Con số người chết mỗi ngày vì AIDS trên toàn quốc là một trong những thông tin về quốc gia châu Phi Malawi mà bạn dễ dàng tìm kiếm được trên các trang web. Nhưng đó là chuyện của những năm gần đây, còn trước đó vào những năm đầu của thập kỉ 90, nói công khai về AIDS là một điều bị cấm và đối với chính phủ thì căn bệnh này hoàn toàn không tồn tại ở Malawi. Năm 1990 sau khi căn bệnh AIDS cướp đi người chồng của mình, Catherine Phiri đi xét nghiệm và được biết cô đã nhiễm HIV. Thế là hết, cô nghĩ và để mình rơi vào nỗi tuyệt vọng vô bờ. Bị đồng nghiệp đàm tiếu, cô bỏ công việc y tá mà cô đã gắn bó hơn mười năm và chuyển đến thủ đô Lilongwe với họ hàng như một kẻ lánh nạn. Họ hàng của Phiri biết cô bị HIV không hoan nghênh cô. Cô buộc phải chuyển đến vùng hồ Salima. Ở Salima có không ít người đồng cảnh ngộ với Phiri và cũng như ở bất cứ đâu trên đất nước, người Salima bọc kín căn bệnh trong sự im lặng. Bởi HIV/AIDS là căn bệnh không có thuốc chữa, nên những nạn nhân của nó cho rằng đó là định mệnh mà họ phải chịu. Họ căng thẳng, sợ bị bêu xấu, và thiếu tự tin. Những nạn nhân của HIV/AIDS càng im lặng, cộng đồng càng dễ bỏ quên họ thì căn bệnh càng có cơ hội lây lan nhanh. Catherine Phiri quyết định phá vỡ sự im lặng chết người đó. Lúc đầu khi cô nói ra với mọi người rằng cô đang mang trong người virus HIV, cô lập tức cảm thấy mình bị phân biệt đối xử. Nhưng rồi có những người cùng cảnh ngộ tìm đến cô. Cô lập ra một nhóm tư vấn tìm đến những gia đình có người nhiễm bệnh. Cô tham gia những buổi tư vấn ở trung tâm tư vấn MACRO. Những gì cô mang đến cho nạn nhân AIDS không phải là một viễn tưởng căn bệnh sẽ được xoá bỏ bởi một phương thuốc thần tiên, mà là một cái nhìn thực tế nhưng lạc quan với căn bệnh và cách đối phó với căn bệnh phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của dân nghèo. HIV/AIDS không có nghĩa là chết ngay, là chấm dứt tất cả. Những người nhiễm bệnh vẫn còn chặng đường ở phía trước và họ cần dũng cảm đi tiếp chặng đường ấy. Phiri không lãng phí thời gian diễn thuyết nhiều về cái nghèo ngăn cản những người nhiễm AIDS tiếp cận với những loại thuốc giúp họ kéo dài sự sống mà nhấn mạnh vào chế độ ăn hợp lí, chế độ tập luyện đều đặn, tình dục an toàn, và lối suy nghĩ tích cực. Không ai có thể đưa ra sự thật thuyết phục bằng chính người đã trải nghiệm nó, bởi vậy Catherine đã lấy ngay trường hợp bản thân cô làm ví dụ. Sự dũng cảm và nhiệt tình của cô đã lôi kéo được sự chú ý của cộng đồng đặc biệt là những người nhiễm HIV/AIDS. Năm 1994, Catherine Phiri thành lập Tổ chức giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS gọi tắt là SASO. Tổ chức này huy động sự giúp đỡ tình nguyện của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS. Chăm sóc người bệnh tại nhà, đỡ đầu những trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, cung cấp dịch vụ tư vấn là những chương trình thường xuyên và liên tục của SASO. Tuy nhiên hoạt động nổi bật hơn cả của tổ chức này là chương trình hướng dẫn xét nghiệm tình nguyện VCT. Phiri đặt ra mục tiêu vận động được càng nhiều người đi xét nghiệm càng tốt bởi vì làm như vậy sẽ giúp ngươi dân nâng cao ý thức đối với cuộc sống của chính mình và sức khoẻ của những người xung quanh, đồng thời thức tỉnh cộng đồng và chính phủ về thực tế của căn bệnh ở Malawi. Trong bối cảnh chỉ có các thành phố mới cung cấp các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí thì trong khi đó tại các vùng nông thôn nơi tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS không phải là nhỏ và dịch vụ này lại chưa đến được với người dân, Phiri đã dùng tiền của cá nhân để lập các trung tâm tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí ở các vùng nông thôn. Con số người làm xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV/AIDS mà SASO công bố tự nó sẽ cất lên tiếng nói cảnh tỉnh cần thiết. Đưa các chương trình phòng chống HIV/AIDS tới 58000 gia đình, giúp đỡ 1500 trẻ mồ côi, Catherine Phiri đã điều hành SASO đi trước các nhà lãnh đạo quốc gia trong cuộc đấu tranh với căn bệnh thế kỷ mà không chờ đợi sự tài trợ. Cho đến cuối những năm 90, khi con số bệnh nhân HIV/AIDS ở Malawi được ước đoán vào khoảng 800 000 người, và khi hàng chục đại biểu quốc hội nước này đã chết vì AIDS thì chính phủ mới coi phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ sống còn của cả quốc gia. Muộn còn hơn không, Catherine Phiri vui mừng vì người Malawi đã có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Vào tháng Năm năm 2003, ba năm sau khi nhận giải thưởng ghi nhận tinh thần đấu tranh chống căn bệnh thế kỷ từ Quĩ phát triển Liên hiệp quốc UNDP, Catherine Phiri đã qua đời ở tuổi bốn mươi. Một người châu Phi nghe tin Catherien Phiri qua đời đã thốt lên: “Một cái cây lớn đã đổ và thách thức đặt ra bây giờ là giữ an toàn cho tất cả những gì đã được che chở và phát triển tốt dưới bóng cây này”.