Ngày mười hai tháng hai. Tử Xa Đoàn tấn công huyện Gia Ninh, Phong Châu nhưng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân Việt phải bật ra. Hàn Bích Liễu cho dựng trại tại rừng cọ Nghĩa Tế, điều người đi do thám tình hình. Ngày hôm sau chúng về báo chỉ có một vạn rưởi quân trên đất Phong Châu, sáu phần tập trung ở Gia Ninh, bốn phần ở Thừa Hoá. Còn nói thêm là quân Việt đã dùng tổng lực tấn công Đại La trong bốn ngày nay. Nguy cơ thành bị hạ có thể sảy ra bất cứ lúc nào. Nghe xong, họ Hàn quyết định dùng đến Tử Xa, không nhằm tận diệt quân Phong Châu mà để đến Giao Châu. Ngay buổi trưa hôm đấy hàng ngàn chiếc Tử Xa xung trận. Phòng tuyến đầu tiên của quân Việt nhanh chóng bị phá vỡ vì không có đao kiếm cung tên nào chặn nổi chúng. Thật khó đoán nổi những cỗ xe khung thép khổng lồ chứa gì bên trong chỉ biết chúng là sứ giả của chết chóc. Nhưng thủ lĩnh Phong Châu Kiều Công Tiễn là người lắm mưu. Ông ta cho quân vừa đánh vừa lùi vào các vùng địa thế chật hẹp khiến Tử Xa Đoàn khó phát huy sức mạnh. Rồi huy động dân cùng binh lính đào những hố hào bẫy lớn. Cũng diệt được trăm chiếc. Thêm sức mạnh từ cánh quân của Võ Thiên Nam, dẫu quân Việt vẫn bị đẩy lùi nhưng không thua ngay. Ngày mười bốn tháng hai. Quân Hán mở một đợt tấn công mới. Quân Việt không chống nổi, đành lui về Thừa Hoá. ………… Rằm tháng hai. Sức mạnh bên Hán được tăng cường khi phó soái Trần Bảo dẫn năm vạn quân đến nơi. Cơ hồ, giữ vững trận thế trong hai ngày nữa là điều bất khả thi với quân Việt. Được cái, đội cảm tử của Nghĩa Đoàn đã lọt vào trong Đại La thành. Sau bữa tối, Lê Khắc Chinh đến tìm Tiết độ sứ. - Quân canh phát hiện 1 vụ đột nhập vào thành từ chỗ tường thành bị sạt phía nam. Hai tên bị giết ngay tại chỗ, tên còn lại bị trọng thương. Tôi đã dùng cực hình tra tấn nhưng nó thà chết không hé răng. Nhưng đủ đã có nhiều tên trước hắn chưa bị phát hiện. Chúng tất phải có căn cứ trong thành. Và tôi đang định triệt mối lo đó. - Đó là điều rất nên làm nhưng cái căn cứ đó ở đâu mới được? - Xóm Mật ẩn. Tiết độ sứ chau màu: - Chỗ đấy có đến hơn trăm nóc nhà. Ông không xác định rõ ràng hơn được à? - Vì thế tôi mới đến xin phép ngài trước khi hành động? - Ông không định nói với ta sẽ lục soát từng nhà một đấy chứ? - Thưa không. Tôi đem quân phong tỏa xóm, lôi hết dân đến bãi chợ, bắt chúng khai ra bọn phản loạn. Tiết độ sứ lắc đầu: - Không ổn. Làm thế khó đạt kết quả lắm. - Có chứ sao không. Bởi tôi biết chắc bọn phản loạn có trong lũ dân đó. - Rồi sao nữa? - Nếu chúng không khai. Giết hết là xong. Tiết độ sứ giật mình. Ngài thảng thốt nhìn lại người cộng sự bấy lâu. Hắn rất tàn nhẫn, cái tàn nhẫn của một mãnh tướng bất chấp tất cả để bảo vệ thành trì của mình. Về phần Tiết độ sứ thì khác. Ngài là một quan văn, lớn lên trong thi thơ, đạo đức. Lê Khắc Chinh biết điều gì là tốt nhất nhưng Tiết độ sứ không cho phép mình vượt qua ranh giới bất nhân xa đến thế. - Ta không chấp thuận. Ông giết được hết đám phản loạn lọt vào thành, được thêm đám nội gián cũng vậy thôi. Lòng dân đang sôi sục, nếu ông manh động, chúng sẽ vùng lên. Ba, bốn chục vạn con người. Lúc đấy, đừng nói cái thành này, ngay cái mạng của ta và ông cũng không giữ nổi. - Nên ngài bỏ mặc sao? Xin hỏi nếu không làm, tôi và ngài có giữ được cái đầu trên cổ không? L ê Khắc Chinh bực tức - Ông có quyền tróc nã nội phạm nhưng ta cấm ông không được giết dân. Hiểu không!? Trong khoảnh khắc, Tiết độ sứ cảm tưởng ánh quang man dại bắn ra từ mắt Lê Khắc Chinh, trông ông ta như sắp nhảy vào bóp cổ ngài. Tiết độ sứ bình tĩnh chờ đợi. Nhưng họ Lê vẫn nhớ bài học tuân lệnh cấp trên được dạy từ thủa thiếu thời. - Vâng, thưa Tiết độ sứ. Tôi xin cáo lui. Lê Khắc Chinh rời khỏi phủ Tiết độ, miệng lẩm bẩm: Nói cho phải phép chứ dao kéo đã sẵn là sao có chuyện thôi cắt được. Biết Tiết độ sứ sẽ cho người giám sát mình, ông ta về thẳng phủ tướng quân. Quân trong phủ đã huy động hết ra mặt thành, nên kẻ bám theo yên tâm, đến thẳng doanh trại truyền khẩu dụ của Tiết độ sứ không được tàn sát dân chúng cho Lưu Hạnh, người mới được cất nhắc làm Trấn thủ Đại La. Lê Khắc Chinh sai gọi đội trưởng đội ba của Kim, Ngân Vệ. - Đã tập hợp đủ số thưa nguyên soái. Lỗ Sơn Tuệ đáp. - Xin nguyên soái hạ lệnh, chúng tôi lập tức sẽ san bằng cả xóm lẫn chợ. Dị Hành Giả nói. - Chưa vội. L ê Khắc Chinh xua tay. Các ngươi hẵng từ từ. Họ ngồi đợi đến khi có người vào báo. Nét mặt Lê Khắc Chinh hài lòng thấy rõ: - Các ngươi đi được rồi. Nhớ lời ta dặn một là tránh bị người của Tiết độ sứ bắt gặp, hai là làm nhanh gọn, sạch sẽ. Hai gã đội trưởng vâng lệnh. Năm trăm quân đao phủ đang tập trung đằng sau phủ. Cả bọn im lặng vượt qua các dãy phố vắng ngắt. Tuy còn sớm nhưng mấy hôm rồi, dân chúng ăn xong cơm vội vã tắt đèn đi ngủ. Còn đâu lớ xớ ra đường, rất dễ bị vu cho tội làm phản, nội gián, mất đầu như chơi, còn làm hại cả nhà. Trăng rằm sáng lắm, dù người dân trong thành trồng rất nhiều cây hai bên đường, vẫn soi tỏ mặt bộ mặt độc ác, đôi vai u bắp của những kẻ đang lầm lũi. Xóm Mật ẩn thực chất nằm khá gần trung tâm Đại La, phía đông của xóm có một cái hồ nước to, rất trong mát, có hàng liễu xanh bên bờ, khung cảnh vô cùng thơ mộng. Phía tây là chợ Lộ. Khác với hai chợ lớn là chợ Đông và chợ Tây, chợ Lộ không bán lương thực như thóc, gạo, ngô, khoai.. mà bán tất tật những phẩm vật của dân xóm Ô, Mật ẩn, Hàng Canh làm ra. Họ rất giỏi chế tác vàng bạc, thêu thùa, làm bún, làm quạt, đóng hòm… Dù đang chiến tranh nhưng dân xóm vẫn phải thức khuya dậy sớm làm hàng, nên đèn đuốc còn sáng trưng. Lọt thỏm giữa lửa, gạo, tre, gỗ là nhà ông lang Quãng, hôm nay bận tiếp khách nên không phơi, sấy, sao, hầm được. Ngồi trên tấm phản gỗ, ông nâng chén trà nhấp giọng. Hai ông khách nhấm vị đầu lưỡi, tấm tắc khen ngon. - Anh Tuấn này, tôi uống trà ở nhà ông lang rất nhiều. Lần nào cũng thấy ngon, ngon không thấy chán. Có hôm chờ chủ nhà ra ngoài, tôi lấy ra xem thử. Là loại thông thường bán ngoài chợ anh ạ! Vậy mà ông lang pha lên, dùng một lần rồi nhớ đau đáu. Cứ có dịp đến Đại La, y như rằng bị vợ mắng vì chuồn đến đây uống chực trà. - Hà hà.. Ông bác giới thiệu đúng theo cách của người khảo sát hàng hoá tài ba. Nói với anh Tuấn rằng người đàn ông này đã ở lỳ trong nhà tôi hơn tháng rồi, có thấy đả động đến trà nước gì đâu. Tôi mời ông ấy chỉ uống lấy vì, nay có anh lại tán dương hết nỗi. Hay ông sợ tôi lấy tiền nhà hả ông bạn? - Ông đang mơ đấy phải không? - Tôi biết ông lắm của, chờ ngày đuổi xong ngoại xâm sẽ đòi bằng được. - Ha ha.. - Hai bác vui cứ như trai trẻ ấy. Người khách thứ hai góp vui. - Chỉ khi chiến đấu thì chúng tôi mới thấy mình già thôi. Ông lang cười lớn. Tiếng cười bị ngắt khi Tiểu Nhi, chính là Tiểu Nhi, chạy vào: - Cha, bác Trí, anh Tuấn. Ba người cười đùa vui vẻ quá, có biết bọn Hán đang kéo đến đây chưa? - Đông không? Ông lang thản nhiên hỏi con. - Khoảng năm trăm quân, đấy là nghe cu Tý báo. Chúng huy động đám đao phủ, cha ạ. - Không sao. Đặng Trí nói. Chúng sẽ không đến được đây đâu. Triệu tướng quân này, quân trong thành Đại La sẽ lo giải quyết năm trăm tên đao phủ và gây náo động hai mặt đông tây. Tướng quân cứ ung dung thưởng thức hết tuần trà tuyệt vời của ông bạn tôi. Sau đó, chỉ huy anh em Nghĩa Đoàn phá cổng thành chưa muộn. - Xin tuân theo sắp xếp của bác. Triệu Văn Tuấn nói. - Các vị cứ ngồi nhâm nhi nhé. Tiểu Nhi vội vã. Tôi phải chạy đi lo vài việc. - Nhớ khép cửa nhé con trai. Ông lang gọi với theo. Quân đao phủ đi đến bờ hồ thì Lỗ Sơn Tuệ khựng lại, chỉ cây bàng quỷ đằng xa. Dị Hành Giả cũng nhìn thấy 3,4 bóng người cắm mặt chạy theo hướng nam, ra lệnh cho quân đao phủ tránh khuất. Liền sau thấy phải đến chục người cũng chạy về hướng đó. Một kẻ còn dáo dác nhìn quanh, chờ đồng bọn qua hết rồi mới cất bước. - Đuổi theo chứ? Dị Hành Giả thì thầm. - Theo ngay. S ơn Tuệ giục. Cả đám hùng hổ đuổi theo. Mạn phía nam hồ hầu như không có người sinh sống, vốn là khu quân tàng, nay bỏ phế mặc cây cỏ mọc hoang, um tùm như rừng. Một tên đao phủ vấp phải phiến đá nằm giữa đường. Xem xét hoá ra tấm bia trên có khắc chữ. Dị Hành Giả hỏi: - Nó viết cái gì? - Phong ấn Nam thiên. S ơn Tuệ đáp. Của Cao Biền đời Đường. Dị Hành Giả gật đầu ra chiều hiểu biết. Trước mặt là kho khí giới, với hàng rào đã vẫn còn tốt. Bọn phản loạn chạy vào trong đó như chuột cùng đường, Sơn Tuệ hỏi: - Vào chứ? - Còn phải hỏi. Dị Hành Giả bảo với đám đao phủ. Giết sạch bọn chúng. Bọn đao phủ gào rú, đao tuốt trên, trong đầu nghĩ đến công việc hào hứng chúng vẫn làm hàng ngày. Trăng đúng độ sáng nhất, hai gã đội trưởng đi trước, lũ quân lục tục theo sau. Bên trong kho vũ khí chỉ còn cái nền với những đống đổ nát. Tuyệt nhiên không thấy bóng người nào. - Chúng nấp sau các bụi cây. Dị Hành Giả phăm phăm đi tới. Lỗ Sơn Nam theo sau hỗ trợ còn bọn đao phủ tìm kiếm xung quanh. Mấy khắc trôi qua. Đám phản loạn biến mất không để lại dấu tích. Bỗng nhiên, Dị Hành Giả hét lên thê thảm. Cùng lúc là những tiếng kêu khác. Lửa cháy thành Đại La. Xưởng giấy ở mặt đông, kho thóc ở mặt tây, lửa bốc phừng phừng. Lưu Hạnh hoảng hồn vội điều quân đến cứu hỏa. Đang cơn bối rối thì Lê Khắc Chinh xồng xộc đến doanh trại: - Quân canh cổng thành có tin về không? - Thưa chưa thấy gì. - Nguy rồi. Lưu Hạnh sợ hãi hô quân. Lê Khắc Chinh liên tục ra roi ngựa nhưng không chạy được nhanh vì dòng người hoảng loạn cản đường. Chật vật xéo lên một số thì bị số khác đẩy ngược lại, họ Lê nổi cơn điên vung đao chém tứ tung. Người dân hoảng sợ chạy dạt cả ra, mở cho gã nguyên soái Hán con đường đến cổng thành. Nhanh thì kịp, họ Lê lẩm bẩm. H ôm nay sợ là ngày mạt của hắn vì giữa lúc nước sôi lửa bỏng bỗng đâu hắn lại ngủ thiếp trong khi chờ đám đồ tể về báo công. Mắt Lê Khắc Chinh đã nhìn thấy tường thành, cánh cổng vẫn đóng. Hắn thở hắt ra. - Muộn rồi, Lê Khắc Chinh. Giọng nói âm u vang trong đêm. - Lê Khắc Chinh. Giải quyết mối thù giữa chúng ta xong đã. Đảm bảo ngươi sẽ chết trước khi phải nhìn thấy cái thành này sụp đổ. Lê Khắc Chinh nghiến răng trèo trẹo, huơ thanh bán nguyệt đao. .................. Sự náo loạn ngoài cổng thành chưa vào đến khu Phù Vân. Lãnh Phong gọi cửa nhà Dương quân sư. Bác gác cổng kiên quyết không cho vào, bảo quân sư đã đi nghỉ, có gì mai hẵng đến. May sao, Tần quản gia thấy động đi ra vội dẫn Lãnh Phong lên thư phòng. Dương quân sư đang đọc sách, hết sức kinh ngạc khi gặp Lãnh Phong: - Quân Việt sắp tràn vào thành. Xin Dương gia rời đi trước khi quá muộn. Dương Phong hiểu ngay vấn đề. - Đợi một lát, tôi chuẩn bị xong ngay. Lãnh Phong ngồi chờ trong khi tiếng động bắt đầu tràn đến khu Phù Vân. Từng khắc trôi qua làm anh sốt ruột. Ông ấy làm gì lâu thế không biết? Lãnh Phong vừa tự hỏi mình thì Dương Phòng trở lại thư phòng, trên vai khoác tay nải. - Đi thôi. - Một mình ngài thôi sao? L ãnh Phong ngạc nhiên hỏi. - Bọn họ vô can. Riêng bác Tần sẽ theo sau khi có thể. - Cũng tốt. L ãnh Phong nói. Hai người rời khỏi nhà họ Dương, rẽ trái và rẽ trái. Lãnh Phong thắc mắc: - Tại sao ngài muốn theo đường này? - Chúng ta nên sang thăm Tiết độ phủ trước đã. Lãnh Phong tỏ vẻ không thích nhưng vẫn đi theo. Tiết độ phủ lúc này đã bắt đầu nhốn nháo vì tin quân Việt vào thành. Những người Việt sợ liên luỵ đều nhanh chân bỏ trốn, những người Hán cũng không trung thành hơn là mấy. Dù sao tự cứu mình cũng là việc đúng đắn nên làm. Có điều, ngoài những kẻ bỏ đi, vài kẻ khác lại định bắt Tiết độ sứ lấy thưởng. May còn mấy người quân hầu tử tế nên khi Dương Phong sang, Tiết độ sứ vẫn yên lành. Dương Phong thuyết phục Tiết độ sứ nhanh chóng gói ghém đồ tế nhuyễn, lập tức rời thành vì chẳng bao lâu, quân Nghĩa Đoàn sẽ tới. Tiết độ sứ biết đấy là cách tốt nhất đành ngậm ngùi nhìn lẫn cuối cái dinh cư mà ngài dầy công gây dựng lên, bắt đầu bị sứt mẻ bởi lũ người nhà phản trắc rồi cùng hai thầy trò Dương Phong rảo bước. Họ vừa đi xong thì Lê Lãm dẫn quân xông vào phủ. Tức tối bởi mất công đầu, ông ta ra lệnh cho binh sĩ toả đi lục soát và đích thân lập tức đến ngay chỗ thành sạt ở phía bắc thành. Ba người vội vã men theo con đường hẻm đầy bóng tối. Dương Phong lo lắng hỏi: - Chúng ta liệu có thoát nổi không khi họ chặn hết các lối? - Ngài cứ yên tâm, tôi còn một lối ra bí mật nữa. Lãnh Phong dẫn Dương Phong và Tiết độ sứ đi vòng vèo, chui vào mấy cái ngõ mà nhìn trước mặt không nghĩ là ngõ. Quanh co đến ngạc nhiên, ta sống đã tám năm mà chưa bao giờ biết trong thành có những con đường bí mật dường này. Hèn chi quân Việt vẫn hoạt động ráo riết, chẳng tài nào dẹp nổi. Tiết độ sứ nghĩ thầm, cảm phục người bạn biết nhìn xa trông rộng. Rốt cuộc họ cũng tới bờ của một con kênh nhỏ. Con kênh vắt mình về phía tây bắc, giữa cánh đồng hoang mọc đầy cỏ dại. - Ngược con kênh là ra bãi bồi của Nhị Hà, L ãnh Phong lôi từ trong bụi ra một con thuyền gỗ. Tôi đặt nó ở đâu từ mấy năm trước đề phong hữu sự. Thân thuyền làm bằng gỗ tẩm nên mới mọt đôi chút, vẫn dùng tốt chán. Anh ta rút con dao, hùng hổ bước về phía Tiết độ sứ. - Người định làm gì? Tiết độ sứ hoảng hốt, hỏi. - Chặt tre. Lãnh Phong lạnh lùng đáp, nhắm bụi tre to kiếm một gióng thẳng. Con dao găm sắc dị thường, thoáng đã chuốt xong được cây sào dài. Lãnh Phong đưa nó cho Dương Phong, nói: - Anh không đi cùng chúng tôi sao? Dương Phong hỏi. - Không. Chúc thượng lộ bình an. Dương Phong không nói thêm gì nữa. Chờ Tiết độ sứ xuống thuyền, ông khéo léo chống sào, đẩy con thuyền băng theo dòng nước. .................. Nếu như đêm rằm tháng hai, Việt Nghĩa Đoàn bất ngờ công kích thành Đại La và thu được thắng lợi hoàn toàn thì Tử Xa Đoàn cũng thình lình tấn công vào trại của quân Việt ở Thừa Hoá. Những chiếc Tử Xa cùng vó ngựa hung tàn dương oai diễu võ. Máu của những chiến binh ái quốc chảy đỏ đường chỉ đủ cầm cự tới canh năm. Nghĩa quân tháo lui năm mươi dặm. Kiều Công Tiễn biết thế đã kiệt, muốn tránh đường cho giặc Hán tiến về xuôi. Nhưng Võ Thiên Nam khăng khăng không chấp thuận. Ông đã cùng Dương Nguyên Soái đặt mốc năm ngày. Nay đã đến ngày cuối cùng, lẽ nào bỏ cuộc. Một cuộc tranh cãi ngắn nổ ra. Kiều Công Tiễn không muốn hy sinh tất cả chỉ để duy trì thế trận trong một ngày nên bỏ mặc cho Võ Thiên Nam mang tính mạng của lính Nghĩa Đoàn ra đánh cuộc. Quân Hán đã đánh đến gần, quân Nghĩa Đoàn đã hô quyết tử và quân Phong Châu được lệnh rút. Một kết cục tàn khốc hiển hiện nếu tin chiến thắng và lệnh rút lui không theo lưng người thám báo, hộc tốc phi ngựa đến doanh trại. Những chiếc Tử Xa đổ ầm ầm xuống trại quân Việt nhưng đó chỉ còn là cái xác không. Người lính cuối cùng đã kịp thời rút vào rừng sâu. Quân Hán tiến tiếp bảy mươi dặm thì hạ trại. Phó soái Trần Bảo hỏi: - Ta đang thừa thắng, tại sao tướng quân cho ngưng binh, lại dựng trại kiên cố như thế? - Đang đánh nhau to, tự dưng một phía rút lui toàn diện, không lưu lại bất cứ kháng cự nào trên đường đi, phận làm tướng bắt buộc phải đoán ra chúng muốn bảo toàn lực lượng, nhằm đánh tập hậu. Đằng trước lỏng tất đằng sau chặt. Ta dám đánh cuộc bằng ngôi Nguyên soái là thành Đại La đã thất thủ, Lý Tiến và Lê Khắc Chinh sống hay chết còn chưa biết nhưng rõ ràng kế hoạch cứu viện thần tốc thành vô tác dụng. Đánh nhanh không xong, tất yếu phải chuyển sang đánh chắc. Xét về thực lực, chúng ta vẫn thừa khả năng chiến thắng dẫu lưỡng đầu thọ địch. Bởi vậy, nhìn thế Bình Sơn hiểm trở, lại thêm Trung Thủy (sông Giữa) thuận lộ tiến công, ta quyết định lập căn cứ trước, sau mới tính kế phá giặc. - Mắt tôi sáng thêm mấy phần. Đa tạ Nguyên soái đã chỉ giáo. - Được rồi. Sau có khúc mắc ông cứ hỏi, ta sẵn sàng giải thích. Bây giờ hãy điều chúng lập trại hai lớp. Xếp Tử Xa nơi hậu trại. Quân chia thành năm cánh, một phòng vệ, bốn tấn công. Do người đông thế mạnh, quân Hán chỉ mất có một buổi để dựng lên hệ thống doanh trại đồ sộ dưới chân Bình Sơn. Cái nhân trại được làm kiểu nhà ở, gồm nhiều căn, đúng theo cách của họ Hàn. Dặm trường chinh chiến, một trong những sở thích của ông ta là mang theo khung nhà bằng gỗ, dành cho cuộc chiến kéo dài với đầy đủ vật dụng. Tại đó không đặt quá nhiều binh lính, thường đủ dùng sai vặt và chỉ có một số tướng lĩnh thân tín mới được ở trong nhân trại. Vòng ngoài hay vỏ trại, sẽ là nơi tập trung sức mạnh của cánh quân phòng vệ, thường xuyên chia ca canh gác, tuần tiễu từ sáng tới khuya. Vỏ trại nhất thiết phải có tường rào, cổng đàng hoàng. Mỗi lần lập trại theo thói ngông kiểu này, họ Hàn thường ở lỳ trong nhân trại, điều phối hoạt động thông qua các sứ giả đưa tin, việc đánh đấm cũng dành cho các cánh quân tấn công, bản thân ông ta ít xuất hiện trừ khi cần kíp. Nghe thì có vẻ khác biệt cách cầm quân thông thường, nhưng đối với một chỉ huy có khả năng làm chủ tình thế rất cao, ngồi trong trướng định việc ngoài ngàn dặm như Hàn Bích Liễu, Tử Xa Đoàn đánh đâu được đấy khiến người đời phải đặt cho ông ta cái tên là Bách Thắng Tướng Quân. Trận đại thắng dưới chân núi Phàn Môn mới rồi minh chứng rõ rệt cho. Và không còn nghi ngờ gì về việc Hàn Bích Liễu đang muốn lặp lại chiến tích đó. Ông ta nhanh chóng cho người dò la tình hình. Trong khi đó, trên đường từ Phong Khê đi Mê Linh nổ ra cuộc tranh cãi lớn giữa hai người bạn. Tiết độ sứ, hoặc giờ đã thành cựu Tiết độ sứ, một mực đòi theo đi ngược dòng Trung Thuỷ: - Dân tình đang xôn xao vì quần Hán sắp sửa đánh xuống. Tử Xa Đoàn đã vượt qua cửa ải Phong Châu, là cơ hội cho ta phục hồi thế lực. Tại sao ông cứ khăng khăng đòi đi đường Vọng Hải về bắc. Ông chưa biết phần thưởng của Hán Vương dành cho kẻ thất trận sao? - Ông ta làm được gì nếu ngài bị tử trận trên đất Việt! - Ông muốn ta bỏ trốn! Tiết độ sứ ngán ngẩm. Không được đâu ông bạn già. - Tại sao không? D ương Phong nhướn mày. Nếu ngài không đến chỗ quân Hán, ai chả tin ngài đã chết trong đám loạn quân. Nếu ngài chết, công tử và tiểu thư ắt sẽ rất đau lòng, nhưng bù lại, họ sẽ không bị vạ lây vì thất bại của phụ thân. Hơn nữa, hoạn lộ của công tử sẽ được đà thăng tiến bởi đến tính mị dân của Hán Vương. Với cánh lái buôn chúng tôi, nó là cái giá hời đấy. Cuộc đời ai cũng có điểm dừng dù thành công hay thất bại đến đâu. Bản thân ngài còn được mấy phần nhiệt huyết để tiếp tục đi vào con đường đầy bất trắc này. Biết nghỉ ngơi đúng lúc, chúng ta sẽ mua lấy một điền trang nhỏ ở một nơi thanh bình phía nam. Sống nốt cuộc sống này với sự thanh thản, bỏ ngoài tai chuyện thế sự, ung dung bên chén rượu cuộc cờ. Tiết độ sứ giục ngựa đi trước. Ngài không muốn cân nhắc xem ai đúng ai sai nữa. Quả thật chân ngài đã mỏi. Có điều kế hoạch của Dương Phong xem ra quá xa vời. Họ tìm được chỗ nghỉ chân tại một xóm hẻo lánh. Người dân nơi đây hình như chẳng hề quan tâm đến chiến tranh và ngược lại, chiến tranh dường như cũng không động đến họ. Nhà mái tranh, vườn thưa và rộng, dậu rào xiêu vẹo và con người hoà ái, vô tư. Chắc lâu lắm, xóm mới có khách nên người dân rất niềm nở. Dương Phong nói họ là khách buôn lỡ độ đường. Bà con mừng rỡ, bảo ông kể chuyện bốn phương. Thế là trong suốt bữa ăn, rồi hết buổi tối, đáp lại tấm thịnh tình của bà con, Dương Phong vui vẻ kể lại cuộc đời phiêu bạt của mình, từ bắc chí nam, lên rừng xuống biển. Bà con giật mình thon thót khi nghe đoạn ông bị cướp tấn công, đánh rơi xuống núi, thở phào vì sau đó ông được người trong núi đưa về bản chữa trị và chăm sóc đến lúc vết thương lành hẳn. - Nếu gặp người bị nạn, chúng ta cũng tận tình như thế. Một ông già đầu bạc phấn khích. - Còn hơn thế ấy chứ. B à vợ trung tuổi của ông cũng có mặt, tham gia ý kiến. Ông không nhớ năm kia năm kìa, có một cậu trai bị thương rất nặng lết đến đầu làng mình à? Lúc ấy trông cậu ta người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Đâu cũng có vết chém bấy, thân thể chỗ mọng nước, chỗ khô đét. Chúng tôi đã cứu sống cậu ta đấy. Ông Thống kia, b à chỉ ông già có mái tóc đen nhánh, có bài thuốc tổ tiên để lại chữa vết thương rất công hiệu. Thế là người cùng ông ấy vào rừng hái lá thuốc, người đun nước rửa vết thương, băng bó. Còn chăm chút từng miếng cơm ngụm nước nữa. Có khác nào cải tử hoàn sinh đâu! - Làm ơn mà không chờ trả ơn mới là người tốt. Ai lại khoe ra như bà. Ông chồng gắt. - Cũng phải nói thêm là do cậu ta có chí sống mãnh liệt. Ông Thống đế lời. Suốt mười ngày mê man bất tỉnh, cậu là liên tục lẩm bẩm các câu nói vô nghĩa. Trừ câu nói “ta phải sống để trả thù”. - Cậu ta vì sao nên nỗi. Dương Phong hỏi. Và muốn trả thù ai? - Chúng tôi không biết. Ông già đầu bạc nói. Trong mười ngày ấy cậu ta tưởng chết mấy lần. Sau khoẻ lại rất nhanh. Trong giấc mơ thỉnh thoảng cậu ta nghiến răng gọi tên Lê Khắc Chinh thề giết hắn trả thù cho cha. Nhưng khi tỉnh táo, cậu ta tuyệt nhiên không hé răng nói mình là ai hay bị thương trong hoàn cảnh nào. Cậu ta cảm tạ sau đó bỏ đi ngay khi thương thế vừa thuyên giảm. Chúng tôi đoán cậu ta là thành viên của nghĩa quân Phong Châu mới bị giặc đàn áp. Dương Phong không hỏi gì thêm. Đêm đã khuya nên bà con lục tục kéo về cho hai vị khách nghỉ ngơi. Có người thắc mắc ông khách còn lại sao chẳng nói năng gì. Dương Phong bảo do ông ta đi đường mệt mỏi. Ông biết thừa Tiết độ sứ dù khá thông thạo tiếng Việt, song do mải suy nghĩ mà không màng đến xung quanh. Hai người đêm ngủ tại nhà ông trưởng xóm, qua canh hai chưa ai ngủ. Sáng hôm sau, họ quyến luyến chào tạm biệt. Dân xóm nhắc Dương Phong sau nếu có dịp phải quay lại thăm xóm. Hai người đi được mười mấy dặm, Tiết độ sứ chợt lên tiếng: - Ta muốn ông nói thật, tại sao ông một mực không muốn cho ta đến chỗ Bách Thắng Tướng, vì ta hay vì ông? Dương Phong ngước mắt nhìn lên. Bầu trời có đôi chút vẩn mây nơi dãy núi trước mặt, ông đáp lời Tiết độ sứ bằng giọng chân tình nhất: - Thực ra nếu là Lưu Hán Vương hay thân tín, chúng ta còn sáu phần yên bụng. Nhưng đằng này là Hàn Bích Liễu… - Hàn Bích Liễu thì sao? Ông ta là danh tướng của Nam Hán, đến cứu binh lý nào giết quan sở tại? - Ngài nhắc trúng điều tôi lo sợ. Hàn Bích Liễu là một khai quốc công thần trong khi Tử Xa Đoàn gieo rắc nỗi khiếp sợ cho toàn Trung Nguyên. Tôi chẳng quá lời nếu nói bầu trời riêng của Nam Hán được chống nhờ cánh tay ông ta. Nhưng họ Hàn đã được gì nào? Không gì cả ngoài năm tháng lăn lộn chốn xa trường tên bay đạn lạc. Tôi biết ông ta đã hai lần xin về kinh nắm chức đại thần quân cơ nhưng cả hai lần Hán Vương sợ cái uy thế quá lớn của ông ta mà từ chối. Không những thế, Hán Vương còn đẩy họ Hàn đánh hết trận này đến trận khác. Lại cắt bớt quyền binh của ông ta bằng cách đưa Trần Bảo vào vị trí phó soái. Trên thực tế, Tử Xa Đoàn hùng mạnh bao nhiều lúc ngoài biên ải thì vô dụng bấy nhiêu khi về chốn kinh thành. Chính thế, Hàn Bích Liễu buộc lòng phải tự tìm một mảnh trời riêng. Vừa thắng trận ở Phàn Môn, quân sĩ mệt nhọc đã bị điều chinh nam, trái với phản ứng lâu nay, họ Hàn rất thoải mái nhận chỉ và mau mắn hành quân. Nếu không có ý định chiếm đất Việt làm của riêng thì vì lẽ gì!? Nghe đến đây, Tiết độ sứ ghìm giật cương ngựa lại: - Những tin tức quan trọng đó ông lấy ở đâu ra, và bằng cách nào? - Tôi lấy từ chính nơi chúng sinh ra và bằng cách quen thuộc của mình. Tiết độ sứ lắc đầu, giong chua chát: - Lâu nay ta vẫn có cảm giác ông chỉ huy ta chứ chẳng phải ngược lại, Dương Phong ạ? Dương Phong cười: - Lâu nay tôi vẫn tự nhận tôi là bạn của ngài và tôi làm mọi việc là vì tình bạn. Liệu có sai không nhỉ? - Không sai nhưng tại sao ông không nói điều này với ta sớm hơn. Hay trong một góc suy nghĩ nào đó, ông vẫn muốn ta chết trong tay Hàn Bích Liễu!? - Để tôi cùng chết với ngài ư! Tôi không muốn võ đoán gây sự hụt hẫng cho ngài. Tôi muốn ngài tự nguyện chấp thuận từ bỏ mơ ước tái lập quyền lực. Nêu không thể thì tôi mới phải nói thật trước khi chúng ta đi đến ngã ba Cọ Cử. - Cái ngã ba đó ở đâu? - Ngay trước mặt thưa ngài. Giờ chúng ta chuyển sang hướng tây là thoát khỏi mọi phiền nhiễu ngay thôi. Sao ông bạn mình có thể tính đường đi nước bước tài tình đến thế?Tiết độ sứ nghĩ. Họ rẽ trái ở ngã ba Cọ Cử. Ngựa chạy năm dặm là đến địa phận huyện Vọng Hải. Lúc ấy, Tiết độ sứ thở phào, vui vẻ hỏi: - Ông dự tính điều gì nhỉ? Có phải là một biệt trang nhỏ ở phương nam yên bình. Ta không còn là Tiết độ sứ, ông cũng chẳng phải là Dương quân sư. Chúng ta là đôi bạn già, ngày qua ngày vui thú điền viên. Lúc cầm lúc kỳ khi thi khi hoạ. - Từ lâu tôi mong mỏi đến ngày có thể thi thố hết mình. - Nói thế là ông bảo xưa đến nay ông toàn nhường ta ư? - Rõ là như thế. Nếu không ngài làm sao thắng nổi tôi dù chỉ một ván. - ái chà.. Ông mắc cái tật nói trắng thành đen rồi. Ta cũng chờ để chứng tỏ cho ông thấy, thế của ta trội hơn ông đến nhường nào. - Được ta đánh cuộc nhé. - Cuộc ngay. Ha.. ha.. - Ha ha. Tiết độ sứ vui vẻ quá. Cho tôi cười với được không? Hà.. hà.. Một tướng đầu đội mũ sắt, mặt áo bào đen, dẫn theo mười quân kỵ, đứng trước mặt hai người tự bao giờ. - Ngươi là... - Chào Tiết độ sứ. Tôi là tả tướng Trình Vĩ. - Ngươi là gã thuộc tướng ở Lâm Vu của Hàn Bích Liễu. - Tiết độ sứ minh mẫn thật. Hèn chi được Hàn nguyên soái ngưỡng mộ. Người sai tôi đến mời Tiết độ sứ về doanh trại. Tiết độ sứ cả sợ. Không ngờ Hàn Bích Liễu dò được tung tích của họ. Phải chăng hắn định làm cái điều mà Dương Phong mới nói? Tiết đội sứ nhìn sang ông bạn. Nhưng chính Dương Phong cũng đang bối rối. Ông chỉ đem tình huống xấu nhất ra để thuyết phục bạn. Ai biết được rằng Hàn Bích Liễu sai người tìm họ dù họ cố tình tránh mặt hắn. Muốn chạy không xong, đành trông chờ vào may rủi. - Ta có việc phải về Trung Nguyên gấp, nói với Hàn nguyên soái thông cảm. - Giặc sau lưng chưa trừ xong. Tiết độ sứ đi một mình là chui đầu vào miệng cọp. Thánh thượng có lời ủy thác, nên Hàn Nguyên Soái sai tôi tìm bằng được Tiết độ sứ. May mắn thời gặp, xin mời ngài về nghỉ ngơi trong quân. Chờ đến khi dẹp yên giặc giã sẽ tuỳ ngài hành xử. Trình Vĩ nói mấy lời hòa nhã bằng chất giọng chát chúa giống như người ta miệng mời khách ăn cơm nhưng mặt lại hằm hằm chực đập bát ném đũa. Biết chẳng đặng đừng, Tiết độ sứ đành nói: - Ngươi dẫn đường đi. Chỉ chờ có thế, hắn lập tức thúc ngựa. Ba gã quân kỵ bám gót còn bảy gã kia chờ hai người đi trước rồi mới theo sau. Đến chân núi Bình, Tiết độ sứ và Dương Phong rất đỗi ngạc nhiên một căn cứ kiên cố đứng lù lù với quân lính chạy đi chạy lại như kiến cỏ. Trình Vĩ nói vài câu với quân canh, cửa mở cho đoàn vào nhân trại. Tất cả xuống ngựa, một gã thiếu niên mắt xếch ra bảo nguyên soái còn đang nghỉ, cấm làm phiền. Tiết độ sứ và Dương Phong được an trí tại phòng ngoài rìa và có dăm bảy tên lính trông nom. Chờ chúng đi khỏi, hai người bàn kế thoát thân. - Ông nghĩ xem có cách nào thoát khỏi nơi đây không? - Ta lừa hai tên lính vào trong, giết đi. Sau đó đóng giả thành chúng. Thừa lúc sơ ý, ra cổng trại nói dối phải thực hiện lệnh của Hàn Bích Liễu. Mượn đà để chuồn. - Ngộ nhỡ chúng phát hiện ra ta không có lệnh bài và quá tuổi làm quân canh thì sao? - Thì trước sau chỉ một con đường liều chết đánh ra. Một đứa cản, giết một đứa. Hai đứa cản giết hai đứa. - Với điều kiện chúng ta trẻ lại hai mươi tuổi. Ta học võ nghệ và ông chữa khỏi cơn bệnh triền miên. Vô phương thật rồi! Chúng ta đã rơi vào tay Hàn Bích Liễu, giết mổ tuỳ vào hắn. - Ngài đừng nản chí như thế. Tuy năm tháng cướp đi của chúng ta sức mạnh nhưng đền đáp bằng sự khôn ngoan. Ta sẽ thoát nếu nói cho gã họ Hàn kia hiểu hắn sẽ mất nhiều thế nào nếu giết chúng ta. Tiết độ sứ lắc đầu: - Sự khôn ngoan đã bỏ ta đi rồi. Ban nãy nói là rẽ đường khác về Trung Nguyên, tìm một cuộc sống bình lặng. Nhưng trong thâm tâm, ta vẫn hy vọng Hàn Bích Liễu sẽ cản đường, rồi giúp ta khôi phục lại chức vị. Ta vẫn còn rất ham muốn quyền lực, nên nếu phải chết vì nó cũng đáng. Chỉ ân hận là đã lôi ông vào thế cùng này.. Ta nói thật lòng đấy. - Tôi hiểu ngài. D ương Phong bất giác cười. Cũng như ngài, tôi đã nếm đủ những cay đắng ngọt bùi trong cuộc đời này rồi. Tôi sẽ không đi tìm chốn thanh bình nếu không có ngài. Nếu ngài chấp nhận việc lọt vào tay Hàn Bích Liễu là nhất sinh thập tử, tôi cũng sẵn sàng ở bên cạnh ngài mà chờ đợi hoạ phúc tương lân. Tiết độ sứ rưng rưng dòng lệ trước tình cảm chân thành của bạn. Bây giờ, mặc cho Hàn Bích Liễu giở trò gì, ngài vẫn vui lòng chiều theo. Đến bữa trưa, quân canh bưng đồ ăn vào. Hai người chén sạch sành sanh. Họ đã ăn cùng nhau không biết bao nhiêu lần, bữa gặp gỡ, bữa chia tay, ngày tái ngộ, bữa chung vui, bữa uống rượu giải sầu.. Nhưng bữa hôm nay làm họ tâm đắc nhất vì họ vừa biết được tình bạn cần gì. Sau bữa ăn, Tiết độ sứ lăn ra ngủ như một đứa trẻ. Dương Phong suy ngẫm một lát rồi cũng leo lên giường. Hai người đương ngon giấc thì bị gọi dậy. Gã Trình Vĩ bước vào, nói Nguyên Soái muốn gặp Tiết độ sứ với nụ cười mai mỉa trên môi. Tiết độ sứ nói: - Ta đi một lát, ông cứ ngủ tiếp đi. Dương Phong nhìn bạn đi, khẽ thở dài, sau đó lại ngủ. Ông ngủ mê mệt đến tận cuối ngày. Khi có người bước vào, ông mới hơi tỉnh, lè nhè hỏi: - Ngài quay lại đấy à? Một tiếng cười rất khó chịu vang lên khiến Dương Phong mở hẳn mắt ra. Ông ngủ quá đẫy giấc, bọn lính đặt mâm cơm trên bàn từ lúc nào. Kẻ vừa cười chính là Trình Vĩ, tay hắn cũng đang bưng một cái mâm. Trên mâm là một đầu người tóc rối, máu nhem nhuốc. Dương Phong nhìn trân trối. Trái tim ông quặn đau. Đôi mắt của Tiết độ sứ đang nhìn ông chằm chằm.