1927 Phong trào Học sinh toàn quốc bãi khóa chống Tây. Lễ Pâques ( Phục Sinh ) năm 1927 đánh dấu môt giai đoạn quyết liệt nhất trong đời sống của toàn thể sinh viên học sinh An Nam từ Bắc chí Nam. Lần đầu tiên, một phong trào vận động bãi khóa khởi xướng từ Trường Cao Ðẳng Hà Nội và Trường Trung Học Bảo Hộ ( trường Bưởi ) đã lan tràn khắp cả các Trường Trung Học trong nước: Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vinh, Huế, Qui Nhơn, Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ. Tôi nói: Vận Ðộng Bãi Khóa, vì học sinh lợi dụng 7 ngày nghỉ lễ Pâques để vận động ráo riết trong các giới học sinh, đưa các nghuyện vọng lên Nha Học Chính để rồi nếu nguyện vọng không được thỏa mãn, sẽ không đi học sau khi hết lễ Pâques. Và cuộc bãi khóa toàn quốc đã bắt đầu thật sự, như đã dự định, gây ra lần đâù tiên từ khi người Pháp đô hộ, một phong trào học sinh bãi khóa sôi nổi lớn lao từ Bắc chí Nam. Tuy cuộc bãi khóa không có mục đích chính trị, nhưng thực ra là do phong trào chính trị mà thành, để tỏ cho nước Pháp và cả thế giới biết rằng toàn thể sinh viên và học sinh An Nam chống lại chánh sách giáo dục của chính phủ thuộc địa, và chống lại một nhóm giáo sư Pháp đã miệt thị người An Nam. Sau buổi học chiều Thứ Bảy 16-7-1927 ( Hồi đó chưa có lệ nghỉ chiều Thứ Bảy theo "semaine anglaise “), và bắt đầu nghỉ lễ Pâques 7 ngày, trò Tuấn cắp sách vở ra về như những ngày thường. Xong bữa cơm tối, trò sửa soạn ra bờ biển bắt còng chơi với mấy đứa bạn cùng ở nhà trọ, bỗng có trò Quỳnh đến bảo thầm: - Có mấy anh ở trường Quốc Học Huế, vào kiếm tụi mình. Tuấn ngạc nhiên hỏi: - Có chuyện chi vậy, hỉ? - Mầy đi với tao lên nhà thầy Phạm Đào Nguyên, sẽ biết. Tôi đã nói nhà Phạm Đào Nguyên, thư ký hãng buôn Pháp Descours et Cabaud, một bạn trẻ, là nơi tụ họp bí mật của bọn học trò làm "quốc sự "ở Qui-nhơn. Nơi đây có 4 điều rất tiện lợi: 1. nhà thầy Nguyên có một căn nhà sau thật kín đáo, nhóm họp ở đây không ai biết. 2. thầy có nâú cơm tháng cho mấy đưá học trò, cho nên học trò thường ra vào luôn, không ai để ý. 3. thầy không làm cách mạng, nhưng lại thích những chuyện cách mạng và rất vui lòng để cho tụi học trò làm cách mạng ở nhà thầy. 4. thầy được chủ Tây trong thành phố tin cậy hoàn toàn, cho là một người An-nam-mít đứng đắn, ngoan ngoãn, dễ thương. Tuấn đi theo Quỳnh đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên vào lúc 7 giờ tối. Thầy đang nằm trên ghế xích đu ngoài hè. Tuấn và Quỳnh chào, thầy gật đầu cười làm dấu hiệu bảo đi vào nhà trong. Ba anh học trò lạ, ở trường Quốc Học Huế, mới vào hồi chiều, đã ngồi nơi bàn với mấy cậu học trò Qui-nhơn: Hảo ( lớp Ðệ Tam niên ), Tố (Ðệ Tam niên ) và 3 anh (Ðệ Tứ niên ), vời Quỳnh, Tuấn (Ðệ Tam niên ) là tất cả 10 người. Ba cậu Quốc Học ( cũng Ðệ Tứ và Ðệ Tam niên ), thay phiên nhau nói cho 7 cậu Qui-nhơn nghe vì sao học trò toàn quốc phải bãi khóa để chứng tỏ rằng thanh niên An Nam năm 1927, đã giác ngộ rồi, đã biết nêu cao tinh thần ái quốc, không chịu để cho Tây hà hiếp, khinh miệt dưới chế độ thuộc địa, và nhất là để thắt chặt tinh thần đoàn kết của thanh niên nam nữ học sinh cả ba kỳ Trung, Nam, Bắc, trong cuộc Tổng Bãi Khóa nhân dịp lễ Pâques 1927. Cuộc trao đổi ý kiến giữa ba phái viên Quốc Học Huế và 7 đại diện học sinh Qui-nhơn, rất nồng nhiệt và thân ái. Tất cả đều đồng tâm nhất trí, cương quyết thắt chặt tình đoàn kết của học sinh toàn quốc. Quỳnh, một đại diện hăng hái nhất của Collège Qui Nhơn, với nét mặt gân guốc, giọng nói cứng rắn và mạnh dạn, bảo: - Các anh cứ tin nơi tụi tui. Ở Huế, các anh các chị được gần gũi cụ Phan Bội Châu, được nhờ sự hướng dẫn của Cụ, còn tụi tui ở đây vì xa xôi, đơn độc càng thấy đau khổ hơn, càng bị áp chế hơn. Một viên giáo sư Pháp là Gabriel, dậy Toán, cứ chửi " nòi giống An nam là mọi rợ, nước An nam là dã man " Tụi tui tức lắm, nhưng cứ ngậm câm mà nuốt hận, chưa biết làm cách nào để trả thù. Lần này thì tuị tui phải quyết liệt hưởng ứng phong trào bãi khóa ở đây cho đến thắng lợi mới thôi. Quỳnh quay sang hỏi Tuấn: - Mày nghĩ sao, Tuấn? Mầy có ý kiến gì, nói đi. Tuấn cưiời: - Tao cũng nghĩ như mầy. Tao còn muốn chờ đến khuya, rình lão Gabriel đi đánh bạc ở cercle về, mình nấp ở gốc cây phi-lao và ném đá granit vào đầu lão cho bể đầu lão, thì tao mới khoái. Còn bây giờ tính làm grève, thì làm! Sợ cóc gì! Hảo, Tố, và ba anh Ðệ Tứ niên đều hoàn toàn tán thành tham gia cuộc bãi khóa toàn quốc và còn muốn làm hăng hái hơn ở Saigon và Hà nội nữa. Ba anh Quốc Học Huế cười: - Dân Trung kỳ tụi mình không bao giờ chịu kém Bắc kỳ và Nam kỳ. Lần này mấy anh ở Cao đẳng Hà nội khởi xướng ra trước, thì tụi mình nhất định hưởng ứng theo và cương quyết không bỏ rơi nửa chừng. Làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Bị tù cũng không cần. Toàn thể đều hăng hái reo lên: - Tù thì tù chứ, sợ gì! Một anh Ðệ Tứ niên Qui-nhơn bảo: - Tụi mình đâu phải đồ vá áo túi cơm. Tụi mình đi học đâu phải để sau ra làm quan cho Tây. Học là để giúp dân giúp nước chớ. Học để đem tài năng ra phụng sự Ðồng Bào Tổ Quốc, cho xứng đáng là thanh niên nước Việt chứ. Bây giờ anh chị em ở Hà nội, Huế, Saigon, các nơi đều làm grève, hổng lẽ tụi Qui Nhơn cứ cắp sách đi học sao? Nhất định làm " reo "! Hoan nghênh làm " reo "! Cuộc hội họp bí mật rất là ồn ào trong căn phòng kín bên cạnh nhà bếp của thầy Phạm Đào Nguyên. Mãi đến 1 giờ sáng cuộc hội họp bí mật mới xong, bảy học sinh Qui-nhơn đều tiễn ba phái viên học sinh Quốc học ra bến xe đò để ba anh này còn đi Saigon, cổ động các trường trong Nam. 5giờ sáng ba anh lên xe đò " Bạch Hổ "đi rồi, tụi Qui-nhơn kéo nhau ra bãi biển ngồi hóng gió, và thầm thì bàn luận về cách tổ chức cuộc Bãi Khóa, bắt đầu ngay từ ngày hôm ấy. Tất cả đều đồng ý theo kế hoạch sau đây: Ba anh Ðệ Tứ Niên: thảo bản yêu-sách bằng Pháp văn để gửi lên ông Ðìa-réc-tơ. Tối họp tại nhà trò Hảo để coi lại bản yêu-sách, thêm bớt. Bản yêu sách đòi bốn điều: - Thêm trong chương trình Trung học mỗi tuần một giờ Sử Ký An Nam ( trước, Sử Việt chỉ có một giờ, Sử Pháp hai giờ. Nay xin hai giờ Sử Việt, một giờ Sử Pháp). - Ðuổi ông giáo sư Gabriel, thay thế giáo sư khác biết kính trọng Dân Tộc An Nam. - Mở thêm các lớp Trung học - Cho phép một phái đoàn học sinh Qui-Nhơn ra Huế thăm Cụ Phan Bội Châu. Tuấn không chịu để điều bốn: - Trong tụi mình những đứa nào xin được tiền cha mẹ thì cứ đi. Hoặc kêu anh em góp tiền lại cho năm, sáu đứa đại diện rồi sẵn dịp nghỉ hè sắp tới đây, cứ việc mua giấy xe đò đi Huế thăm cụ chớ cần gì phải xin phép ông Ðìa-réc-tơ? Ðiều khoản bốn này được bàn cãi rất gắt gao và rất lâu. Rốt cuộc được bỏ, và giữ nguyên vẹn ba điều khoản trên. Bản yêu sách bằng Pháp văn của học trò trường Qui Nhơn, sau khi cùng nhau sửa chữa thêm bớt, còn lại đúng nguyên văn như sau: A Monsieur le Chef du service de l'Enseignement en Annam, Huế, Sous couvert de Monsieur le Directeur de collège de Qui Nhơn. Nous, soussignés, Elèves de Collège Primaire Supérieur de Qui Nhơn, avons l’honneur de vous addresser respectueusement la présente requête, tendant à obtenir les faveurs suivantes: - Augmenter une heure d’Histoire d’Annam par semaine, et supprimer une heure d’ Histoire de France, dans les programmes des cours primaries supérieurs. - Remplacer immédiatement M. Gabriel, Professeur de Mathématiques par un autre professeur qui n’insulte pas le peuple d’ Annam. - Ouvrir de nouvelles classes Primaires-Supérieures au Collège de Qui Nhơn. Nous espérons que notre requête sera prise en considération pendant les vacances de Pâques. Dans le cas contraire, nous regrettons de vous informer que nous serions obligés de nous mettre en grève afin d’obtenir satisfaction. Veuillez agréer, Monsieur le Chef de service de l’Enseignement, l’expression de notre humble reconnaissance. Les élèves de Collège Primaire Supérieur de Qui Nhơn. Cái đơn viết hăng như thế, nhưng không trò nào ký tên cả. Toàn thể đồng ý ký chung là " Học sinh trường Cao đẳng Tiểu Học Qui-Nhơn " Thế là bắt đầu ngày lễ Pâques, nhóm Ðệ Tam Niên Quỳnh, Tuấn, Hảo, Tố, được giao phó cho công việc đi tuyên truyền bãi khóa trong giờ học sinh, còn nhóm Ðệ Tứ Niên thì họp tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên là nơi tập trung tin tức và liên lạc với các Trường Phủ-Huyện. Học sinh ở rải rác các nhà trong thành phố và các xóm ngoại ô. Hảo và Tố đi từng nhà, rủ từng người đến họp một nơi vắng vẻ nào đó, hoặc là nhà một phụ huynh học sinh có thiện cảm với phong trào bãi khóa hoặc ra bãi biển, hoặc lên sườn núi. Ðến đây đã có Quỳnh và Tuấn, được trao phó trách nhiệm diễn thuyết hô hào bãi khóa. Một buổi chiều Tuấn phải đi cổ động một nhóm học trò Ðệ Nhất Niên gần năm mươi người họp trên một gò đất trống ở bìa núi Xuân Quang. Tuị này nhát lắm, đa số sợ ở tù. Tuấn phải cổ động cho họ hưởng ứng phong trào bãi khóa, cho họ phấn khởi, hăng hái đừng rụt rè do dự nữa. Trời nắng chang chang như lửa đốt. Trên gò chỉ có và cây cao, bóng mát không đủ che cho một số đông gần 50 thiếu niên. Tuấn không đội mũ, cứ để đầu trần như thế mà ngồi " diễn thuyết " trong đám học trò mồ hôi ướt nhẹp cả áo. Tuấn bị nhiều câu hỏi rắc rối mà Tuấn tìm cách trả lời cho xuôi tai, nhưng đến khi có một câu hỏi:" Bãi khóa, lỡ bị bắt bỏ tù thì sao, anh? " Tuấn phải trả lời:" Học sinh toàn nước An nam bãi khóa, chớ không riêng gì ở trường mình. Toàn thể học sinh trường Qui Nhơn Bãi khóa, chứ không riêng gì một hai lớp. Không lẽ cả nước ở tù sao? " Sau cùng, hầu hết học trò đồng thanh bãi khóa, trừ một cậu:" Tui thì tui cứ đi học như thường. Tui ở nhà thì cha tui đánh tui chết ". Tức thì có mấy người bạn của cậu xừng xộ:"Mày đi học thì tụi tao đánh mầy chết! ". Cậu kia ngồi im. Công cuộc vận động bãi khóa hồi 1927 kể ra thật là gay go. Vì là lần đầu tiên trong Lịch sử, học sinh An nam bãi khóa chống lại Chính phủ thuộc địa Pháp. Tuy nói là phong trào toàn quốc, nhưng chỉ có một thiểu số bảy tám học trò ở lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ niên biết mà thôi. Ðó là các trò lớn được liên lạc với phong trào ở Huế, còn toàn thể học sinh các lớp Tiểu học và Ðệ Nhất Ðệ Nhị Trung học thì có biết rõ gì đâu. Do đó, cuộc vận động bãi khóa thường gặp nhiều trở lực, nhất là trong đám phụ huynh học sinh ở ngay thành phố. Buổi chiều, Tuấn bị giải nắng trên gò núi, lúc về bị cơn mưa to. Tuấn nóng lạnh nằm trùm mền. Ðồng hồ điểm 8 giờ, Quỳnh đội nón, mang tơi ( loại áo mưa chằm bằng lá tơi ) đến. Thấy trong nhà có đông người, Quỳnh đứng ngoài hè không dám vào. Tuấn tung chăn chạy ra. Quỳnh bảo:” Có một đám học trò Phù Cát, Phù Mỹ gần 100 đứa ở nhà thằng Thọ trên Lò Vôi. Chúng nó vô đây để thi primaire, hai đứa mình phải tới đó để diễn thuyết cổ động “ Tuấn hỏi:” Có phụ huynh không? “ Có, Tuấn ngán có phụ huynh, vì thế nào cũng bị mấy ông bắt bẻ chuyện này,chuyện nọ. Nhưng Quỳnh bảo:" Tụi mình diễn thuyết luôn cả cho mấy ông phụ huynh nghe, chứ sợ gì? " Tuấn ngại, phần thì trời mưa dầm dề, mỗi lúc mỗi to, nhưng Quỳnh cứ giục Tuấn đi. Tuấn mượn chiếc áo tơi và cái nón của chị ở nhà trọ, rồi ra đi với Quỳnh. Trong đêm mưa tầm tã, giữa một thành phố vắng tanh vắng teo, hai cậu học trò vừa bước đi vội vàng, vừa thầm thì với nhau. Quỳnh căn dặn Tuấn: - Vô đó mầy đừng sợ, nghe không! Mầy nói trước, tao nói sau. - Mày biểu tao nói gì bây giờ trước 100 thằng học trò lạ, với cha mẹ của tụi nó? Nhứt là nếu gặp mấy ông Tú nhà nho, họ xổ Khổng Tử, Mạnh Tử ra, thì tụi mình cứng họng. - Lo gì, mầy! Họ xổ ông Khổng ông Mạnh, thì mình cũng xổ ra J.J Rousseau, Voltaire, xem họ có ngán không? - Thôi, mày nói trước tao nói sau, tao mới chịu. Chứ cái tánh tao sợ, tao hay nói cà lăm. - Thì mày đừng sợ. Việc gì mà sợ? - Tao nói cho mày biết trước, hễ tao cà lăm nói không xuôi thì tao bỏ chạy hỉ? Mầy ở lại làm sao thì làm, hỉ? Hai đứa nói chuyện vừa đi trong cái ngõ hẻm quanh co, hai bên hàng xóm chó sủa vang lên. Qua hai cái lò vôi, mùi vôi khét nghẹt. Tuấn bị nghẹt mũi. Tuấn bảo Quỳnh: - Chết cha rồi mày ơi, tao bị nghẹt mũi, chút nữa làm sao tao nói? Quỳnh cười hăng hắc: - Mày nói bằng miệng, chứ nói bằng mũi sao mầy? Quẹo mấy đường hẻm nữa thì đến căn nhà của tụi học trò Phù Mỹ, Phù Cát. Tuấn đứng lại, vạch hàng rào dòm vô thấy đông nghẹt những người và tiếng ồn ào. Giữa nhà treo ngọn đèn " măng sông " sáng rực. Tuấn do dự chưa dám vào nhưng Quỳnh nắm tay lôi đi. Vì đã được báo trước, nên tụi học trò đang chờ đợi và xôn xao. Quỳnh và Tuấn bẽn lẽn bước vô. Ði ngoài đường, Quỳnh nói bạo dạn bao nhiêu thì tới đây Quỳnh lại sợ bấy nhiêu. Trên hai chiếc ghế tràng kỹ kê hai bên một cái bàn, có năm sáu ông cụ Nho đang ngồi ăn trầu, hút thuốc. Quỳnh và Tuấn bỏ nón và áo tơi ngoài hè, đủng đỉnh bước tới và lễ phép cúi đầu chào. Một ông cụ thung dung bảo: - Mời hai cậu ngồi chơi. Trên một trăm học trò ngồi chật hai căn nhà lớn, ngong ngóng chờ xem hai anh Ðệ Tam Niên sắp sửa nói gì. Trong mấy ngày lễ Pâques vận động bãi khóa, các giới học sinh đã đồn với nhau về "tài diễn thuyết " của hai anh Ðệ Tam Niên, nên lần này đám học trò Phù Mỹ, Phù Cát tiếp đón hai cậu với những cảm tình đặc biệt đã sẵn có. Nhưng mấy ông phụ huynh nhà Nho coi bộ không bằng lòng, cho rằng: Bãi khóa là muốn làm loạn chống lại Nhà Nước. Tuấn ngôì làm thinh, vì Tuấn có thói quen mỗi khi ai cãi với Tuấn, Tuấn để cho họ nói hết, dù họ công kích kịch liệt đến đâu Tuấn cũng bình tỉnh và im lặng ngồi nghe. Xong rôì Tuấn mới trả lời một lần, đả phá hết những lập luận của đối thủ. Quỳnh thì trái lại, rất nóng nẩy, và cãi một lúc thì thế nào cũng đổ quạu. Mở đầu, Quỳnh kể những lý do tại sao có cuộc vận động bãi khóa toàn quốc. Quỳnh công kích người Pháp, theo những lý luận của những tờ báo cách mạng đã đọc được lén lút từ khi có phong trào ái quốc nổi dậy trong nước. Sau vụ án Phan Bội Châu và bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh. Ðể chận các ông phụ huynh nhà Nho bắt bẻ, Quỳnh khôn khéo đưa ra những danh ngôn của các triết học Pháp thế kỷ XVIII, chủ trương Nhân Quyền, Dân Quyền như Diderot, JJ. Rousseau, Voltaire, và các nhà văn cách mạng Pháp thế kỷ XIX. Cậu học trò Ðệ Tam Niên đã loè được các cụ nhà Nho bằng những câu tiếng Pháp mà các cụ nghe choáng váng, không hiểu gì cả và không dám cãi. Các cậu học trò primaire thì phục Quỳnh như một nhà hùng biện thông thái nhất trên đời. Nhưng Phan Quỳnh nói xong, không ngờ bị ông Xã mặt rỗ, có bộ râu cá trê và có một cái thẹo lớn trên trán, hỏi: - Các cậu xúi học trò bãi khóa, vậy tui xin hỏi tại sao các cậu không lên thẳng cụ Sứ, biểu Cụ đóng luôn cửa trường có hơn không? Cần chi bãi khóa để ở tù, hỉ? Rồi ông Xã vuốt râu cười đắc chí. Mấy ông phụ huynh cũng cười và một học sinh cười theo. Quỳnh nói nhỏ với Tuấn:" Trả lời đi mày ". Tuấn đã chờ đợi những phút gay cấn ấy, biết trước thế nào cũng có, và cũng đã sẵn sàng câu trả lời, rút kinh nghiệm trong lúc đi vận động mấy ngày trước, đã bị nhiều người hỏi câu đó. Tuấn vẫn ngồi nơi bộ ván kê ngoài hè, trước mặt cử tọa đông đủ. Tuấn nhoẻn một nụ cười điềm nhiên, và chậm rãi nói: - Dạ thưa Bác, nếu ở tù thì anh em chúng tôi xin tình nguyện ở tù thay cho 600 học trò trường Qui Nhơn và 2000 học trò Phủ Huyện. Chúng tôi, 8 đứa, đã sẵn sàng chịu tất cả trách nhiệm. Vả lại, không có lý toàn thể học trò đều bị bắt ở tù hay sao? Nhà tù đâu cho đủ để chứa ba ngàn học trò trai và gái? Mấy vạn sĩ tử ở khắp xứ Annam, ở khắp các trường Bắc kỳ, Trung, Nam kỳ, đồng bãi khóa một lượt, không có lý riêng học trò tỉnh Bình Ðịnh và Qui nhơn lại lui cui đi học? Bình Ðịnh là một tỉnh lớn, học trò Bình Ðịnh đâu có hèn như vậy? Toàn thể học trò Bình Ðịnh và Qui Nhơn bãi khóa, không có lý riêng học trò hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát là không tham gia bãi khóa? Học trò Phù Mỹ, Phù Cát đâu có hèn như vậy? Nhưng tại sao bãi khóa? Dạ thưa vì có một ông giáo Tây cứ chửi nòi giống ông cha mình là mọi rợ, là bẩn thỉu, là ngu ngốc. Thí dụ có một người nào chửi ông bà cha mẹ ta là mọi rợ là ngu ngốc, thử hỏi các Bác các Chú có chịu được không? Huống hồ chúng tôi là đám con cháu! Bị chửi như thế chúng tôi tức lắm, nếu cúi đầu làm thinh để nghe chửi mãi thì chúng tôi là lũ con bất hiếu, cho nên học trò bãi khóa là để xin nhà nước Ðại pháp đuổi ông Tây đó đi. Có vậy thôi, thì không lý nhà nước Ðại Pháp bỏ tù bọn học trò An Nam có hiếu với ông bà cha mẹ hay sao? Các cụ nhà nho nghe đến việc hiếu nghĩa thì đồng lòng hơn là việc chính trị, cho nên sau khi Tuấn nói một hồi lâu, các cụ cũng đồng ý về nguyên tắc bãi khóa “để xin Nhà Nước Ðại Pháp đổi người thầy giáo Tây thường chữi ông cha người An Nam là mọi rợ, ngu ngốc”. Sự thật, như các bạn đã biết, cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh toàn quốc, là có mục đích chính trị hơn là luân lý. Ðề tài luân lý chỉ dùng để thuyết phục các nhà Nho, và các phụ huynh học sinh mà thôi. Quỳnh và Tuấn ra về giữa lúc trời còn đổ mưa như nước lũ. Hai đứa mang áo tơi đội nón đi đủng đỉnh nói chuyện và cười, phê bình mấy ông “Khổng Tử viết…”. Ði khỏi lò vôi, Quỳnh và Tuấn nghe có tiếng ai chạy thùi thụi phía sau, rồi kế tiếp một bóng trắng xô mạnh Quỳnh và Tuấn ra hai bên để nó vượt tới, và biến mất, Quỳnh và Tuấn sợ điếng người, khẻ bảo nhau: “Ma! Ma!” Hai đứa cắm đầu chạy một mạch ra đưòng cái quan rồi mạnh đứa nào đứa nấy chạy tuốt về nhà. Hôm sau, cuộc vận động cho phong trào bãi khóa tiếp tục. Sau mấy ngày đêm liên tiếp đi từng nhóm, từng nhà học sinh, để cổ động lén lút cho cuộc bãi khóa thực hiện ngay sau ngày lễ Pâques, Quỳnh, Hảo, Tố, Tuấn hết sức kinh ngạc gặp mặt bốn vị Ðốc học (giáo sư) An Nam tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên một buổi sáng, vào lúc 9 giờ. Bọn học trò đánh bao nhiêu dấu hỏi về sự hiện diện bật ngờ của ông Ðốc Th., ông đốc Tr. và ông đốc Bính. Bốn ông cùng đến đây một lúc vớI mục đích gì? Các trò đoán ngay là vụ vận động bãi khóa đã bị tố giác lên ông Ðìa-réc-tơ Henry Deydier và có lẽ ông sai bốn ông giáo sư Annam đi ngăn cản cuộc bãi khóa. Ðúng thế. Nhưng ai tố giác? Ban vận động bãi khóa nhất định nghi cho trò Th. (Ðệ tứ niên) và trò Tr. (Ðệ tam niên). Hai con chiên ghẻ của nhà trường. Nhưng chuyện ấy được gát một bên, vì các trò cương quyết đeo đuổi cuộc hoạt động bãi khóa cho đến cùng. Một là vì đã cam kết với anh em Quốc học Huế, hưởng ứng cuộc bãi khóa Toàn quốc, hai là vì cuộc vận động ở Qui-nhơn cũng đã có hiệu quả: toàn thể các lớp đều nhất luật nghe theo lời hiệu triệu bí mật của “mấy anh lớn “. Bây giờ phải làm cách nào để đối phó với bốn ông Ðốc An nam đã tuân mệnh lệnh của ông Ðìa để đi phá hoại cuộc bãi khóa? Bốn ông ngồi đạo mạo nơi bàn khách giữa nhà. Học trò lễ phép pha trà mời các ông và nghe các ông khuyến dụ. Dĩ nhiên, luận điệu của các ông rất là yếu ớt, không đứng vững, bởi không ngoài những lời dọa dẫm bị bắt, bị đuổi, bị ghi tên vào sổ đen, bị tù tội, nhất là bị gán cho một danh từ bằng Pháp ngữ rất nguy hiểm ở thời bấy giờ “mauvais esprit “ (đầu óc xấu xa ). Trò nào bị hai chữ “ mauvais esprit “ ghi vào học bạ, thì chắc chắn là sẽ bị Mật Thám chú ý và theo dõi. Bốn ông Ðốc dùng bốn luận điệu khác nhau. Ông Ðốc Th. Giáo sư Luân lý, khuyên học trò chăm học để vui lòng mẹ cha, đừng làm tầm bậy mà gây họa cho cả Phụ Huynh và Gia Ðình. Ông bảo:” Con dại cái mang, lời tục ngữ đã nói thế. Các trò làm việc phi pháp thì cha mẹ sẽ bị tù tội.” Ông Ðốc Tr. giáo sư Lý-hoá, bảo các trò đến lớp Ðệ Tam, Ðệ Tứ Niên, chỉ còn vài tháng nữa, hoặc một năm nữa là đi thi, đỗ bằng diplôme rồi ra đi làm việc Nhà Nuớc. Bây giờ bãi khóa, có phải uổng cái công đèn sách mấy năm không? Ông Ðốc Bính “ nhà ái quốc “, thì khuyên:” Các anh nên ôn hòa, đừng nóng nẩy làm bậy mà sau ăn năn không kịp “. Còn ông Ðốc V., giáo sư Quốc văn, thì trổ hết tài hùng biện để đe dọa học trò “Các câụ còn nhỏ tuổi, đầu óc chưa suy nghĩ cao xa, cho nên hay bồng bột, nghe lời xúi dại, làm việc ngu xuẩn, để rồi mang họa vào thân. Các cậu hãy liệu hồn, nếu không nghe lời chúng tôi, mà gây ra cuộc bãi khóa, thì Quan Sứ sẽ bỏ tù hết, và đóng cửa trường “. Bốn ông Ðốc An nam khủng bố tinh thần học sinh cả một buổi sáng, đến 11 giờ các ông ra về. Sự can thiệp của các ông đã gây hoang mang lo sợ trong đầu óc của đa số học sinh. Ban vận động bãi khóa phải tăng gia việc tuyên truyền chống lại, để cuộc Bãi khóa nhất định phải được thực hiện theo trào lưu Quốc gia, vì dù muốn dù không nó cũng đã có một mục tiêu chính trị Toàn Quốc mà lớp học sinh lớn đã có ý thức rõ rệt. Còn hai ngày nữa, ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, thì hết nghỉ lễ Pâques. Ban Vận Ðộng phải hoạt động ráo riết để làm sao ngày thứ Hai là ngày tựu trường, đừng có một học sinh nào đi học. Sáng Thứ Bảy có yết thị dán ở cổng trường, do ông Ðìa-réc-tơ ký tên và đóng dấu đỏ. Yết thị bằng tiếng Pháp đánh máy trên một tờ giấy pelure mỏng đại ý nói: “Ông Hiệu trưởng thông cáo cho toàn thể học sinh nhớ rằng ngày tựu trường sau lễ Pâques là thứ Hai 11-4-1927, đúng 8 giờ sáng như thường lệ. Trò nào không đi học sẽ bị đuổi.” Ban vận động hồi hộp lo ngại nếu sáng thứ Hai đa số học sinh đi học thì …cuộc Bãi khóa sẽ coi như bị thất bại thê thảm. Vì thế, ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, Ban Vận động phải tức tốc tăng cường: thay vì 8 người lúc đầu, thêm hai người ở hai lớp Ðệ Tam và Ðệ Tứ Niên. Cuộc vận động đã đến lúc sôi nổi nhất, tuy vẫn giữ được âm thầm, lén lút, không có lúc nào công khai. Trời lại cứ mưa gió liên miên, các cậu học trò phải mang áo tơi và đội nón lá suốt ngày chia nhau chạy các xóm và các nhà có học sinh cư ngụ, để hô hào căn dặn giữ vững lập trường. Ðây là cả một âm mưu khá …nguy hiểm vì trong việc hô hào khuyến khích các anh em đã tán thành, còn có những lời hăm dọa các phần tử nhu nhược, lừng khừng. Mấy ngày mấy đêm ấy, Tuấn chỉ về thoáng qua nhà trọ 5, 10 phút để ăn cơm, rồi chạy đến các nhà bạn bè để bàn tán công chuyện. Thế rồi ngày “đại sự “đã đến … Theo thường lệ. 7 giờ rưỡi sáng, trống trường đánh ba hồi ba tiếng. Riêng sáng này, tiếng trống thật to, đánh thật chậm vang khắp cả thành phố. Quỳnh, Tố, Hảo, Tuấn v.v…rủ nhau đến các ngã ba, ngã tư, gần trường để xem xét tình hình. Mọi khi đến giờ này, học trò đã rải rác đi học, từ các ngã đường kéo đến từng đàn, từng lũ, trò chuyện vui đùa, nói la ầm ĩ. Hôm nay, trời lại hết mưa, sáng chói, nắng chói trên động đá chung quanh, Quỳnh và Tuấn đến ngấ sau cái miếu cây đa, gần nhà ông Ðốc Deydier. Tố, Hảo đứng thập thò nơi góc tường bếp sau nhà buôn Huê kiều Hiệp-Lợi, ngó thẳng đến cổng trường. Các trò khác đứng nơi ngã đường lên Xuân Quang. Trống đánh đã được 15 phút mà chỉ có vài bọn học trò con nít lớp Năm, lớp Tư, đi học. Nhưng các em vẫn rụt rè sợ sệt, đến gần trường thấy vắng qúa, không dám đi nữa, Chúng bảo nhau ngồi bên lề đường, và bên các ngôi mả đá có ý chờ đợi. Rải rác đó đây có độ bốn năm học trò khác cũng toàn các lớp Tiểu học từ 7 đến 10 tuổi. Học trò lờp Nhì Nhất và các lớp lớn đều không đến. Cuộc Bãi khóa đã thành công. Cổng trường mở rộng, nhưng sân trường vắng tanh không có bóng học trò. Trước hè Văn phòng Hiệu trưởng, tề tựu đông đủ các giáo sư Pháp và An nam. Hảo và Tố đứng sau nhà Hiệp Lợi, trông thấy rõ bộ mặt các ông lộ vẻ băn khoăn lo ngại. Mấy ông giáo sư Pháp đứng trò chuyện với vài giáo sư An nam rất là xôn xao. Ðúng 8 giờ, như thường lệ, ba tiếng trống đánh vào lớp, nhưng hôm nay không có học trò … Cuộc Bãi khóa đã thực hiện được 100%. Mấy cậu cầm đầu khoái lắm. Về nhà các cậu reo mừng nhảy múa, tha hồ cười to nói lớn, được bạn bè mến phục. Nhưng sự thật trong lòng cậu nào cũng áy náy lo ngại không biết rồi đây tình hình sẽ biến chuyển như thế nào. Ðây là cuộc Bãi khóa lần đầu tiên, có tính cách bồng bột, hơi liều lĩnh, vì ngoại trừ sự liên lạc quá xa xôi với hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh ở Huế, tại thành phố địa phương không có một hậu thuẫn nào hay một sự giúp đỡ của ai cả. Dư luận thành phố rất phân vân, vì đây là lần đầu tiên học trò công khai chống đối lại Nhà Nước. Trong dân chúng một số ít người tán thành cuộc bãi khóa, nhưng chỉ tán thành suông, không triệt để ủng hộ. Còn đại đa số đều cho rằng tụi học trò làm chuyện bậy bạ, và họ chờ xem Nhà Nước sẽ trừng phạt cách nào. Học trò cũng xôn xao đợi chờ. 8 giờ, trống đánh vào lớp trong phong cảnh học đường vắng teo, thì 8 giờ 30, bốn ông Ðốc An nam cùng đi một lượt đến nhà thầy Phạm Đào Nguyên. Ông đốc Th. Và ông Ðổ V. giáo sư Luân lý và Quốc Văn, ngồi chểm chệ trong hai chiếc xe kéo. Ông đốc Tr. giáo sư Lý Hoá thì cỡi chiếc xe máy thường nhật của ông. Ông đốc B. vẫn đủng đỉnh, đi bộ như thói quen hàng ngày. Học trò biết ngay đấy là bốn sứ giả của Ông Ðìa-réc-tơ. Tại nhà thầy Phạm Đào Nguyên có học trò ra vào thường xuyên, nhưng mấy cậu cầm đầu cuộc bãi khóa thì sáng nay không có. Họ đi tản mạn các nơi để xem xét tình hình và nhất là để phòng hờ ngăn cản những học trò đi học. Bốn ông Ðốc đều có vẻ mặt hơi ngượng ngùng và tức giận. Ngồi một lúc, thấy xung quanh mình chỉ có mấy đứa học trò con nít, ông đốc Th. hỏi: - Tụi Quỳnh, Tuấn, Tố ở đâu? Mấy trò lễ phép trả lời: - Dạ, thưa ông, mấy anh đó không có đến đây. Ông đốc V. bảo: - Ði gọi tụi nó tới ngay. Nói có các ông Ðốc ngồi chờ ở đây. Mấy em học trò sợ sệt, tuân lệnh chạy đi kiếm tụi Quỳnh, Hảo, Tuấn …Tố nơi mấy nhà quen. Ðược tin bọn này kéo nhau đến nhà thầy Nguyên, với ý định tuỳ cơ ứng biến. Bốn ông Ðốc An nam thay phiên nhau mà thuyết phục các trò, lấy tình thầy trò mà khuyên bảo. Các ông rầy la giận dữ, nhưng vẫn dỗ dành ngon ngọt, mục đích cuối cùng là khuyên học trò chấm dứt cuộc bãi khóa, và chiều nay nên đi học đông đủ. Các điều học trò yêu cầu, thì ông Sứ và ông Ðìa-réc-tơ sẽ cứu xét sau. Các ông Ðốc đảm bảo với học trò rằng nếu chiều nay toàn thể học sinh đi học lại, thì sẽ không có sự trừng phạt nào cả. Ông Deydier sẽ khoan dung tha thứ hết. Trong số 12 trò tham gia chỉ huy cuộc bãi khóa, 8 trò trốn tránh không dám đến nhà thầy Nguyên khi nghe tin các ông Ðốc An nam đến đấy. Chỉ có Quỳnh, Tuấn, Hảo và một anh Ðệ Tứ Niên là nhất định đi thử xem ra sao. Thấy thái độ của bốn ông Ðốc đều hòa nhã, và lời lẽ dịu ngọt, cả bốn cậu đại diện đều có vẻ sẵn sàng nghe lời thầy, tuy vẫn hăng hái giữ lập trường ái-quốc theo luận điệu của anh chị em học sinh Quốc học và Ðồng khánh ở Huế. Bốn ông Ðốc cố gắng thuyết phục bốn cậu học trò cầm đầu cuộc bãi khóa của toàn thể học sinh cả một buổi sáng. Riêng ông Ðốc Bính đã được sự tín nhiệm và mến phục nhiều nhứt của học trò, gọi riêng Quỳnh và Tuấn ra hè, bảo với giọng thân mật nhỏ nhẹ, bằng tiếng Pháp, đại khái:” Các anh bãi khóa một buổi thế cũng là đủ rôì. Ðối với nhà cai trị Pháp và giáo sư Pháp, thế cũng đã cho họ thấy rằng học sinh An nam đã tỉnh ngộ nhiều rồi …Chiều nay các anh nên bảo nhau đi đến trường, tiếp tục học như không có xảy ra việc gì cả. Nếu có điều chi nguy hại đến các anh, thì tôi sẽ can thiệp cho, tôi sẽ bảo đảm cho …” Cuộc điều đình giữa bốn giáo sư đặc phái viên của ông Ðốc học Deydier, và bốn cậu học trò đại diên cho học sinh bãi khóa, kéo dài cho đến 11 giờ trưa, suốt 3 tiếng đồng hồ. Rốt cuộc học trò phải nhượng bộ, vì dù sao, học trò không có hậu thuẫn trong các giới, và sĩ số không đông đảo như hai trường Quốc Học và Ðồng Khánh, Huế. Những nguời ở Huế về cho biết phong trào bãi khóa ở Huế mạnh lắm vì anh chị em ở Ðế-Ðô dựa vào uy tín của cụ Phan Bội Châu, và của một số giáo sư An nam triệt để ủng hộ Phong trào. Cuộc bãi khóa ở Huế rất sôi nổi, ồn ào, làm náo động cả Kinh đô, chứ không phải lặng lẽ đơn độc như ở Qui nhơn. Phong trào bãi khóa ở Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, cũng sôi nổi lắm. Nghe nói ở đây đa số phụ huynh học sinh khuyến khích cuộc bãi khóa. Ở Hà nội, phong trào bãi khóa ở trường Bưởi và trường Cao Ðẳng Ðại Học cũng làm xôn xao dư luận không ít, nhờ có các nhà cách mạng, lớp lão thành như cụ Nghè Ngô Ðức Kế, cụ Cử Dương Bá Trạc, lớp thanh niên như Nhượng Tống, Hồ văn Mịch đều cổ võ triệt để ủng hộ học sinh bãi khóa. Trái lại, ở Saigon và Cần Thơ, số học sinh đông hơn ở Huế và Hà nội, nhưng một vài trường đề xướng bãi khóa không được đa số hưởng ứng và phong trào không có tiếng vang. Phải nhìn nhận rằng cuộc vận động bãi khóa ở Huế là mạnh hơn cả, và có kết qủa nhiều hơn. Chính trong những dịp bãi khóa này mà học sinh các nơi đầu tiên nghe tên thầy Trợ giáo Ðào Duy Anh và cô Như Mân. Ðôi bạn trẻ này rất hăng hái và Như Mân cầm đầu cuộc bãi khóa ở trường nữ học Ðồng Khánh đã khiến cho giới An nam và cả Bảo Hộ đều thán phục. Do cuộc bãi khóa, hai người bạn trẻ quen biết nhau rồi yêu nhau. Ðào Duy Anh đã từ bỏ nghề gõ đầu trẻ để nghiên cứu các sách về Sử Học, và viết bài trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng mới mở. Sau đó ít lâu, Ðào duy Anh và Như Mân thành hôn, và loại sách “ Quan Hải Tùng Thư “ ra đời, được dân chúng, và nhất là trí thức, học sinh, nhiệt liệt hoan nghênh. Cuộc bãi khóa trường Qui nhơn chỉ thành công được một nửa, nhưng ảnh hưởng của nó rất sâu rộng, và không ai chối cãi rằng phong trào ái quốc và cách mạng ở thành phố lớn này chính là do bọn học sinh ở đấy gây ra đầu tiên, từ vụ vận động ân xá cụ Phan Bội Châu, vụ để tang cụ Phan Chu Trinh cho đến vụ bãi khóa 1927. Cuộc bãi khóa chấm dứt ngay buổi trưa ngày thứ Hai 11-4 và mấy trò cầm đầu Quỳnh. Tuấn, Hảo, Tố v.v…lại phải chạy đi từng nhà, từng xóm, để kêu gọi học trò buổi chiều đi học. 2 giờ chiều, ba hồi trống đánh tựu trường như thường lệ. Cả thành phố đều vui vẻ thất từng đàn học sinh lũ lượt kéo nhau đi học như mỗi ngày, không có triệu chứng gì khác cả. Một anh thợ cúp tóc, vắng khách, ngôì trong tiệm ngó ra cười và hỏi to mấy cậu đi ngang qua trước tiệm anh: - Sao, hết bãi khóa rồi hỉ? Bọn học trò gật đầu cười: - Ông Ðốc năn nỉ hết hơi, tụi tui mới chịu đi học chớ dễ gì! Ðó chỉ là một câu nói dốc cho vui, chứ sự thật cậu nào cũng lo ngại, đợi đến trường mới biết được thái độ của ông Deydier … Vào cổng trường, Tuấn thấy ông Ðìa-réc-tơ và đông đủ các ông giáo sư Tây và An nam, cả ông Tổng giám thị ( surveillant général ), ông Ðốc Gi, đứng trước hè văn phòng hiệu trưởng, lặng lẽ dòm ngó học trò lần lượt đến trường. Tuấn hơi bẽn lẽn, rụt rè, dở mũ chào các ông trong lúc đi ngang qua, và liếc thấy ông Deydier gật đầu chào lại. Vài ông giáo sư Pháp mĩm cười hóm hỉnh, ông giáo sư Toán Gabriel ngó trân trân với nét mặt giận dữ. Mấy ông giáo sư khác làm nghiêm. Câu chuyện xôn xao khi học trò đến đã đông đủ ở préau ( gian nhà trống để học trò chơi trong giờ nghỉ học ), không phải là sợ sẽ có sự trừng phạt, mà là bàn tán về hai tên “điềm chỉ “đã tố cáo bí mật với ông directeur về cuộc vận động bãi khóa. Hai trò ấy chiều nay lại không đi học: Th. ở lớp Ðệ Tứ Niên và Tr. ở lớp Ðệ Tam Niên, hai trò giỏi toán nhất ở hai lớp. Hai giờ rưỡi, ba tiếng trống đánh vô lớp. Ai nấy đều hồi hộp … chờ đợi trận tấn công chửi mắng của Ông Deydier và các giáo sư. Nhưng lạ thay, chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Giáo sư dạy học như thường lệ. Ở lớp Ðệ Tam Niên của Tuấn, giờ đầu là môn Hóa-Học của ông Ðốc Trừng, một ông giáo sư nghiêm khắc nhất. Ông Trừng vào lớp, đến bàn ngồi, dở sổ điểm ra, điềm nhiên gọi: - Ðinh tấn Hường! Ðây là một cậu nghịch ngợm nhất, chuyên môn đập vỡ những chai acide và những ống thủy tinh của phòng thí nghiệm Lý Hóa. Hường đứng dậy, lên bảng đen trả bài. Hường thuộc bài làu làu, chiều ấy hãnh diện được ông Ðốc cho 8 điểm ( trên 10 ). Hường tủm tỉm cười xuống bàn. Kế đến một trò khác được gọi lên … rồi vài trò nữa, rồi ông đốc dạy bài mới. Hết giờ, một tiếng trống đánh, đổi thầy. Ông Gabriel giáo sư Kỷ hà học bước vào. Mặt ông đỏ hơn mọi khi. Nhưng ông cũng chẳng làm gì khác hơn là gọi vài trò lên bảng đen trả bài, như thường lệ. Chính ông là một cái đích của cuộc bãi khóa. Học trò bãi khóa tố cáo ông chửi người An nam là mọi rợ, “ An-na-mít “ là giống dân “ bẩn thỉu “ và yêu cầu Nhà Nước đổi ông giáo sư khác. Nhưng Nhà Nước không đổi ông, học trò bãi khóa đã đi học, ông vẫn đi dạy, như không có chuyện gì xẩy ra. Riêng Tuấn đã bị ông ghét nhất từ trước ( vì dở Toán nhất ), lần này Tuấn tin chắc sẽ bị ông trả thù. Nhưng ông vẫn thản nhiên. Có lẽ ông khinh Tuấn, cho là trẻ con, không làm gì được ông! Cũng có lẽ ông xấu hổ, làm ngơ chuyện bãi khóa, cho êm. Hoặc giả ông gượng làm lành để gây cảm tình với học trò An-na-mít, và không muốn gây sự với chúng nó. Nhiều trò đoán chừng rằng ông Gabriel bị ông Ðốc trường Henri Deydier rầy la, nên ông không dám trả thù, và cũng không dám chửi mắng người An-na-mít như trước nữa. Tình hình nhà trường yên ổn, trái hẳn với những lo ngại và dự đoán của học sinh. Nhưng nửa tháng sau, Tuấn nhận được thư của cha ( lúc bấy giờ ông phán Tuấn, anh ruột của Tuấn em, đã bị tù vì hoạt động chống Pháp, như thầy Ðổng Sĩ Bình ). Thư của ông thân sinh viết cho Tuấn như sau đây. Con, Sao con nghe lời người ta xúi giục bãi khóa chi vậy? Quan Ðốc Học viết thư về trách cha mẹ không dạy bảo con … Quan Ðốc học biểu cha phải đánh con 100 roi khi con về nghỉ Hè, để từ nay con đừng làm chuyện bậy bạ nữa. Cha mẹ lo cho con ăn học, mong sau này con thi đỗ, đề công thành danh toại thì cha mẹ vui mừng. Sao con không biết thương cha mẹ, vô trong trường làm việc phi pháp, nếu như Nhà Nước bắt bỏ tù con thì khổ cho cha mẹ biết bao. Mẹ con nghe cha đọc bức thư của Quan Ðốc học, thì mẹ con khóc lóc và giục cha phải vô Qui Nhơn mau mau đi xin Quan đốc tha tội cho con. Chắc là tháng sau cha phải vô, cha sẽ đem một quả đường bông, một quả gạo nếp, hai chai mật ong và hai miếng quế Thanh quí giá, để kỉnh Quan đốc học, và xin cho con khỏi bị đuổi. Mẹ con lo lắm vì mẹ con đi chợ nghe bá Phán Ðông cho biết là Quan đốc học Qui Nhơn có viết thư cho quan Sứ ở đây nói về mấy đứa học trò quê tỉnh mình xúi học trò Qui Nhơn bãi khóa, sẽ bị đuổi hết. Mẹ con buồn lắm, ngày đêm cứ thúc giục cha phải đem lễ lộc vô lo lót quan Ðốc. Vậy chắc là tháng sau, cha khỏe mạnh sẽ vô Qui Nhơn, chớ tháng này bị đau yếu, chưa đi được đâu. Cha gởi lởi thăm con, cha khuyên răn con cố lo học hành, đừng làm chuyện chi sái phép, thì cha buồn rầu. Thơ bất tận ngôn Ký Tên. Tuấn xem thư cha, lòng cảm xúc, đau khổ. Trưa, cậu học trò ở trường về không ăn cơm, thui thủi đi ra bãi biển một mình, ngồi khóc nức nở. Ðã qua, sự hăng hái bồng bột của một cậu học trò! Bây giờ là sự hối hận đau khổ của một đứa con bị cha mẹ rầy la, thấy cha mẹ buồn rầu lo nghĩ. Nhưng biết làm sao được? Cùng một lúc, Quỳnh và Tố, người đồng tỉnh với Tuấn, cũng cho biết là có nhận thơ của cha mẹ la mắng về vụ bãi khóa …Ông Ðốc học cũng có viết thư về cho cha mẹ Quỳnh và Tố, bảo phải đánh đòn khi hai trò về quê nghỉ hè. Thì ra, hầu hết phụ huynh học sinh bốn lớp lớn đều được thư báo cáo và khiển trách của ông Ðìa-réc-tơ. Mấy kẻ khởi xướng phong trào đều nhận tội với cha mẹ, điều đó đã đành. Chỉ oan ức cho đa số nghe theo lời bạn bè mà bãi khóa, bây giờ cũng chịu hậu qủa chua cay. Có điều đáng khen là các cậu này bị mắng oan, nhưng không hề thù hận tụi khởi xướng, và gặp nhau, trao đổi cho nhau xem thư của cha mẹ, chỉ cười khúc khích với nhau, như đã cùng nhau thông cảm trong cơn nguy biến. Tuy nhiên, ngoài mặt các trò cố giữ vẻ điềm tỉnh, không sợ sệt, Ông Ðốc và các giáo sư Pháp Nam cũng không tỏ ra triệu chứng gì khác thường, không khí học đường hai tháng sau buổi bãi khóa vẫn yên tỉnh, không chút xao động. Nhưng trong lòng các học sinh -- nhất là mấy cậu thủ phạm cuộc bãi khóa -- đều áy náy không yên. Ngày cuối niên khóa 30-6-1927 bỗng dưng có một chuyện xôn xao kinh hãi: 12 cậu khởi xướng hăng hái nhất cuộc bãi khóa, bị gọi từng người lên văn phòng ông Ðốc học. Quỳnh và Tuấn bị gọi lên trước tiên. Ông Tổng giám thị đưa cho coi biên bản của Conseil de Discipline ( Hội Ðồng Kỷ Luật ) quyết định đuổi các trò. Tuấn được hai ông giáo sư Pháp và một giáo sư An nam bênh vực xin cho ở lại, nhưng những ông khác nhất thiết đòi đuổi ra khỏi trường. Mặc dù kỳ thi lục cá nguyệt, Tuấn được điểm tốt và được sắp hạng 6 trên 40 học trò, Quỳnh được sắp hạng 5, Tố thứ 12, nhưng cả ba đều bị ghi vào học bạ:” Mauvais esprit. Renvoyé de l’ école par le Conseil de Discipline, pour avoir formenté la grève scolaire en Avril 1924 ) (Ðầu óc xấu. Bị đuổi khỏi học đường do quyết định của Hội Ðồng Kỷ Luật, vì đã khởi xướng cuộc bãi khóa tháng tư năm 1927 ). Chữ ký của ông Ðốc học Henri Deydier bên cạnh con dấu xanh tròn to tướng nằm dưới trang chót quyển học bạ không khác nào vòng xích sắt trói chặt tương lai của đời học sinh, khó vẫy vùng ra được. Ðêm ấy, Tuấn về nhà bỏ ăn, đi lang thang ra bãi bể, chàng ngồi dưới gốc cây phi lao, nghe gió rì rào trên cành cây và sóng biển ào ạt vào bờ, như vang dội triền miên của tiếng lòng nức nở…