Đây là chuyến tàu khách kèm toa hàng. Toa khách sơn màu xanh lá cây, không đèn tối om. Toa chở hàng thì không rõ chở những gì, tuyết bám loang lổ trên tấm bạt to căng kín. Chiếc đầu máy cổ lỗ sĩ như bị bệnh suyễn, dừng lại thở phì phò. Đội trưởng Tạ trèo lên toa khách. Đoàn tàu lại ì ạch lăn bánh, khuất dần sau đám hơi nước. Hơi nước dần tan. Tất cả trở lại yên tĩnh. Tuyết ngừng rơi, tiếng xào xạc của tuyết bay cũng mất theo, thế giới ngưng đọng lại, phía trên là bầu trời xanh, phía dưới là mặt đất trắng. Tôi rời túp lều hình nấm, vượt qua đường sắt, trở lại con đường lớn có hai hàng liễu hai bên. "Soạt, soạt, soạt", tôi đi như đếm từng bước, trong lòng cảm thấy thư thái và yên tĩnh. Đêm nay con người "lao động cơ bắp" và thế giới vụt trở nên đẹp đẽ và đầy thơ mộng trước mắt tôi. Hiện thực đã vượt xa mơ ước. Tấm lòng con người rực rỡ đến như thế! Sự vụng về trong cử chỉ, thô tục trong lời ăn tiếng nói và áo quần lam lũ vẫn không mảy may mờ nhạt ánh sáng nội tâm của họ. Tôi vừa đi vừa suy ngẫm. Tôi nhận ra rằng, trong nền văn học của ta, trong nền văn học Trung Quốc và châu Âu mà tôi đã hấp thụ, hình như vẫn chưa có chỗ đứng cho người lao động chân tay, những con người thô lỗ và hoang dã, tuân theo một quy phạm đặc biệt về đạo đức, nhưng rất có trí, thông minh, cao đẹp, tình người. Số phận đã cho tôi cái duyên phát hiện ra họ, tôi ghi sâu vào dạ những con người ấy, từng người một, như những hạt kim cương. Trời rạng sáng. Phía chân trời, ánh sáng ngưng kết lại thành một dải màu bạc. Tôi như đi trong thế giới thần thoại, một cành liễu bị gãy dưới sức nặng của tuyết, tung lên trời đám bụi thuỷ tinh, tơi tả như hoa lê gặp gió, tiếng rạn của băng tan trên cành cây, phát ra tiếng leng keng như gõ khánh bạc. Sức tưởng tượng làm tôi ngạt thở, đồng thời cảm thấy tác động của một lực tự nhiên, khiến đầu óc tôi bật ra sự linh cảm. Tôi chợt hiểu rằng dù cho anh thuộc lòng sách của Marx, đọc ngược không vấp một chữ, nhưng anh không yêu nhân dân lao động, trước sau cho rằng mình cao minh hơn những người lao động chân tay thô tục và không có văn hoá, thì anh còn xa mới là người macxít. Bọn tư bản chẳng đọc Tư bản đấy sao? Kennedy chẳng đã nghiên cứu Chiến thuật đánh du kích của Mao Trạch Đông đó sao? Quả vậy, "nhân dân lao động" không phải là cái gì trừu tượng, họ là những người như Mã Anh Hoa, đội trưởng Tạ, anh Hỉ…dù rằng họ còn lâu mới có dáng vẻ cao cả trang nghiêm của người lao động trong các tác phẩm văn nghệ. Sung sướng điên dại như người đọc trộm được sách nhà trời về kiếp nhân sinh, tôi rảo bước về phía cái bản bé nhỏ đến đau lòng, nằm giữa vùng tuyết trắng. Tôi không thấy rét, trái lại, toàn thân nóng ran. Ở đó, có một người đang đợi tôi, người mà tôi yêu thương, từ giờ trở đi chúng tôi có thể dựa vào nhau để sống. Và còn nghĩ rằng, nếu lấy cô, tôi có thể thay dòng máu tư sản của mình, để chuyển dòng máu lao động cho thế hệ sau của tôi. Về đến bản thì trời đã sáng bạch, nhưng chưa thấy một dấu chân trên tuyết, các công nhân chưa ngủ dậy. Tôi đi thẳng đến nhà Hoa. Có lẽ Mã Anh Hoa từ chuồng dê trở về chưa lâu, vừa làm xong bộ lông dê, chậu sành còn để nguyên trên sàn nhà. Chảo hấp bốc hơi nghi ngút, căn buồng sặc mùi dê. Bé Xá ngủ say trên giường. Tóc để xoã, nét mặt mệt mỏi, cô bận rộn giữa đám nồi chậu. Trông thấy tôi, cô tươi tỉnh lên một tí, đôi mắt như cười, nhưng giọng thì trách móc: Anh đi đuổi thì thật là ngốc nghếch! mấy người kia họ đều về nhà ngủ. Cô đã rõ chuyện Hỉ lại lang thang phiêu bạt, vậy mà cứ tỉnh như không khiến tôi hơi cáu. Tôi không thích vợ mình mà lại không có tình người. Tôi bảo cô: Tôi không đi sao được? Đội trưởng Tạ đã phân công rồi. Sa..a..o? – cô nhại giọng tôi – Nếu như đuổi kịp thì anh điệu anh ta quay lại phải không? Tất nhiên rồi! – tôi cáu – Em không biết đấy, Hỉ là con người tốt! Thì em có bao giờ nói anh ấy là người xấu – Cô dừng lại một lát, vẻ không vui – Anh thì chả nghĩ gì đến em cả… Tôi cầu hôn bằng cách thăm dò: Sao lại không? Bác Tạ còn khuyên anh nên tổ chức sơm sớm. Bác ấy còn bảo "sống có đôi hơn sống một mình". Bác ấy cũng cái lối "ăn dưa mặn" nên lo bò trắng răng – Cô đứng dậy úp cái chậu đã rửa sạch lên mặt bệ đất, nói dứt khoát – Xin đừng ai nhiều lời về chuyện của hai ta! Em có ý của em. Cảnh cầu hôn tức cười đã chấm dứt trong thảm bại. Cuộc sống vừa mở ra một hướng, thoắt cái đã khép lại như cũ, vẫn là cái hiện thực khắc nghiệt, không thơ mộng chút nào. Tôi không sao hiểu được sự quan tâm từng ly từng tí của cô với tôi là xuất phát từ tình yêu, hay là cách làm duyên của một cô gái bụi đời? Tôi đứng ngây bên cửa, rũ áo ra về hay ở lại, tìm hiểu cho rõ "ý" của cô? Bên ngoài lại có tiếng chân đi cà nhắc. Cô vội vàng gạt tôi sang một bên vớ lấy cây gậy phía sau tôi chống cửa lại, rồi xoay người áp sát ngực tôi, rụt cổ, lè lưỡi, mỉm cười tinh nghịch như trẻ nhỏ chơi trò ú tim. Cô đợi bác quản lý thọt gõ cửa. Cô Hoa! Cô Hoa! – bác quản lý đẩy cửa, hạ giọng gọi tiếp – cô Hoa ơi, cô Hoa! Cô không lên tiếng ngay. Lát sau cô mới lấy giọng ngái ngủ hỏi vọng ra: Ai đấy? – Hỏi xong cô ngửa mặt nhìn tôi, chun mũi một cái rồi cửa khe khẽ. Tôi đây! Cô Hoa ạ, tôi đây! Ngủ rồi! – cô dài giọng, tiếng nói hoàn toàn trái ngược với nét mặt – Tôi buồn ngủ quá rồi, nếu còn việc thì đợi ngủ dậy hẵng làm! Ồ, không gọi cô đi làm đâu! Dậy đi, phía tây chuồng dê, cột thứ ba, tôi giấu cho cô một bộ lòng, đến mà lấy! – Đem cho mà nghe giọng như van nài. Hay quá! – cô lại quay về phía tôi, nháy mắt một cái – Lát nữa tôi dậy, sẽ lấy về. Bác quản lý còn dùng dằng không đi, cứ hai chân đổi chỗ cho nhau ở phía ngoài. Khoảng thời gian hai người đối thoại qua cánh cửa, tôi còn căng thẳng hơn lần trước. Lần trước giữa tôi và cô còn có một khoảng cách, lần nay thì cô đã nép sát vào lòng tôi, vừa trêu chọc bác quản lý, vừa nghịch cúc áo bông của tôi. Tôi vì miếng ăn, đã nhiều lần nguy khốn, dễ bị người ta phát giác hơn lần này nhiều, nhưng lúng túng như gà mắc tóc thì lần này mới là lần đầu. Tôi thấp thỏm đến lạnh toát cả người. Cô cười, nháy mắt với tôi, nhưng tôi không cười được, cảm thấy không có gì để cười. Vì hốt hoảng, tôi cũng không rõ thời gian kéo dài bao lâu nữa, bác quản lý mới lê cái chân thọt bỏ đi. Bên ngoài trở lại yên tĩnh. Hì..hì.. – cô quay mặt lại, dúi một cái vào bụng tôi, nói – Anh chàng ngốc ấy có ý tứ đấy. Lát nữa em đi lấy! Ăn không là cái chắc! Kìa anh, anh lạnh đến nỗi này cơ à? – Cô cầm tay, dang tay tôi ra để tôi ôm lấy ngang người cô, rồi cô kéo tà áo lên để tôi luồn vào trong – Nào, để em sưởi ấm cho anh! Qua lần áo mỏng, tôi cảm nhận được hơi ấm của thân thể cô. Trong vòng tay tôi là eo lưng đầy đặn và mềm mại, vậy mà tôi không thấy thèm muốn. Tôi e rằng tôi đã đánh giá sai về con người, về cuộc đời. Sự lạnh nhạt ban nãy và cái âu yếm hiện nay, cái nào đáng tin? Cún của em, anh ngốc thật đấy! – cô ngẩng mặt nhìn tôi, nói – Thế nào là "sống có đôi hơn sống một mình"? Anh thử nghĩ coi, chúng ta lấy nhau thì anh phải kiếm củi, gánh nước, việc nào chẳng đến tay? Có con thì anh phải giặt tã lót, suốt ngày khói lửa hun đỏ mắt, vất vả đến bù đầu. Mười tám đồng, ngay cho bản thân anh cũng không đủ, làm sao lo ăn, lo mặc cho một nửa người nữa? Chi bằng cứ như hiện nay, anh đến là ăn, ăn xong thì đọc sách. Cún của em, anh ngốc thật đấy! Tôi bừng tỉnh. Thì ra, khi cô nói rằng cô có ý của cô, tức là cô nói vì tình yêu, vì tôi mà xả thân thế này đây. Nhưng tôi đáng giá bao nhiêu để cô phải hy sinh như thế? Thế giới, con người và người lao động chân tay vô học lại trở nên đẹp đẽ trước mắt tôi. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu cô hơi khó vì tôi chưa bao giờ có tinh thần vị tha, xả thân vì người mình yêu, chưa bao giờ! Tôi chỉ biết có tôi. ngay dù "nâng tầm lên" cũng là vì tôi mà nâng! Đó là khoảng cách lớn giữa tôi và cô. Tôi ôm cô vào lòng. Giờ đây tôi mới thấy yêu cô thật sự, không phải để đền ơn, không phải vì cảm kích! Tôi như nói mơ, Hoa ơi, chúng mình cưới đi. Người ta sống chết thế nào, chúng mình sống như thế. Để anh chia xẻ gánh nặng với em chẳng hơn sao? Sa..a..ao? – cô ẩy tôi ra, đắm đuối nhìn vào mắt tôi nói dỗi – Em không thể để cho anh "con, vợ: rợ buộc chân" như những người chồng khác. Nếu vậy thì là đồ bỏ đi! Anh là học trò thì phải đọc sách, khổ mấy em vẫn vui! Em cần chia xẻ cái gì? Anh chia xẻ được cái gì? Chúng mình lấy nhau thì đám ngốc nghếch kia còn đem đến cái gì nữa? Đấy, anh xem, em không nhúng tay vào mà bộ lòng dê lại giấu ở đàng kia? Cún của em, anh cứ ngồi mà ăn chẳng hơn sao? Cô yêu cầu tôi đọc sách, nhưng vì sao mà đọc thì cô không nói. Theo cô, đọc sách là bổn phận của tôi, thiên chức của tôi, như mèo thì phải bắt chuột! Tôi thấy buồn cười, nhưng phải thừa nhận sự suy nghĩ của cô là rất thực tế. Tôi nhủ thầm: Ôi suy tính của đàn bà! Nhưng đây lại là một sự sỉ nhục đối với tôi. Lẽ nào tôi dựa vào sắc đẹp của một người đàn bà để no ấm, để "đọc sách"! Như vậy là tôi tự hạ thấp tôi. Không – tôi nhắc lại – Chúgn ta cứ lấy nhau. Anh không thể để em làm như thế. Chúng ta cứ lấy nhau. Chao ơi, Cún của em! – cô nói – Em chưa bao giờ nói là chúng ta không lấy nhau. Em đã nghĩ kỹ rồi, nếu không, em làm thế này để làm gì? Đợi thời kỳ "hạ thấp tiêu chuẩn" qua đi, đời sống khấm khá hơn thì chúng mình đi đăng ký, để cái lũ ngốc ấy trắng mắt ra… Không, không! – tôi cố chấp – Anh không để em làm như vậy, có khác gì lừa dối người ta? Ai lừa ai? – cô an ủi tôi – Anh thử nghĩ coi, những thứ mà họ đem đến cho em, họ móc từ hầu bao của họ ra đấy chắc? Em không nhận thì họ đem về nhà họ ăn, chẳng bằng mìnhăn quách cho xong! Em bảo này, đám cán bộ chỉ có mỗi bác Tạ râu là người tốt thôi! Tôi choáng người trước sự tính toán dứt khoát, hiện thực và tỉnh táo của cô. vậy tôi phải sống theo một tiêu chuẩn đạo đức nào? Cô chưa hề hỏi tôi về chuyện này. Theo kiểu của tôi để lần hồi ngày tháng, thì còn đâu cái đứng đắn của một thằng đàn ông? Cô cho rằng, đây chẳng qua chấp kinh thì phải tòng quyền cho qua lúc cực kỳ khó khăn. Còn tôi, sức khoẻ đã được hồi phục – nhờ cô ứng xử linh hoạt mà hồi phục – hơn nữa lại còn "đọc sách"! Sự nhục nhã do những quan niệm về đạo đức của tôi đã chống lại cô. Không – tôi vẫn kiên quyết – Em đừng làm thế. Chúng ta cứ lấy nhau. Đội trưởng Tạ đã tán thành rồi, ta đi đăng ký thôi! Phải chăng anh không tin em? Sợ em lấy người khác? – Cô hỏi, nét mặt nghiêm túc. Rõ ràng cô hiểu lời đề nghị của tôi. Thế là cô sà vào lòng tôi, nhón chân để khuôn mặt cô dụi vào mặt tôi, nũng nịu – Nếu vậy, anh chiếm lấy nó ngay đi, anh muốn thì anh cứ "ấy" đi! Qua một đêm vất vả, lúc này cô đã thấm mệt, đôi mắt đẹp quầng thâm càng rõ. Cử chỉ hiến thân ấy hoàn toàn không phải vì ham muốn, mà là tình yêu thương cháy bỏng vì tình. Tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc, đúng thế, hạnh phúc đến nỗi tim thắt lại. Khúc hoà tấu nổi lên trong lòng tôi! Dòng nhạc không lời dịu dàng tuôn chảy, không phải vì nhục dục, cũng không phải vì tình yêu chung chung, mà là một tình cảm thiêng liêng thuần khiết! Yêu có mức độ thì đòi chiếm hữu người mình yêu. Yêu không giới hạn thì chỉ đòi được yêu. Thần thánh là do con người sáng tạo ra. Trong quá trình tạo ra thần thánh, chắc chắn con người đã từng ôm ấp nhân tố tình cảm đó. Tôi hôn cô một cách thành kính, rồi nhẹ nhàng ẩy cô ra: Không – tôi nói – Đợi sau ngày cưới. Vâng – cô lập tức né ra, ngước nhìn tôi, giọng tỉnh táo và quả quyết – Anh yên tâm. Dù dao có chém rơi đầu, còn cái thân em vẫn theo anh! "Dù dao có chém rơi đầu, còn cái thân em vẫn theo anh!", không một lời chỉ non thề biển cao nhã nào bày tỏ được tình yêu chân thành, vĩnh cửu như câu nói ứa máu và hoang dã đó! Ôi, cuộc sống gian nan và đẹp đẽ! Tôi run lên!