ê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập, Châu Ái (nay làng này thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi. Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo, Lê Hoàn đi ở và làm con nuôi. Sau, Lê Hoàn theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn mười hai sứ quân. Nhờ có tài, lại được Đinh Bộ Lĩnh yêu, ông thăng tiến rất nhanh. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập Đạo Tướng Quân, tức là chức võ quan cao nhất lúc bấy giờ. Năm 979, khi Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết hại, con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn được đưa lên nối ngôi, Lê Hoàn là Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính. Các quan trong triều như Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ làm việc mờ ám, bèn dấy binh để đánh, nhưng rốt cuộc lại bị Lê Hoàn đánh bại và giết chết. Từ đó, uy danh của Lê Hoàn ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, khi nội loạn vừa dẹp yên thì ngoại xâm lại tràn tới. Nghe theo lời tâu của Hầu Nhân Bảo, nhà Tống xua quân đến xâm lược nước ta. Triều đình đương thời đứng trước một thực tế rất khó xử, rằng ai sẽ là người đủ uy tín và đủ năng lực để điều khiển vận mệnh quốc gia? Tháng bảy năm Canh Thìn (980), một sự kiện lớn đã diễn ra tại kinh đô Hoa Lư. Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyền 1, tờ 13) chép lại như sau: “Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay - NKT) đem việc đó (chỉ việc quân Tống tràn sang xâm lược nước ta -NKT) tâu lên, Dương Thái Hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. (Triều đình) cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương - NKT) làm Đại Tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. (Phạm) Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng: - Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập Đạo Tướng Quân (tức Lê Hoàn - NKT) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân. Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái Hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái Hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. (Lê) Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là (Thiên Phúc) giáng Hoàng Đế là (Đinh) Toàn xuống làm Vệ vương như cũ”.