Mỗi tối thứ năm, tôi và mấy người hàng xóm cẩn thận đặt ba cái thùng rác tái chế lên lề đường. Một cái chứa báo và giấy thiệp, được chồng lại và cột chặt. Một cái chứa các lon nước thiếc. Cái còn lại chứa chai thủy tinh và bình nhựa. Chúng tôi thấy vui vì góp chút sức vào việc bảo vệ môi trường. Môi trường ư? Rác tái sử dụng? Vật liệu phân hủy bằng vi sinh? Mẹ không biết những thuật ngữ này khi bà nuôi chúng tôi. Việc tái sử dụng mẹ thường làm chỉ do lương tri và cảm thấy cần thiết. Tôi nhớ nhiều việc mẹ thường làm để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, ngoài động lực là vấn đề kinh tế thì còn có lý do khác. Mẹ tin lãng phí sẽ có tội. Kết quả là không có gì bị bỏ đi nếu chưa xem xét kỹ khả năng sử dụng lại. Nếu bạn nghĩ hôm nay chúng ta nên tái chế những thứ bỏ đi, bạn nên có mặt để xem mẹ tôi khi đó… Bọc giấy được cắt ra làm bìa bao vở đi học. Nắp lon súp được đập phẳng để làm đồ chơi như lò cò… Tấm vải cũ và các bao gối sẽ dùng làm tấm bọc ván bàn ủi. Áo sơmi và đồ ngủ cũ trở thành giẻ lau, nhưng chúng sẽ được gỡ nút cất đi trước. Dây cao su sẽ được cất vào hộp đồ bỏ đi. Hũ nước sốt rỗng được dùng chứa bột giặt, tránh phải mang cả hộp bột lớn đến chỗ giặt đồ mỗi ngày, dễ làm đổ dọc đường. Nếu túi đựng đồ có giá chuộc lại là năm xen như hiện nay thì mẹ tôi sẽ giàu to vì chúng được cất trữ như vàng. Thói quen tái sử dụng của mẹ có lẽ đã truyền sang tôi. Tôi có cả gara chứa đầy bao giấy nâu. Chúng được sử dụng để gói đồ. Tôi cũng có nhiều dây cao su nhưng không nỡ bỏ đi và cả hộp nút mỗi khi mua đồ được cho thêm. Làm sao tôi có thể phân loại chúng và bỏ đi? Điều đó có tội, hơn nữa ai biết được khi nào tôi lại cần thêm hạt kim cương giả hay cái nút nhựa đỏ nào đó…? Hộp đồ bỏ đi tràn ngập kim gút, giấy tờ, các dải ruybăng, và giấy bọc đồ. Tôi không thể bỏ bất cứ thứ gì vì mẹ dạy lãng phí là có tội. Đó là bài học mà cả thế giới ngày nay bắt đầu đánh giá cao và hiểu ra. Nhưng với mẹ 50 năm trước, mẹ đã biết bảo vệ môi trường và cứu lấy Trái đất. Patricia L.Abo