Nước Phổ bại trận và nước Đức bị khuất phục hẳn 1806-1807.
Chương 9-Phần 2

Tàn quân Phổ tiếp tục trốn chạy hỗn độn. Quân Pháp truy kích và vơ vét được rất nhiều lương thực, xe cộ, lừa ngựa, pháo còn tốt nguyên và tất cả những thứ tàn quân vứt bỏ lại trên đường tháo chạy. Na-pô-lê-ông thẳng đường tiến về Béc-lin. Dọc đường, Na-pô-lê-ông ra lệnh chiếm đóng công quốc Hét-xe-cát-xen, tuyên bố phế bỏ triều vua đó, xâm chiếm Brun-xvích, Vai-ma và éc-phua, Nau-mơ-bua, Han-le và Vít-tem-be. Hoàng tử Hô-hen-lô-he rút về phía trước theo hướng bắc, cùng với chừng 20.000 quân mà hoàng tử đã tập hợp được, hầu như không có vũ khí, tinh thần bạc nhược và không phục tùng chỉ huy nữa.
Nhưng, trong cuộc chạy trốn lên phía bắc của hoàng tử, đám tàn quân đó luôn luôn bị kỵ binh của Muy-ra tập kích nên càng ngày càng tan rã. Sau khi vượt qua được Pren-xơ-lau, trên đường đi Xtét-tin, Hô-hen-lô-he đã bị bao vây tứ phía và đã phải đầu hàng. Trước đó ít hôm, ngay sau khi thống chế Lan-nơ vừa mới kêu gọi đầu hàng, vị trí kiên cố Xpan-đau đã hạ khí giới đầu hàng không kháng cự, cùng với những kho tàng đầy ắp dụng cụ chiến tranh. Và sau khi Hô-hen-lô-he đầu hàng, tướng Lát-xan liền dẫn đầu đội kỵ binh tiến đến chân pháo đài kiên cố Xtét-tin, trong đó có hơn 6.000 quân phòng giữ cùng với lực lượng pháo binh hùng hậy, lương thực và đạn dược dồi dào; một tướng kỵ binh Pháp vừa mới kêu gọi hàng, pháo đài này đã hàng ngay, không một phát súng chống cự trong khi đối phương không có lấy một khẩu pháo. Mối kinh sợ đen tối nhất đã đè lên tướng lĩnh, sĩ quan, binh lính của đám quân Phổ đã sẵn sàng dâng mình cho thất bại. Không còn chút vết tích gì về cái kỷ luật mà xưa nay họ vẫn từng khoe khoang. Hàng nghìn binh lính Phổ ra hàng quân Pháp. Sự sụp đổ tinh thần của bọn chỉ huy Phổ làm cho ngay cả những kẻ chiến thắng cũng lấy làm lạ. Người ta không nhận ra được những người mà cách đây nhiều lắm là hai tuần còn dương dương tự đắc và tin chắc sẽ trừ khử được Na-pô-lê-ông.
Ngày 27 tháng 10 năm 1806, 19 ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, và 13 ngày sau trận I-ê-na và Au-e-xtát, Na-pô-lê-ông hát khúc khải hoàn tiến vào Béc-lin cùng với bốn thống chế và đội kỵ binh cận vệ đi tuỳ tùng. Viên thị trưởng giao nộp thủ đô cho Na-pô-l ê-ông và yêu cầu đừng bắn phá thành phố. Na-pô-lê-ông hạ lệnh cho các cửa hàng mở cửa và duy trì sinh hoạt bình thường của thành phố. Dân chúng rối rít chúc tụng, đón tiếp hoàng đế một cách sợ hãi, biểu lộ sự quy phục hoàn toàn.
Đóng lại ở Béc-lin, Na-pô-lê-ông đã chú ý trước nhất đến việc tiêu diệt tàn quân Phổ tan tác ở khắp nơi. Rốt cuộc chỉ còn lại có đội quân của tướng Bluy-khe, viên tướng Phổ kiên quyết nhất đã tập hợp được chừng 20.000 vừa sĩ quan và binh lính của các đơn vị tan rã, rồi cùng chạy lên phía bắc và bị quân của các thống chế Béc-na-đốt, Sun và Muy-ra đuổi đánh. Đến Lu-bếch, trước mặt Bluy-khe là biên giới Đan Mạch nhưng nước Đan Mạch vì quá sợ Na-pô-lê-ông nên đã kiên quyết cấm quân Phổ không được đặt chân lên lãnh thổ của họ. Như vậy là Bluy-khe không còn đường thoát vì quân Pháp đang đuổi ngay ở phía sau. Ngày 7 tháng 11, quân Pháp vào tới Lu-bếch và tiến công quân đoàn của Bluy-khe ở ngay trong thành phố. Một cuộc giao chiến liều mạng bắt đầu và trong trận ấy chứng 6.000 quân Phổ bị quân Pháp giết hoặc bắt làm tù binh. Bluy-khe dẫn đầu 14.000 quân trốn thoát khỏi thành phố, nhưng đến tối bị quân Pháp đuổi kịp và bao vây ở cánh đồng Lu-bếch. Bluy-khe đầu hàng cùng với tất cả số còn lại trong số 14.000 binh lính, sĩ quan và tướng lĩnh, toàn bộ số pháo và đạn dược của mình. Cùng trong lúc đó, quân Pháp lại đã xuất hiện ở Cu-xtơ-ranh trên Ô-đe. Quân Pháp đã biết lợi dụng tình trạng mất tinh thần lạ lùng và không thể tưởng tượng được đang lan tràn khắp nước Phổ sau trận I-ê-na, đến nỗi chỉ có bốn đại đội bộ binh, không có pháo, hiện ra dưới chân thành Cu-xtơ-ranh, rồi viên chỉ huy đội quân bé nhỏ ấy đòi thành Cu-xtơ-ranh phải đầu hàng cũng chẳng cần phải dùng đến hành động nghi binh vây thành. Vừa mới gọi hàng, thành Cu-xtơ-ranh đã hạ khí giới cùng với 4.000 quân trang bị đầy đủ, một số lớn pháo binh và những kho lương thực to lớn. Hàng loạt các pháo đài kiên cố ấy đầu hàng, không chút kháng cự - một điều chưa từng thấy có trong lịch sử chiến tranh, điển hình nhất là pháo đài Mát-đơ-bua - là một giai thoại kỳ lạ mà Na-pô-lê-ông thoạt nghe báo cáo cũng sửng sốt, chưa dám tin.
Mát-đơ-bua, pháo đài duy nhất chưa đầu hàng, là pháo đài kiên cố vào bậc nhất và đồng thời cũng là một trung tâm buôn bán lớn, trù phú. ở đó, tập trung nhiều kho lương thực và đạn dược lớn, trong thành có lực lượng đồn trú quan trọng: 22.000 người trang bị đầy đủ, đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Clai. Sau khi Bluy-khe đầu hàng, 22.000 người ấy và pháo đài Mát-đơ-bua là vị trí độc nhất còn sót lại của các lực lượng vũ trang Phổ. Thống chế Nây đã tới chân thành. Trong lúc cấp bách và tin chắc là sẽ thu được thắng lợi nên Nây cũng không tính đến việc mang theo pháo để công thành mà chỉ mang theo ba, bốn khẩu súng cối dã chiến. Nây kêu gọi Clai nên đầu hàng ngay. Thấy đối phương từ chối, Nây hạ lệnh phát hoả; mấy khẩu pháo nhẹ đem theo đã không gây ra và cũng không thể gây hư hại gì cho pháo đài được, nhưng thế là đủ: ngày 8 tháng 11, Clai đầu hàng cùng với toàn bộ thành quách. Nây tiến vào thành phố và thấy ở đó rất nhiều kho quân nhu và kho hàng hóa đồ sộ. Sau này, Clai giải thích về hành động ấy của mình rằng: bởi dân chúng khiếp đảm vì súng cối của quân Pháp, đã cầu xin Clai, với tư cách là người chỉ huy thành, cần phải sớm đầu hàng. Thể theo ý muốn đó mà Clai đã đầu hàng.
Khi được tin Mát-đơ-bua đầu hàng, Na-pô-lê-ông, nước Pháp và toàn thể châu Âu đều thấy rõ rằng số phận nước Phổ như thế là hết. Quân Phổ bị tiêu diệt hay bị bắt, tất cả các thành quách còn nguyên vẹn cùng với một số lớn kho quân trang, quân dụng, quân giới, tất cả đều đã rơi vào tay quân Pháp, thủ đô và hầu khắp các thành phố (trừ Đan-xíc) đều do nhà cầm quyền Pháp cai trị và nhân dân ở đâu cũng tỏ ra thần phục hoàn toàn.
Sau khi đi lang thang khốn khổ hết từ thành phố này để sang thành phố khác, vua Phổ, hoàng hậu Lu-i-dơ, con cái và quần thần (còn lại rất ít) cuối cùng trú lại ở Me-men, biên giới của vương quốc Phổ. Tất cả những hy vọng đình chiến và hòa bình mà Phri-đrích Vin-hem ôm ấp đều đã tiêu tan hết, vì Na-pô-lê-ông đã đề ra những điều kiện rất nghiệt ngã. Na-pô-lê-ông cho đăng trên báo Pháp những bài mỉa mai châm chọc tàn nhẫn, độc ác đối với hoàng hậu Lu-i-dơ, chỉ đích danh hoàng hậu là người chịu trách nhiệm chính về những tai họa đã trút xuống nước Phổ.
Nhưng, những sự lăng mạ ác độc của kẻ chiến thắng đã không cản trở việc Phri-đrích Vin-hem đệ tam viết cho Na-pô-lê-ông một bức thư lời lẽ cung kính, tỏ ý mong mỏi đức hoàng đế Na-pô-lê-ông sẽ được hài lòng về những tiện nghi trong hoàng cung ở Pốt-xđam hoàn toàn còn tốt nguyên. Na-pô-lê-ông không thèm trả lời.
Trên con đường võ nghiệp dài dẵng và đầy chiến thắng của mình, trước kia cũng như sau này, chưa bao giờ quyền lực của Na-pô-lê-ông lại đạt đến đỉnh cao như mùa thu năm 1806, và về sau không bao giờ còn thấy lại nữa. Trong một tháng, từ lúc bắt đầu chiến tranh (8 tháng 10) đến ngày Mát-đơ-bua đầu hàng (8 tháng 11), Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn đánh bại một trong bốn cường quốc lớn ở châu Âu vào hồi bấy giờ mà xưa nay Na-pô-lê-ông không dám khinh thường. Chiến thắng của Na-pô-lê-ông thật là hoàn mãn và hào hùng chưa từng thấy. Đây là lần đầu tiên Na-pô-lê-ông được thấy sự hỗn loạn, sự hoảng hốt của chính phủ và của các tướng lĩnh Phổ, đầu hàng ngay sau những phát súng đầu tiên, sự thuần phục nhanh chóng và hoàn toàn tin cậy được của dân chúng và của các nhà cầm quyền Phổ. Quân Ma-mơ-lúc Ai Cập đã kháng cự, quân áo đã kháng cự, quân ý đã kháng cự, quân Nga đã bại trận nhưng dũng cảm tuyệt vời, và ở trận Au-xtéc-lít, Na-pô-lê-ông đã phải ca ngợi tinh thần quyết chiến của một số đơn vị Nga. Trong khi đó, một quân đội tự hào về những truyền thống của Phri-đrích đệ nhị, một nước thừa hưởng một tổ chức cai trị hoàn hảo nhất và nhân dân có trình độ văn hóa không thua một nước nào ở châu Âu hồi ấy, bỗng nhiên biến thành một khối cứng đờ bất động. Toàn châu Âu sững sờ kinh ngạc và sợ hãi, cố nhiên là không nói đến những quốc gia Đức, nước nào nước nấy đang vội vã đệ lên Na-pô-lê-ông, ở cung điện Pốt-xđam những lời cam kết hoàn toàn thần phục.
Rất tự nhiên là trong những ngày tháng 10 và tháng 11 ấy. Na-pô-lê-ông sống trong một màn sương xán lạn, giữa những tin tức hàng ngày tới tấp bay về Béc-lin và Pốt-xđam báo tin đầu hàng của các pháo đài và các đám tàn quân cuối cùng của Phổ; giữa những sự quy phục van xin tha tội và che chở, những sự khúm núm cam kết trung thành của các vương hầu, công hầu, vua chúa, thì rất tự nhiên là Na-pô-lê-ông quyết định giáng cho kẻ thù chính của mình, là nước Anh, một đòn sấm sét, và đòn ấy có thể thực hiện được sau khi đã chiến thắng nước Phổ. Chưa đầy hai tuần sau khi Mát-đơ-bua đầu hàng thống chế Nây, ngày 21 tháng 11 năm 1806, hoàng đế ký đạo luật Béc-lin, nổi tiếng, ban bố việc phong tỏa lục địa.