Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
Chương 2

Kumalo bắt đầu cầu nguyện đều đều trong giáo đường cho sự phục sinh của Ndotsheni. Nhưng ông biết rằng chỉ cầu nguyện thôi thì chưa đủ. Ở một nơi nào đấy trên trái đất này, con người phải đoàn kết với nhau, mưu tính cái gì, làm cái gì đó. Nhìn miền đồi chung quanh, ông chỉ thấy hai người có thể giúp ông được: vị Tù trưởng và ông Hiệu trưởng. Vị Tù trưởng là một người cao lớn đẫy đà, bận quần cụt, đội một cái mũ nồi bằng da lông y như người ở xứ lạnh vậy, và cùng với một số cố vấn cưỡi ngựa đi thăm khắp trong miền mà chẳng ai biết các cố vấn ấy giúp ông ta được những ý kiến gì. Ông Hiệu trưởng là một người nhỏ bé tươi cười, đeo một cặp kính tròng to, ngồi trong một phòng giấy đầy những thông cáo xanh dương, đỏ, xanh lá cây. Kumalo đi thăm vị Tù trưởng trước cho phải phép.
Hôm đó, mới ban sáng mà đã nóng chịu không nổi, trời không gợn một đám mây, không có một dấu hiệu nào là sắp mưa. Chưa bao giờ miền này bị hạn hán như vậy. Các ông già bà cả lớn tuổi nhất chưa bao giờ thấy năm nào mà lá rụng như bây giờ, chẳng bao lâu cây cối sẽ rụng hết như giữa mùa đông; trẻ con mặc dầu chân đã chai mà cũng phải chạy vội từ bóng mát này qua bóng mát khác vì đất nóng như lửa. Dẫm lên cỏ thì cỏ gẫy kêu răng rắc như sau một cơn đốt đồng, và khắp trong thung lũng, dòng suối nào cũng cạn khô. Ngay trên đỉnh đồi, cỏ cũng vàng úa; trên cao cũng như dưới thấp, không cầy cuốc gì được cả. Ánh nắng từ trên trời tàn khốc đổ xuống, và các đàn bò gầy giơ xương, uể oải lang thang khắp cánh đồng tới các dòng suối cạn, gậm hết những cọng cỏ đã trụi hết bên dòng suối.
Kumalo leo ngọn đồi lên nhà viên Tù trưởng. Người ta bảo ông ngồi đợi một chút. Điều đó có chi lạ: một viên Tù trưởng muốn bắt ai đợi thì cũng được, vì là Tù trưởng mà. Nếu ông ta muốn thì có thể bắt người ta đợi để ông xỉa răng hoặc ngồi mơ mộng, nhìn bông lông xuống thung lũng. Kumalo mừng rằng như vậy được nghỉ ngơi một chút. Ông cởi áo ngoài ra, ngồi dưới bóng một căn chòi mà suy nghĩ về thói cư xử của các Tù trưởng. Nhưng ai mà muốn là Tù trưởng một miền hoang tàn như miền này? Đây là chính sách của người da trắng: diệt hết các Tù trưởng đi rồi phục hồi họ lại để kết hợp các manh mún của cộng đồng lại với nhau, sau khi đã chiếm miếng tốt nhất. Và người ta thấy một số Tù trưởng ngạo nghễ, mắt đỏ rần, cai trị những tiểu bang chẳng ra cái quái gì cả. Không phải hết thảy họ đều như vậy; một vài vị cũng rán giúp đỡ dân chúng, cho con đi học. Chính phủ cũng giúp đỡ những vị đó, nhưng chẳng qua cũng như cho một ông lão uống sữa, mà mong rằng ông ta sẽ trẻ lại như hồi bé.
Kumalo bỗng giật mình thấy quãng đường mình đã qua từ hồi ra Johannesburg. Châu thành lớn đó đã mở mắt cho ông và ông đã hiểu rằng có cái gì đó đã bắt đầu, bây giờ cần phải tiếp tục. Vì ở ngoài Johannesburg kia nhiều biến cố đã xảy ra, có tùy thuộc vào Tù trưởng nào đâu. Có người ra bảo ông vua của bộ lạc cho gọi ông vô và ông đứng dậy.
Ông xá dài, tỏ vẻ hết sức cung kính vì ông lạ gì, các Tù trưởng rất để ý tới cái đó.
- Umfundisi muốn gì đây?
- Bẩm Inkosi (1), tôi có ra Johannesburg.
- Phải, tôi có nghe nói.
- Bẩm Ikosi, có nhiều người trong bộ lạc mình ra ngoài đó làm ăn.
- Phải.
- Bẩm Inkosi, tôi trộm nghĩ phải rán giữ một số bọn đó lại cho thung lũng này.
- A, làm sao giữ họ được?
- Bằng cách chăm nom săn sóc đất đai cho kịp, kẻo trễ quá. Dạy họ cách chăm sóc đất đai. Như vậy ít nhất cũng có được một số người ở lại Ndotsheni.
Viên Tù trưởng làm thinh, suy tư và trong lúc đó không ai được phép quấy rầy ông ta. Kumalo thấy rõ ràng ông ta không biết nói sao. Ông ta bắt đầu thốt vài tiếng rồi hoặc ông ta tự ý ngưng lại, hoặc ông ta không biết nói sao cho hết câu, Kumalo không hiểu được là nguyên do nào. Sự thực đó là thái độ tự nhiên của một người có ai hỏi mình một vấn đề nghiêm trọng, chính mình đã nhiều lần suy nghĩ mà không kiếm được giải pháp.
Rốt cuộc ông ta cũng bảo rằng:
- Tôi cũng đã thường nghĩ tới những vấn đề quan trọng đó.
- Dạ.
- Và tôi cũng đã nghĩ cách phải làm sao.
- Dạ.
- Cho nên tôi mừng rằng Umfundisi cũng đã nghĩ đến như tôi.
Viên Tù trưởng lại làm thinh và Kumalo thấy rằng ông ta đương tìm tiếng.
- Umfundisi biết chứ, từ lâu chúng ta đã dạy những điều đó ở trường học. Quan thanh tra da trắng và bản chức đã nhiều lần bàn về vấn đề đó.
- Bẩm Inkosi, tôi được biết vậy.
- Quan thanh tra sắp trở lại đây, chúng tôi sẽ bàn lại.
Viên Tù trưởng có giọng hy vọng và lạc quan như thể chính câu cuối đó đưa ra một giải pháp thỏa mãn. Kumalo biết rằng cuộc hội kiến tới đây sắp chấm dứt, và mặc dầu biết rằng như vậy là không phải, ông cũng gom hết can đảm lại, cất giọng lên thưa.
- Bẩm Inkosi.
Để tỏ ý rằng muốn nói gì thêm nữa.
- Chi vậy?
- Bẩm Inkosi, quả thực trường đã dạy những điều đó từ mấy năm nay. Nhưng chỗ người ta dạy đó, coi mà thấy buồn. Không có cỏ, cũng không có nước. Và ngay khi trời mưa thì bắp cũng không cao tới đầu người. Bò chết lần chết mòn ngay trên đồng và người ta không có sữa uống. Đứa con của Malusi đã chết, đứa con của Kuluse cũng sắp chết. Còn bao nhiêu kẻ sẽ phải chết nữa, chỉ Tixo mới biết được.
Kumalo nhận thấy rằng mình mới thốt những lời tàn nhẫn, chua chát làm tiêu tan cả hy vọng và lạc quan, như vậy hậu quả không thể tốt đẹp được. Viên Tù trưởng có thể nổi giận được lắm không phải vì lời của Kumalo đúng, mà vì Kumalo không muốn cho câu chuyện chấm dứt ở đó.
- Umfundis, trời hạn hán mà. Đừng quên rằng trời hạn hán chứ.
Kumalo cung kính đáp:
- Bẩm, tôi không quên rằng trời hạn hán. Nhưng hạn hán hay không thì năm nào cũng vậy.
Viên Tù trưởng lại làm thinh vì không biết nói gì cả. Có lẽ ông ta cũng tính nổi dóa cắt ngang câu chuyện cho xong đi, nhưng trước mặt một mục sư, thái độ đó không tiện.
Sau cùng ông ta miễn cưỡng nói:
- Tôi sẽ bàn với quan Tỉnh trưởng.
Rồi ông ta buồn rầu nói thêm:
- Vì chính mắt tôi cũng thấy những cái đó.
Ông ta ngồi trầm ngâm một lúc rồi miễn cưỡng nói, vì điều đó khó nói quá:
- Tôi đã có lần nói với quan Tỉnh trưởng.
Ông ta cau mày bối rối. Kumalo biết rằng cuộc hội kiến chẳng đưa tới đâu nữa, nên cựa cậy để viên Tù trưởng biết rằng ông sẵn sàng ra về. Trong khi chờ đợi, ông nhìn mấy người cố vấn đứng phía sau viên Tù trưởng và thấy họ cũng bối rối cau mày, và trong vấn đề này, họ chẳng có ý kiến nào cả. Vì các vị cố vấn của một bộ lạc tan rã có thể góp ý về mọi vấn đề, trừ vấn đề nào liên quan tới sự tan rã của bộ lạc.
Viên Tù trưởng nặng nề đứng dậy, chìa tay cho vị mục sư bắt:
- Tôi sẽ lại thăm quan Tỉnh trưởng. Umfundisi về mạnh giỏi.
- Inkosi ở lại mạnh giỏi.
Kumalo xuống đồi, đi một mạch về giáo đường. Tới nơi, ông cầu nguyện cho viên Tù trưởng và cho sự phục sinh của Ndotsheni. Ngôi giáo đường cất bằng gỗ và tôn nóng như một cái lò, mà tinh thần ông mệt mỏi, hy vọng ông tiêu tan trong hơi nóng ngột ngạt đó. Cho nên ông chỉ cầu nguyện rất vắn tắt: “ Ôi Thượng Đế, con xin giao phó xứ Ndotsheni này vào tay Ngài ”. Rồi ông trở ra lại đi dưới ánh nắng đến thăm ông Hiệu trưởng.
Lần này ông không thành công gì hơn. Đeo cặp kính lớn, ông Hiệu trưởng tỏ vẻ ân cần nhã nhặn, đưa cho mục sư coi những giấy má, mà ông ta gọi là kế hoạch của ông, có hình vẽ các loại hoa, các hạt giống và có các mẫu đất đựng trong ống. Ông ta giảng rằng là trường học rán làm cho đời sống của trẻ liên lạc với đời sống của cộng đồng, và đưa ông coi các thông tư của chính quyền ở Pietermaritzburg về vấn đề đó. Ông ta dắt Kumalo ra ngoài nắng chang chang chỉ cho coi khu vườn của trường, nhưng dó chỉ là một thứ bài giảng suông ở trường vì làm gì có nước, mà cây cối chết khô hết rồi. Nhưng có lẽ chẳng tới nỗi suông như vậy đâu vì mọi vật trong thung lũng này đều chết, ngay trẻ con cũng đương chết đây nữa.
Kumalo hỏi ông Hiệu trưởng làm sao giữ được một số trẻ ở lại Ndotsheni. Và ông Hiệu trưởng lắc đầu, kể ra những nguyên nhân kinh tế và bảo rằng trường học chẳng có quyền hành gì cả.
Thế là Kumalo trở về giáo đường ngồi thừ ra, mất tinh thần. Còn đâu cái mộng lớn lao mà ông đã có ở Ezenzeleni, còn đâu cái mộng phát sinh sau nỗi đau khổ vô cùng đó? Có cách nào đâu để làm cho giáo khu của ông thành một nơi tín đồ ông sống đàng hoàng, con cái được giáo dục, đào tạo nên người? Tại ông già rồi, đời như bỏ đi rồi chăng? Hay tại mộng của ông chỉ là một ảo vọng và những việc đó vô phương cứu chữa? Không có một sức mạnh nào, trừ sức vạn năng của Thượng Đế, có thể tạo một phép mầu như vậy. Ông lại cầu nguyện vắn tắt: “Ôi, Thượng Đế, con giáo phó xứ Ndotsheni này vào tay Ngài ”.
Ông vô nhà trong hơi nóng nghẹt thở, ông gắng sức tính toán sổ sách của giáo đường cho tới khi nghe thấy tiếng vó ngựa, trước giáo đường. Ông rời cái ghế dựa, đứng dậy bước ra coi xem dưới ánh nắng ghê gớm như vầy ai mà cỡi ngựa đi chơi đây. Và trong vài giây, ông ngạc nhiên tới nín thở vì thấy một em trai da trắng giống hệt một em khác hồi xưa cũng thường cỡi ngựa qua đây.
Em đó mỉm cười với Kumalo, cất nón lưỡi trai chào ông.
Kumalo nửa hãnh diện kỳ dị, nửa xấu hổ kỳ dị rằng em ấy chào mình như vậy; ông ngạc nhiên, em không biết tục lệ ở đây (2). Ông đáp:
- Chào Inkosana (3), trời nóng như vầy mà cỡi ngựa đi chơi.
- Tôi không thấy nóng lắm. Giáo đường của ông đây hả?
- Phải, giáo đường của tôi đấy.
- Trường tôi học cũng thuộc về một giáo đường, giáo đường Thánh Mark.
- Tiểu giáo đường của Inkosana chắc đẹp hơn giáo đường này nhiều?
Em đó mỉm cười:
- Phải, đẹp hơn nhiều. Dĩ nhiên rồi vì ở châu thành mà. Phải nhà ông đây không?
- Phải, nhà tôi đấy.
- Tôi vô coi một chút được chứ? Tôi chưa bao giờ vô nhà một mục sư, tôi muốn nói một mục sư bản xứ.
- Xin mời Inkosana vô.
Em đó từ trên lưng ngựa tuột xuống, cột ngựa vào một cái cọc đã cắm sẵn cho ngựa những người tới giáo đường. Em chùi chân vào tấm thảm đã cũ sờn ở trước của nhà Kumalo, rồi tay cầm chiếc nón lưỡi trai, em bước vô nhà.
- Nhà đẹp đấy. Tôi không ngờ nhà đẹp như vầy.
Kumalo nhẹ nhàng đáp:
- Không phải nhà nào của chúng tôi cũng được như vầy. Nhưng nhà một mục sư thì phải sạch sẽ, coi được. Inkosana đã coi các nhà của các người bản xứ khác chưa?
- Có, thiếu gì. Chung quanh trại của ông nội tôi đó. Không đẹp như nhà này đâu. Ông đương làm việc đấy hả?
- Phải, Inkosana.
- Y như là số học đấy nhỉ?
- Chính là số học. Sổ sách của giáo đường đấy.
- Tôi không biết rằng giáo đường cũng làm sổ sách đấy. Tôi cứ tưởng các cửa hàng mới làm sổ sách.
Kumalo cười. Rồi lại cười nữa, làm cho em đó phải hỏi:
- Tại sao ông lại cười?
Nhưng chính em cũng cười, không thấy phật ý chút nào cả.
- Chẳng có gì cả, buồn cười vậy thôi, Inkosana.
- Inkosana? Có phải nghĩa là Inkosi nhỏ không?
- Nghĩa là Inkosi nhỏ. Nghĩa là cậu chủ.
- Tôi biết rồi. Còn ông thì người ta gọi ra sao? Như tôi phải gọi ông ra sao?
- Gọi là Umfundisi.
- Tôi biết, Umfundisi.
- Không, Umfundisi, chứ không phải là Imfundisi
- Umfundisi, nghĩa là gì?
- Nghĩa là mục sư.
- Tôi ngồi được không Umfundisi? – Em rán phát âm cho đúng tiếng này – Như vậy có phải phép không?
Kumalo cố nhịn cười.
- Phải lắm chứ. Inkosana có muốn uống nước không? Thấy Inkosana nực nội quá.
- Tôi muốn được một ly sữa. Thật lạnh, ở tủ lạnh ra.
- Inkosana, ở Ndotsheni này làm gì có tủ lạnh.
- Vậy thì sữa thường cũng được, Umfundisi.
- Inkosana, ở Ndotsheni này không có sữa.
Em đó đỏ mặt lên.
- Xin Umfundisi một ly nước lạnh vậy.
Kumalo đem nước lạnh tới; trong khi em đó uống, Kumalo hỏi:
- Inkosana, còn ở đây bao lâu?
- Không lâu nữa đâu, Umfundisi.
Em uống tiếp rồi nói:
- Lúc này trường học không nghỉ. Chúng tôi về đây vì có lý do riêng.
Kumalo nhìn em, nghĩ bụng:
- Tôi biết lý do của em, em có tang cha.
- Nước thì gọi là amanzi, phải không Umfundisi?
Không thấy Kumalo đáp, em hỏi lại:
- Phải không, Umfundisi?
Rồi lập lại nữa:
- Umfundisi!
- Cái gì em?
- Nước thì gọi là amanzi, phải không Umfundisi?
Kumalo bừng tỉnh, nhìn nét mặt nghiêm trang của em, rồi mỉm cười đáp:
- Đúng, Inkosana.
- Và ngựa gọi là ihashi?
- Cũng đúng nữa.
- Còn nhà gọi là ikaya?
- Đúng nữa.
- Tiền gọi là imali?
- Đúng nữa.
- Em trai Umfana?
- Đúng.
- Bò cái là inkomo?
Kumalo bật cười:
- Thủng thẳng, thủng thẳng chứ, tôi theo không kịp, hết hơi rồi.
Ông làm bộ hổn hển, ngồi xuống chiếc ghế dựa, lấy khăn chùi trán, bảo:
- Chẳng bao lâu nữa, Inkosana sẽ nói được tiếng Zulu.
- Tiếng Zulu dễ mà. Mấy giờ rồi Umfundisi?
- Muời hai giờ, Inkosana.
- Trèng ơi, tôi phải về thôi. Cảm ơn Umfundisi đã cho uống nước.
Em trở ra chỗ cột ngựa, la lớn:
- Đỡ giùm tôi leo lên yên với.
Kumalo đỡ em leo lên yên, em bảo:
- Tôi sẽ trở lại thăm Umfundisi, tôi sẽ nói tiếng Zulu nữa với Umfundisi.
Kumalo cười:
- Inkosana cứ tới, tôi mừng lắm.
- Umfundisi nè?
- Gì vậy, Inkosana?
- Tại sao Ndotsheni không có sữa? Có phải vì mọi người đều nghèo không?
- Phải, Inkosana.
- Thế rồi em bé làm sao?
- Chúng chết lần mòn cậu ạ. Hiện bây giờ có em sắp chết.
- Ai sắp chết?
- Em bé gia đình Kuluse.
- Bác sĩ không tới ư?
- Có, bác sĩ có tới.
- Bác sĩ nói sao?
- Bác sĩ bảo phải cho em bé uống sữa.
- Và cha mẹ em nói sao?
- Cha mẹ em đó nói: Thưa bác sĩ chúng tôi đã nghe người ta bảo như vậy rồi.
Cậu bé hạ giọng xuống, bảo:
- Tôi hiểu rồi.
Cậu cất nón ra vẻ long trọng:
- Chào, Umfundisi.
Mới đầu còn cho ngựa đi bước một, sau thấy nhiều người đứng ở lề đường ngó mình, cậu cho ngựa phi trong đám bụi nóng hổi.
 
 
 
Tới tối, trời mát mẻ, dễ chịu được một chút. Trong khi ông bà Kumalo, con dâu và đứa nhỏ đương ăn, thì có tiếng xe bò ngừng ở trước cửa. Có ai gõ cửa, rồi người thân tín đã xách giùm tay nải cho Kumalo hôm trước bước vô.
- Kính chào Umfundisi. Kính chào thím.
- Em đấy ư? Ngồi xuống ăn với chúng tôi.
- Cảm ơn Umfundisi. Tôi phải về nhà. Ghé đây vì có người nhắn Umfundisi chút việc.
- Nhắn tôi ư?
- Dạ, ông Jarvis nhờ. Phải cậu em da trắng hôm nay đã tới đây?
Kumalo có cảm giác sợ sệt, bây giờ mới nhận thấy cuộc gặp mặt ban sáng có thể sinh chuyện. Ông đáp:
- Phải, cậu ấy có tới đây.
Người kia nói tiếp:
- Chúng tôi đương làm vườn, thì cậu ấy cỡi ngựa về. Tôi không hiểu tiếng Anh, chỉ đoán cậu ấy nói với cha mẹ về em bé gia đình Kusule. Và Umfundisi ra coi tôi mang gì tới cho Umfundisi này.
Trước cửa có một chiếc xe bò, và trên xe bò, lấp lánh mấy thùng sữa.
Người đó nói, ra vẻ quan trọng lắm:
- Sữa này chỉ phát cho trẻ em thôi, cho những trẻ chưa đi học. Và Umfundisi phải đích thân phát. Và những bao này dùng để phủ lên những thùng sữa, các em nhỏ phải lấy nước tưới lên bao. Và mỗi buổi sáng tôi sẽ lại đây lấy thùng không về. Như vậy cho tới khi nào cỏ mọc và chúng ta lại có sữa uống.
Người đó xách mấy thùng từ trên xe xuống hỏi:
- Umfundisi, tôi đặt đâu bây giờ?
Kumalo đứng ngẩn người ra, không thốt được lời nào. Bà vợ bảo:
- Đem vô phòng của Umfundisi trong giáo đường ấy.
Họ đem vô rồi, khi trở ra, người đó hỏi:
- Umfundisi có muốn nhắn gì ông uJarvis không?
Kumalo lắp bắp, ấp úng, chỉ ngón tay lên trời. Người đó bảo:
- Tixo sẽ phù hộ ông ta.
Kumalo gật đầu. Người đó nói tiếp:
- Tôi mới lại làm ở đó được một tuần. Nhưng ngày nào ông ấy bảo tôi chết thì tôi sẽ chết.
Người đó lại trèo lên xe, cầm dây cương. Có vẻ kích thích, hân hoan, thích thú nói:
- Thấy tôi ngồi xe này trở về nhà, nhà tôi sẽ tưởng rằng tôi đã được phong chức Tỉnh trưởng.
Mọi người đều cười. Kumalo lúc này mới hết sững sờ, cũng cười nữa; con người tầm thường này mà làm Tỉnh trưởng; Tỉnh trưởng gì mà ngồi xe bò như vầy. Ông lại cười nữa: người lớn mà sao nói đùa như vậy nhỉ; ông lại cười nữa vì nghĩ rằng em bé gia đình Kuluse đã sống được; ông lại cười nữa khi nghĩ tới con người nghiêm khắc ít nói ở High Place. Ông quay vô nhà, cười đến thắt ruột lại, làm cho bà vợ trố mắt ra nhìn.
 
Chú thích: 
1. Nghĩa là: chú.
2. Người da trắng dù là nhỏ tuổi cũng không lễ phép chào người da đen dù là già cả, có chức tước.
3. Có nghĩa là cậu chủ.