Dịch giả: Nguyễn Hữu Lương
Hồi 35
KHI MỘT BÀ HẬU ĐA TÌNH THIẾU YÊU

Đại Ngọc Nhi vốn là một vưu vật trời sinh. Lúc lên bảy, nàng có lần theo bọn nô bộc đến mục trường du ngoạn.
Một vị Lạt ma tăng thấy nàng bèn nói:
- Vị cách cách này có cái tướng đại quý.
Bọn nô bộc đứng bên phá lên cười:
- Vị cách cách của bối lặc Khoa Nhĩ Bí bọn tôi chẳng cần phải nói cũng đã quý rồi. Hà tất phải nhắc điều đó.
Vị Lạt ma tăng lắc đầu nghiêm nghị, nói tiếp:
- Ta nói quý là cái quý của bậc đế vương kia!
Bọn nô bộc lại cười rộ:
- Ông sư này càng nói càng khùng rồi. Đất Mãn Châu này cũng như miền Nội Ngoại Mông, tìm đâu cho ra một ông vua chứ? Bộ ông muốn nói vị cách cách của bọn tôi lấy được hoàng đế của nhà Minh chắc?
Câu chuyện này được nhiều người truyền tụng sau đó. Mẹ nàng cũng thường lấy đó để đùa cợt nàng. Cho nên đối với nàng, câu chuyện đế vương coi như một hy vọng tương lai mà nàng thường ấp ủ trong tâm.
Lúc này trông thấy Hoàng Thái Cực trước mặt mình, nàng sực nhớ tới phụ thân chàng hiện đã làm hoàng đế rồi, chàng một ngày kia nhất định phải trở thành Thái tử. Ngoài cao vọng đó ra, nàng vốn có một đoạn ân tình nồng thắm với chàng. Lúc này đang gặp nạn, nàng lại càng phải sáng suốt và khôn ngoan hơn. Bởi vậy trong lòng nàng đã phát sinh ra một chủ ý.
Hai người trò chuyện với nhau trong cung cấm hồi lâu, bọn cung nữ đứng ngoài không ai dám tự tiện bước vào. Mãi sau từ phía trong mới có tiếng vọng ra bảo:
- Mau sửa soạn yên cương cho phúc tấn.
Sau đó, người ta chỉ thấy Hoàng Thái Cực và Đại Ngọc Nhi dắt tay nhau đi từ trong cung ra. Ngọc Nhi gọi bốn đứa thị nữ hầu cận cùng lên ngựa theo nàng. Chàng đem nàng về bản doanh của mình, không cho ai biết. Từ đó Đại Ngọc Nhị trở thành phi tử của Hoàng Thái Cực. Trong cung ai cũng gọi nàng là Cát Đặc phi tử. Hoàng Thái Cực nể tình nàng, cầu xin cha tha chết cho Đức Nhĩ Cách Lặc.
Trên đây đều là chuyện đã qua. Ngày nay tình thế đã đổi khác, Hoàng Thái Cực đã trở thành hoàng đế nước Kim, bèn sách phong người yêu xưa làm hoàng hậu, hiệu là Hiếu Trang Văn trong khi, người vợ cả chỉ được phong lam Quan Thư cung thần phi mà thôi.
Văn hoàng hậu thường ở trong cung Vĩnh Phúc. Thái Tông hoàng đế ngày ngày tới đây ngơi nghỉ. Các phi tần khác đừng hòng được một đêm ông lâm hạnh. Hoàng Thái Cực tuy làm hoàng đế nhưng vì quyến luyến cạnh Văn hậu nên việc quốc gia đại sự đều giao cho ba anh là Đại, Nhị, và Tam bối lặc chia nhau xử lý.
Hồi đó thân vương thứ mười bốn là Đa Nhĩ Cổn tuổi mới 15, và thân vương thứ mười lăm là Đa Đạc tuổi mới 13. Văn hậu rất ưa thích hai anh em nhà này nên thường lưu lại trong cung đề bầu bạn với bà. Thái Tông hoàng đế nhớ đến cái chết thê thảm của bà Nạp Thích lúc trước thường bị lương tâm cắn rứt nên cũng biệt đãi hai anh em Đa Nhĩ Cổn.
Hơn nữa Cổn mặt mũi khôi ngô bảnh trai, tính lại khôn ngoan. Văn hậu đối đãi đặc biệt với Cổn cũng chính ở chỗ đó.
Người em gái bà tên Tiểu Ngọc Nhi cũng theo bà vào ở trong cung. Nàng cùng tuổi với Cổn. Bởi vậy hai người có dịp gần nhau, sớm cũng như chiều lúc nào cũng gặp mặt thành thử đâm thân nhau. Đã thế Tiểu Ngọc Nhi cũng có một sắc đẹp nghiêng thành chẳng thua gì chị. Cả hai chị em đều có màu da trắng đẹp như ngọc, cho nên cha mẹ nàng mới dùng chữ Ngọc để đặt tên.
Một hôm, vào buổi trưa hè nhàn nhã, Văn hậu vừa ngủ trưa dậy, không thấy Đa Nhĩ Cổn và Tiểu Ngọc Nhi đâu.
Bà đoán biết cả hai lúc đó hẳn tới vườn hoa du ngoạn nên đem theo vài đứa cung nữ đi vào vườn. Đến một cây hòe cao có bóng rợp che khắp cả một góc, bà nhác thất Tiểu Ngọc Nhi lúc đang ngồi dưới gốc một cây cổ thụ, trên một phiến đá vuông cạnh bờ hồ và không biết vì lý do gì đã làm nàng buồn giận mà Đa Nhĩ Cổn phải chắp tay lạy nàng, trong khi nàng quay mặt đi chỗ khác chẳng thèm để ý đến. Văn hậu thấy thế tức cười, nói một mình:
- Con nhỏ này kỳ thật! Tính khí vẫn trẻ con quá!
Bà tìm một phiến đá vuông bên cạnh hồ ngồi xuống rồi bảo cung nữ gọi hai người lại. Đa Nhĩ Cổn chạy tới trước mặt bà, được bà kéo vào lòng. Cổn vội quỳ xuống đất ngửa mặt nhìn lên. Văn hậu đặt hai bàn tay lên vai Cổn, nhìn thẳng vào mặt chàng.
Mãi lúc đó bà mới khám phá ra Cổn quả lả một trang thiếu niên xinh đẹp, mày chàng xanh, mắt chàng sáng, môi chàng đỏ, răng chàng trắng, cái gì trong con người của chàng cũng đều đẹp, đều đáng yêu đáng quý. Thế rồi bà nhịn chẳng nổi nữa, cúi đầu xuống đặt một cái hôn say sưa lên môi chàng và nói:
- Này thúc thúc! Thúc thúc yêu nó phải không? Ta gả nó cho thúc thúc nhé?
Đa Nhĩ Cổn vốn tính xảo quyệt khôn ngoan, nghe lời bà xong liền dập đầu tạ ơn. Lúc đó, Tiểu Ngọc Nhi cũng đứng bên cạnh bà. Nàng yêu Cổn nên khi thấy chị mình hôn vào miệng người yêu của mình thì lòng nàng bỗng nhiên nổi ngược máu ghen. Sau đó nàng lại thấy chị nàng hứa gả nàng cho Đa Nhĩ Cổn thì má nàng bỗng ửng đỏ, rồi vì mắc cỡ nàng quay người chạy trốn một mạch.
Buổi tối hôm đó, Văn hậu đem ý định của mình nói cho Thái Tông hoàng đế nghe. Ông xiết bao mừng rỡ lập tức truyền lệnh cho Nội vụ đại thần xây cất ngay một toà lâu đài cho Thập tứ thân vương ngay sau Diễn Khánh cung để chuẩn bị cuộc vui mừng.
Qua năm sau, Đa Nhĩ Cổn và Tiểu Ngọc Nhi đều mười sáu tuổi. Hai người làm đại lễ. Thật là một cuộc vui muôn phần náo nhiệt. Vợ chồng Cổn - Ngọc từ ngày cưới quả đã được hưởng hạnh phúc hơn người. Tình ân ái càng sâu như bể cả.
Cũng từ đó tình cảnh của Văn hậu càng ngày càng sa sút dần. Bà không còn có cô em gái và cậu thiếu niên Đa Nhĩ Cổn bên cạnh nữa. Thái Tông hoàng đế lúc này cũng thường tới các cung khác, hẳn ngài đã cảm thấy "ngon ăn mãi cũng chán".
Tình cảnh cô đơn khiến Văn hậu buồn bực vô cùng. Bà bèn đem bọn cung nữ cưỡi ngựa ra ngoài thành săn bắn làm vui như hồi còn con gái. Đối với người Mãn, việc săn bắn thường là một trò tiêu khiển. Bởi vậy Thái Tông hoàng đế thấy bà đi săn cũng chẳng ngăn trở gì.
Ai ngờ bà hôm nay đi săn, mai đi săn, đi riết rồi gây ra một mối kỳ duyên mà chẳng ai ngờ trước được.
Số là hôm đó, Văn hậu săn bắn trên một ngọn núi hoa cương, bỗng gặp một con heo rừng. Ngựa của bà là loại tuấn mã, nên bà bỏ xa đoàn tuỳ tùng. Tới một khu rừng con heo tinh quái chạy vòng hết gốc cây này tới mỏm đá nọ, khiến bà đã bắn cả chục mũi tên mà vẫn trật. Bà đuổi mãi tới khi người đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại ướt đầm cả áo ngoài, hơi thở đã gấp gấp Giữa lúc đó, con heo rừng bỗng phát cáu, hộc lên một tiếng rồi quay lại xông thẳng vào bà; con thú hung hăng há cái mõm to tướng đỏ loét như chậu máu, để lộ những chiếc nanh to và nhọn hoắt. Văn hậu phát hoảng, tay chân run bắn lên, miệng la hét kêu cứu. Bỗng từ trong rừng sâu hai mũi tên phóng ra, trúng ngay vào hai lỗ tai con thú, không sai chệch một ly. Chỉ nghe một tiếng rú ghê rợn, con thú lăn quay ra đất, chết liền.
Bọn cung nữ cũng đã phi ngựa đuổi tới. Văn hậu lúc đó đã hoàn hồn, bèn bảo bọn chúng đi vào cánh rừng trước mặt tìm xem ai đã bắn thú cứu bà.
Không lâu la gì, hai tay đại hán từ trong rừng rậm đã chui ra, nhất tề quỳ xuống trước mặt bà. Văn hậu sai bọn cung nữ hỏi họ xem người ở địa phương nào thì hai tay đại hán vội vàng dập đầu luôn mấy cái và đáp lại:
- Bọn nô tài tên gọi là Vương Cao và Đăng Khoa Tử, đều người tỉnh Sơn Đông. Ông nội của bọn nô tài trước đây buôn bán miền quan ngoại, chẳng may thua lỗ, đành lưu lạc tha hương, kiếm ăn độ nhật tại vùng Liêu Dương, không có cách trở về quê nữa. Nhờ chút võ vẽ cung tên, bọn nô tài đi săn bắn làm kế sinh nhai, mong qua cơn túng quẫn. Mỗi khi săn được dã thú, bọn nô tài lại đem tới thành phủ Thuận bán. Mấy hôm nay thú rừng ít ỏi nên phải qua miền Thẩm Dương này săn bắn. Chẳng ngờ lạc vào vùng cấm địa, xúc phạm tới thánh giá của nương nương, kính mong nương nương tha thứ cho bọn nô tài hèn hạ!
Văn hoàng hậu thấy hai tay thợ săn người Hán ăn nói lanh lẹn, mặt mũi khôi ngô, trong lòng bỗng xúc động. Vừa rồi nếu không có hai tên này thì bà đã chết rồi còn gì. Bởi lễ đó, bà lại càng tỏ vẻ cảm kích bội phần. Bà còn nghĩ tới những lúc rỗi rảnh ở trong cung buồn như chấu cắn, cả ngày chỉ có bọn cung nữ loanh quanh bên cạnh thật là chán, chi bằng đem hai tên thợ săn hoạt bát lanh lợi này về để những lúc nhàn hạ chúng kể chuyện cho mà nghe có phải khoái không. Nghĩ tới đây bà bèn giật giật cương ngựa cho con ô truy của bà chậm rãi bước ra khỏi rừng.
Khi ra tới bên ngoài, Văn hậu gọi con cung nữ thân tín nhất của bà lại gần, ghé tai thì thầm những gì chẳng rõ, rồi bà đứng đấy chờ đợi. Một lát sau, con cung nữ đem hai tên thợ săn Vương Cao và Đăng Khoa Tử trở ra.
Văn hậu trông thấy họ cũng phải phì cười, vội lấy tay che miệng cho khỏi ngượng. Thì ra hai tên thợ săn đã cải trang thành cung nữ để theo bà lẻn vào cung. Từ đó, hai anh chàng thợ săn tha hồ phè phỡn trong cung cấm, sớm hôm thay phiên hầu hạ bà hậu, rồi những lúc rỗi rảnh, lại tỉ tê kể lể những chuyện tình tứ nơi làng xóm quê mùa cho bà nghe. Văn hoàng hậu vốn sinh trưởng nơi lầu son gác tía, nay điện này mai đài khác, thực quả chưa được nghe những chuyện này bao giờ.
Hơn nữa hai tên cung nữ đực nầy lại có tài kể chuyện, cho nên bà càng ngày càng cưng chúng. Bà từ đó yên lòng ở lỳ trong cung, chẳng thèm đi săn để mua vui bán sầu nữa.
Thái Tông hoàng đế bản tính anh hùng, vui chơi mãi với bọn phi tần cũng đâm chán. Ngài liên tục thiết triều, bàn tính việc quốc gia đại sự.

Truyện Thanh Cung Mười Ba Triều Tập 1 - Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Hồi 7 Hồi 8 Hồi 9 Hồi 10 Hồi 11 Hồi 12 Hồi 13 Hồi 14 Hồi 15 Hồi 16 Hồi 17 Hồi 18 Hồi 19 Hồi 20 Hồi 21 Hồi 22 Hồi 23 Hồi 24 Hồi 25 Hồi 26 Hồi 27 Hồi 28 Hồi 29 Hồi 30 Hồi 31 Hồi 32 Hồi 33 Hồi 34 Hồi 35 Hồi 36 Hồi 37 Hồi 38 Hồi 39 Hồi 40 Hồi 41 Hồi 42 Hồi 43 Hồi 44 Hồi 45 Hồi 46 Hồi 47 Hồi 48 Hồi 49 Hồi 50 Hồi 51 Hồi 52 Hồi 53 Hồi 54 Hồi 55 & 56 Hồi 57 Hồi 58 Hồi 59 Hồi 60 Hồi 61 Hồi 62 Hồi 63 Hồi 64 Hồi 65 Hồi 66 Hồi 67 Hồi 68 Hồi 69 Hồi 70 Hồi 71 Hồi 72 Hồi 73 Hồi 74 Hồi 75 Hồi 76 Hồi 77 Hồi 78 Hồi 79 Hồi 80 Hồi 81 Hồi 82 Hồi 83 Hồi 84 Hồi 85 Hồi 86 Hồi 87 Hồi 88 Hồi 89 Hồi 90 Hồi 91 Hồi 92 Tập II - Hồi 93 Hồi 94 Hồi 95 Hồi 96 Hồi 97 Hồi 98 Hồi 99 Hồi 100 Hồi 101 Hồi 102 Hồi 103 Hồi 104 Hồi 105 Hồi 106 Hồi 107 Hồi 108 Hồi 109 Hồi 110 Hồi 111 Hồi 112 Hồi 113 Hồi 114 Hồi 115 Hồi 116 Hồi 117 Hồi 118 Hồi 119 Hồi 120 Hồi 121 Hồi 122 Hồi 123 Hồi 124 Hồi 125 Hồi 126 Hồi 127 Hồi 128 Hồi 129 Hồi 130 Hồi 131 Hồi 132 Hồi 133 Hồi 134 Hồi 135 Hồi 136 Hồi 137 Hồi 138 Hồi 139 Hồi 140 Hồi 141 Hồi 142 Hồi 143 Hồi 144 Hồi 145 Hồi 146 Hồi 147 Hồi 148 Hồi 149 Hồi 150 Hồi 151 Hồi 152 Hồi 153 Hồi 154 Hồi 155 Hồi 156 Hồi 157 Hồi 158 Hồi 159 Hồi 160 Hồi 161 Hồi 162 Hồi 163 Hồi 164 Hồi 165 Hồi 166 Hồi 167 Hồi 168 Hồi 169 Hồi 170 Hồi 171 Hồi 172