wo Jima, Okinawa Sau cuộc đổ bộ lên Lingayen, hạm đội thứ 3 trở về Uliti, và Halsey trao quyền chỉ huy lại cho Đô đốc Spruance. Vài hôm sau hạm đội từ Saipan lại khởi hành để bắt đầu các cuộc hành quân tiến về phía Nhật Bản vốn đã bị chậm mất 4 tháng vì quả đấm móc Phi Luật Tân. Kế hoạch hành quân đã được Bộ tham mưu của Nimitz và Spruance soạn thảo tỉ mỉ. Kế hoạch gồm có trước hết một cuộc đổ bộ lên tiểu đảo Iwo Jima nơi các phi trường có thể sửa sang lại cho các pháo đài bay sử dụng. Nằm giữa đường đi từ quần đảo Mariannes đến Nhật Bản, Iwo Jima sẽ là một phi trường tiếp cứu tương lai đối với các oanh tạc cơ gặp khó khăn, và là một phi trường đảm bảo sự nối tiếp các khu trục cơ cất cánh tại Saipan vốn không có tầm hoạt động đủ lớn để hộ tống từ đầu đến cuối các pháo đài bay B-29 trong các chuyến bay đến Nhật Bản và trở về. Căn cứ theo các tin tức không thám, Nimitz và Spruance ước tính rằng đảo này không được phòng thủ kỹ. Iwo Jima biểu tượng cho một tính cách đặc thù thuộc các đảo cùng loại: đặc tính bị xáo trộn từ đầu thế kỷ tiếp theo sau một cuộc động đất dữ dội dưới đáy biển. Nó là một khối không có hình thù gì rõ rệt gồm các phiến dung nham và tro hỏa diệm sơn. Không có một mảnh đất nhỏ trồng trọt được, cho nên dân cư trên đảo chỉ là các phu mộ lưu huỳnh trước khi người Nhật nghĩ đến chuyện thiết lập các phi trường trên đó. Trên bản đồ, Iwo Jima mang hình dáng một chiếc đầu của con Tapir, đầu mút của chiếc vòi có tua là một miệng núi lửa vươn thẳng từ mặt biển lên. Dưới chân núi lửa hình nón này, eo đất chỉ rộng từ 5 đến 800 bước, rồi hai bờ biển dang xa nhau đến mức rộng nhất là 5 cây số trong phần tạo thành cái sọ của con Tapir. Chính trong vùng bằng phẳng nằm giữa miệng núi lửa và các dãy núi là nơi có phi trường lớn nhất, nằm sát kế bên một bãi biển thẳng tắp dài 3 cây số. Bãi biển này là một bãi đổ bộ lý tưởng nếu có bị phơi bày dưới làn đạn tác xạ của các đại bác được che giấu trên núi lửa về phía bắc. Các tác giả của kế hoạch xâm chiếm đảo đã bỏ qua điểm bất tiện lớn lao này bởi vì họ nghĩ rằng một hòn đảo nhỏ bé dường ấy sẽ có thể bị hải pháo của thiết giáp hạm cày nát đến mức độ không còn có “một thước đất nào mà không có một hố đạn nổ”. Chính vì đã dựa trên niềm hy vọng này mà sau ba ngày oanh tạc dữ dội, hải lực thủy bộ Mỹ đã đồng thời đổ bộ Sư đoàn 4 và 5 Thủy quân lục chiến (Hai Sư đoàn mới mẻ vừa được thành lập) trên suốt chiều dài của bãi biển. Ngày đầu tiên, mọi việc đều êm xuôi. Không có một phản ứng nào của địch và phi trường bị chiếm dễ dàng. Hy vọng đã được xác nhận rằng quân trú phòng bị nghiền nát ra bột. Nhưng giữa trưa hôm sau, các sườn núi đột nhiên nhiều ánh lửa nổi lên lốm đốm. Nhiều đại bác ló ra khỏi miệng hầm như những con chim báo giờ trên kiểu đồng hồ cũ rồi biến ngay lập tức. Một lưới đạn đại bác úp chụp lên đầu cầu quân đổ bộ, giết chết 570 Thủy quân lục chiến và làm bị thương 1.700 người. Trận đánh Iwo Jima bắt đầu. Nó sẽ kéo dài trong bốn tuần lễ rùng rợn dưới những điều kiện còn tệ hại hơn cả tại Bétio, tại Guam và tại Peleliu, bởi vì tại đây các pháo đài không phải là hầm hố công sự thường bằng thân cây và bằng đá, mà chính là các hang động hùng tráng được sửa chữa lại giữa các khối dung nham, trong đó mùi hôi thối từ xác chết trộn lẫn với hơi lưu huỳnh và hơi nước trên mặt biển bị đè nặng bởi khói phun ra từ các ống khói của các mỏ lưu huỳnh. Tất cả các công sự đều thông thương với nhau bằng những hành lang. Nước, điện, không khí được dẫn vào trong đó bằng các đường ống ngầm dưới đất. Những chỗ ẩn nấp rộng rãi nhất được sửa sang thành bệnh xá, kho vật liệu hay trại lính. Tác giả của tổ chức phòng thủ kiểu mẫu này là trung tướng Kuribayashi, người mà đài phát thanh Đông Kinh đã nói - ít ra lần này cũng không quá đáng - rằng “bụng chứa đầy nhiệt tâm chiến đấu và biết rõ hòn đảo của ông đến nỗi có thể tìm thấy tất cả các hang chuột trên đó”. Với 20.000 người và vài trăm công nhân Cao Ly, thiên tài của chiến thuật phòng thủ ất đã đương đầu trong suốt 36 ngày dưới một thảm bom như thác lũ và 60.000 Thủy quân lục chiến Mỹ. Theo lời Đô đốc Nimitz, ông đã đạt đến “mức toàn thiện trong nghệ thuật làm cho cường độ tác xạ của pháo binh tương xứng với kích thước của phi trường”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông đã ghi khắc vào tâm trí người Nhật mối ưu tư cho sự an toàn của chính bản thân họ; cùng với Shakespeare ông ước tính rằng “một người nhút nhát còn sống còn hơn là một vị anh hùng gục chết” bởi vì một người lẩn tránh một cách có ý thức là có thêm một chiến binh cho ngày mai. Nhưng số “người nhút nhát còn sống” của Kuribayashi không đủ để chặn đứng biển người quân Mỹ vốn đã thay thế luôn luôn các “anh hùng gục chết” bằng các quân đoàn mới, từ từ theo nhu cầu kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1945, Thủy quân lục chiến dưới quyền Tướng Schmidt đã xuyên vào phòng tuyến hỗn loạn của quân Nhật và chia cắt đội quân trú phòng kiệt sức thành từng mảnh vụn. Người ta đã không tìm thấy được xác của Tướng Kuribayashi trong mê cung hang động tại Iwo Jima mà phần lớn đã bị bít kín vĩnh viễn, tuy nhiên giấy tờ lượm được trong một hầm núp dường như cho thấy rằng ông đã tự tử. Các thông dịch viên Nhật của đoàn Thủy quân lục chiến đã dịch một tài liệu mà họ cho là bản chúc thư của ông tướng, hay đúng hơn là thỉnh nguyện cuối cùng của ông xin Thiên hoàng xá tội, người mà trước đây ông đã chỉ huy đoàn quân danh dự để bảo vệ. Ông diễn tả “những lời xin lỗi hèn mọn nhất vì đã bị bắt buộc phải để cho một cứ điểm chiến lược quan trọng đến thế rơi vào tay quân thù” và trong tài liệu này ông đã có ám chỉ mơ hồ đến sự bại trận không thể tránh khói của Nhật Bản bằng cách khẩn cầu chủ nhân của ông “đừng bao giờ mất niềm tin nơi định mệnh vĩnh cửu của dân tộc”, và hứa với Thiên hoàng là “sau khi chết sẽ hiện về giúp làm hồi sinh quân lực Thiên hoàng”. Tài kháng cự sau cùng còn lại phía Đông bắc của tiểu đảo đã có thể bị tiêu diệt dần dần nhờ nhiều chiến cụ đang còn được thí nghiệm “chiến xa phun lửa, xe ủi đất bọc thép”. Ngày 26 tháng 3 năm 1945, Thủy quân lục chiến của Sư đoàn 5, mặc dầu thể xác và tinh thần mệt mỏi, đã có thể xuyên nhập vào đằng sau quân trú phòng vào trong các hầm hố và hang động. Nhưng 200 quân Nhật xâm nhập ngang qua các phòng tuyến, hôm đó mưu toán một đợt phản công. Họ bị tiêu diệt bởi các Tiểu đoàn thu dọn chiến trường đi sau Thủy quân lục chiến. Đấy là những cái giật mình hấp hối của quân phòng vệ Iwo Jima. Sự “diên trì” tại Iwo Jima đã giúp cho những người tổ chức cuộc tấn công kế tiếp có đầy đủ thì giờ hoàn thành kế hoạch hành quân. Kế hoạch này gồm có một đổ bộ 120.000 người lên đảo Okinawa rộng lớn nằm cách quần đảo Nhật Bản 300 hải lý về phía nam. Không một Sư đoàn Thủy quân lục chiến nào từng tham dự cuộc chinh phục trước đó sẽ lại được sử dụng trong cuộc đổ bộ này. Iwo Jima là một vụ thuần túy của “Thủy quân lục chiến”. Okinawa sẽ chủ yếu là của “bộ binh”, với sự vận dụng các đại đơn vị, sự sử dụng chiến xa và chiến tranh cơ động. Ngoài kích thước, địa hình của đảo này không có điểm nào có thể so sánh với Iwo Jima. Okinawa là một hòn đảo kéo dài (107 cây số trên 2 đến 5 cây số bề rộng), bờ biển viền xung quanh bị bào xoi, có vẻ bị bỏ rơi ngay giữa mặt biển, như là một miếng cuối cùng của trò chơi ghép hình mà không ai có thể ráp được vào mê cung của bờ biển đối diện. Bộ tham mưu của Đô đốc Turner hy vọng có thể đổ bộ thật nhanh chóng bốn Sư đoàn của thiếu tướng Simon Bolivar Buckner. Với một hạm đội bành trướng hàng tuần, Spruance nay có 20 mẫu hạm (Trong đó có 4 của Anh, sau khi Đức đầu hàng, đã được đưa đến cùng với thiết giáp hạm King George V, để nhập đoàn với hạm đội Mỹ - mặc dầu không được yêu cầu), 8 thiết giáp hạm, 15 tuần dương hạm và vố số khu trục hạm, trong số này một vài chiếc được sửa sang lại thành “Pipqueta Radar” để đảm trách nhiệm vụ báo động phi cơ địch từ xa. Các phi đạo của Tinian đã được nới rộng, các pháo đài bay B-29 của tướng Curtis Le May đã bắt đầu các cuộc không tập dò dẫm đầu tiên trên đất Nhật Bản và chuẩn bị cuộc oanh tạc ồ ạt vào các trung tâm kỹ nghệ. Các mẫu hạm của Mistcher cũng đã thực hiện các cuộc không tập trên những thành phố cận duyên. Do đó lực lượng khu trục cơ địch luôn luôn bị đặt trong tình trạng báo động, nên không thể nào hộ tống các oanh tạc cơ, lại càng ít có thể hy sinh hơn cho các cuộc tấn công tự sát. Gia dĩ, các phi cơ Kamikaze lại được chú ý vì sự vắng mặt tại Iwo Jima và ai cũng hy vọng là quân Nhật đã tung ra những con ma trời cuối cùng rồi. Trong tâm trí của Ủy ban tham mưu hỗn hợp, lấy được Okinawa là đảm bảo được cuộc phong tỏa cuối cùng quần đảo Nhật Bản, giúp thiết lập các phi trường tiếp liên cho pháo đài bay B-29 đặt căn cứ trên lãnh thổ Trung Hoa và cung ứng một căn cứ xuất phát lý tưởng cho cuộc xâm chiếm cuối cùng toàn bộ quần đảo Nhật Bản. Do đó, đây là một cuộc hành quân tối quan trọng về mặt chiến lược, và chính phủ Hoa Kỳ không nề hà tổn thất. Hơn nữa chính phủ Hoa Kỳ còn bí mật nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng một sự vận dụng lực lượng như thế nhằm vào các bờ biển, sẽ thúc giục đối phương chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện” do Tổng thống Roosevelt đòi hỏi, mà không cần phải đi đến chỗ đổ bộ lên chính lãnh thổ Nhật Bản. Hy vọng như thế quả là đã ru mình trong ảo tưởng. Từ lâu, Tổng hành dinh Thiên hoàng đã sợ một cuộc tấn công lên Okinawa, nên đã dồn vào đấy một đạo quân hơn 100.000 người, đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Ushijima, một trong các sĩ quan sáng chói nhất của lục quân. Cuộc kháng cự lâu dài tại Iwo Jima đã giúp hoàn thiện hệ thống phòng tại Okinwa. Trong khi hạm đội Mỹ điều động để tiêu diệt chúng thì tất cả các phương tiện hải quân và không quân Nhật sẽ khởi động trên đảo này. Kế hoạch mang ám danh “Ten-Go” ấy trước hết dựa vào chiến thuật của “các cuộc tấn công đặc biệt”. Hàng ngàn thanh niên được đào tạo cấp tốc thành hoa tiêu, rồi được huấn luyện các kỹ thuật Kamikaze dưới quyền lãnh đạo tối cao của Onishi. Tất cả các phi cơ còn bay được đều được tập trung trên các phi trường tại Kiou Siou. Các bom bay “Hoa anh đào”, các khinh tốc đỉnh Shinio chứa đầy chất nổ và các thủy lôi do người lái Koiten đang được sản xuất ồ ạt, bổ túc cho bộ sưu tập vũ khí rùng rợn được đưa ra cho những người tình nguyện tìm cái chết chọn lựa.