1926 - Ðồng sĩ Bình bị bắt,đày đi Ban mê Thuột - Thanh niên các mạng chống Pháp đều bị bắt - Phong trào cách mạng tràn lan khắp các học đường Một buổi tối trò Tuấn đang ngồi làm bài ở nhà thì trò Quỳnh đến, mặt tái mét, bảo thầm Tuấn: - Mầy có nghe tin thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt không? Tuấn ngơ ngác lắc đầu: - Tao không nghe gì hết. Thầy bị bắt hồi nào? Thật không? - Ba ngày nay rôì. Nghe nói thầy đã bị giải đi ở tù nhà lao Ban mê Thuột. - Ai nói với mầy thế? - Một thầy làm sở Mật Thám, ở trọ nhà thằng Quý trên Lò Vôi. Thầy nói với thằng Quý nói lại với tao, mới lúc nãy đây. Tao đến cho mầy mày biết tin. Mày coi có những bài thơ và tờ báo nào của Thầy Ðồng sĩ Bình cho mày thì phải đốt đi, nghe không? - Tao có mấy tờ báo “ Tiếng Dân “ở Huế, mấy tờ L’ Écho Annamite ở Saigon và 1 tờ L’ Argus Indochinois ở Hanoi. - Mầy cất ở đâu, lấy đốt đi! Hay gởi nơi khác cho chắc chắn. -Tao dấu dưới chiếc chiếu chỗ giường tao nằm. Rệp nó làm ổ đầy ở trong, tao không dám lấy ra. Trò Quỳnh ngó trước ngó sau, trong nhà không có ai lẩn quẩn ở đấy, liền chỉ cái bếp đang cháy, ( bà chủ nhà đang nấu cháo đậu xanh ) và bảo thầm Tuấn: - Mau mau lấy mấy tờ báo đó bỏ vô bếp đốt liền đi bây giờ, nếu mày không muốn đi ở tù Ban mê Thuột. - Mà tại sao thầy Bình bị bắt đi ở tù? - Nghe nói mật thám khám nhà thầy, bắt được truyền đơn của “ Tân Việt Cách Mạng Ðảng “ in bằng đông sương với mấy bài thơ cách mạng. Nói xong Quỳnh lật đật đi ra ngay. Tuấn ngồi im lặng một phút cũng sợ …sợ, lo… lo…, liền đứng dậy đi cuốn chiếc chiếu trên giường nằm, lấy ra tất cả chín mười tờ báo đem bỏ vô bếp. Cả đống báo vừa cháy thiêu hết ra tro thì O Vui, em gái của thầy Bửu Vinh chủ nhà, từ trên nhà mang quốc lẹp kẹp đi xuống bếp để xem chừng nồi cháo đậu xanh. O Vui, một thiếu nữ Huế trẻ đẹp độ 20 tuổi, ngôì chỗ bếp lửa quay lại hỏi trò Tuấn: - Cậu Tuấn có đốt cái chi trong ni mà có mùi rệp khét dữ rứa? Tuấn làm bộ ngạc nhiên, bắt chước giọng Huế của O Vui, trả lời: - Tôi có đốt chi mô. O Vui cứ hỏi mãi: - Chớ răng có mùi rệp khét dữ ri? - Mô? O Vui cười ngất vì giọng khôi hài của Tuấn, nhưng lúc lên nhà trên, cô ả bép xép học lại với chị dâu là cô Thông Vinh. Cô này lại mét với chồng là thầy Bửu Vinh đang đánh tổ tôm trên gác với mấy thầy nào đó. Trò Tuấn lắng nghe được, sợ quá vội vàng xếp sách vở, tắt đèn, lẻn đi ra đường không dám ở nhà. Sực nhớ vụ thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt, Tuấn chạy đến nhà trọ của Trâm và Anh. Tuấn bảo thầm hai cô bạn lớp Nhất: - Mấy bài thơ cách mạng Trâm và Anh chép từ trước đến giờ để đâu? Anh hỏi: - Chi vậy anh? - Ðốt hết đi. Trâm hỏi: - Sao phải đốt hả anh? - Thầy Ðổng sĩ Bình bị bắt ba bốn hôm rồi, đã bị đưa đi ở tù trên Ban Mê Thuột. Họ có khám nhà thầy, tìm được một đống báo và mấy bài thơ cách mạng. Có cả truyền đơn củaTân Việt Cách Mạng Ðảng. Chỉ có thế mà thầy bị bắt. Tụi mình dạo nọ có để tang cho cụ Phan chu Trinh chắc mật thám cũng để ý. Sợ họ đến khám nhà bất tử thì nguy. Ðốt hết các bài thơ cách mạng đi thì hơn. Anh khẽ cười: - Ðốt thì đốt, tụi mình thuộc lòng hết mấy bài thơ đó rồi cóc cần gì anh hí? - Ừ, Anh và Trâm còn cất tờ báo cách mạng nào ở trong rương không? - Có mấy tờ Việt Nam Hồn và tờ báo Tiếng Dân tụi em coi xong đã trả lại anh lâu rồi. Ở đây tụi em không còn giữ lại tờ nào. Anh đốt hết chưa? - Rôì. - Tội nghiệp thầy Ðổng sĩ Bình! Ở tù, chắc chết qúa … Anh, Trâm và Tuấn ngồi cúi đầu làm thinh. Một lúc lâu.Tuấn đưa ngón tay chỉ cây bút vaò quyển vở của Anh và lấy bàn tay làm dâú hiệu muốn viết …Anh lặng lẽ đưa bút chì và vở cho Tuấn. Tuấn nghĩ một lúc nữa rôì viết: XUÂN MỘNG Dẫu ta là gái hay là trai Ái quốc lòng ta quyết chẳng phai Nô lệ lẽ nào nô lệ mãi? Sơn-Hà chung gánh nhẹ hai vai. T.A.T Tuấn trao bài thơ ấy cho Anh và Trâm coi. Trâm coi xong lấy bút chì gạch hai cái ngang và một dấu hỏi sau chữ T.A.T và ngó Tuấn. Tuấn cười làm thinh, đứng dậy nói: - Thôi mình về học bài …Bonne nuit, mes amies! Tuấn đã biến ra ngoài đường. Còn lại nơi bàn Trâm và Anh nhìn nhau mĩm cười. Trâm khẽ hỏi: - Ảnh ký T.A.T là gì nhỉ? Anh tủm tỉm cười, bẻn lẽn, lấy bút chì viết: - T = Tuấn, A = Anh, T = Trâm. Hai cô gái mắc cỡ cười khúc khích với nhau và đọc lại bài thơ để cho nhớ, rôì Anh xé tờ giấy chép thơ trong quyển tập. Trâm mở bóng đèn manchon để Anh đốt bài thơ, không dám giữ bút tích lại. Một tháng sau, bà mẹ già và đứa em trai nhỏ của thầy Ðổng sĩ Bình là Ðổng sĩ Hứa vào Qui-nhơn định đi Ban Mê Thuột để thăm thầy. Ðược tin ấy một nhóm học trò các lớp lớn, từ Ðệ Tam đến Ðệ Nhất niên, do anh Trọng đề xướng, bảo lén với nhau hùn được một số bạc khá nhiều để gởi giúp thầy ở nơi lao tù. Riêng Tuấn và Trâm, Anh, chung tiền để may gởi cho thầy 2 áo cụt và 1 chiếc quần bằng vải ta. Tuấn chép bài thơ "Mộng Xuân “ trên kia bằng mực tím, và cũng ký tên T.A.T trên một mảnh giấy trắng, bảo Anh xếp lại thật nhỏ nhét trong áo ở vạt trước rồi khâu lại, để lỡ lính gác lao có xét cũng không thấy được. Tuấn bảo: - Mình muốn gởi lén bài thơ đó cho thầy Bình bằng cách bí mật này, mà không biết thầy sẽ thấy bài đó không? Chỉ sợ thầy không để ý chỗ lai áo này. Trâm bảo: - Chừng nào thầy giặt áo, thì mực tím nhòe ra, thầy sẽ biết chứ. Anh bảo: - Nhưng sợ thầy nhúng nước rồi vò áo, vô tình vò nát luôn cả bài thơ, thầy chỉ thấy dấu vết mực tím thôi. Ba người học trò ngồi suy nghĩ một lúc. Rồi Trâm bảo Tuấn: - Nè anh à, hay là mình chép lại bài thơ trên mảnh giấy dày hơn, thứ giấy carreaux? Thầy Bình mặc áo sẽ thấy riêng chỗ đó cộm lên và sẽ biết ngay. Anh cũng bảo: - Ừ phải đấy. Nếu thí dụ thầy không để ý đi nữa, thì đến khi thầy giặt áo, sẽ thấy vết mực tím ở chỗ lai áo, thầy sẽ hiểu. Thầy sẽ tháo chỗ đó ra, và sẽ còn đọc được bài thơ vì giấy dầy không bị vò nát vụn như giấy mỏng. Phải không anh? - Ừ, đúng đấy …Hay là riêng chỗ đó mình may bằng chỉ đen vậy, để cho thầy chú ý? - Nhưng nếu may bằng chỉ đen thì sợ lúc bà già đưa áo quần vào, lính gác nhà Lao xét kỹ sẽ để ý và sẽ khám phá ra mưu mô của mình, phải không anh? - Cũng có lý … Thôi theo cái ý cũa Trâm, viết trên giấy carreaux là được. Trâm, Anh và Tuấn tủm tỉm cười. Nụ cười bí mật lý thú chỉ riêng có ba người này hiểu thôi, khi họ trao bộ áo quần bằng vải ra cho mẹ thầy Ðổng sĩ Bình để nhờ bà già đưa lại cho thầy ở Lao Ban Mê Thuột. Hai tháng sau, trò Tuấn được bức thư đóng dấu nhà giây thép Ban Mê Thuột cũng viết bằng mực tím, gởi ngay đến địa chỉ nhà trường. Tuấn hồi hộp mở thư ra xem. Thư như sau đây: XUÂN MỘNG Hai cô bạn gái một chàng trai Nét đậm ân tình mực khó phai Khát Nước cổ khô thèm thấy Nước Mong người chung sức đỡ đôi vai. ÐỒ SĨ Tuấn mừng quýnh, tối chạy đến đưa cho Trâm và Anh xem bài thơ. Thoạt tiên hai cô học trò không hiêủ. Trò Tuấn bảo: - Bài thơ này họa lại đúng ba vần của bài thơ tụi mình đã nhét trong lai aó cho thầy Ðổng sĩ Bình và mượn cả đề thơ giấc mộng mùa Xuân … - Sao thầy hiểu được là “ hai cô bạn gái một chàng trai “? - Lúc thầy còn ở đây, tôi thường nói chuyện Trâm và Anh cho thầy nghe, thầy biết ba đứa mình là bạn thân với nhau. Bây giờ xem chữ T.A. T chắc thầy đã đoán ra được. Tôi đố Trâm và Anh taị sao thầy ký Ðồ Sĩ? - Em chịu thua. - Em cũng chịu thua. - Nghĩ một chút xíu thì thấy liền. - Ðồ Sĩ là Ðổng sĩ Bình, phải không anh? - Trâm đoán giỏi qúa. - Em cũng hiểu rôì. Ðồ là viết tắt chữ Ðồng, Sĩ là Sĩ. - Ừ có gì khó đâu. - Thế là thầy đã lấy được bài thơ của tụi mình nhét trong lai áo! Ồ thích quá, anh hỉ! Thích quá hỉ! - Tuị em không ngờ bài thơ đó lọt được tới tay thầy! Vui ghê! - Bài thơ thầy trả lời vừa để cảm ơn tụi mình, vừa nói thầy đau khổ vì Khát Nước …nghĩa là Mất Nước …và mong cho tụi mình ngày sao lớn lên phải chung sức nhau mà gánh nước …nghĩa là phải lo gánh việc Nước đó! Trâm và Anh không biết tỏ nổi mừng hào hứng và nồng nhiệt bằng cách nào hơn là lấy 5 xu chạy đi mua kẹo thèo lèo và chè hột sen về ăn khao với Tuấn. Ðêm ấy, Anh và Trâm bắt Tuấn ở lại suốt đêm để chỉ cho hai cô cách làm thơ Ðường Luật bát cú và tứ tuyệt theo những bài Tuấn đã học trong quyển “ Quốc văn trích điểm “ sách giáo khoa dạy Quốc văn ở các lớp trên. Cùng một lúc thầy Ðồng sĩ Bình bị bắt ở Qui-nhơn và bị đày đi Ban Mê THuột thì một số đông trí thức cách mạng khắp ba kỳ Trung-Nam-Bắc, hầu hết là lớp thanh niên đàn anh cùng lưa với thầy Bình, cũng bị bắt và lưu đày đi khắp nơi: Côn Lôn ( Nam Kỳ ), Lao Bảo, Ban Mê THuột ( Trung Kỳ ), Sơn La ( Bắc Kỳ ). Ba lao xá sau đây đều ở nơi rừng thiêng nước độc, với đảo Côn Lôn là bốn địa ngục trần gian ghê gớm nhất, đặc biệt để giam tù chính trị, mà lúc bấy giờ gọi là “ Tù Quốc Sự “. Ngay tiếng Pháp cũng chỉ riêng bốn nơi ấy là Bagnes không gọi là Prisons, và những người bị tù ở đây là bagnards, một danh từ ghê tởm, bỉ ổi, đúng lý ra là để cho bọn du côn cướp của giết người. Giòng họ nhà vua ở Huế cũng có một người theo phong trào cách mạng. Chàng vào Saigon viết báo đả-kích chế độ quân chủ, về Trung Kỳ thì đi tuyên truyền tư tưởng dân chủ. Tên chàng là Bửu-Ðình. Bị bắt một lượt với Ðổng sĩ Bình, bị người Pháp trao trả cho Hoàng-phái ( giòng họ Vua ), Bửu –Ðình không những bị Nam-triều kết án lưu đồ, mà còn bị Tôn nhân phủ ( Hội đồng Hoàng gia ) truất quyền mang họ Vua ( họ Bửu ), bắt phải tay thế bằng họ Tạ: Tạ Ðình, theo tên họ của Tạ ôn Ðình. Anh ruột của Tuấn ở tỉnh nhà là Trần Anh Tuấn, Phán Sự Toà Sứ cũng bị bắt đày đi Ban Mê Thuột, vì bí mật liên kết với các thanh niên hoạt động chống Pháp. Ðược tin, trò Tuấn khóc nức nở, bỏ ăn, bỏ học cả tuần lễ, căm hờn người Pháp hơn bao giờ hết. Vụ nắt bớ này xẩy ra khắp nước nhằm mục đích bỏ tù hết những phần tử trí thức chống Pháp, tưởng như thế là không còn ai chống Pháp nữa. Nhưng hậu quả trái ngược lại không ngờ: nó càng làm sôi nổi lòng công phẩn của đám nam nữ thanh niên học sinh mà đại đa số đều cảm phục và trìu mến các bậc trí thức đàn anh do ảnh hưởng còn sâu đậm của hai nhà chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Hai cụ là hai bậc Thuỷ Tổ Cách Mạng của thế hệ 1925. Những người làm “ quốc sự “ chống Pháp và chống Vua An nam đều bị đày đi đến nơi ngục thất nguy hiểm đã kể trên hoặc bị gông cùm tại các lao tỉnh, bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn do lũ “ Thanh Tra Mật Thám “ An Nam. Hâù hết là những trí thức trung lưu, tuổi từ 20 đến 30, họ thuộc về các thành phần dưới đây: Một số là Thông Phán các Toà Sứ và các sở Nhà Nước Bảo Hộ. Họ là những công chức giúp việc cho Hành Chánh Pháp đắc lực nhất. Ðồng sĩ Bình ờ Trung kỳ, Ký Con ở Bắc Kỳ, là những nhân vật điển hình cho lớp người này. Các thầy Trợ giáo ( nay là giáo sư Trung học ) đã đỗ Diplôme d’ Etudes Primaires Supérieures Franco Indigènes ( Cao đẵng Tiêủ học Pháp Việt ), hoặc học lực tương đương. Số này rất đông, và là những phần tử ưu tú nhất trong giáo giới An nam lúc bấy giờ. Một vài nhân vật điển hình như: Ðào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt ( Trung Kỳ ), nhà văn Lan Khai, Nhượng Tống ( Bắc Kỳ ), Lê Văn Huấn ( Nam Kỳ ) v..v… Một thiểu số,--tối thiểu --sinh viên Trường Cao Ðẵng Ðại Học Ðông Dương, Hà Nội, là nơi đào tạo các lớp gọi là Thượng lưu trí thức: y sĩ, đốc học, cử nhân Luật, cao đẳng Thương Mãi, v.v…, như: Nguyễn Thái Học, Hồ Văn Mịch, Ðặng Thái Mai, v.v… Những thanh niên trí thức làm những nghề nghiệp tự do, phần nhiều là giáo sư tư thục, viết báo, viết văn, như Vũ Đình Duy (Hà Nội), Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm ( Saigon ), Bửu Ðình ( Huế). Sau cùng hết là nam nữ học sinh các trường Collèges ( Trung Học Pháp Việt ) ở Hà nội, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Saigon, Cần Thơ. Các thành phần học sinh ưu tú từ 16 đến 20 đều tập trung ở trường Trung Học Hà nội, gọi là Trường Bưởi ; -- (ở làng Bưởi ) – danh từ chính thức là Collège du Protectorat ( Trường Trung Học bảo hộ ), và hai trường Trung Học Nam Định, Hải Phòng. Hầu hết những thanh niên cách mạng Bắc Kỳ sẽ hoạt động hăng hái nhất sau này đều ở ba học đường ấy mà ra. Ở Trung Kỳ, Trường Collège de Vinh, là nơi tập trung các thanh niên học sinh ưu tú nhất của ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh. Ðây là một ở cách mạng theo truyền thống của Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc mà lúc bấy giờ chưa ai biết là cộng sản. Trường Collège Quốc Học Huế, và đứng cặp kè ngay một bên, nhưng yêu kiều duyên dáng hơn, là Trường Nữ Trung học Collège Ðồng Khánh, là hai lò hun đúc các lớp thanh niên nam nữ học sinh hăng hái nhất ở Trung Kỳ -- có thể nói là ở khắp ba kỳ. Học sinh ở đó hầu hết là quê quán ở Thanh, Nghệ, Tỉnh, và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở trường Collège de Qui Nhon, thì 80% học sinh quê quán ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh. Ở Trung Kỳ có một cầu truyền khẩu rất thông thường gồm 4 “ Nam Nghĩa Nghệ Tỉnh “ chữ, không biết do ai đặt ra từ hồi nào, nhưng thường xuyên được nhắc nhở trong các câu chuyện thời sự cách mạng, để chứng minh rằng bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tỉnh, là bốn nơi mà dân chúng có tinh thần cách mạng cao nhất, mạnh nhất, mà chánh quyền Bảo Hộ Pháp cũng như Triều Ðình Huế lo ngại nhất. Thanh niên học sinh, cả nam lẫn nữ, ở bốn tỉnh ấy cũng là kỳ khôi và “ ba gai “ không đâu bằng. Các biến cố gọi là “ quốc sự “ở Trung Kỳ trong thời gian 1925 – 1932 đều được học sinh ba trường Collèges Huế, Vinh, Qui Nhơn, nhiệt liệt ủng hộ, và chính họ cũng tự động gây ra những phong trào bãi khóa vô cùng sôi nổi mà mà tôi sẽ thuật trong các chương sau. Học sinh Saigon thì chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhóm cách mạng Nguyễn An Ninh và Tạ thu Thâu. Nhưng họ hoạt động yếu ớt, rụt rè với sự hướng dẫn bí mật của các đảng viên cách mạng, rất tiếc là rời rạc và thiếu tổ chức. Các nhóm chính trị “ cấp tiến “ ở Saigon chú trọng về tổ chức lao động nhiều hơn, trong lúc vài đảng phái trưởng giả hay tiểu tư sản lại thiên hẵn về các giới trí thức trung lưu, và thượng lưu. Thanh niên học sinh không phải bị bỏ rơi, nhưng không được lãnh đạo thường xuyên và thiếu tổ chức chặt chẽ. Họ không có các động cơ thúc đẩy hăng hái như học sinh ở các Collèges Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Phong trào bắt bớ và lưu đày các nhà cách mạng đàn anh xẩy ra khắp ba kỳ Trung, Nam, Bắc, đã gây ra môt lòng căm phẩn ngấm ngầm trong giới học sinh Trung học của Niên Khóa 1926-27. Sự bảo nhau góp tiền may quần áo, mua các đồ vật dụng để gởi lén lút giúp các thanh niên đàn anh bị xiềng xích gông cùm trong các lao xá, chính là sự biểu lộ kín đáo lòng công phẩn của học sinh toàn quốc. Học trò làm gì có dư tiền, thế mà ai nấy cũng tự ý sốt sắng nhịn quà bánh, hà tiện từng cắc, từng xu, để góp vào cuộc lạc quyên được số tiền khá lớn. Ở Qui Nhơn, học trò góp được 100 đồng ( năm 1926 ) trao cho mẹ của thầy Ðổng sĩ Bình ở Huế vào ghé Qui Nhơn để đi Ban mê Thuột thăm con.Tuấn, Trâm, Anh có dự cuộc “ hội họp “ của một nhóm đại diện học sinh với mẹ thầy Bình tại nhà anh Phạm Ðào Nguyên, thư ký kế toán hang Descours et Cabaud của Pháp, ở ngay Công quán Qui Nhơn. Anh này, người Bình Ðịnh, có thể là tiêu biểu cho hạng thanh niên tư chức, giúp việc cho Pháp, có lương tháng khá giả để sống cuộc đời đầy đủ và an nhàn, nhưng cũng có “đầu óc “. Các tư tưởng ái quốc nồng nhiệt của anh và cảm tình đặc biệt của anh đôi với cách mạng, thường được thổ lộ ra nhiều lần trong nhiều trường hợp nguy hiểm. Nhờ sự giúp việc tận tụy của anh với người chủ Pháp, nhờ sự giao thiệp rộng rãi của anh về nghề nghiệp với rất nhiêu người Pháp khác ở thành phố, và cũng nhờ tính điềm đạm, bình tỉnh khôn ngoan của anh mà các cuộc hộp họp bí mật ở ngay trong nhà anh, không hề bị Mật Thám Tây để ý dò xét. Muốn được kín đáo hơn, hai cô nữ sinh Trâm và Anh được chỉ định ngồi trước hè nhà ngoài với cô em gái của anh Nguyên. Ba cô gái vừa ăn bắp vừa nói chuyện cười ầm ĩ, rất là vui vẻ ngây thơ, trong lúc có họp kín ở nhà sau. Hơn 11 giờ đêm bọn Tuấn mới lần lượt ra về trong lúc thành phố đã ngủ hết. Hai trò con gái mắc cở không dám về ( thời bấy giờ con gái đứng đắn đâu có dám đi chơi khuya như thế ) phần thì sợ ma, vì thành phố chưa có đèn điện, lại có nhiêù chỗ vắng vẻ tối tăm và nhiều khoảng đất trống đầy những mả mồ. Tuấn cũng không thể đưa hai cô bạn thân về nhà, sợ rằng lỡ có ai gặp, họ sẽ nghi ngờ và đồn bậy bạ. Hai cô sẽ mang tiếng thì sao? Cả thành phố ai còn lạ gì mặt mũi cái cậu học trò nổi tiếng là nghịch ngợm kia và không ai là không biết hai trò con gái thuỳ mị ở lớp Nhất. Vả lại ban ngày, trai và gái không dám đi chung với nhau nữa là ban đêm. Sau cùng, tụi bạn phải nhờ mẹ thầy Bình và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về ở xóm Bờ Sông. Tuấn mang đôi guốc cùn lẽo-đẽo theo sau, làm “ gạc đờ co “. Khi bà cụ và cô em gái của anh Nguyên đưa Trâm và Anh về đến nhà rồi, thì cả bà già lẫn cô gái đều sợ ma không dám trở về Công quán. Trò Tuấn phải đi hộ tống hai người trở lại nhà. Anh Nguyên bảo Tuấn ở lại ngủ với anh. Anh pha cà phê của Tây cho uống. Nhưng trò Tuấn mới nằm xuống giường chưa nóng lưng đã lóp ngóp bò dậy, bảo anh Nguyên mở cửa để cho trò đi về: - 12 giờ khuya còn đi về à? - Ði về! Tuấn chỉ bảo thế. Ra đường, Tuấn lê đôi guốc cùn đến xóm Bờ Sông đi ngang qua trước cổng nhà trọ của Trâm và Anh. Hai cô nữ sinh còn thức, ngôì trên sân dưới ánh trăng sáng dịu, ngó ra ngoài cổng. Trông thấy Tuấn đi ngang qua, Trâm và Anh chạy ra,khẽ gọi: - Anh Tuấn! Tuấn quay lại, Trâm bảo: - Tụi em thức đợi anh, biết thế nào anh cũng trở lại. Anh bảo: - Ði vào sân ngồi dưới ánh trăng nói chuyện chơi anh Tuấn. - Trâm và Anh chưa đi ngủ à? - Sao đêm nay tụi em không buồn ngủ. Anh buồn ngủ chưa? - Chưa. - Ði vô sân nói chuyện chơi, anh. Tuấn khẻ bảo: - Tụi mình đi vô nhà, đóng kín cửa lại. Trâm và Anh cười hồn nhiên, lật đật chạy vào nhà với Tuấn. Ánh trăng rọi xuyên qua các song cửa, như lọc những tia sáng lờ mờ xanh dịu. Trâm đóng cửa giữa. Tuấn bảo Anh đóng luôn cả hai bên. Trong nhà tối đen, không có gì nữa cả. Giả sử lúc bấy giờ có ai đứng bên ngoài rình xem, họ cũng khó được biết cậu học trò con trai và hai cô bạn gái nói chuyện gì trong căn nhà tôí đen ấy? Tuấn nói rất khẽ: - Anh thắp đèn dầu hỏa lên. Ðừng thắp đèn măng-sông (manchon ) sáng lắm. Anh và Trâm di sờ soạng tìm hộp quẹt “ Bến Thủy “. Ðó là loại hộp quẹt duy nhất của một hãng Tây chế tạo ở Bến Thuỷ, gần thành phố Vinh, được thông dụng khắp xứ Trung Kỳ lúc bấy giờ. Hai phút sau, một ngọn lửa vàng khè cháy trên đỉnh một chiếc đèn gọi là đèn Huê Kỳ. Trâm và Anh cứ tủm tỉm cười, không nói gì cả. Hai cô chưa biết Tuấn định làm gì. Tuấn khẽ kép ghế ngồi ngay trước ngọn đèn, thò tay dưới lớp áo dài trắng của Tuấn đang mặc, rút trong lưng quần ra: hai tờ báo. Anh và Trâm thoạt tiên rất kinh ngạc và sợ hãi nhưng rôì trở lại vui mừng, kéo ghế ngôì hai bên Tuấn, sát ngay vào cạnh Tuấn. Ba cái đầu xanh ngây thơ âu yếm kề vào nhau dưới ánh đèn, trố mắt xem chung tờ báo: Việt Nam Hồn Cơ quan của Ðảng Việt Nam Ðộc Lập ở Paris Chủ Nhiệm: Nguyễn thế Truyền Và tờ báo Tây: L’ Argus Indochinois Organe de combat l’injustice et l’oppression. ( Cơ quan chiến đấu chống bất công và áp chế Directeur-gérant: Amédée Clémenti (Chủ nhiệm, Quản lý: Amédée Clémenti ) 14 Bd Doudart-de-Lagré Hanoi và giòng chữ lớn đăng hết cả bề ngang trên trang nhất: Le Parti de L’ Indépendance Annamite (Ðảng An nam Ðộc Lập ) Anh nét mặt hớn hở, hỏi thăm Tuấn: - Anh được hai tờ này hồi nào vậy, anh? - Lúc nãy. Sau khi nhóm ở nhà anh Phạm Ðào Nguyên. Chính anh Nguyên trao tôi hai tờ báo này. Tôi cũng chưa xem. Trâm mừng rỡ lấy tay chỉ một câu in nét đậm ba cột trên tờ Việt Nam Hồn và reo thầm lên: - Bài này hay quá, anh ơi … Ồ thích quá, anh! Tuấn gấp tờ L’ Argus Indochinois lại để xem tờ Việt Nam Hồn trước. Vai sát vai, ba đầu xanh kề nhau trìu mến, cúi xuống tờ báo in toàn chữ đỏ trên giấy trắng. Hai cặp mắt huyền lónh lánh, mê nhìn theo ngón tay của Tuấn chỉ từng giòng từng chữ bài thơ sau đây trong lúc miệng của Tuấn đọc rất khẽ, chỉ đủ cho ba người nghe với nhau: Cảnh Tỉnh Hãy thức dậy, hởi người say ngủ, Chuông Tự Do rền ngũ đại châu Xôn xao khắp cả hoàn cầu Sao ta cứ chịu vùi đầu giấc mê? Chân ta cứ kéo lê xiềng xích? Cổ ta mang nặng chịch gông cùm? Nào ta trổi dậy vẫy vùng, Sao cho xứng đáng con Rồng cháu Tiên. ................ Ðọc hết tờ báo Việt Nam Hồn, Tuấn và Trâm, Anh, đều rạo rực vui sướng vì những bài kịch liệt chửi Tây, hô hào cách mạng, đả đảo chế độ thuộc địa, đòi Ðộc Lập Tự Do. Trời ơi! Sao ở bên Tây, người An nam mình viết báo chửi Tây sướng quá vậy hỉ! Tuấn nhảy nhổm lên. Tuấn reo cười thoải mái. Tuấn đi qua đi lại. Tuấn đứng một chỗ không yên. Tuấn ngồi xuống. Tuấn điên mất rồi! Hai trang báo in toàn chữ đỏ như làm phừng lên những ngọn lửa huyền diệu trong lòng cậu học trò 16 tuổi, mà trái tim bổng dưng sùng sục sôi lên. Trâm và Anh thì ngồi yên lặng dưới ánh đèn, cúi đầu xuống chép trong quyển vở những đoạn văn và những bài thơ mà hai cô nữ sinh 14 và 15 tuổi đang say sưa trích trong "Việt Nam Hồn “ Tên tờ báo đúng làm sao! Ðêm nay thật như có Hồn Thiêng của Nước Mẹ Việt Nam nhập vào ba linh hồn ngây thơ của ba đứa trẻ, khiến chúng rạo rực lên, say mê lên, hăng hái lên, cười lên, reo lên! … Trâm và Anh ngồi chép mấy bài thơ trong Việt Nam Hồn, và những giọt nước mắt êm đềm lặng lẽ từ trên hai cặp mắt huyền mơ diễm lệ rơi từ từ xuống hai trang giấy, đọng trên những vần thơ, nhòa ra nét mực. Thơ của Việt Nam Hồn có thần lực gì mà một đứa con trai khờ khạo, và hai cô gái mảnh khảnh nhu mì, đang bị rung cảm mảnh liệt đến trào ra những ngấn lệ? Họ khẽ hỏi nhau: ông Nguyễn Thế Truyền là ai vậy? Các nhà ái quốc cách mạng khác làm thơ và viết trong tờ Việt Nam Hồn là ai? Ba trò còn nhỏ tuổi qúa, làm sao biết được! Nhưng Tuấn nghĩ rằng các ông có ngờ đâu những tư tưởng cách mạng Tự Do, Ðộc Lập in trên hai trang báo nhàu nát của các ông từ bên Tây gởi lén về, đã lọt vào ba mái tóc xanh khắn khít bên ngọn đèn leo lét, trong một thành phố nhỏ ở Trung Kỳ. Ðối với Tuấn cũng như với Trâm, Anh, tên Nguyễn Thế Truyền là một thần tượng, như Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu vậy. Ðến khi đọc qua tờ báo tây L’ Argus Indochinois, Tuấn kinh ngạc vô cùng. Ðây cũng là tờ báo cách mạng nhưng viết bằng chữ Tây, xuất bản tại Hà nội, mà chủ nhiệm kiêm chủ bút là người Tây, ông Amédée Clémenti. Trâm hỏi Tuấn: - Tây mà sao cũng viết báo chửi Tây, hả anh? Tuấn không trả lời được. Tuấn đã biết gì đâu việc làm báo và làm “ quốc sự “. Thấy thế chỉ biết thế thôi, L’ Argus Indochinois in trên giấy xanh, bốn trang rộng lớn đăng toàn những bài đả kích kịch liệt chế độ thuộc địa (le régime colonial) -- danh từ thường dùng nhất trong tờ báo này và rất hăng hái bênh vực người An nam được tự do, nước An nam được độc lập. Trên đầu tờ báo này bên cạnh tên báo, có vẻ một con chim Minh Trĩ ( L’ Argus ) với hai chữ la-tinh: unguibus et rostro ( dùng mỏ và móng ). Ý hẳn ông Amédée Clémenti mượn con Minh Trĩ làm tượng trưng cho cuộc tranh đấu cách mạng của ông để binh vực quyền lợi của dân tộc An nam và nước An nam. Cuộc tranh đấu dai dẳng dùng mỏ để cắn, dùng móng chân để đá, nghĩa là quyết liệt, không bao giờ nhượng bộ. Có điều Tuấn và hai cô bạn học trò lớp Nhất cứ thắc mắc mãi là sao lại có một ông Tây ở Hà nội viết báo chửi Tây còn hơn An nam nữa? Những bài báo L’ Argus Indochinois ở Hà nội và các bài trong Việt Nam Hồn ở Paris đã gieo thẳng vào óc của Tuấn cũng như Trâm, Anh, một tinh thần cách mạng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Sau khi họ xem xong hai tờ báo không sót một câu một chữ, và chép hết những bài văn bài thơ cảm động nhất thì trời đã sáng. Hai cô học trò vội vàng tìm chỗ kín đáo để dấu cất những giai phẩm văn chương cách mạng ấy.