy nghĩ làm gì! Cứ làm một tù nhân lao cải đơn giản thế thôi. Đội trường Vương đối xử với tôi khác với các tù nhân lao cải khác, nói ra thật xấu hồ, ngay từ xương tủy tôi đã là một tù nhân lao cải thực thụ rồi còn gì, vì trong những nghề tôi đã làm ở đời này, thì tính ra nghề tù nhân lao cải tôi làm lâu nhất.
Nằm dưới chân bờ mương đã chán, đám tù nhân bắt đầu duỗi chân vươn tay cho thoải mái.
- Mẹ kiếp! Đêm tối thế này có hồn ma đàn bà hiện lên thì hay nhỉ.
- Ma đàn bà hiện lên nhưng đừng tóc tai rũ rượi, mà giá được môi son má phấn thì hay.
- Eo ôi! Ma thắt cổ có cái lưỡi thè lè dài thườn thượt đỏ lòm lòm, liếm vào mặt một cái, đủ hết hồn bỏ mẹ rồi.
- Một hồn ma con gái thì không đủ chia, tốt nhất là một lũ, mười ba cô, chúng mình chia mỗi thằng ôm một cô.
- Tổ trưởng của chúng mình không cần đâu, cậu ta là trí thức mà!
- Trí thức thì sao nào? Trí thức thì không có con b…. à?
Tôi vẫn nhắm mắt, nhưng bất giác không nhịn được, cũng phì cười thành tiếng với họ. Tôi cảm giác được lúc đó ánh mắt của họ đang dồn cả vào tôi. Tôi được họ kính trọng, tách tôi ra khỏi bọn, nhưng từ nội tâm tôi lại hướng hẳn về họ. Từ năm 1958, sau khi  << công xã hoá >>, ngoài pháp luật ra còn thêm vào đủ các loại chế độ quy định, chúng lấp kín mọi kẽ hở của đời sống nông thôn một cách khắc nghiệt chưa từng có. Người nông dân chẳng khác gì sủng thần thân tín của vua Sy-ra-cu trong truyền thuyết cổ Hy Lạp, trên đầu lơ lửng một lưỡi gươm Đê-mô-crít, không biết lúc nào sẽ bất thần lao xuông chặt đầu… Mười hai tổ viên trông coi đồng ruộng do tôi chỉ huy, đều là những trai cày lực lưỡng theo việc đồng áng. Nghe họ bình tĩnh kể về tội trạng của mình, thì có cảm giác khác nào một làn gió nhẹ hiu hiu thổi lướt giữa rừng cây.
- Khổ quá, không ăn trộm thì làm thế nào. Bụng đói mà…
Một anh chàng mũi tẹt ăn cắp phân hoá học cùa đội đem bán, bị xử năm năm tù, giờ kể lại anh ta còn lấy làm may lắm
- Đáng đời! Tớ lấy tiền chữa bệnh cho mẹ già tớ, xử tớ ngồi tù năm năm, không bắt tớ phải đền tiền nữa.
- Hì hì! Tớ cũng may - Một cậu khác kể - Tớ cho bò của đội sản xuất ăn thế nào mà chướng bụng lên chết! Tòa hỏi tớ, anh thích đi lao động cải tạo hay đền tiền? Tớ đắn đo suy nghĩ: đi cải tạo còn được cơm ăn, thế là tớ đến đây. Đến đây, thấy không đến nỗi nào! Phải cái không có đàn bà. Thôi chịu đựng một tý vậy….
Có khi họ cũng hỏi tôi
-Tổ trưởng Chương ơi, anh làm sao mà phải vào đây?
-Tớ ấy à? Tớ chẳng vì sao cả.
Họ toét miệng cười thông cảm << chẳng vì sao cả >> cũng phải vào đội lao cải hầu như đã trở thành một việc quen thuộc bình thường quá rồi, giống như ăn no thì ợ, nhiễm lạnh thì ốm, thế thôi, chẳng ai hơi đâu tìm hiểu ngọn ngành: do đâu << chẳng vì sao cả >> lại tống người ta vào đội lao cải? Thái độ chẳng hề oán thán, mặc cho đời mình số phận mình như chiếc lá rụng lênh đênh trên dòng nước, trôi dạt đến đâu thì đến của họ đã thể hiện thái độ ngoan ngoãn, nhẫn nhục, vui với mệnh trời ngấm sâu trong linh hồn dân tộc chúng ta. Sống cùng với họ, có lúc tôi đâm ra nghi ngờ bản thân mình: việc gì phải suy nghĩ? Đứng trước định mệnh, suy nghĩ liệu có ích gì không?
Ôi, định mệnh!
Tôi biết vì sao họ lại nghĩ đến hồn ma đàn bà, nghĩ đến con ma thắt cổ. Căn nhà đất cách xa đại đội lao động cải tạo chúng tôi đang ở - nói theo trong sách giáo khoa chiến thuật của Nhật Bản - thì là << ngôi nhà độc lập >>, từ những năm đầu của thập niên 50 xây dựng nông trường lao cải đến nay, vẫn đứng trơ trọi trên cánh đồng mênh mông, bằng phẳng, trải bao năm tháng dãi gió dầm mưa. Người ta kể rằng vào khoảng giữa những năm 50, cái làng nhỏ bên kia mương nước, có một cô gái trẻ đẹp, chống lại việc gả bán ép buộc của cha mẹ, giữa ban ngày đã băng qua mương vào căn nhà này thắt cổ tự tử. Ở đây thắt cổ tự tử rất tiện, căn nhà trống hoang, trơ rui trơ xà, xà rui nào cũng buộc được dây cả. Hơn nữa vào lúc công việc đồng án đã vãn, ai còn đến căn nhà độc lập, hoang vắng bỏ không của nông trường lao cải << nghiêm cấm người vào >> để mà ngăn cản cô ta tự kết liễu đời mình kia chứ? Đám tù nhân lao cải trên mười năm tù ngồi, kể lại chuyện này đến nay vẫn rất say sưa hấp dẫn.
- Ôi, xinh lắm nhá! Cô ta đi giầy đỏ, hai bím tóc to, bóng mượt! Da mặt trắng nõn, lông mày dài. Khi bọn mình đỡ cô ta xuống, người hãy còn mềm….
Có người bảo, cô ta đái ướt sũng cả quần, lưỡi cô thè ra dài ơi là dài, nghe nói người nào thắt cổ chết đều như thế cả. Nhưng phần lớn tù nhân lao cải đều cho rằng nói vậy là bêu xấu cô ta, họ ra sức vẽ cô thành một nàng tiên. Những tù nhân đến sau như tôi không được nhìn tận mắt, tất nhiên chẳng sùng bái gì cô cả, chỉ muốn cô trở lại nguyên hình một con người bằng xương bằng thịt.<< Chịu đựng một chút vậy >>, những lúc bị giầy vò hành hạ, bất giác lại lấy cô ra làm chỗ dựa an ủi về tinh thần.
Ôi, cô gái dũng cảm, trong trắng, không rõ tên tuổi, hãy thông cảm và tha thứ cho chúng tôi nhé.
Có hôm, buổi tối nông trường bộ có chiếu phim, đội trưởng Vương thông tri cho chúng tôi đi xem – xem phim là << học tập >> mà - để lại một người quản nước ruộng ban đêm là được. Lần nào tôi cũng để cho mười hai tổ viên đi hết, một mình tôi ở lại << ngôi nhà độc lập >>. Làm lãnh đạo dẫu chỉ là thủ trưởng của tù nhân, cũng cứ phải công bằng đúng mực, tự mình phải hy sinh, có thế mới được sự tôn trọng và phục tùng  của kẻ bị lãnh đạo. Ếch nhái ì ộp, nước mương róc rách, gió lướt trên lúa non như than như khóc, giống như một dàn hợp xướng lúc bổng lúc trầm. Ngoài cửa sổ trời tối đen như mực, trên tấm kính cửa sổ loang lổ vết bùn bẩn thỉu. Ngọn đèn dầu bằng hạt đậu thức cùng tôi đọc sách. Khi tôi chỉ thấy bóng mình in mờ mờ lên bức tường đất nham nhở bùn, tôi liền nghĩ ngay số 13. Mười ba! Con số này không tốt lành tý nào. Con số này sẽ gọi cô ấy hiện ra đây mất.
Quả nhiên cô đu người từ xà nhà xuống. Thoạt tiên là một đám hơi sương sặc sỡ chưa thành hình thể, đọng lại trên mặt đất, rồi nhanh chóng ngưng tụ lại thành một cô gái xinh đẹp sống động hẳn hoi, hệt như lời bác tù già đã nói, hai bím tóc đuôi sam bóng mượt, lông mày dài cong vút, đôi mắt lúng liếng, da dẻ, dẫu dưới ánh đèn dầu tù mù, cũng cứ phô ra màu trắng hồng mơn mởn. Cô mặc cả áo bông đỏ mùa đông, và đúng là cô đi giầy đỏ. Căn nhà đất tồi tàn sơ sài có cô đến bỗng rộn ràng ấm áp hẳn lên.
Cô vuốt áo nhe nhẹ, e thẹn bước lại gần tôi, cất tiếng thở than não nuột, sưởi ấm lòng người:
- Chao ơi, khổ quá!
- Đến đây em – Tôi đưa tay ra đón cô ­ Em khổ, anh cũng khổ, đôi ta hãy ở cùng nhau.
- Em nói anh chứ - Cô đặt tay lên vai tôi, thân hình yểu điệu mà ấm nóng áp sát người tôi, mắt nhìn vào cuốn sách đang mở rộng trước mặt tôi. - Anh khổ, chứ em không khổ nữa đâu. Người ta chết đi, thì chẳng còn đau khổ gì hết.Tối nào em cũng thấy anh chờ mọi người ngủ cả, mới bò dậy đọc sách. Hà tất phải thế nhỉ? Chớ có hủy hoại sức khỏe như vậy anh ơi!
Giọng cô thật u buồn ai oán. Tôi ôm lấy eo lưng thon thả đáng yêu của cô. Cô tự cho mình là không khổ mà lại quan tâm đến tôi, điều ấy khiến tôi cảm động. Tôi cay đắng bảo:
- Em cũng khổ quá đấy. Vì đâu còn trẻ măng đã phải đi tìm cái chết? Sống dù sao cũng còn hơn chết! Giá em còn sống thì hay biết mấy?
- Sống không nổi nữa - Thân hình cô đu đưa nhè nhẹ, khiến tôi có cảm giác như chìm vào ảo mộng - Người ta ép gả em cho người em không muốn lấy, anh bảo còn sống sao được nữa? - Giọng cô lại thẽ thọt - Lúc ấy giá có anh ở đây có phải hay không. Đúng cái ngày phải đi lấy chồng, em đã chạy đến đây treo cổ tự tử. Hôm ấy giá có anh, em chẳng thắt cổ đâu.
Tôi kéo cô vào lòng mình, để cô ngồi lên đùi, vuốt ve đôi bím tóc mượt mà:
- Tất cả đều do xã hội cả thôi. Chúng ta vẫn chưa thật sự đạt tới nam nữ bình đẳng, chưa thật sự có tự do hôn nhân. Anh đọc sách, suy nghĩ tìm tòi xem thế nào để xây dựng một xã hội thật sự bình đẳng giữa người và người.
Cô hầu như không tin lời thuyết giáo của tôi, quay ngoắt lại bảo:
- Đến đời kiếp nào mới được thế hả anh. Đến mơ tưởng cũng chẳng dám nữa là! Ông bí thư khu ủy chỗ chúng em cũng nói vậy, loa đài cũng ra rả gào lên luận điệu ấy, nhưng có được tí gì đâu anh! Thế nhưng chết đi là hơn anh ạ! Nếu anh coi em là người sống thì em sẽ sống lại ngay - Cô lại ngẩng mặt lên âu yếm bảo - Người tình lý tưởng của em! Anh đừng học thói ba hoa khoác lác của loa đài nữa. Em hát cho anh nghe nhé. Lâu lắm rồi em không hát. Lâu nay vẫn giữ kín trong lòng để hát cho người em yêu.
Đoạn cô cất tiếng hát khe khẽ. Tiếng hát vẫn u buồn ai oán, nhưng trong trẻo du dương, trước mặt tôi hiện ra bãi bồ công anh vàng rực trong tiết xuân, chẳng ai trông nom, mặc cho người đời giầy xéo:
Pha lê trong suốt trước song.
Hàm răng ai trắng cứ trông anh cười. 
Cửa hai cánh mở hờ một phía.
 Cất tiếng cười anh hãy vào đây.
Say sưa cuối mắt đầu mày.
Làn mi chấp chới nói thay nỗi lòng….
Từng đôi chim hướng trời nam.
 Phận hèn em quyết ăn nằm cùng anh.
…….
Nhưng đám bạn tù lao cải đã về!
Từ xa, đã nghe tiếng cười đùa ồn ào vui vẻ.
Cô gái phút chốc lại biến thành đám hơi sương sặc sỡ. Tiếng ca, thể xác, hơi ấm thảy đều tan biến hết. Các tổ viên của tôi, vào đến nhà, đã bỏ từng vốc dưa chuột và cà chua ra trước mặt tôi.
- Kẻ cắp đâu chịu về không! - Họ đua nhau nói - ăn đi ăn đi. Giống dưa này vỏ sù sì nhưng giòn lắm đấy! - Cậu mũi tẹt đưa bàn tay còn bẩn hơn cả dưa, xoa liền mấy cái lên quả dưa, coi như đã chùi sạch đưa cho tôi. Anh đã coi họ là kẻ trộm cắp, thì họ cũng nhận mình là kẻ trộm cắp. Hơn nữa khi ngưới nông dân nào cũng đi ăn trộm, không ăn trộm mới là không bình thường, thì dĩ nhiên trộm cắp cũng chẳng có gì đáng hổ thẹn nữa.
Rồi họ lôi chăn đệm ra, lịch kịch rải đệm ra, dũ chăn, mùi hôi khét lẹt bỗng chốc lan toả khắp nhà. Chui vào chăn đệm rồi, họ vẫn còn tán nhảm hồi lâu:
- Người miền nam chúa khỏe cái khoảng ấy lắm. Chả là khí hậu nóng nực…
- Tớ nghe nói, người miền nam ra nhà xí không phân biệt nam nữ đâu nhé.
- Ở bên nước Nhật, trai gái tắm chung một nhà tắm nhá!
- Cứ gì phải nước Nhật! Năm nọ tớ lớ xớ mò ra Thượng Hải, cũng vào lúc nóng bức, chính mắt tớ trông thấy, một lũ cả trai lẫn gái, đùa giỡn vùng vẫy trong một hồ nước lớn đấy!
- Không mặc quần áo à?
- Mặc quần áo đếch gì! Mặc quần áo thì làm sao đùa giỡn vùng vẫy trong hồ nước được? Mẹ kiếp tất cả trần như nhộng.
- Chậc, chậc….
Còn tôi, tôi ôm cô gái của mình mà ngủ. Tôi chừa ra một khoảng trống trong chăn, dành cho tấm thân mềm mại nhưng hư ảo của cô.
Một hôm, không biết đội lao cải lôi ở đâu về bộ phim << Lênin tháng mười >>. Anh em xem xong rất thích thú cảnh Va-xi-li ôm hôn từ biệt vợ.
- Ôi! Tuyệt quá! Trong phim ảnh cũng có cắn vợ.
- Hừ! Ôm lấy mặt rồi cứ thế gặm.
- Cậu đã gặm vợ lần nào chưa! Hì hì gặm lần nào chưa?
- Nói đi, nói đi! Thành khẩn thì được khoan hồng, ngoan cố thì bị nghiêm trị
Thuật ngữ tra tấn tù nhân nhớ rất kỹ, thường luôn miệng nói hằng ngày.
- Gặm cái đếch gì, mặt bẩn bỏ mẹ! Tớ ghếch phốc một cái lên ngựa, là phóng một mạch đến Hà Tây…
Hôn << thì bẩn bỏ mẹ >> còn chung đụng các bộ phận khác thì không << bẩn >>! Tình yêu thật ra là một biểu hiện của văn hoá. Ở nơi thiếu văn hoá, ở những con người thiếu văn hoá, hoàn toàn không có thứ tình yêu thanh cao tao nhã, không có nghi lễ phiền phức tao nhã thanh cao, chỉ có thứ tình dục nguyên thủy nhất và cũng là cơ bản nhất.
Vào đến nhà là tắt đèn ngay.
Ôm lấy cục cưng thân thiết này.
A - ới – a, là – i - ới – i!
Ngọn đèn hạt đậu đã tắt, trong căn nhà cô gái thắt cổ tối đen như mực, mọi người đã ngủ cả. Kẻ thì ngáy, người thì nghiến răng, có anh lại rên rỉ: anh tù để chết bò kia lại nghêu ngao hát mấy câu, cuối cùng chép miệng mấy cái,rồi cũng chìm vào giấc ngủ say sưa.Trong căn nhà đất này, mọi người đều mơ thấy đàn bà, như ánh lửa tĩnh điện, lập loè sáng bừng lên trong mơ tưởng của cánh đàn ông này.
Ôi ma chướng! Quả là ma chướng!
Tôi không thể bảo đây là dâm đãng thấp hèn. Con người tôi, cơ thể cường tráng mới ngoài ba mươi tuổi của tôi cũng xốn xang rạo rực thứ ma chướng ấy. Kinh Phật << Đại trí độ luận >> có viết:
- Hỏi: Vì sao gọi là ma quỷ?
- Đáp: Nó cướp đi trí tuệ tính mệnh, nó phá hoại cái gốc của đạo pháp, công đức, thiện lương.
Nghĩa là, đàn bà có thể hủy hoại sạch sành sanh hết mọi thứ trí tuệ, đạo đức, giáo dưỡng, lương thiện Trời đã phú cho người ta. Nhưng thôi cút mẹ mày đi cho rồi! Đã từ lâu coi tao là << kẻ thù giai cấp >> lao cải một lần, rồi lại lao cải hai lần, << chống phái hữu >> đã qua hàng chục năm rồi mà còn đem thơ của tao ra << bêu giễu cảnh cáo >>, túm chặt lấy tao không chịu buông tha; nhà Phật lại còn rêu rao << lục đạo luân hồi, sống chết nối nhau >>, tao đây thử hỏi còn đầu thai kiếp nào nữa đâu? Những thứ trí tuệ, đạo đức, giáo dưỡng ấy còn có ích gì?
Tù nhân lao cải chúng tôi khi ngủ đều trần như nhộng, một là để tiết kiệm quần áo ( ngoài bộ đồ đen thui ra, quần áo lót tù nhân phải bỏ tiền ra mua, hoặc nhờ người nhà gửi cho ) hai là để khỏi sinh rận. Nằm trong chăn, lấy bàn tay thô ráp vuốt ve bộ ngực chắc nịch khoẻ mạnh của mình tôi cảm thấy bứt rứt không yên, dường như vuốt ve một con dã thú sẵn sàng gầm rống lên. Tình yêu từ lâu đã tắt lịm trong trái tim tôi; tình yêu của tôi, người yêu của tôi đã biến đi tận đẩu tận đâu mất tăm mất tích. Chính vì yêu nàng, tôi đã không để nàng chịu chung số phận hiểm nguy, tôi lìa bỏ nàng là để trả lại tự do cho nàng; chính vì yêu nàng, tôi đã không nghĩ nhiều đến nàng. Nghĩ đến nàng lại hoá ra giả dối, chẳng khác gì trút món nợ tình cảm lên thân nàng. Hơn nữa nếu tâm hồn được thương nhớ, được tình yêu xoa dịu, thì không thể có sức cứng rắn của đấng trượng phu để chống chọi với hiện thực phũ phàng. Tôi đã thấy quá nhiều: bao người đã gục đổ trước hiện thực phũ phàng, phần lớn là người đa sầu đa cảm, quyến luyến gia đình, vợ bìu con díu.
Tình yêu thanh khiết như đoá hoa bách hợp trằng ngần, mối tình đầu e ấp run rẩy, khuôn mặt nhỏ nhắn ửng hồng lung linh ráng chiều, làn hương u uẩn lả lướt, bồng bềnh huyền ảo, mơ mộng lãng mạn kiểu Pháp, tình yêu lý tưởng kiểu Pla-Tông..v..v.. tất cả đều bị xoá bỏ sạch trơn bởi áo đen, bởi xếp hàng, bởi báo cáo và điểm danh, bởi khổ chiến và nhảy vọt…Chỉ còn trơ lại đòi hỏi sinh lý và thú tính. Đáng sợ là chung quanh không thiếu những cô gái đáng yêu, nhưng quả thật trong trái tim mình đã chẳng còn mảy may rung động của tình yêu. Thế là tình yêu khác giới chỉ dồn vào xác thịt; tình yêu quay về với bản năng. Tình cảm và da thịt đều trở nên thô ráp sần sùi. Mắt chẳng còn ánh lên vẻ dịu hiền, mà hoá thành u tối như mắt loài cú vọ. Tôi sờ thấy được trong lồng ngực tôi, trong khoang bụng tôi có một con vật hung hăng dữ dằn đang cấu xé tôi. Tôi nghe thấy hơi thở gừ gừ thâm hiểm của nó, cảm thấy một mạch ngầm sục sôi như lửa đốt, lồng lộn điên cuồng rần rật khắp cơ thể tôi. Đấy không phải là tôi, hoặc giả là một cái tôi khác nhưng rất có thể nó sẽ lao vút ra cào xé tôi thành trăm mảnh, rồi liếm láp cặp môi đẫm máu của nó, vồ chụp ngay kẻ khác giới đầu tiên mà nó bắt gặp.
Tôi ngủ thiếp đi. Tôi mơ thấy đàn bà. Nhưng ngay trong tiềm thức tôi, đàn bà cũng mơ hồ mờ ảo, chẳng cụ thể gì. Năm nay tôi đã 31 tuổi, từ tuổi dậy thì cho tới nay, tôi chưa bao giờ cọ xát thực sự với da thịt đàn bà. Tôi thèm được như những người nông dân đang ngủ cùng tôi trong căn nhà đất này, vùng này có tập quán tảo hôn. Trong giấc mơ họ còn nhớ lại cả quá trình chung đụng với người khác giới. Trong những giấc mơ nơi tù ngục này, họ dũ bỏ được gông xiềng, tới được cõi cực lạc. Còn với tôi cả đàn bà trong mơ vẫn vô cùng trừu tượng: một thứ mềm mềm không rõ hình hài ngọ nguậy như giun, một mảng màu sặc sỡ của Pi-Cát-Xô thời cuối đời, một đám mây trắng hoặc khói nhạt lững lờ bất định. Nhưng tôi ráng sức tự nhủ mình: đấy chính là đàn bà!
Có lúc đàn bà lại tan hoà vào những thứ đã khiến tôi vui thích say mê: đàn bà là điếu thuốc thơm yểu điệu, với đường cong tuyệt mỹ, là chiếc bánh màn thầu trắng xốp, chua dôn dốt vừa ngon, là cuốn sách mở kêu sột soạt, giấy trắng tựa màu da, là chiếc cuốc dùng rất vừa tay có cái cán gỗ cầm vào như nắm lấy cổ tay ai… Tôi đã cùng tất cả ngần ấy thứ rơi xuống vực thẳm, hưởng thụ niềm khoái cảm sinh lý trong cõi tối tăm vô bờ bến.