Thổ ti La Tuyết Ba lại đến. Trông thấy cái công sự khép kín biến thành toà kiến trúc hùng vĩ, ông ta ngỡ mình đi lạc. Ông ta không xưng là cậu nữa.Tuy chỗ chúng tôi không còn lối vào cổng lớn, nhưng ông ta vẫn cút về phía cổng cũ để xuống ngựa.Tôi nói cút không có ý xem thường ông ta. Quả là ông ta rất béo, béo đến nỗi lúc xuống ngựa không nhấc nổi chân. Muốn có phong độ đẹp khi lên xuống ngựa, điều kiện trước tiên là chân phải nhấc cao đến một độ nhất định. Người béo làm mất đi tư thế khoẻ đẹp của người anh hùng trên lưng ngựa. La Tuyết Ba nghiêng tấm thân, chờ cho cái mông rời khỏi mặt yên, lợi dụng sức nặng, rơi vào lòng tên nô tài đứng trước con ngựa. Ông ta vất vả bước đến trước tôi, còn cách khá xa tôi đã nghe thấy tiếng thở phì phò của ông ta. Đúng là ông ta bị cảm gió, giọng khàn khàn "Cậu Hai nhà Mạch Kỳ vô cùng thông minh và có lòng từ thiện, La Tuyết Ba cháu của cậu đã đến". "Tôi nói với mọi người, ông La Tuyết Ba sẽ đưa biếu chúng ta nhiều lễ vật quý báu". "Đúng vậy, đúng vậy, tôi có đưa đến đây". Hai tay run rẩy của ông ta lần mò lấy từ trong túi ra những thứ linh tinh, nhét vào tay tôi.Tôi bảo ông quản gia mở ra xem, nhưng chỉ là những tệp giấy cũ, mấy con dấu đồng. Dân chúng từ bỏ ông ta, ông ta đưa đến cho tôi những văn bản hợp pháp và con dấu thừa nhận sự thật đối với phần dân và đất thuộc về chúng tôi. Đây là những thứ mà các triều đại trước ban phát cho ông ta. Có những thứ này, chúng tôi thực sự có những nơi kia. Một câu nói đã lên đến cửa miệng nhưng tôi không nói ra. Dù sao cũng sẽ có người nói. Quả nhiên, ông quản gia nói "Cậu tôi đây đã nói, ai muốn có ngô có thóc phải chi gấp chục lần. Ông không nghe, bây giờ cái giá không phải là chục lần nữa rồi". La Tuyết Ba cứ vâng dạ liên tục, hỏi "Vậy bây giờ chúng tôi có thể được không ạ?" Ông ta nói, trên lưng những con ngựa kia đang thồ bạc. Tôi nói "Không cần phải nhiều như thế, tôi bán thóc cho ông theo giá mọi nămùi". Ông ta tưởng tôi từ chối, nhưng tôi không từ chối. Con người tuyệt vọng kia suýt nữa phải rơi nước mắt, giọng như khóc "Trời ơi, nhà Mạch Kỳ làm tôi khổ sở quá!" "Con người ai cũng cần có bài học". Nói theo logic của kẻ thắng, nhà Mạch Kỳ phải trả giá lớn hơn. Không phải thế hay sao, nếu họ không theo chúng tôi trồng thuốc phiện, đâu cần phải mất nhiều công sức đến vậy? Nghĩ đến đây, tôi lại bực lên, nói "Thóc lúa nhà tôi bán cho ai cũng cùng một giá, cao gấp ba lần giá bình thường, với bên ông cũng thế". "Nhưng vừa rồi cậu nói chỉ cần…" Trông thấy ánh mắt lạnh lùng của tôi, ông ta không dám nói tiếp, một nụ cười đáng thương nở trên khuôn mặt. "Thôi, tôi không nói nữa, nếu không ông bác Mạch Kỳ lại thay đổi ý kiến, coi như tôi hỏng việc". Ông quản gia nói "Biết vậy rồi thì mời lên phòng khách, rượu thịt đã bày sẵn". Sáng hôm sau, lưng ngựa của La Tuyết Ba đem theo đều thồ nặng lương thực, còn chúng tôi cũng không đòi ông ta phải trả gấp ba giá bình thường. Lúc chia tay ông ta nói với tôi "Cậu cho người của chúng tôi có cái ăn mà cũng không còn bị đánh nữa". Tôi biết ông ta nói gì, liền quất một roi vào mông ngựa của ông ta. Con ngựa thồ ông ta chạy đi.Tôi chỉ tay theo hét thật to, hết thóc rồi đến mua nữa nhé, trên biên giới nhà Mạch Kỳ không xây công sự mà là mở chợ đường biên. Đúng vậy, lúc này tôi có thể nói, nơi này không phải là công sự, mà là cái chợ. Đất trống hai bên bờ sông có thể dựng lều, bày sạp làm nơi buôn bán. Ông quản gia nói "Bà Thổ ti bên kia cũng đã bày tỏ như vậy". Tôi bảo ông ta viết cho bà Thổ ti một lá thư nói về chuyện ấy. Bà Thổ ti Nhung Cống không trả lời thư ngay. Vì người của bà đã có cái ăn, lại đánh thắng quân của La Tuyết Ba. Cuối cùng cũng có thư trả lời, trong thư cho biết, con gái bà ta chưa chuẩn bị xong đồ cưới, vì bà phải như một nam giới cầm quân đánh trận.Thậm chí trong thư bà hỏi tôi "Chàng rể tương lai của tôi cho tôi biết, Thổ ti Nhung Cống có thể tìm một người đàn ông nào đấy để đỡ đần cho cánh đàn bà con gái, ví dụ thay bà lo toan chuyện cưới xin cho con gái?" Ăn thóc gạo của nhà Mạch Kỳ, được súng máy nhà Mạch Kỳ yểm trợ, đánh một vài trận nhỏ, bà Thổ ti như con ngựa cái động tình vắt đuôi lên thật cao. Bà ta là một người tài giỏi, nhưng chưa đủ thông minh, bà nên biết rằng, thế giới đang thay đổi. Một khi ở đời này xuất hiện cái mới, mọi quy tắc của quá khứ đều thay đổi. Nhưng nhiều người không nhìn ra điều này.Tôi lấy làm buồn cho những người ấy. Bà Thổ ti cũng là một trong những người mà tôi than vãn buồn thay. Kỳ thực, bà ta đã nói ra điều tôi mong bà ta nói ra. Lúc Ta Na ở đây, tôi yêu nàng, bị nàng làm cho đầu óc mê muội. Nhưng khi nàng về, sau một thời gian dài, trong đầu óc tôi không còn hình bóng nàng. Điều ấy có nghĩa là, thứ vũ khí mạnh nhất của bà Thổ ti không còn hiệu lực.Cho nên, bà ta nói ra điều ấy làm tôi phấn khởi. Chỉ trong hai hôm, những tay súng và tay ném lựu đạn tôi cử đi, đều đã quay về. Bà Thổ ti cho người đuổi theo.Trong tiếng súng nổ cùng cục như gà mẹ mổ thóc, những người đuổi theo đều nằm lại dọc đường. Nhưng, một người kiêu căng không ý thức được việc làm sai lầm của mình, hơn thế, người kiêu căng lại là một phụ nữ. Bà ta không biết rằng, Thổ ti La Tuyết Ba cũng đã có được lương thực ở chỗ chúng tôi. Đoàn ngựa của Thổ ti La Tuyết Ba mỗi lần đến cối xay đều bỏ một ít thóc xuống, họ chưa về đến trung tâm thì thóc đã hết. Vậy là, người ngựa lại ra biên giới. Lần này, ông ta nhớ lời tôi nói sẽ lập chợ đường biên, nên đem theo rất nhiều thuộc hạ, dựng lều ngay ở bờ sông, đưa đủ thứ từ lãnh địa ra để đổi lương thực của chúng tôi. Người của La Tuyết Ba được ăn no, sĩ khí được khôi phục. Sĩ khí đã được khôi phục, nhưng không có súng máy cũng là điều khó khăn. Quân lính của Thổ ti Nhung Cống không quen tác chiến thiếu sự yểm trợ của súng máy. Họ rút lui rất nhanh, hễ rút là lùi về chiến tuyến khi xuất phát. Thổ ti La Tuyết Ba không trở về lãnh địa, ông ta ở ngay trên biên giới. Ông ta hay mời tôi đến uống rượu. Những ngày đẹp trời, trên biên giới phía bắc rộng mênh mông, ngồi uống rượu bên bờ sông qủa là sung sướng. Thổ ti La Tuyết Ba và chúng tôi cùng buôn bán. Ông ta không những dùng bạc trắng để mua các thứ của chúng tôi, còn đem đến dược liệu, da thú và cả ngựa tốt. ông quản gia nói, những thứ này đưa về vùng người Hán rất được tiền. Ông tổ chức một đoàn ngựa thồ, đưa về bán ở vùng người Hán, rồi mua lương thực về. Chẳng mấy chốc biên giới phía bắc có một cái chợ đường biên sầm uất. Càng ngày càng có nhiều Thổ ti đến đây dựng lều lán, mở hàng bên bãi trống bờ sông bên kia. Họ đem dủ thứ hàng đến, nhưng chỉ cần lương thực. Lương thực của nhà Mạch Kỳ nhiều cũng chỉ có hạn. Nhưng chúng tôi ở gần vùng người Hán, ở vị trí này, lúc chính quyền người Hán mạnh làm chúng tôi khốn đốn đủ bề. Đấy cũng là nguyên nhân đầu tiên làm cho Thổ ti Mạch Kỳ không hùnh mạnh lên được. Về sau, họ làm cách mạng, đánh lẫn nhau. Đến lúc ấy thời vận nhà Mạch Kỳ mới xoay chuyển, có hạt giống anh túc. Anh túc làm cho nhà Mạch Kỳ giàu mạnh, làm cho các Thổ ti khác rơi vào cảnh cùng quẫn. Chúng tôi đem những thứ đổi được về vùng người Hán, tại đấy đổi lấy lương thực đem về, lại đổi các thứkhác. Cứ đi đi lại lại như vậy có thể lãi gấp chục lần. Ông quản gia tính toán, thời kỳ thiếu lương thực đã qua, vào lúc bình thường, không chở lương thực nữa, mà đưa các thứ khác về, cứ thế cũng lãi gấp hai ba lần. Từ thuở có Thổ ti đến nay, tôi là người biến một công sự trên biên giới thành cái chợ đường biên. Mỗi lần ý thức được điều này, tôi lại nhớ đến người thư ký không có lưỡi. Nếu ông ta ở đây, tin rằng ông ta sẽ hiểu ý nghĩa của chuyện mở đầu này. Nhưng lúc này bên cạnh tôi, mọi người chỉ nói, đây là chuyện chưa từng có, chưa từng có. Còn nữa, không có gì đáng nói.Tôi nghĩ, ông thư ký sẽ có cách nói sâu sắc hơn.