Hôm sau, giữ đúng lời hứa, Hậu gánh hai thúng đỗ đen lên thị xã. Từ khi con trai đầu lòng mất đi, ông Lương trở nên lầm lì ít nói. Còn bà Lương thì tỏ ra dễ dãi với ba đứa nhỏ còn lại, ít xét nét vặn hỏi. Hậu đòi lên chợ tỉnh bán đổ và mua vãi may áo mới, bà cho phép ngay, chỉ dặn là đi đứng phải cẩn thận. Hậu ghé chợ bán hai thúng đỗ trước rồi mua vài thứ lặt vặt làm quà cho hai em trước khi tạt vào hiệu thuốc lào Vĩnh Bảo. Người đàn ông tên Quãng trạc tuổi bốn mươi, đang đứng sau cái tủ kính chất đầy từng bánh thuốc lào đủ loại. Đối diện ông là một người khách đang đứng nhịp tay trên mặt tủ ra chiều phân vân không biết lựa thứ nào. Hậu bước vào, đặt quang gánh sát vách, Quãng gật đầu chào và bằng ánh mắt, cho Hậu biết là ông đã nhận ra đồng chí. Rồi Quãng bảo người khách: - Ông xơi thử thứ này đi! Ngon thì ông lấy! Tôi bảo đảm với ông:Sáng sớm thức dậy chưa ăn uống gì, ông chỉ cần rít một hơi thôi là quay cu đơ ra ngay lập tức! Say, nhưng mà say nhẹ, sướng lắm! Người khách dễ tính đáp: - Vâng! Nếu thế thì tôi xim ông hai bánh! Trong lúc gói hai bánh thuốc lào vào mảnh lá chuối khô, Quãng ngẩng đầu nhìn Hậu và nói: - Cảm phiền bà chờ tôi một tí ạ! Hậu đáp: - Vậng! Xin ông cứ tự nhiên. Tôi đang xem mấy cái điếu bát. Chốc nữa nhờ ông chọn hộ cái nào đẹp nhất, tôi mang về làm quà biếu ông cụ tôi! Khách đi rồi, Hậu tiến lại quầy. Quãng đẩy khay trà nước lại trước mặt Hậu và bảo: - Chị uống nước đi đã rồi tôi nói chuyện! Tuy mới gặp lần đầu, nhưng giọng Quãng thản nhiên và thân tình như đã làm việc với nhau từ lâu. Hậu bưng tách nước trà đậm, miệng nói “cám ơn” rồi uống một hớp gần cạn vì đang khát. Quãng nói tiếp: - Hôm qua anh Trần Khải có ghé đây, nói nhiều về chị và chị em chi bộ dưới ấy. Tỉnh bộ có lời khen ngợi chị công tác tốt! Hậu sung sướng đáp: - Cảm ơn anh! Chúng tôi lúc nào cũng cố gắng mặc dù còn ít kinh nghiệm! Quãng cười và tiếp ngay: - Nhưng Hải Ninh vẫn còn một điểm yếu là chi bộ chỉ gồm toàn phụ nữ, chưa có đàn ông! Chị cần phải phát huy mặt ấy! Hậu cười theo và đáp: - Anh hiểu cho! Đàn bà con gái chúng tôi gặp nhau thì dễ chứ làm thế nào mà quan hệ với đàn ông được! Gặp đã khó, huống chi phải gặp lâu mới lôi kéo được! Nhưng tỉnh bộ đã có lời nhắc nhở thì chúng tôi sẽ cố gắng! Quãng tiếp tục phân tích tình hình rồi giao nhiệm vụ cho Hậu. Ông nói: - Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày lễ Quốc Tế Lao Động, tức là mùng một tháng năm. Quà tặng của tỉnh bộ giao cho Hải Ninh là một bó truyền đơn. Chị mang về dưới ấy, chia nhau đi rải, càng nhiều địa điểm càng tốt. Từ làng lên huyện, từ những chỗ đông người như bến xe, bến đò, cổng chợ, sân đình, sân chùa, cổng làng, trường học, gốc đa, lò gạch, các gian hàng trong chợ … làm thế nào để sáng ngày mùng một, chỗ nào người ta cũng thấy truyền đơn của mình! Đây là công tác đầu tiên mà tỉnh bộ giao cho chị, chị có hoàn thành được không? Hậu long trọng đáp: - Tôi xin nhận và quyết tâm hoàn thành! Quãng nhìn ra cửa rồi quay lưng ngồi thụp xuống, moi dưới gầm giường một bó giấy lớn gói trong bap tải, đưa cho Hậu. Hậu hồi hộp đón lấy, bỏ ngay xuống đáy thúng, quẳng mấy thứ lặt vặt rồi úp cái nón lên trên cùng. Quãng đứng quan sát, thấy chưa hài lòng vì còn sơ hở quá. Ông quay vào lấy cho Hậu một bó rau bí mà lúc nãy ông mua để ăn tối. Ông bảo Hậu đè lên bó truyền đơn rồi nói: - Chốc nữa đi ngang chợ, chị nên mua thêm cái gì chất lên cho nó kín! Vài củ khoai lang chẳng hạn! Hậu đáp gọn: - Vâng! Tôi cũng định thế! Rồi cô tất tả chào Quãng và bước ra. Từ khi có bó truyền đơn quốc cấm nằm trong đáy thúng, Hậu thấy mất hết bình tĩnh, cứ cắm đầu rảo bước thật nhanh. Gặp bất cứ ai vô tình nhìn mình, Hậu cũng có cảm tưởng họ là mật thám đang rình rập và sẳn sàng chộp bắt Hậu. Ra khỏi khu phố chợ, băng ngang một cánh đồng nhỏ bé để lên dốc đê, Hậu đi như chạy, đôi chân mỏi nhừ mà không dám nghỉ. Nhìn xa xa thấy có bóng người là Hậu tránh lối khác, dù có phải đi vòng, mua thêm cả một đoạn đường dài. Thậm chí khi về đến cánh đồng làng, gặp người quen trên con đường mòn độc đạo, người ta níu lại thăm hỏi và mời uống nước, Hậu cũng lập cập kiếm cách bỏ đi: - Cháu xin phép bà. Cháu vội lắm! Mẹ cháu đang chờ ở nhà! Vừa rẽ vào cổng làng thì lại gặp ngay một người quen. Cái Thanh, con gái ông Lý cựu, đi mua đậu phụ nóng về cho bố uống rượu. Vừa thấy Hậu gánh đôi quang gánh vào cổng làng Thanh vui mừng reo lên: - Đằng ấy đi chợ tỉnh về đấy ư? Có quà gì cho tớ không? Vừa nói, Thanh vừa xăm xăm tiến lại. Con bé sắp lấy chồng rồi mà cứ như trẻ con. Nó có thói quen hay lục thúng của bạn bè, khoắng rất kỹ để tìm kẹo. Hậu sợ quá, vội rảo bước nhanh hơn và nói: - Tao vội lắm, hôm nay chả mua gì cả! Tao phải về ngay, bố tao đang đợi! Dứt lời, Hậu đi như chạy, bỏ Thanh đứng ngơ ngác trông theo. Mãi đến khi vào hẳn trong sân nhà mình, trời nhá nhem tối, Hậu mới thở phào đặt quang gánh ở chân đống rơm và ngồi bệt xuống nghỉ. Hậu cầm nón quạt lia lịa. Mồ hôi vã ra ướt đẫm lưng áo và hai bên thái dương. Cả mười lăm phút sau Hậu mới đứng dậy, gánh thẳng xuống bếp. Duyên đang lùa đàn gà vô chuồng, thấy Hậu, mừng rỡ chạy lao ra. Nhưng Hậu nói nhỏ: - Tỉnh bộ giao công tác rải truyền đơn. Ngày mai tìm cách mời họp cả chi bộ, mọi người cùng làm! Duyên gật đầu không nói gì, chỉ sánh vai chị cùng vào bếp. Hậu moi dưới đáy thúng bó truyền đơn đưa cho em. Duyên cầm mang vào buồng ngủ, nhét sâu dưới gầm giường rồi trở ra tiếp tục đuổi gà vô chuồng. Bà Lương đang têm trầu trên nhà, bước ra sân hỏi lớn: - Cái Hậu về đấy uu? Sao về muộn hở con? Hậu lấy quần áo xuống ao tắm, đứng lại giữa sân đáp: - Con về lâu rồi đấy chứ mẹ. Nhưng mà gặp mấy con bạn đi làm cỏ về, chúng nó rủ ngồi chơi ở cổng làng! Bà Lương hiền hòa nói: - Ừ, đi tắm đi rồi ăn cơm kẻo tối quá!Cả nhà vừa ăn xong! Hậu hỏi cho có chuyện: - Bố con đâu hở mẹ? - Bố mày sang chơi bên bác Tú. Đi từ trưa, chắc lại phải đánh cờ tướng, giờ này chưa thấy về! Buổi tối hôm ấy hai chị em nằm bên nhau cùng bàn kế hoạch để ngày mai phổ biến cho toàn thể chi bộ biết. Chi bộ Hải Ninh phát triển nhanh, giờ này đã có thêm 4 đồng chí, tổng cộng là 6 người gồm toàn phụ nữ. Duyên ngẫm nghĩ rất lâu rồi đề nghị: - Chị định chia ra cho cả 6 người cùng làm hay sao? Công tác bí mật càng đông người càng dễ lộ. Nói dại, một người bị bắt, mật thám nó tra tấn, chịu đựng không nổi, khai ra là vỡ cả chi bộ! Đi tù hết! Chi bằng chỉ có hai chị em mình kín đáo làm. Em thấy như thế chắc chắn hơn! Hậu cũng đã nghĩ đến điều này. Suốt quãng đường dài từ thị xã về làng, cô đã tính toán lật đi lật lại đủ mọi góc cạnh, nhưng cuối cùng thì cô quyết định để mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm. Cô phân tích: - Đây là công tác đầu tiên tỉnh bộ giao cho Hải Ninh, chị muốn mọi người cùng có cơ hội đóng góp thì khi hoàn thành nhiệm vụ, mọi người sẻ cùng thấy phấn khởi vì mình có góp công trong đó. Hơn thế nữa, số truyền đơn khá nhịều, nếu để hai chị em mình thì không rải được nhiều nơi. Là vì thế này, chị nghĩ kỹ rồi: Mình chỉ có thể rải truyền đơn lúc trời nhá nhem tối, mọi người ngoài đồng đã về hết nhưng cổng làng chưa đóng, trương tuần cũng chưa đi kiểm tra vì giờ ấy chúng nó bận ăn cơm. Chị để ý thấy, thường thì lúc trời đã tối hẳn, có khi gần khuya, trương tuần mới vác súng đi một vòng quanh làng. Như thế có nghĩa là mình chỉ có khoảng hai tiếng đồng hồ để hoàn tất công tác. Hai tiếng đồng hồ thì phải cần nhiều người ở nhiều nơi. Sáng mai chị sẽ phân chia địa điểm rồi bố trí người. Chẳng hạn em rải ở chợ, ở sân đình. Hai chỗ ấy gần nhau. Chị rải ở bến đò, lò gạch, ở gốc đa. Còn những chỗ khác thì chia đều cho bốn người kia! Chị em quá gần gũi, nhiều khi chẳng để ý đến khả năng của nhau. Mãi đến hôm nay, qua phương án tỉ mỉ này, Duyên mới thấy Hậu có kế hoạch thật chu đáo, xứng đáng là người lãnh đạo chi bộ. Duyên buột miệng khen: - Chị phân công cụ thể như thế thì em phải phục chị là giỏi! Nội nhật ngày mai, chị em mình sẽ báo cho mọi người trong chi bộ biết để họ chuẩn bị! Lớp học tuy đã gải tán, nhưng lâu lâu chị em Hậu vẫn xin bố mẹ cho phép đến nhà này nhà kia, để dạy thêm cho những cô bạn hiếu học mà không có thì giờ. Hai cô nói dối thế thôi chứ thật ra là đi công tác cho đoàn thể. Ông Lương tưởng hai con đi dạy học thật, chẳng những không ngăn cản mà còn ngấm ngầm khuyến khích vì ông tự hào có hai cô con gái thông minh nhất làng. Ông Tú Nhân đến đánh cờ mỗi tuần, cũng thường ngỏ lời khen ngợi, khiến ông Lương càng thêm tin tưởng ở hai con. Nhờ vậy, Hậu và Duyên có thể liên lạc với các đồng chí trong chi bộ một cách dễ dàng. Chiều ngày 30 tháng 4, chị em Hậu hồi hộp đứng ngồi không yên. Lần đầu tiên nhận công tác với tất cả quyết tâm, nhưng không khỏi lo lắng vì sợ chuyện bất trắc, chưa làm được gì đã đi tù! Để bớt căng thẳng, Hậu lấy gạo nếp ra xay. Cô ngồi bên cái cối đá ở đầu hè, váy kéo lên quá gối, bên trên chỉ có mỗi cái yếm nâu. Bà Lương đang bổ cau trên hiên, quay sang hỏi Hậu: - Xay bột làm gì thế hở con? Hậu đáp: - Con xay sẳn bỏ đấy. Chủ nhật này con định làm ít bánh trôi! Bà Lương hài lòng gật đầu: - Ừ, mẹ cũng đang thèm bánh trôi. Lâu lắm rồi chưa ăn! Duyên từ dưới bếp bưng thau nước, đặt bên cạnh cái cối đá rồi đưa mắt nhìn Hậu làm hiệu. Nhân thấy mẹ vui, Hậu nói: - Mẹ ơi! Tối nay chúng con sang nhà cái Nhâm! Bà Lương yên trí các con đi dạy thêm như thường lệ, nên không cấm, chỉ nhắc làm cho xong việc nhà mà thôi. Bà nói: - Đi đâu thì cũng liệu mà về sớm sớm. Đừng có khuya quá, bố mày lại cằn nhằn rát cả tai tao! Hậu mừng rỡ đáp: - Vâng! Chỉ độ hai tiếng đồng hồ thôi mẹ ạ! Nhâm là tên cô bạn khá thân của Hậu, cùng nằm trong chi bộ, ở cách nhà Hậu khoảng một cây số. Bố mẹ Nhâm suốt ngày tổ chức đánh chắn lấy tiền sâu, nên có hai cái lợi thế mà Hậu lợi dụng được. Một là người ra người vào tấp nập, ít ai chú ý. Hai là nhà Nhâm thuộc loại khá giả, bởi “nhất nuôi cá, nhì gá bạc” cứ việc ngồi không lấy tiền hồ của thiên hạ. Bố mẹ Nhâm lại bận tiếp khách suốt ngày, nên ít có thì giờ nhòm ngó tới các con. Nhâm muốn làm gì bố mẹ cũng không biết. Chính vì vậy, căn buồng nhỏ của Nhâm thường là chỗ họp của chi bộ xã Hải Ninh. Bà Lương bưng mẹt cau ra phơi ngoài sân nắng rồi vào thẳng trong buồng. Ông Lương đi bắt mạch cho bệnh nhân ở xóm Củi chưa về. Thằng Hoàn đang câu cá dưới ao. Lợi dụng nhà vắng vẻ, Hậu liền bảo Duyên đem sẳn hai cái thung, hai cái nón ba tầm, ra giấu ở sau đống rơm gần cổng ra vào. Truyền đơn sẽ đặt dưới đáy thúng, phủ cái bao tải lên trên và sau cùng là vài thứ lặt vặt như nải chuối, gói kẹo, hoặc bó rau, y như người ta đi chợ về. Số lượng truyền đơn hai chị em phụ trách không nhiều lắm, bởi mấy hôm trước đã chia cho các đồng chí trong chi bộ mỗi người một mớ rồi. Hậu ngồi xay bột, Duyên chuyển dần những thứ cần thiết ra cổng. Xong rồi Duyên vào bếp chuẩn bị bửa tối sớm hơn thường lệ. Bửa cơm của làng Hải Ninh này thì cũng chả có gì để mất thì giờ nấu nướng. Đa số mọi người đều lấy ngô làm thực phẩm chính, bởi đất của Hải Ninh thuộc loại đất xấu, nhiều vùng không trồng lúa được, hoặc có trồng thì sản lượng thu hoạch cũng không đủ ăn. Người ta phải đem thóc để đổi lấy ngô để dùng quanh năm. Ngô để trên cây cho thật già mới bẻ về, tách hạt đổ ra nong phơi vài nắng cho thật khô rồi đem ninh trong nồi cho hạt nở bung ra. Ăn như thế thì khô khan lắm, cần phải có nước canh mới nuốt nổi. Nhà nghèo thì quanh năm chỉ ăn toàn ngô, ngoại trừ ba ngày tết. Nhà trung lưu như ông bà Lương thì ngô vẫn là chính, nhưng thổi thêm niêu cơm nhỏ, mỗi người được một bát. Chỉ có những gia đình giàu có như địa chủ hoặc chức sắc trong làng mới có gạo ăn thường xuyên. Thời gian trôi qua rất chậm. Hai chị em cứ lóng ngóng đi ra đi vào nhìn nhau. Mặt trời vừa xuống sau rặng tre, Duyên gọi thằng Hoàn vào bếp, cho nó cái kẹo bột và dặn: - Tao với chị Hậu phải sang bên nhà chị Nhâm dạy học. Xong nước nấu xong cả rồi. Hễ bố về thì mày dọn ra hè, mời bố mẹ xơi trước đi. Khỏi phải để phần. Chốc nữa chị Hậu với tao về có cái gì ăn cái nấy! Thằng Hoàn vui vẻ gật đầu. Nó vừa ăn xong hai con cá nướng câu được ở dưới ao, bụi than còn dính đầy hai bên mép. Nó bốc kẹo, bỏ vào mồm nhai ngồm ngoàm đáp: - Chị cứ để đấy cho em! Thế là Hậu và Duyên lủi nhanh ra cổng. Nón đội đầu, thúng kẹp nách y như người đi chợ về muộn, hai chị em chia tay đi ngược chiều nhau trên con đường làng. Hậu ra cánh đồng để lên đê, phụ trách bến đò. Duyên đi về hướng đình làng để rẽ ra chợ. Đoạn đường của Hậu xa gấp đôi lộ trình của em. Cô đi như chạy, mặt tái nhợt, mắt lấm lét, tim đập thình thịch. Chưa tới cổng làng, Hậu đã nhìn thấy thấp thoáng vài người vác cuốc từ ngoài đồng về trễ, cô vội rẽ vào một lối nhỏ, đi quanh co để tránh mặt. Họ đều là người quen cả, nhưng Hậu không thể gặp trong lúc này. Chờ họ vào khuất hẳn trong làng, Hậu mới quay ra và rảo bước trên con đường đất dẫn đến chân đê hun hút. Thấy trên đê còn nhiều bóng người qua lại, Hậu đổi ý rẽ sang phía lò gạch. Cô đứng nhìn quanh, ho lên mấy tiếng rồi muốn chắc ăn hơn, gọi lớn: - Có ai trong này không? Dĩ nhiên mọi người đã về hết. Hậu mới moi lên dưới đáy thúng một nắm truyền đơn, ném tung tóe từ trong ra ngoài, nhất là ở dãy nhà chòi mà chủ lò dựng tạm cho thợ ngồi ăn trưa. Rồi từ lò gạch, Hậu đi xuyên qua cánh đồng đến gốc cây đa cổ thụ cảu Hải Inh, tàn lá quanh năm tỏa mát cả một chu vi rộng lớn. Nơi đây là chỗ nghĩ mệt của nông dân, của nông dân và của khách bộ hành từ tỉnh về làng. Cái quán lá bán nước chè và dăm ba thứ bánh kẹo, thấp lè tè bên gốc đa. Hậu quăng một nắm truyền đơn ở đó rồi đi nhanh lên đê, ra bến đò lúc trời đã mờ tối. Vừa đi, Hậu vừa nghĩ đến em gái và các đồng chí trong bộ. Chỉ cần một người bị bắt, toàn chi bộ có thể bị tù hết! Nhưng mọi việc đều trót lọt cả. Sáng sớm hôm sau, người đi làm, kẻ đi chợ, đâu đâu cũng kháo nhau là truyền đơn chống Pháp tràn ngập từ Làng đến Huyện. Lý trưởng cầm tờ truyền đơn âm ẩm hơi sương, vừa tức giận vừa lo sợ, quyết trí truy tìm thủ phạm nhưng tất nhiên là chẳn tìm ra ai. Ông tập hợp trương tuần lại, quật cho mỗi đúa một batoong vào lưng và mắng: - Đồ ăn hại! Cả đêm chúng mày không đi tuần phải không? Cờ bạc rựơu chè rồi ngủ lăn ra như chết, có ngày tụi nó cắt cổ không biết! Ông tức giận vì đám giặc này dám vuốt râu hùm, đem truyền đơn vào địa phận của ông mà phổ biến, nghĩa là chúng không coi ông ra gì! Ông lo sợ vì nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì ông có thể bay chức lý trưởng, bao nhiuê tiền đúc lót trước đây sẽ đổ xuống sông hết. Trong huyện này đã có 2 ông lý trưởng thoái quan vi dân về đuổi gà cho vợ vì hội kín tung hoành mà không ngăn chặn nỗi! Về phần Hậu, sau chuyến công tác thành công, cô cho hợp chi bộ để biểu dương và rút tỉa kinh nghiệm. Ai cũng phấn khởi vì dân làng xôn xao cả tuần sau vẫn chưa dứt. Một ông khách quen đến đánh chắn ở nhà Nhâm, giấu tờ truyền đơn trong túi, đem ra khoe với mọi người và sung sướng kể: - Lão lý Bân xem ra vẫn còn uất ức lắm! Hôm qua, tôi có việc phải đến gặp lão để xin lão đóng cho cái trện vào tờ văn tự bán đất của ông cụ tôi. Lão cứ hậm hực về vụ rải truyền đơn trong làng mình. Lão bảo: “ Tôi mà tóm được đứa nào thì đứa đó bỏ mẹ với tôi! Ngày nào tôi còn ngồi ghế lý trưởng Hải Ninh thì đừng có ngo ngoe mà làm giặc!”. Hỏi các ông bà lão thế có ngửi được không? Tôi phải nhịn cười vì lão hỏi thế cũng như không! Truyền đơn hội kín nó ném cả nắm ngay trước cửa nhà lão, lão có làm gì được đâu! Nghe đồn sáng hôm ấy, lão ra mở cửa, chính tay lão vội vàng nhặt một đống truyền đơn đem vào nhà đốt! Bây giờ lão cứ nổ mồm…. Nhâm đứng sau mành, nghe ông khách nói mà hớn hở trong lòng bởi cô có tham gia rải truyền đơn hôm ấy. Cô vội vàng chạy sang kể lại với Hậu va Duyên, rồi cả 3 cười khúc khích trong bếp. Chẳng phải riêng Nhâm có tin vui, chính Hậu và Duyên cũng chia nhau đến chỗ đông người như chợ phiên, đình làng, để dò nghe phản ứng của quần chúng hầu báo cáo lên tỉnh bộ. Đâu đâu, Hậu cũng thấy thiên hạ thì thầm to nhỏ, nói chung là dư luận rất xôn xao vì lầ đầu tiên Hải Inh có truyền đơn như vậy! Ông Cảo, trước đi lính bên Tây, bây giờ giải ngũ, quây về với nghề thợ nhuộm, nói oang oang ở chợ: - Tôi cứ ngỡ là truyền đơn của Parti National Annamite, hóa ra là của Parti Communiste Indochinois! Ý ông muốn nói đến Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đông Dương Cộng Sản Đảng. Nhưng ông dùng tiếng Tây để nhắc mọi người nhớ ông đã từng có một thời sống bên Pháp! Hôm sau, hai chị em Hậu ở ngoài đồng về lúc xế trưa, trời nắng gắt như đổ lửa. Theo thói quen moi việc ra mà làm, không cần cha mẹ phải thúc giục, Hậu bảo em trút hết các loại đậu đựng trong mấy cái vại sành, trải mỏng ra nong, đem phơi dưới sân. Đỗ xanh, đỗ đen, lạc, vừng, thứ nào cũng dự trữ sẳn trong bếp, lâu lâu nấu chè hoặc thổi xôi ăn thêm. Xong công việc ấy, hai chị em vào nhà, đem hết mùng màn xuống ao giặt. Cầu ao là khúc ván dài, một đầu gát trên bờ, đầu kia kê trên hai cây cọc tre có then ngang. Giờ này, mặt trời đang chênh chếch sau rặng tre già, tỏa bóng mát che kín chỗ hai chị em ngồi trên cầu ao. Hậu tháo nón, quăng tạm lên bờ, trên bụi cỏ lóng lánh nước. Hai chị em vừa làm việc vừa nói chuyện nho nhỏ, bàn kế hoạch phát triển chi bộ. Bổng có tiếng nói bên kia bờ ao: - Này! Hai cô! Mãi làm chả để ý gì cả. Nón của cô nào trôi ra giữa ao rồi kia kìa! Hậu và Duyên cùng giật mình ngẩng lên. Quả nhiên cái nón lá của Hậu bỏ trên bờ, bị gió thổi bay xuống nước, đã trôi khá xa, khỏi tầm tay Hậu. Còn người lên tiếng nhắc chị em Hậu là anh chàng Kết, hơn Hậu vài tuổi, hàng xóm bên kia bờ ao. Hậu đứng dậy, ngơ ngác nhìn cái nón mỗi lúc một trôi xa hơn. Cô ngó quanh, tìm một nhánh cây. Nhưng bên cô chỉ có những cành tre khô ngắn ngủi, không đủ chiều dài để vớt cái nón. Duyên nói nhỏ: - Bỏ đi chị ạ! Vớt làm gì! Cái nón bung hết cả cạp rồi. Báu gì nữa mà tiếc! Phiên chợ sau, mua thêm mấy cái nữa để dành! Duyên vừa dứt lời, thì bên kia bờ ao, Kết đã cởi áo rồi nhảy ùm xuống nước, nhoài người bơi thật nhanh, vớt cái nón mang lại trả cho Hậu. Duyên đở lấy, nói cám ơn rồi máng cái nón vào cây cọc chống cầu ao. Kết gật đầu chào rồi lội nhanh về phía nhà mình. Anh vừa leo lên bờ thì Hậu hỏi vọng sang bằng giọng khá thân tình: - Tát ao được chưa, anh Kết? Kết vừa mặc áo vừa nói: - Được chứ cô! Tháng này tát là vừa! Cô hỏi ý hai bác bên ấy, nếu hai bác bằng lòng thì anh em chúng tôi đắp bờ làm ngay! Hậu gật đầu cười nhẹ: - Vâng. Để tôi thưa lại với bố mẹ tôi. Có gì sẽ sang nhờ anh! Duyên nhìn chị ngạc nhiên. Bình thường, chị em Hậu ít khi nói chuyện với anh em Kết. Người ta hỏi thì đành phải trả lời, chứ tự ý gợi chuyện như Hậu hôm nay thì chưa bao giờ xẩy ra. Gia đình ông bà Quán bên kia bờ ao là một bóng mờ trong làng, vừa nghèo vừa đông con, chạy ăn quanh quẩn bữa no bữa đói. Kết là con đầu lòng, phía dưới còn sáu đứa em, bốn trai hai gái. Cái ao chung là lợi tức nuôi cá của hai nhà, nhưng anh em Kết thường len lén ra thả hàng loạt cần câu dọc bờ ao và nhất là ban đêm đặt lờ, sáng sớm nhấc lên, ít nhiều cũng kiếm được bữa ăn cho cả nhà. Bà Lương bực mình lắm vì hai nhà đã hẹn với nhau là mỗi năm chỉ tát một lần, chia đôi số cá tôm thu hoạch. Bà ngứa mắt lắm vì lũ con ông bà Quán cứ rút rỉa một mình, cá chưa kịp lớn đã bị anh em Kết bắt mất rồi! Hậu và Duyên thì dễ dãi hơn vì biết gia đình láng giềng quanh năm thiếu thốn, những đứa em của Kết, tuổi còn nhỏ mà phải lao đầu đi kiếm ăn rất vất vả. Tuy thế, dường như có một hàng rào ngăn cách, Hậu và Duyên chưa bao giờ cảm thấy thân thiện với anh em Kết, mặc dù gần gũi nhau, hàng ngày ngồi ở cầu ao trông thấy nhau và hàng năm cùng lội xuống ao, ít nhất một lần, cùng nhau bắt cá. Phía bên nhà Kết cũng đầy mặc cảm, vừa nghèo vừa thất học, nên chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện làm thân với chị em Hậu. Hôm nay tự dưng Hậu gợi chuyện, tỏ ra gần gũi với Kết khiến Duyên quay sang nhìn chị kinh ngạc. Chờ Kết vào nhà rồi, Hậu mới giải thích với em: - Chị vẫn nhớ lời anh Quãng trên tỉnh bộ. Anh Quãng nói đúng, có những công tác mà đàn bà con gái chúng mình không làm nổi! Cần phải có đàn ông. Chị sực nghĩ ra chỉ có anh em nhà anh Kết là mình móc nối tiện hơn cả. Vì hàng xóm láng giềng, có thể gặp nhau, nói chuyện với nhau mà thiên hạ không để ý. Gia đình anh Kết lại thuộc thành phần nghèo, lao động đầu tắt mặt tối, đúng là đối tượng mà mình phải ưu tiên chiếu cố đến! Duyên hiểu ra, gật đầu nhìn chị cảm phục. Cô chép miệng than: - Giá cái dạo mình còn lớp dạy nghề, em nghĩ ra thì em đã rủ anh ấy sang học chữ quốc ngữ. Tiện hơn bây giờ nhiều! Hậu gật đầu: - Có, dạo ấy chị có rủ. Nói đúng ra thì chị không nói chuyện với anh Kết, nhưng có gặp hai đứa em của anh ấy. Cả mấy anh em đều xấu hổ, không chịu học vì lớp toàn con gái! Ngừng một chút, Hậu tự tin bảo: - Bây giờ thì mình tuyên truyền cũng chưa muộn! Thế nào cũng lôi kéo được anh em nhà ấy! Rồi Hậu bàn kế hoạch từng bước tạo tình thân với Kết mà khởi đầu là rủ anh em Kết đắp bờ tát cá. Hậu nhấn mạnh với Duyên: - Anh Trần Khải dặn đi dặn lại mãi là: Khi tuyên truyền để kết nạp một người nào đó, phải nắm chắc tư tưởng của người ta trứơc khi mình ngỏ ý mời người ta gia nhập đoàn thể. Bởi nguy hiểm nhất là, chẳng những người ta không bằng lòng, mà chạy đi tố cáo mình, vì người ta sợ liên lụy! Anh Trần Khải bảo: Công tác tuyên truyền đôi khi đòi hỏi phải hết sức kiên trì! Duyên im lặng gật đầu. Một lúc sau, cô lẩm bẩm nói: - Làm cách mạng như chị em mình, một năm mới đi rãi truyền đơn một lần vào dịp lễ quốc tế lao động thì nhàn quá! Chẳng những thế, năm sau tất nhiên nó sẽ đề phòng, cho người canh gát khắp nơi thì khó lòng mà mình rãi được truyền đơn như năm nay! Hậu lắc đầu: - Em đừng nói thế! Đừng lo không có công tác! Chưa biết bất chợt tỉnh bộ sẽ giao công tác gì. Cần nhất là lúc nào mình cũng phải sẳn sàng. Chỉ sợ lúc tỉnh bộ cần đến thì chi bộ mình lại không hòan thành nổi! Năm 1929, tình hình đất nước có nhiều biến chuyển mạnh mẽ. Lùi lại từ năm 1925, vụ xử án cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu Phan Chu Trinh, đã là những biến cố lớn làm bùng lên ngọn lửa ái quốc vốn đã âm ỉ trong lòng cả một thế hệ trẻ. Hàng loạt học sinh, sinh viên bị bắt hoặc bị đuổi học. Nhưng không vì thế mà họ nao núng. Thơ văn yêu nước tràn ngập khắp nơi, điển hình là bài Chiêu Hồn Nước của Phạm Tất Đắc viết bằng mực tím in trên bản thạch thô sơ, được bí mật truyền tay nhau như một ánh đuốc nung nấu tâm can lớp thanh niên nhiệt huyết: “Hăm lăm triệu trẻ già, trai gái Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng Cũng nhà cửa, cũng giang san Thế mà nước mất, nhà tan, hỡi trời!” Bài thơ song thất lục bát dài đến 106 câu mà nhiều người chỉ đọc lướt qua đã thuộc lòng, rồi rưng rưng ngấn lệ nắm chặc bàn tay thề hiến thân cho tổ quốc. Trong không khí ngột ngạt ấy, mật thám Pháp gia tăng hoạt động tối đa, đưa thêm chuyên viên kinh nghiệm từ mẫu quốc, đồng thời tuyển mộ gấp một đội ngũ tay sai bản xứ rất đắc lực. Từ 1925 đến 1929, nhà tù chật ních thanh niên thuộc đủ mọi thành phần, đảng phái cũng như độc lập. Giữa bối cảnh đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng chính thức ra đời ngày lễ Noel năm 1927, càng thúc đẩy chính quyền bảo hộ huy động màng lưới mật thám dày đặc hơn, để đề phòng những cuộc bạo động khó tránh khỏi. Trong khi đó thì Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội gặp phải đại nạn tại Quãng Châu, phải bỏ cái nôi sinh thành và hoạt động của mình để chạy sang Hồng Kông. Nguyên do là vì trong cuộc chiến chống ngoại xâm trên đất Trung Hoa lúc ấy, chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bằng lòng liên kết với phe cộng sản để đánh Nhật. Liên kết trong thế mạnh bởi ngày ấy cộng sản còn rất yếu so với Quốc Dân Đảng. Nhờ sự liên kết ấy mà Nguyễn Ái Quốc mới được dung dưỡng để thành lập VNTNCMĐCH tại Quãng Châu, đón đảng viên đi đi về về thoải mái, mặc dù chính phủ Tưởng Giới Thạch biết rõ nhóm Nguyễn Ái Quốc là cộng sản. Giữa lúc cuộc chiến đang tiếp diễn thì phía Tưởng Giới Thạch lại đổi ý, ông cho rằng cộng sản cũng nguy hiểm không thua gì giặc ngoại xâm nước ngoài, cho nên ông không muốn lực lượng cộng sản càng ngày càng lớn mạnh, sẽ tạo hậu quả tai hại sau này. Ngày 3 tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho quân đội Quốc Dân Đảng chiếm đóng hết các trụ sở đảng Cộng Sản Trung Hoa, bắt nhốt các nhân vật cao cấp và đuổi hết các lãnh tụ cộng sản đang có mặt trong chính phủ liên hiệp quốc cộng. Nhân biến cố này, tổng bộ VNTNCMĐCH của Nguyễn Ái Quốc tại Quãng Châu cũng bị giải tán luôn. Nguyễn Ái Quốc bị trục xuất, một số đảng viên bị bắt, số khác trốn chạy sang Hồng Kông hoặc trở về nội địa Việt Nam, hay ẩn nấp bên Thái Lan. Năm 1928 VNTNCMĐCH cố gây thanh thế trong nước để lôi kéo quần chúng. Nhưng cảm tình đồng bào lúc ấy lại nghiêng quá nhiều về Việt Nam Quốc Dân Đảng, mặc dù đảng này chỉ vừa mới thành lập. Duy có một điểm chung mà cả hai cùng phải gánh chịu lúc ấy, là sự truy lùng gắt gao của màng lưới mật thám Pháp, khiến cho biết bao cơ quan bí mật cứ dần dần bật gốc, nhất là mấy tháng đầu năm 1929. Ở Hải Ninh, chị em Hậu và các đồng chí vẫn họp hành thường xuyên, cố gắng tìm phương thức phát triển đảng viên, nhưng chưa kết nạp thêm được người nào vì có dấu hiệu cho thấy lý trưởng bắt đầu để ý theo dõi. Hậu và Duyên cũng làm thân được với Kết bên kia bờ ao, xa gần truyền đạt tư tưởng yêu nước cho Kết nghe, nhưng Hậu còn dè dặt, chưa dám ngỏ ý. Giao liên trên tỉnh lâu lâu về gặp Hậu ngoài cánh đồng, thông báo cho Hậu biết những tin tức sôi nổi để động viên các đồng chí trong chi bộ. Vì những biến chuyển dồn dập ấy, Quảng cho người xuống Hải Ninh tìm Hậu. Hậu lại quang gánh ra đi thậ sớm, giả vờ lên chợ tỉnh bán hàng để ghé vào hiệu thuốc lào nhận chỉ thị. Quảng bảo: - Chị về họp chi bộ, bàn với chị em ở dưới ấy. Đoàn thể cần ngay một đồng chí thóat ly gia đình để làm công tác vận động phụ nữ. Hậu lo lắng hỏi lại: - Đi tận đâu cơ? Quảng vừa gói thuốc lào vừa đáp: - Lên Hà Nội, cũng có thể xuống Hải Phòng hoặc ra Hòn Gai. Nói chung là ở những nơi có nhiều công nhân là phụ nữ. Hiện chưa có địa điểm cụ thể. Chị cứ về họp chi bộ đi đã! Hậu cầm bánh thuốc lào đứng dậy giã từ. Quảng nói thêm: - Chị cố gắng động viên các đồng chí dưới ấy. Kết quả thế nào, cho tôi biết càng sớm càng tốt! Hậu lặng lẽ bước ra cửa, lấm lét nhìn hai bên rồi gánh hai cái thúng ra về. Từ thị xã về Hải Ninh, đi nhanh lắm cũng phải mất nữa buổi. Tối hôm ấy, Hậu tập họp chi bộ trong bếp và thông báo quyết định của tỉnh bộ cần một người ra đi. Mọi người đang phân vân nhìn nhau thì Hậu long trọng nói: - Chi bộ chúng ta chưa đóng góp cho đoàn thể được người nào. Đây là lần đầu tiên tỉnh bộ yêu cầu. Tôi xin tự nguyện thoát ly! Mọi người đều mở to mắt nhìn Hậu.Riêng Duyên thì bấu mạnh lấy cánh tay Hậu và suýt buột miệng kêu lên,. Họ sửng sốt không phải vì biết trước chặng đường ra đi của Hậu sẽ phải nếm trải đầy những chông gai, mà vì thời bấy giờ, việc một cô gái trốn khỏi nhà là cả một biến cố kinh hãi chẳng ai dám nghĩ đến. Một cô dè dặt góp ý: - Sao không rút thăm, trúng ai người ấy đi! Hậu nghiêm trang đáp: - Thoát ly là việc hệ trọng, cần người tự nguyện chứ không thể bắt thăm miễn cưởng. Trước mắt, ta bầu ngay một người thay tôi làm bí thư chi bộ. Tôi đi rồi, chị em ở lại cố gắng công tác tốt. Khi nào tỉnh bộ cho tôi về thì chị em chúng mình sẽ gặp lại nhau! Một cô phát biểu: - Không được! Chị Hậu là người thành lập chi bộ này, lãnh đạo chi bộ này. Nếu chị đi, chi bộ sẽ như rắn mất đầu. Chị nên ở lại thì chi bộ mới phát triển được! Một cánh tay trước mặt Hậu giơ lên, Hậu nói: - Chị Nghiên có ý kiến gì? Mọi cặp mắt trong phòng họp đều hướng về phía cánh tay và chờ đợi câu trả lời. Đó là một người đàn bà trẻ, lấy chồng đã ba năm, nhưng chưa có con. Con gái làng này lập gia đình sớm, nên chị năm nay chỉ mới hai mươi. Tên thật của chị là Nhu, nhưng cả làng ai cũng gọi bằng tên chồng. Cái anh chàng Nghiêng, chồng chị có tật uống rượu thường xuyên rồi sinh ra cái thú đánh vợ. Đánh vợ là một cách giải tỏa ấm ức, ức chỉ vì anh ta quá nghèo. Thời buổi sưu cao thuế nặng, ruộng đất lại ít, dù có làm việc cật lực quanh năm cũng chỉ tạm đủ ăn, huống chi anh chồng chị lại lười. Buồn vì nghèo nên phải uống rượu. Nhưng rượu càng uống thì lại càng nghèo. Giận cá chém thớt, hơi một tí là anh giáng cho vợ những trận đòn chí tử. Từ khi theo học lớp may vá của Hậu, được giải thích tại sao mình nghèo. Nhu hăng hái gia nhập đòan thể chung với Hậu để đánh Tây, để diệt nhà giàu và để đòi được quyền bình đẳng với đàn ông. Hôm nay cách mạng cần người thoát ly, chị muốn đi ngay để từ nay khỏi phải gặp mặt thằng chồng vũ phu nữa. Chị nói: - Tôi xin tự nguyện thoát ly đợt này. Xin chị Hậu nhường cho tôi đi trước! Nay mai chi bộ chúng ta lần lượt rồi sẽ ra đi cả. Nhưng tôi muốn xung phong đợt đầu! Hậu nhìn Nhu tội nghiệp vì hiểu rõ hoàn cảnh của người đồng chí. Nhưng Hậu lại dứt khoát đáp: - Chị Nhu nói đúng. Trước sau gì chúng ta cũng ra đi cả. Cách mạng đang cần rất nhiều người có tinh thần cao như chị Nhu. Nhưng tôi là bí thư chi bộ. Tôi tự nguyện đi đầu … Hậu đang nói dở thì Nhu đứng dậy cắt ngang: - Tôi không đồng ý. Tôi đề nghị chi bộ bình chọn. Bỏ phiếu kín. Chị Hậu với tôi, ai được nhiều phiếu hơn thì đi! Hậu nói cứng hơn: - Nhiệm vụ của cách mạng giao phó, không thể rút thăm, cũng không thể bình chọn. Chị Nhu có quyết tâm, chi bộ biểu dương chị. Nhưng chị đã có gia đình, chưa cần đi đợt này. Đề nghị chị chấp hành! Người ngồi bên cạnh kéo Nhu ngồi xúông vì thấy không thể lay chuyển được Hậu. Hậu nhìn khắp lượt, đổi giọng tha thiết hơn: - Chi bộ chúng ta mới thành lập nhưng phát triển khá nhanh. Tỉnh bộ đánh giá Hải Ninh rất cao. Nhưng tỉnh bộ cũng phê bình Hải Ninh còn một thiếu sót là chúng ta chỉ toàn phụ nữ chưa có đàn ông! Hậu vừ dứt lời thì lại thêm một cô khác đứng dậy. Đó là một thiếu nữ dong dõng cao, khuôn mặt xinh xắn, má lúm đồng tiền rất duyên dáng, nhưng đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Hậu hỏi: - Chị Đoan có ý kiến gì? Đoan run run đáp: - Xin chị Hậu với chị Nghiên nhường cho em. Em muốn thoát ly! Xin hai chị thương em, cho em đi đợt này! Cả phòng họp cùng hướng mắt nhìn Đoan tội nghiệp. Tội nghiệp nhưng không ngạc nhiên vì ai cũng biết Đoan. Làng này, người ta vẫn còn giữ được tục tảo hôn, tuy không đông lắm. Không đông lắm bởi vì thật ra Hải Ninh cũng ít gia đình giàu. Hai năm trước, Đoan 19 tuổi, bị cha mẹ gả cho thằng Tý 13 tuổi để về làm ruộng và nuôi đàn lợn cho bố mẹ Tý vốn là gia đình khá giả nhất nhì trong làng. Thanh niên ở Hải Ninh nhìn Đoan tiếc hùi hụi vì nhan sắc đang độ trăng tròn mà đêm đêm để cho thằng bé con nó dày vò. Buồn vì duyên phận, lại xấu hổ với bạn bè và nhất là ngượng ngùng mỗi khi gặp trai làng chọc ghẹo. Đoan muốn mượn chuyến công tác này để giải phóng cho chính mình, không cần biết tương lai sẽ ra sao. Tâm trạng cô cũng giống như Nhu, mỗi người một nỗi khổ. Nhu muốn dứt thằng chồng say rượu, thì Đoan cũng muốn bỏ đi thằng chồng con nít! Ở với chồng say rượu, có ngày không vỡ đầu cũng gãy xương, với thằng chồng con nít, thì tuy không bị đánh, nhưng vài ba năm nữa nó trưởng thành thì mình quá lứa. Chừng ấy Đoan sẽ nuốt hận mà nhìn nó đi cưới vợ lẽ! Hậu nhớ lại một hôm Đoan đang học thêu và đánh vần chữ quốc ngữ ở nhà Hậu thì thằng Tý, chồng Đoan, đứng thập thò ngoài cửa rồi vẫy tay gọi lớn: - Nhà ơi! Về u bảo! Cả lớp ai cũng nhìn Đoan rồi lại nhìn thằng Tý. Đoan nói cứng: - Chốc nữa về! - U bảo về ngay thái cám lợn! Đoan trừng mắt nạt lại: - Về trước đi! Đang giở tay! Lợn mới cho ăn lúc nãy! Về đi! Khổ cho Đoan là lấy chồng con nít khó xưng hô quá nên cứ nói trống không như vậy. Thằng Tý lại giục: - Nhà không về thì tớ không về. Tớ cứ đứng đây! U dặn thế! Bực mình quá, lại sợ làm mất thì giờ của cả lớp, Đoan đành phải buông kim chỉ đứng dậy, đi nhanh ra ngoài. Thằng Tý lẽo đẽo chạy theo ra cổng. Trong lớp có tiếng bình phẩm chế giễu vọng ra: - Cu Tý năm nay nhớn lắm rồi! Đứng đã đến … ngực cái Đoan. Không còn phải kiễng (nhón) chân nữa! Cả lớp cùng cười vang, nhưng cùng thương cảm cho hoàn cảnh của Đoan. Trông người lại nghĩ đến ta.Có nhiều cô tự hỏi: - Đẹp như cái Đoan mà nhân duyên còn chả ra gì, huống chi là mình! Bây giờ nhìn Đoan đứng ủ rũ trước mặt, Hậu bùi ngùi nói: - Chị ngồi xuống đi, chị Đoan. Tôi biết rõ hoàn cảnh của chị, tòan thể chi bộ đều biết rõ hoàn cảnh của chị. Nhưng như tôi vừa nói, lần đầu tiên tỉnh bộ chiếu cố đến Hải Ninh. Tôi phải đi đầu. Rồi lần lượt sẽ đến các chị. Chi bộ biểu dương tinh thần của chị Đoan chũng như chị Nhu. Nhưng đề nghị các chị chờ thêm một thời gian nữa. Chắc không lâu đâu! Đoan thất vọng ngồi xuống, tựa đầu vào vách, ánh mắt long lanh như sắp khóc. Duyên ghé tai nói thầm vài câu an ủi, nhưng Đoan chỉ lắc đầu. Nhu lại đứng dậy. Nhưng lần này không phải để tranh giành với Hậu mà muốn thay mặt tất cả các đồng chí trong chi bộ, nói vài lời cám ơn và tiển đưa. Hậu quay mặt đi để không ai nhìn thấy cô đang nghẹn ngào. Duyên nhìn chị xúc động quá, nhưng không dám khóc lớn. Vài người bên cạnh cũng lấy khăn tay ra thấm nước mắt. Hậu vội mĩm cười nói: - Được nhận công tác là điều vinh dự chung cho cả chi bộ, sao các chị lại khóc? Phải cứng rắn lên chứ! Rồi Hậu lập lại câu nói của Trần Khải: - Cách mệnh vô sản là phải thoát ly. Không dám thoát ly tức là vẫn vướng mắc tình cảm tiểu tư sản! Buổi họp tiếp tục, Duyên được chọn làm bí thư thay cho chị. Duyên không muốn nhận, nhưng toàn thể chi bộ cứ nài ép mãi, cô đành phải đảm trách nhiệm vụ đó. Hậu nói: - Chi bộ cần phải phát triển thêm. Anh Trần Khải đã nhiều lần gợi ý là chúng ta nên xây dựng những tổ tương tế, chẳng hạn như lập “Hội tương tế nông dân” để lôi kéo quần chúng về với chúng ta. Cái khó khăn của chúng ta từ trước đến nay là, chi bộ chỉ gồm toàn phụ nữ, không quan hệ được với đàn ông vì sợ mang tiếng. Tất cả mọi cái đầu đều đều gật để tỏ sự đồng ý với nhận xét của Hậu. Cô tiếp ngay: - Anh Trần Khải bảo: Nếu chi bộ Hải Ninh chỉ gồm toàn phụ nữ thì phải gọi là Hội Phụ nữ tương tế chứ làm sao mà xứng với têm một chi bộ thanh niên cách mệnh đồng chí hội được! Phải cả nam lẫn nữ, nhất là có những công tác mà chị em phụ nữ chúng mình không thể làm được! Những đều Hậu nói ra, ai cũng biết cả. Nhưng cái trở ngại lớn lao nhất là ai dám làm quen với nam giới để tuyên truyền cách mạng cho họ! Thời này, phụ nữ gặp riêng một người đàn ông không phải họ hàng ruột thịt, là đã coi như thành phần lẳng lơ, đáng bị gọt đầu bôi vôi rồi! Huống chi lại còn phải gần gũi nhiều lần, mới hy vọng có thể thuyết phục được người ta đi theo hướng của mình. Nghĩ thế nhưng chả cô nào muốn phát biểu, bởi trước giờ chia tay, họ cần gát lại mọi chuyện để suy nghĩ về chuyến đi của Hậu. Thấy không ai giơ tay nêu đề nghị, Hậu đành tiếp: - Hướng giải quyết của chúng ta là chúng ta sẽ móc nối một thanh niên người trong họ của mình. Anh, em, chú, bác gì đấy. Rồi ta động viên người đó, giao cho công việc móc nối những thanh niên khác! Duyên vẫn ưu tư về nhiệm vụ mới. Cô ghé tai chị nói nhỏ: - Anh Tân vừa mất. Bây giờ chị lại ra đi. Bố mẹ kể như mất hai người con. Nếu em nắm bí thư chi bộ, bất thần có thể lại phải đi xa, thì lấy ai gần gũi bên cạnh bố mẹ? Hậu dứt khoát gat đi: - Đã theo cách mạng thì phải biết trước rồi sẽ có ngày thoát ly! Thế là Hậu cứ bàn giao công tác cho em rồi nói với mọi người: - Trước khi tạm biệt các chị em, tôi chỉ xin nhắc lại nguyên tắc hệ trọng nhất của chúng ta là tuyệt đối giữ bí mật. Trong phòng này có 6 người. Tôi đi, chỉ có 6 người biết. Bố mẹ tôi cũng không biết. Nếu mai kia lộ ra tức là 6 người chúng ta chịu trách nhiệm trước đoàn thể! Rồi Hậu tuyên bố giải tán, lần lượt ôm vai từng người, hẹn ngày tái ngộ. Chị em nhỏ lệ bịn rịn, nói lời tiễn đưa chí tình. Nhưng Hậu gạt đi, thẳng thắn giục họ ra về. Đêm hôm ấy, Hậu và Duyên nằm bên nhau, trăn trở không tài nào ngủ được. Hậu cố ngăn giòng lệ, bảo em: - Duyên ơi! Chị em mình chưa chút đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Nay chị lại sắp phải ra đi mà chẳng biết bao giờ trở lại mái nhà này. Chả biết bao giờ mới gặp lại bố mẹ …. Chị cứ nghĩ đến mà thấy náy cả cõi lòng … Duyên úp mặt vào vai Hậu, nức nở: - Chị đừng nói nữa, em òa lên khóc bây giờ! Bao nhiêu năm nay có chị có em. Bây giờ chị ra đi để lại em một mình … Duyên nấc lên, không nói tiếp được nữa. Hậu cũng khóc tấm tức. Một lúc sau, Duyên nói thêm: - Lẽ ra chị chẳng nên tự nguyện đi chuyến này. Sao không để người khác đi trước? Anh Tân mới mất. Nỗi buồn ấy chưa nguôi. Nay chị lai đi thì bố mẹ đến héo rụôt mà chết mất! Hậu cứng rắn đáp: - Chị cũng biết như thế. Nhưng chị là bí thư, lại là người đứng ra thành lập chi bộ này. Nếu chị không tự nguyện đi đầu thì làm sao động viên được người khác chứ! Hậu nói thế thật ra chỉ mới là một mặt. Còn một nguyên nhân nữa thúc đẩy Hậu ra đi là vì mới đây trong làng có người đến hỏi cưới Hậu. Đó là con trai ông chánh tổng đã mãn nhiệm. Thời này, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, Hậu sẽ phải vâng lời cha mẹ về làm dâu cái gia đình mà Hậu cho là cường hào ác bá trong làng. Tháng trước, trong bửa cơm tối có đông đủ cả nhà, bà Lương bảo: - Trưa nay, bà tổng Trương sang chơi, có ý xin mày cho con giai bà ấy! Vào nhà ấy thì tốt con ạ! Với bà Lương, đây là một bản tin quí giá vì Hậu đã ngòai 20, lại đã một lần không thành vì bà Cần định hỏi Hậu cho Tuất rồi bả đổi ý. Lần này thì bà tin chắc con gái bà sẽ gặp lương duyên trong một gia đình có thế lực. Nhưng Hậu im lặng không nói gì. Cô biết bố mẹ mình còn nợ bà tổng khá nhiều tiền và việc gả cô chỉ là cách gán nợ hoặc khất nợ, cho nên cô vừa tủi thân vừa bực mình. Từ khi giác ngộ cách mạng và học tập đấu tranh giai cấp. Hậu đã mất hết cảm tình với người giàu, bất kể là giàu do cần cù chăm chỉ hay bóc lột của người khác. Hậu chưa thù ông bà tổng là may lắm rồi, làm sao có thể chấp nhận về làm dâu nhà đó! Bởi vậy, Hậu phải ra đi để tránh tình trạng khó xử cho cha mẹ. Im lặng một chút, Hậu bảo Duyên: - Thôi em ở lại, cố gắng an ủi bố mẹ. Em thay chị, phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già. Dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, cũng không được cho bố mẹ và thằng Hoàn biết là chị thoát ly theo cách mạng. Vì nói dại, nhỡ chị có bị bắt thì sẽ liên lụy đến cả nhà. Rồi mai kia có dịp, chị sẽ liên lạc về và tạ tội với bố mẹ! Nói được bấy nhiêu, Hậu cảm động quá, úp mặt xuống gối khóc nấc lên. Duyên cũng ôm vai chị, chan hòa nước mắt. Một lúc sau, nỗi sầu vơi bớt, Duyên mới ngẫng lên nói - Đành rằng không thể cho bố mẹ biết là chị đã thoát ly theo cách mạng. Nhưng chị đi rồi, bố mẹ hỏi em, em trả lời thế nào? Hậu đã chuẩn bị sẳn, gạt nước mắt đáp: - Nếu bảo là chị bỏ nhà ra đi, người ta sẽ đồn chị là chị theo giai, nhục nhã cho gia đình mình lắm! Ấy là chưa kể bố mẹ sẹ lùng kiếm, tốn công tốn sức mà chả có lợi ích gì Chi bằng chị để lại mảnh giấy, nói là chị chán đời tự tử. Chị đã nghĩ kỹ rồi, chỉ có cách ấy mới là hay nhất! Khi nào thuận tiện, chị sẽ nhắn tin về. Duyên lật úp người nằm sấp, ngóc đầu lên và nhắc lại: - Anh Tân mới mất chưa đầy năm, bố mẹ chưa nguôi nỗi buồn. Nay nếu chị lại báo tin tự tử thì sợ bố mẹ chết mất. Nhất là mẹ! Bố thì từ ngày anh Tân mất, đổi hẳn tính tình, lắm lúc như người mất hồn. Chị có cách nào khác không? Hậu thở dài đáp: - Chị cũng biết thế, nhưng chả có cách nào khác. Chị vừa nói rõ với em rồi. Nếu chị bỏ đi không nói gì, một là thiên hạ sẽ đồn chị theo giai. Hai là theo hội kín. Theo giai thì bố mẹ nhục nhã. Theo hội kín thì bố mẹ sẽ bị bắt điều tra. Mật thám cứ nghe đến hội kín là đánh đến gãy xương, chết gục trong tù cũng chưa biết chừng! Thì cứ xem anh Minh đấy. Anh Minh đi tù đã khổ, mà ở nhà, bác Tuyền có được yên thân đâu! Hết lý trưởng, trương tuần, lại đến mật thám đến hoạnh họe. Khổ thân! Bác già rồi mà có hôm trương tuần trói cả chân tay, bỏ nằm lăn dưới đất như con lợn! … Thôi em ạ! Đành vậy chớ biết làm sao! Bố mẹ buồn một thời gian rồi sẽ quên đi! Duyên yên lặng đồng ý vì chính cô cũng chả nghĩ ra cách nào hay hơn. Duyên ngồi dậy, lôi dưới gầm giường ra chiếc rương gỗ sơn đen đựng quần áo, lần dưới đáy tìm cái túi vải nhỏ do chính tay cô tự may. Cô mở nút bấm, lấy hết tiền đưa cho chị. Chỉ có hơn hai đồng bạc, nhưng Hậu nhất định không nhận. Cô bảo: - Em cứ giữ lấy. Thế nào cũng có lúc phải cần đến! Chị đi công tác, chắc đoàn thể sẽ lo liệu cho chị! Hai chị em nằm bên nhau, thức gần đến sáng mới chợp mắt. Gà chưa gáy tiếng thứ nhất, ngoài đường đã có tiếng chân người vác cuốc ra đồng sớm. Hậu chợp mắt được một lúc thì tự động giật mình tỉnh dậy. Quay sang bên cạnh thấy Duyên nằm ngửa, hơi thở đều đặn chứng tỏ Duyên đang say giấc. Bên ngoài trời còn mờ tối, cổng làng chắc chưa mở. Hậu nằm êm thêm một lúc để chờ sáng. Lòng cô tràn ngập những cảm giác hỗn độn, vừa bịn rịn nhớ thương người ở lại, vừa nôn nóng muốn đi ngay vì nghĩa lớn. Cô nghĩ đến Trần Khải vàa hy vọng sẽ gặp lại Trần Khải ở Hà Nội. Chẳng phải vì cô say mê Trần Khải mà vì ít ra cũng có một người quen hướng dẫn ở nơi xa lạ. Với cô, Trần Khải là một hình ảnh cao sang lắm, từng dẫn dắt cô vào con đường cách mạng, cô không dám nghĩ tới chuyện tình cảm riêng tư. Cô chỉ hình dung ra Hà Nội là chốn đô thị sầm uất và cô cần một ngừơi từng trải như Trần Khải chỉ bảo về công tác. Hậu che miệng ngáp rồi từ từ ngồi dậy, tựa lưng vào vách. Bên cạnh Duyên vừa trở mình nằm nghiêng, một chân hơi co lên. Hậu khom người xuống kéo tấm chăn đắp cho Duyên vì cái vái của Duyên co lên cao quá, hở gần tới mông. Rồi Hậu rón rén bước xuống, mò mẵm trong bóng tối, lấy mấy bộ quần áo bỏ vào trong giỏ cói. Cô nhìn lại em gái, căn phòng ngủ nghèo nàn nhưng đằm ắm tình cảm bao nhiêu năm qua. Rồi cô nhẹ nhàng đẩy cửa bước ra sân, men theo lối sân nhà bếp ra con lộ chính, khởi đầu một cuộc hành trình vì lý tưởng. Con đường làng vắng ngắt, mờ mờ hơi sương, im lìm chạy giữa những rặng tre san sát dẫn ra tới cánh đồng. Con đường quen thuộc này, hôm nay in dấu bước chân của Hậu, biết đâu chẳng là lần cuối! Mới đi cách nhà độ vài chục mét thì thấy có bóng người gánh đôi quang gánh từ phía trước tiến lại. Hậu lẻn vội vào một lối nhỏ và núp sau bụi tre đứng chờ vì không muốn ai gặp mặt. Đó là chị Búp chuyên làm nghề xin phân bò. Mỗi sáng sớm, chị gánh hai cái thúng, tạt vào những nhà có nuôi bò, xông vô chuồng và hốt phân mang về để bón ruộng. Đất dai xứ Bắc vốn là đất ngàn năm, trồng trọt từ đời này qua đời khác, chẳng còn chút màu mỡ nào để nuôi cây. Cho nên bắt buộc người ta phải bón phân chuồng! Chờ chị Búp đi khá xa, Hậu mới lại lao ra tiếp tục lộ trình. Ở nhà Duyên cũng choàng dậy lúc mặt trời vừa mọc. biết chị đã đi rồi, Duyên thấy trống vắng lạ thường. Trống vắng trong căn buồng và trống vắng trogn lòng. Ngày anh Tân mất, cô đã có cảm giác hụt chân vì mất đi người hướng dẫn hoạt động. Nhưng cái cảm giác đó không mãnh liệt như hôm nay bởi dù sau anh Tân cũng không gần gũi Duyên như Hậu. Đôi mắt cay nhứt vì thiếu ngủ, Duyên ra dàn nước rửa mặt và hình dung ra chiều nay, khi cha mẹ cô biết tin Hậu đã vắng nhà. Vừa xúc miệng cô vừa quay nhìn lên nhà trên. Cô thấy ông Lương đã dậy từ lâu, đang ngồi hút thuốc lào ở gian giữa.Cô thở dài buồn bã, vào bếp đun nước pha tràcho bo rồi lấy cuốc ra đồng như thường lệ. Cả ngày làm việc uể oải trên cánh đồng ngô, có lúc Duyên hoảng hốt tưởng tượng ra Hậu ra đi rồi sẽ không trở lại giống như anh Tân trước đây. Anh Tân nhận công tác lần đầu, đã ra người thiên cổ. Biết đâu nhà Duyên lại sắp đón nhận thêm một đám tang nữa! Buổi chiều mặt trời xuống chênh chếch sau cây đa, Duyên đã ra về. Bà Lương đã nấu cơm xong đang dọn ra hiên nhà. Nhà này vẫn có thói quen ăn tối ngoài hiên nhà cho nó mát và đỡ muỗi. Cả nhà ngồi quay quanh cái mâm đồng đặt trên chiếc chiếu cũ, bà Lương quay sang hỏi Duyên: - Cái Hậu nó đâu? Sao giờ này chưa về? Ông Lương bưng bát cơm, hững hờ nhìn ra cổng. Từ ngày Tân mất ông thay đổi tính nết rất nhiều. Xưa kia ông hay bẳn gắt, hơi một tí là đánh mắn các con. Tân chết rồi ông như người mất hồn, cạy mồm không thèm nói. Nhiều hôm Hậu lên tỉnh hoặc ghé nhà bạn bè đến khuya mới về, tưởng thế nào ông cũng nổi trận lôi đình, hóa ra về, ông cứ ngồi yên, chả có phản ứng gì, làm như không nôm thấy. Riêng bà Lương, gần đây thì cũng đã quen với việc về trễ của Hậu, bởi bà biết từ ngày mở lớp cắt may, Hậu giao tiếp rất đông bạn bè trong xóm. Nhưng hôm nay bà cần gặp Hậu vì trưa nay bà tổng Trương lại sang để nhắc lại việc hỏi Hậu cho con giai bà. Với bà Lương thì chỗ ấy không nên chần chờ làm lỡ cơ hội. Bà quay sang Duyên, nhắc lại: - Sáng nay nó có đi làm chung với mày không? Duyên đáp: - Không mẹ ạ. Lúc con đi, chị con còn chưa dậy! Bà Lương bực mình nói: - Thế là cả ngày hôm nay nó đi đâu? Không ra đồng với mày à? Hay là nó lại gánh đỗ đen ra chợ tỉnh bán? Nó có nói gì với tao đâu! Ông Lương chen vào: - Bà cứ ăn đi. Kệ nó! Nó về, nó ăn sau! Bà Lương chẳng biết nói sao, đành bưng bát cơm lên, uể oải gắp thức ăn. Bà vừa ăn, vừa lóng ngóng trông ra cửa. Cơm nước xong, trời tối dần, vẫn chẳng thấy Hậu về, bà Lương sốt ruột giục Hoàn chạy đi kiếm: - Sang nhà cái Nhâm xem nó có ở bên ấy không? Bấy giờ Duyên mới vào buồng hốt hoảng chạy lao ra, tay cầm mảnh giấy nhỏ và đọc cho mọi người nghe. Bức thư di ngôn của Hậu chỉ có mấy dòng, giã từ bố mẹ và các em. Hoàn giằng mảnh giấy, xem lại một lần nữa: " Khi bố mẹ đọc được lá thư này thì con đã chết rồi! Bố mẹ đừng mất công tìm con nữa. Con năm nay đã hai mươi, làm lụng đầu tắt mặt tối mà chẳng đủ nuôi gia đình, không giả được nợ nần cho bố mẹ. Con thấy con vô dụng, chẳng muốn sống nữa. Con đành cam tội bất hiếu với bố mẹ vậy. Xin bố mẹ tha thứ cho con. Vĩnh biệt bố mẹ và các em. Hậu". Bà Lương nghe xong, ngã lăn xuống đất. Ông Lương thì ngồi lặng thinh trên thềm nhìn ra khoảng sân bóng tối đang phủ dần. Duyên cũng giả vờ khóc rống lên thảm thiết. Thằng Hoàn chạy ra sân hái lá trầu không hơ lửa đánh gió cho mẹ tỉnh lại. Bà Lương vật vã khóc nghẹn từng cơn: - Ối con ôi là con con ôi! Mẹ thương con biết là dường nào! Sao con nỡ bỏ cha bỏ mẹ, bỏ các em con! Hậu ơi! Rồi cứ thế cả tuần lễ kế tiếp, bà lang thang tìm xác con. Lòng bà cực kỳ hối hận vì tưởng rằng Hậu bị bà ép gã cho con ông chánh Tổng nên mới tự tìm cái chết. Ngày ngaỳ, họ hàng thân thích tập trung, chia nhau từng toán đi tìm xác Hậu. Cả mấy cô trong chi bộ cũng rủ nhau kéo đến hỏi thăm Hậu, nhìn Duyên bằng ánh mắt cảm thông, rồi làm bộ lăng xăng tìm xác Hậu. Dọc mé sông, vạch các bụi rậm, nhìn các nhánh cây, khoắng dưới đáy giếng. Chỗ nào cũng xem xét, cũng gọi "ba hồn chín vía" mà chẳng thấy dấu tích của Hậu. Bà Lương ngồi trên bờ đê, nhìn xuống dòng sông mênh mông, nước chảy cuồn cuộn, nức nở kêu: - Con ơi! Con sống khôn thác thiêng, về báo mộng cho mẹ biết xác con ở đâu. Mẹ nỡ lòng nào để con chết bờ chết bụi cho đành! Con ơi là con! Duyên lúc đầu chỉ giả vờ khóc cho mọi người khỏi nghi. Nhưng về sau thấy bà Lương sướt mướt quá thì chính cô cũng mũi lòng khóc theo và khóc thật tình như Hậu đã chết rồi! Cả mấy cô trong chi bộ đến nhà Duyên như Nhâm, Đoan và Nhu cũng cùng một tâm trạng như Duyên, ai cũng sụt sùi nước mắt bởi khóc là một căn bệnh hay lây. Bà Lương cứ lúc mê lúc tỉnh, bỏ ăn bỏ ngủ, đêm hôm thơ thẩn nói nhảm một mình ngoài sân. Duyên bức rức chụi không nổi trước cảnh chết đi sống lại vật vờ của bà Lương, nhất là mỗi khi khóc thương Hậu, bà lại nhắc luôn đến cả Tân. Mấy lần Duyên đả toan nói thật với mẹ là Hậu còn sống. Nhưng Duyên cố gắng phấn đấu để giữ nguyên bí mật của tổ chức. Huống chi ở cương vị bí thư chi bộ, cô càng không thể yếu mềm nương theo tình cảm gia đình mà vi phạm lời thề tuyệt đối trugn thành với đảng. Nhớ lời Hậu dặn đêm cuối cùng, Duyên chỉ còn cách tìm lời an ủi mẹ để đề phòng bà Lương quẩn trí, tự tìm cái chết theo hai con. Đêm đêm, Duyên sang nằm ngủ chung với bà Lương, trăn trở vì thương mẹ, nhớ chị, có khi thức trắng luôn tới sáng. Bước sang ngày thứ tám, mới sáng thức dậy bà đã bảo Duyên: - Con thay quần áo, đi với mẹ? Duyên ngơ ngác hỏi lại: - Đi đâu hở mẹ? Vừa hỏi Duyên vừa lo lắng nhớ lại trước đây đã từng theo mẹ xuống tận Hà Nội để dò tin tức của Tân. Nhưng bà Lương đáp ngay: - Cứ đi với mẹ, sang bên kia sông! Duyên chưa biết bà Lương định làm gì bên kia sông, nhưng thấy mẹ tiều tụy quá, cô đành nghe lời, vào buồng thay quần áo rồi cầm nón bước ra. Hai mẹ con rảo bước trên con đường đất ngang qua cánh đồng dẫn đến chân đê. Con đường này, bao năm nay in dấu chân Hậu và Duyên bởi nó là con đường đọc đạo để dân làng ngày ngày ra làm ruộng. Cánh đồng bao la hai bên, đang mùa cuốc vỡ, bao nhiêu người ngừng tay lao động, ngẩn đầu lên nhìn theo hai mẹ con. Họ đều biết cái thảm cảnh vừa xảy ra trong gia đình bà: Hai đứa con theo nhau giã từ dương thế! Họ muốn bỏ cuốc chạy lại chia buồn cùng bà, nhưng ngại khơi dậy vết thương, bắt bà phải khóc thêm mtộ lần nữa. Hai mẹ con đến lưng chừng dốc đê thì trời bỗng nhiên đổ cơn mưa dù không có dấu hiệu báo trước. Vì lúc đi trời quang mây tạnh, nên bà Lương với Hậu chỉ có nón chứ không mang áo tơi. Gió ngược chiều thổi mạnh như hắt vào mặt mà bà Lương thì nóng ruột muốn đi ngay, sợ mất thì giờ. Duyên lo âu bảo mẹ: - Hay là vào trong quán nước, chờ tạnh bớt hẵng đi mẹ ạ! Mẹ đang mệt, con sợ mẹ bị cảm thì khồ! Bà Lương lắc đầu: - Thôi con ạ! Sang bên ấy cho xong việc rồi về! Chịu khó vất vả một tí! Duyên nhíu mày hỏi" - Nhưng việc gì chứ? Việc gì mà mẹ phải sang tận bên kai sông? Bà Lương thở dài đáp: - Mẹ không tìm được xác chị con mà chôn cất cho tử tế, thì mẹ áy náy lắm! Mẹ muốn để nó nằm bên cạnh anh nó! Chưa nói hết câu, bà đã nghẹn ngào như có vật gì chẹn lấy cổ. Duyên nén tiếng thở dài, lặn lẽ theo mẹ lại bến đò. Cô đứng nhìn mặt sông mênh mông mờ mờ dưới làn nước mưa dày đặc. Chờ khá lâu mới có chuyến đò ngang, hai mẹ con leo lên thì toàn thân đã bắt đầu thấm lạnh. Lên bờ bên kia, lại đi một quãng khá xa trên khúc đường lầy lội, mới đến căn nhà nhỏ có treo hình bát quái trước cửa. Bấy giờ, cô mới biết mẹ đi tìm người lên đồng, nhờ họ gọi hồn Hậu về, cho biết xác Hậu đang nằm ở đâu để đem về chôn. Duyên nhìn mẹ xót xa như xát muối trong ruột, nhất là từ ngực bà trở xuống đã ướt đẫm, đang run lên vì nứơc mưa thấm lạnh vào cơ thề. Muốn gọi hồn thì trước hết phải có hồn thì mới gọi hồn về đươc chứ! Hậu còn sống lù lù, đã chết đâu mà gọi hồn! Duyên đưa tay đập cửa và gọi lại một lần nữa: - Có ai trogn nhà không? Làm ơn mở cửa cho chúng tôi vào với! Duyên dứt câu thì cánh cửa hé mở. Một người đàn bà khoảng 40, áo tứ thân, yếm đào, váy lĩnh, vấn tóc trần, cất tiếng hỏi hai mẹ con: - Ở bên kia sông sang đây phải không? Bà Lương giật mình quay sang Duyên như thầm nói: - Cô đồng giỏi quá! Sao cô biết chúng tôi từ bên kia sông? Đối với Duyên thì chẳng có gì đáng phục. Đó chỉ là môt câu đoán mò cầu may mà thôi. Nhìn hai mẹ con ướt đẫm thì đoán là ngồi chuyến đò ngang, chứ khó khăn gì đâu! Hai mẹ con theo gia chủ vào nhà, bỏ nón sát vách, rồi ngồi ké lên mép chõng. Mùi hương tỏa ngào ngạt, cố tình tạo cho căn phòng nhỏ không khí trầm mặc nghiêm trang. Đó là nơi làm ăn của cô đồng Diêu, nồi tiếng khắp tỉnh là có khả năng gọi hồn người chết về để gặp gỡ thân nhân còn trên dương thế. Bình thường, cô đông khách lắm. Đôi khi còn phải đi xa vì nhiều người nhà giàu hoặc quan quyền tại chức sai đầy tớ đến thỉnh cô về tận dinh để hỏi việc. Hôm nay may mắn cô có nhà, lại gặp trời mưa vắng khách nên mới có thì giờ tiếp hai mẹ con bà Lương. Cô ngồi xuống chiếc ghế mây, bên cái bàn vuông trải khăn đỏ. Bà Lương taon cất tiếng nhập đề thì cô phán: - Nhà có người mới chết phải không? Bà Lương lại càng cảm phục. Bà bấm vào vai Duyên để tỏ ý kinh ngạc. Nhưng Duyên chỉ nén tiếng thở dài. Nhìn mặt bà thảm não thế kai thì ai chả đoán được là nhà có người chết, việc gì phải nhờ tới cô đồng! Bà rươm rướm nước mắt phun ra hết nỗi đau trong lòng để cô đồng cứ theo lời của bà mà nói dựa. Cô ghi ngày sinh tháng đẻ của Hậu, bấm đốt ngón tay, vẽ bùa chú trên mãnh giấy màu đỏ và đặt trong cái đĩa cổ rồi bắt đầu gieo quẻ. Mặt cô bỗng tái đi, đôi mắt lạc thần hướng về cõi xa xăm. Rồi chỉ trong khoảnh khắc cô cất tiếng hát nỉ non nghe rất thê lương: " Thương cha nhớ mẹ sầu bi Đêm ngày lẩn khuất đi về trông nom " Bà Lương khóc ngất đi, lăng ra chiếu vì tội nghiệp con gái nặng lòng hiếu thảo mà trời cướp đi quá sớm! Cô đồng được thể, càng hát não nề hơn: "Không tròn được nghĩa mẹ cha Chưa đền chữ hiếu hồn đà về âm Bây giờ xa lánh cõi trần Xót thương cha mẹ trăm phần đớn đau!" Những bài vè kiểu này, cô đã chế ra từ lâu để dùng trong các trường hợp tương tự. Nó đánh trúng tâm lý của người còn sống, gợi thêm nỗi xót xa vốn đã tràn ngập trong lòng mẹ thương con. Bà Lương sụt sùi một lúc khá lâu rồi mới nhắc lại câu hỏi chính yếu là xác Hậu hiện giờ nằm ở đâu. Câu này cũng dễ trả lời, bởi lúc này bà đã kể mọi hci tiết cho cô đồng nghe rồi: Hậu tự tử. Cả làng đổ đi tìm. Không thấy treo cổ trên cành cây thì chắc hẳn trầm mình dưới nước. Cô phán: - Xác nữ nằm ở chỗ có nước, có cây! Cô nói bâng quơ như thế rồi lập tức đồng thăng! Duyên bực mình lắm, chỉ muốn xông lại vả vào mặt cô đồng vài cái cho hả giận. Nhưng Duyên đành nhịn, đau đớn nhịn mẹ trả tiền cho cô đồng rồi hai mẹ con quay ra cửa. Bên ngoài, mưa đã giảm hẳn, chỉ còn lất phất rơi. Nhưng gió vẫn thổi vù vù trên quãng đường lầy lội dẫn ra bến đò. Xế chiều, hai mẹ con về đến nhà. Duyen đi thẳng vào buồn thay quần áo. Bà Lương thì rẽ lên gian giữa, nơi chồng bà đang ngồi trầm ngâm một mình trên cái điếu bát và bô ấm trà. Bà bỏ nón và than: - Nhà này hết phúc rồi ông ơi! Ông với tôi có làm gì nên tội đâu mà khốn khổ thế này hở giời! Ông Lương nhắc: - Bà đi đâu mà ướt như chuột thế kia? Vào thay quần áo đi, không phải cảm bây giờ. Bà Lương kéo chiếc ghế ngồi đối diện chồng, toan lên tiếng kể về cô đồng Diêu, nhưng ông Lương không thèm chú ý. Ông đứng dậy, bước lại tủ thuốc, lấy ra một cái gói nhỏ đựng trong hủ thủy tinih rồi đưa cho vợ: - Bà uống ngay cái này đi! Uống với nước ấm. Có việc gì mà phải dầm mưa như thế! Rồi bà ốm nằm một chỗ thì sao? Hôm sau, bà Lương lại bắt Lương và thằng Hoàn chít khăn tang, mang mấy bó nhang và đồ cúng ra lập bàn thờ ở mé sông. Duyên nghĩ đến Hậu đang công tác trên Thành bộ mà Duyên đành cứ phải lặng yên cúng váy cứ y như Hậu đang ở dưới âm phủ! Rồi bà lên chùa nhờ thầy lập đàn cầu siêu, suốt một tháng trời tụng kinh, giúp bà cũng khuây khỏa được phần nào. Bà tin rằng con gái bà đa trầm mình xuống sông, bên kia con đê, và sóng nước mênh mông đã đưa xác Hậu trôi dạt không biết tới phương trời nào. Riêng ông Lương thì nghĩ khác. Tuần lễ đầu tiên sau khi Hậu vắng mặt, ông cũng sầu thảm không kém gì vợ. Nhưng rồi ông đặt lại vấn đề. Suy từ Tân ra, ông lờ mờ đoán Hậu không phải tự tử. Con gái ông chắc cũng theo một nhóm kháng chiến nào đó. Tân đang học hành đàng hoàng, có tương lai rực rỡ, mà còn bỏ lên chui rút trong rừng đến nỗi bị ngã nước mà mất mạng. Huống chi con gái ông ít học hơn, tất nhiên càng dễ bị dụ dỗ hơn. Ông nhớ lại những lần Tân về nhà mang theo thằng bạn bí hiểm là Trần Khải. Rồi nhớ lại cái lớp học Hậu và Duyên mở ra để tập trung phụ nữ trong làng. Rồi những sách báo, những khẩu hiệu, những lúc Tân và Hậu thậm thụt nói chuyện riêng với nhau. Như vậy là kết luận Hậu chưa chết. Ông vẫn càn hy vọng. Hậu chỉ bỏ nhà đi mà thôi. Nhưng bỏ đi thì kể như đã chết, cho nên vợ ông lên chùa cúng kiến là phải. Chỉ có một điều là, dù tin chắc Hậu vẫn còn sống, ông vẫn không dám nói với ai kể cả vợ ông. Bởi vì nếu lý trưởng biết con ông theo hội kín làm giặc, thì cả gai đình ông khó sống ở cái làng này. Ông phải dấu kín chuyện ấy. Trước đây, lý trưởng đã từng hỏi ông về Tân, về nhữgn ngày Tân âm thầm bỏ học. Ông phải nói dối con ông nghe theo lời bạn bè, vui thú cô đầu, quên cả học hành. Giờ đây, nhìn vợ khóc, ông cứ để cho khóc, coi như ông cứ tin là Hậu đã qua dời như trong bức thư tuyệt mệnh Hậu để lại. Lý trưởng đã ghé chia buồn với ông, sau khi cái Nhung, con trai lý trưởng,cùng một số học viên lớp đang may cũ, kéo đến giúp bà Lương đi tìm xác Hậu dọc theo ven đê. Ông Lương lúc ấy đã đoán là Hậu vẫn còn sống, nhưng vẫn phải não nuột thở dài bảo lý trưởng: Cảm ơn ông lý có lời hỏi thăm! Thưa thật với ông thời buổi này nhiễu nhương quá, luân thường đạo lý bị đảo ngược hết ả rồi! Chả giấu gì ông, bà tổng Trương cho người đánh tiếng xin cái Hậu nhà tôi là hẵng cứ như thả, vì cháu Tân mới mất, nhà lúc này vắng vẻ quá! Nhưng bà nhà tôi lại sốt ruột vì cái Hậu nó đã ngoài hai mươi... Lý trưởng ngắt lời: - Nghĩa là cô ấy không bằng lòng đám nhà cụ Tổng? Ông Lương chép miệng: - Thế mới khổ chứ lị! Không bằng lòng mà nó không nói, cho nên mới nông nỗi! Lý trưởng nói vài lời phân ưu cho đúng thủ tục rồi hân hoan ra về, không hề có chút ngờ vực nào là Hậu còn sống! Sở dĩ lý trưởng không nghi ngờ hội kín là bởi vì từ trứơc đến nay, ở Hải Ninh chưa hề có một phụ nữ nào dám bỏ nhà ra đi tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp. Từ Cần Vương, Đông Du, cho tới những phong trào kháng chiến bạo động nối tiếp nhau, Hải Ninh hầu như không có một đóng góp nào rõ rệt. Con trai thoát ly vốn đã hiếm, huống chi là con gái. Điều đó vượt quá sự tưởng tượng của dân trong làng. Có thể nói Hậu là người thứ nhất mở một trang sử tiên phong cho nữ giới ở Hải Ninh mà đến giờ phút ấy chưa ai nghĩ tới. Ngay cả lý trưởng được chỉ thị theo dõi rất sát những thành phần khả nghi mà cũng không hề mường tượng nổi đến việc thân dặm trường của một cô gái chân yếu tay mềm như Hậu. Ngày Hậu mở lớp dạy đan may và quốc ngữ, ông từng đến xem xét nhiều lần mà không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ Hậu liên quan đến hoạt động chính trị. Trước sau, ông vẫn tin rằng Hậu muốn nói nghiệp cha, đứng ra dạy chữ và dạy nghề cho thanh niên trong làng mà thôi. Nay thì ông tin chắc là Hậu đã chọn cái chết vì bị cha mẹ ép gã, đúng như lời ông Lương tự thú. Ông có hỏi thăm cái Nhung thì chính con gái ông cũng nói như ông Lương, cho nên ông lại càng yên trí là cái Hậu không còn trên dương gian này nữa. Như thế ông cũng yên lòng, khỏi bẩm báo lên Huyện lên Tỉnh về sự vắng mặt của Hậu trogn phạm vi ông chịu trách nhiệm kiểm soát. Với ông lúc này, chỉ những thành phần tân học như Tân Như Minh, mới là đối tượng mà ông cần để ý theo đúng khuyến cáo của thượng cấp thường xuyên gởi xuống nhắc nhở. Ngồi nói chuyện với ông Lương, cũng có lúc, lý trưởng tự hỏi: - Hay là nó trốn theo giai? Nhưng ông lại gạt bỏ ngay ý nghĩ ấy vì ông vẫn tin gia phong nhà ông Lương không thể suy đồi như vậy được. Tự tử vì tình đã là khủng khiếp lắm rồi, nói chi đến việc bỏ nhà theo không người thì thật là đốn mạt không bút mực nào tả xiết nỗi! Ông Lương tiễn ông lý ra tận cổng. Lúc chia tay trên con đường làng dưới rặng tre già, ông lý đăm chiêu: - Xưa nay ở Hải Ninh chưa từng xảy ra chuyện tự tử bao giờ, nhất là con gái mới lớn. Âu cũng là sách vở mà ra cả! Ông giáo thử nghĩ lại mà xem, tôi nói có phải không? Tôi áng chừng chỉ vì cái Hậu nhà ông có chữ nghĩa, rồi cứ nhồi nhét mãi dăm ba quyển tiểu thuyết vớ vẩn vào đầu, khiến cho mất hết cương thường, nên mới ra nông nỗi này! Xem thế thì đủ biết, chữ nghĩa thì chẳng có lợi gì cho đàn bà con gái cả! Cha mẹ dặt đâu con ngồi đó. Lễ giáo nghìn đời vẫn thế, chứ làm gì có chuyện con không chịu cha mẹ gã chồng rồi tự tử! Lỗi là tại tiểu thuyết cả. Làm ông giáo mất đứa con! Cái Nhung nhà tôi dạo trước cũng qua đây học chữ quốc ngữ với cái Hậu nhà ông giáo. Nhưng học để cho biết với người ta thôi, chứ sách báo thì tôi cấm ngặt! Tôi mà bắt gặp nó cầm quyền sách là chết ngay với tôi! Ông Lương có cảm tưởng lý trưởng đang mắng mình vì đã quá dễ dãi với con cái. Nhưng lúc này ông không tiện tranh cãi chỉ gật đầu rồi bảo! Cảm ơn ông lý lại chơi! Biết ông nhiều việc tôi chẳng dám giữ! Lý trưởng gật đầu cầm ba-toong quay đi. Hôm sau, ông Lý Nhân qua thăm, ngồi uống trà rồi bày bàn cờ tướng để ông Lương giải khuây. Bà Lương cùng hai con lên chùa, ở nhà chỉ có hai ông gật gù đàm đạo ở gian giữa. Hậu " chết " đã cả tháng nay, mà mãi đến giờ ông Tú mới mò sang với ông Lương thì kề cũng khó hiểu thật! Khác hẳn với ngày Tân nằm xuống, hầu như lúc nào ông cũng có mặt bên cạnh ông Lương, tìm lời khuyên để giúp người bạn tri kỉ của một nhẹ bớt nỗi sầu. Chẳng biết ông Tú có chủ trương trọng nam khinh nữ hay chăng, mà ông lại có thái độ rất dửng dửng khi nhận tin Hậu qua đời. Thậm chí hôm nay đến thăm ông Lương, ông Tú cũng lờ đi, không nhắc gì đến cái chết của Hậu còn đang bao phủ một màu tang ngút trời! Ngồi nhâm nhi tách trà nóng bên cạnh bàn cờ tướng, khá lâu ông Tú mới thản nhiên hỏi: - Ông giáo có ti ntức gì về cái Hậu chưa? Ông Lương giật mình trố mắt nhìn bạn. Nhưng ông vẫn cúi đầu chăm chú vào bàn cờ. Ông Lương hỏi lại: - Ông Tú bảo sao? Cháu nó mất rồi còn đâu! Ông Tú kéo cái điếu bát lại trước mặt, vê một điếu thuốc nhét vào nõ rồi thong thả châm lửa. Ông cầm cái đóm trong tay, hạ giọng bảo ông Lương: - Với người ngoài thì thế. Nhưng với tôi thì ông giáo dấu làm gì! Tôi biết cháu Hậu đang đi theo con đường của anh nó là cậu Tân, chứ có chết chóc gì đâu! Sao ôgn giáo giáo lại giấu tôi! Nghe những lời quả quyết của ông Tú, ông Lương hồi hợp mừng rỡ và tin chắc là con gái ông còn sống. Ông hạ giọng hỏi nhỏ hơn, bảo ông Tú: - Ông Tú với tôi là chỗ thâm giao cố cựu, có điều gò mà tôi giấu ông đâu! Nhưng chính tôi cũng còn đang phân vân, chả biết hư thực thế nào. Tôi cũng mong là cháu còn sống... Ông Tú ngắt lời: - Còn sống! Tôi tin chắc như thế! Cháu Hậu cũng như con gái tôi. Tôi biết cháu từ thuở lọt lòng. Cháu không phải là đứa con gái cưỡng lời cha mẹ đến độ tìm cái chết. Lại càng không phải đứa con gái hư thân mất nết đến nỗi theo giai! Chẳng qua là gần đây, cháu tìm ra cái lý tưởng của cháu, muốn noi theo cậu Tân. Có thế thôi! Ông Lương thở mạnh rồi nói: - Ông Tú nói như vậy quả thật tôi như người chết như được sống dậy! Cả tháng nay, tôi luôn cứ nghĩ, tôi với bà nhà tôi chả nhẽ bạc phúc đến nỗi hai năm mất hai đứa con! Ông Tú rít mtộ hơi thuốc lào thật đầy, ngửa mặt nhả khói rồi bưng tách trà nóng uống cạn. Ông Lương hài lòng nhìn bạn và dặn: - Chỉ xin Tú giữ kín chuyện này hộ tôi. Lão Lý Bân mà biết được thì chả để cho gia đình tôi yên đâu! Ngay ca bà nhà tôi, tôi cũng không dám cho bà ấy biết là cháu Hậu còn sống. Cứ để bà ấy lặn lội đi tìm xác nó thì làng xã người ta mới không nghi! Ông Tú nhớ hộ tôi... Ông Tú gật đầu ngắt lời: - Đành rồi! Chỉ tôi với ông giáo biết với nhau thôi! Từ đó ông Lương vui hẳn lên, chúi đầu vào bàn cờ tướng. Ông Tú chuyển đề tài, nói chuyện nắng mưa một lút rồi lại quay về đề tài của Hậu. Ông bảo: - Cháu Hậu ra đi làm việc nước, muôn vàn vất vả! Chỉ mong sao cho cháu bền chí, đừng bỏ cuộc giữa đường! Ông Lương chớp mắt không nói gì. Im lặng một chút, ông Tú kể: - Thiếu gì người giữa đừơng bỏ cuộc! Nguyễn Bá Trác đậu cử nhânnăm Bính Ngọ lúc 25 tuổi, theo phong trào Duy Tân rồi Đông Du, qua Nhật rồi qua Tàu theo cụ Phan Bội Châu. Trác làm thơ khẩu khí rất hào hùng, khẳng khái. Ấy thế mà bỗng dưng phản bội nghĩa lớn, quay về đầu hàng làm tay sai cho Pháp. Tôi nghe tin giờ này Trác làm tới Tuần phủ Bình Định, chuyên truy lùng và tra tấn những người chống Pháp. Thế mới biết cái bả vinh hoa nó dễ làm siêu lòng người! Ông Lương gật đầu đồng ý nhưng ngồi lặng thinh không lắm đến câu chuyện của ông Tú. Lòng ông đang rộn rã niềm vui vì có thêm một người bạn tâm giao đồng ý với ông làHậu vẫn còn sống. Hai người đánh với nhau năm ván cờ tướng như thông lệ rồi ông Tú đứng dậycáo từ ra về. Giá cứ như bình thường, thì ông sẽ nán lại nhắm rựơu với ông Lương. Nhưng ông biết tang gia còn đang bối rối, mẹ con bà Lương đâu còn tâm trí đâu mà cơm đãi khách, nên ông đành rút lui, chờ dịp khác thuận tiện hơn. Những ngày kế tiếp không khí trong gia đình ông Lương cũng không mấy gì khá hơn. Vẫn những tiếng thở dài não nuột, những tiếng bật khóc giữa đêm khuya. Chờ vợ hoàn tất mọi thủ tục cúng kiến và cầu siêu cho Hậu, ông Lương mới gọi Duyên ra đầu nhà bảo: - Bố mẹ chỉ có bốn đứa con. Giờ đã mất hai, chỉ còn con và thằng Hoàn. Anh chị con đi theo nghĩa lớn, lo việc nứơc, chẳng may mất đi, bố chỉ tiếc chứ không trách! Nhưng gia đình nhà ta góp công như thế là đủ rồi. Con ở lại với bố mẹ, đừng đi đâu nữa! Bố nói thế, chắc con hiểu! Duyên cảm động đến rơi lệ. Từ thuở mới lớn đến giờ, hình ảnh ông Lương luôn luôn là một người cha nghiêm khắc. Ông nói chuyện với con, thường chỉ là ra lệnh, là quát mắng, chứ chưa bao giờ nhỏ lệ như hôm nay. Duyên cúi đầu đáp nhỏ: - Xin bố mẹ yên lòng, con không đi đâu cả! Nói thế, nhưng Duyên vẫn biết chắc chắn rằng, nếu đoàn thể gọi đến, cô sẽ sẵn sàng thoát ly ngay