Chương 29

- Thuốc hút “ Mélia “, sản xuất tại Saigon, được thông dụng nhất trong nước, có hình Tây Ðầm hun nhau.
- Phong trào ca cải-lương bắt đầu thịnh hành
- Một bài ca Hành vân bằng tiếng Pháp, được học sinh hoan nghênh nhất
- Chưa có “ Báo Xuân “, Báo Saigon, Hà Nội, không có báo ở miền Trung và các tỉnh xa.
- Một ông Chủ-bút ở Saigon đến tỉnh, là cả một thần tượng đối với thanh niên, học sinh
- Một nhóm “ học trò lớn “ dự định hùn tiền vô Saigon lập một tòa báo
- Lần đầu tiên một cậu học trò tập-tểnh “viết báo.
Cuối năm 1924 cũng là gần hết năm Giáp Tý. Ðâu đấy đều bắt đầu sửa soạn “ăn Tết “. Học trò các trường đều được nghỉ trước ngày 23 tháng Chạp năm ấy là ngày 17 tháng giêng 1925, và nghỉ Tết được một tháng. Nửa tháng trước, hầu hết học sinh quê quán ở tỉnh xa đều nhận được “mandat“ của cha mẹ gửi vào cho để mua vé xe hơi về “ăn Tết “ở tỉnh nhà. Trước khi tạm biệt thành phố, học trò mỗi lớp tự động rũ nhau đi chúc Tết các vị giáo sư. Tuấn bây giờ thuộc về lớp lớn, không như hồi năm trước còn đem quà bánh đến Tết thầy, và đọc diễn văn mừng tuổi thầy. Chỉ học trò các lớp Tiểu học, từ lớp Nhất xuống lớp Ba, vẫn còn giữ tục lệ tốt đẹp ấy. Học trò lớp lớn từ Ðệ Nhất niên Trung học trở lên, không đọc chúc từ và cũng không dâng Thầy các lễ vật nữa. Không phải vì không có lòng kính Thầy như xưa, nhưng vì một lý do rất dễ hiểu là hồi ở lớp Nhất chỉ có một hai giáo sư, mà bây giờ mỗi lớp có đến 4, 5 vị Giáo sư. Học trò làm gì có nhiều tiền mua sắm lễ vật đầy đủ để đi Tết tất cả ngần ấy ông giáo. Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, trò nào cũng muốn để dành tiền mua qùa và chơi Xuân, toàn thể đều đồng ý đi tay không đến mừng tuổi suông 5 vị Ðốc học ( giáo sư ) An nam. Ðối với ông Hiệu Trưởng và các giáo sư Pháp thì đã có một số đại diện đi chúc Tết hôm đầu năm Tây rôì ( Tết Tây ).
Riêng trò Tuấn được bốn cô lớp Nhất để dành cho một món qùa không ngờ. Trước hôm xách va li lên xe hơi về quê nhà ăn Tết, Tuấn đến thăm một buổi tất niên tại nhà trọ các cô. Ngồi uống trà và nói chuyện vui đùa với nhau một lúc, cô Anh mở rương lấy ra một gói thuốc hút Mélia. Lúc bấy giờ ở Trung kỳ chỉ có mỗi một thứ thuốc gói Mélia đó mà thôi ( Bastos cũng chưa có ). Trong mỗi gói thuốc Mélia đều có một tấm hình chụp một cặp Tây Ðầm hôn nhau rất tình tứ -- và nhiểu kiểu Tây Ðầm khác nhau, tất cả đều say mê âu yếm, chụp ở Paris và in mầu tuyệt đẹp. Học trò thích gói Mélia lắm nhưng không có tiền mua vì bán đắt đến năm cắc bạc một gói, chỉ có các ông Giáo sư và các thầy Thông, thầy Phán có tiền xài bảnh mới hút được thứ thuốc đó. Thỉnh thoảng trò nào xin được của ai một tấm hình Mélia đem khoe, cả lớp xúm kại coi coi vẻ thèm thuồng lắm. Thuốc Mélia lúc bấy giờ hút đắng nghét, còn tệ hơn các loại thuốc bình dân hiện nay, nhưng nó quí là vì có tấm hình in Tây Ðầm hôn nhau, kèm trong bao thuốc bọc giấy bóng, và nó lại là loại thuốc gói đầu tiên quấn bằng máy từ Saigon gởi ra bán mắc tiền, chỉ những người giàu sang mới mua nổi. Kể ra, nó còn quý hơn thuốc thơm Craven A hay 555 hiện nay.
Hôm Tuấn đến nhà trọ bốn cô Anh, Trâm, Thục, Lài để thăm tất niên trước hôm về quê ăn Tết, cô Anh đưa cho Tuấn gói thuốc Mélia, và cười bảo:” Tụi em biếu anh gói thuốc để Tết anh hút chơi “. Tuấn ngạc nhiên và cảm động ngôì làm thinh một lúc Tuấn ngắm nghía tấm hình đôi trai gái Tây Ðầm hôn nhau say mê, với một câu thơ Pháp in dưới bức hình:
Bonne année, parfait amour,
A Toi seul, à Toi pour toujours.
Loại thơ rẻ tiền, nhưng đối với tuổi trẻ thời bấy giờ thật là đầy ý nghĩa thơ mộng:
Chúc mừng năm mớí, tình yêu diễm tuyệt,
Chỉ tặng Anh thôi, của Anh mãi mãi.
Tuấn nghẹn ngào nói không ra lời, nhưng cố nghĩ ra được vài câu thơ, rồi mượn bút viết trên một mảnh giấy:
Một món qùa Xuân, cảm xiết bao!
Lấy chi đền đáp nghĩa thanh cao!
Vái trời phù hộ cùng thi đậu
Lài, Thục, Trâm, Anh, thỏa ước ao!
Thơ học trò chỉ làm được thế thôi, và không biết nói gì hơn nữa. Bốn cô Lài, Thục, Trâm, Anh, cũng sung sướng ngâm thơ, reo cười rộn rã. Tuấn để dành gói thuốc Mélia để Tết hút lén, vì học trò thời bấy giờ không dám hút thuốc. Nhất là để khoe với bạn bè tấm hình Mélia hiếm có.
1924, phong trào hát cải lương ở Nam kỳ mời tràn lan ra các tỉnh miền Trung, được dân chúng hoan hô niềm nỡ. Tất cả học trò Trung học, Tiểu học, và nhiều vị Giáo sư đều thuộc lòng một bài "Hành Vân “ bằng tiếng Pháp, trích trong một tuồng Cải lương của một đoàn hát Cải lương Saigon đem ra diễn tại rạp Qui-nhơn trước hôm Tết, như sau đây:
Tiếng Pháp:
Chers enfants…
Vous êtes de jeunes gens
Travaillez
Et rappelez-vous
Que le temps qui passe
Marche vite..
Et ne se retrouve jamais
Quand on veut qu' il se rattrape.
Arbres qui poussent,
Sources qui coulent,
Pierres qui roulent
Marquent le temps qui s’ écoule,
S’ écoule
Un jour fuit,
Une bourse pleine d’ or
De notre trésor
Finira alors, alors,
Tout autre bien ira encore
Nous ne devons pas
Perdre ce riche trésor.
Phiên âm ra tiếng An nam thành điệu “ Hành Vân “ trong tuồng cải lương như sau đây:
Là sẹ cái dâng phần
Vu-dét đờ jơ-nơ-jâng,
trờ ra …mà ra vây đế
Ê-ráp-cái-pờ-lê-vu
Cờ lơ tân ki pạt
Mạc-sờ sờ vít.
Ê nơ xơ rờ-tờ-ru-vờ jă-me
Cân tong vờ kin sơ rất tờ -ráp,
Ác-bờ-rờ-ki-pút
Xuộc-sờ ki cun
Pi-ẹ cái ki-ràn
Mạc-cờ lơ tang ki sệ cun, sệ cun,
Ùn jua fúy
Uyn-buộc-sơ-plen-dò
đờ-nốt-tờ-rê-dò
phi-ni-ra ạ-lo ạ-lo,
tú tốt tờ rờ-biển la-ra ân co
nú nơ… mà đờ-vông-pá
pec đờ-rờ xơ-rít trề-do.
Lấy đờn nguyệt đánh bài Hành Vân chữ Tây này nhịp với lời ca nghe vui tai lắm.
Mấy cô học trò con gái cũng đều thuộc lòng, và một buổi trưa thanh vắng Tuấn đã được nghe cô Lài ở lớp Nhất nằm võng ru em bài Hành vân “ là sẹ cái dâng phần “ …
Tết về tỉnh nhà, Tuấn lại được nghe một bạn đồng hương học ở Quốc học Huế về hát bài “ Hò Sông Huơng “ như sau đây:
"Tiếng Pháp bồi":
Depuis que je te connais,
Jusqu' ici six sept années
ở chàng, chàng ơi! ớ chàng! chàng ơi!
v.v…
Phiên âm ra tiếng Huế:
Ðờ-puy-cờ-jơ-tơ-cò nét
juịt-ki-xì xịt-xệt tan-nê,
ớ chàng! chàng ơi! …ớ chàng, chàng ơi …
v.v…
Thế là mấy ngày Tết, Tuấn và mấy bạn học ở Huế về, cùng nhau đánh đờn và hát toàn những bài hò và bản cải lương trên kia, coi bộ khoái lắm. Bà con cô bác trong tỉnh, trong làng, cũng nghe say mê.