1925 - Cụ Phan Bội Châu bị bắt giam ở ngục Hoả-Lò, Hà nội, và bài thơ của cụ Phan Chu Trinh làm xáo độngtinh thần Nam-Nữ học sinh toàn quốc. - Đổng-sĩ-Bình, một ông Phán Toà, làm cách mạng. - Thư cách mạng trao đổi giữa học sinh các trường - Điện tín của học sinh các trường gửi Toàn Quyền Varenne xin ân xá cụ Phan. - "Hiệp -định 1925 " giữa Pháp và Triều Đình Huế - Quyển "Đông Dương Hôm Qua và Hôm Nay " phát không cho học sinh Trung-Nam-Bắc. Toàn thể thanh niên trong nước, đến năm 1924, đang sống cuộc đời học sinh yên tỉnh, vô tư, chỉ lo ăn học, và vui chơi trong ngày Chủ nhật với những cuộc giải trí thông thường. Kẻ rủ nhau đi dạo về quê bằng xe đạp, người ở lại thành phố thì đá banh, tụ họp bạn bè trò chuyện, đi tắm sông, giặt áo quần, đi xem các thắng cảnh, viết thư về xin tiền cha mẹ v.v… Hâù hết tất cả học trò sau ba tháng nghỉ hè, đều được lên lớp. Năm này Tuấn lên Ðệ Nhị Niên và đã thấy mình thành một học trò lớn, đã học được nhiều môn Giáo Khoa mới, hấp thụ được khá nhiều những tinh hoa văn học Âu tây. Học sinh đa số đều quen nói tiếng Pháp, vì bắt buộc phải nói tiếng Pháp với giáo sư Pháp, cả với giáo sư An nam, vì tất cả các môn học đều bằng tiếng Pháp chỉ trừ mỗi tuần 2 giờ Việt-văn, môn này được coi chính thức trong chương trình là “ Quốc văn “. Ngoài học đường, tình trạng chung của xã hội An nam ở Bắc kỳ cũng như ở Trung kỳ và đời sống hàng ngày dưới chế độ của người Pháp, đã thành ra một sự kiện hiển nhiên, đã được chịu đựng một cách thụ động êm thắm. Không có sự chống đối Nhà nước Bảo Hộ. Ở Nam kỳ, giai cấp gọi là thượng lưu trí thức và tư bản ở Saigon và Lục tỉnh, hầu hết đều nhập tịch dân Pháp, sống theo phong tục của Pháp, tiếp xúc thường xuyên với các Quan Cai trị Pháp và các nhà tư bản Pháp. Quảng đại quần chúng ở thành thị và thôn quê, thì vẫn có thái độ thụ động, lo an cư lạc nghiệp, cũng như ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Không ai thù ghét Tây, nhưng cũng không sợ Tây như hôì vài mươi năm về trước. Nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng người Pháp đã gây được một uy tín lớn lao vô cùng và thật sâu rộng, là nhờ họ có một văn minh khoa học tân tiến và cao kỳ mà không một người “ An nam “ nào chối cãi được. Sở dĩ họ nắm vững được guồng máy cai trị 25 triệu dân An nam và thao túng được Triều Ðình Vua An nam ở Huế là nhờ uy tín một cường quốc văn minh đứng vào bực nhất nhì trên thế giới. Bổng dưng tháng Bảy dương lịch năm 1925, gần nghỉ Hè, giữa tình thế đang yên tỉnh và bình thường ấy, một cái tin rất mới lạ, kinh dị, như một tiếng sấm sét giữa vòm trời quang đãng, nổ bùng và không biết từ đâu, và loan truyền khắp nước An nam: "Cụ Phan Bội Châu, bị Tây bắt ở Thượng Hải đem về giam tại nhà Lao Hỏa Lò, Hà Nội." Cụ Phan Bội Châu là ai? Lúc bấy giờ chẳng ai biết cả. Cái tên nghe thật kêu nhưng là một cái tên rất mới, lạ, từ trước đến nay chưa hề nghe nói đến bao giờ. Một buổi chiều thứ bảy, trò Tuấn đi học về, thấy không khí của thành phố hơi khác hơn mọi hôm. Có nhiều nơi tụ hợp năm ba người nói chuyện xầm xì với nhau, trong các tiệm người An nam. Trò Tuấn cắp sách về đế nhà trọ -- nhà thầy Bửu Vinh Thông Phán sở Kho Bạc -- thầy cũng vừa ở sở đạp xe máy về. Thầy gác xe máy lên cái kệ gỗ sơn xanh xong rồi đi vô buồng thay áo. Nét mặt của thầy xem khác hơn mọi hôm. Lần nào ở sở về, trông thấy Tuấn, thầy cũng mỉm cười thay thế cho tiếng chào. Nhưng lần này, thầy Bửu Vinh không cười. Tuấn nghĩ thầm thầy giận mình vì một chuyện chi đó chăng, hay thầy bị một chuyện gì không vui ở sở? Thầy đi tắm, vào sửa soạn ăn cơm. Tuyệt nhiên thầy không nói một câu, nét mặt thiểu não khác thường. Cơm xong, 7 giờ tối, một bạn đồng nghiệp của thầy đi xe máy đến, coi bộ vội vàng, băn khoăn. Thầy ngoắc nhỏ thầy Bửu Vinh ra nhà sau, chỗ bàn học của Tuấn, gần bếp, và thầy đưa tay ngoắc trò Tuấn, Tuấn chạy theo. Ra nhà sau, thầy kia rút trong lưng quần ra một tờ nhật báo tên là “ Thực Nghiệp Dân Báo “ở Hà nội. Giữa trang báo có in hình một ông già râu xồm xoàm, mặc áo xuyến đen, đội khăn đen, đeo kính trắng. Gương mặt của ông thật là oai nghiêm. Ngay trên hàng đầu, in hai hàng chữ thật đậm, chiếm 6 cột, hết cả bề ngang của tờ báo. Tuấn trố mắt đọc: "Hội đồng đề hình sắp đem vụ án cụ Phan Bội Châu ra xử. Hai vị trạng sư Bona và Larre sẽ bào chữa cho Cụ". Thoạt tiên, trò Tuấn không hiểu gì cả. Cụ Phan Bội Châu là ai? Tại sao ông già này lại bị Tây bắt và đem ra xử tội? Taị sao có hai vị trạng sư Tây ra bào chữa cho cụ? Trạng sư là gì? Thầy Bửu Vinh giảng giải cho Tuấn hiểu. Chính thầy và bạn đồng liêu của thầy cũng nhờ coi được tờ Thực Nghiệp Dân Báo ở nhà một người nào đó mới hiểu rõ vụ Phan Bội Châu, và nói cho Tuấn nghe. Tờ Thưc Nghiệp Dân Báo ở Hà nội, không biết ai đem vào tỉnh này? và đem vào hồi nào? Ai mua? Khắp cả thành phố không đâu thấy bán, thế mà một tuần lễ sau, Tuấn trông thấy nhiều nhà có tờ Thực Nghiệp Dân Báo và hãnh diện cho bà con chuyền nhau mượn coi. Coi xong phải trả lại liền cho đến khi tờ báo rách nát vẫn còn người mượn. Sau cùng, ngươì có báo phải đem giấu tờ báo trong rương, trong tủ, như một vật quý giá vô ngần, sợ ai lấy mất. Cả thành phố xôn xao, nhưng vẫn lo sợ, chỉ xầm xì trong nhà, không dám nói lớn, không bàn tán công khai. Nhất là bức ảnh của cụ Phan Bội Châu, không dám đễ cho người lạ trông thấy. Từ đêm đầu tiên – đêm thứ Bảy gần ngày nghĩ Hè—thấy ảnh cụ Phan Bội Châu trên tờ Thực Nghiệp Dân Báo và nghe rõ chuyện Cụ Phan Bội Châu, do hai thầy thông phán sở kho bạc kểl lại, trò Tuấn như bị một sức mạnh gì huyền bí, làm xáo trộn tinh thần. Suốt đêm, Tuấn cũng không ngủ được. "Chân dung Sào Nam Phan Bội Châu tiên sinh “, theo đúng dòng chữ in của tờ báo dưới ảnh cụ Phan, cứ ám ảnh tâm hồn còn ngây thơ non nớt của cậu học trò 16 tuổi. Sáng chủ nhật dậy thật sớm, Tuấn ăn vội vàng tô cháo gà, rồi chạy đến các nhà bạn bè, nói chuyện cụ Phan Bội Châu. Có vài trò sợ sệt bảo Tuấn:” Mày đừng nói chuyện đó, bị ở tù chết cha!” Nhưng phần đông đều bàn tán say sưa về chuyện cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hùng ái quốc bị Tây bắt bên Tàu sắp đem ra xử tử. Vì moị người đều nghĩ rằng thế nào cụ Phan Bội Châu cũng sẽ bị Tây xử “ chết chém “. Kỳ nghỉ Hè ấy, Tuấn không về quê, viết thư xin phép cha mẹ ở lại học tư lớp Hè. Sự thực, Tuấn muốn ở lại để được coi tờ Thực Nghiệp Dân Báo Hà nội cho biết chuyện cụ Phan Bội Châu. Về tỉnh nhà làm gì có báo mà coi. Mâý người đi buôn ở Ðồng Nai, cũng có đem về mấy tờ Sài Thành Nhật Báo ở Saigon, nói chuyện một bậc chí sĩ khác tên là Phan Chu Trinh, ở bên Tây mới về. Người ta đồn rằng ông này giỏi lắm, người Tây ở Saigon cũng phải sợ ông. Ông đi đâu cũng có hàng ngàn người An nam bu theo ông để nghe ông diễn thuyết chửi Tây, chửi vua An nam, mà Tây không dám bắt bỏ tù ông. Tuấn đã viết thư về nói dối với cha mẹ là ở lại Qui-nhơn để học tư, nhưng sự thực là suốt ba tháng nghĩ Hè, Tuấn ưa lai vãng đến nhà mấy đứa bạn để đọc lén tờ Thực Nghiệp Dân Báo. Sau có thêm tờ Khai Hóa Nhật Báo, tờ Trung Bắc Tân Văn cả ba từ Hà Nội gởi vào. Từ Saigon gửi ra có tờ Sài Thành Nhật Báo, Ðông Pháp Thời Báo, một tờ Báo Tây Echo Annamite của một người An nam làm chủ bút, tên là Nguyễn Phan Long, và tờ La Cloche Félée cũng của một người An nam tên là Nguyễn An Ninh. Tuấn không biết những tờ baó này do ai ở Saigon gởi ra, và ai ở Qui-nhơn gởi mua? Chỉ biết rằng cả Qui-nhơn chỉ vài ba người có mà thôi và được chuyền nhau mượn coi lén lút trong một nhóm học trò Ðệ Nhị và Ðệ Tam Niên. Giáo sư An nam không dám coi báo, trừ một ông giáo người Bắc dạy Quốc văn mà học trò thường gọi là ông Ðốc Bình và thầy trợ Tố dạy lớp Năm mà trong thành phố người ta gọi là “ thầy Cộng sản “ để ngạo cái chủ trương của thầy là "của đời muôn sự của chung “. Nhưng ông Ðốc Bính thường dặn dò Tuấn đừng chơi thân với thầy Tố vì thầy này là một con "mouton “ ( con cừu ) tiếng Pháp có nghĩa là kẻ làm do thám. Do đó, học trò bảo nhau là thầy Tố làm mật thám cho Tây. Ở các sở Nhà Nước, hầu hết các thầy Thông, thầy Phán đều không dám coi báo công khai, trừ hai thầy Kho bạc, và một thầy ở Toà Sứ. Thầy này hăng hái nhất và còn trẻ, lối 23, 24 tuôỉ, quê quán ở Huế, và chưa có vợ, tên là Ðồng Sĩ Bình. Mặt thầy nhiều mụn, và lúc nào thầy cũng nói tiếng Tây để chửi Tây. Tuấn mê nghe thầy giảng hay, và lạ nhất là Tuấn ít khi nghe thầy nói tiếng An nam. Có lẽ tiếng An nam dùng để chửi Tây không hay bằng tiếng Tây? Tuấn nghĩ thế nhưng không dám hỏi. Cũng có lẽ nói tiếng Tây đã thành ra thói quen của những người học tiếng Tây đã giỏi. Có lần Tuấn được dự một cuộc hội hợp bí mật tại nhà ông Ðốc Bính. Suốt mấy tiếng đồng hồ, ông Toàn và thầy Ðổng sĩ Bình đều nói toàn tiếng Tây để chửi Tây kịch liệt, và hô hào học trò nên có tinh thần ái quốc và đừng làm nô lệ cho Tây. Lúc bấy giờ những danh từ “đả đảo “, “ thực dân “ “đế quốc “ v..v…chưa thông dụng. Người ta chỉ dùng một chữ thông thường nhất là “ cách mạng “. Ðêm nhóm họp đầu tiên do thầy Thông phán Ðổng sĩ Bình tổ chức, thầy bảo Tuấn chạy đi rủ thêm trò Quỳnh, trò Tố và trò Thu đến nhà ông Ðốc Bính. Lần đầu tiên Tuấn được nghe hai chữ “ cách mạng “ do thầy Bình lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Nhóm hợp, để thầy và ông Ðốc Bính giảng báo cách mạng cho tụi này nghe. Ba tờ báo Hà nội thuât chuyện cụ Phan Bội Châu. Báo Quốc ngữ Saigon thuật chuyện cụ Phan Chu Trinh. Tờ báo Pháp ngữ La Cloche Félée của Nguyễn An Ninh thì chưỉ Tây và hô hào “ cách mạng “ hăng hái nhất. Mỗi lần thầy Bính trao cho Tuấn một tờ báo mới thầy đều căn dặn xem xong phải chuyền cho mấy trò khác xem. Nhưng Tuấn không bao giờ dám đem báo vào lớp học. Mỗi lần xem xong, trò đút nó dưới lớp áo dài đen, à chạy đến nhà trò Quýnh đưa lén cho trò này xem. Một buổi tối, Tuấn đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, thầy ở một mình một căn nhà mướn trong một ngõ hẻm gần bờ song. Thầy chỉ cho Tuấn một bài thơ bằng chữ Nho ký tên Phan Chu Trinh, do tự tay thầy chép ra bằng nét chữ đậm và thật đẹp, lồng khung kiến treo trên tường. Tuấn không biết bài thơ này do thầy chép ở đâu ra, nhưng Tuấn học thuộc lòng ngay: Thế sự hồi đầu dĩ nhất không Giang san hòa lụy khấp anh hùng Vạn dân nô lệ cường quyền hạ Bát cổ văn chương túy mộng trung Trường thử bách niênm cam thóa mạ, Bất trí hà nhựt xuất lao lung Chư quân vị tất vô tâm huyết Thích bả tư văn khán nhất thông. Tuấn đã được học chút ít chữ Hán, nhưng lần đầu tiên nghe nhiều tiếng mới lạ: anh hùng, nô lệ, cường quyền, lao lung, tâm huyết. Tuấn chưa hiểu rõ nghĩa cho lắm. Thầy Bình ngâm từng câu, giảng từng ý, rồi thầy ngâm đi ngâm lại nhiều lần. Thầy giảng rộng ra nữa, và nói: “ Nước An nam đã mất, nhà An nam đã tan, dân An nam bị làm nô lệ. Ðồng bào như người mê ngủ chưa tỉnh ngộ để cho Tây nó đè đầu, đè cổ, nó áp chế … Một trăm năm nữa cũng đành chịu hay sao? “ Thầy nói bằng tiếng Tây, rất hăng hái, rất say mê. Thầy đập tay xuống bàn, thâỳ dậm chân xuống đất, thầy hét lên:” Trời ơi! Trời ơi! Nưóc An nam là con Rồng cháu Tiên, mà dân An nam ngày nay là tôi, là tớ, là mọi, là rợ, bị xiềng xích, gông cùm, áp chế! Thế có tủi nhục cho Hồn Thiêng của Ðất Nước hay không?” Bổng thầy oà ra khóc, thầy gục đầu xuống bàn khóc nức nở …Tuấn bị qúa cảm xúc, cũng rưng rưng nước mắt ngồi khóc ngây ngô. Tuấn nhìn lên bài thơ đóng khung treo trên tường, càng nhìn càng khóc. Mỗi câu thơ như: Vạn dân nô lệ cường quyền hạ Bát cổ văn chương tuý mộng trung Mà thầy Bình đọc đi đọc lại, kêu gào lên, rồi khóc, làm trò Tuấn có cảm tưởng như đây chính là tiếng nói đau khổ, tiếng rên xiết bi thương của một Hồn thiêng hiện về kêu gọi con cháu bằng giọng ai oán lâm ly. Không khí bi thảm ấykéo dài một lúc lâu. Rồi thầy Ðổng sĩ Bình ngước đầu dậy, mắt còn dẩm lệ, bảo trò Tuấn: -Tuấn ơi! Chúng ta là con cháu của Hùng Vương, của Lạc Long Quân, ta phải làm thế nào chứ! Làm thế nào để phá tan cái xiềng xích nô lệ, để đòi lấy Ðộc Lập Tự Do, để… Tuấn chỉ biết ngồi cúi đầu, nghe và khóc. Thầy Ðổng sĩ Bình đứng dậy, đôi mắt thầy đỏ ngầu, tay thầy run lên, thầy chỉ ngón tay lên bài thơ chữ Nho của cụ Phan Chu Trinh, và nói bằng tiếng Pháp có vẻ căm hận, oán than, nhấn mạnh từng câu: - Notre grand Patriote Phan chu Trinh a dit: "nous sommes des esclaves!... Nous sommes des esclaves!" ( Nhà đại ái quốc của chúng ta là cụ Phan chu Trinh đã nói đấy: chúng ta là những kẻ nô lệ ) Rồi thầy nói liên tiếp bằng tiếng Pháp,thầy nói thao thao bất tuyệt, thầy nói đến trào nước miếng hai bên mép, đổ mồ hôi trên trán, trên má, thầy hô hào: Cách mạng! Phải làm Cách mạng! Il faut faire la Révolution! Il faut faire la Révolution! Pour que les Annamites ne soient plus des esclaves, pour que les Francais ne soient plus des oppresseurs, …des tyrans…, il faut faire la Révolution! Tuấn đã hoàn toàn bị thôi miên bởi giọng diễn thuyết hùng hồn ai oán của thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán đầu tòa của quan Công Sứ Pháp, chủ tỉnh Qui-nhơn … Ðêm hôm đó, Tuấn đến nhà trọ của mấy cô học trò lớp Nhất. Năm nay, cô Thục lưng quần đỏ đã thi đổ primaire về nhà lấy chồng làm Chánh tổng, cô Lài cũng đã thi đổ được mẹ cho ra Huế học trường Ðồng Khánh. Chỉ còn cô Trâm, cô Anh thi rớt phải học lớp Nhất trở lại một năm nữa. Tuấn đem bài thơ đã học thuộc lòng ở nhà thầy Bình đọc cho Trâm và Anh nghe. Tuấn lập lại những lời hô hào cách mạng của thầy Ðổng sĩ Bình, và Tuấn cũng đã được tiêm nhiễm những giọng say mê ai óan của thầy, nói hùng hồn như thầy, đến nỗi một lúc sau Tuấn cũng bị xúc động gục xuống bàn khóc …Trâm và Anh cũng rưng rưng khóc theo. Ðêm ấy, Tuấn nói hết những gì Tuấn biết về hai cụ Phan bội Châu và Phan chu Trinh, cho Trâm và Anh nghe say sưa, mãi đến gà gáy sáng. Sau kỳ nghĩ Hè năm ấy, một số đông học trò ở toàn xứ An nam khắp ba Kỳ, đều thuộc lòng bài thơ của cụ Phan Chu Trinh, bài thơ cách mạng đầu tiên đã vang dội trong đầu óc thanh niên thế hệ 1925. Trong nhiều trường hợp, đại khái như trường hợp của Tuấn, việc cụ Phan Bội Châu bị bắt giam ở nhà lao Hà Nội, việc cụ Phan Chu Trinh về Saigon diễn thuyết cách mạng, và bài thơ của cụ “Thế sự hồi đầu dĩ nhất không …” được truyền khẩu bí mật đi khắp nước, từ Bắc chí Nam. Học trò con gái phần đông là nghe theo học trò con trai, cũng được tiêm nhiễm tinh thần cách mạng, và sau này cũng hăng hái, cùng với bạn trai tham gia tất cả các cuộc hoạt động bí mật và công khai làm "phá rối cuộc trị an của Nhà Nuớc Bảo Hộ". Tuấn viết bức thư đầu tiên cho Lài ở Huế, như sau đây ( Lài ở “ Internat “ ( ký túc xá ), trường Ðồng Khánh ). Thư phải để gửi cho một cô bạn cùng lớp Ðệ Nhất Niên với Lài, nhưng ở trọ nhà bà cô trong Thành Nội, nhờ cô bạn trao lại cho Lài ). Le 6 Octorbre 1925 Cô Lài ơi, Cô ở Huế, mà việc cụ Phan Bội Châu, một bậc anh hùng ái quốc bị Tây bắt ở bên Thương Hải giải về giam trong nhà tù Hà Nội ngoài Bắc kỳ, cô có nghe tin không? Việc cụ Phan Chu Trinh, bậc anh hùng chí sĩ ở Tây về Nam kỳ, cô có biết không? Bài thơ của cụ Phan Chu Trinh: "Thế sự hồi đầu dĩ nhất không, giang san hòa lụy khấp anh hùng. Vạn dân nô lệ cường quyền hạ, bát cổ văn chương túy mộng trung. Trường thử bách niên cam thóa mạ, bất tri hà nhựt xuất lao lung. Chư quân vị tất vô tâm huyết, thỉnh bá tư văn khan nhất thông " Cô có thuộc không? Cô trả lời cho tôi mừng kẽo tôi nóng lòng lắm. Còn cô Thục thi đỗ rồi mà không ra Ðồng Khánh tiếp tục học như cô, lại ở nhà lấy chồng, lão Chánh tổng nhà giàu, góa vợ. Tụi tui tức giận lắm đó. Tết này cô có về Qui-nhơn ăn Tết không? Nếu cô về thì tui ở lại chơi trong mấy ngày Tết. Tụi mình đến nghe thầy Bình giảng Les Droits de l'Homme et du Citoyen ( Nhân quyền và Dân quyền ). Tôi có cái hình cụ Phan Bội Châu đẹp lắm, nếu cô không có thì tôi gửi ra cho cô. Tôi với Anh và Trâm nhắc đến cô hoài. Cô đau mắt hột, đã bớt chưa? Tôi chúc cô học tiến bộ nhiều. Thơ bất tận ngôn. Au revoir, mademoiselle. Votre ami dévoué: Tuấn. Hơn mười ngày sau, Tuấn được thư Lài trả lời như sau: Huế le 18 Octobre 1925 Anh Tuấn ơi, Em bắt được thư anh sáng thứ tư, chị Tuyền đưa vô cho em mà Tuyền đã xé coi trước. Em giận lắm. Ở Huế, mấy cô trợ giáo và học trò Ðồng Khánh cũng bàn tán lao xao việc cụ Phan Bội Châu bị bắt bỏ tù ở Hà Nội. Mấy bữa ni đang làm đơn gởi Quan Toàn Quyền để xin tha cho cụ. Tuị em theo mấy anh học trò trường Quốc Học và cũng hăng hái vận động đánh giây thép ra Bắc kỳ để xin ân xá cụ Phan Bội Châu. Còn trường Qui-nhơn của mình? Không lẽ mấy anh làm thinh để cụ Phan bội Châu bị tù sao? Anh nghĩ sao, cho em biết, em mong tin anh lắm. Cụ Phan chu Trinh diễn thuyết ở Nam kỳ, hô hào lập “dân chủ“ đánh đổ “quân chủ“.Em có một cuốn sách in bài diễn thuyết đó. Anh có không? Nếu không, thì em gửi vô cho anh.. Hay hạng nhứt. Anh Tuấn ơi em đọc say mê. Làm sao em gửi lén vô cho anh? Nhưng có một trò trai bị lính của Vua bắt, vì đang ngôì dưới cầu Trường Tiền đọc bài đó. Bài thơ anh chép cho em, em cũng có rồi. Ở Huế, ai cũng thuộc lòng. Tết, em phải về Qui-nhơn thăm mẹ em. Anh Tuấn ở lại ăn Tết với em hỉ? Em không có ảnh của cụ Phan Bội Châu nhưng em thấy trong báo “Khai Hóa“ ở Hà nội gởi vô cho cô giáo, cô giáo có đưa cho tụi em coi. Cụ đẹp qúa, oai quá, anh hỉ. Anh ơi, dân nước An nam mình bị làm nô lệ cho cường quyền, anh có buồn không? Nghe tin cụ Phan bội Châu bị tù, tụi em khóc hết. Tuị em nhứt định xin tha cho cụ. Em đã thuộc lòng bài thơ anh làm tiễn em đi Huế, và thuộc lòng cả bài thơ của cụ Phan chu Trinh, vơí bài “ Huyết lệ thơ “ của cụ Phan bôị Châu nữa. Tết em về, em đưa cho anh coi bài “ Huyết lệ thơ “ em không dám viết vô đây, bài đó ghê lắm, anh à. Em nhớ mẹ em, em khóc hoài. Em cũng nhớ anh, em gửi lời thăm chị Trâm, chị Anh và chúc hai chị sang năm thi đỗ để ra Huế học với em. Tết anh ở lại đừng về Quảng Ngãi, anh hỉ. Ông docteur chữa bệnh trachoma cho em đã gần bớt. Votre affectueuse amie qui pense à vous. Lài Tái bút - Nếu chưa lo việc làm đơn xin tha cụ Phan bội Châu thì anh làm thiệt gấp. Ngoài Huế này, mấy chị lớp trên nói: nếu nhà nước kết tội chém cụ Phan bội Châu thì cả trường Ðồng Khánh sẽ làm lễ để tang cho cụ. Em viết tới đây em khóc vì em sợ họ không tha cho cụ đâu. Anh Tuấn ơi nếu cụ Phan bị chết chém thì anh cũng để tang nghe không anh? Anh cổ động mấy anh học trò trường mình cho đông thì sợ gì. Anh làm đơn gởi đi thật gấp. Nghe nói quan Toàn Quyền mới tên là Alexandre Varenne, gần sang An nam rôì, để xử cụ Phan Bội Châu. Chúng ta làm đơn xin ân xá cho kịp ngày, nếu để trể thì nguy tính mạng bậc chí sĩ anh hùng của nước ta. Tuị em ngoài này mấy tuần chỉ lo có một việc đó thôi. Em chờ thư anh. Au revoir anh.. Votre amie fidèle: Lài Ðọc thư cô nữ sinh Ðồng Khánh bị xúc động về cụ Phan Bội Châu có thể bị chết chém, Tuấn vụt chạy ra sau nhà bếp ngồi khóc một mình. Cũng như những đám học trò con trai con gái khác đã bị ảnh hưởng về vụ Phan Bội Châu, ảnh hưởng tự nhiên, ngấm ngầm nhưng vô cùng mãnh liệt, Tuấn sùng bái cụ Phan bội Châu không xiết kể và cứ hồi hộp lo sợ cụ bị chết chém. Tuấn chạy đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình, và rưng rưng nước mắt nói thầm với thầy: ” Thầy ơi, tôi nói dại dột nếu lỡ mà cụ Phan bội Châu bị chết chém thì làm sao? “. Thầy Bình đang ngồi ăn cơm tối, vụt ném chén cơm và đôi đũa xuống đất, tiếng kêu choảng choảng …Thầy đập bàn tay thật mạnh trên bàn và la lên giận dữ, bằng tiếng Tây: “Jamais! Jamais! Jamais les Annamites laisseront mourir ainsi le Grand Patriote Phan Sao Nam! “ ( Không đời nào! Không đời nào người An nam để cho nhà đại chí sĩ Phan Sào Nam chết như thế!) Nhưng rồi như điên như cuồng, thầy gục đầu xuống bàn khóc, vừa lẩm bẩm như cầu nguyện:"cụ Phan không chết! cụ Phan không chết!..." Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông Phán tòa sứ Qui-nhơn, cùng một lý tưởng và một chí hướng với Bửu Ðình ở Huế, Nguyễn An Ninh ở Saigon, Nguyễn Thái Học ở Hà nội, là những nhân vật điển hình của thế hệ thanh niên trí thức cách mạng năm 1925. Một số rất đông học trò các trường Trung học Pháp-Việt, Nam và Nữ, ở ba Kỳ, và sinh viên Cao đẳng ở Hà nội đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của mấy bực đàn anh kia. Chính họ đã truyền cảm cho lớp thiếu niên 1925, tinh thần ái quốc,tư tưởng cách mạng, mà hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ở hải ngoại mới về, là hai thần tượng tuyệt đối để họ sung bái, tôn thờ, tha thiết thương yêu. Tôi nói “ thương yêu “, vâng! Vì lớp trai trẻ có gái lẫn trai của thế hệ 1925, đã để trái tim của họ rung cảm mãnh liệt lần đầu tiên bởi tình yêu Nước mà cả hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai hình ảnh thiêng liêng rực rỡ. Những mối tình khác chỉ đều phụ thuộc mà thôi. Lòng ái quốc bộc phát sôi nổi, đột ngột và hăng hái cho đến nỗi họ đã tự động để tang cho cụ Phan Chu Trinh khi cụ chết ở Saigon năm 1926, họ lập bàn thờ ở khắp nơi để tế vong linh của cụ, và họ có thể tình nguyện chết theo nếu cụ Phan Bội Châu bị án tử hình năm 1925. Chính trong làn gió cách mạng nồng nhiệt lôi cuốn ấy, trong tình yêu nước thiết tha đầm ấm ấy, đã nẩy nở ra tinh thần hy sinh dũng cảm của cô Nguyễn thị Giang, Nguyễn thị Bắc, và trăm nghìn cô Bắc, cô Giang khác, và trăm nghìn Nguyễn Thái Học khác, trong đám thanh thiếu niên nam nữ học sinh. Không phải riêng một thầy Ðổng Sĩ Bình điên cuồng, kêu thét vì quốc hận, không phải riêng một cậu học trò 16 tuổi như Tuấn cũng đau đớn khóc than cho “ Vong Hồn Tổ Quốc “, mà hầu hết thanh thiêú niên nam nữ toàn nước “An Nam” đều bồng bột sôi nổi với tinh thần cách mạng tuy hãy còn ngấm ngầm e dè, chưa bùng ra quyết liệt. Có điều làm vinh dự nhất cho các cô giáo và nữ sinh trường Ðồng Khánh Huế, là trường Nữ Trung Học độc nhất của xứ Trung kỳ, đã hăng hái hơn tất cả các trường khác ở toàn xứ An nam trong việc ân xá cho cụ Phan bội Châu. Một buổi sáng thứ hai, trong giờ chơi, Tuấn được anh cai trường kêu xuống văn phòng nhận một thư bảo đảm. Tuấn mừng quýnh tưởng là thư nhà gửi măng-đa vô cho. Ra khỏi văn phòng, Tuấn xem nét chữ trên phong bì và dấu bưu điện đóng trên con tem, biết ngay là thư của cô Nguyễn thị Lài, học sinh trường Ðồng Khánh Huế, bạn thân của Tuấn. Tuấn chạy ra phía sau trường, ngôì một mình trên bãi cát, mở thư ra xem. Nét chữ của cô Lài đều đặn, tế nhị, rất dễ thương. Lài viết: Huế ngày 14-12-1925 tức là ngày 29 tháng 10 năm Ất Sửu, Mon cher ami Tuấn! Em muốn viết thư này thiệt gấp gửi vô cho anh, để anh biết rằng ngày 9 tháng 12 vừa qua, các cô trợ giáo trường Ðồng Khánh và học trò tụi em, có đồng ký một giấy phép như sau đây gởi ra Quan Toàn Quyền Alexandre Varenne ở Hà Nội Bắc kỳ: Gougal Hanoi – Nous institutrices et élèves collège Ðồng Khánh, avons honneur demander à votre bienveillance grace pour patriot Phan Bội Châu. Nhưng giấy thép đó không gởi đi được, anh biết taị sao không? Taị ông Chánh sở Giây thép không dám gởi đi và đưa trình lên ông Khâm Sứ Pierre Pasquier. Ông Khâm sứ liền sai một ông thanh tra mật thám tới trường Ðồng Khánh ở Huế, kêu hết tất cả các cô trợ giáo và học trò tựu lại trước mặt bà Ðốc ( bà Ðầm ) và hỏi:"Ai viết cái giây thép này?" Tức thì có cô trợ giáo Mân bước ra đọc cho ông thanh tra mật thám nghe bản chữ Tây như sau: Je déclare être de celles qui ont decidé l'envoi du télégramme à M. le gouverneur général Varenne, et je vous présente mon amie, Mlle…qui est décidée à supporter avec moi les conséquences de notre acte collectif. Nous n’avons pas à consulter notre Directrice pour une faveur que nous demandions au Chef de la Colonie en debors du domicile administrative. Nous protestons contre le fonctionnaire de Postes qui s’est permis, après avoir recu notre argent, de détourner le télégramme remis à son guichet. Et ceci est d’ autant plus grave que ce télégramme était adressé à Monsieur le Gouverneur Général. Nous n’ avons pas à rougir de notre acte et n’avons que suivi l’exemple de nos soeurs de Hanoi qui ont arrêté la voiture du gouverneur général pour lui remettre une supplique en faveur de notre héros national et n’ avons recu aucune suggestion du dehors. Nous avons agi en femmes annamites et non comme institutrices et élèves du collège. ( Tôi xin nhận là có cùng với các bạn gái quyết định gởi giây thép ra quan Toàn Quyền Varenne, và tôi xin giới thiệu ông đây là cô X. bạn tôi, đã cùng nhau quyết định chịu hết cả những hâụ quả của hành động tập thể này. Chúng tôi vì một ân huệ mà chúng tôi gởi xin quan Toàn Quyền ở ngoài phạm vi nhà trường. Chúng tôi phản đối ông chánh sở Bưu điện đã nhận tiền của chúng tôi để đánh diện tín, mà lại không gởi điện tín ấy đi. Càng trầm trọng hơn nữa, là chính điện tín ấy chúng tôi gởi ra quan Toàn quyền. Chúng tôi không hối hận tí gì về hành động của chúng tôi, chúng tôi chỉ theo gương của các bà chị của chúng tôi ở Hà nội đã chận xe hơi của quan Toàn quyền để đưa lên ngài một bản thỉnh nguyện ân xá cho vị anh hùng dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi không bị ai xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách là phụ nữ An nam chớ không phải với tư cách là các cô trợ giáo và các học trò trường Ðồng Khánh. ) Anh à, tuị em đều lo sợ cho hai cô trợ sẽ bị bắt bỏ tù nhưng may quá, ông thanh tra đứng im lặng nghe, nghe rôì xin cái tờ khai kia để đem về trình với quan Khâm sứ. Sáng ngày hôm qua, là ngày 13.12.1925, bà Ðốc kêu cô trợ Mân bảo rằng ông chánh sở Giây thép mời cô trợ ra tòa giây thép để lấy lại số tiền gởi điện tín, mà điện tín bị giữ lại, không gởi. Anh Tuấn à, mấy bữa rày ở Huế xôn xao lắm. Ngày vua Khải Ðịnh chết ( các quan nói là vua băng hà ) là ngày 6.11.1925, dân đế đô Huế chỉ nô nức chờ coi đám tang mà thôi. Ðám tang của nhà vua thì lớn lắm nhưng học trò và các cô trợ giaó không có chút gì cảm động, vậy mà việc cụ Phan bội Châu thì lại làm cho cả trường mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo sợ, buồn rầu lạy Trời làm sao cứu cho nhà chí sĩ An nam khỏi chết. Còn học trò trường Qui-nhơn mình có làm gì không anh Tuấn? Bửa trước anh có được thư của em chứ? Rôì anh có nói chuyện với mấy ảnh, có rục rịch gì không? Em chờ thư anh qúa chừng mà không thấy anh trả lời. Sao vậy? Chúc anh bình yên mạnh giỏi. Votre amie qui pense toujours à vous Nguyễn thị Lài Tuấn đọc đi đọc lại thư của Lài hai ba, bốn lần. Rôì Tuấn mắc cỡ cầm thư chạy đến nhà mấy đứa bạn Quỳnh, Thu, Tố. Tuấn hỏi: - Học trò Qui-nhơn mình dở quá! Thua xa học trò con gái trường Ðồng Khánh. Tao xấu hổ lắm, tao không dám viết thư trả lời cho Lài. Quỳnh bảo: -Tụi Ðồng Khánh nhờ có mấy cô trợ giáo có đầu óc. Còn mấy ông thầy giáo của trường mình ông nào ông nấy sợ Tây như sợ cọp, tối chỉ lo xổ tam hường và đánh tứ sắc, còn làm khỉ gì được. Tố nói thêm: -Phải có mấy ông cầm đầu thì tụi học trò mới dám làm chớ! Mầy coi, ông T., thì lo xổ tam hường, ông Thy thì ở nhà ôm vợ, ông V. thì đánh tứ sắc, chỉ còn ông đốc Bình thì không nghe ổng nói gì hết. -Tụi mình chạy lại thầy Ðổng sĩ Bình, hỏi ý thầy xem. Học trò Huế cũng có làm đơn xin ân xá cho cụ Phan. Qui-nhơn mình ngủ gục hết trơn, hết trọi, thế này sao? Ðêm ấy, bốn trò liền kéo nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình. Thầy Bình nói: - Tôi đã gửi bài đăng trong báo Saigon để kêu ân xá cho cụ Phan Sào Nam. Còn về phần các học trò, phải tự làm lấy chứ! Cũng như ở Huế, trường nào làm riêng trường đó mới được. 9 giờ khuya, về nhà Quỳnh, trò Tuấn hăng hái lấy bút viết nháp giây thép để gửi ra Quan Toàn Quyền. Tố, Quỳnh, Thu, chuyền nhau xem. Ðiện tín viết bằng Pháp văn như sau đây: Gougal Hanoi – Nous, élèves collège Qui-nhon, vous serions reconnaissants accorder grâce à notre Grand Patriote Phan Bội Châu. Quỳnh bỏ chữ collège, Tố thêm mấy chữ “ vouloir bien “ Thu thêm "très" trong câu "notre Grand Patriote". Nhưng rôì không lẽ chỉ bốn đứa ký tên? Phải có cả trường ký chớ? Làm sao lấy chữ ký cả trường? Lỡ ông Ðốc biết thì sao? Bốn đứa bàn đi bàn lại suốt đêm. Ðến gà gáy sáng Tuấn đề nghị đừng ký tên gì cả, cứ đánh đại giây thép mệnh danh là toàn thể học trò trường Qui-nhơn, rồi lỡ xẩy ra chuyện gì thì bốn đứa mình cùng chịu tội. Nhưng giấu kín đừng cho học trò trong trường biết. Vì đa số học trò trường Qui-nhơn hồi đó còn sợ. Chính bốn đứa này tuy hăng hái làm nhưng vẫn còn ngại …vì không có người lớn đỡ đầu. Dù sao cũng nhất định gởi cái giây thép nhưng lại không có tiền. Bốn đứa đều không có một xu, chưa nào được măng-đa ở nhà. Sáng tinh sương, thành phố còn ngủ, Quỳnh và Tuấn chạy đến ngõ cửa thầy Ðổng sĩ Bình, đưa thầy xem cái giây thép. Thầy gật đầu khen: -C' est très bien! C'est très bien! ( Giỏi lắm! giỏi lắm! ) Xong thầy móc túi áo ra cho 1 đồng bạc mới tinh. Ðồng bạc tròn chung quanh có răng cưa, trong có khắc hình “bà Ðầm xoè“ và có vòng chữ République Française ( cộng hòa Pháp ). Ðể đồng bạc trên đầu ngón tay, cầm cán bút bằng sắt gõ vào, nó kêu “ keng! “ rất thanh. Hai đứa học trò mừng quýnh, cầm đồng bạc chạy về đưa cho hai đứa bạn nằm nhà chờ kết qủa, 8 giờ sáng Quỳnh và Tuấn làm đơn khai dối là “ malade “ xin phép Giáo sư cho nghỉ một buổi. Hai đứa rủ nhau đi ra nhà Giây Thép. Tòa bưu điện đông người ra vào. Tuấn gấp tờ giấy điện tín bỏ trong túi áo, không dám lấy ra vội. Ðợi lúc vắng người, hai trò đến đưa cho thâỳ Thông giây thép coi, và trao luôn đồng bạc mới tinh. Nhưng thầy thông giây thép xem xong, trợn mắt lấy tay làm dấu cho hai trò đi vòng sau tòa bưu điện. Hai đứa ra đến đây thì thầy thông đã đứng đấy rồi, tay còn cầm tờ giấy của Tuấn. Thầy trợn mắt ngó Quỳnh và Tuấn và nói khẻ: - Các trò muốn ở tù phải không? Ai bảo các trò gởi cái giây thép này? Tuấn nhe răng cười ( Tuấn có tật nhe răng cười mỗi khi lính quýnh khó trả lời ). Quỳnh bảo: - Hết thảy học trò trường Qui-nhơn Thầy thông bảo: - Các trò đừng có làm bậy! Ðã có lịnh của quan Sứ dặn quan Rờ-xơ-vơ hễ có ai đánh giây thép xin ân xá cụ Phan Bội Châu thì đừng gửi, và đưa giây thép lên cho Quan Sứ coi. Hai trò nhìn nhau, Quỳnh hỏi Tuấn: -Sao mầy? Tuấn nhe răng cười: - Sao là sao? Thầy thông bảo tiếp: - Tôi thương hai cậu. Con tôi cũng có học trong trường, nếu có chuyện gì nó cũng bị đuổi như các cậu vậy. Thôi tôi can hai cậu, xé bỏ cái giấy này đi. Nguy hiểm lắm. Nên kín mồm, kín miệng, tôi không có trình lên ông Rơ-xơ-vơ đâu. Quỳnh lại hỏi Tuấn: -Sao mầy? Tuấn chỉ biết nhe răng cười: - Sao thì sao, chớ sao! Thầy thông không cho gửi thì đành vậy. Thầy thông trao tờ giấy “nguy hiểm“ lại cho Tuấn. Hai trò ra bờ biển ngồi, xé vụn từng mảnh giấy nhỏ, và vò cục lại quăng ra đợt sóng. Hai đứa vội vàng về nhà Quỳnh. Tuấn và Quỳnh đều mắc cỡ và buồn, làm thinh không nói gì với nhau. Một lúc sau, Tuấn nằm sấp xuống chiếu, khóc thút thít một mình … Vụ án Phan Bội Châu đang sôi nổi, thì một buổi sáng sau khi vua Khải Ðịnh chết được chừng sáu bảy hôm, ông Daydier, đốc học trường Qui-nhơn, cầm một tờ giấy in, vào các lớp đọc cho học trò nghe. Lớp Tuấn đang học giờ Sử Ký Pháp. Giáo sư Mariani giảng về cuộc Cách mạng năm 1848. Với giọng hùng hồn như diễn thuyết, ông đang kể lại những sự kiện xẩy ra ở Paris, lúc thi sĩ Lamartine cầm cây cờ Tam-tài đứng trước tòa Ðô Chánh hô hào dân chúng, thì ông Ðốc học Daydier đi giầy cộp cộp …từ ngoài mở cửa bước vào. Ông giáo sư ngừng nói. Ông Ðốc đứng ngay giữ lớp, với vẻ mặt trịnh trọng khác hơn mọi ngày, nhìn chăm chăm vào mặt học trò, nói chậm rãi nhấn mạnh từng câu, từng chữ để cho học trò chú ý: - J'ai une nouvelle importante à vous annonncer...( tôi có một tin quan trọng báo cho các trò biết …) Ông ngưng một phút, rút trong túi áo ra một cặp kiếng lấy gắn vào sống mũi (ông đeo một loại kiếng trắng gắn vào sống mũi chứ không có gọng ) rôì nói tiếp, đại khái, ý nghĩa như sau đây: - Trước hết tôi báo tin cho các trò biết rằng Hoàng Ðế Khải Ðịnh mới chết, cách đây một tuần lễ …Cái chết ấy thật là một việc đau buồn cho nước An nam và nước Pháp, bởi vì hoàng đế Khải Ðịnh là một người bạn lớn của nước Pháp ( un grand ami de la France ). Con trai của Ngài là hoàng tử Vĩnh Thụy, du học ở Paris, hãy còn nhỏ tuổi qúa không thể nào thay thế Vua Cha để cai trị dân. Tuy vậy nước Pháp có bổn phận bảo vệ nước An nam không thể để trống cái ngai vàng ở Huế, vậy nên nước Pháp đã mời hoàng tử Vĩnh Thụy về để kế vị Vua cha. Ngài sẽ nối ngôi nhà Nguyễn với niên hiệu là Hoàng đế Bảo Ðại. Nhưng vì Hoàng đế còn nhỏ tuổi muốn tiếp tục việc học ở Pháp, ngài là cậu học trò rất thông minh … Ông Daydier tủm tỉm cười với ông giáo sư Mariani, rồi quay lại nói tiếp với học trò: -… và rất chăm chỉ, đáng làm gương cho học trò …ngài về nước để tang cho Phụ Hoàng của Ngài, rồi sẽ trở qua Pháp để tiếp tục việc học. Vì thế, Hội Ðồng Cơ Mật ở Huế mới thỏa thuận ký với nước Pháp một bản thỏa ước, gọi là “ bản thỏa ước năm 1925 “ ( La Convention de 1925 ) để cải tổ việc cai trị nước An nam cho mỗi ngày mỗi mở mang tiến bộ. Ðây để tôi đọc xho các trò nghe nguyên văn bản “ hỏa ước“ đã ký kết giữa viện Cơ Mật Huế, đại diện cho Hoàng Ðế Bảo Ðại, và quan Khâm Sứ Trung kỳ đại diện Quan Toàn Quyền Ðông dương. Dĩ nhiên bản Thỏa ước 1925 làm bằng tiếng Pháp và có những điều khoản rõ ràng. Ông Daydier đọc hết từ đầu đến cuối trên tờ giấy in dài độ 1 trang rưỡi. Ðây là vài chi tiết quan trọng nhất mà trò Tuấn nhớ rõ: 1. Trong thời gian vắng mặt Hoàng đế Bảo Ðại du học ở Pháp, triều đình Huế sẽ do một hội đồng Nhiếp chính (Conseil de Régence ) điều khiển. 2. Hội đồng Nhiếp chính gồm các quan Cơ Mật Ðại thần, đại diện Triều đình, vị Chủ tịch Tôn nhơn Phủ đại diện Hoàng Phái, và quan Khâm Sứ Trung Kỳ, đại diện Nhà Nước Bảo Hộ. 3. Hội đồng Nhiếp chính do quan Khâm sứ Trung kỳ chủ toạ 4. Các việc hành chính quan trọng đều do tòa Khâm sứ trực tiếp điều khiển vơí sự thỏa thuận của Hội đồng Nhiếp chính. 5. Hội đồng Nhiếp chính đảm nhiệm về việc cúng tế, việc quản trị các cung điện Hoàng gia, việc cấp phát các sắc Thần,v.v… Và các chi tiết khác không quan trọng. Ðọc hết bản Thỏa ước, ông Ðốc học bảo: - Các trò về nhà nói laị cho cha mẹ của các trò rõ về sự nước Pháp lúc nào cũng chăm lo mở mang và dìu dắt nước An nam trên con đường văm minh tiến bộ. Chỉ những kẻ ngu xuẩn và những kẻ bạc nghĩa vong ơn mới không biết những ân huệ của nước Pháp. Các trò về hỏi lại cha mẹ của các trò về tình hình của nước An nam trước khi nước Pháp đem văn minh qua đây, trước đây chừng mười năm thôi, rôì các trò so sánh với nước An nam ngày nay thì các trò sẽ biết người An nam mang ơn nước Pháp những gì. Ông Daydier nói đến đây thì vừa trống đánh ra chơi, ông chào ông giáo. Học trò đều đứng dậy, đợi ông đi ra rồi mới ùa ra sân chơi. Chỉ tội cho lớp Ðệ Tam Niên, cạnh lớp của Tuấn, đến phiên phải ở lại để nghe ông Ðốc. Học trò ra chơi, không còn nhớ ông Ðốc đã nói những gì. Bản “ Convention de 1925 “ bằng tiếng Pháp, họ hiểu hết nhưng rốt cuộc không hiểu gì cả. Hiểu nghĩa những câu những chữ, nhưng nào có hiểu được tại sao có cái “ Convention “ấy, và tại sao ông Ðốc đem nó đến từng lớp đọc cho học trò nghe? Chuyện đâu đâu ở Huế, chuyện Vua với Tây, có ăn thua gì đến học trò? Ngay như vua Khải Ðịnh chết, trước đó 6,7 hôm mà hầu hết học trò cũng không hay biết gì cả, mấy anh lớn ở lớp Ðệ Tam Niên cũng vậy. Họ còn vui cười hỏi nhau: - Ủa vua Khải Ðịnh chết hồi nào mà không nghe ai nói he? Ông Daydier không xuống lớp nói thì tụi mình cũng tưởng ổng còn sống chớ. Rồi tất cả đều cười, như là câu chuyện diễu. Toàn thể học sinh rất là thờ ơ, không có một xôn xao nho nhỏ, cũng không có lời bàn tán về cái “ Convention 1925 “ --- một danh từ thật mới lạ mà không ai tìm hiểu cho rõ ý nghĩa và công dụng như thế nào. Không có ai nhắc lại những lời của ông Ðốc học Daydier. Nhiều trò chỉ thích thú được ngồi chơi trong lớp hơn nửa tiếng đồng hồ, khỏi học bài Sử ký. Các trò khác bu lại từng nhóm như thường lệ, để hỏi nhau về bài toán Géométrie hay Physique mà chốc nữa vào lớp phải nộp lên cho giáo sư Gabriel. Mấy ông giáo sư An nam đi qua đi lại ngoài hành lang với các giáo sư Pháp, nói chuyện với nhau với vẻ mặt vui thích lắm. Cái tin Vua Khải Ðịnh chết do ông Ðốc Daydier long trọng tuyên bố thành ra gần như một tin mừng, hay là một biến cố vui vẻ cho cả nhà trường. Còn bản “Convention “ thì tuyệt nhiên không ai nhắc đến. Kế đến vài tháng sau, cũng trong một buổi học, tự nhiên ông Tổng giám thị An nam ( Surveillant général ) đến từng lớp, theo sau là anh cai trường ôm một gói sách. Ông nói với giáo sư vài lơì rồi quay lại bảo với học trò một quyển sách mới tinh. - Quan Ðốc vừa nhận được của quan Khâm sứ ở Huế gởi vô cho mỗi trò một quyển sách này. Quan Ðốc khuyên các trò không những là nên đọc hết quyển sách, rất bổ ích, mà về nhà còn phải đọc lại cho cha mẹ nghe nữa. Nói xong, ông Tổng giám thị đi ra, anh cai trường theo sau còn mang mấy gói sách nặng chĩu để phát cho các lớp khác. Cửa khép lại, ông giáo Gabriel tiếp tục giảng bài Géométrie plane. Học trò không kịp xem quyển sách nói những gì, Ông giáo sư cũng không để ý đến. Về nhà, trò Tuấn rút sách trong cặp ra xem. Tên sách là L’ Indochine d’hier et d’aujourd’hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay ). Tác giả là Cucherousset, chủ báo Eveil Économique ở Hải Phòng, Bắc kỳ. Sách dày, in thật đẹp, chữ in màu sepia, mỗi trang bên trái bằng Pháp ngữ đối chiếu với trang Quốc ngữ bên phải. Người dịch Pháp ngữ ra Quốc ngữ là một nhà Nho An nam, ở Hà nội tên là Vũ Công Nghi. Ngay nơi trang đầu quyển sách có hình ông Toàn quyền Alexandre Veranne ở giữa, phía bên tay trái là ông phó Toàn quyền Pierre Pasquier, tay mặt là “ vua Bảo Ðại “, Hoàng đế Annam “ phía dưới tay trái là Vua Sisowath-Monivong, Quốc vương Cao Miên, tay mặt là Vua Sisavangvong, Quốc trưởng Ai Lao. Trang trong có hình vợ góa của của Khải Ðịnh, dưới đề Pháp ngữ là “ S.M La Reine Douairière “ ( Bà Hoàng Thái Hậu ) một thiếu phụ Huế, trạc 24 tuổi, nét mặt ngây ngô,tóc quấn, đeo kiềng vàng, mặc áo gấm thêu hoa. Trong sách còn in nhiều thắng cảnh Ðông dương như Angkor Watt, Angkor Thom ở Cao Miên, Tháp Chàm ở Qui nhơn, cửa Ngọ Môn Huế, Hồ Hoàn Kiếm Hànội, nhà Hộ sinh Quảng Ngãi v.v… Có điều lạ, là tuyệt nhiên không có một phong cảnh nào của Nam Kỳ và không có hình của một nhân vật nào của Nam kỳ. Trò Tuấn đọc hết cả quyển sách. Sách chia ra nhiều chưong, tóm tắt lại là nói về Ðông dưong trước hồi Tây qua, so sánh với xứ Ðông dương năm 1925, với tất cả những cái mà tác giả cho là “ văn minh tiến bộ” về các phương diện học đường, y tế, canh nông. hỏa xa, công chánh, kỹ nghệ, thương mãi v.v…Và chương cuôí, kể công ơn của nước Pháp với các xứ Ðông dương là vô lượng vô biên như trời như bể. Mãi 10 năm sau, Tuấn ở Hà nội, được giao thiệp nhiều với các giới trí thức và được dịp điều tra, mới biết rằng quyển L’Indochine d’hier et d’aujourd’hui (Ðông dương ngày xưa và ngày nay ) của Cucherousset và Vũ Công Nghi xuất bản năm 1925 do Phủ Toàn Quyền đặt mua trên 200.000 quyển để phát không cho tất cả các trường Trung học Ðông dương, trường Cao đẳng Hà nội và các trại lính khố xanh, các Thầy Thông, Thầy Phán các sở Nhà nước. Ðó là phương pháp tuyên truyền của Nhà Nước Bảo Hộ để chống lại phong trào Ái quốc và Cách mạng do hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh ở Hải ngoại về đã gây ra trong toàn thể quốc dân. Quyển sách kia có mục đích gián tiếp nhắc nhở cho dân An nam những “công ơn của nước Ðại Pháp“ đã gây dựng xứ Ðông dương và nhất là xứ Trung kỳ rong thời gian nước Pháp cai trị. Ảnh hưởng của quyển sách L'Indochine d’hier et d’ aujourd’hui đối vơí học trò hình như cũng có hiệu nghiệm một phần nào, vì có một số ca tụng nước Pháp ghê lắm.