Hồi 3
Giữ Châu Tỵ Trần, Ngụy Vương lập kế.
Đánh đạo Nghi Lương, Bàng Quyên trổ tài

Bàng Quyên từ biệt Tôn Tẩn đem thơ về U Châu, vào ra mắt Tôn
Tháo tỏ rõ lai lịch rồi đứng lên. Tôn Tháo nghe qua mừng rỡ vô hạn, dạy
bày tiệc hoãn đãi, bảo Tôn Long, Tôn Hổ ngồi chuyện vãng, rồi tự mình
đem thơ vào nhà trong cùng vợ là Yên Đơn công chúa mở ra xem. Thơ
rằng:
"Cách lời nghiêm quấn, phúc đã ba năm, văn vui thiếu phận,
tội biết bao lăm.
Thưa cha mẹ! Tuy con ở núi Vân Mộng song trí luôn nghĩ
về nước Yên. Nay có bạn con là Bàng Quyên, người đủ trí
mưu, tài gồm thao lược, ra trận chém tướng cướp cờ, trông
tướng vẻ phù biến phép. Vậy cha nên lưu trong phủ, để giúp
cho Yên thì sẽ được công lớn.
Phận con tài còn kém, nhắm có vế cũng vô ích nên ở lại
núi học thêm ít lâu. Thế nào cũng sẽ cùng Bàng Quyên chung
thờ minh chúa. Xin cha mẹ yên lòng chớ lo buồn vì con.
Con bất hiếu Tôn Tẩn kính bái".
Vợ chồng Tôn Tháo đọc thơ thấy con chưa về thì không vui. Bây giờ
có gia đồng vào bẩm bái là tiệc đã dọn xong. Tôn Tháo bèn quày ra hiệp
với hai con ngồi cầm đãi Bàng Quyên. Lúc uống được ba tuần rượu, Tôn
Tháo hỏi ý Bàng Quyên có muốn làm quan ở Yên không? Bàng Quyên
tỏ ý muốn.
Hôm sau Tôn Tháo vào triều chầu, đem việc Bàng Quyên mà tâu hết
cho Yên vương nghe, rồi xin tiến cử. Yên vương dạy cho mời Bàng
Quyên vào. Bàng Quyên vào lạy và tung hô. Yên vương thấy Bàng
Quyên đầu qủy, mắt rắn biết là người hay phản phúc nên không muốn
dùng. Vua lấy cớ là không hề thâu nhận một viên quan nào là người
nước khác, rồi bảo Tôn Tháo đuổi Bàng Quyên ra khỏi nước Yên. Vua
làm như thế là sợ Bàng Quyên ở lâu trong nước sẽ có chuyện lôi thôi.
Bàng Quyên không được thâu dụng nên oán hận vua Yên lắm. Liền đó
chàng quày về phủ Tôn Tháo xách hành lý từ giã ra đi. Đi hơn mười dặm
gặp một cội cây to chàng bèn rút dao vạt da cây một lát lớn rồi đề một
bài thơ rằng:
Non tiên từng học đủ binh thơ,
Bảy nước một ta, có ai ngờ.
Tuy gọi trời trăng song chẳng sáng,
Đã rằng vua chúa vẫn còn khờ,
Tay hươi bảo kiếm trời nghiêng ngả
Trí đặc thâm mưu chúng ngẩn ngơ.
Ví đặng binh quyền trong một lúc,
Nước Yên còn những đất trơ trơ
Đề thơ rồi, Bàng Quyên bèn đi qua Tề. Lúc này thái sư Tề là Trâu
Kỵ đương chiêu hiền mộ sĩ, thế mà khi Bàng Quyên vào giáo trường ra
mắt xin ứng dụng, thì Trâu Kỵ xem tướng chê là kẻ phản phúc mà không
dùng. Bàng Quyên tức quá định vào ra mắt Tề vương, nếu đặng thâu
nhận sẽ kiếm cách trả thù Trâu kỵ. Chàng chạy ra khỏi giáo trường la hét
nhiều câu vô lễ để chửi Trâu Kỵ rồi tới Tây hoa môn mà vào nội.
Tới trước mặt Tề vương, Bàng Quyên tỏ hết lai lịch mình rồi khoe tài
mách trí. Tề vương xem tướng một hồi, cũng chê Bàng Quyên là kẻ hủ
thỉ vô chung, không muốn dùng, nhưnh còn kiếm lời dò hỏi chơi. Bàng
Quyên đối đáp một cách rất vô lễ, lẩn quẩn lại nói phạm tên kiêng của
nhà vua. Tề vương cả giận, sai võ sĩ kéo ra ngoài chém đầu. Quan
Thượng đại phu là Bốc Thương lật đật quỳ tâu xin vua chớ chém Bàng
Quyên mà phải mang tiếng là tru hiền lục sĩ với cả nước. Tề vương cho
lời Bốc Thương là phải, tha Bàng Quyên và lập tức đuổi ra.
Bàng Quyên căm giận lại định đi nước khác. Đi vừa đến cầu Tân
Lương, bỗng gặp một đoàn binh mã khua chiêng gióng trống đi tới. Bàng
Quyên lật đật núp dưới cầu xem, thì ra vua Ngụy đi giá sang Tề.
Nguyên lệ nhà Châu bấy giờ, mỗi ba năm chư hầu phải vào chầu
thiên tử một lần. Nay tới lệ, vua Ngụy sang Tề đặng cùng đi với Tề
vương.
Khi vua Ngụy đi đến cầu Tân Lương ngưạ mã bỗng dừng lại, thúc thế
nào cũng chẳng đi. Vua Ngụy hỏi rằng:
- Vì sao mà ngựa chẳng chịu qua cầu?
Tả hộ giá là Từ Giáp, hữu hộ giá là Trịnh An Bình tâu rằng:
- Ắt dưới cầu có điều gì?
Vua Ngụy khen phải, sai quân sĩ xuống cầu lục soát. Quân sĩ gặp
Bàng Quyên bèn dắt tới trước mặt vua. Vua Ngụy hét rằng:
- Mi là kẻ gian tế ở nước ngoài à?
Bàng Quyên tâu:
- Thần dân là người nước Ngụy, quê ở Nghi Lương tên là Bàng
Quyên, nhân đi học đạo dưới Quỷ Cốc đã thành tài, nay định về nước
phò vua giúp nước, bất đồ lại gặp thánh giá dọc đường, xin hoàng thượng
thứ tội.
Vua Ngụy hỏi:
- Muốn ra mắt trẫm sao lại núp dưới gầm cầu?
Bàng Quyên tâu:
- Vì hạ thần mang hành lý bên mình khó ra bái kiến, nên chi phải
lánh mặt.
Trịnh An Bình tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, người này vốn là con của tên Bàng Hoành, thợ
nhuộm ở Ngưu Đầu Nhai. Ba năm trước tên Hoành tát nước ra lộ đọng
thành vũng, làm cho ngựa của hạ thần trợn, hạ thần giận có trách phạt
nó. Vì vậy, người này là con y căm giận cố ý đi học đạo về gây loạn
trong nước, xin bệ hạ thẩm xét. Ngụy vương suy nghĩ giây lát, cho lời An
Bình là phải vì xét rõ Bàng Quyên có ý dối, chớ ở Vân Mộng sơn về
Ngụy chẳng phải đi đường này. Có lẽ nó đi đầu nước khác để lo đánh
Ngụy, nay thình lình gặp gỡ, nên nói dối mà thôi. Nên Ngụy vương bèn
sai quân ngự lâm áp giải Bàng Quyên về nước giam ở Nam lao, chờ khi
ngự giá về nước sẽ xử trí.
Xong việc, Ngụy vương vào Tề cùng vua Tề khởi giá vào chầu Châu
thiên tử. Triều cẩn xong, hai vua trở về Tề, vua Tề đặt tiệc ở vườn Vạn
Quỷ tiễn biệt vua Ngụy. Lúc bấy giờ là lúc xuân quang trời thanh khí
mát, trăm hoa đua nở, hai vua xem hoa thưởng cảnh giây lâu bèn vào
tiệc ăn uống. Đương lúc ăn uống bỗng có một trận gió to thổi tới, bụi cát
bay lên mù mịt, ở trên bàn tiệc chỗ vua Tề ngồi bụi đóng một lớp dày,
còn ở chỗ vua Ngụy thì không đóng một hột. Vua Tề lấy làm lạ hỏi vua
Ngụy:
- Tại sao chỗ quả nhân ngồi có đóng bụi, còn chỗ vương huynh lại
không vậy?
Ngụy vương đáp:
- Vì tôi có đeo trong mình một viên Tỵ trần châu nên bụi bậm không
tới gần được.
Tề vương nói:
- Nghe đồn châu ấy là món báo vô song, cảm phiền vương cho quả
nhân xem thử.
Ngụy vương bèn móc trong đãi gấm lấy ra một hột châu, trao cho thịi
vệ. Thị vệ tiếp lấy để lên mâm vàng bưng sang bàn của vua Tề để cho
ngài xem. Vua Tề tiếp lấy coi thì hột châu cứ quay mãi, ngài lấy làm lạ
hỏi:
- Nếu như vầy thì xem làm sao được?
Ngụy vương nói:
- Đó là nó muốn xin tiền của đại vương vậy.
Tề vương cười rằng:
- Thôi, châu quý hãy dừng lại đi. Ta sẽ cho mi một trăm lượng bạc và
mười tấm vóc vậy.
Nói dứt lời, hột châu khua to một tiếng rồi dừng lại. Vua Tề khen
ngợi liền miệng, bụng lấy làm thích lắm, nói với Ngụy vương rằng:
- Thiệt là một vật báo trên đời ít có. Phải chi vương huynh nhường
cho quả nhân thì quả nhân sẽ tạ lại cho hai tòa thành.
Ngụy vương nghĩ giây lát sanh một kế, nói rằng:
- Thưa đại vương, châu này vốn có hai hột, một trống một mái. Hột
mái ở trong rương tại bên Ngụy cung. Nếu hai hột lìa nhau ắt phải khô
khan mà chết. Vậy đại vương để tôi mang về. Rồi đại vương tắm gội
sạch sẽ trai giới ba ngày, khi ấy tôi sẽ đưa sang cả hai.
Tề vương nghe dứt, dạy thị vệ đem trả Tỵ trần châu cho vua Ngụy.
Mãn tiệc, vua Ngụy trở ra quán Kim đình, cho dòi Trịnh An Bình,
Châu Hợi, Từ Giáp, Hầu Anh tới bàn mưu từ chối với Tề vương không
đổi Tỵ trần châu. Trịnh An Bình nghe dứt đuôi đầu bèn tâu:
-Tâu bệ hạ, thần nghe dân là nước, gốc vững nước yên. Gốc vững tức
là dân no, dân no nhờ đất rộng. Nay châu Tỵ trần tuy báu song không
giúp cho dân no được. Vậy tốt hơn lấy nó mà đổi hai thành, một là mở
rộng đất đai, hai là chuộc lời hứa với Tề chúa. Chớ như bệ hạ quý châu
lỗi ước thì người trong thiên hạ còn coi ra gì? Lại cũng vì đó mà Ngụy Tề
xích mích chăng?
Ngụy vương nói:
- Khanh biết một chớ mà rõ lại hai. Vả lại, thành trì dễ đoạt chứ châu
ngọc khó tìm. Nguyên châu Tỵ trần này gốc ở nước Tam Hùng vốn là vật
quý vô giá. Lại quả nhân có nghe người quân tử chẳng đoạt cái thích của
người khác. Vậy mà vua Tề trông thấy châu là muốn ngay, ấy thật vô lễ.
Với kẻ vô lễ, quả nhân có thất tín cũng vô hại.
Châu Hợi thấy lòng vua Ngụy khư khư như vậy thì sợ ở lâu bên Tề e
có hại, nên tâu rằng.
- Theo ý hạ thần thì nội đêm nay chúng ta trở về Ngụy rồi sẽ liệu
định.
Ngụy vương khen rằng:
- Phải, khanh biết lo xa vậy là tốt lắm.
Lập tức hạ lịnh tới canh hai khởi giá về Ngụy một cách êm ái không
ai hay.
Sáng ngày vua Tề nghe tin chúa tôi nhà Ngụy về lẻn thì cả giận hạ
lịnh cho Lỗ vương Điền Kỵ, đem binh sang phạt, kể tội rằng: Ăn yến
không tạ, lui về không từ, nói đổi châu mà không đổi. Nếu chịu dâng
châu thì yên mọi việc, bằng chẳng phải đạp nước Ngụy ra đất bằng.
Vua Ngụy về tới nước nhà, nghe tin Điền Kỵ kéo binh sang bèn sai
Tư Giáp, Hầu Anh đem binh đón đánh. Hai đạo binh gặp nhau, Điền Kỵ
sải ngựa ra trước trận hét rằng:
- Chú tôi nhà Ngụy mi đã biết tội hay chưa?
Tư Giáp hỏi:
- Có tội gì? Ngươi hãy nói mau rồi chịu chết.
Điền Kỵ nói:
- Ăn yến không tạ ơn, nói đổi châu rồi không đổi, lén về không từ
giã, há không tội à? Nay binh ta tới đây hãy mau đem châu Tỵ trần ra
dâng cho mau, bằng không ta sẽ phá tan bờ cõi.
Từ Giáp, Hồ Anh nghe mấy lời giận quá hươi đao tới chém. Điền Kỵ
rút thương giao chiến. Đánh hơn ba mươi hiệp, Từ Giáp, Hồ Anh cự
không lại bỏ chạy. Điền Kỵ úa binh tới giết binh Ngụy rất nhiều rồi
gióng chiêng thâu binh về dinh.
Từ Giáp, Hồ Anh chạy về Nghi Lương báo tin bại trận cho Ngụy
vương hay, Ngụy vương cả kinh. Trịnh An Bình nhân dịp xin đem binh ra
trận. Bên Tề anh em tiên phong Tu Văn Long, Tu Văn Hổ cũng lãnh binh
đối địch. Một mình An Bình không sao cự nổi hai anh em họ Tu cho nên
binh Ngụy lại thua một trận to nữa.
Thua luôn hai trận, Ngụy vương lo sợ vô cùng. Sau một lúc bàn bạc
với các cận thần, vua bèn hạ lịnh ra bảng chiêu hiền, treo khắp trong
nước. Ai đánh lui được quân Tề thì thưởng ngàn vàng, phong chức Vạn
hộ hầu, thâu làm phò mã đồng chia hưởng vinh hoa.
Bàng Quyên ở trong Nam lao, nghe tin ấy, bèn hỏi ngục tốt có quả
vậy chăng? Ngục tốt mắng rằng:
- Làm thân thằng tù chết nay sống mai mà chưa biết, lại còn ngóng
chuyện thiên hạ.
Bàng Quyên nói:
- Dẫu phải chết đi tôi cũng an tâm. Song còn sống ngày nào là lo việc
thiên hạ ngày ấy. Tôi là học trò Quỷ Cốc, phép tắc lão thông, há chẳng
cứu được nước Ngụy à? Cứu được mà bỏ qua sao nỡ.
Ngục tốt nghe mấy lời lập tức báo cho ngucï quan. Ngục quan vào tâu
cho vua Ngụy hay. Vua Ngụy cho đòi Bàng Quyên vào hỏi rằng:
- Ngươi chắc có thể đuổi được binh Tề à?
Bàng Quyên tâu:
- Tội thần không dám khoe tài, chớ thật sự có dư đuổi binh Điền Kỵ
vậy.
Vua Ngụy nói:
- Nếu ngươi làm được như vậy thì quả nhân gả công chúa cho.
Nói dứt lời tả hữu lấy áo mão ban cho Bàng Quyên. Bàng Quyên nai
nịt hẳn hòi, cầm binh khí lên ngựa đem binh ra trận.
Điền Kỵ nghe tin có tướng Ngụy bèn đem anh em Tu Văn Long, Tu
Văn Hổ ra trận. Bàng Quyên chỉ vào binh Tề kêu hỏi rằng:
- Điền Kỵ là đứa nào hãy ra mà chịu chết?
Điền Kỵ sải ngựa tới nạt rằng:
- Đừng vô lễ, hãy xưng tên ra mau!
Bàng Quyên đáp:
- Ta là anh hùng cái thế, tên gọi là Bàng Quyên đây.
Dứt lời hai bên liền xáp lại đánh nhau.
Đánh vùi từ trưa tới tối chưa phân thắng bại.