Điều ước Nam Kinh chằng được nước nào theo đúng cả. Dân chúng Quảng Châu uất hận, tìm mọi cách phá, bắt người Anh phải ở ngoại thành, không cho về, do đó sinh xô xát. Thương nhân anh dùng bọn buôn lậu Trung Hoa cho thuyền chúng treo cờ Anh để chở nén thuốc phiện vào bờ. Năm 1856 một chiếc thuyền tên là Arron treo cờ Anh đến đậu ở bến Quảng Châu. Viên thủy sư Trung Hoa nghi là gian, lên thuyền khám, thấy có hai người Anh và mười ba thủy thủ là Tàu cả, bèn hạ chiếc cờ Anh liệng xuống sàn, bắt giam mười ba người Tàu, viên công sứ Anh phản kháng với viên tuần phủ Quảng Đông là Diệp Danh Thám, bảo cử chỉ đó trái vời điều ước Nam Kinh trong đó có khoản nói rằng Anh thương đến buôn bán ở các bến đều được tự tiện, đòi trả 13 thủy thủ và phải xin lỗi. Diệp Danh Thám chỉ thích vẽ, đọc sách, không quan tâm tời ngoại giao, đọc công văn của Anh, chỉ mỉm cười, cho việc đó chẳng quan trọng gì cả, bằng lòng thả 13 tên thủy thủ. Nhưng viên công sứ Anh còn buộc phải nghiêm trị viên thủy sư đã hạ cờ Anh, làm mất quốc thể Anh. Diệp cho như vậy là quá lố, không thả thủy thủ nữa, không trả lời gì cả mà cũng không lo phòng bị, coi vụ đó như bỏ qua. Khi nghe tiếng súng nổ vang trời, có tin rằng quân Anh đổ bộ lên, ông ta ngạc nhiên, hoảng hốt. Quân Anh đốt vài công sở của Trung Hoa rồi rút lui về chiến hạm, vì chưa có lịnh của chính phủ, mà quân lại ít quá, có chiếm được cũng không giữ nổi. Nhân dân Quảng Châu tức giận, thấy quân Anh đi rồi, ùa ra phóng hỏa đốt hêt các cơ sở, dinh thự của người Âu, thương quán Anh, Pháp, Mĩ đều bị hủy hết. Công sứ Anh bèn gời thư về nước xin thêm binh bị để quyết chiến. Đồng thời, Pháp đương đòi bồi thường vì một giáo sĩ Pháp bị giết ở Quảng Tây, mà chưa được thỏa mãn, Vua Napoléon III thừa dịp đó để dương oai ở Đông Á, liên minh với Anh, phái binh tới Hương Cảng. Ít lâu sau, Mĩ và Nga cũng phái công sứ đến hội ở Hương Cảng, mong có dịp sẽ bắt Thanh đình phải sửa thương ước của họ. Cuối năm 1857, liên quân Anh Pháp đánh Quảng Châu, Diệp Danh Thám thản nhiên lạ lùng, chẳng bàn tính gì với các võ quan dưới quyền, cũng chẳng thương thuyết với Anh, cứ ngồi chờ xem ra sao. “Súng nổ như hàng ngàn tiếng sấm, nhà cửa cháy rực trời”, dân chúng chỉ chống cự được hai ngày, tời ngày thứ ba liên quân Anh Pháp chiếm được tất cả các đồn Trung Hoa. Diệp Danh Thám bị bắt làm tù binh. Người Anh đem một chiếc kiệu tời rước ông, đưa vào khám Hương Cảng. Ông bận phẩm phục đàng hoàng bược vào khám, không có vẻ gì buồn cho thân phận mình, cho tình cảnh quốc gia, lại tiếp tục vẽ, viết chữ - chữ ông rất đẹp – bọn Anh tranh nhau xin ông làm kỉ niệm. Nhà cầm quyền Hương Cảng thấy ông ta ngu, dại quá, không nỡ giết, mà ông chẳng có tội gì để đáng bỏ tù, sai ông qua Calcutta (Ấn Độ) với một tùy viên quân sự và ba người hầu của ông. Hai năm sau ông ta chết, người Anh đưa xác ông về Trung Hoa để được mai táng một cách trọng thể. Năm sau hạm đội Anh và Pháp tiến lên phương Bắc, thình lình tấn công Thiên Tân, rồi tới pháo đài Đại Cổ. Để mất Thiên Tân thì Bắc Kinh khó giữ, Thanh đình hoảng hốt, vội phái một đại thần tới Thiên Tân nghị hòa. Thanh ký riêng một điều ước Thiên Tân với Anh, một điều ước Thiên Tân nữa với Pháp (1858). Cả ba bên đều qui định với nhau rằng sau khi kí hạn một năm, nguyên thủ các nước phê chuẩn rồi thì sẽ trao đổi điều ước với nhau ở Bắc Kinh. Nhưng Thanh đình muốn hủy điều ước, sai Tăng Cách Lâm Tân - viên tướng Mãn đã có công giữ Bắc Kinh trong vụ loạn Thái Bình – lại Đại Cổ xây cất đài lũy, đắp đập chặn cửa biển, chở đại bác và đưa những kị binh thiện chiến nhất tới. Năm 1859, đúng hạn, công sứ Anh, Pháp đến để trao đổi điều ước, bị pháo đài bắn xuống, bốn chiếc thuyền bị đạn chìm, số người tử thương khá nhiều. Điều ước Thiên Tân chưa thi hành đã bị xé. Liên quân Anh Pháp lần này rút lui rồi tấn công trở lại mạnh, phá đập trên sông, đồn trên bờ(1) xông lên. Kị binh thiện chiến nhất của Thanh rán ngăn họ, nhưng bị đại bác nã vào, từng đoàn từng đoàn “đổ như những bức tường”. Viên tướng Mãn tài nhất của Mãn Thanh là Tăng Cách Lâm Tấn cũng phải đào tẩu. Mã Thanh đành phải xin hòa, nhưng không chấp nhận những điều kiện họ cho là gắt quá của Anh Pháp, tiếp tục chiến đấu. Lúc đó liên quân đã tới ngoại thành Bắc Kinh rồi. Viên tướng bảo vệ kinh đô, phi ngựa ở mặt trận bị một viên đạn vào đầu té ngựa. Hàng ngũ rối loạn. Vua Hàm Phong kinh hoảng bỏ cung điện đi ra “tuần du mùa thu” ở Nhiệt Hà (Jéhal), sự thực là chạy trốn, giao trách nhiệm thương thuyết cho Cung thân vương, và năm 1860, điều ước Bắc Kinh được ký kết. Điều ước này ký với Anh Pháp y hệt điều ước Thiên Tân năm trước mà chưa kịp thi hành, nghĩa là gồm những khoản chính dưới đây: 1. Công sứ Anh, Pháp đều được tự do cư trú ở Bắc Kinh. 2. Các giáo sĩ Anh và Pháp được tự do truyền giáo trong nội địa Trung Hoa; nhân dân Anh, Pháp có tờ hộ chiếu thì được tự do du lịch trong nội địa Trung Hoa. 3. Mở thêm nhiều thương khố nữa: Ngưu Trang, Đăng Châu, Đài Loan, Viên Thủy, Triều Châu, Quỳnh Châu; đợi khi dẹp xong Thái Bình Thiên Quốc thì sẽ mở thêm ba nơi nữa trên bờ sông Dương Tử: Quan trọng nhất là Hán Khẩu… 4. Người dân Anh, Pháp mà phạm tội ở trên đất Trung Hoa thì do lãnh sự của họ xử, nếu có tranh tụng giữa người Trung Hoa với người Anh, hoặc với người Pháp thì quan lại Trung Quốc cùng xử lý với lãnh sự Anh hoặc Pháp. Quyền đó gọi là quyền lãnh sự tài phán. 5. Sửa lại chế độ quan thuế: Quan thuế phải do chính phủ Trung Quốc cùng bàn rồi quyết định với công sứ Anh, Pháp. Bây giờ (điều ước Bắc Kinh) thêm những khoản này nữa: 1. Mở thêm thương khẩu Thiên Tân. 2. Bồi thường cho Anh và Pháp mỗi nước 8.000.000 lạng bạc (trong điều ước Thiên Tân chỉ bồi thường cho Anh 4.000.000 lạng, cho Pháp 2.000.000 lạng thôi). 3. Cắt đất Cửu Long ở bờ đối diện với Hương Cảng, nhường cho Anh. Điều ước Bắc Kinh thật tai hại cho Trung Quốc: 1. Điều ước tuy chỉ ký với Anh, Pháp, nhưng các nước khác cũng đòi quyền ngang với Anh, Pháp, về việc buôn bán, truyền giáo, nhất là quyền lãnh sự tài phán, quyền này làm cho Trung Hoa mất chủ quyền tư pháp. 2. Vì được mở thêm non một chục thương khẩu nữa mà tư bản của liệt cương tự do xâm lược Trung Quốc. 3. Giáo sĩ được tự do truyền giáo, thường dân của liệt cường có hộ chiếu được tự do du lịch trên lãnh thổ Trung Quốc, như vậy là họ tha hồ làm tình báo cho chính phủ họ. 4. Trung Quốc mất chủ quyền về quan thuế, thì công nghiệp, thương nghiệp bị phá hoại, kinh tế suy. 5. Một hậu quả bất ngờ nữa là số bạc của Trung Quốc chạy ra ngoại quốc nhiều quá (vì khoản bồi thường), thêm lẽ kinh tế suy sụp, mà từ triều đình đến nhân dân đều nghèo, triều đình phải lạm phát giấy bạc, rồi vay tiền của ngoại quốc để trả nợ, mà vay của họ thì phải có gì đảm bảo, thế là phải nhường họ những lợi này lợi nọ về kinh tế, cứ mỗi năm một số, riết rồi thành một thảm họa. Nhà nước và dân chúng nghèo thêm, nhưng trái lại một số thương gia và một số trong giới trung lưu hợp tác với ngoại nhân, làm giàu rất mau, họ học thói của người Âu, mở hội buôn, mở các xí nghiệp kinh doanh như người Âu, gởi con qua ngoại quốc học. Họ đại đa số ở miền các hải khẩu Đông Nam, từ Thượng Hải trở xuống đến Quảng Đông. Họ Âu hóa lần lần thành một giới bourgeois của Trung Quốc, cũng có tinh thần cải cách, xũng tin ở sự tiến bộ như hạng bourgeois Châu Âu sau cách mạng Pháp (1789), họ khác hẳn giai cấp sĩ, và đại điền chủ các triều trước. Họ so sánh những quan niệm của phương Tây và Trung Hoa, thấy Trung Hoa lạc hậu, và họ nẩy ra ý làm cách mạng. Đa số những nhà cách mạng Trung Hoa một thế kỷ nay đều ở miền nam (Quảng Đông, Phúc Kiến…), chính vì lẽ đó. Trái lại, từ Thượng Hải trở lên phía Bắc, dân chúng nghèo, ít học thủ cựu. (1). Về chi tiết các chiến tranh giữa Trung Hoa và các nước Châu Âu, Nhật,… các bộ sử chép hơi khác nhau; chăng hạn về điểm này, các bộ sử chữ Hán của tôi chép như vậy, còn Tsui Chi thì bảo chính nhà Thanh cho phá những đập đồn đá để “mời” Anh Pháp vào thương thuyết.