LÃNH CHÚA RỪNG XANH
Chương 35
LÂM NGỌC ĐƯỜNG CHIÊU DỤ BẢY VIỄN
ÁN BINH BẤT ĐỘNG KHÔNG ĐÁNH THỰC DÂN

Tháng tư năm 1947, Lâm Ngọc Đường cấp tốc xuông Tắt Cây Mắm gặp Bảy Viễn báo cáo về cái chết đột ngột của giáo chủ Hòa Hảo. Chỉ có bốn người dự cuộc báo cáo đặc biệt này; thuyết trình viên là Lâm Ngọc Đường. Bảy Viễn và hai cận thần là Tư Sang và Năm Tài ngồi nghe với tất cả bàng hoàng vì mới tháng nào đây, Thầy Tư Hòa Hảo và đệ tử ruột là Năm Lửa còn đến thăm viếng xã giao Ngài Khu bộ phó. Cũng trong chuyến đi Miền Đông đó, Huỳnh Phú Sổ đã ghé thăm Năm Hà, và trên đường về, dừng lại Bình Hòa thăm Mười Trí. Trong lúc đàm đạo tại văn phòng Chi đội 4 thì mày bay địch bắn. Vùng này là vùng rìa Đồng Tháp Mười ít có cây cao nên phi cơ giặc Pháp tung hoành ngang dọc, sà sát đọt cây thả bom và bắn đại liên. Loại phun lửa mang hai quả bom dưới lườn, chúi xuống hai lần thả hai quả bom rồi tiếp tục quần đảo bắn phá cho tới khi hết đạn mới thôi. Không chỉ bộ đội mà dân chúng cũng biết tánh nết của chúng. Ngày ấy ba chiếc phun lửa lên quần trên vùng đóng quân của Chi đội 4. Huỳnh Phú Sổ, Năm Lửa cùng một số tín đồ Hòa Hảo hoang mang khi lọt vào vòng vây ngày càng thu hẹp lại của ba chiếc máy bay. Cả bọn chạy lăng xăng như bầy gà con thấy diều hâu. Mười Trí đã quen những vu oanh kích như thế, bình tĩnh bảo Huỳnh Phú Sổ “Thầy Tư ngồi đây với tôi. Đừng chạy bậy bạ. Ở đây tôi chắc chắn là an toàn”. Cả bọn, thầy tớ đề giao hết tinh thần lẫn thể xác cho Mười Trí. Ba chiếc máy bay thả đủ sáu quả bom rồi quần, bắn chung quanh đó. Bắn hết đạn chúng bay đi. Năm Lửa thờ phào, rút khăn lau mồ hôi trán cho Giáo chủ, lẩm bẩm: “Quân gì băn dai như trâu đái!”. Huỳnh Phú Sổ thoát nạn, cảm ơn Mười Trí rối rít. Trong lúc bốc đồng, Sổ chỉ Mười Trí nói to với đám Năm Lửa và tín đồ: “Đây là Sư Thúc của bây đó, say này thầy có qua đời, Sư Thúc bây lên nối nghiệp”. Câu nói ấy vô tình biến Mười Trí thành một nhân vật thiêng liêng đối với mấy triệu tín đồ Hòa Hảo.
Sau khi đi một vòng Miền Đông, Thầy Tư Hòa Hảo trở về Miền Tây. Trên đường về, Thầy Tư chết đột ngột.
Bảy Viễn hoang mang, Lâm Ngọc Đường đánh bồi thêm:
- Ý đồ diệt giáo phái của Việt Minh đã quá rõ. Cái chết của Huỳnh Phú Sổ là một bằng chứng hùng hồn. Ngài Khu bộ phó nên chọn trước một con đường đi, kẻo nước tới chân thì quá mưộn.
- Con đường nào? Theo Tây à? Hồ sơ của tôi cò Bazin còn giữ trong tủ sắt.
Lâm Ngọc Đường chồm tới ngó ngay mặt Bảy Viễn:
- Nếu kéo Ngài bỏ chiến khu về thành thì xoàng quá, đâu phải là tay có bản lãnh? Đại úy Savani đã nhất trí với thủ tướng Xuân là chỉ cần Ngài thỏa thuận “án binh bất động” là được rồi, hai bên ngấm ngầm thỏa thuận không ai tấn công ai, miễn là con đường Vũng Tàu vào Sài Gòn không bị phục kích để tàu bè nước ngoài yên chí lui tới buôn bán làm ăn”… Nếu Ngài đồng ý, thì Phòng Nhì sẽ đảm nhận tiếp tế lương thực đạn dược cho Bình Xuyên…
Đến đây cuộc họp tạp dừng để ăn cơm trưa. Buổi chiều hai anh em Sang, Tài bàn thêm về đề nghị của đại úy Savani mà Lâm Ngọc Đường chuyển tới Bảy Viễn.
- Mình nên chớp thời cơ, đừng bỏ lỡ dịp may hiếm có. Ta chỉ “án binh bất động” thôi mà được tiếp tế tiền bạc, lương thực, súng đạn. Vậy là vua rồi! Ngài Khu bộ phó vẫn ở đây, vẫn nắm Chi đội 9, không phải kéo quân về thành mang tiếng đầu Tây. Đại úy Savani, cò Bazin chẳng những không dám coi thường Ngài là tên tù vượt ngục như Ngài thường lo ngại, trái lại họ tôn trọng Ngài như bạn đồng minh. Nếu được Phòng Nhì tiếp tế, ta sẽ không phải thu thuế than củi, nước mắm, hột vịt làm quỹ nuôi quân. Chuyện đó rất thất nhân tâm… Mình giảm bớt thuế thì sẽ lấy được cảm tình của dân chúng qua lại trong vùng. Lợi nhiều lắm đó Ngài.
Sang nối lời Tài:
- Về quân sự thì súng ông của Chi đội 9 không bằng các Chi đội khác trong Liên khu Bình Xuyên. Tôi sẽ làm kế hoạch thay toàn bộ súng ống cho hiện đại. Đánh giặc hiện đại, súng phải cực nhanh. Ra trận phải nhanh tay, bắn chậm thì chết… Tôi bảo đảm với Ngài Khu bộ phó là trong thời gian một tháng. Chi đội 9 mình sẽ đứng đầu không phải chỉ Miền Đông mà đứng đầu cả nước…
Thấy Bảy Viễn đã xiêu, Lâm Ngọc Đường tươi cười bảo:
- Hai ông Sang và Tài cứ lên thống kê đi, cho biết quân số Chi đội 9 là bao nhiêu, cần bao nhiêu quân phục, bao nhiêu súng ống, loại gì nêu rõ, đạn được một năm xài bao nhiêu, thuốc men cần những thứ gì, rồi gạo, thịt, đường, đậu v.v… Cho tôi những con số đó, tôi đảm bảo trong vòng một tháng là tôi tiếp tế đầy đủ, không thiếu món gì – Hắn cười nói thêm – Còn cái khoản xa xỉ phẩm nữa. Sẽ có bơ, sữa, cà phê, rượu, thuốc thơm…
Tài, Sang tất bật tính toán, ghi chép. Bảy Viễn hỏi Lâm:
- Tiếp tế bằng cách nào cho các Chi đội khác không biết?
Lâm cười thật tươi:
- Chỉ cần Ngài đồng ý, mọi việc đã có chúng tôi lo.
Cuộc mật đàm tạm ngưng vì có Mười Trí tới. Mỗi lần Mười Trí về Rừng Sác là Bảy Viễn vừa mừng vừa lo. Mừng vì gặp lại bạn đồng sanh đồng tử, nhưng lo vì Mưới Trí là tay ăn ngay nói thẳng, dám phê bình, chỉ trích thằng thừng “Ngài Khu bộ phó”. Mưới Trí về Rừng Sác cũng giống như Thái sư Văn Trọng hồi trào giáng thập điều.
- Về chơi hay có việc gì? – Bảy Viễn hỏi Mưới Trí.
- Thời giặc giã, đâu có chuyện về chơi? Tao đánh hơi nghe có chuyện giải pháp Bảo Đại nên cấp tốc qua đây bàn chuyện cơ mật đây…
Bảy Viễn chột dạ:
- Mày định bàn chuyện gì?
Mưới Trí nghiêm nghị:
- Tao nghe phong phanh Phòng Nhì định lập chiến khu quốc gia giả hiệu để làm rùm beng ủng hộ Cựu hoàng Bảo Đại. Chúng nhắm vào bộ đội giáo phái để làm cái trò tráo bài ba lá này. Tao không biết chúng đã tiếp xúc với mày chưa nên tao qua đây khuyên mày nên thận trọng, đừng mắc mưu chúng…
Bảy Viễn có cảm tưởng như Mưới Trí biết rõ tim đen mình.
- Chuyện đại sự như vậy, tao đâu dám ẩu, có gì tao cũng hỏi ý mày… Mày qua đây chỉ có vậy thôi?
Mưới Trí phấn khởi nói tiếp:
- Đó là chuyện phòng xa cho mày. Còn mục đích chính của chuyến đi này là tao qua đây để nghiên cứu chiến trường đánh tàu giải quyết lương thực.
Bảy Viễn mừng rỡ:
- Hay quá! Tao với mày liên quân nghe. Chi đội 4 với Chi đội 9 mà liên quân đánh tàu giòng ghe là “ăn chắc”.
Mưới Trí cười:
- Mày muốn liên quân cũng tốt thôi. Thật ra thì một mình Chi đội 4 của tao cũng dư sức làm. Ban đầu chúng tao định đánh tàu cướp súng tại Vàm Phong Mỹ. Địch chỉ có tiểu đội nhưng có cây ca nông 20 ly. Sau suy nghĩ lại tao thấy tiếc cả chục ghe chài. Cho nên tao định chọn địa điểm “ăn hàng” trên địa phận của mày, “ngon xơi” hơn. Vừa lấy súng vừa lấy lương thực.
Bảy Viễn sợ mất phần:
- Dù sao liên quân cũng bảo đảm hơn.
- Đúng vậy. Cả chục chiếc chài, tao với mày ăn sao hết? Còn phải chia bớt cho các Chi đội khác trong Liên khu…
Bảy Viễn yên chí hỏi thêm:
- Kế hoạch đánh đấm ra sao? Chắc là cho người mình lên nằm trên tàu?
Mưới Trí gật:
- Thì cũng bổn cũ soạn lại thôi. Nhưng có cái hay là trong đội công tác thành của Hai Bạc có hai tín đồ Hòa Hảo chánh hiệu. Hai anh này trước đây thuộc trung đội tiếp tế của Huỳnh Phú Sổ. Sau khi Sổ lâm nạn, trung đội bị quản thúc ở Hội đồng Sầm. Tao đến lãnh nhưng họ chỉ giao có một bán đội vì ta đang cần lực lượng dân công để phá đường, đắp cản…
Bảy Viễn trợn trừng:
- Tại sao lại đưa Hòa Hảo trong công tác cướp tàu? Tụi nó “phản thùng” thì chết ráo!
Mưới Trí cười đầy tự tin:
- Tao muốn chứng tỏ cho mọi người biết đạo cũng như đời, có người tốt kẻ xấu, và lòng yêu nước không phải là độc quyền của nhóm nào. Hai anh Hòa Hảo này rất tốt, và vai trò của họ trong chuyến công tác này cũng không thể thiếu. Họ có nhiệm vụ tìm đường đưa đội công tác thành của Hai Bạc về ém quân tại Cù lao ông Hổ - một làng Hòa Hảo trăm phần trăm – để giả làm hành khách lên tàu ngay tại bến Long Xuyên…
Bảy Viễn gật gù:
- Tao thấy mày chơi chung với Huỳnh Phú Sổ và Phạm Công Tắc mà tao lo ngại cho mày…
Mưới Trí cười:
- Tao khác mày ở chỗ đó. Tao chủ trương thêm bạn bớt thù. Với ai tao cũng chơi. Nhưng khi chơi biết đánh giá, biết phân loại. Còn mày thì có vẻ giữ gìn ý tứ nhưng lại không biết đánh giá và phân loại. Nhưng đó là chuyện sẽ bàn sau. Bây giờ tao với mày đi điều nghiên cho vụ đánh tàu tới đây…

Truyện Người Bình Xuyên Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Đã xem 1049721 lần. --!!tach_noi_dung!!--

LÃNH CHÚA RỪNG XANH
Chương 36
ĐÁNH TÀU THANH VÂN TRÊN SÔNG VÀM SÁC
BẢY VIỄN NGỒI KHÔNG MÀ HƯỞNG LỢI

--!!tach_noi_dung!!--
Bảy Viễn được Mưới Trí nhận đứng chung liên quân lấy làm mừng rỡ, liền chỉ thị cho bộ tham mưu Chi đội 9 chuẩn bị sẵn sàng, coi chiến công đánh tàu Thanh Vân như thành tích riêng của Chi đội 9.
Tư Sang thảo công văn gởi các đơn vị trong Chi đội 9, dạy phải sẵn sàng tới địa điểm X chờ thu dọn chiến trường vào ngày N. Đích thân Lại Văn Sang chỉ huy trưởng Chi đội 9 điều khiển cuộc phục kích lớn lao này. Trong một cuộc họp tham mưu, Tư Sang cho các cán bộ trung đội biết là ban công tác thành của Chi đội 4 đã binh vận được tiểu đội lính Pháp có nhiệm vụ hộ tống tàu Thanh Vân và bí mật cho ta rõ ngày giờ xuất phát của tàu này. Tư Sang lạc quan cả quyết đánh là thắng. Vấn đề là huy động tất cả các lực lượng thu dọn chiến trường trước khi quân tiếp viện tới. Nhân viên văn phòng, ban nhạc cũng phải túc trực sẵn để thu chiến lới phẩm.
Đúng vào ngày N, tất cả Chi đội 9 đều phục kích tại bờ sông Vàm Sác, dài mấy cây số. Tư Sang ăn mặc gọn gàng, súng lục bên hông, ông dòm đeo cổ. Chốc chốc lại leo lên chạc ba cây bần “bỏ ống dòm” nghiên cứu trận địa. Cách đấy không xa, Bảy Viễn cũng nai nịt hẳn hoi, ngồi ghe mui ống đóng vai chủ soái. Kế bên có Năm Bé, Bảy Cao trong tư thế tướng cạnh.
Con “đầm già” từ xa xuất hiện, bay chầm chậm theo dòng sông quanh co uốn khúc. Tiếng rè rè của nó nghe uể oải như ru ngủ. Lịnh ban xuống: “Các đơn vị ngụy trang cẩn thận và chuyển bị xung phong!”. Qua ống dòm của Tư Sang, chiếc tàu Thanh Vân lù lù xuất hiện. Đây là loại tàu chở hành khách cỡ bự, có thể chở cả trăm người mà còn sức kéo cả chục ghe chài. Bỗng một loạt đạn mi ở trên mui tàu nổ vang đồng thời có tiếng reo to: “Ban công tác Chi đội 4 toàn thắng”. Thì ra tiểu đội công tác thành của Hai Bạc đã hoàn thành nhiệm vụ. Trước đống khói ám hiệu trên bờ Vàm Sác, tàu Thanh Vân từ từ tiến đến nơi Chi đội 9 phục kích. Lập tức các tam bản ào ra, binh sĩ nhảy lên đoàn ghe chài uy hiếp tài công, cắt đỏi, đưa ghe vô các con rạch sâu bên trong để tiện việc thu chiến lợi phẩm. Riêng chiếc tàu Thanh Vân thì có lệnh đưa các hành khách về căn cứ để tuyên truyền trước khi phóng thích.
Liên tiếp ba ngày ròng rã, hai Chi đội 4 và 9 tập trung làm công tác duy nhất là thu dọn chiến lợi phẩm. Bò heo không đủ chuồng trại phải giăng dây để ngoài đồng trống. Gạo chất đầy hội trường, đường đậu để chật văn phòng, vải vó, ka-ki đủ may cả ngàn bộ quân phục. Các thứ xa xỉ phẩm như Mạc-ten, Ách chuồn, đường cát, trà Ô Long kỹ chưỡng, chất đầy ghe… không kể la-ve chứa cả chục “cà dom”…
Để gây uy tín, Bảy Viễn cho đánh công văn mời các Chi đội bạn cho người đến nhận quà của Chi đội 9. Ngài Khu bộ phó cũng không quên đánh điện lên Quân khu loan tin chiến thắng rỡ ràng. Hắn tự hào chiến công đánh tàu Thanh Vân không kém trận La Ngà của Chi đội 10. Hắn muốn tỏ ra ngang hàng với Khu bộ phó Tám Nghệ…
Tiêc liên hoan tổ chức không dứt, tiệc này xong, tiệc khác tiếp, ăn nhậu toàn bò bảy món với rượu Tây. Trong đời lưu lạc giang hồ, Tám Tâm chưa thấy lúc nào huy hoàng như lúc này, y như trong truyện Tàu lúc Tào Tháo đãi Quan Công “tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến”. Cả ngày cứ ăn với nhậu.
Trong số hành khách trên tàu Thanh Vân, Tám Tâm thấy thằng bé trai sáu tuổi, mồ côi cha mẹ, sống trên tàu làm bồi bưng cơm cho hành khách. Thằng nhỏ trông thật dễ thương. Khi phóng thích, Tám Tâm hỏi “Mày về thành có bà con với ai không?” Thằng bé lắc đầu buồn bã. Tám Tâm bỗng thấy thương, muốn giữ làm con nuôi. Thằng bé mừng rỡ nhận lời ngay. Tên nó là Dương, anh cho nó họ của anh: Trần Văn Dương.
Không khí sôi nổi của kỳ công có một không hai lắng xuống. Tám Tâm nghĩ tới chiếc tàu Thanh Vân. Tàu lớn quá, Chi đội 9 không thể sử dụng được. Phải dùng mìn đánh chìm thôi. Nghĩ sao làm vậy, Tám Tâm cho chuyên viên mìn tới tìm cách đánh chim tàu. Tin này thấu tới Tư Sang, Tư Sang liền ngăn lại nhưng Tám Tâm không nghe. Tư Sang bảo Bảy Viễn. Bảy Viễn cho đòi Tám Tâm lên văn phòng:
- Ai cho phép anh gài mìn tàu Thanh Vân? Chuyện quan trọng như vậy sao không hỏi ý Tư Sang?
- Thưa Ngài tàu Thanh Vân quá lớn, ta không dùng được, để đây chỉ làm mục tiêu cho Tây càn quét. Thế nào chúng cũng mở cuộc hành quân chiếm lại tàu…
- Đó không phải là chuyện của anh! Tư Sang định biến nó thành binh công xưởng lưu động của Chi đội 9!
Bảy Viễn đuổi Tám Tâm ra. Một tuần sau Tây hành quân chiếm lại tàu Thanh Vân.
--!!tach_noi_dung!!--

đánh máy: Nguyễn Chí Hải
Nguồn: vnthuquan.net
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 1 tháng 4 năm 2006

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--