Chiều hôm sau. Vẫn trong căn phòng của tổ chức khủng bố. Annenkov đứng bên cửa sổ. Dora ngồi bên cạnh bàn. ANNENKOV - Họ đã giữ đúng vị trí. Stepan vừa đốt thuốc hút. DORA - Đến mấy giờ thì lão công-tước sẽ đi ngang? ANNENKOV - Lát nữa thôi. Nghe kìa. Có phải tiếng xe ngựa đó không? Không phải. DORA - Anh hãy ngồi xuống. Thử kiên nhẫn xem nào. ANNENKOV - Thế còn những trái bom? DORA - Anh hãy ngồi xuống. Chúng ta không thể làm được gì khác nữa đâu. ANNENKOV - Có chứ. Mong muốn được như các anh ấy. DORA - Vị trí của anh là ở đây. Anh là tổ trưởng mà. ANNENKOV - Tôi là người chỉ huy. Nhưng Yanek tài giỏi hơn chúng tôi nhiều, thế mà anh ấy lại là người, có thể... DORA - Sự nguy hiểm đồng đều cho cả bọn. Cả người ném bom lẫn người không ném bom. ANNENKOV - Rốt cuộc thì cái nguy là cái nguy chung. Nhưng trong lúc này đây. Yanek và Alexis đang đứng trên hoả-tuyến. Tôi biết là tôi không thể sát cánh bên các anh ấy. Thế mà, đôi lúc, tôi lo sợ là mình đã nhận vai trò chỉ huy của mình một cách quá dễ dàng. Nói cho cạn lẽ, bị buộc không phải ném bom thì kể ra cũng là điều dễ chịu. DORA - Như thế đã sao chưa? Điều quan hệ là anh làm những gì phải làm, và làm cho đến nơi đến chốn. ANNENKOV - Cô mới bình tĩnh làm sao! DORA - Tôi đâu có bình tĩnh: tôi sợ hãi đó anh. Đã ba năm rồi tôi hoạt động cùng với các anh, đã hai năm rồi tôi chế tạo bom. Tôi đã làm đầy đủ bổn phận và tôi tin rằng tôi không có khuyết điểm nào. ANNENKOV - Hẳn đi rồi, Dora. DORA - Vậy mà, tôi lo sợ đã ba năm nay, cái nỗi lo sợ mà mình chỉ tạm quên đi trong giấc ngủ, để rồi buổi sáng thức giấc là lại chạm trán ngay với nó. Thế là tôi phải ráng cho quen đi. Tôi đã tập giữ được bình tĩnh vào đúng lúc mà tôi lo sợ nhiều nhất. Thật chẳng có gì đáng tự hào cả. ANNENKOV - Trái lại, nên tự hào lắm chứ. Tôi thì tôi chẳng chế ngự được cái gì cả. Cô có biết rằng tôi hằng luyến tiếc những ngày vui thuở trước, cuộc sống tưng bừng, đàn bà con gái... Thật đấy, tôi khoái đàn bà, rượu, những đêm hoan lạc, không bao giờ dứt đó. DORA - Tôi cũng ngờ anh vậy đó, Boria. Chính vì vậy mà tôi yêu quý anh nhiều đó. Tâm hồn anh còn chưa tê cóng. Dẫu cho là nó còn đam mê khoái lạc thì cũng còn hơn là nỗi im lặng kinh hoàng thường ngự trị vào đúng ngay chỗ của tiếng kêu gào đòi hỏi. ANNENKOV - Cô nói sao? Cô mà nói thế ư? Có thể nào thế được? DORA - Nghe kìa. Dora vùng đứng lên. Có tiếng xe ngựa, đoạn im lặng. DORA - Không. Không phải xe lão ta. Tim tôi đập dữ. Anh thấy không, tôi có bình tĩnh chút nào đâu. ANNENKOV, đi tới bên cửa sổ - Coi chừng, Stepan vừa ra hiệu. Đúng lão ta rồi. Quả thật có tiếng xe ngựa từ xa, dần dần tiến lại gần, chạy ngang dưới cửa sổ rồi xa dần. Im lặng hồi lâu. ANNENKOV - Trong vài giây nữa... Cả hai cùng lắng nghe. ANNENKOV - Lâu làm sao. Dora phác một cử chỉ. Im lặng hồi lâu. Có tiếng chuông vang vọng, nơi xa. ANNENKOV - Vô lý thật. Lẽ ra Yanek phải liệng bom rồi mới phải... Chiếc xe hẳn đã chạy tới nhà hát rồi. Còn Alexis? Coi kìa! Stepan trở lui và chạy về phía rạp hát kìa. DORA, gieo mình vào tay Annenkov - Yanek bị bắt rồi. Chắc chắn là anh ấy bị bắt rồi. Mình phải làm cái gì mới được. ANNENKOV - Khoan đã. (Lắng nghe.) Không. Hết thật rồi. DORA - Làm sao lại như vậy được? Yanek bị bắt khi chưa ra tay kịp sao? Anh ấy sẵn sàng hi sinh, tôi chắc lắm mà. Anh ấy muốn bị bắt giam và đem ra toà xử. Nhưng phải là sau khi giết lão công-tước đã chứ! Không như thế được, không, không thể như thế được! ANNENKOV, nhìn ra ngoài - Voinov kìa! Lẹ lên! Dora ra mở cửa. Voinov vào, nét mặt biến sắc. ANNENKOV - Alexis, nói đi, mau. VOINOV - Tôi không hiểu gì cả. Tôi đợi trái bom thứ nhứt nổ. Tôi trông rõ chiếc xe quẹo ở khúc quanh mà chẳng thấy Yanek làm gì cả. Tôi lo cuống lên. Tôi tưởng là phút chót anh đã thay đổi kế hoạch nên tôi ngần ngại. Thế rồi, tôi bỏ chạy về đây... ANNENKOV - Còn Yanek? VOINOV - Tôi không thấy anh ấy. DORA - Chắc anh ấy bị bắt rồi. ANNENKOV, vẫn nhìn ra ngoài - Yanek kìa? Dora lại ra mở cửa. Kaliayev vào, mặt đầm đìa nước mắt. KALIAYEV, vẻ nhớn nhác - Xin anh em tha lỗi cho tôi. Tôi không thể nào làm được. Dora bước lại gần Kaliayev và nắm lấy bàn tay chàng. DORA - Không sao đâu. ANNENKOV - Chuyện gì đã xảy ra vậy? DORA, nói với Kaliayev - Không sao đâu anh. Đôi khi, vào giây phút chót, tất cả đều sụp đổ. ANNENKOV - Nhưng không thể thế được. DORA - Hãy để cho anh ấy yên đã. Không phải mình anh đâu, Yanek à. Schweitzer cũng thế, mới lần đầu, anh ấy cũng không ném được đâu. ANNENKOV - Yanek này, anh sợ hãi à? KALIAYEV, hốt hoảng - Sợ hãi, không đâu. Anh không có quyền nói thế. Có tiếng chuông nhận theo mật hiệu. Annenkov ra dấu cho Voinov bước ra, Kaliayev mệt lả. Im lặng. Stepan vào. ANNENKOV - Thế nào? STEPAN - Có mấy đứa trẻ trong xe lão quận-công. ANNENKOV - Có trẻ con à? STEPAN - Phải. Hai đứa cháu trai và cháu gái lão ta. ANNENKOV - Theo tin của Orlov thì lão công-tước chỉ đi có một mình. STEPAN - Còn có cả mụ vợ lão ta nữa. Tôi thiển nghĩ dễ chừng, đối với nhà thơ của chúng ta, như vậy có khi quá đông người. Cũng may là bọn cớm không hay biết gì cả. Annenkov thì thầm nói với Stepan. Mọi người đều nhìn Kaliayev lúc đó ngước mắt nhìn lên Stepan. KALIAYEV, vẻ nhớn nhác - Tôi không thể đoán trước... Mấy đứa nhỏ, nhất là mấy đứa nhỏ. Anh có nhìn lũ trẻ nhỏ bao giờ chưa? Cái tia nhìn nghiêm trang mà chúng thường có đó...Một giây đồng hồ trước đó, đứng trong bóng tối, nơi góc quảng trường, tôi đã không khỏi thấy lòng mình sung sướng. Khi ánh đèn của chiếc xe bắt đầu lấp lánh nơi xa, tôi thề với anh là trái tim tôi đã đập rộn lên vì vui mừng đó. Tiếng tim đập này càng lúc càng rộn ràng theo với nhịp bánh xe mỗi lúc một gần, gây xúc động rộn ràng khắp cơ thể tôi. Tôi cứ muốn nhẩy chồm ra. Tôi nghĩ là tôi đã cười. Và tôi tự nhủ " rồi, rồi"... Anh hiểu thế chăng? Chàng thôi nhìn Stepan và trở lại dáng điệu buồn nản. Tôi chạy lại gần cái xe. Chính vào lúc đó mà tôi nhìn thấy chúng. Hai đứa bé, chúng nó không cười. Chúng ngồi thẳng cứng và nhìn vào khoảng không. Trông chúng mới buồn bã làm sao! Đờ đẫn trong bộ lễ phục, tay chúng đặt trên đùi, thân hình thẳng đơ, ngồi hai bên khung cửa xe. Tôi không nhìn thấy bà công-tước. Tôi chỉ thấy lũ nhỏ thôi. Nếu như chúng quay nhìn tôi, tôi nghĩ là tôi đã ném bom. Để ít ra cũng là dập tắt cái tia nhìn buồn thảm ấy. Nhưng chúng vẫn luôn nhìn về phía trước mặt chúng. Chàng ngửng nhìn những người khác. Im lặng. Giọng chàng càng thấp hơn. Thế là tôi không còn biết chuyện gì xẩy ra nữa cả. Tay tôi lại trở nên yếu ớt. Chân tôi run lên. Một giây sau, đã quá muộn rồi. (Im lặng. Chàng cúi nhìn dưới đất.) Dora em, tôi có mơ ngủ không, dường như lúc bấy giờ có tiếng chuông ngân thì phải. DORA - Không đâu, Yanek, anh không ngủ mơ đâu. Dora để bàn tay lên cánh tay Kaliayev. Anh ngửng đầu lên và thấy tất cả các bạn đều quay lại nhìn mình. Kaliayev đứng lên. KALIAYEV - Hãy nhìn tôi đây, hỡi các anh em, hãy nhìn tôi đây, Boria này, tôi đâu phải là người hèn, tôi đã không hề lui bước. Tôi thật không ngờ lại có mấy đứa nhỏ. Mọi việc xẩy ra nhanh chóng quá. Hai khuôn mặt nhỏ nghiêm trang và trong tay tôi gói nặng khủng khiếp này. Phải ném cả cái khối nặng đó lên người chúng. Vậy đó. Thật thẳng. Ồ, không! Tôi không thể nào ném được. Chàng đảo mắt nhìn từ người này sang người khác. Ngày trước, những khi chạy xe ở quê nhà, xứ Ukraine, tôi phóng nhanh như gió, không sợ hãi gì cả. Tôi không hề sợ gì khác là sợ lỡ đụng phải một em nhỏ. Tôi mường tượng ra sự xô đụng, cái đầu mỏng manh đó đập mạnh xuống đường, nát văng tung toé... Chàng im lặng. Các bạn hãy giúp tôi. Im lặng. Tôi đã muốn tự sát. Tôi trở về đây bởi vì tôi nghĩ rằng tôi còn cần phải tường trình cho các bạn rõ, vì duy các bạn là những người có thể phán xét được tôi, vì các bạn sẽ chỉ cho tôi biết là đúng hay sai, vì các bạn thì không thể nào nhầm lẫn được. Nhưng các bạn lại không nói gì hết. Dora lại bên Kaliayev, đến đụng vào người chàng. Kaliayev nhìn mọi người đoạn nói với giọng buồn thảm. Tôi đề nghị với các bạn như thế này. Nếu các bạn quyết định là cần phải giết cả mấy đứa trẻ, tôi sẽ chờ lúc vãn hát và một mình tôi sẽ liệng trái bom vào xe. Tôi biết là tôi sẽ không liệng trật. Các bạn chỉ việc quyết định, tôi sẽ tuân lệnh Tổ-chức. STEPAN - Tổ-chức đã ra lệnh cho anh hạ sát tên công-tước. KALIAYEV - Đúng thế. Nhưng Tổ-chức đã không buộc tôi giết hại trẻ con. ANNENKOV - Yanek có lý đấy. Chi tiết đó không được dự trù. STEPAN - Yanek phải tuân lệnh Tổ-chức. ANNENKOV - Tôi là người chịu trách nhiệm.Mọi việc cần được tiên liệu để cho không ai còn phải do dự về việc mình phải làm. Bây giờ chỉ còn cách quyết định xem là chúng ta sẽ bỏ qua luôn cơ hội này hay là ra lệnh cho Yanek sẽ hành động vào giờ vãn hát. Alexis, chú nghĩ sao? VOINOV - Tôi không rõ nữa. Tôi nghĩ là gặp trường hợp đó, tôi cũng làm hệt như Yanek. Nhưng tôi không tự tin mình lắm. (Thấp giọng.) Tay tôi run lên. ANNENKOV - Còn Dora? DORA, hăng hái - Chắc tôi cũng lui bước, như Yanek vậy. Tôi có thể nào khuyên bảo người khác điều mà tôi không thể làm được chăng? STEPAN - Các đồng chí có biết quyết định đó sẽ ra sao không? Hai tháng trời theo đuổi, trải qua và thoát được bao nhiêu là nguy hiểm, hai tháng trời như vậy là mất công toi. Egor thế là bị bắt oan. Rikov bị treo cổ thật là vô ích. Rồi lại phải bắt đầu lại hay sao? Lại phải rình mò, mưu tính, tinh thần lại phải căng thẳng không ngừng trong nhiều tuần lễ dài đằng đẵng nữa, rồi mới tìm ra một cơ hội thuận tiện khác hay sao? Các đồng chí điên cả rồi à? ANNENKOV - Anh đã biết rõ là trong hai ngày nữa, lão công-tước lại sẽ đi coi hát. STEPAN - Hai ngày mà chúng ta có thể bị tóm cổ, như chính anh từng nói đó. KALIAYEV - Tôi đi đây. DORA - Khoan đã. (Với Stepan.) Anh, anh Stepan, anh có thể nào mở rộng mắt mà thẳng cánh chĩa súng bắn vào một đứa trẻ? STEPAN - Tôi có thể bắn như thế được nếu là Tổ-chức ra lệnh cho tôi. DORA - Tại sao anh lại nhắm mắt lại? STEPAN - Tôi ấy à? Tôi nhắm mắt lại à? DORA - Phải. STEPAN - Nếu vậy là để dễ tưởng tượng ra cảnh đó và để biết rõ nguyên nhân mà trả lời chị. DORA - Anh hãy mở mắt ra và hiểu rằng Tổ-chức có thể mất hết uy quyền và ảnh hưởng nếu Tổ-chức dung thứ, chỉ một lần thôi, cho bom đạn của Tổ-chức xé xác trẻ con. STEPAN - Tôi chẳng hơi đâu mà nghĩ đến những chuyện ngơ ngẩn ấy. Ngày nào chúng ta quyết định gạt sang một bên những đứa trẻ đó đi, ngày đó, chúng ta sẽ là chủ tể thế giới và cách mạng sẽ thành công. DORA - Ngày đó cách mạng sẽ bị toàn thể nhân loại ghét bỏ. STEPAN - Chẳng sao nếu chúng ta yêu cách mạng đủ thiết tha để buộc toàn thể nhân loại phải chấp nhận cuộc cách mạng đó và cứu vớt nhân loại khỏi bản thân nó cùng ách nô lệ của nó. DORA - Và nếu nhân loại từ khước cách mạng thì sao? Và nếu toàn thể nhân dân, khối nhân dân mà vì họ anh đang tranh đấu, lại không chấp nhận cho con cháu họ bị giết thì sao? Lại phải khủng bố chính ngay họ nữa sao? STEPAN - Phải, nếu cần như thế, và cứ khủng bố cho đến khi nào họ mở mắt ra. Chính tôi đây, tôi cũng yêu thương nhân dân. DORA - Tình yêu thương không có bộ mặt đó. STEPAN - Ai bảo vậy? DORA - Tôi, Dora. STEPAN - Chị là đàn bà và chị có ý tưởng đáng buồn về tình yêu. DORA, lớn tiếng - Nhưng tôi có một ý tưởng đúng sự nhục nhã là thế nào. STEPAN - Tôi đã tự biết thế nào là nhục nhã, chỉ một lần thôi, và do lỗi của kẻ khác. Khi người ta đánh đập tôi bằng roi da. Bởi vì người ta đã đánh tôi bằng roi da. Đòn roi da, các đồng chí biết nó ra sao không? Véra lúc đó ở gần tôi và chị ấy đã tự tử để phản đối. Tôi thì tôi còn sống. Giờ đây, việc gì mà tôi còn nhục nữa. ANNENKOV - Stepan, mọi người ở đây đều quý mến và kính nể anh. Nhưng dẫu anh có viện lý lẽ nào đi nữa, tôi không thể để cho anh nói rằng chúng ta muốn làm gì cũng được. Hàng trăm đồng chí của chúng ta đã bỏ mình để cho người khác hiểu rằng không phải ai muốn làm gì cũng được. STEPAN - Không gì cấm đoán điều có thể phụng sự cho lý tưởng của chúng ta. ANNENKOV, giận dữ - Thế ta có quyền, như Evno đã đề nghị, nhập bọn công an để hoạt động hai mang được không? Anh có làm như vậy không? STEPAN - Có, nếu cần như vậy. ANNENKOV, đứng lên - Stepan, chúng tôi sẽ bỏ qua những điều anh vừa nói đó, nhân danh những gì mà anh đã làm cho anh em và cùng với anh em. Nhưng anh cần nhớ lấy điều này. Vấn đề là phải biết, lát nữa đây, chúng ta có liệng bom vào hai đứa nhỏ đó hay không? STEPAN - Mấy đứa nhỏ! Các đồng chí chỉ có mấy tiếng đó trên đầu lưỡi. Vậy các đồng chí không thể hiểu sao? Chính vì Yanek không giết hai đứa nhỏ đó mà hàng ngàn đứa trẻ Nga khác sẽ bị chết đói trong nhiều năm nữa đây. Các đồng chí đã từng thấy trẻ con chết đói bao giờ chưa? Tôi thì tôi đã thấy. Và cái chết vì bom thật là cả một sự huyền diệu bên cạnh cái chết vì đói. Nhưng Yanek có thấy trẻ con chết đói bao giờ đâu. Anh ấy chỉ trông thấy hai con chó làm trò của lão quận-công. Các đồng chí có phải là người không chứ? Các đồng chí chỉ sống trong nội cái khoảnh khắc đó thôi hay sao? Nếu vậy các đồng chí hãy chọn lấy lòng bác ái và hãy chỉ chạy chữa sự đau khổ của từng ngày một, chứ đừng chọn con đường hoạt động cách mạng mà mục đích là chạy chữa tất cả những nỗi đau khổ, bây giờ và mai sau. DORA - Yanek nhận giết lão quận-công vì cái chết của y có thể làm cho đến sớm hơn cái thời gian mà các trẻ em Nga không còn chết đói nữa. Việc đó đã chẳng dễ dàng gì. Nhưng cái chết của hai đứa cháu lão công-tước sẽ không ngăn cản cho bất cứ đứa trẻ nào khác khỏi chết đói. Ngay trong sự phá hoại, cũng phải có một trật tự, phải có những giới hạn. STEPAN, giận dữ - Không có giới hạn nào cả. Sự thực là các đồng chí không tin tưởng ở cách mạng. (Tất cả mọi người đều đứng lên, trừ Yanek.) Các đồng chí không tin gì ở cách mạng hết. Nếu quả thật các đồng chí thật sự tin tưởng, trọn vẹn tin tưởng ở cách mạng, nếu các đồng chí chắc chắn là với những hi sinh của chúng ta, với những thắng lợi của chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng một nước Nga được giải thoát khỏi ách độc tài chuyên chế thành một quê hương của tự do để rồi sau chót sẽ lan rộng ra khắp trái đất, nếu các đồng chí không nghi ngờ rằng lúc bấy giờ, con người, được giải thoát khỏi bọn thống trị và những thành kiến của nó, sẽ ngửng bộ mặt của những thần linh thật sự lên mà nhìn bầu trời, thì cái chết của hai đứa nhỏ có nghĩa lý gì không? Như thế các đồng chí sẽ công nhận mọi thứ quyền hạn, tất cả mọi quyền hạn, các đồng chí nghe chưa. Và nếu cái chết của hai đứa nhỏ làm các đồng chí chùn bước, ấy là các đồng chí đã không tin chắc về quyền hạn của mình. Các đồng chí không tin tưởng gì ở cách mạng cả. Im lặng. Kaliayev đứng lên. KALIAYEV - Stepan, tôi xấu hổ vì tôi thật đó, tuy nhiên tôi không thể để anh nói tiếp. Tôi nhận giết người để lật đổ độc tài. Nhưng phía sau những lời anh vừa nói, tôi lại thấy dấu hiệu một chính thể chuyên chế mà, nếu nó ngự trị được, sẽ biến tôi thành một kẻ sát nhân trong khi tôi cố gắng được là một người thi hành công-lý. STEPAN - Anh có không được là người thi-hành công-lý thì điều đó cũng chẳng có gì đáng kể, nếu như công lý được thực hiện, dẫu bởi những kẻ sát-nhân. Anh và tôi, chúng ta chẳng là gì cả. KALIAYEV - Chúng ta là một cái gì và anh biết rõ như vậy bởi vì chính là nhân danh lòng kiêu ngạo mà bây giờ anh còn đang nói đó. STEPAN - Lòng kiêu ngạo của tôi chỉ là việc của riêng tôi. Nhưng lòng kiêu ngạo của nhiều người, sự phản kháng của họ, nỗi bất công mà họ phải chịu đựng, những cái đó, chính là việc của tất cả chúng ta. KALIAYEV - Người ta không phải chỉ sống bằng công lý. STEPAN - Khi họ bị cướp mất cơm gạo, họ sẽ sống bằng cái gì, nếu không là bằng công lý? KALIAYEV - Bằng công lý và lương tri. STEPAN - Lương tri ư? Có lẽ tôi cũng biết nó đấy. Nhưng tôi cố tình không biết đến nó và làm cho hàng ngàn người khác không biết đến nó, để đến một ngày nó sẽ có một ý nghĩa cao cả hơn nhiều. KALIAYEV - Phải biết chắc là ngày đó sẽ tới để chối bỏ tất cả những gì làm cho một người chấp nhận cuộc sống. STEPAN - Tôi chắc. KALIAYEV - Anh không thể chắc thế được. Muốn biết, anh hay tôi, ai là người có lý, có lẽ phải cần hi sinh tới ba thế hệ, nhiều trận chiến tranh, nhiều cuộc cách mạng khủng khiếp. Khi trận mưa máu đó đã thấm khô trên nền đất, anh và tôi đều đã tan vào cát bụi từ lâu. STEPAN - Lúc đó những người khác sẽ đến và tôi chào đón họ như những anh em. KALIAYEV, hét lên - Những người khác... Phải rồi! Nhưng tôi, tôi yêu thương những ai đang sống ngày hôm nay cùng tôi. Chính vì họ mà tôi tranh đấu và tôi chịu chết. Và cho một thiên đường xa vời, mà tôi không tin là có chắc, tôi sẽ không đến đập lên mặt những anh em của tôi. Tôi không làm tăng thêm nỗi bất công hiện hữu cho một sự công bằng đã chết. (Giọng thấp, nhưng cương quyết.) Các bạn này, tôi muốn nói thẳng với các bạn và ít nhất là nói cho các bạn rõ một điều mà một người nông dân tầm thường nhất cũng có thể nói được: giết hại trẻ con là trái với danh dự. Và, nếu một ngày kia, tôi còn sống, mà cách mạng phải tách rời ra khỏi danh dự, thì tôi sẽ bỏ rơi cách mạng. Nếu các bạn quyết định, lát nữa đây, tôi sẽ đến cổng rạp hát, nhưng tôi sẽ nhào vào chân ngựa. STEPAN - Danh dự là một món xa xỉ dành cho những kẻ lên xe xuống ngựa. KALIAYEV - Không. Danh dự là bảo vật cuối cùng của hạng người nghèo khó. Anh biết rõ như vậy và anh cũng biết là có danh dự trong cách mạng. Chính vì danh dự đó mà chúng ta ưng thuận chết. Chính danh dự đó đã có ngày hun đúc anh dưới trận roi da, Stepan, và chính nó thúc đẩy anh lên tiếng ngày hôm nay. STEPAN, hét lên - Im đi. Tôi cấm anh không được nói đến điều đó. KALIAYEV, nóng nảy - Tại sao tôi lại im đi? Tôi đã để cho anh nói rằng tôi không tin tưởng ở cách mạng. Như thế có nghĩa là anh đã bảo rằng tôi có thể ám sát tên công-tước không vì mục đích nào cả, rằng tôi chỉ là một kẻ sát-nhân. Tôi đã để cho anh nói mà không đập vỡ mặt anh ra. ANNENKOV - Yanek! STEPAN - Đôi khi, thà giết không vì lẽ gì còn hơn không giết đủ. ANNENKOV - Không một ai ở đây đồng ý với anh cả. Đã quyết định xong rồi. STEPAN - Vậy thì tôi xin phục tòng. Nhưng tôi còn nhắc lại là việc khủng bố không thích hợp với những người tế nhị. Chúng ta là những kẻ giết người và chúng ta đã tự ý trở thành sát-nhân. KALIAYEV, mất tự chủ - Không. Tôi đã chọn cái chết để cho sự bạo tàn không thắng được. Tôi đã chọn để là người không -phạm-tội. ANNENKOV - Yanek và Stepan, thôi đi! Tổ-chức quyết định vụ sát hại mấy đứa nhỏ là không cần thiết. Lại tiếp tục cuộc theo dò. Chúng ta phải sẵn sàng bắt đầu lại trong hai ngày nữa. STEPAN - Và nếu lần sau lại vẫn có mấy đứa nhỏ? ANNENKOV - Chúng ta sẽ chờ một cơ hội khác. STEPAN - Và nếu mụ vợ lão công-tước đi cùng với chồng? KALIAYEV - Tôi sẽ không tha mụ ta. ANNENKOV - Nghe kìa. Có tiếng xe ngựa. Không dừng được, Kaliayev tiến lại gần cửa sổ. Những người khác chờ đợi. Chiếc xe lại gần, chạy ngang dưới cửa sổ rồi biến hẳn. VOINOV, nhìn Dora đang đi lại phía mình - Ta bắt đầu lại, Dora.... STEPAN, vẻ khinh bỉ - Phải, Alexis, bắt đầu lại... Nhưng cũng phải làm một cái gì cho danh dự chớ!