Giai Thoại 30
TÊN ĐẠI NGHỊCH THẦN Đỗ THÍCH

     ách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 1, từ tờ 5 - b đến tờ 7 -a) chép rằng:
“Mùa Đông, tháng mười (năm Kỉ Mão, 979 - NKT), quan giữ chức Chi Hậu Nội Nhân là Đỗ Thích giết chết Nhà vua (là Đinh Tiên Hoàng) ở trong cung. (Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - NKT). Trước đó, Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan (nay thuộc Ninh Bình - NKT). Một hôm, nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, Đỗ Thích mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt được. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết Vua. Đến đây, thấy Nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình, (Đỗ) Thích bèn (lẻn vào) giết chết (Nhà vua), lại giết luôn cả Nam Việt vương (Đinh) Liễn. Bấy giờ, lệnh lùng bắt thủ phạm rất gấp, (Đỗ) Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, (Đỗ Thích) thò tay hứng nước mà uống, cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Đinh Quốc Công là Nguyễn Bặc sai người bắt xuống và đem đi chém đầu...”.
... “Trước kia, khi Vua còn hàn vi, thường ra sông Giao Thủy (ở Ninh Bình - NKT) để đánh cá. Có lần kéo lưới, bát được viên ngọc khuê to, nhưng lại lỡ làm va vào mũi thuyền, khiến bị mẻ mất một góc. Đêm ấy, (Nhà vua) vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, để viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá. Đang khi Nhà vua ngủ say, thấy giỏ cá có ánh sáng lạ phát ra, nhà sư của chùa (Giao Thủy) bèn gọi Nhà vua dậy để hỏi cho ra duyên cớ. Nhà vua cứ tình thực mà kể, lại còn lấy viên ngọc cho nhà sư xem. Xem xong, nhà sư than rằng:
- Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu.
Năm Thái Bình thứ năm (tức năm Giáp Tuất, 974 - NKT) trong dân có truyền tụng câu sấm rằng:
Đỗ Thích thí Đinh Đinh
Lê gia xuất thánh minh,
Cạnh đầu đa hoành nhi,
Đạo lộ tuyệt nhân hành.
Thập nhị xưng đại vương,
Thập nhị vô nhân thiện,
Thập bát tử đăng tiên,
Kế Đô nhị thập thiên.
Nghĩa là:
Đỗ Thích giết Đinh (Tiên Hoàng) và Đinh (Liễn),
Nhà Lê xuất hiện bậc thánh minh,
Tranh nhau để được nhiều gia nô (cho mình),
Đường sá không còn có bóng người đi.
Có đến mười hai người xưng là đại vương (chỉ cuộc tranh hùng của mười hai người con Lê Hoàn sau này). Nhưng cả mười hai người đều không ai là người thiện cả. Họ Lý chết (chữ thập, chữ bát và chữ tử ghép lại thành chữ là họ Lý, đăng tiên là chết).
Sao Kế Đô chiếu hai chục ngày (ý nói vận hội đen tối khá lâu)(1).
Mọi người cho rằng số trời là vậy. Bấy giờ, Định Quốc Công là Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp là Đinh Điền, Thập Đạo Tướng Quân là Lê Hoàn, cùng nhau rước Vệ Vương là (Đinh) Toàn lên ngôi Hoàng Đế, tôn (Đinh Bộ Lĩnh) là Đinh Tiên Hoàng Đế, tôn thân mẫu (của Vệ Vương Đinh Toàn) là Dương Thị làm Dương Thái Hậu, đồng thời, đem linh cữu Đinh Tiên Hoàng Đế táng ở Sơn Lăng Trường Yên (thuộc Hoa Lư, Ninh Bình - NKT).
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đế vương dấy nghiệp, chẳng có ai lại không nhờ ở trời. Nhưng, thánh nhân không thể cậy có mệnh trời mà không cố làm hết phận sự của mình. Cho dẫu là việc đã thành cũng phải lo nghĩ đề phòng giữ. Cho nên, sửa sang lễ nhạc, hình án và chính sự chẳng qua là để giữ lòng người, đặt ra nhiều lần cửa (trong kinh đô) và đánh trống canh làm hiệu là để đề phòng kẻ hung ác, bởi vì lòng người ham hố quả không cùng, việc đời nhiêu khê quả không bến, quyết không thể không phòng bị được. Lo xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu cũng chính là ở chỗ này.
Đinh Tiên Hoàng chưa thể gọi là đã trọn được đời vì chưa làm hết việc người chứ không phải là trời không giúp nữa. Và, cũng vì Nhà vua chưa thể gọi là trọn được đời nên lời sấm truyền kia mới tạm đắc tháng, đời sau rất dễ bị mê hoặc bởi điều này”.

 

Lời bàn:
Giết người là tội đại ác. Tội ấy, trời không thể dung, đất chẳng thể tha. Giết người vì mục đích tranh đoạt chức quyền của vị anh hùng có công lớn với xã tắc, thì trong tội đại ác, còn có thêm bao tội đại ác nữa. Hỡi đấng cao xanh vô tâm đến độ lạnh lùng, lẽ đâu như Đỗ Thích mà cũng là người được ư?
Ngô Sĩ Liên có lời trách Đinh Tiên Hoàng thiếu cẩn trọng. Lời ấy chí phải, nhưng con người bị con người hãm hại, chẳng qua chỉ vì thiếu cẩn trọng đề phòng, càng nghĩ càng thấy chua chát làm sao.
Thuở ấu thơ, kẻ hậu sinh này từng được đến viếng Hoa Lư và từng được thực hiện một tục lệ tuyệt vời: bất cứ ai trước khi vào thắp nhang tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng, đều phải cầm lấy cái roi mây để sẵn, đánh mạnh vào cánh tay bằng đá đặt cách cửa đền không xa. Đã có không ít người căm giận, đánh đến nát cả roi mây, bởi vì cánh tay bằng đá ấy tượng trưng cho cánh tay tội lỗi của Đỗ Thích. Tương tự như vậy, ở Trung Quốc, bất cứ ai vào đèn viếng Nhạc Phi (danh tướng của Trung Quốc thời Tống) cũng đều lấy dùi để sẵn, đánh vào đầu bức tượng Tần Cối (kẻ gian thần đã hãm hại Nhạc Phi) cách đó không xa. Hóa ra đó đây và xưa nay đều vậy, có ai lại không khinh ghét lũ bất nghĩa bất trung!
Như Đỗ Thích, giờ thì dẫu một chút xương tàn cũng chẳng còn nữa, nhưng sự khinh ghét đã ngàn năm rồi mà có hề giảm bớt được đâu!