ôm sau, Lam Y thuật lại ý định của huyện quan cho Kỳ lão nghe, bảo đón Kỳ Tố Loan về nhà chờ Dương Cảnh Thái sẽ được tha về. Kỳ lão mừng rỡ tạ ơn, vội vào nhà trong nói cho vợ hay tin lành. Lam Y ngỏ ý nhờ họ Kỳ gọi thợ may gấp mấy bộ quần áo. Kỳ lão nói: - Việc ấy khỏi cần gọi thợ, nhà đã có sẵn sàng, mấy đứa cháu gái đều biết nghề may, chắc chắn thế nào tối cũng xong. Trưa hôm ấy, Kỳ lão bà ngắm đón con gái về nhà. Kỳ Tố Loan mừng rỡ phát khóc, ra quỳ lạy tạ ơn Tam hiệp. Lam Y thấy nàng dịu dàng thì rất quý mến đỡ dậy và đưa tặng nàng hai đĩnh vàng, nhưng giấu không cho biết là vàng lấy của họ Hồ, e nàng không nhận. Tố Loan ngần ngại trước số vàng lớn quá. Lam Y nói: - Thái thái cứ nhận để làm vốn, không phải của phi nghĩa đâu mà sợ. Lúc đó, Kỳ thị mới dám nhận vàng tạ ơn lui vào nhà trong. Nàng không ngờ gia đình nàng trong cơn phong ba bão táp những tưởng bị sụp đổ, tan nát, dè đâu có ba người xa lạ từ đâu tới cứu giúp, gây dựng cho. Âu đó cũng là kết quả của sự hiền đức của vợ chồng nàng. ° ° ° ° ° Y phục trang nam làm xong, Lam Y rủ Âu Dương Bích Nữ vào phòng vận thử. Lát sau, hai người xúng sính đi ra khiến cả gia đình Kỳ Thúc Dạ và Chu Đức Kiệt cũng phải ngạc nhiên khen ngợi là hai trang mỹ nam tử. Lam Y vận bộ đồng màu lam bạc, khăn, hài đồng màu. Âu Dương Bích Nữ dùng màu huyết dụ hoa vàng lóng lánh. Cả hai người cùng gương mặt trái xoan, trắng hường, mũi cao, môi thắm, mắt huyền. Hai màu áo tuy sẫm nhưng lộng lẫy làm nổi bật nước da mơn mởn tựa anh đào. Lam Y cười khanh khách, đi đi lại lại hỏi: - Thế nào? Trông có hệt con trai không? Dựa lưng vào án thư, tay khoanh trước ngực, Chu Đức Kiệt đăm đăm nhìn hai người khen: - Giống lắm! Phan An, Tống Ngọc khi xưa bất quá cũng đến thế là cùng! Thiệt là đôi phong lưu công tử lại điểm thêm nét mã thượng giang hồ! Tuyệt, ngắm không biết chán! Thế này thì đến gái phòng khuê các ngọc cũng điên đảo xao xuyến tâm hồn, đừng nói chi bọn nhi vũ nữ đa tình. Âu Dương Bích Nữ khẽ lườm Chu Đức Kiệt: - Gớm! Chu huynh khen một thôi, một hồi như thể là tay thạo về mỹ nhân lắm! Lam Y cười: - Chu huynh bình sanh ít nói, nhưng khiếu thẩm mỹ quả ít người bì kịp, hiền muội à! Lúc dí dỏm, Chu huynh có duyên lạ thường, nhưng khi nghiêm nghị thì cũng khiến nhiều người phải sợ!... Nào, ta đi thay áo nghỉ sớm, mai còn lên đường. Sáng hôm sau, Bàng giáo đầu tới đón. Bọn Đức Kiệt đeo hành lý, gởi khí giới ở nhà Kỳ lão, lên ngựa ra đi. Bàng Tuấn hỏi: - Quý vị không đem khí giới theo sao! Đức Kiệt đáp: - Đi tay không cho tiện, sẽ tùy cơ ứng biến. Ta đi đâu trước bây giờ. - Đi Thạch huyện trước, có lẽ hơn. Nếu không thấy gì ta sẽ sang Ngọc Nhi châu luôn. - Đường đi rộng rãi, khách thương qua lại luôn luôn. Nhiều thôn ở sát bên đường, nơi nào cũng có tửu quán bề cho khách nghỉ chân. Lam Y nói: - Khu vực này khá sầm uất, vậy ra thằng Ma Vân cốc chuyên môn tổ chức cướp của giết người nơi phồn thịnh, mà quan quân không chịu lùng cho kỳ được sao. Bàng Tuấn đáp: - Bởi vậy nó mới lưu động, không trú ngụ hẳn nơi nào nhất định. Ở nơi này, đi cướp nơi khác, có khi bẳn hẳn rồi lại chợt xuất hiện. Như từ vụ cướp năm ngoái, ở Phong Giang huyện tới nay, chưa có nơi nào khác bị y động tới cả. Chu Đức Kiệt nói: - Nếu vậy cũng khó kiếm y lắm. Căn cứ vào cái tật trên đầu y mà thăm dò chắc không ăn thua gì. Nó đội mũ “tê ngưu” thì làm thế nào dò biết được? Hơn một ngày đường tới Thạch huyện. Bốn người vào tửu quán Ngọc Bội ở giữa khu đông đúc trọ. Bàng giáo đầu vào huyện xuất trình công văn và hỏi thăm tin tức Độc Giác Long, nhưng ai cũng nói là đã một năm nay không nghe thấy nói tới tên đó nữa, vả lại chỉ nghe nói chớ thiệt chưa ai biết mặt tên đạo tặc đó ra làm sao cả. Giáo đầu thuật chuyện cho anh em Chu Đức Kiệt nghe. Mấy hôm liên tiếp, bốn người chia làm hai tuyến đi la cà các nơi tửu quán, ca vũ đường để ý dò xét, nhưng đi không lại về rồi không ai biết Độc Giác Long hiện nay ở đâu cả. Chiều nọ, bốn người đang ngồi ở hiên lầu uống rượu chuyện vãn, nhìn xuống đường xem kẻ qua người lại tấp nập. Tửu bảo đứng hầu gần đó, bỗng có tiếng gọi dưới từng vọng lên: - Vương Lục ơi, không nhận ra tôi sao! Tên tửu bảo vội vẫy tay xuống phía đường, rồi xin phép bốn người xuống lầu gặp người quen. Bọn Chu Đức Kiệt nhìn theo thấy người vừa rồi gọi tên tửu bảo Vương Lục, trang phục theo kiểu xa phu, tay xách mấy bọc đồ vật đi theo hai người đàn bà, một trẻ cỡ mười tám, mười chín tuổi, diện mạo xinh đẹp sắc sảo, và một người trạc ngũ tuần mập mạp phục phịch, mặt bôi phấn son lòe loẹt. Vương Lục chạy ra tới nơi chào hỏi bạn, tay bắt mặt mừng nói chuyện hồi lâu. Sau đó, người kia phải theo hai người đàn bà nọ, cùng Vương Lục chia tay. Chờ tên tửu bảo lại, Chu Đức Kiệt gọi y lấy thêm món nhắm rượu. Lát sau, Vương Lục bưng thức ăn ra bầy lên thồi, Đức Kiệt bỗng nhiên hỏi: - Vừa rồi, ngươi nói chuyện với ai thế? Hình như không phải người xứ này. Vương Lục nhanh nhảu nói: - Dạ, y không phải người xứ này thật. Trước kia, y làm xa phu ở Thạch huyện, sau lại sang Ngọc Nhi châu qua đây chơi mấy ngày, mai lại đi rồi... Còn hai người kia tiếng gọi là mẹ con nhưng thiệt ra chỉ là hai người ngoài thôi. Lam Y làm ra dáng chú ý tới thiếu nữ đó lắm, liền hỏi tửu bảo: - Người đâu mà xinh đẹp quá chừng! Có chồng chưa? Nhà ở đâu? Làm quen được không? Tên gì? Tửu bảo chú ý nhìn Lam Y, rồi nói: - Bẩm với thiếu gia, giá người qua đây độ bảy, tám tháng trước thì làm quen được với cô Tiểu Chiêu Quân. Nhà cô ấy ở Phù Dung viện, đường Giang Biên bên Ngọc Nhi châu. Tiếc thay. Ra vẻ ngạc nhiên, Lam Y hỏi nữa: - Sao lại tiếc thay? Nhà cửa gì mà lại tên là Phù Dung viện, kỳ quá. Tửu bảo gãi tai: - Tiếc thay, vì cô Tiểu Chiêu Quân có ý trung nhân rồi, và hình như người ấy tuy nhiều tiền bạc nhưng xấu xí lắm, đầu có... bướu chớ, đâu được mỹ mạo như ba vị thiếu gia đây. Tiểu Chiêu Quân vốn là ca nhi của Phù Dung viện mà chủ nhân là bà “Má má” béo mập đi qua đầy vừa rồi đó ạ. Nghe tửu bảo vô tình nói tới ba tiếng “đầu có bướu”, bọn Chu Đức Kiệt đưa mắt nhau không hỏi thêm gì nữa. Đức Kiệt móc túi thưởng cho tên tửu bảo bép xép đó ít tiền: - Đây, đền công nhà người mách bảo, chừng nào qua Ngọc Nhi châu sẽ tìm gặp Tiểu Chiêu Quân sau. Vương Lục vui sướng cám ơn, rồi lảng đi chỗ khác. Âu Dương Bích Nữ nói với mọi người: - Ý trung nhân của Tiểu Chiêu Quân đầu có bướu, phải chăng là Độc Giác Long. Chu Đức Kiệt nói: - Có lẽ. Tôi muốn yêu cầu Bàng giáo đầu việc này: - Xin cứ nói! - Chúng tôi muốn biết tin về cuộc hành trình của Tiểu Chiêu Quân để còn liệu nàng ta sang Ngọc Nhi châu. Bàng Tuấn gật đầu: - Được lắm! Có khó gì! Sáng mai tôi ra lối cổng huyện có đường đi Ngọc Nhi châu, vào ngồi la cà tửu điếm gần đó canh chừng. Họ tất phải qua đó. Tôi nhớ mặt rồi. Hôm sau, anh em Chu gia đang ngồi chuyện vãn ở quán trọ thì Bàng Tuấn trở về nói: - Bọn ấy đi rồi. Chúng rời cổng huyện lúc cuối giờ Thìn. Lam Y nói: - Nếu vậy sáng mai, chúng ta sẽ khởi hành. Đi ngay bây giờ lỡ gặp nhau trong trà quán ắt không tiện. Mọi người cùng khen phải. Hai ngày sau tới Ngọc Nhi châu, bốn người tìm quán trọ. Châu thị này khá lớn, nhà cửa san sát, người qua, kẻ lại, buôn bán phồn thịnh, tấp nập vô cùng. Anh em Chu gia tới vừa gặp lúc dân chúng vào hội tế Thủy Thần thường niên, nên cảnh tấp nập càng thêm rộn rịp. Nhất là trên dòng Nhị giang, ghe thuyền qua lại như lá tre. Thuyền nào cũng treo đèn, kết hao, kéo cờ bay phấp phới. Du khách nhân dịp mướn hoa thuyền, buông trôi trên dòng nước lững lờ nhàn du uống rượu, nghe ca nhi vũ nữ đờn hát xênh xang. Hai bên bờ sông, trà quán mọc ra như nấm, hàng nào cũng đông nghẹt những người đi lễ thần, xem thi hoa thuyền, đau ghe, và nhất là cuộc thi đấu “Trường Côn”. Môn đấu này là môn thể thao đặc biệt của Ngọc Nhi châu. Tại đây có sáu lò Trường Côn lấy tên là Hoàng Long, Thanh Xà, Thủy Mã, Bạch Hổ, Hồng sư, Phụng Hoàng. Hàng năm, mỗi kỳ vào hội tế Thủy Thần, sáu lò này cũng cùng nhau tranh tài giựt giải. Ngày đầu đấu loại, ngày thứ hai vào chung kết, vào tranh chức vô địch vào ngày thứ ba là ngày chót đại hội. Trên chiếc ghe lớn, dựng một cầu vồng dài suốt từ đầu mũi xuống đui thuyền. Bốn tay chèo và một tay láu ngồi dưới gầm cầu. Đấu thủ, trang phục, gọn gàng theo màu sắc của mỗi lò, cầm cây mộc côn dài tới hơn trượng đầu bịt bông, đứng trên giữa cầu. Hai ghe bơi nghịch chiều, đấu thủ đứng trên cầu dùng trường côn ra sức gạt hay đấu nhau. Đấu thủ nào kém tài kém sức rớt xuống nước là bị thua. Cuộc tranh tài thập phần hào hứng kéo dài suốt trong ba ngày, hai đêm đại hội. Lam Y và Âu Dương Bích Nữ vận trang phục mới cùng Chu Đức Kiệt, Bàng Tuấn đủng đỉnh ra bờ sông qua chỗ nọ chỗ kia quan sát. Nhưng vì chưa tìm ra manh mối Độc Giác Long, bốn người cùng nóng ruột không tâm địa nào xem hội, nên tìm ra Giang biên lộ. Chu Đức Kiệt hỏi thăm chú bé bán bánh ngọt ra lối Phù Dung viện. Chú bé nhanh nhảu nói: - Khách quan cứ đi thẳng tới cuối phố, thấy căn lầu lớn ngoài cửa trồng hai cầy phù dung là tới nơi. Đức Kiệt thưởng tiền chú bé rồi cùng ba người đi thẳng đến đó. Cuối phố là khu ca viện nên nhà nào cũng đầy vương tôn cổng tử, nhân dịp đại hội kéo nhau đi hưởng thú ca nhi, tiếng đờn sáo nhịp cùng giọng ca véo von vọng ra đường đi. Quả nhiên, Phù Dung viện là một trong những mấy ca viện lớn nhất. Vén tấm màn hoa sặc sỡ, bốn người qua thềm gạch vào nhà. Thấy khách sang tới, mụ béo, mà bọn bốn người nhận ra bữa gặp nọ Thạch huyện, mặt trát đầy phấn, lồng mày kẻ nhỏ xíu, môi tô son lòe loẹt, đang ngồi trên kỷ giữa phòng khách cùng mấy ca nhi son tô điểm phấn, vội đon đả chạy tới chào mời. - Kính chào quý vị công tử lên lầu yên tĩnh hơn. Đoạn, mụ lạch bạch đi trước dẫn đường lên thang lầu, đưa bốn người tới căn phòng rộng rãi bên tả, trần thiết cực kỳ sang trọng. Mụ ríu rít gọi: - Phượng Nhi, Tiêu Nhi, Xuân Nhi, và Chiêu Quân đâu? Ra hầu tiếp quý vị công tử, mau. Bốn ả son phần uốn éo trong bốn bộ xiêm y lụa là mỏng dính, trông suốt cả da thịt, nõn nà hồng hồng, tay cầm quạt hoa, tươi cười, làm bộ khép nép tiếp gần đến chỗ bốn người ngồi trên kỷ trải nệm bông. Mụ béo nói: - Quý công tử ở xa tới Ngọc Nhi châu, xem Thủy hội phải không? Chắc còn ở chơi lâu, cho phép bày tiệc rượu nhé. Tam hiệp xưa nay có bước chân tới kỷ viện bao giờ, tuy chướng mắt, nhưng cũng ra vẻ hào hao quen thói ăn chơi thạo nghề. Lam Y mỉm cười, liếc qua bốn bông hoa biết nói, bảo mụ chủ viện: - Được, hãy còn sớm pha Thủy Tiên trà uống chơi đã, sẽ bày rượu sau. Mụ chủ toe toét chào duyên, lạch bạch ra khỏi phòng, buông rèm xuống. Không muốn lộ hình tích, bốn người phải giả đò vồn vã với bốn ả ca nhi đứng sát bên mình vuốt ve nũng nịu. Lam Y tức cười cho mình, nghĩ thầm “Đã cải dạng nam trang đóng vai công tử yêu hoa thì nên hành động, cho đúng kiểu nam nhi”. Nàng kín đáo nhìn Âu Dương Bích Nữ đang lúng túng bên Phượng Nhi nói giỡn: - Gớm, tam đệ lần này mới vào ca viện có khác, lúng túng quá! Phượng Nhi hãy săn sóc chu đáo vị khách quan đó nhé. Âu Dương Bích Nữ trách thầm Lam Y, nhưng cũng phải nén thẹn thùng chuyện trò cùng Phượng Nhi. Một mặt, nàng nhìn trộm quan sát anh chàng Đơn Đao Chu Đức Kiệt. Biết vậy, Đức Kiệt mỉm cười, khoác tay Xuân Nhi ra cửa sổ cuốn tình tứ nhìn xuống hoa viên. Bàng Tuấn cố nhịn cười kéo tay Tiêu nhi ra trường kỷ trong góc phòng thủ thỉ hỏi chuyện. Chiêu Quân say đắm nhìn Lam Y không chớp mắt. Lam Y cũng lấy làm lạ sao Chiêu Quân này không giống ả gặp hôm nọ ở Thạch huyện. Ả này tuy dung nhan coi được, nhưng kém xa ả kia. Biết vậy, Lam Y không lẽ hỏi chuyện e lộ ngay. Nàng bế bổng Chiêu Quân đặt ngồi lên đùi, vuốt má hỏi: - Ái nương tên chi? Năm nay bao nhiêu tuổi? Cầm bàn tay trắng nuột nà của Lam Y, Chiêu Quân mê man nói: - Em là Tiểu Trại Chiêu Quân, tuổi vừa đôi chín... Gớm, bàn tay của thiếu gia tròn trĩnh trắng trẻo quá, cầm mát rượi cả tay. Người đẹp thế này chắc nhiều gái mệt chết! Thiếu gia có... phu nhân chưa. Nâng cằm Tiểu Trại Chiêu Quân lên, Lam Y ra vẻ âu yếm: - Chưa vì ta vụng về nên chưa ai buồn lấy. Hai mươi hai tuổi xuân mà chốn cô phòng còn lẻ bóng!... A, nhưng em nói thử ta nghe, thế ra Phù Dung viện này có nhiều Chiêu Quân lắm sao? Ta không hiểu. Cô ả cười khanh khách, áp má vào mặt Lam Y, mùi hương trầm sức tóc bốc lên ngào ngạt: - Em thơm dịu dàng đáng yêu quá! Chuyện Chiêu Quân thế nào? - Dạ viện này có ba Chiêu Quân. Lão Chiêu Quân là chủ nhân là chủ nhân mập mạp hồi nãy. Nghe nói, lúc thiếu thời người ấy sắc nước hương trời khiến nhiều vương tôn công tử say đắm mệt chết đó. - Trời ơi! Thiệt vậy ư! - Dạ, còn Trại Chiêu Quân năm nay hơn em một tuổi, đẹp lắm... Không hiểu thời xưa, Dương Quý Phi quốc sắc khuynh thành thế nào? Nhưng theo ý em chị ấy đẹp tuyệt trần.!... Ai trông cũng mê. Còn em xấu làm đàn bà nên Lão Chiêu Quân đặt Tiểu Trại Chiêu Quân. - À, ra thế đó! Nhưng ta ở xa nghe tiếng Trại Chiêu Quân nổi danh tuyệt sắc nhi mới tới đây, tại sao Lão Chiêu Quân không cho nàng tiếp ta vậy. Tiểu Trại Chiêu Quân xịu mặt, nũng nịu, ông choàng lấy Lam Y ngả đầu vào vai: - Không có Trại Chiêu Quân thì có em cũng vậy, em xấu lắm sao mà thiếu gia chê bai! Giữa lúc ấy tì nữ bê trà vào phòng. Trại Chiêu Quân nhắc lấy một ly thổi bớt nóng dịu dàng đưa lên miệng Lam Y: - Mời thiếu gia dùng trà! Lam Y uống cạn khen: - Ướp Thủy Tiên hoa ngát quá, ngon tuyệt! Ta thương em lắm nhưng dù sao cũng muốn biết mặt xem Trại Chiêu Quân ra sao cho khỏi uổng công ngàn dặm tới đây chớ! Chẳng hay nàng ở đâu bây giờ mà không thấy ra đây. Nói đoạn, Lam Y ôm lấy co lưng Tiểu Trại Chiêu Quân vuốt làn tóc mấy đen nhánh ra chiều âu yếm lắm: - Thế nào, Trại Chiêu Quân bây giờ ở đâu? Yên trí hơn, Tiểu Trại Chiêu Quân mê luyến ngước mắt nhìn Lam Y, thủ thỉ nói: - Chị ấy ít lâu nay bận lắm, không thể tiếp khách được nữa, bởi vậy em mới có phước lớn hơn hầu tiếp thiếu gia hôm nay. - Ủa! Sao vậy! Trại Chiêu Quân bận việc chi? Nàng có chồng rồi sao? - Tuy chưa có chồng cũng như lấy chồng rồi! - Nghĩa là thế nào? Tiểu Trại Chiêu Quân chép miệng: - Sao thiếu gia hỏi nhiều về chị ấy thế? Em ghen bây giờ! - Ta hỏi cho biết, hại chi việc ấy. - Đã ngót năm nay, chị ấy không hề tiếp ai cả vì đã có người yêu rồi! Nói rõ chắc thiếu gia phải chán. Sắc diện đẹp đẽ như chị ấy ngờ đây lại đi yêu một chàng hắc tử dữ dội quai nón cứng nhắc như rễ tre, thô bỉ mà... mà... - Mà sao... - Mà đầu lại có tật lớn lúc nào cũng phải đội mũ tùm lum. Chị Trại Chiêu Quân ngủ chung được với y mãi thì em cũng lấy làm lạ. Được đẹp như thiếu gia đây thì còn nói gì nữa. Lam Y vờ hỏi: - Tánh nết tốt là được rồi, chớ đẹp để làm chi. Tiểu Trại Chiêu Quân chép miệng: - Nhiều tiền bạc thì đúng hơn tốt chi con người tặc... Ấy chết, em lỡ lời! Tốt chi con người nóng nảy ấy. Lam Y hiểu ngay, hỏi thêm: - Trại Chiêu Quân ở ngay trong Phù Dung viện này à! - Dạ, phòng chị ấy ở đầu lầu phía sau. Lão kia cho “má má” nhiều tiền lắm, mới được như vậy, y cấm ngặt không cho người yêu tiếp khách, má má cũng phải theo. - Lão ấy ở luôn đây à? Tên gì? - Thất thường lắm lúc ở luôn hai ba ngày, có khi đi vắng cả tháng rồi ở lì đây cũng cả tháng không ra khỏi viện. Em không biết tên gì, má má và Trại Chiêu Quân gọi y là Đại Lang nên ở đây ai cũng gọi theo như vậy. Chỉ biết y khỏe lắm, vóc người to như trâu, cao bằng đại thiếu gia kia kìa. Nàng chỉ tay ra phía Chu Đức Kiệt. Lam Y cười vang: - À, Chu lang. Trưởng huynh ta đó. Còn anh chàng ngồi với Phượng Nhi là em ta. Tiểu Trại Chiêu Quân xuýt xoa: - Trời ơi, thảo nào hao hao giống nhau. Cả ba anh em cùng đẹp, người nào được làm dâu nhà họ Chu thì tốt phước thiệt: - Hiện giờ Trại Chiêu Quân có nhà không? Ngần ngừ giây lát, cô ả nói: - Có. Chị ấy đang trang điểm chờ Đại Lang đến rước đi hoa thuyền chơi trên mặt sông. Ngọc Nhi châu đang vào hội cúng Thủy thần đó thiếu gia không thấy ư? Hay chúng ta cũng ngự hoa thuyền chơi đi. Lam Y suy nghĩ giây lát: - Ta muốn chờ xem mặt con người có diễm phước được Trại Chiêu Quân yêu mến thế nào đã. - Lo gì, em sẽ chỉ cho xem. Đại Lang ra lệnh đặt tiệc rồi. Họ đi hoa thuyền lúc trở về mới yến ẩm. Nghe vậy, Lam Y cả mừng bể bổng Tiểu Trại Chiêu Quân đi hai vòng: - Thế này thì ái nương quả đáng yêu thật. Ta muốn bóp nghiền ái nương trong tay ta đó. Ả ca nhi nhũng nhẻo bưng mặt: - Trời ơi! Chóng mặt quá. Lát nữa, uống rượu xong đi nghỉ hẳn hãy nào, kẻo mọi người kia cười cho đấy. Lam Y đặt nàng xuống gạch hoa: - Coi người văn vẻ phong lưu thế này mà hai cánh tay cứng như sắt, thiếu chút nữa em chết ngạt. Giữa lúc ấy, tiếng người nói bô bô từ nhà dưới vọng lên: - Đại nương đã sửa soạn xong chưa? Hoa thuyền chờ sẵn ngoài bến rồi. Tiếng mụ lão Chiêu Quân líu ríu như chim: - Chắc nó xong rồi và chờ Đại Lang thì phải. - Thôi, tôi khắc lên lầu... À, có khách lạ nào không? - Có ạ, mấy cậu văn nhân từ xa tới. Họ ở cả phòng bên tả. Không làm nhộn Đại Lang đâu. - Hà... hà... Làm nhộn ta thì chết ngay lo gì. Tiếng chân huỳnh huỵch chạy lên thang lầu. Tiểu Trại Chiêu Quân vội nói nhỏ với Lam Y. Anh chàng Đại Lang hắc tử tới đón Trại Chiêu Quân đó. Nhìn qua kẽ rèm hoa cũng thấy. Lam Y vẫy tay Chu Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ. Ba người vội vàng chạy nhẹ không một tiếng động ra phía cửa phòng nhìn qua kẽ rèm. Vừa lúc ấy, một đại hán trạc bốn mươi tuổi, mặt đen xì, râu ria xồm xoàm, đội mão tê ngưu, vạn bào hoa đỏ, chân dậm ủng đỏ thêu hổ đi vùn vụt qua phòng ngoài, rẽ sang tay hữu khuất vào nẻo hành lang. Quay vào, Lam Y đưa mắt ra hiệu. Chu Đức Kiệt, Âu Dương Bích Nữ hiểu ý khẽ gật đầu, Lam Y hỏi: - Thế nào, quí vị có đồng ý đem các đào nương đây du hoa thuyền không! Âu Dương Bích Nữ nói: - Có chớ! Nhị ca nói phải lắm. Tiểu đệ không muốn rời Phượng Nhi, mà chắc huynh trưởng cũng mến Xuân nhi lắm? Còn Bàng tiên sinh nghĩ sao. Bàng Tuấn gật đầu: - Các vị đi đâu, tôi xin theo đó! Chu Đức Kiệt nhìn Âu Dương Bích Nữ tủm tỉm cười. Lam Y vỗ vai Âu Dương Bích Nữ nói: - Chà! Mấy khi gặp các đào nương đẹp như tiên nữ giáng trần này, anh em ta phải vui chơi cho thỏa chứ kẻo sau này thê tróc tử nhọc lại kêu ca. Âu Dương Bích Nữ nguýt nhẹ Lam Y và Chu Đức Kiệt, rồi ra ngoài bên Phượng Nhi. Tiểu Trại Chiêu Quân vui mừng, hỏi Lam Y: - Em xuống lầu báo với Má má thuê hoa thuyền lớn và dự bị bày tiệc rượu nhé! - Phải đó! Mau trở lên đây kẻo ta trông chờ nghe. Chờ Tiểu Trại Chiêu Quân đi khỏi, Lam Y bảo ba người: - Theo lời ả này tiết lộ, chắc tên Độc Giác Long đó rồi. Du thuyền về, tối sẽ khởi sự. Ba người gật đầu, đồng ý. Lát sau, chờ bọn Trại Chiêu Quân đi khỏi, bốn người mới cùng bọn đào nương xuống lầu. Mụ béo Lão Chiêu Quân đưa ra tận cửa. Lam Y trao cho mụ đĩnh bạc: - Thôi nhé, không được tiếp thêm một ai nữa kẻo làm nhộn bữa tiệc đêm nay. Tôi bao hết nghe. Thấy khách sang trả rộng rãi quá, mụ béo cố vái đến tận đất: - Dạ, công tử đã truyền dạy, tôi phải theo lời!... Tám người kéo nhau xuống thuyền đậu ở bến trước cửa Phù Dung viện. Phu thuyền lễ phép hỏi: - Quý vị công tử định đi đâu? Chu Đức Kiệt đáp: - Đi đâu vui thì đi! Tùy ngươi hướng dẫn. Dạ, hiện cuộc đua đấu Trường Côn vào hồi gay go giữa hai lò lừng danh nổi tiếng là Thủy Mã và Hoàng Long, mời quí vị ra đó coi. Hào hứng lắm. Chu Đức Kiệt hỏi bọn đào nương: - Các quý nương có muốn đi coi đấu Trường Côn không. Tiểu Trại Chiêu Quân nói: - Dạ, phàm người Ngọc Nhi châu này ai cũng ưa xem cuộc đấu ấy. Sôi nổi lắm. Người đi xem đứng đen nghịt cả hai bên bờ sông hẹp. Các ghe thuyền cũng dạt sát bờ nhường lối rộng cho hai thuyền thủ. Lò Hoàng Long dùng toàn màu vàng sẫm từ ghe đến phục sức của đấu thủ và người chèo thuyền. Lò Thủy Mã dùng màu đen tuyền. Đấu thủ hai lò này kỳ hội năm nay được vào chung kết. Đấu thủ Hoàng Long người nhỏ thó gân guốc, trạc ngót ngũ tuần. Đấu thủ Thủy Mã cao lớn hùng dũng, trạc tam tuần. Hai người nghiêm trang đứng trên cầu vồng, chống ngược ngọn côn lên trời. Hai ghe lướt nghịch chiều nhau trên mặt sông với tốc độ khá lẹ. Tiếng chèo đều đều khua nước bì bõm. Cờ hiệu phấp phới trước gió. Khi hai ghe cách nhau còn độ chừng bốn trượng, những người chèo đều phải ngừng tay mặc cho hai chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt nước. Cùng khi đó, hai đấu thủ hạ ngang cây côn nhắm nhau, chờ đúng tầm tay là sát phạt. Khán giả lo thay cho đấu thủ Hoàng Long, không những đã có tuổi lại còn nhỏ người, trái ngược hẳn với đấu thủ Thủy Mã. Đúng tầm tay rồi! Thủy Mã lăm lăm nhằm ngực đối phương thọc mạnh một côn, thế như vũ bão. Lẹ như chớp Hoàng Long dằn cây Trường Côn rồi quẩy đầu côn gạt phắt côn đối phương sang bên, tiện tay đâm luôn vào vai địch thủ. Thủy Mã đưa cán côn gạt, trở đầu định đánh nữa thì hai chiếc ghe đã lướt xa quá tầm tay. Hiệp đấu ấy coi như huề, bởi vậy phải đấu lại cho tới phân thua được. Hai chiếc ghe lại được buông chèo như trước, lần này lướt lẹ hơn. Thủy Mã lầm lì, tọa tấn nhằm mặt đối thủ cạnh tranh. Hoàng Long hất cán côn gạt lên, đồng thời thúc mũi côn vào ngực địch thủ, nhưng bị gạt ngay. Ghé lướt ra xa, hết tầm đánh. Khán giả vỗ tay cổ vũ ầm ầm. Trận đấu gay go, hai đấu thủ cùng đồng tài đồng sức. Thường thường thì cứ giáp nhau hiệp đầu, là đã có người bị văng xuống nước rồi. Người thuộc hai lò vào chung kết, ai nấy đều hồi hộp sợ cho đấu thủ lò nhà. Hiệp ba lắc đầu. Lần này, hai đấu thủ cùng thọc trúng bụng nhau, nhưng vì ngực và bụng có đeo lá đáp lộn bông nên không ai bị đau. Hai bên cố sức đẩy, cây côn dài bằng gỗ thon cong vòng hẳn lại, mà hai đấu thủ vẫn tọa tấn chắc như núi trên cầu vồng. Sức đẩy mạnh đến nỗi hai chiếc ghe dang xa ra hai bên. Quá tầm tay, hai đấu thủ cùng thâu trường côn lại giữa tiếng cổ vũ ầm ầm của khán giả. Ngồi trong hoa thuyền, Chu Đức Kiệt khoái quá nói với mọi người: - Thiệt không ngờ xứ hảo mỹ nữ này lại có cuộc thi hàng năm đề cao tinh thần thượng võ đến thế. Xuân Nhi say đắm nhìn Đức Kiệt: - Chu lang bắt đầu mến xứ sở Ngọc Nhi này rồi đó! Hay là ở liền đây với em vài tháng đi. Âu Dương Bích Nữ nhìn lé cô đào Xuân Nhi đa tình: - Chao ôi! Trưởng huynh có ý trung nhân rồi đó, mà tẩu tẩu ta dữ như hổ, nên thận trọng kẻo bà ấy phát ghen tìm tới đây, thì Phù Dung viện tan ra như cám. Lam Y mỉm cười bảo Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ: - Coi kìa, hiệp tư bắt đầu. Hay quá. Hai ghe đấu lướt gần nhau, lẹ hơn mấy lần đầu. Chuyền này, Thủy Mã áp dụng đấu pháp khác, hoa trường côn quật lia lịa vào chỗ chân đối thủ. Hoàng Long nhảy vọt lên tránh đòn, thét lớn, đồng thời thúc luôn đầu côn vào cổ đối phương. Thủy Mã tránh không kịp, sợ đòn độc trúng cổ họng đánh ngửa đầu tránh, dè đâu Hoàng Long hạ thấp luôn ngọn côn xuống ngực dùng toàn lực đẩy. Thủy Mã mất trớn ngay từ đầu, bị hất ra khỏi cầu lên ngửa xuống sông. Tủm. Nước bắn tung tóe. Khán giả vỗ tay, reo hò ầm ĩ, hoan hô Hoàng Long thắng cuộc giựt giải vô địch Trường Côn. Đứng thẳng trên cầu vồng, đấu thủ Hoàng Y của lò Hoàng Long giơ cây cao côn theo tục lệ. Một đoàn mười chiếc ghe nhỏ phe Hoàng Long treo đèn kết hao từ hai bên bờ lướt ra bơi theo ủng hộ hai bên ghe chiến thắng, gõ trống, khua chiêng, cổ vũ ăn mừng. Cuộc đấu chung kết đã hoàn mãn. Người xem kéo ra về như vỡ chợ. Chủ lái hoa thuyền cũng ra tay chèo, trở lại, ba hoa: - Thưa quí vị công tử, cuộc đấu Trường Côn năm nay đặc biệt lắm đấu tới bốn hiệp, không như mọi năm ăn thua chỉ vỏn vẹn có hai lần giáp đấu, ngờ đâu võ sĩ có tuổi lại nhỏ thó ấy mà mạnh tay đến thế. Hoa thuyền bơi quanh quẩn đó đây hồi lâu, tới khi trời tối hẳn, hoa đăng trên bến dưới thuyền sặc sỡ muôn màu. Đức Kiệt mới bảo chú lái trở về bến cũ. Một hoa thuyền rộng lớn khác, bên trong lố nhố mấy người lực lưỡng trang phục ra dáng võ sĩ, neo ở cột bến. Tiểu Trại Chiêu Quân nói: - Thuyền neo đậu ở đây, chắc Trại Chiêu Quân và Đại Lang đã về rồi. Hẳn là họ đang thù tạc. Lam Y hỏi: - Ái nương à, những người võ phục đen ngồi trong hoa thuyền là ai vậy? - Vệ sĩ của Đại Lang đó. Con người này lắm nhiều tiền bạc, nên đi đâu cũng cần hộ vệ. Đào nương vén xiêm y định bước xuống bực đá, Lam Y níu tay nàng lại bế bổng lên tay, tươi cười: - Để ta bế ái nương lên bờ kẻo lấm xiêm y hết. Dứt lời, Lam Y nhảy vụt lên bờ đá, đặt Tiểu Trại Chiêu Quân xuống. Âu Dương Bích Nữ sợ Chu Đức Kiệt bắt chước Lam Y bế Xuân Nhi bèn quơ tay cặp cả Phượng Nhi lẫn Xuân Nhi nhảy vọt xuống bờ đá. Chu Đức Kiệt cố nhịn cười, chờ Bàng Tuấn dắt Tiêu Nhi lên bờ, rồi mới lững thững theo sau. Lam Y cười bảo Xuân Nhi: - Tam đệ có lệnh của tẩu tẩu kèm giữ Chu lang đấy. Ức quá, Xuân Nhi lườm Âu Dương Bích Nữ nói mát: - Đã vậy thì được lắm! Đêm nay, em xé nát Chu lang cho mà coi. Nghe vậy, bọn đào nương lả lướt vỗ tay cười rộ. Mấy tên vệ sĩ thấy vậy lố nhố ra mũi hoa thuyền xem. Trong khi mọi người theo bậc đá lên mặt đường, Chu Đức Kiệt trả tiền thưởng thêm cho phu thuyền, Âu Dương Bích Nữ chợt nghĩ ra điều gì, trở bước hỏi mấy tên vệ sĩ ở hoa thuyền bên kia: - Độc Giác Long Ma đại ca vào viện rồi chớ. Mấy tên vệ sĩ ngẩn người chưa kịp đáp, thì Âu Dương Bích Nữ đã nói tiếp: - Ma đại ca mời chúng ta tới Phù Dung viện dự tiệc tối nay, nếu người chưa tới thì ra đi dạo phố một lát. Một tên trong bọn vệ sĩ ngập ngừng đáp: - Chủ nhân tôi vừa vào xong, để tôi đi báo! - Thôi khỏi cần chỗ người nhà cả, ta vào việc ngay bây giờ kẻo người nhà chờ đợi. Nói đoạn, cô gái Thiếu Lâm đi tuột lên đường. Tuy ngờ vực, nhưng thấy mấy người lạ có bản lãnh, chúng cho rằng của Độc Giác Long rất giỏi võ nghệ nên tưởng thật, không hỏi gì thêm nữa. Gần vào tới cửa viện, Đức Kiệt ghé tai Âu Dương Bích Nữ nói nhỏ: - Ngu huynh khen đó, mánh lới khá lắm! - Học mãi cũng phải biết khôn chớ sao. Để bọn Tiểu Trại Chiêu Quân vào trước, Lam Y quay lại bảo mọi người: - Biết đích xác là Ma tặc đạo rồi, ta liệu hành động ngay kẻo lỡ dịp. Nên làm thế này, thế này. Mấy người kéo vào nhà, Lão Chiêu Quân cầm ống điếu, phì phèo hút thuốc bảo: - Quí vị công tử du thuyền có vui không. Tiệc rượu sẵn sàng rồi, khi nào dùng xin cứ ra lệnh. Chu Đức Kiệt đáp: - À, vui lắm, các đào nương đây cũng rất khá, hiềm một nỗi... Mặc cho Đức Kiệt nói chuyện với mụ béo, Lam Y bảo bọn Tiểu Trại Chiêu Quân: - Các ái nương về phòng thay áo mỏng cho nhẹ nhàng rồi hãy uống rượu. Y phục rườm rà không tiện. Nghe Đức Kiệt nói, mụ chủ viện sửng sốt: - Ủa, công tử không được vừa ý điều chi? Chắc mấy con bé không biết chiều chuộng rồi hẳn? Phải phạt chúng nó mới được! Để tôi bắt chúng tạ lỗi và... hết lòng chiều chuộng công tử nhé? Đức Kiệt xua tay: - Không phải vậy! Đừng quở mắng oan uổng các đào nương thêm tội! Chúng ta không hài lòng là vì... mụ! Lão Chiêu Quân tròn mắt, ngạc nhiên: - Trời đất quỷ thần ơi, tại tôi ư?... - Phải. Tại mụ. Chúng ta từ miền xa đến đất Ngọc Nhi châu cũng chỉ vì nghe đồn có Trại Chiêu Quân sắc nước hương trời, ngờ đâu mụ cho mấy đào nương hạng xoàng tiếp, và dành người đẹp cho kẻ khác là tại sao? Mụ khinh chúng ta ít tiền phải không? Mụ chủ hoảng hốt: - Bẩm công tử, đâu có thế! Bản viện có Trại Chiêu Quân thiệt, nhưng nó lấy chồng từ nhiều tháng nay rồi, nên phải cho em nó tiếp quý vị, vậy không thể cho là tôi sơ suất được. Quý công tử hiểu giùm. Lam Y dằn giọng: - Ủa! Mụ này chối leo lẻo! Trại Chiêu Quân lấy chồng mà sao nó còn tiếp thằng hắc tử đại, tiểu lang chi đó trên lầu kia kìa. Mụ không khinh, không thiên vị sao lại hành động kỳ vậy? Lão Chiêu Quân cuống quít: - Công tử nguôi giận cho tôi được thưa vài điều... số là... Lam Y quát: - Số là cái gì! Ta không cần biết! Mau gọi con Trại Chiêu Quân ra đây tạ lỗi và bắt nó hầu tiếp anh em ta đêm nay, thì mọi sự sẽ được bỏ qua, trái lại ta phá tan Phù Dung viện cho. Khinh mạn chúng ta đến nước này là cùng! Mau lên. Lão Chiêu Quân tái mặt, run rẩy, luống cuống quỳ xuống, chắp tay van: - Trời đất ơi, trăm lạy công tử nói nhỏ chứ, kẻo nguy hiểm cả bây giờ. Số là vị quan khách kia bao hết, không cho Trại Chiêu Quân tiếp khách nên tôi cũng không biết nói sao. Người ấy tánh nóng như lửa, dữ hơn cọp, y nghe thấy chuyện này không những bản viện tan nát, mà quý vị công tử cũng sẽ bị vạ lây. Xin người hiểu cho. Bọn đào nương thấy to tiếng, chạy vội ra xem, ả nào cũng sợ xanh mặt quỳ xuống van lớn. Lam Y đập bàn, quát to hơn: - Chúng bây sợ thằng giặc ấy chớ ta đây không coi nó vào đâu! Để ta lên lầu xem nó có ba đầu sáu tay không! Mụ chủ viện và bọn đào nương vội vàng níu áo bào Lam Y lại. Giữa khi ấy có tiếng chân chạy thình thịch trên lầu, tiếp theo tiếng thét như sấm: - Bọn nhãi ranh nào dám vào hang vuốt râu cọp khinh động dưới lầu đó? Bây muốn chết non cả sao! Lão gia đây, thằng nào muốn thì cứ nói! Tam hiệp và Bàng giáo đầu cởi phăng áo bào liệng trùm lên bọn đào nương. Đức Kiệt và Âu Dương Bích Nữ đứng chặn luôn hai bên cửa chánh ra vào. Bàng Tuấn dồn mụ chủ viện và các tay em vào góc nhà. Lam Y đứng giữa nhà mắng vọng lên lầu: - Thằng giặc có giỏi xuống đây, nếu sợ thì ta lên lầu cũng được! Nhìn xuống, thấy lầu dưới có bốn người, một người cao lớn vạm vỡ đáng kể đứng trấn bên cửa, còn hai thanh niên tuy dáng dấp lanh lẹ nhưng bạch diện như thư sanh, chắc cậy thế vương tôn công tử hách xằng. Duy người thứ tư điệu bộ tầm thường. Vốn là tay giang hồ đại đạo đã từng giao tranh với nhiều hắc hán dữ dội mà chưa biết thua sợ ai. Độc Giác Long cười khẩy khinh thường nhảy đại xuống lầu, khí thế hung hăng như quỷ sứ. Chỉ mặt Lam Y, Độc Giác Long quát: - Thằng nhãi này muốn về chầu tổ, phải không? Biết điều quỳ ngay tạ tội, ta thương tình tha cho về. Mau, kẻo uổng mạng bây giờ! Lam Y mắng lại: - Hay là ta bắt ngươi trói lại nộp quan và bắt luôn Trại Chiêu Quân hầu tiếp đêm nay, nghe? Độc Giác Long nổi giận đùng đùng, hoa quyền nhắm mặt địch thủ đấm mạnh. Lam Y gạt bắn tay quyền đó sang bên. Độc Giác Long cười lớn: - Khá lắm! Nhưng chịu được mấy quyền hả con? Dứt lời, y chồm tới phóng luôn một quyền tay tả nhắm ngực địch thủ theo thế “Mãnh Hổ Thâu Tâm” mạnh mẽ vô cùng. Lam Y khen thầm, đứng Chảo Mã Tấn đưa tay hữu gạt mạnh khiến Độc Giác Long đảo người quay đi một vòng. Lúc bấy giờ, tên đạo tặc mới nhận ra đối phương thập phần lợi hại, nên vừa đánh vừa la hét om xòm. Bọn vệ sĩ thấy động, từ dưới thuyền kéo ồ lên. Chu Đức Kiệt bảo Âu Dương Bích Nữ: - Hiền đệ đứng giám chiến, để bọn này mặc ngu huynh... Lam Y sợ dưới nhà đông người chật chội bèn lui ra hướng thang lầu. Âu Dương Bích Nữ liền nhảy vọt lên lầu trước phòng kẻ ám hại. Lam Y đánh nhử một quyền rồi phi thân lên lầu theo Âu Dương Bích Nữ. Tưởng đối thủ chờn tay tìm đường thoát, Độc Giác Long đuổi theo. Cùng lúc ấy, Chu Đức Kiệt lọt ra trấn ngoài cửa đánh trận bọn vệ sĩ. Bàng Tuấn cũng theo ra giúp. Cuộc đánh phá rầm rầm khiến lân cận kéo ra xem chật đường. Mụ Lão Chiêu Quân bứt đầu, bứt tai lạch bạch chạy ra chạy vào, phân trần kêu khổ. Nói về Độc Giác Long thấy hai thanh niên đối thủ nhảy cả lên lầu rồi, thì không dám phi thân lên theo, e bị chặn đánh bất tử. Y bèn lên lối thang lầu... Lúc Lam Y nhảy lên lầu, thấy một đào nương môi son má phấn kiều diễm tuyệt vời, và nhận ra Trại Chiêu Quân hôm gặp ở Thạch huyện. Nàng bèn nảy ra ý định trêu Độc Giác Long, dặn Âu Dương Bích Nữ chặn đánh đạo tặc, đoạn bế bổng Trại Chiêu Quân lên tay: - Gớm, ái nương tránh ta mãi! Nằm trong tay ta không hơn là ở với tên Độc Giác Long hắc tử kia sao? Trại Chiêu Quân sợ tình nhân trông thấy vội nhoài người xuống đất, nhưng chạy sao khỏi hai cánh tay sắt của Lam Y. Độc Giác Long lần lên tới đầu thang lầu thấy vậy nổi ghen, gầm lên như hổ, nhào tới nhưng bị Âu Dương Bích Nữ chặn đánh ngay. Y quát lớn: - Thiếu niên biết điều đứng sang bên kẻo toi mạng bây giờ! Không nói, không rằng, Âu Dương Bích Nữ hoa quyền, đạo bộ nhằm sườn đối thủ, đánh luôn một thế Thần Cung Xạ Hứa Điền, lối tấn công rất dữ dội vững vàng. Độc Giác Long đành phải gạt tay quyền ấy, định bụng gạt xong sẽ quay bỏ Âu Dương Bích Nữ xả đánh Lam Y cứu Trại Chiêu Quân, ngờ đâu cánh tay Âu Dương Bích Nữ cứng như sắt, bộ tấn vững vàng như bàn thạch khiến y rung chuyển toàn thân phải thoái lại một bước. Thừa thế, Âu Dương Bích Nữ xô vào dùng ngọn Hàn Kê Độc Cước đánh luôn một lúc ba đòn, tay hữu điểm vào mắt, tay tả thúc vào mỏ ác và chơn hữu đá búng nhằm hà bộ đối phương. Biết gặp phải tay quyền lợi hại, Độc Giác Long dùng thế Tọa Mã Tam Phân đỡ, thoát thế độc... Nhưng, nữ môn đồ xuất sắc của Thiếu Lâm tự thét: - Coi đây! Đồng thời hạ chơn hữu xuống chận lên chân đối thủ, tay hữu móc luôn trái đấm vào cằm Độc Giác Long, đòn đánh như vũ bão. Đó là thế Lão Mai Độc Thụ. Vội co chân đánh đòn chận và đưa tay gạt trái đấm, Độc Giác Long mất thăng bằng đảo hẳn người ra tới lan can bên thang lầu. Y không ngờ thanh niên mỹ mạo kia lại có lối tấn công tới tấp, mỗi lần chuyển thế là đưa ngay ra một ngón độc, khiến y kinh sợ về dũng lực cũng như về nghệ thuật đặc biệt cao siêu. Có vậy mà thôi đâu! Phía trong, Lam Y bế gọn Trại Chiêu Quân ra chiều âu yếm nồng nàn: - Độc Giác Long! Hãy chịu khó ở đó học môn quyền cước của đệ tam thiếu gia! Ta đem nàng vào xem vóc ngọc mình ngà như thế nào đây!... Dứt lời, Lam Y bế tuốt Trại Chiêu Quân vào phòng trong. Giận quá, Độc Giác Long liều mạng vận dụng toàn lực nhảy xô vào xử thế Toàn Phong Tảo Lạc Diệp, phóng cước đá vèo vèo vào mặt Âu Dương Bích Nữ. Cô gái Thiếu Lâm tọa tấn tránh khỏi dễ dàng, đưa luôn tay Mãnh Hổ Phác Dương móc xương quai xanh địch thủ. Bị đòn gần quá, Độc Giác Long vội phóng mình đứng lên chiếc án thư tránh khỏi. Đồng thời rút luôn mũi dao ngắn ở đai lưng ra nhằm mặt địch thủ lao người đâm bổ xuống một dao thiệt mạnh, quyết hạ cho mau lẹ tên “Đệ tam thiếu gia” mỹ mạo kia để cứu Trại Chiêu Quân có lẽ lúc này đang bị... dập liễu vùi hoa! Nếu là một tay non, công phu luyện tập chưa đạt tới mức độ siêu việt, tất phải lùi bước kinh sợ trước đòn tấn công hùng hổ của tên tặc đạo ấy, nhưng là môn đồ hữu hạng chân truyền của Thiếu Lâm tự, Âu Dương Bích Nữ liền dùng một lối đánh cực kỳ điêu luyện của môn nhã quyết đoạt đao và hạ địch thủ... Chờ Độc Giác Long nhào gần tới, nàng tung hai chân nhảy lộn ngược người về phía sau, toàn thân quay tròn như chiếc bánh xe. Với lối nhào ấy, nàng tung song cước đá ngược từ dưới lên trúng cổ tay địch thủ khiến y đau đớn buột đao văng đi một nơi, hai tay loạng choạng hở mặt và hở ngực... Vừa đứng xuống mặt gạch hoa, Âu Dương Bích Nữ xử luôn thế Lão Hổ Xuất Động chân tọa Đinh Tấn, tay tả thâu vào bên sườn, tay hữu đấm thẳng cực kỳ mạnh trúng cằm đối phương bật lên một tiếng “rập” khô khan. Độc Giác Long trúng trái “Thôi Sơn” mạnh quá bật ngửa người ra phía sau chết ngất cây thịt đổ xuống chuyển cả sàn lầu. May cho y là Âu Dương Bích Nữ muốn bắt sống nên chưa dùng toàn lực và chỉ đánh nhằm cằm cho y ngất đi thôi. Nếu nàng định hạ sát, tất trái đấm sắt ấy sẽ trúng mũi, cổ hay tim địch thủ thì Độc Giác Long không thể nào thoát chết. Nói thì lâu, thật ra trận giao tranh chưa đầy mười hiệp. Nghe tiếng người đổ huỵch xuống sàn gạch, Lam Y biết Độc Giác Long đã bị hạ, liền kéo Trại Chiêu Quân chạy ra hỏi: - Bắt sống hay nặng tay quá rồi hả tam đệ. Âu Dương Bích Nữ mỉm cười: - Vừa đủ để thằng giặc này ngủ say thôi. Trại Chiêu Quân ngơ ngác không ngờ thanh niên mỹ mạn kia lại có sức hạ nổi một người mạnh mẽ như Đại Lang. Tưởng y chết, nàng sợ quá ôm mặt khóc ầm ĩ. Mụ Lão Chiêu Quân và bọn đào nương cũng vội vàng kéo lên lầu. Người nào, người ấy run cầm cập. Lam Y chỉ Độc Giác Long nói: - Thằng này là tên tặc đạo cướp của giết người hồi cuối năm ngoái bên Phong Giang huyện, chúng ta được lệnh truy nã. Các người chứa chấp nên can tội đồng lõa. Nói về Chu Đức Kiệt ra trấn ngoài cửa viện. Ba tên vệ sĩ cậy mạnh ào ào chạy tới như hùm beo tưởng nuốt chửng ngay Chu Đức Kiệt. Chẳng ngờ, vừa xông tới, tên đi đầu bị luôn một đá bật ngửa đầu va xuống đất tựa trời giáng ngất liền. Hai tên kia vội rút giản nhào tới đánh. Đức Kiệt nhảy tới vào bắt trúng cổ một tên bóp mạnh, khiến tên ấy đau quá rời ngọn giản rớt xuống đất, đồng thời chàng độn vai hất y lộn ngược quất đúng tên thứ ba thành thử cả hai tên cùng té đồng kềnh ra đất. Đức Kiệt, Bàng Tuấn nhảy tới đè chặt, rút dây lưng của chúng trói giựt cánh khủy lại. Đoạn họ Bàng trói luôn tên bị ngất, rồi cùng Đức Kiệt xách cả hai tên liệng vào Phù Dung viện. Thấy người lân cận tò mò đứng xem đông đảo, Bàng Tuấn trở ra giải thích: - Chúng tôi là giáo đầu bên Phong Giang huyện theo dõi bọn cướp hồi cuối năm ngoái. Nay biết chúng lẩn quất đi lại hát xướng tại Phù Dung viện nên tới bắt. Câu chuyện có thế, xin quí vị giải tán. Mọi người nghe nói bèn kéo nhau ra về, Bàng Tuấn vào viện đóng cửa lại. Khi đó, Đức Kiệt đã lên lầu gọi vọng xuống: - Giáo đầu kiếm dây chắc chắn trói tên chánh phạm này nữa. Bàng Tuấn liền lên lầu cởi xích sắt quấn sẵn trong người trói chặt Độc Giác Long lại rồi kéo tuột chiếc mũ tê ngưu của y ra. Quả nhiên, Độc Giác Long có chiếc bướu lớn bằng trái đào ở trên đỉnh đầu. Mụ Lão Chiêu Quân quỳ xuống đất van lạy: - Chúng con mở viện xướng ca chỉ có mục đích tiếp khách, ai có tiền cũng vào được, nên không ngờ tên này là tặc đạo, thiệt tình không hề chứa chấp nó, mong quý vị thứ tình cho, bắt tội chúng con thiệt tình oan uổng quá. Lam Y vờ nghiêm nét mặt gắt: - Mụ còn chối leo lẻo cái nỗi gì! Chứa chấp oa trữ tiền bạc ăn cướp của nó hàng bao nhiêu tháng nay, gia dĩ dành riêng cả Đào nương kiều diễm nhất viện này tiếp tên đạo tặc, khách sang đến cũng từ chối nay còn múa lưỡi chạy tội phải không? Thế nào ta cũng trình quan hạ ngục mụ để báo thù việc không cho đào đẹp tiếp mới xong. Mụ chủ quán cuống quít mếu máo lạy như tế sao: - Thiệt tình chúng con không tiếp nó cũng không được. Ăn khách có một mình Trại Chiêu Quân, nó độc chiếm nàng nên trả tiền bồi thường chớ con không dám chứa chấp... hu... hu... hu. Lam Y mỉm cười dịu giọng: - Mụ nói thế, ta cũng biết vậy sẽ tâu với thượng cấp gỡ tội cho mụ, nhưng phải bày tiệc để chúng ta thưởng tài ca xướng của Trại Chiêu Quân đêm nay, nghe. Được lời như cởi mở tấm lòng. Lão Chiêu Quân phục phịch lạy tạ ơn đứng dậy hối các tay em dọn dẹp gọn gàng bày tiệc tiếp khách. Chu Đức Kiệt bực mình trừng mắt nhìn Lam Y. Nàng cười ranh mãnh: - Mấy khi có dịp vào ca nhi viện lại có đào nương tuyệt sắc hầu tiếp. Chi bằng ta ở lại đầy chè chén no say, mai đi sớm cũng được chớ sao. Đức Kiệt chỉ Độc Giác Long. Lam y nói tiếp: - Dễ lắm! Trong khi chủ viện sửa soạn tiệc rượu, phiền giáo đầu lên trình quan sở tại cho quan quân theo về đây, áp giải chúng tạm giam lấy khẩu cung sơ vấn tại chỗ rồi mai sẽ hay. Bàng Tuấn nói: - Nhị đệ nói phải, ngu huynh đồng ý. Cứ chè chén đi, đừng chờ mất công nhé. Nói đoạn, Bàng Tuấn xuống lầu xem lại các mối dây trói bọn vệ sĩ của bọn Độc Giác Long, rồi mở cửa ra khỏi Phù Dung viện. Chu Đức Kiệt theo xuống đóng cửa lại cẩn thận. Sau đó, chàng tóm dây trói chặt chân ba tên đó lại mới an tâm lên lầu bảo mụ chủ viện: - Phải canh chừng nếu để sẩy một tên nào, mụ sẽ thế thân đó. Lam Y hỏi: - Nhà riêng tên tặc đạo này ở đâu! Nói cho thiệt. Lão Chiêu Quân đáp: - Nghe nói hình như y mướn nhà ở Văn Lâu lộ, số thập nhị, thiệt ra con chưa tới đó bao giờ. - Được rồi, mụ cho dọn tiệc ngay. Đói bụng lắm rồi!... Nào, mời trưởng huynh và tam đệ vào cả đây. Bọn đào nương rụt rè không dám vào. Lam Y trừng mắt: - Bộ ta độc ác dữ dội, lắm nên các ái nương không dám hầu tiếp hả. Bọn Trại Chiêu Quân vội vàng líu ríu theo Lam Y vào phòng. Lúc đó Độc Giác Long đã hồi tỉnh cựa quậy trong góc nhà, xích sắt kêu loảng xoảng. Cằm y bị tím lịm sưng húp cả bộ râu quai nón chổi xể. Thấy Lam Y bắt Trại Chiêu Quân vào phòng hầu rượu, Độc Giác Long tức tối, căm hờn quẩy mạnh muốn đứt dây trói liều mạng đánh cứu người yêu, nhưng thiết xích cứng nhắc, chân tay bị trói gò càng quấy càng bị nghiến đau, nên đành nằm im biết phận chửi rủa cũng vô ích. Hồi lâu, Bàng Tuấn trở lại với nhân viên bổn hạt. Chu Đức Kiệt chạy ra giúp mọi người giam bốn tên tặc đạo vào tù xa. Chàng nói với Bàng giáo đầu: - Độc Giác Long có nhà riêng ở Văn Lâu lộ, số thập nhị, giáo đầu hạ ngục y xong nên cùng nhà chức trách sở tại tới đó khám xét, xem có tìm ra tang vật vụ cướp ba nhà Thường, Lý, Trần bên Phong Giang huyện không? Nếu cần, chúng tôi tình nguyện đi theo. Bàng Tuấn nói: - Quý vị khỏi lo. Tôi sẽ hoàn tất vụ khám nhà gian đạo ngay tối nay. Mai quan sở tại sơ cung và cho quân áp giải chúng về Phong Giang huyện. Đức Kiệt trở lên lầu thuật cho Lam Y và Âu Dương Bích Nữ nghe. Lam Y nói: - Chúng ta không muốn nhúng tay vào đoạn cuối này là để gây uy tín cho Bàng giáo đầu đối với các bạn đồng nghiệp của ông ta đó thôi! Ăn xong, anh em ta về cả quán trọ, ham luyến chi nơi ca viện này. Trưa hôm sau, Bàng giáo đầu mới từ nha sở tại về tửu quán, nói với mọi người. - Quan sở tại đã lấy sơ cung, Độc Giác Long nhận hết khai tên Lỗ Đắc là chỉ điểm viên của y trong vụ cướp cuối năm ngoái. Đêm qua, khám xét nhà tên gian đạo lấy được mấy cái thứ tang vật quan trọng. Sớm mai, ta sẽ tải tội nhân về Phong Giang gấp. Đức Kiệt nói: - Nếu vậy tốt lắm, anh em trễ nhiều thì giờ quá trong việc này rồi. Trong khi đi đường không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Về đến Phong Giang huyện, anh em Chu gia về thẳng nhà Kỳ lão riêng Bàng giáo đầu cùng bọn sai nha Ngọc Nhi châu áp tải bọn Độc Giác Long vào huyện. Hôm sau, Liễu tri huyện cho mời ba anh em Chu Đức Kiệt vào huyện bắc ghế ngồi nghe xử án. Quân lính điệu Độc Giác Long và Lỗ Đắc. Cả hai tên cùng không chịu quỳ. Huyện quan thét nha lại dùng bèo quật vào đầu gối thiệt đau. Lỗ Đắc không chịu nổi quỳ xuống trước, nhưng Độc Giác Long vẫn đứng trơ trơ ngạo nghễ. Giận quá, huyện quan thét lính dùng vồ sắt khảo mãi, sau Độc Giác Long thấm đau mới quỳ xuống. Liễu tri huyện chất vấn: - Độc Giác Long! Mi có nhận tội cướp của giết người ba nhà Thường, Lý, Trần năm ngoái tại bổn huyện không. Độc Giác Long cười sằng sặc: - Đã vô ý sa cơ tới đây, cần chi ta phải chối? Cướp của cũng là tao mà giết người cũng là tao. Còn gì nữa. Huyện quan hỏi: - Đồng bọn với ngươi có tên Dương Cảnh Thái không? Độc Giác Long cười vang: - Hiếu tử Dương Cảnh Thái chớ gì? Người ấy mà đồng lõa với tao thì còn trời đất nào nữa? Nghe nói mày cùm kẹp nhục hình Dương hiếu tử và khép y vào tử tội, ta phát nực cười! Thế mà cũng phụ mẫu cho dân? Sau này chết xuống hoàng tuyền không sợ Bao Chuẩn cười cho mở mắt sao. Bị Độc Giác Long dồn cho một chặp, Liễu tri huyện vừa xấu hổ, vừa giận quá, hỏi Lỗ Đắc: - Ngươi có nhận tội đồng lõa với Độc Giác Long này không? Lỗ Đắc chưa kịp trả lời thì Độc Giác Long cười nói lớn: - Để ta khai cho mà nghe. Vụ cướp giết ba nhà Thường, Lý, Trần là do ta chủ mưu. Lỗ Đắc chỉ đường cho ta. Thằng Ma Vân cốc này đầu đội trời, chân đạp đất, đường đường anh hùng, mình làm mình chịu không cần đổ thừa cho ai. Không hèn mạt vu oan buộc tội oan cho kẻ hiền lương. Ta giết người đã nhiều, kể không hết nay sa cơ đến đây, bất quá tử hình là cùng chứ gì. Quay sang Lỗ Đắc, Độc Giác Long nói tiếp: - Lỗ hiền đệ! Bây giờ chúng ta có chết chẳng qua hai mươi năm nữa lại nghiễm nhiên thành trang hảo hán tha hồ mà dọc ngang hồ hải! Chúng ta đã cùng nhau hành động, sa cơ bị bắt lúc chết phải sao cho có nghĩa khí, sao lại hèn nhát vu khống cho kẻ hiền lương vô tội. Lỗ Đắc nghe Độc Giác Long thuyết một hồi, bèn nói: - Ma đại ca đã anh hùng như vậy, không lẽ Lỗ Đắc này chịu kém hay sao? Trước kia khai man cho Dương Cảnh Thái vì tên Hồ Tích Thiện xúi giục ám hại họ Dương. Tích Thiện hứa sẽ tìm cách giúp tiểu đệ ra nên bị choáng mắt làm liều. Nhưng xét ra nó chẳng hành động chi cả, nên rất hối hận đã vu cáo họ Dương. Tiểu đệ rất vui lòng đồng sanh đồng tử với đại ca. Độc Giác Long hất hàm huyện quan: - Đèn trời đã nghe rõ chưa. Liễu tri huyện cho giải Hồ Tích Thiện ra. Lỗ Đắc trông thấy họ Hồ liền mắng: - Thằng giặc họ Hồ này! Mày xúi ra hại kẻ hiền lương rồi mày cũng bất nhân với ta luôn, ngờ đâu hại nhân, mày cũng không thoát khỏi lưới trời! Ta đã khai hết rồi đó. Liệu mà nói kẻo bị cùm kẹt nát thây. Hèn mạt đến như mày là cùng. Dứt lời y nhổ toẹt vào mặt Tích Thiện. Liễu tri huyện hỏi: - Hồ Tích Thiện! Mi đã nghe rõ chưa! Trả lời sao? Tích Thiện lạy như tế sao, mếu máo kêu oan. Huyện quan giận quá hét: - Tội trạng ngươi đã rành rành lại còn tờ ngươi tự cung trên giấy, nay còn chối gì nữa! Quân đâu tấn nó cho ta! Quân lính dạ rân, xúm vào vật Tích Thiện lột quần để mông ra, đánh một hồi mấy chục roi. Tích Thiện đau quá kêu rống như heo bị chọc tiết xin khai. Sai nha liền dựng y dậy. Tích Thiện bèn rên rỉ khai rõ đầu đuôi việc y say mê Kỳ thị, nên hãm hại Dương Cảnh Thái để đoạt nàng, khai không thiếu sót một chi tiết nào khiến mọi người nghe thấy đều tức giận. Liễu tri huyện truyền thơ lại đưa tờ cung cho Độc Giác Long, Lỗ Đắc và Hồ Tích Thiện ký vào đó. Dương Cảnh Thái đã được tha trước đó mấy ngày. Liễu tri huyện nhân phiên xử án này, tuyên bố tuyển họ Dương vào chức tư văn. Dân Phong Giang xem xử án xong kéo nhau ra về, ai cũng lấy làm khoái chí, bàn ra tán vào khen hai nhà họ Dương, Kỳ có phước mới gặp được các bực kỳ hiệp ra tay tế độ. Liễu tri huyện nói với ba anh em Chu Đức Kiệt: - Nhờ quí vị, bổn chức mới tra ra cái huyết án này và tránh được một việc tổn hại âm đức, vậy xin ba vị cho biết quý tánh cao danh để được ghi nhớ, và nhân bữa nay, mời quí vị vào hậu đường dự tiệc cho bổn chức được thù tiếp anh hùng. Đức Kiệt đáp: - Đại quan chỉ nên biết chúng tôi là anh em Lam Y nữ hiệp thế thôi. Còn việc thù tạc cũng mong đại quan cho phép bọn tôi cáo từ nốt vì cần lên đường ngay, quyết không thể lưu lại được lâu hơn nữa. Biết không lưu lại được, Liễu tri huyện bèn tiễn Tam hiệp ra tận huyện môn mới trở vào. Kỳ lão và Dương Cảnh Thái đã đón sẵn ở ngoài cửa huyện nha rước ba anh em Chu gia về nhà thù tiếp. Với vụ án Phong Giang huyện, danh tiếng Tam hiệp vang dậy như cồn khắp ba châu Dương, Tô, Hàng.