Chương 8 (3)

Nhưng lợi thiết thực thì chưa thấy, chỉ thấy hại lớn cho tài chính nhà Thanh. Phải đưa quân đi rất xa, từ Bắc Kinh lên phía Bắc, qua Mông Cổ, tới I Lê phải lập đồn ở đó, tiếp tế vũ khí, lương thực, cứ mỗi một “thạch” khoảng 30 kí lô, tốn 120 đồng tiền bằn bạc. Từ 1781 đến 1791, cuối đời Càn Long, trên 30.000 tấn hàng hóa chở lên miền Tân Cương đó, trung bình mỗi ngày 6 tấn, tính ra tốn biết bao nhiêu bạc. Nội việc chở lương thực cũng mất 100 triệu đồng bạc trong thời gian đó rồi. Phải kể thêm những hàng hóa khác nữa, la trong thời chiếm đóng, thời tạm thời yên ổn. Khi có chiến tranh, phí tổn nặng gấp mấy nữa. Bao nhiêu của cải hai đời Khang Hi và Ung Chính dành dụm được, đổ vào những trận ở phía Bắc, và phía Tây, Tây Nam hết. Cuối đời Càn Long quốc khố khánh kiệt.
Tai hại hơn nữa là những trận đó làm cho Trung Hoa đụng đầu với những nước Tây Phương. Họ đụng đầu với Nga ở I Lê, nga, Hoa tranh nhau miền đó trên 30 năm từ 1847 – 1881, rốt cuộc Nga làm chủ được.
Về phía Nam, Trung Hoa chạm trán với Anh ở Miến Điện, phía Tây quyền lợi của Anh, Hoa xung đột nhau ở Nepal, Tây Tạng.
Càn Long phải mở mang thêm bờ cõi như vậy có thể vì muốn cho đế quốc được yên ổn. Có thể ông còn nghĩ rằng mình không chiếm trước thì Nga, Anh sẽ chiếm. Phải thắng Mông Cổ vì Mông Cổ ở sát nách Mãn Châu; dẹp được Đông Mông Cổ rồi thì phải dẹp nốt Tây Mông Cổ (tức các rợ Kalmouk); mà muốn cho các rợ Kalmouk không quấy rối, thì phải chiếm I Lê và Turkestan, và cứ như vậy mà lan ra. Đât đai miền đó mênh mông mà không có giá trị gì về kinh tế, hầu hết là sa mạc hoặc đồng cỏ, muốn giữ được thì tốn kém quá. Chỉ có mỗi cái lợi là nó làm cái phiên giậu che cho mình (danh từ phiên thuộc có nghĩa vậy), nhưng mình có mạnh thì mới giữ được cái phần đó, khi mình yếu thì lần lượt nó sụp đổ hết, và chỉ nữa thế kỉ sau khi Càn Long chết, nghĩa là khoảng giữa thế kỉ XIX là đế quốc Thanh bắt đầu co rút lại.
Càn Long theo chính sách Ung Chính đối với người Âu, phần lớn vì thấy nhiều giáo sĩ của họ có tinh thần cố chấp, hẹp hòi, có giọng tự phụ coi rẻ người Trung Hoa, một phần nữa vì cảm thấy nữa vì cảm thấy rằng người Âu coi Trung Hoa là một thị trường mênh mông để tiêu thụ những hóa phẩm của họ chết tạo, đồng thời là một khoa tài nguyên vô tận họ có thể khai thác được.
Các vua Trung Hoa thời nào cũng tự hào rằng nước mình rộng nhất thế giới, dân tộc mình văn minh nhất thế giới; nhất là Càn Long, ông vua có “thập toàn võ công” càng tự phụ rằng đánh đâu thắng đấy, không dân tộc nào địch nổi với mình, mà khi ông tiếp sứ thần nước nào tức là ban ơn cho nước đó, chứ ông không cần kết thân với nước nào cả. Cho nên năm 1793, khi Anh Hoàng George III, phái sứ thần Mac Cartrey tới Bắc Kinh để xin phép ông mở thêm ba thương cảng mới trên bờ biển Trung Hoa và bổ nhiệm một đại diện nước Anh ở triều đình Mãn Thanh, ông từ chối một cách nhã nhặn mà vẫn có giọng khinh khỉnh, dứt khoát:
“ Nếu đúng như lời trong bức thư của Ngài, vì kính trọng Thiên triều của trẫm, nên ngài muốn được thâu thái nền văn minh Trung Quốc…thì lễ nghi, luật lệ Trung Quốc khác xa lễ nghi, luật lệ của nước Ngài quá, dù sứ thần của ngài có hiểu được ít nhiều căn bản của văn minh Trung Quốc cũng không thể đem gieo nó ở nước ngài được… Viên sứ thần của ngài tất đã nhận thấy rằng nước của trẫm không thiếu gì hết. Trẫm không biết dùng vào việc gì những sản phẩm chế tạo ở nước ngài đó. Ngài xin đặt một đại diện ở triều đình trẫm, điều đó trái với tục lệ của triều đình Thanh và chỉ có thể gây nhiều bất lợi cho Ngài thôi. Đó là ý nghĩ của trẫm”.
(Dịch theo bản dịch của Tsui Chi trong A Short History of Chinese civilisation – do nhà Payot dịch lại ra tiếng Pháp, nhan đề là Histoire de la Chine et de la civilisation chinoise).
-Backhouse và Bland trong Les Empereurs mandchaus – Payot – 1964 khen Càn Long sống đạm bạc, giản dị, nhưng theo Eberhard ông có tật xây cất nhiều cung điện lộng lẫy, vì ông muốn triều đại ông cái gì cũng lớn lao từ võ công đến công trình văn hóa: soạn sách, lập thư quán, thư khố, kiến trúc, đãi yến các bô lão.
Một nhược điểm nữa của ông là hồi 65 tuổi ông qúa tin cậy một tên vệ úy, 25 tuổi gần như vô học, chịu ảnh hưởng tai hại của hắn. Hắn tên là Hòa Thân được ông phong làm Đại Học sĩ kiêm Lại Bộ Thượng thư gần như Tể tướng (đời Thanh không dùng tể tướng, cũng chuyên chế như đời Minh). Thông minh, khôn khéo mưu mô hay điểm chỉ, hắn nắm được hết chức vụ lớn trong triều, có con gái đính hôn với một hoàng tử, nên hắn nói cái gì Càn Long cũng nghe, triều thần ai cũng sợ hắn. Bọn tay chân của hắn ở triều đình và khắp các tỉnh mua quan bán chức, cướp bóc dân chúng, đem về dâng hắn. Hắn xây cất dinh thự cao đẹp hơn cung điện của vua, chứa nhiều bảo vật hơnkho của vua nữa.
Càn Long vừa nắm xuống, chưa kịp chôn thì Gia Khánh kế vị, bắt giam hắn liền, tịch thu gia sản, xử hắn tội giảo (thắt cổ), hắn thản nhiên can đảm nhận hết tội, còn bảo sẽ được xuống hoàng tuyền thờ chủ cũ nữa. Nhưng hắn chỉ khai một phần gia sản (67 triệu lạng bạc, 27.000 lạng vàng, 456 hồng ngọc, 113 lam ngọc, 56 chuỗi ngọc trai (thực ra là 200)). Bị tra hắn mới khai chỗ chôn giấu, cuối cùng gia sản hắn là 900 triệu lạng bạc, ấy là chưa kể hằng ngàn bảo vật lặt vặt khác như chén đĩa, áo dã lông, đồ đạc…; 23 tiệm cầm đồ và 13 tiệm bán đồ cổ để các em hắn đứng tên.
Thời đó mà có được một gia sản như vậy (có người bảo vua Louis XIV cũng không bằng) thì thật là không tượng nổi.
Sự thối nát, tham nhũng của quan lại Trung Hoa đến đời Thanh đạt đến kỉ lục, nó đánh dấu sự suy sụp sắp tới của chế độ quân chủ.
Tại Sao Mãn Thanh thành công
Phải nhận rằng thực dân Mãn Châu đã thành công lớn. Trong lịch sử thế giới, không hề có một trường hợp nào như vây; một dân tộc chiếm được non sông một dân tộc khác đất rộng và dân đông ít nhất gấp 50 lần dân tộc mình, văn hóa vào bực thầy mình, làm chủ trên hai trăm rưỡi năm, giúp dân tộc đó phát triển thêm về lãnh thổ, văn hóa, thực dân tài giỏi nhất của phương Tây, dân tộc Anh, cũng không so sánh được. Bị mang cái ách đó, nhiều học giả Trung Hoa cho là nhục nhã và tìm xem nguyên nhân tại đâu.
Một số cho rằng người Mãn Châu cũng như người Mông Cổ, một số “rợ” khác ở Trung Á, Đông Á, cùng một giống người Hán, mà kém văn minh, nhưng hiếu chiến, giỏi chiến đấu, rình lúc Trung Hoa suy, chia rẽ là ồ ạt vào chiếm đất. Người Mãn có đủ dân để đóng đồn, cầm đầu các cơ quan hành chánh, nên họ giữ được địa vị chủ nhân. Nhưng cũng như bọn thực dân Âu ở thế kỉ XIX, thuộc địa của họ là một gánh nặng cho họ, rốt cuộc họ kiệt lực, mà người Hán vẫn nhoi lên được.
Một số học giả Trung Hoa khác bảo không phải vậy. Trung Hoa cả dưới đời Thanh, vẫn do người Trung Hoa cai trị tới 90%; chế độ Thanh không hoàn toàn là của Mãn, mà là một chế độ tổng hợp Mãn – Hán, và người Mãn sở dĩ nắm được quyền là vì họ Hán hóa, thành người Hán.
Hai thuyết trên đều đúng một phần mà không trái ngược nhau.
Tác giả East Asia – The Great tradition đưa thềm những lí do này nữa:
Chế độ Trung Hoa đời Thanh (nhất là đời Minh) là chế độ quân chủ chuyên chế Vua nắm hết quyền và dùng một số quan lại; dân chúng đại đa số là nông dân miễn được yên ổn làm ăn có đủ cơm ăn áo mặc, không phải è cổ ra đóng thuế tời nỗi phải bán ruộng đất, bàn vợ đợ con, là sung sướng rồi, dù người Hán, người Mông, người Mãn, ai cầm quyền cũng được. Mà triều đình cũng ít can thiệp vào đời sống của dân, miễn họ nộp đủ thuế là để yên cho họ. Trong làng không có hay có ít nhân viên của triều đình.
Như ở nước ta, con cái họ dắt lại lớp học của một ông đồ, có việc kiện cáo, họ không xin quan huyện xử - họ cho rằng thắng cũng thiệt như thua, chỉ quan là béo bở - mà dắt nhau lại nhà một vị nào có uy tín trong làng, thường cũng là một thầy đồ hay một vị khoa bảng. Vì vậy Trung Hoa đất đai mênh mông mà số quan lại ít.
Tuy nhiên triều đình cũng kiểm soát nhân dân chặt chẽ lắm, nhờ thuật của Thương Ưởng đời Chiến Quốc, Thương Ưởng bị dân ghét và chết không toàn thây, nhưng chính sách bắt một số gia đình phải kiểm soát lẫn nhau nếu có kẻ gian thì liên đới chịu tội, các đời sau đều theo cả(1) tùy thời mà sửa đi một chút. Đời Hán có Vương Mãng, đời Tống có Vương An Thạch có bảo giáp… đời Thanh như trên đã nói, có lí giáp, mà ngày nay cả Trung Cộng lẫn Việt nam đều theo, chỉ đổi tên thôi. Thương Ưởng đáng coi là chính trị gia tài giỏi nhất thế giới, ảnh hưởng của ông ta kém gì ảnh hưởng của Khổng Tử, mà công của ông ta với vua chúa Trung Hoa có thể còn lớn hơn công của vị “vạn thế sư biểu” nữa.
Mãn Thanh có lí giáp, lại có cả bảo giáp, vừa kiểm soát được nhân dân vừa đỡ phải dùng bọn lại để thu thuế. Và cũng như đời Nguyên, họ bắt nhà nào có kẻ bất hiếu, biếng nhác, ăn cắp ăn trộm, chống đối triều đình phải ghi tên vào một cái bảng treo trước cửa. Như vậy là triều đình có hằng triệu công an mật vụ mà khỏi trả lương(2). Nhưng Thanh hơn Nguyên mà giống Minh ở chỗ biết theo lời Khổng Tử; giáo dân. Khanh Hi cũng như Chu Nguyên Chương ban hành một sắc lệnh gồm 16 câu 7 chữ dạy dân phải hiếu lễ, cần kiệm, tuân lịnh triều đình, nạp thuế đúng kì… sắc lệnh đó mỗi tháng hai lần, một vị quan hoặc một kẻ sĩ trong làng phải họp nhân dân lại giảng cho họ, nhắc nhở họ. Một học giả Âu khen người Trung Hoa tổ chức xã hội giỏi hơn người La Mã. Đúng lắm. Vua Thanh ít nhất cũng khôn hơn Giao hoàng La Mã, họ không dại dột động đến đạo Khổng mà còn trọng, thực tâm trọng nó nữa. Họ được lòng dân tộc Trung Hoa, thành công hơn người Mông Cổ là phải. Chỉ trong một thế kỉ họ đã đồng hóa với người Trung Hoa, quên mất tiếng mẹ đẻ, mà chính người Trung Hoa cũng đồng hóa với họ nữa; cái đuôi sam mà hồi đầu người Trung Hoa cho là nhục nhã thì lần lần họ cho là quốc hồn quốc túy, đến nỗi, sau cách mạng Tân Hợi (1911) Thanh bị lật đổ rồi, bọn thanh niên tân tiến Trung Hoa hô hào cắt bỏ đuôi sam đi, thì dân quê nhiều người không chịu. Bản chất loài người là đất sét hết; một chính quyền đứng vững được vài trăm năm mà kiên nhẫn, cương quyết thì muốn “nặn” dân ra sao tùy ý, muốn thành loài chồn, loài cáo hay loai kiến loài ong cũng được hết. Đó là một bài học lịch sử chăng?
(1) Có lẽ chỉ trừ đời Đường
(2) Ở nước ta dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu thời trước cũng theo họ, tại một quận nọ ở Châu Đốc nhà nào có người tập kết ra Bắc năm 1954 phải treo 1 cái đèn đỏ ở trước cửa.
3. Văn hóa
TRIẾT HỌC
Một số sĩ phu cuối đời Minh phản Thanh, thất bại, không chịu hợp tác với Mãn, ở ẩn trong rừng xanh ôn lại lịch sử Trung Hoa, tìm hiểu tại sao dân tộc mỗi ngày mỗi suy, bọn hoạn quan mỗi ngày mỗi lộng quyền, bọn Nho sĩ bất lực hoặc sa đọa, tới nỗi người Hán đã phải chịu cái nhục tròng cổ vào ách của rợ Mông, rồi bây giờ lại đeo cái ách của rợ Mãn Châu.
Họ quy tội cho Tống Nho và Minh Nho chịu ảnh hưởng quá đậm của Lão, nhất là Phật, muốn tìm hiểu ý nghĩa tinh vi về đạo lí, bàn đi bàn lại hoài về thái cực, thái hư, khí, tâm dục, bỏ chủ trương thiết thực cứu quốc của Khổng Tử mà sa vào cái tệ không đàm về siêu hình, khiến dân tộc phải trầm luân. Họ phản đối lí học, tâm học, gây một sự biến chuyển lớn, hướng triết học về phần thực học, quan sát duy vật. Họ rất đông, có đặc điểm là nhà nào cũng nghiên cứu về chính trị, có tinh thần của triết gia thời Chiến Quốc, làm cho triết học đời Thanh thịnh hơn, mới mẻ hơn các triều đại trước.
Hoàng Tôn Hi.
Người đầu tiên là Hoàng Tôn Hi, cha ở trong đảng Đông Lâm, chết trong tù vì tay Ngụy Trung Hiền. Ông theo phong trào phản Thanh tới 1649 (năm đó ông 39 tuổi) rồi ở ẩn dạy học viết sách, nghiên cứu lịch sử, triết học, văn học cả toán nữa, soạn được cả trăm cuốn, nhưng vì không in được nên thất lạc nhiều.
Sở đắc của ông là phần tư tưởng chính trị. Ông thấy chế độ quân chủ từ Tần, Hán chỉ có hại cho dân. Ông vua nào cũng chỉ nghĩ tư lợi, li tán con trai con gái của thiên hạ, cướp giật sản nghiệp của thiên hạ để giữ làm của riêng rồi truyền lại cho con cháu. Lý tưởng của Khổng Tử, không đời nào theo cả.
Ông cho chánh sách nhân trị (cho rằng chỉ có người mới làm cho nước thành ra trị) sai; “tất phải có hiến pháp tốt làm cho nước được trị đã rồi sau mới có người làm cho nước được trị”. Phải bỏ những sắc lịnh độc đoán của vua chúa đi, thay bằng những luật pháp nghiêm chỉnh; lập lại chế độ tể tướng (mà Minh, Thanh đã bỏ) để bắt vua phải chia quyền cho tể tướng; phải có luật hạn chế số quí phi, cung tần của vua, số hoạn quan, nhất là phải kềm giữ bọn này. Dĩ nhiên ông cũng đòi cải cách thi cử, thuế má…nữa.
Như vậy chúng ta thấy ông đã có cái mầm tư tưởng quân chủ lập hiến rồi, đã có ý niệm rằng pháp luật phải do dân đặt ra để hạn chế quyền của vua, chứ không phải của vua đặt ra để ức hiếp dân nữa.
Vương Phu Chi
Đồng thời với ông có Vương Phu Chi, cũng phản Thanh tới năm 1650, rồi về ở ẩn bốn chục năm. Cũng nghiên cứu về sử như Hoàng, cũng cho rằng chính quyền thành lập vì dân, chứ không phải vì vua. Ông đả kích nhà cầm quyền Thanh rất hăng, nhưng đa số tác phẩm của ông 200 năm sau mới in được, ảnh hưởng lớn tới các nhà cải cách ở cuối đời Thanh: Đái Chẩn và Đàm Tự Đồng coi ông như thầy.
Ông phản đối Trình Di, Chu Hi, Vương Dương Minh bảo: “thiên lý ở trong nhân dục; không có nhân dục thì thiên lý ở đâu mà phát ra?”.
Cố Viêm Võ
Là người thoát ly hẳn với Tống Nho. Tuổi ông suýt soát với Hoàng Tôn Hi và Vương Phu Chi mà tư tưởng khác hẳn. Ông cũng phản Thanh tới khi thất bại, rồi không chịu ra làm quan nhà Thanh, đi du lãm khắp nơi ở phía Bắc và phía Tây, tìm những di tích đời xưa để khảo cứu, có tinh thần khoa học.
Có lẽ ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của tư tưởng của Âu Tây vì cuối đời Minh đầu Thanh đã có nhiều giáo sĩ Tây như Adam Schall, Ferdinaud Verbiest, Mathieu Rici dịch sách khoa học và triết học của Âu ra chữ Hán: Nhất là Mathieu Rici đã xướng lên thuyết tìm nghĩa sách ở trong nguyên văn, và một số sĩ phu Trung Hoa đã có khuynh hướng về khảo chứng, cho đời Hán gần đời Xuân Thu, Chiến Quốc nhất mà lời chú thích của Hán Nho chắc phải đúng hơn Tống Nho.
Cố Viêm Võ là người đứng đầu trong phái Hán học (nghiên cứu Nho học theo chú thích đời Hán) đó. Ông bảo: “Sao lại phân biệt ra một cái gọi là lý học được? Kinh học tức là lý học. Từ bỏ kinh học mà nói lý học thì là thiền học”. Ông bỏ hết phần siêu hình trong lý học. Ông trọng chứng cứ, hễ đưa ra một thuyết gì là dẫn chứng đầy đủ, rành rẽ. Mà ông chỉ đưa ra những thuyết từ trước chưa ai nói tới, không muốn bắt trước người xưa. Ông dùng phương pháp khảo chứng đó để nghiên cứu ngữ âm, ngữ nguyên của những từ cổ, tìm hiểu các kinh, thư, nếu sai thì hiệu đính. Ông bỏ ra 30 năm để nghiên cứu kinh, thư, phân tích, phê bình và thấy bản mà người ta gọi là “Cổ văn” được dùng hơn ngàn năm trong các kỳ thi, thực ra là ngụy thư, như vậy là ông mở đầu cho phong trào nghiên cứu cổ văn với tinh thần khoa học. Ông đề cao thực dụng, đại ý bảo: “Khổng tử san định sáu kinh là muốn cứu vớt dân khỏi cảnh lầm than. Nói phiếm không bằng đừng nói mà làm”
Tóm lại Cố Viêm Võ là một nhà khảo cứu, một sử gia hơn là một triết gia, nhưng đã làm thủ lãnh một học phái có ảnh hưởng lớn ở đương thời.
Nhan Nguyên
Sinh sau ba nhà trên khoảng hai chục năm cũng phản đối cả lý học lẫn tâm học, trách các triết gia Tống, Minh làm mất nước, chê cả Cố Viêm Võ là chỉ lấy cái học đọc sách để giải nghĩa sách, không phải là theo cái học của Khổng Tử.
Ông tin tính người ta vốn thiện, khuyên ta đừng để cho lòng bị vật dục che lấp. Ông chú trọng nhất đến sự thực hành và làm việc. Đọc sách không phải là học, làm việc mới là học, (ông thực hành lời nói ông dạy: vừa viết sách, vừa cày ruộng). Làm việc thì không nghĩ bậy nữa, như vậy là luyện đức. Châm ngôn của ông “còn sống một ngày thì một ngày làm việc cho cuộc sống”.
Triết học của ông không có gì thâm thúy, nhưng ta phải nhận rằng trên 2.000 năm, từ thời Mặc tử, không có học giả nào trọng sự cần lao như ông, và không có học thuyết nào ích lợi thiết thực cho quốc gia bằng thuyết hành tức học của ông.
Đái Chấn
Ở giữa thế kỷ XVIII, thuộc phái khảo chứng, trọng sự quan sát, có tư tưởng duy vật, không theo Tống Nho cũng không theo Hán Nho, muốn lập một triết thuyết riêng, phản đối sự phân biệt ra lý và dục của Trình, Chu, cho rằng lý là nhân tình, lý ở nhân dục. Nó là cái tình mà không sai lầm, tình mà không quá, không bất cập thì là lý.
Lại nói: “Lý là ở trong cái dục”, “Thánh nhân trị thiên hạ, tất hiểu cái tình của dân, an lòng dục của dân mà vương đạo mới tiến được”
Tóm lại ông cũng như Nhan, trọng thực dụng, gần với chủ trương công lợi, mưu cái lợi cho xã hội. Sở dĩ vậy là do thời cuộc như trên tôi đã nói.
Tới cuối đời Thanh, dân tộc Trung Hoa gặp rất nhiều nỗi khó khăn nên học giả nào cũng chỉ lo cải tạo chế độ xã hội và chính trị để cứu nước. Họ tuy đông nhưng tư tưởng không có gì đặc biệt, hầu hết là pha Khổng học với Âu học. Xuất sắc là Khang Hữu Vi.
Khang Hữu Vi.
Ông mới đầu theo học thuyết của Lục, Vương, sau đọc nhiều sách Âu dịch ra tiếng Trung Hoa, mở trường dạy học, lập nên phong trào duy tân, việc thất bại, phải trốn qua Nhật (coi ở sau) đến khi Dân quốc thành lập mới về nước.
Tư tưởng của ông gồm mấy yếu điểm: binh đẳng, bác ái và đại đồng. Ông nghĩ rằng nhân loại sắp đến thời đại đồng rồi, và để sửa soạn cho thời đó, ông đề nghị: phá ranh giới các quốc gia, bỏ chế độ giai cấp, bỏ quan niệm về chủng tộc, không phân biệt trai gái nữa, nam nữ hoàn toàn bình đẳng: phá bỏ gia đình, bỏ tư sản, công nông thương không còn chủ và thợ nữa, trừ tiệt những cái bất bình, bất đồng, bất công, như vậy là diệt được cái khổ.
Người đương thời mỉa ông là “Khang thánh nhân”, chê ông không tưởng, không thiết thực, nhưng ai cũng trọng tư cách của ông, ông và học trò ông (Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng) là những người mở đường cho cuộc cách mạng Tân Hợi (coi ở sau).
SỬ HỌC
Đầu đời Thanh, các học giả quyến luyến văn hiến của tổ quốc nên rất chú ý đến sử học, tìm lý do suy vong để rút ra một bài học.
Nổi tiếng nhất là Hoàng Tôn Hi với hai bộ Tống, Nguyên học án và Minh Nho học án.
Sau ông có Vạn Tư Đồng, tác giả bộ Minh Sử Cảo( 500 quyển ), Quần Thư nghi biện.
Toàn Tổ Vọng viết bộ Kinh sử vấn đáp; Chương Học Thành lưu lại hai bộ: Sử tịch khảo và Văn sử thông nghĩa, đều có giá trị vì có kiến giải riêng, viết có phương pháp.
VĂN HỌC
Vân trào. Hồi Thanh sơ, nước thịnh trị, đất đai khuếch trương, viện văn học phục hưng. Các hoàng đế Khanh Hi, Càn Long tuy đàn áp những người phản đối triều đình, nhưng trọng văn hóa Trung Hoa, sai biên soạn được nhiều bộ rất lớn như Khanh Hi tự điển, Khâm định đồ thư đại tập thành, Tứ khổ toàn thư…(đã nói ở trên)
Văn học thời đó tập đại thành các thời trước, loại nào cũng phát triển và nhiều nhà có tinh thần sáng tác, nhưng chưa có khuynh hướng nào rõ rệt.
Cuối đời Thanh, sĩ phu thấy phương Tây nhờ khoa học mà hùng cường, uy hiếp Trung Quốc, lấy đó làm nhục, muốn cứu quốc, hăng hái đả đảo lối học từ chương và cổ xúy lối văn thực tiễn, tả thực.
Biển văn sau đời Đường rất suy, tới đời Thanh lại phục hưng. Nổi danh nhất là Trần Duy Tùng, Viên Mai, tuy trọng luật lệ của thể biền, nhưng nội dung không rỗng mà có tư tưởng, tình cảm.
Uông Trung dùng một lối mới nửa biền, nửa tản. Vừa đẹp đẽ du dương, vừa dễ phô diễn tư tưởng. Lương Khải Siêu cuối đời Thanh thường dùng thể đó.
Cổ văn có Chu Di Tôn chủ trương văn phải thành thật trước hết; Cố Viêm Võ trọng thực dụng, khuyên nếu văn không quan hệ với nghĩa lý hoặc việc đương thời thì đừng viết; Hoàng Tôn Hi sở trường về tự sự, ông bảo tự sự phải có phong vận, không nên khô khan, nghệ thuật tự sự cũng giống như nghệ thuật viết tiểu thuyết.
Ngụy Hi chuyên nghị luận, bút pháp mạnh mẽ.
Ta nên kể thêm Lâm Thư ở cuối đời Thanh, dùng cổ văn để dịch tiểu thuyết Âu Tây(sẽ nói thêm ở sau).
Thơ
Thơ Thanh hay hơn thở Tống và không kém thơ Đường bao nhiêu. Thi sĩ Thanh sơ tuy không dùng thể của đời trước mà không mô phỏng hẹp hòi; cá tính của mỗi nhà cùng tinh thần của thời đại đều được khắc sâu trên tác phẩm của họ.
Hai thi hào nổi danh nhất là Vương Sĩ Trinh và Viên Mai.
Vương Sĩ Trinh chủ trương thơ phải có thần vận, nghĩa là lời và điệu phải cao nhã, thanh tân. Thơ ông điêu luyện nhưng có tật dùng tiếng lạ, điển lạ.
Viên Mai chủ chương thuyết tính linh, bảo “thơ biểu hiện tính tình của mỗi người”, cứ diễn được tính tình riêng của mình là được, chẳng cần phải theo Đường hay theo Tống. Vậy ông cũng trọng sự thành thực, tự nhiên trước hết. Ngoài ra còn có Triệu Chấp Tín cho thơ hay là nhờ nhạc, và Thẫm Đức Tiềm bảo thơ quí ở tính tình, đành rồi, nhưng cũng phải theo phép tắc, không có phép tắc không phải là thơ.
Từ tới đời Thanh cũng phục hưng. Ba nhà có tên tuổi nhất là Chu Di Tôn, Trần Di và Nạp Lan Tính Đức, một thiếu niên Mãn Châu ở đời Khang Hi, tài hoa mà chết yểu, giọng tự nhiên mà bi thảm, phảng phất như giọng Lý Hậu chủ đời Nam Đường.
Tuồng
Nhưng phát đạt nhất, làm vẻ vang cho đời Thanh là tuồng và tiểu thuyết. Tuông Thanh muốn lấn tuông Minh. Tác giả rất đông, họ sáng tác rất mạnh. Năm 1781, đã có được trên 1.000 vở, một vở dài không tưởng tượng nổi, gồm 240 màn, gom thành 26 phần, và muốn diễn cho trọn thì phải mất 2 năm.
Nổi danh nhất là:
Lý Ngư mà có người ví với Molère của Pháp vì ông soạn tuồng rồi vợ bé diễn. Tuồng ông cũng có vẻ hoạt kê như hài kịch của Molière.
Nội dung rất mới mẻ, tả đồng tính ái (bạn gái mà ăn ở với nhau như vợ chồng, bạn trai với nhau cũng vậy), hoặc tả con gái ve vãn con trai, toàn là nhưng tâm lý lạ chưa văn nhân nào nghĩ tới.
Khổng Thượng Nhiệm nối tiếng về tuồng Đào hoa phiến, trong đó ông lấy Nam Kinh làm bối cảnh, dùng một dũng sĩ và một danh sĩ làm nhân vật chính để diễn tả nỗi vong quốc thê thảm ở cuối đời Minh. Vở đó không biết cho bao nhiêu người phải nhỏ lệ.
Hồng Thăng có vở Trường sinh điện diễn lại bi kịch của Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi.
Tưởng Sĩ Thuyên chuyển tả những cảnh li rồi hợp, hợp rồi li của bọn tài tử giai nhân.
Tiểu Thuyết
Đời Thanh là hoàng kim thời đại của tiểu thuyết. Chỉ nội số lượng cũng đáng kính, mà có những bộ rất dài.
- Loại tiểu thuyết tình có Hồng Lâu Mộng của Tào Triêm (Tào Tuyết Cần), sinh trong một gia đình quí phái, về sau sa sút, bần hàn, tự thuật lại cuộc đời của mình giữa nhung gấm và một đám tiểu thơ lãng mạng, ăn không ngồi rồi.
Nên đọc truyện đó để biết xã hội quí phái Trung Hoa đời Thanh cũng như nên đọc Kim Bình Mai để biết sự sa đọa của giai cấp thị dân, thương nhân đời Tống. Nghệ thuật tả chân rất cao, tâm lý sâu sắc, nhưng chi tiết nhiều quá, kết cấu vụng.
Truyện đó làm cho mấy thế hệ thanh niên nam nữ khóc; người Trung Hoa thích tới nỗi nhiều văn sĩ mô phỏng.
- Tiểu thuyết xã hội có Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử, gồm nhiều truyện ngắn gom lại thánh một truyện dài, rời rạc, không có vai chủ động, nhưng nghệ thuật miêu tả cũng cao. Nhân vật toàn là hạng nho tiểu nhân làm những việc đồi bại, giộng phúng thích sắc sảo, mạt sát chế độ thi cử dùng thi phú để lựa nhân tài, và tục cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó trong hôn nhân.
Ngoài ra còn bộ
- Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia tả sự hủ lậu trong quan trường.
- Nhị thập niên mục đỏ chi quái hiện trạng của Ngô Ốc Nghiêu chép những điều quái mắt thấy tai nghe ở đương thời.
- Lão tàn du ký của Lưu Ngạc cũng ghi hiện trạng xã hội và chỉ trích giới quan lại.
Những tiểu thuyết nghĩa hiệp rất nhiều, nhưng kém xa Thủy Hử.
Tôi không thấy một tiếu thuyết nào riêng tả nỗi cực khổ của nông dân Trung Hoa, những cảnh thể thảm chết hàng triệu người sau nhữn cơn lụt, những cuộc nổi loạn hằng vạn, hàng chục vạn của họ. Đó là một điều thiếu sót.
Đoản thiên tiểu thuyết
Thịnh danh nhất là bộ Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh viết đời Khanh Hi mà mình có vài ba bản dịch. Toàn bộ gồm 431 truyện ngắn, phần nhiều là truyền thần tiên, ma quỉ, yêu hồ. Nội dung phần do truyện cũ truyền khẩu lại, một phần do tác giả tưởng tượng. Văn điêu luyện mà nội dung cũng hàm ý khuyên răn thế tục.
Dịch sách Âu
Cuối Thanh nổi lên phong trào dịch sách Âu Tây, thịnh cũng như phong trào dịch kinh Phật đời Đường. Hai dịch giả tận tụy nhất là Nghiêm Phục và Lâm Thư. Tôi sẽ trở lại vấn đề đó trong một tiết sau.
Họa
Họa sĩ đời Thanh cũng như các đời trước giỏi cả về viết chữ (thư). Họ thích vẽ sơn thủy, hoa chim. Chữ viết có Cố Viêm Võ, Phong Hữu Vi, mà người đời khen là nét bút “thiên mã hành không” (ngựa trời bay trên không).
Họa gia rất đông. Mỗi tác giả thích một số: nhà thì khen Trịnh Bản Kiều, Ngô Thạch Tiên, nhất là Thạch Đào “họa gia vĩ đại nhất đời Thanh”; nhà thì lựa Quân Cách (vẽ sơn thủy, hoa cỏ rất khéo), Mã Thị (hoa chim). Triệu Xương (đá trúc), Trần Nam Tần.
Một giáo sĩ Ý, Castiglione, vừa là họa gia, học thuật vẽ của Trung Hoa và truyền thuật vẽ của Âu vào Trung Hoa, thuật vẽ bằng sơn dầu và thuốc màu hòa với nước Aquarelle, được vài họa gia Trung Hoa dùng.
Đồ sứ Tuy có 3.000 lò dùng tới 1 triệu thợ, nhưng nghệ thuật kém vì chỉ lo thỏa mãn thị hiếu của phương Tây để bán được nhiều.
Khoa học
Cho tới thế kỷ XVI, dân tộc Trung Hoa là dân tộc tiến bộ nhất về khoa học, kỹ thuật có môn họ tiến trước Ấn Độ và phương Tây cả chục thế ký. Họ cống hiến cho nhân loại được nhiều phát minh: lụa, kim chỉ nam, thuốc súng, giấy mực, thuật in đồ sứ. Họ biết đốt than đá từ năm 122tr.T.L, biết chế tạo thủy tinh, đồng hồ, máy đo địa chấn, tìm ra môn đại số và hình học, biết dùng số âm trước hết, tính ra được số π với 6 số lẻ rất sớm, có lịch cũng rất sớm. Về y học, từ thế kỷ III, họ đã viết một cuốn về giải phẩu; họ biết coi mạch, châm cứu, chủng đậu, dùng thủy ngân điều trị bịnh giang mai… Những phát minh đó tôi đã nói ở các chương.
Theo Joseph Heedhaa, một học giả Mỹ đã thu nhập được nhiều tài liệu để soạn bộ Science and civilisation in China, gồm 7 cuốn dày, (cuốn đầu xuất bản năm 1954) thì họ nghiên cứu khá sâu về từ khí (magnétisme) và gần tìm ra được điện khí; đã tính được căn bình phương và căn lập phương (racine carée và racine cubique) trước cả Ấn Độ, đã tính được đúng nhật thực từ đời Chu đã vẽ được khá chính xác bản đồ miền Hà Nam (tỉ lệ xích là 1/100.000) từ thế kỷ thứ II trước T.L.
Có điều khó hiểu là từ thế kỷ XVII, tài phát minh của họ ngưng lại trong khi phương Tây tiến rất mau về khoa học ký thuật, lần lần vượt họ; tới đời Thanh thì hóa ra lạc hậu, phải học người Âu, nhờ mục sư Ripargin cho bản đồ toàn quốc gồm 104 tờ. Hình như họ có tài phát minh hơn là lợi dụng nhưng phát minh. Chẳng hạn thuốc súng của họ phát hiện từ trước kỷ nguyên Ki Tô mà họ chỉ dùng làm pháo thăng thiên, mãi cho tới đời Tống mới chế tạo được lựu đạn; người Ả Rập bắt trước thuật đó, truyền qua Châu Âu và qua đời Minh, người Trung Hoa phải học lại của người Bồ Đào Nha cách chế tạo súng đại bác. Có phải một là do họ ghét máy móc, cho rằng cơ giới sinh ra cơ tâm, cho nên không trọng, không khuyến khích, các nhà khoa học mà chỉ quí bọn văn nhân, thi sĩ, triết nhân? Hay là tại họ có trự giác sáng kiến, nhưng thiếu tinh thần khoa học, không có khoa học thực nghiệm, không có Bacon, Descartes? Lạ lùng thật, họ tính được căn lập phương, tính được số π mà không biết đặt ra dấu = (signe d’égalité), không biết đặt thành phương trình (équation), nên họ không có môn toán (mathématiques) như phương Tây. Hậu quả là nhờ khoa học, lối sống và xã hội phương Tây thay đổi rất mau trong khi Trung Hoa trong các thế kỷ 17, 18, 19 đứng ỳ một chỗ.
4. Kinh tế - xã hội
Cho tới cuối đời Càn Long, nhờ đất đai được mở rộng, kinh tế phát triển khá. Số ruộng cày tăng lên hoài; nhiều đồn điền được lập thêm ở miền biên cương phía Tây, phía Tây Nam, ở Tân Cương, Đài Loan, có thời cả ở Mãn Châu nữa (mặc dàu có lệnh cấm người Hán qua lập nghiệp ở đó, mà họ vãn lén lút qua được). Họ đi tưng đoàn như những dân bán du mục, qua hết miền này miền khác kiếm một nơi thưa dân mà nhiều đất hoang để định cư.
Tại những miền đã khai phá từ lâu, họ đắp đập, đào kinh như ở gần Bắc Kinh, miền hạ du Hoàng Hà và miền Giang Tô, nhờ vậy số thu hoạch tăng lên. Miền Hồ Bắc và Hồ Nam thành cái vựa lúa của Trung Quốc, và có câu tục ngữ: “khi Hồ Quảng – tức Hồ Bắc và Hồ Nam – mà lúa chín thì dân trong nước khỏi đói” Miền Tứ Xuyên và Giang Nam (An Huy và Giang Tô) cũng phong phú, có dư lúa bàn cho các miền khác. Ở Phúc Kiến, Quảng Đông, nghề trồng mía, trà, dâu nuôi tằm cũng tiến bộ. Người ta lại trồng thêm khoai lang, bắp,
cà chua, thuốc lá từ ngoại quốc đem giống vào.