(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Kế hoạch SHO

    
rong khi các biến cố trên đây đang diễn tiến, dân chúng Nhật Bản đột nhiên ý thức được mức độ trầm trọng của tình hình. Sự thảm bại của hạm đội lưu động số 1 của Ozawa và cuộc xâm chiếm quần đảo Mariannes không còn có thể được che đậy nữa, và các chuyển động chính trị đã nối tiếp theo đó. Khi tin tức Saipan thất thủ được loan truyền, Tướng Tojo người đòi hỏi “danh dự được đứng ra phòng vệ đảo này”, bị cưỡng bách từ chức. Để thay ông ta trong chức vụ Thủ tướng, Thiên hoàng chọn lựa vị Đô đốc già Suzuki, chiến sĩ kỳ cựu thời chiến tranh Nga-Nhật nổi tiếng là có tư tưởng ôn hòa. Chính phủ mới đã thực hiện các nỗ lực lớn lao để tăng gia tốc độ sản xuất phi cơ, chiến hạm và những đường biểu diễn năng suất kỹ nghệ chiến tranh bắt đầu nhích lên đôi chút.
Nhưng thì giờ thiếu hụt. Hạm đội liên hợp trở thành chiến lũy cuối cùng chống cự cuộc xâm chiếm quần đảo Nhật Bản, và sự khôn ngoan dường như buộc phải tập trung hạm đội vào Nội hải, đặt dưới sự che chở của Không quân trên đất liền, hầu có đủ thời gian cần thiết để tái trang bị phi cơ và phi công cho hạm đội. Khốn thay, giải pháp này lại không thể áp dụng được vì tình trạng thiếu dầu cặn tại chính quốc. Đô đốc Toyoda bị lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc gửi các chiến hạm của ông xuống phía Nam, nơi chúng có thể tìm thấy dầu cặn cần thiết, nhưng lại không thể tiếp nhận cả đạn được lẫn phi cơ, hoặc giữ chúng lại trong Nội hải, nơi chúng có thể tiếp nhận vũ khí mới ra lò, nhưng lại không tìm đâu ra dầu cặn để nhổ neo ra khơi. Ông bèn chọn lựa một giải pháp trung dung: Tất cả các thiết giáp hạm và tuần dương hạm được gửi xuống phía Nam, chỉ một mình hạm đội lưu động số 1 còn gồm có một mẫu hạm nặng và ba mẫu hạm nhẹ là được tiếp tục giữ lại trong Nội hải.
Sau khi tập họp được trong vùng biển Brunei, phía bắc Bornéo, hải đoàn thiết giáp hạm của Đô đốc Kurita dường như trở nên một lực lượng đáng sợ với bảy thiết giáp hạm - trong đó có hai chiếc khổng lồ Yamato và Musachi và 13 tuần dương hạm chạy nhanh, được võ trang hùng hậu. Nhưng hải đoàn này lại hoàn toàn lệ thuộc vào sự che chở của các không đoàn đặt căn cứ trên đất liền tại Đài Loan, Lujon, Leyte và Mindanao, mỗi khi nó tiến ra khỏi căn cứ tập trung.
Kế hoạch của Toyoda - kế hoạch Sho - tiên liệu sự đột nhập lần lượt các chiến hạm của hải đoàn Kurita vào hải phận Phi Luật Tân để tiêu diệt đoàn quân đổ bộ của Mỹ khi họ tiến gần đến Leyte, bằng đại bác hạng nặng trên chiến hạm. Hải đoàn sẽ được chia làm hai đội, một hải đội sẽ chạy qua quần đảo Phi Luật Tân về phía bắc và ló ra khỏi eo biển San Bernardino trong lúc hải đội thứ hai tiến qua quần đảo theo ngõ phía Nam, mượn đường eo biển Surigao.
Toyoda hy vọng rằng các không đoàn trên quần đảo Phi Luật Tân đủ sức che chở cho các thiết giáp hạm của ông và các không đoàn đặt căn cứ trên đảo Đài Loan sẽ giúp đỡ Ozawa khi ông ta đương đầu với các mẫu hạm Mỹ. Niềm hy vọng này rất mong manh vì lẽ sự tiêu hao liên tục mà các không đoàn phải gánh chịu trong các đợt oanh tạc tàn phá của không quân Mỹ. Trong hải đoàn của Kurita, nhiều lời phản đối đã được nêu lên nhằm chống lại ý định điên rồ là đưa “tinh hoa của hạm đội Nhật đến chỗ hy sinh” mà không có không lực che chở để tấn công vào lực lượng hải quân thủy bộ của Mỹ. Nhiều sĩ quan do các bản cử làm đại diện, đã đến trình bày những lo ngại với Đô đốc, trên thiết giáp hạm Musachi: “Chúng tôi không sợ chết, nhưng chúng tôi tâm niệm phải cứu vãn danh dự của Hải quân Nhật. Nếu thấy Hải quân bị hy sinh cho một nhiệm vụ nhục nhã như vậy, các Đô đốc Togo và Yamamoto sẽ khóc dưới nấm mồ của họ!” Kurita trả lời: “Tôi biết rằng nhiều người trong các anh không chấp nhận cuộc chiến đấu mà Tổng hành dinh Thiên hoàng chỉ định cho chúng ta, nhưng tình hình nghiêm trọng đến mức không một ai trong các anh có thể tưởng tượng được. Nếu hạm đội của chúng ta bất động trong khi dân tộc bị đe dọa tiêu diệt thi há chẳng đáng hổ thẹn lắm sao? Tổng hành dinh cho chúng ta một cơ may. Phải chấp nhận nó. Ai có thể quả quyết rằng không có cơ may nào để thay đổi chiều hướng chiến tranh bằng một trận chiến quyết định? Các anh cần phải nhớ rằng đôi khi phép lạ vẫn xảy ra!”.
Lúc ấy các sĩ quan có mặt đanh người lại trong cái đập gót chào và hoan hô Đô đốc với tiếng la rung chuyển “Banzai”. Khi trở về tàu của mình, họ đã lặp lại cho tất cả mọi người những lời nói đầy hy vọng mà họ vừa nghe và công việc chuẩn bị liền được tiếp tục trong sự chờ đợi các đại biến cố được loan báo.
Trong bản doanh đặt dưới hầm thuộc Viện Đại học Keio, Toyoda không có ảo tưởng nào về các thiếu sót của kế hoạch Sho. Sự yếu kém của không lực đặt căn cứ trên đất liền đã khiến ông ưu tư hơn bao giờ hết. Những phi công ưu tú nhất của không lực thuộc hải quân đã được tập họp tại Đài Loan, đặt dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Fukudomé (Đệ nhị Không lực). Ông cũng muốn thực hiện một nỗ lực tương tự để tăng cường cho đệ nhất không lực đồn trú tại Phi Luật Tân và giao quyền chỉ huy cho Phó đô đốc Onishi.
Tại Đông Kinh, Phó đô đốc Takiri Onishi nắm giữ các chức vụ quan trọng của người chỉ huy ngành vật liệu cho không lực của hải quân trong Bộ Võ trang. Đấy là một phi công kỳ cựu luôn luôn có mặt để trám kẽ hở. Ông đã từng chiến đấu tại Trung Hoa trước khi trở thành cánh tay mặt của Đô đốc Yamamoto để cùng soạn thảo kế hoạch trứ danh nhằm tấn công vào Trân Châu Cảng. Sau đó ông đã chỉ huy một trong các không lực, mà trong tháng 12 năm 1941, đã quét sạch bầu trời Thái Bình Dương từ Phi Luật Tân cho đến các thuộc địa của Hòa Lan và đánh chìm hai thiết giáp hạm của Anh, chiếc Prince of Wales và chiếc Repulse. Toyoda rất coi trọng ông; ông ta biết rằng sự chọn lựa của mình sẽ được nhất trí chấp thuận. Mặc dầu các chức vụ tại Đông Kinh rất quan trọng, Toyoda yêu cầu ông lên đường đi Manile ngay lập tức.