á Tư kể cho chúng tôi nghe từ sau lúc Cần đi bộ đội, má đến ở giữ con cho nhà Năm Hổ. Nhưng được một năm, vợ chồng tên trưởng ấp này thấy má vừa mù vừa già yếu thì không mướn má nữa. Má Tư rời khỏi nhà Năm Hổ mà không được trả một đồng công xá nào. Vợ chồng y nói mướn má coi mấy đứa nhỏ, cho ăn cơm, sắm quần áo là đã quá đủ, mặc dù trước có hứa trả mỗi tháng bốn trăm đồng. Không đòi thêm được tiền công, má ra khỏi nhà Năm Hổ, chưa biết nương thân ở đâu thì may gặp bà con ở Chòm Cây Gáo thương tình kêu về cất cho má cái chòi nầy. Một mình đương đát và trồng một miếng rẫy dưa nhỏ, má sống được. Bà con ở Chòm Cây Gáo thương má lắm. Về sau đó, biết má có con đi bộ đội giải phóng, bà con lại càng giúp đỡ má nhiều hơn. Đặt lợp có con cá ngon, họ đem cho má. Nấu được miếng canh ngọt, họ cũng bưng sang. Thành ra má rời nhà Năm Hổ về đây ở mà hóa ra đỡ cực hơn. Nghe má kể chuyện Năm Hổ giựt trọn một năm tiền công, tôi rất giận. Đang ngồi trên chõng, tôi đứng dậy đi tới đi lui trong chòi. Hồi sau tôi dơ tay dứ dứ nói: - Cái vụ Năm Hổ giựt tiền, mình phải bắt nó trả chớ không bỏ qua được! Bà má vội can: - Thôi con, chuyện cũ đã mấy năm nay, thôi bỏ đi... Bữa nay gặp mấy đứa bây tao mừng quá rồi, hơi đâu mà tính đòi món nợ đó! Tôi vẫn không chịu: - Phải đòi chớ má. Tụi nó giàu, má thì nghèo, lớp bị mù lòa, lớp còn cho con đi đánh giặc mà nó còn giựt công của má thì thử hỏi tụi nó là tụi gì, chắc nó không có trái tim. Để anh em con tới tận nhà nó hỏi coi!< Lắm nói: - Sợ y trốn rồi! - Y trốn thì còn vợ con y. Bắt vợ con y phải trả cho má đầy đủ. Tao nói là tao làm. Chuyện này tuy cũ, nhưng bây giờ coi như còn mới tinh. Má Tư cười móm mém: - Thằng con này nóng dữ... Thôi, mấy đứa bây tính sao đó thì tính, tao không biết, gặp mấy con, gặp thằng Cần là tao mừng rồi, mắt tao như sáng ra... Cần cũng cười nói: - Anh Quyết đây là xếp của tụi con đó má. Ảnh nóng lắm má ơi! Tôi bảo Lắm: - Đi với tao! - Lại nhà Năm Hổ bây giờ hả? - Đi kiếm anh Đấu báo cáo đã tầm ra má thằng Cần, nhơn thể ghé lại chỗ nhà Năm Hổ luôn! - Đi thì đi! - Anh Đó chịu khó dẫn tụi tui nghe! - Dạ! - Anh có muốn đi theo tụi tôi luôn không? - Muốn, em muốn theo luôn mấy anh đánh Mỹ để lập công chuộc tội. - Được rồi, để lát nữa gặp Ban chỉ huy tôi đề nghị, chắc là được thôi. Tôi và Lắm rời chòi má Tư, theo lính Đó lên xóm trên. Bấy giờ đơn vị tôi đang huy động bà con phá bót, san bằng các lô cốt và trụ sở hội đồng xã. Bà con xách đèn, đốt đuốc đi lại đầy đường. Chúng tôi đi ngược về phía có tiếng lửa réo và tiếng búa nện bốp chát. Lát sau, chúng tôi tìm gặp anh Đấu. Anh chụp - Sao, kiếm được bà già thằng Cần chưa? - Gặp rồi! Anh Đấu mừng rỡ hỏi dồn: - Bà má còn mạnh khỏe chớ? - Dạ má còn mạnh. Tụi em sẽ đưa đi luôn... - Tốt, mấy em cố thu xếp sao cho kịp. Mười hai giờ khuya này là mình rời khỏi đây hành quân trở về Phước-thạnh, rồi từ Phước-thạnh về Long-phước... - Anh khỏi lo. Tụi em sẽ lãnh đưa má về đó. Bây giờ em lại đằng này một chút! - Lại đằng nào? - Lại nhà thằng Năm Hổ. - Thằng Chủ tịch hội đồng xã đó hả? Kiếm nó chi vậy, nó dông rồi! - Nó dông thì em kiếm con vợ nó! - Để làm chi? Tôi hậm hực kể cho anh Đấu nghe vụ nhà Năm Hổ quỵt tiền công của bà má Cần. Anh Đấu suy nghĩ một chút rồi vụt cười bảo: - Thì tùy em, có đòi thì đòi. Mà em đã biết nhà nó chưa? - Chưa, nhưng đã có anh Đó biết? - Đó nào, à Đó tù binh hả? - Dà... Anh Đấu thít chặt lại cái khăn trên đầu quay đi thì tôi bước rấn theo: - Anh Ba à? - Gì - Anh Đó muốn đi theo mình. ảnh nói muốn lập công chuộc tội. - Được rồi, lát nữa cứ dắt cậu ta theo rồi tính! Nhà Năm Hổ ở giữa ấp. Khi chúng tôi tới trước cổng nhà thì thấy nhà tối om, không có đèn đóm chi cả. Nhưng trong nhà có tiếng người rù rì nói chuyện. Tôi xô cổng bước vô, ngó thấy ngôi nhà rất lớn, có sân gạch đi mát rượi gan bàn chân. Tức thì tôi chợt nhớ tới ngôi nhà Biện Tư ở Phước-kiển, cũng có cái sân gạch rộng như vầy. Ngày ấy, bước đi qua sân nhà Biện Tư, tôi cũng nghe mát bàn chân như hôm nay. Nhưng hôm nay thì khác ngày ấy, hôm nay tôi đi vào một ngôi nhà giàu loại đó với tư thế khác hẳn. Đứng tại sân gạch tôi cất tiếng hỏi: - Ai ở trong nhà đó, mở cửa coi! Tiếng người đang rầm rì trong nhà chợt im đi. Tôi lại hỏi lớn hơn: - Ai ở trong nhà, mở cửa, sao nghe kêu mà êm ru vậy? - Dạ để tôi mở! Tiếng của một cô gái đáp. Tiếp theo tiếng đáp đó, trong nhà đốt đèn. Rồi cánh cửa giữa nhà chợt mở hé. Tôi bước tới xô nhẹ cửa. Một cô gái mình mặc áo ni-lông mỏng màu hường, cầm cây đèn hoa kỳ đứng trong. Thoạt thấy tôi bước vô tay xách khẩu đại liên, cô gái hoảng hốt vội nép sang bên. Tôi hỏi: - Chị là chủ nhà? Không đáp lời tôi, cô gái gọi với vào trong: - Má ơi! Tôi hỏi lại: - Đây là nhà Năm Hổ phải không? - Ba tôi không có nhà... Mới hồi nãy cũng có mấy ông tới hỏi, tôi đã trình với mấy ông đó là ba tôi sợ quá trốn đi rồi? Lắm bảo: - Mấy ông đó tới c chuyện của mẩy ổng, chúng tôi tới có chuyện của chúng tôi. Thôi, chị mời bà già ra đây cho chúng tôi nói chuyện! - Má ơi, có người gặp nè! Lát sau, một người đàn bà mang dép lệt sệt đi ra. Đó là vợ Năm Hổ. Mụ ta tuổi trạc bốn mươi lăm, thịt da phốp pháp. Mới bước ra, mụ đã bê cái khay đựng bình trà đem lại đặt lên bộ ván gỗ, đon đả: - Mời mấy ông uống nước! - Được, bà để đó - Tôi ngồi xuống bộ ván nói - Để tôi xin nói liền cho đỡ mất thì giờ, chúng tôi tới đây là để kiếm chồng bà, nhưng chồng bà trốn rồi, chúng tôi nói chuyện với bà cũng được... - Dạ, có chuyện chi xin mấy ông cứ nói! Tôi chưa nói, móc thuốc ra vấn một điếu quẹt lửa đốt. Phà rít một hơi, tôi đề cập: - Chuyện chồng bà gây ra tội lỗi với nhân dân rồi bỏ trốn, chúng tôi sẽ lùng bắt sau. Còn chúng tôi tới đây bữa nay là muốn nhắc cho bà nhớ cách đây mấy năm gia đình bà có mướn bà già ở giữ con. Bà già bị mù đó mà! Vợ Năm Hổ nhớ ra ngay, giọng xởi lởi vui vẻ: - Dạ có, bà Tư... - Phải, bà Tư ở giữ con cho bà được một năm rồi nhà bà đuổi ra! - Dạ đâu có, đâu có đuổi! Vợ Năm Hổ hoảng hốt cải chánh. - Thôi thì cứ nói là thấy bà mù lòa, già yếu nên gia đình bà thôi mướn! - Dà. - Nhưng gia đình bà lại không trả tiền công một năm cho bà Tư, nên bà Tư ra khỏi nhà bà với hai bàn tay trắng? Mụ Năm Hổ lúng túng vo vo chiếc vòng cẩm thạch nơi cổ tay mập có ngấn, nín im. Đứa con gái mặc áo hrút lui vô nhà trong với những bước đi như nhón góp. Tôi cườl lạt: - Nỡ lòng nào mà bà đối xử với một bà già mù như vậy chớ? Nhà bà có của ăn của để, lấy của bà Tư một năm tiền công thì có làm giàu thêm bao nhiêu đâu! Vợ Năm Hổ lại rót thêm nước: - Mời mấy ông uống trà, rồi tôi nói cho mấy ông nghe. Số là, hồi bà Tư vô coi giữ mấy đứa con tôi, bả ưng chịu chỉ có cơm ăn áo mặc... - Bà nói sai rồi, vợ chồng bà có hứa rõ ràng với bà Tư là ngoài cơm ăn áo mặc mỗi tháng còn trả bốn trăm đồng bạc để bà Tư mua trầu cau, mua thuốc uống... - Vợ Năm Hổ lần này lại nín im, lại vo vo chiếc vòng cẩm thạch đeo nơi cổ tay mập trắng. Lần thứ hai nói gian, coi mòi mụ hết nước chạy chối, nên sau một lúc ngồi im, mụ nhỏ nhẹ: - Thôi thì nếu bà Tư bây giờ nói vậy, kiện lên mấy ông thì để rồi tôi hoàn trả cho bà. Có bốn ngàn mấy đồng bạc chớ có phải bạc vạn ức gì đâu! Tôi bắt đầu nổi nóng: - Không phải bà Tư bây giờ nói vậy, mà vợ chồng bà đã hứa trả cho bà Tư như vậy. Bốn ngàn mấy đồng bạc hay là năm bảy đồng bạc, hễ thiếu là phải trả. Tôi báo cho bà biết, bà Tư có người con ở trong bộ đội giải phóng chúng tôi hôm nay vừa về tới gặp bả. Bà Tư tuy mù loà nghèo khổ vậy chớ không có giựt tiền của ai, lại có con đi giúp nước nên chúng tôi cũng không cho phép ai giựt tiền của bả. Bữa nay chúng tôi tới đòi dùm món nợ mà bà thiếu để đem về cho bà Tư. Chúng tôi yêu cầu bà đem trả tiền bốn ngàn tám trăm đồng, không cần dư một đồng, cũng không được thiếu một cắc! - Tôi trả được mà, để tôi trả mà! Vợ Năm Hổ đứng dậy đủng đỉnh đi vô buồng. Mụ ở trong đó một lúc sau đem ra xấp tiền đặt lên ván: - Đây, tôi đưa chẵn năm ngàn cho dễ! Tôi móc túi, góp nhóp còn đúng hai trăm trả lại cho mụ ta. Mụ khoát tay: - Thôi khỏi, mấy ông cứ cất xài, có hai trăm chớ nhiều nhõi gì! Tôi lặng lẽ đặt hai trăm bạc xuống bộ ván, rồi đứng dậy. Tôi không quên bảo Lắm viết cho mụ ta một tờ giấy nhận thay số tiền cho bà Tư. Lắm rút bút, viết xong tờ giấy trao cho mụ Năm Hổ rồi bước ra theo tôi và anh Đó. Vừa đi Lắm vừa nói: - Con mụ này thiệt hết biết. Tới nước này rồi mà con mẻ còn nói ngược! Tôi cười bảo: - Thì tao đã nói, tụi đó là như vậy mà... Tao hiểu thứ người đó quá xá. Chớ hồi tao ở nhà Biện Tư với Bảy Vàng ra đi thì sao? Chẳng những nó không trả tiền tao mà còn giựt đất cào nhà của cô Tám tao, làm cô Tám tao thất bất xang bang phải bỏ vô chùa ở... - Đáng lẽ hồi nãy mình phải xét nhà. Biết đâu chừng thằng chồng còn chém vè ở trỏng. Tao hỏi mầy, giả dụ nó nằm ém trên máng xối thì sao? Với lại biết đâu nhà nó còn dấu súng ống? Tôi nói: - Chuyện đó để cơ sở địa phương ở đây lo. Mà chắc chắn mấy ảnh xét nhà nó trước khi mình tới rồi. Còn như lão Năm Hổ có chém vè hay không, chắc mấy ảnh cũng đã có bố trí theo dõi, mình cũng khỏi lo luôn. Bây giờ mình lo trở lại nhà Cần, kiếm cơm ăn đặng rồi còn đưa bà má Cần đi về Phước-thạnh! Đi một đỗi, chợt lính Đó nói: - Em theo mấy anh hồi chiều tới giờ tính ra mới có vài tiếng đồng hồ... - Ừ, rồi sao? - Mà em rất khoái... Tôi hỏi gặng: - Anh nói khoái là khoái - Là em thấy mấy anh điệu đời ơn đền oán trả, cái chi mấy anh cũng làm tới mút mùa Lệ-Thủy 1. Như vụ bà già của anh Cần, vụ đòi tiền vợ Năm Hổ... - Phải vậy chớ - Lắm hồ hỏi: - Anh đi theo tụi tôi lâu lâu rồi sẽ thấy còn nhiều điều hay lẽ tốt. Làm thân lính ngụy đánh mướn cho Mỹ anh biết rồi đó, toàn là đi gây chuyện bất lương, dẫu anh không muốn làm cũng đâu có được. Còn làm người chiến sĩ giải phóng quân, là làm toàn việc nghĩa, việc nghĩa gắt điệu nhất là đánh Mỹ, ngoài ra có chuyện chi thấy bất công là cũng kết hợp tính luôn không thể bỏ qua! - Hổi giờ đi lính cho tụi nó, em cũng biết là mình đi trật đường, ngặt hoàn cảnh bó buộc... Tôi vỗ vai lính Đó: - Thì bây giờ anh đi với tụi tôi là đi trúng đường chắc mẩm rồi đó. Anh phải thấy như tụi tôi đi đây là tự mình đi đánh Mỹ cứu nước, cực khổ không kêu, rủi chết cũng cam. Chớ nếu muốn sướng cái thân, tụi tôi ở nhà cưới vợ lo mần ăn cũng sướng như ai, mà điều tụi tôi không muốn sống như vậy. Ai cũng muốn sướng như vậy thì nước mình mất mà mạng mình rồi cũng không còn để sướng. Tụi tôi nói ít, chắc anh Đó hiểu nhiều... Vài tiếng đồng hồ sau, lính Đó lại vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi bước tới trước mặt bà má Cần, vòng tay thưa: - Thưa má, bây giờ tụi con xin đưa má về ở tại một xã mình đã giải phóng, về đó yên ổn hơn má à! Má Tư ngồi im trên chõng, không nói sao cả, nhưng nước mắt tự lòng hố mắt sâu thẳm của má vụt ứa chảy. Thấy má Tư có chiều ưng thuận, tôi vui vẻ phân công: Cần lo gói ghém đồ đạc của má, Khởi vác cây đại liên. Lắm quảy thêm cây trung liên. Tôi lãnh phần cõng má. Lúc ấy, lính Đó hỏi tôi: - Còn - Anh sẽ vác mấy thùng đạn và phụ thêm chút ít đồ đạc cho má! Lính Đó "dạ" một tiếng, xăng xái đi bê mấy thùng đạn, giành vác đồ cho má Tư. Sáu người, trong đó có bà má trên lưng tôi, rời Chòm Cây-gáo vào lúc gần nửa đêm. Cô bác ở mấy nhà kế bên thắp đèn, đốt đuốc te tái đưa theo một quãng đường ruộng. Mấy thím mấy cô chạy theo nhét vô ba-lô anh em chúng tôi mấy gói thuốc "Ru-bi" thuốc rê và khô cá bổi. Rồi họ sụt sịt khóc kêu: - Bà Tư ơi, đi mạnh nhen bà Tư! - Bà Tư vô ở trỏng chắc khỏe hơn tụi tôi rồi đó! Ánh đèn đuốc của mấy người ở Chòm Cây-gáo rọi in bóng anh em chúng tôi xuống mặt ruộng. Tôi cõng má Tư, cất những bước dài. Cái cảnh hành quân nầy hồi đó tới giờ chưa hề có. Có lẽ chính vì vậy mà mấy thím lối xóm cứ cầm đèn đứng ngó theo, khóc thút thít mãi cho đến lúc chúng tôi đi khuất mình vào đêm tối. --------------------------------Tên một nữ danh ca vọng cổ Sài-gòn được ái mộ, hễ nghe Lệ-Thủy ca là nghe tới cùng.