(tt)

Dịch giả: Lê thị Duyên
Đêm Mabalacat

    
rưa ngày 17 tháng 10 năm 1944, một chiếc phi cơ dường như bị khó khăn đã đáp xuống phi trường Nichol’s Field, gần Manile. Một người bước ra khỏi phi cơ, lưng còng xuống vì bộ y phục phi hành nặng nề và tiến đến trước hàng xe đang nhồi xóc chạy trên phi trường lỗ chỗ hố bom để tiếp đón. Đấy chính là Đô đốc Onishi, vừa từ Đông Kinh hấp tấp bay đến đảm nhận quyền chỉ huy đệ nhất không lực tại Phi Luật Tân.
Cuộc hành trình thật bi thảm. Phi cơ phải tránh khỏi Đài Loan vì không quân Mỹ đang mở cuộc oanh tạc dữ dội tại đó. Phi cơ vừa đến được Manille thì cạn xăng.
Một đoàn xe tùy tùng được sắp xếp và chạy về thành phố nơi đặt Bộ tham mưu của Đệ nhất không lực. Chiếc xe dừng lại trước một biệt thự hào nhoáng chắc phải là rất oai vệ trong những ngày tươi đẹp của năm 1942, nhưng nay bị chìm ngập dưới con mưa như thác đổ và ẩn mình dưới mành lưới ngụy trang, thoát ra một vẻ buồn tẻ vô hạn.
Càng buồn tẻ hơn nữa là hình dáng của vị chủ nhân tòa nhà, Đô đốc Teraoka vừa bị một mệnh lệnh của Thiên hoàng cách chức Tư lệnh. Lễ bàn gian được theo nghi thức thường lệ tuy nhiên được thu ngắn lại vì các hung tin được đưa đến. Quân Mỹ đã đổ bộ lên Saloun ngay lối vào vịnh Leyte. Đệ II không lực đặt căn cứ tại Đài Loan từng tấn công các Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ mà không thành công, đã tự mình đâm đầu vào chỗ bị tiêu diệt thật sự... Cuộc xâm chiếm Phi Luật Tân có thể đột ngột xảy đến ngày một ngày hai, Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp đã ra lệnh áp dụng kế hoạch Sho để phòng thủ quần đảo.
Sự thành công của kế hoạch này lệ thuộc vào một sự che chở ồ ạt của không quân, thiếu nó, các thiết giáp hạm hùng mạnh của Đô đốc Ugaki sẽ lần lượt bị đánh chìm trước khi tấn công được đối phương. Nhưng tìm đâu ra sự che chở tối cần thiết ấy khi mà giờ đây tại Manille chỉ còn lại hơn 100 phi cơ có thể hoạt động được?
Hai vị Đô đốc thảo luận rất lâu về tình hình. Tại Đài Loan, Đô đốc Fukudomé đã hoàn toàn bị thảm bại. Trong ba ngày oanh tạc, 18 mẫu hạm cơ hữu của hạm đội Mỹ đã tiêu diệt gần 500 phi cơ Nhật trên mặt đất hay trong các cuộc không chiến. Mặc dầu có các báo cáo lạc quan của các phi công, tổn thất của Mỹ dường như rất nhẹ và số lượng quá ít phi cơ còn lại tại Đài Loan chỉ có thể mang lại một sự hỗ trợ yếu ớt cho hạm đội lưu động khi nó phải chặn đầu Lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Mỹ.
Tái diễn toan tính của Fukudomé với các phương tiện không đáng kể của Đệ nhất không lực sẽ là gánh lấy một thảm họa còn trầm trọng hơn nếu tham chiến theo các hình thức cổ điển. Vậy thì cần phải vận dụng đến chính các biện pháp cực đoan.
Trong thời gian làm việc tại Đông Kinh, Onishi đã nghiên cứu mọi loại dự án nhằm khắc phục thế yếu của không lực Nhật Bản. Một trong các dự án ấy là sử dụng các “bom bay” được tiên liệu về mặt lý thuyết là sẽ do vô tuyến điều khiển, nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể do một phi công tự sát điều khiển. Trước khi cho xúc tiến dự án được mệnh danh một cách nên thơ là “hoa anh đào” này, Onishi đã tham khảo các cấp chỉ huy cao cấp của hải quân và thảo luận với họ về “các ảnh hưởng tinh thần” có thể xảy ra sau đó. Ông hoàn toàn ngạc nhiên khi bắt gặp nơi những nhân vật này, những người mà ông tin rằng sẽ có thái độ cứng rắn và sự lãnh đạm toàn diện, một thái độ ngần ngại đầy cẩn trọng thuộc về ý thức còn đáng chú ý hơn thái độ của ông nữa. Tất nhiên là giáo điều về sự hy sinh không hề bị xét lại, nhưng ý tưởng chỉ định trước và chỉ định một cách lạnh lùng những phi công trẻ tuổi sẽ phải bắt buộc tự hủy mình, ý tưởng ấy đánh thức nơi họ đôi chút ngại ngùng. Dự án “hoa anh đào” do đó đã chỉ được theo đuổi trong danh nghĩa rút kinh nghiệm, mà không được quan niệm có ưu tiên tuyệt đối không thể không có để thực hiện trong đoản kỳ.
Khi Đô đốc Teraoka giải thích cho ông rõ chi tiết tình hình tương lai của hạm đội Nhật một khi tiến ra khỏi các eo biển tại Phi Luật Tân, Onishi đã tự trách mình đã tỏ ra yếu lòng một cách đáng khinh trong khi thảo luận dự án “hoa anh đào”. Nếu ông có sẵn 400 hay 500 mẫu vật bay dễ thương ấy, thì hải quân đế quốc Mặt trời mọc đã có thể toan tính tiến ra với những cơ may thành công như hạm đội của tiền nhân được tung ra để tấn công đoàn thuyền của Kubilai Khan. Ngọn gió thần trứ danh - Kamikaze - ngày hôm đó đã càn quét đúng lúc các chiến thuyền của địch sẽ được thay thế một cách hữu hiệu hơn bởi các “đóa hoa anh đào”.
Onishi là một con người không bao giờ bỏ cuộc. Lúc cáo biệt Teraoka, quyết định của ông đã thành hình” ông sẽ thay thế các “Đóa hoa anh đào” bằng các phi cơ xưa cũ đang làm vướng bận các hăng ga trên các phi trường tại Phi Luật Tân, chất đầy bom và phái chúng đến đâm đầu xuống cầu tầu của chiến hạm địch. Ông bước xuống cầu thang của chỗ ở mới và ra lệnh đưa ông đến Mabalacat, bản doanh của Bộ tham mưu phi đoàn 201.
Mabalacat là một thị trấn bản xứ nhỏ hẹp chỉ có vài căn nhà kiểu tây phương. Căn lớn nhất được dùng làm Tổng hành dinh của không lực thuộc hải quân. Khu vườn trông rất dễ thương, với những cây kiểu nhiệt đới xa hoa, nếu không có cơn mưa như thác đổ lên trên những bức mành rách bươm và nếu không có hai thùng phuy đựng đầy nước mưa rõ ràng là để dùng làm bể tắm cho những người chiếm ngụ. Riêng phần bên trong của ngôi nhà thì nó bày ra quang cảnh của một căn trại của những người lang thang: không có bàn ghế, nhiều giường xếp nhất đống sát vách tường, khắp nơi bừa bãi y phục phi hành, giày vớ, nón bay và khăn mặt.
Trong những lúc khác, quang cảnh hỗn loạn này bày ra khi một Đề đốc đến, chắc đã gây ra một cơn biến động toàn diện rồi, nhưng hai hay ba sĩ quan cao cấp trực nhật tại Bộ tham mưu đang sốt vó bận khảo duyệt các điện văn và điện thoại để ra mệnh lệnh, không có thì giờ đâu mà lo lắng đến chuyện kẻ đến người đi nữa. Mãi đến lúc Onishi vượt qua người tùy phái đưa lối để bước ngang qua hành lang tầng lầu thứ nhất, thì một tiếng hô “nghiêm” phát ra trong cổ họng tắt nghẹn của một hạ sĩ quan mới làm mọi người trong nhà giật nẩy mình. Không đầy 20 phút sau, tất cả không đoàn trưởng đều có mặt trong phòng hội.
Đô đốc dò xét vẻ mặt từng người dự hội với sự chăm chú kéo dài, rồi cất lời qua giọng nói chát tai:
- Tất cả các anh, - Ông nói - đều đã biết kế hoạch Sho đang được áp dụng. Nếu nó thất bại, tình thế của Nhật Bản sẽ rất bi thảm. Thế mà nó chỉ có thể thành công nếu các đại chiến hạm của hạm đội tiến lên dưới một chiếc dù không quân hùng mạnh che chở. Chiếc dù ấy, chúng ta không còn phương tiện để cung ứng nữa. Giải pháp duy nhất còn lại cho chúng ta ngăn cản - sẽ chỉ trong vài ngày thôi - không cho phi cơ địch cất cánh khỏi các mẫu hạm. Kết quả này chỉ có thể thu đạt được bằng cách gắn bom 250 kí lô lên các khu trục cơ và tất cả các phi cơ huấn luyện còn lại của chúng ta và phái các phi cơ này bay đến đâm xuống sàn tàu địch.
Và, vừa nhắc lại hồi tưởng lịch sử, ông vừa nói thêm:
- Ngọn gió từ các chong chóng phi cơ của các anh sẽ lại là ngọn thần phong Kamikaze và cũng như vào năm 1265, sẽ cứu hạm đội Nhật Bản khỏi bị tiêu diệt.
Những lời nói ấy rơi vào trong sự im lặng giá băng. Không một sĩ quan nào hiện diện lại tỏ ra có một chút cho do dự nếu như Đô đốc yêu cầu họ hy sinh chính mạng sống của họ, nhưng họ biết rằng mạng sống hay cái chết của hàng trăm phi công trẻ tuổi sẽ lệ thuộc vào câu trả lời của họ. Tất cả yêu cầu được bàn định trong một căn nhà kế cận.
Cuộc thảo luận rất ngắn ngủi. Ý tưởng được xổ tung. Nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc các không đoàn đã từng nghĩ đến phương tiện tuyệt vọng này. Trong các trận không chiến liên miên xảy ra bên trên các phi trường tại Phi Luật Tân, nhiều phi công vì hết đạn đã hạ các oanh tạc cơ Mỹ bằng cách lao vào cánh lái của chúng. Bốn ngày trước đó, Đô đốc Arima, chỉ huy trưởng không đoàn 26, trái với thông lệ, đã quyết định dẫn đầu đợt xung phong thứ hai tấn công vào một Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang tiến về phía Lujon. Lúc khởi hành, ông trình diện trước nhóm phi công, lột bỏ huy hiệu cấp bậc của mình và ngồi vào tay lái của chiếc phi cơ dẫn đầu rồi cất cánh ngay, theo sau ông là 80 khu trục cơ. Không ai còn gặp lại ông nữa. Kéo dài cuộc tấn công quá giới hạn dự trữ xăng, ông đã hoàn toàn tự ý lao mình xuống sàn một hàng không mẫu hạm.
Sau khi gợi lại những gương sáng ấy, các không đoàn trưởng trở lại phòng họp. Onishi vẫn đợi họ tại đấy, ngồi tại chỗ, bất động như một tượng phật bằng đồng. Ông nhướng đôi mày rậm và liếc nhìn một vòng chung quanh.
- Thưa Đô đốc, người chỉ huy thâm niên nhất lên tiếng, chúng tôi hoàn toàn đồng lòng với ông.
Onishi chần chừ một lúc, rồi chỉ trả lời đơn giản “Tốt lắm!”. Và ông bước mau ra khỏi căn phòng sợ rằng sẽ phản bội niềm xúc động đang làm ông đau thắt.
Bây giờ các không đoàn trưởng chỉ còn có việc nói cho các thuộc viên biết quyết định của vị Tư lệnh lực lượng. Biết rằng tinh thần đã được chuẩn bị, họ không hề nghi ngờ rằng quyết định ấy sẽ được chấp nhân không than vãn và số người tình nguyện sẽ tràn ngập. Nhưng cũng như Onishi đã làm, họ muốn được sự đồng tình về phương diện tinh thần của các sĩ quan. Vì từ lúc ấy mọi sự do dự đều không thể chấp nhận được, họ bèn dùng một công thức tam đoạn luân rất quen thuộc với những kẻ tài tử trước đa số tuyệt đối: “Anh thích chết bằng cách một chống mười mà không một tí hy vọng nào đạt được kết quả, hay là chết bằng cách mỗi người đánh chìm một mẫu hạm địch hơn?”.
Câu trả lời hoàn toàn nhất trí và chiến thuật Kamikaze được trưng cầu ý kiến trong một không khí phấn khởi điên cuồng.
Bộ tham mưu của Đệ nhất không lực liền bắt tay vào việc soạn thảo các mệnh lệnh cần thiết cho sự thành lập “đơn vị Kamikaze”. Đơn vị phải gồm có vài huấn luyện viên - tình nguyện chết như những người khác nhưng là một cái chết bị trì hoãn - có sứ mạng huấn luyện thật nhanh các sinh viên phi công đang thời kỳ thực tập, những người sẽ là chủ lực của đơn vị. Onishi chấp thuận các kỹ thuật vận dụng cực kỳ đơn giản bởi vì các phi công thành thạo rất hiếm có và phải được giữ lại để dẫn dắt đơn vị ra đi tấn công. Với một vài thay đổi để xích nhau thôi, chiến thuật gồm có lao xuống sát mặt nước trên chiến hạm mục tiêu bằng cách quay lưng về phía mặt trời, rồi hướng lên cao một chút và bay theo chữ chi để tránh đạn, sau đó đâm bổ xuống thật sâu vào phút chót.
Những toán đầu tiên đã sẵn sàng vài ngày và, ngay từ ngày 22 tháng 10, một toán đã cất cánh để thử lửa. Sự rủi ro đã muốn rằng trời rất xấu. Bị quáng mắt vì những loạt mưa, các phi công không thấy các Lực lượng đặc nhiệm của địch đâu nên phải quay về. Ngày 23 tháng 10, tình hình khí tượng còn trầm trọng thêm, và sự thất bại tương tự lại tái diễn. Sự hổ thẹn và nỗi kinh hoàng càng lớn lao khi mà cứ một cuộc khởi hành là có một lễ nghi tiến đưa long trọng. Chính Đô đốc Onishi đích thân đến phi trường. Các phi công Kamikaze tập họp chung quanh ông, uống một chén Saké sau khi nâng ly chúc tụng Thiên hoàng. Sau đó họ khoác vào người biển hiệu của đơn vị: một chiếc khăn choàng rộng bằng lụa quấn chung quanh cổ. Rồi tay cầm lưỡi kiếm võ sĩ đạo, họ chạy về phía các phi cơ, Đô đốc chạy theo và đứng im trước chiếc phi cơ thứ nhất để chào từng người chạy qua, những anh hùng trẻ tuổi bay lao về phía thần chết.
Ngày 24 tháng 10, các phi công Kamikaze được huấn luyện lại và một đội hình cổ điển gồm có những phi cơ tốt nhất do các phi công ưu tú của Đệ nhất không lực lái, đã được tung ra tấn công và đã khám phá thấy lực lượng địch ngoài khơi đảo Leyte.
Đã đến lúc! Kể từ ngày 20 tháng 10, bên trong vịnh Leyte, 420 chiến hạm thủy bộ đủ mọi kiểu đã đổ bộ lên bờ hai Sư đoàn bộ binh mà chẳng phải lo lắng gì cả. Ngày hôm đó, đến chiến trường lúc 10 giờ sáng trên chiếc tuần dương hạm Nashville, Mac Arthur đã dự kiến cuộc đổ bộ. Vài giờ sau, ông yêu cầu một chiếc Landing Craft đưa ông vào bờ. Ngay khu bụng chiếc tàu trượt ầm ĩ lên trên đá sạn của bãi biển San Pedro, ông Tướng bước xuống dọc theo chiếc cửa mở nghiêng xuống bãi, tất cả sĩ quan thuộc Bộ tham mưu nối gót theo ông. Ông bước qua khoảng các mấy thước ngăn cách bãi cát, bằng cách lội xuống nước trong những lượn sóng nhỏ xanh biếc viền đầy bọt trắng. Khi đã đặt chân lên mặt cát khô, ông bắt đầu chạy trên bãi cát như một cậu bé tinh nghịch rốt cuộc thoát khỏi được lớp học để chạy nô đùa dưới ánh mặt trời. Thế rồi ông dừng lại đột ngột và quay về phía các sĩ quan ngơ ngẩn vẫn chạy theo cách ông một khoảng, ông la lớn với họ:
- Các anh tin hay không tin cũng mặc, chúng ta đã đến đấy rồi! “Và lần này, chúng ta sẽ ở lại!”.