Chương 33

    
ng Chín, ông nội của Khởi nói:
- Bữa nay, như lời hứa, tao đãi mấy đứa bây một tiệc rượu. Từ rày sắp lên, hễ bất kỳ tụi bây đánh thắng ở đâu về ghé Long-phước đây là tao hứa đãi đều. Tụi bây đừng lo, gà vịt do mẹ thằng Khởi nuôi, lươn rùa tôm cá là của tao đặt lợp đặt trúm, còn rượu thì cũng là rượu tao nấu bằng nếp ruộng nhà...
Ngồi trên bộ ván ngựa, tay ông Chín với tới chộp lấy cổ cái chai lít đựng đầy rượu nếp. Thứ rượu trong veo sủi tăm đó tôi đã ngó thấy và nếm thử trong buổi chiều hành quân ngang đây hồi năm trước, sau trận đụng độ đầu tiên với Mỹ ở đồng Long-tiên. Cũng chính ông già nầy đã rót rượu cho chúng tôi uống giữa đàng, và bảo những giọt rượu đó là: "chút lòng già ông gởi cho chúng tôi ra trận tiền đánh Mỹ". Hôm nay sau những ngày chiến thắng ở Đất-đỏ trở về Long-phước, khẩu đội chúng tôi đến đóng tại nhà Khởi. Tôi thấy vui sướng, thấy lòng ấm áp tợ như về nhà của mình, mặc dù lâu rồi tô không có nhà. Má của Khởi, người đàn bà góa chồng từ thời kháng chiến lần thứ nhứt, hôm nay vui mừng gặp lại con, vui mừng chăm sóc nấu nướng cho chúng tôi tuồng như thím đã hằng mong đợi để làm cái công việc ấy từ lâu lắm. Còn ông nội của Khởi thì rõ là một ông già ham mê chiến trận, ngưỡng mộ bộ đội giải phóng. Suốt ngày ông bảo chúng tôi thuật lại tỉ mỉ cho ông nghe chuyện đánh chác, rồi thì, ông rờ rẫm coi súng. Khi tôi kéo cái bao trùm khẩu đại liên Brô-ninh ra chỉ cho ông thấy khẩu đại liên mang đầy thương tích do bom đạn cào cấu thì ông run run đưa tay sờ coi, mắt sáng rực, chòm râu bạc như dựng dậy. Ông vuốt râu, hạ thấp giọng:
- Dữ thiệt, mình mẩy cây súng bấy hết!
Ông hỏi tôi:
- Như vậy cây súng có hư hại chi không, nó còn bắn hay như trước không?
Tôi thưa với ông rằng cây súng bị trầy trụa như vậy chớ còn tốt lắm, nhưng vì phải đụng trận quá nhiều nên phải thay nòng luôn. Ông hỏi tôi có dự trữ nòng để dành thay không. Tôi nói Mỹ nó dự trữ cho mình dư xài. Nghe vậy, ông già cười khà khà. Giờ đây, sau khi rót rượu đều ra các ly, ông nhấc một ly đưa trước cho tôi:
- Cho phép thằng cháu này uống trước. Tao nghe đám chỉ huy nói trận rồi mầy đánh giỏi, nên tao ban khen cho thằng cháu mầy uống trước. Tao cũng có nghe nói thằng cháu mầy được vô Đảng tại trận. Đó thiệt là vinh dự, nên tao mừng luôn vụ đó. Vô Đảng nào tao không biết, chớ vô Đảng nầy là quý giá lắm, chẳng khác chi bước vô kiểng đền đài sáng rỡ linh thiêng. Trên thế gian chỉ có Đảng nầy là nhứt hạng thôi mà... Rồi, mần hết ly đi thằng cháu mầy!
Tôi vội vòng tay:
- Con xin kính nội uống trước, rồi thể theo tuổi tác, tụi con sẽ tuần tự...
Ông già xua tay:
- Không có cái vụ tuổi tác lớn nhỏ ở đây, ở đây tao tính theo công trận mà. Buổi nước có giặc, hễ ai giết được nhiều giặc là có đặng quyền ăn trước uống trước. Thôi, mần đi, thằng cháu mầy!
- Nội nói phải, thôi mần đi anh Quyết!
Khước từ không được, tôi đành nâng ly rượu lên uống. Thứ rượu nếp trong như mắt mèo nầy uống tới đâu thấy bừng bừng tới đó. Ông Chín thò tay quớ con rùa nướng trên dĩa, bẻ đầu, bẻ khúc chân và mình ra, hô hào:
- Thứ nầy phải cầm tay mà ăn. Có muối ớt đó... Đứa nào muốn ăn lươn um, vịt luộc, cứ việc tự do. Ở miệt ruộng mình, có bây nhiêu dọn ra hết, ăn luôn thể. Mình không phải như Tây, ăn món trước đợi món sau. Khoan, để coi... Má thằng Khởi ơi, còn thứ gì nữa không đây?
Tiếng má Khởi từ trong bếp vọng ra vui vẻ:
- Còn canh chua nữa ba, con đương nêm...
- Ờ được, còn có canh chua... Ủa, còn thằng Khởi, hồi giờ mầy có tật khoái trứng rùa, sao không ăn, thiếu gì đó!
Khởi làm thinh tủm tỉm cười. Quả là trên dĩa có nhiều trứng rùa, hàng chục trứng, vàng đục, lớn cỡ ngón chân cái. Nghe nội mình nhắc, Khởi lượm trứng rùa bỏ vô chén chúng tôi:
- Ăn đi mấy anh, ngon lắm. Nội tôi bắt rùa giỏi lắm, lớp đặt lợp, lớp đốt đồng...
- Ôi, bây giờ có khi khỏi đốt Khởi à...
Ông già tợp một hớp rượu, giọng bỗng lạnh lùng:
Mỹ nó liệng bom xăng cháy đồng hoài nên tao khỏi đốt. Bữa nào nó liệng bom, tao xuống chận dưới gió bắt vô số... Tội nghiệp, bị lửa bom táp tới, rắn rùa chạy đổ xô, nhiều con chạy không kịp bị chết cháy. Ngặt nó cứ chơi cái kiểu đó thì tao trù trong vòng một năm nữa, rùa rắn gì cũng cạn...
Tuồng như đối với ông Chín, ruộng đồng ngoài sự cho hạt gạo, nó còn là một cái kho vô tận chứa đựng rùa, rắn, trăn và những thức ăn khác mà ông để dành đó, chẳng hạn như trích và trứng của nó; chẳng hạn như chuột, le le, cúm núm và bao loại cá đèn. Tôi ngó nhìn ông Chín, mỗi lúc càng thêm mê thêm khoái vì ông già hợp tánh ý tôi quá. Kể từ dạo gặp ông hồi năm kia cho đến hôm nay về đóng tại nhà ông, tôi thấy cái câu Khởi thốt bảo: "Ông nội của tao ngon lành lắm!" là rất đúng. Ông già ngon lành ở sự tráng kiện cả về thân thể lẫn tinh thần. Tuổi ông đã ngoài bảy mươi nhưng ít khi thấy ông mặc áo. Ngồi nhậu, ông mặc cái quần tiều quá gối phơi tấm lưng trần săn cón cứ gợi tôi sực nghĩ tới một cội tre già đâu đó trên đường làng, thứ tre lâu năm cứng chắc vùng rám bởi lửa mặt trời nung rất nhiều lần trong đó. Nhưng điều đáng để ý nhứt ở ông là tinh thần. Tất cả sự hồ hởi phấn chấn của ông đều hoặc là dính dáng với đồng ruộng bưng đìa, hoặc là sự đánh giặc. Giả ngần ấy tuổi mà ông ham quẩn quanh rờ đạn coi súng và ái mộ chúng tôi hết mức, thậm chí có khi ông quên cả tuổi mình trội hơn tuổi chúng tôi tới bốn năm con giáp mà xóa bỏ tôn ty.
Trong cuộc nhậu, có rượu vào, ông già chợt trẻ lại, trẻ đến độ ông không còn nhớ mình già lão, cứ tính đâu mình cũng cùng trang lứa với chúng tối, hể hả nói chuyện đánh chác vang nhà, đôi lúc cao hứng quá ông ó ré rùm làm như mấy trận đánh trên Đất-đỏ vừa rồi cũng có mặt ông:
- Đ. hỏa, đụng tụi Da Beo hả? Rồi sao? Đại liên xé ra, ừ. Rồi đánh tụi nó té sộn sộn xuống mương...
Nghe anh em kể cái lúc tôi ôm đại liên bò lỏn vô nhà chị Võ Thị Sáu, ông há miệng, mở tròn mắt, bàn tay đang chụp chai rượu tính rót ông cũng để nguyên theo dõi vì ông quá hồi hộp. Tới chừng nghe xong đoạn đó, tức là lúc tôi đưa đại liên lên bắn vô giữa mặt thằng bắn trung liên núp nơi cửa sổ, thì khoái quá không nén được, ông vụt đưa tay thụi tôi và ngó tôi như ngó một người bấy giờ ông vừa khám phá ra có nhiều sự bí ẩn ly kỳ:
- Đ. hỏa, thằng nầy ghê trời thiệt ta!
Rồi một tay cào sườn, một tay cầm chai rượu định rót nãy giờ, ông rót đầy ly cho tôi:
- Uống đi, thằng cháu mầy xứng đáng được thưởng hai ly một lượt!
Tôi cười nói:
- Cháu không dám uống hai ly đâu, cháu kiến nội một ly.
Ông già cười coi hiền lành, ôm thu chai rượu vào lòng vỗ về:
- Rượu này uống vô bổ mập lắm. Tụi bây cứ tính đi một giạ nếp cái nấu được có vài lít. Nhờ có nó mà tới tuổi nầy tao vẫn còn mạnh khỏe cứng cát như vầy nè, thấy chưa. Uống đi mấy đứa. Còn tao hả, khỏi lo hễ hết là tao rót...
Ông chỉ Lắm:
- Còn thằng nầy. Nghe nói mầy thổi kèn trận hay lắm mà tao chưa được nghe. Lát nữa thổi tao nghe đặng nhóng thử coi sức già như tao còn nhảy lên xung phong vật cổ thằng Mỹ được không, hé?
Người sau cùng ông Chín đề cặp tới trong bữa rượu là Đó. Ông rót đưa Đó một ly rượu đầy rồi thong thả nói:
- Thằng cháu mầy cũng phải uống riêng một ly rượu để mừng. Mừng là mừng cho cháu. Ngày hôm kia, cháu còn cầm súng cho tụi nó, bữa nay đã theo anh em đi trúng con đường cháu phải đi. Vậy là rất mừng. Cổ nhơn có câu "Lá rụng về cội". Cháu cũng vậy, từ nay cháu đã trở về cội rễ, cháu phải cố gắng theo anh em đái công chuộc tội. Ở sau lưng, có tụi tao cùng bà con làng xóm bảo bọc coi như vững tâm. Thằng cháu mầy thử nghĩ, Mỹ ngụy nhắm có bao bọc lính tráng tụi bây không, có là có bỏ tiền ra phát lương, rồi lùa ra trận chết thằng nào kệ tía thằng đó, không cần. Còn bà con mình đây thì che chở nuôi dưỡng bộ đội hoài hoài. Tao hứa dứt trận chiến nầy rồi tụi bây cứ về đây, bà con tao sẽ lo bề gia thất, lo đất cấy cày... Bà con mình lo thì chắc chắn hơn tụi Mỹ ngụy nhiều, cháu Đó à!
Lính Đó run tay đón nhận ly rượu. rưng rưng nước mắt. Anh ta không nói gì, không thể nói gì, rón bưng ly rượu ấy hớp từng hớp một.
Vào lúc tiệc tàn, đứa em gái của Khởi mười bốn tuổi đi đâu ngoài xóm về dắt theo Biếc. Mới tới ngõ nhà, nó oang oang:
- Má ơi, tối nay có văn công, mấy chị văn công về ở trên đầu xóm kìa má ơi!
Ông Chín ngó thấy Biếc tưởng là văn công, hỏi đứa cháu:
- Mày dắt một chị về đó hả?
- Dạ không, chị này tới kiếm mấy anh ở nhà mình.
Biếc ngó thấy tôi mặt đỏ lòm thì cười. Biếc mừng rỡ báo với tôi:
- Em mới gặp con Thắm!
- Thiệt hả?
- Nó ở trong đoàn văn công tỉnh về biểu diễn liên hoan mừng chiến thắng với đơn vị mình tối nay. Trời ơi, con nhỏ lớn lắm, anh Quyết gặp nhìn nó không ra đâu.
- Nó có hỏi anh không?
- Có. Hiện giờ nó đương lo sửa soạn biểu diễn, chớ không thì em đã dắt nó lại đây rồi!
Ông Chín vui vẻ hỏi Biếc:
- Con cháu nầy cũng ở cùng đơn vị?
Khởi đáp thay:
- Chị Biếc là thanh niên xung phong cùng đi sát với tụi con đó nội. Hễ tụi con tới đâu là mấy chị nầy tới đó, khiêng thương, tải đạn... Mấy chị còn vá áo quần cho tụi con nữa...
- Vậy à? Má thằng Khởi ơi dọn cơm cho con cháu nó ăn luôn!
Biếc vội thưa:
- Dạ cháu ăn cơm rồi, bữa nay đằng nhà cháu ở cũng đãi tụi cháu dữ quá!
Má Khởi không nghe, níu kéo mời Biếc ăn cơm thêm, nhưng Biếc từ chối. Má Khởi bưng ra một ràng xôi vị kêu chúng tôi và Biếc ăn. Tôi hỏi Biếc:
- Con Thắm nó còn nhớ anh không?
- Sao không.
- Hai chị em gặp nhau chắc là khóc dữ?
Biếc nhè nhẹ đong đưa bàn chân, cười kể:
- Nó nhào tới ôm em chặt cứng mà em cứ ngỡ là đứa nào. Con nhỏ lớn lên coi ngộ lắm anh à!
Tôi nói:
- Tội nghiệp, hồi đó nó nhỏ xíu, anh còn nhớ tối tối em với nó chui vô bao bố ngủ...
Cái hồi đó mà tôi nhắc là hồi ở chòi trâu nhà Biện Tư, cách đây những bảy năm, hồi cách mạng còn trong cơn bĩ cực và lũ trẻ chúng tôi đang bị đày đọa. Bảy năm mà tôi thấy dường nó như còn lâu hơn thế. Sự đổi thay giờ đây như đẩy những ngày cơ cực lùi xan nữa.
Những sự biến đổi lại càng thêm rõ rệt vào một vài giờ sau, khi đêm đã xuống trên xóm làng Long-phước và cuộc biểu diễn của đoàn văn công bắt đầu. Tôi ngồi bên cạnh Biếc, dưới cái sân khấu dựng giữa trời, lòng bàng hoàng cứ ngỡ chiêm bao. Con bé Thắm đen đủi, con bé Thắm đèo đuột ngày nào nơi chòi ruộng đầy muỗi đầy khói kia bây giờ đang xuất hiện trên sân khấu, trong một màn múa mang tên "Tình sen đỏ". Trông Thắm xinh quá, uyển chuyển quá. Đó dường như là con Thắm khác, một cô gái đương lớn dậy, miệng cười, mắt cười, môi cười, đôi bàn tay thì chúm lại dịu nhỉu (?) trong lúc gót chân thoắt bước nhẹ nhàng như không chạm đất. Con bé Thắm trong đêm hôm nay là người diễn viên múa của một đoàn văn công cách mạng, nhưng đó đúng là con bé Thắm thiệt, con bé Thắm ngày xưa, ở chòi trâu, ngày xưa ngủ trong bao bố sáng sáng co ro không dám ló đầu ra bởi chòi ở giữa đồng có những sớm tháng một tháng chạp gió bấc về lạnh cắt ruột cắt da.
Tôi ngồi xem Thắm múa mà ngạc nhiên, ngẩn ngơ. Tôi sung sướng cầm lấy bàn tay Biếc bóp mạnh, như thể tới bây giờ mới tin là thiệt. "Tình sen đỏ" là câu chuyện kể lại một tiểu đội chiến sĩ quân giải phóng bị địch vây hãm giữa bưng sen. Cuộc chiến đấu diễn ra. Các bông sen do các cố gái thủ vai, che chở các anh suốt trận đánh, ấp ủ khi các anh bị thương, cho đến khi trận đánh kết thúc thắng lợi, những bông sen xòe cánh cùng các anh chiến sĩ múa hát dập dìu lướt đi lướt lại mỗi lúc một nhanh, qua những xác giặc mặc quần áo rằn ri nằm rải rác dưới chân họ. Điệu múa thu hút người xem đến mức khi tấm màn trên sân khấu từ từ khép lại, người xem nín lặng hồi lâu rồi tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy. Các diễn viên đóng vai chiến sĩ giải phóng quân và các nữ diễn viên đóng vai những đóa sen lại hiện ra một lần nữa, cúi rạp mình chào khán giả. Ánh đèn trên sân khấu từ từ nhợt dần rồi vụt tắt, để lát sau lại phựt lên sáng rỡ.
Khi tiết mục đồng ca kế đó sắp sửa bắt đầu, bỗng tôi ngó thấy anh Đấu và các anh trong Ban chỉ huy tiểu đoàn lần lượt rời khỏi bãi xem. Tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ bụng chắc các anh ấy có việc gì phải về họp. Màn đồng ca mới sắp sửa bắt đầu thì có tiếng còi báo động máy bay thổi. Đèn lại tắt. Một chiếc B.57 ầm ầm lao vút ngang. Từ đó cho đến khi buổi biểu diễn kết thúc, chiếc B.57 đó còn liên tiếp cắt qua vòm trời xã Long-phước mấy lượt nữa. Biếc bảo tôi:
- Tụi nó bay coi kỳ quá anh?
Tôi gật đầu:
- Ừ, coi mòi nó đương tính chuyện chi với mình đây!
Nhưng cả hai đứa tôi đều quên phứt hành động bay đêm mờ ám của chiếc B.57, vì sau đó chúng tôi gặp Thắm. Biểu diễn xong, Thắm chạy ra. Gặp tôi, Thắm ngó sững một chốc rồi kêu lớn: "Anh Quyết!" và nhào tới ôm chầm lấy tôi mà khóc như một đứa trẻ.